Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Giá tôm ĐBSCL giảm mạnh

Chiều 26-3, theo Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cho biết, liên tục những ngày qua giá tôm nguyên liệu giảm rất mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm lo lắng.
Cụ thể, tôm thẻ loại 100 con/kg sụt chỉ còn 65.000- 70.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 20.000- 25.000 đồng so cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn giá thành sản xuất từ 10.000- 15.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá còn 130.000- 140.000 đồng/kg, mức giá khá thấp…

Nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL lý giải, là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều thị trường nhập khẩu tôm trên thế giới giảm mạnh, từ đó các đơn hàng xuất khẩu cũng giảm theo, bình quân 30-50%.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 việc xuất khẩu tôm gặp khó khăn, dẫn tới giá tôm ở ĐBSCL giảm mạnh

Cùng với việc giảm giá, thì nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đang khốn đốn khi thời tiết bất lợi khiến tôm bị bệnh và chết khá nhiều. Tại Trà Vinh, những ngày qua có 446 hộ thả nuôi tôm sú bị thiệt hại trên diện tích 165 ha, với số lượng giống 58,4 triệu con; có 701 hộ thả nuôi tôm thẻ bị thiệt hại trên diện tích 203 ha, với số lượng giống 145 triệu con… Nhiều hộ nuôi cho biết, tôm chết do thời tiết thay đổi đột ngột, ban ngày nắng quá nóng và lạnh dần vào đêm; đồng thời do độ mặn lên sớm hơn so với cùng kỳ, làm cho môi trường ao nuôi biến động gây thiệt hại đến tôm nuôi. Đa phần tôm chết ở giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi, với các bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy.

Thời tiết diễn biến bất lợi cho tôm nuôi

Hiện tại, Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi yếu tố môi trường trong ao nuôi, diễn biến thời tiết, độ mặn… để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Theo SGGP

Đối phó hạn, mặn trong nuôi tôm nước lợ

(Thủy sản Việt Nam) – Tình trạng hạn mặn tại ĐBSCL năm nay diễn ra sớm và nghiêm trọng hơn năm 2016 (một trong những năm hạn mặn lịch sử), ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào giữa tháng 3 (11 – 13/3). Ranh mặn 4 g/l ảnh hưởng sâu nhất 60 – 78 km, có nơi lên tới 100 – 110 km.

Thời điểm hạn mặn gay gắt này ẩn chứa nhiều rủi ro về dịch bệnh… người nuôi cần chú ý theo dõi quan trắc môi trường để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Ảnh hưởng của hạn mặn

So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ xuống giống năm nay chậm hơn hẳn do tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt hiện nay khiến người nuôi lo ngại về nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Sự thay đổi của các yếu tố môi trường tạo áp lực không nhỏ lên hệ miễn dịch của tôm, đặc biệt là độ mặn và nhiệt độ. Độ mặn thích hợp để nuôi TTCT là từ 5 – 15 ppt, vượt khỏi ngưỡng này khiến quá trình trao đổi chất của tôm bị xáo trộn, đặc biệt ảnh hưởng đến chu kỳ lột vỏ của tôm. Trong khi, nắng nóng thường đi kèm với hạn mặn khiến ao nuôi trở thành nơi lý tưởng để hệ vi sinh có hại phát triển mạnh mẽ. Các yếu tố này làm cho tôm nuôi dễ mắc các bệnh như đốm trắng, đầu vàng, phát sáng và EMS/AHPND…

Skretting cung cấp đầy đủ mọi sản phẩm và công cụ quản lý giúp người nuôi ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả. Ảnh: SK

Biện pháp ứng phó tức thời

Giai đoạn thả giống

Chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa là những khuyến cáo hàng đầu. Nếu thả, người nuôi nên lựa chọn nguồn tôm giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ; thực hiện nuôi 2 – 3 giai đoạn; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát); thả nuôi mật độ phù hợp với mô hình nuôi của mình. An toàn sinh học, quản lý chất lượng môi trường và quản lý thức ăn ở giai đoạn này rất quan trọng. Trong đó, PL là thức ăn chất lượng cao đặc biệt phù hợp cho giai đoạn ương (vèo) này. Đây là sản phẩm không chỉ cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho tôm giai đoạn này mà còn góp phần đáng kể vào duy trì chất lượng nước nuôi nhờ kết cấu đặc biệt, giúp bà con hạn chế thay nước trong bối cảnh nguồn nước ngọt khan hiếm như hiện nay.


Xpand – Thức ăn tăng trọng giúp người nuôi tôm chủ động hơn trong sản xuất

Quản lý ao nuôi

Để đối phó với hạn mặn, thiếu hụt nước ngọt nghiêm trọng ở giai đoạn nuôi tôm thương phẩm, người nuôi cần tiến hành gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, lắp đặt ao lắng đúng quy cách. Để hạn chế thay nước thường xuyên, giữ môi trường nuôi được ổn định và bảo vệ sức khỏe tôm trong quá trình nuôi, người nuôi cần chú ý xử lý nước và bùn đáy bằng các sản phẩm vi sinh như AOcare Control. Trong trường hợp cần phải sử dụng nước mới, nước lấy vào ao nuôi cần tiến hành diệt khuẩn lại; đồng thời các chỉ tiêu môi trường cũng cần được theo dõi và kiểm tra trước khi sử dụng, tránh làm môi trường nước ao nuôi bị thay đổi đột ngột.


Lorica – Thức ăn thủy sản đặc dụng cho các thời điểm bất lợi

Về dinh dưỡng, việc cho ăn cần được quản lý chặt chẽ trong thời điểm này. Cần lựa chọn và sử dụng loại thức ăn phù hợp (kích thước hạt, thành phần dinh dưỡng…), có thể giảm 15 – 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Bổ sung thêm Vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm, để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Để tiện lợi nhất, bà con có thể sử dụng các dòng thức ăn chuyên dụng cho thời điểm bất lợi như Lorica. Đây là loại thức ăn không chỉ có thành phần dinh dưỡng cân đối, mà còn được bổ sung thêm các hợp chất hỗ trợ miễn dịch, tăng sức khỏe đường ruột, đặc biệt phù hợp với những giai đoạn dễ gây stress cho tôm như tình hình hạn mặn hiện nay.

Biện pháp ứng phó dài hạn

Các giải pháp công nghệ được xem là biện pháp lâu dài, giúp bà con thích ứng với những biến đổi ngày càng gay gắt của thời tiết; hệ thống nuôi tôm công nghệ cao ít thay nước nhằm hạn chế sử dụng nước suốt mùa khô đang được nhiều người quan tâm. Hiểu được giá trị của nguồn nước ngọt quý giá nhưng có hạn, Skretting đã liên tục đưa đến thị trường những sản phẩm đặc biệt giúp bà con linh hoạt ứng phó với tình hình thời tiết hiện nay như: Vi sinh cao cấp AOcare Control (chế phẩm sinh học xử lý nước và đáy ao nuôi), thức ăn tăng trọng Xpand (sản phẩm giúp rút ngắn thời gian nuôi tôm), thức ăn tăng cường sức đề kháng Lorica (giúp tôm chống chịu tác động của môi trường); cũng như công cụ dự đoán và quản lý vụ nuôi hiệu quả như phần mềm Aquasim.

AOcare Control – vi sinh cao cấp xử lý nước và đáy ao nuôi

Năm nay, hạn mặn đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản, đặc biệt là ngành tôm nước lợ. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, nâng cao kỹ thuật chăm sóc và quản lý môi trường nuôi, đặc biệt là quản lý dinh dưỡng, tăng cường sử dụng vi sinh nhằm giữ chất lượng nước ổn định, từ đó tiết kiệm nước ngọt là những biện pháp ứng phó phù hợp, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Bà con nuôi tôm ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, có thể liên hệ ngay với đội ngũ kỹ thuật của Skretting tại địa phương mình để được tư vấn biện pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời nhất.


Skretting đồng hành cùng bà con vượt qua mùa hạn mặn 2020

>> Ông Trần Quang Đại, Giám đốc Dịch vụ kỹ thuật Skretting Việt Nam chia sẻ: “Mùa hạn mặn năm nay gay gắt hơn năm 2016 rõ rệt, nên bà con cần có những biện pháp ứng phó cấp thiết để bảo vệ đàn tôm. Hạn mặn kèm nắng nóng khiến tôm stress và là cơ hội cho Vibrio bùng phát, người nuôi cần chú ý giữ nền đáy sạch bằng cách đánh men vi sinh định kỳ, tránh để dư thừa thức ăn; quản lý màu nước sạch, ít có chất hữu cơ lơ lửng, độ trong 30 cm; quản lý hàm lượng ôxy hòa tan trên 5 mg/l ở tất cả các thời điểm trong ngày; pH dưới 8 và dao động trong ngày không quá 0,3; độ kiềm tối thiểu 100 mg CaCO3/l, NH3 dưới 0,1 mg/l và NO2 không vượt quá 0,5 mg/l’’.

Thanh Trúc – Skretting Việt Nam

Mỹ: Nhập khẩu tôm tháng 1 tăng mạnh

 Trong tháng đầu tiên của năm 2020, Mỹ đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng tôm từ nhiều quốc gia.

Tăng vọt bất thường

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong tháng đầu năm 2020 trong khi thị trường tôm Trung Quốc rơi vào trì trệ và gần như bị đóng băng do COVID-19 bùng phát. Các công ty sản xuất tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Ecuador và Argentina vận chuyển tôm sang Mỹ nhiều hơn thường lệ. Dù việc tăng cường nhập khẩu tôm và corona có vẻ liên quan đến nhau, song nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu tôm lại không nghĩ như vậy.

Mỹ đã nhập khẩu 65.109 tấn tôm, trị giá 566,2 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 19% khối lượng và 18% giá trị so tháng 1/2019, theo số liệu từ Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA). Giá trung bình của tất cả các mặt hàng tôm đạt 8,70 USD/kg, giảm 12% so mức 8,82 USD vào tháng 12/2018 và giảm 1% so giá tháng 1/2019.

Cả 3 nguồn cung tôm truyền thống và lớn nhất cho thị trường Mỹ đều tăng cường xuất tôm sang nước này, theo NOOA. Cụ thể, Ấn Độ đã xuất khẩu 28.231 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 244,6 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 31% khối lượng và 33% giá trị, với giá trung bình là 8,67 USD/kg, tăng 0,14 USD/kg so giá cùng kỳ năm ngoái. Indonesia cung cấp cho Mỹ 13.239 tấn tôm, trị giá 117,1 triệu USD, tăng 24% khối lượng và 21% giá trị. Giá xuất khẩu tôm trung bình của Indonesia đạt 8,85 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái 0,17 USD/kg. Nguồn cung lớn thứ 3 là Ecuador, với 8.431 tấn tôm xuất khẩu sang Mỹ, tăng vọt 64% khối lượng và 62% giá trị, giá trung bình 6,27 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái chỉ 0,06 USD/kg.

Những dữ liệu thống kê về nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 1/2020 khiến nhiều người không tránh khỏi sự ngạc nhiên vì quá bất thường, theo Donelse Berger, Phó Giám đốc công ty Lotus Seafood tại Seattle, Washington, một doanh nghiệp nhập khẩu tôm lâu đời tại Mỹ.

Trong khi tháng 10 và tháng 11 hàng năm mới có sự tăng vọt đột biến, thì tháng 1 năm nay lại ghi nhận lượng tôm nhập khẩu tăng bất thường. Tuy nhiên, tôm được giao đến thị trường Mỹ trong tháng 1 nằm trong những đơn hàng trước đó 2 tháng, cách xa thời điểm bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc. Nên không thể khẳng định lượng tôm này được Mỹ đặt mua để phục vụ thị trường do COVID-19 bùng phát. Thật khó tin khi Mỹ mua nhiều tôm hơn với giá không hề rẻ, ông Donelse Berger cho biết. Dù vậy ông vẫn tin dữ liệu thống kê của NOOA chính xác.

Jim Gulkin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Siam Canada không nhận thấy sự liên quan giữa COVID -19 và động thái nhập khẩu tôm bất thường tại Mỹ. Số liệu nhập khẩu tôm trong tháng 1 của Mỹ thực sự không phải do virus corona, ông Jim khẳng định. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân có thể do một vài lô hàng phục vụ lễ Giáng sinh bị chậm giao, tháng 1 mới đến được thị trường Mỹ, cộng với việc Mỹ muốn lấp đầy các kho hàng dự trữ. Điều này làm cho lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ dường như tăng vọt bất thường nhưng kỳ thực nó không hề phản ánh sự thay đổi nào trên thị trường Mỹ.

Một công ty nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ cũng khẳng định COVID -19 không thể chi phối xu hướng thị trường tôm Mỹ trong tháng 1 vừa qua. Theo công ty này, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ vào thời điểm cuối năm 2019 rất mạnh, vì kinh tế ổn định, giá tôm hợp lý và lượng tôm tiêu thụ tại các chuỗi dịch vụ thực phẩm đều tăng cao. Ngoài ra, nhiều công ty cũng nỗ lực chuẩn bị trước hàng cho mùa chay sẽ diễn ra vào tháng 4 hàng năm và xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm vào mùa hè. Theo công ty này, nhìn chung giá tôm giảm so năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ có Ấn Độ gần đây đã xuất khẩu rất nhiều tôm cỡ lớn 16 – 20 đến 20 – 25 sang Mỹ, khiến giá tôm trung bình dường như tăng cao hơn năm ngoái.

 

Vượt thị trường tôm Trung Quốc?

Năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, với 718.000 tấn, trị giá 4,4 tỷ USD, vượt 462.000 tấn so với năm 2018, theo Undercurrentnews. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa tính đến lượng lớn tôm chuyển tải qua Việt Nam không thống kê chính thức được. Tính riêng tháng 12/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 97.000 tấn tôm. Trong năm này, các nguồn cung tôm lớn nhất tại thị trường Trung Quốc gồm Ecuador (322.636 tấn), Ấn Độ (155.027 tấn), Argentina (35.099 tấn) và Indonesia (9.269 tấn).

Những công ty xuất khẩu tôm cũng đang đứng ngồi không yên tại Trung Quốc. Họ đang nỗ lực để vượt qua các vấn đề cơ sở hạ tầng thương mại. Nhiều cảng biển bị phong tỏa, giao thông đi lại trong nước bị kìm hãm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân Trung Quốc sụt giảm mạnh, dẫn đến nguồn cung hàng hóa bị ứ đọng và tràn ngập thị trường toàn cầu, theo Pavethra Ponniah, Phó Giám đốc ngân hàng đầu tư ICRA, Ấn Độ.

Ngoài nhu cầu tiêu thụ giảm, giao thông trong nước bị phong tỏa dẫn đến hàng hóa ùn ứ tại cảng, trong kho hàng và cả nhà máy chế biến làm nhiều mặt hàng thủy, hải sản tươi sống bị hư hỏng nặng. Các cảng biển vẫn chưa thông quan trở lại trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, số phận các container hàng thủy, hải sản vẫn chưa thể định đoạt.

Nhiều hãng chế biến và kinh doanh tôm Ấn Độ tại sự kiện Hội chợ triển lãm thủy hải sản quốc tế Kochi tổ chức hồi đầu tháng 2 cho biết giá tôm đã giảm tới 0,5 USD/kg. Tôm Ecuador giảm 15 – 23% tùy cỡ, mặc dù vậy xuất khẩu tôm của Ấn Độ vẫn tăng trưởng ngoạn mục trong cuối tháng trước.

Năm ngoái, Mỹ vẫn là một thị trường lớn với mặt hàng tôm khi nhập khẩu  700.065 tấn tôm, mặc dù đã giảm 18.000 từ Trung Quốc, nhưng trị giá lên đến 6 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so năm trước đó. Nhà nhập khẩu tôm Ấn Độ tại Mỹ cho biết họ lo ngại thị trường Mỹ sẽ khủng hoảng do các ca nhiễm COVID -19 đang tăng dần. Tuy nhiên, theo công ty này, tín hiệu tích cực là nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân vẫn chưa suy yếu. Do đó, công ty này vẫn dồn lực vào xuất khẩu hàng khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến quá phức tạp và vượt tầm kiểm soát.
Tuấn Minh – http://thuysanvietnam.com.vn/
Theo Undercurrentnews

Trung Quốc: Tiêu thụ thủy sản dự báo tăng khi các nhà hàng mở cửa trở lại

Các nhà hàng trên khắp Trung Quốc đang mở cửa trở lại, có thể thúc đẩy tiêu dùng thủy sản, một bản tin của CCTV ngày 17/3 cho hay.

Hơn 140.000 công ty trong ngành dịch vụ ăn uống tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông thuộc miền Nam Trung Quốc đã mở cửa hoạt động trở lại trong tuần này. Con số này chiếm 70% tất cả doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tại thành phố của trung tâm sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc – Đồng bằng sông Châu Giang.

Ảnh minh họa

Hu Luyi cho hay: “Sáng nay tôi cùng bạn gái đi ăn tại một nhà hàng lần đầu tiên trong 5 tuần qua”. Khách hàng được yêu cầu ngồi cách xa nhau, trong khi một số nhà hàng tại tỉnh Sơn Tây sử dụng robot để phục vụ đồ ăn. Tại tỉnh Vân Nam, CCTV đưa tin, các điểm đỗ xe ngoài các nhà hàng đều kín chỗ. Trong một nhà hàng tại Trường Sa, thuộc tỉnh Hồ Nam, khách hàng được kiểm tra nhiệt độ cơ thể và thông tin ID cho các mục đích truy xuất về sau.

Hu cho biết tại Trung Quốc, truyền thông đã chuyển từ vấn đề virus corona sang khởi động lại nền kinh tế. Theo Hu: “Chúng tôi không còn nói nhiều về các ca nhiễm bệnh hoặc nói rất ít. Các ca chủ yếu xảy ra tại các nước khác, từ các sân bay. Có thể có một vài chục ca mỗi ngày tại một đất nước 1,4 tỷ dân nên mọi người không còn quá lo lắng về việc lây nhiễm trong nước. Ngoại trừ tâm dịch Hồ Bắc hiện vẫn đang áp dụng một số biện pháp phong tỏa”.

Phương Ngọc
Theo Undercurrent News

Ngành thủy sản Trung Quốc đang thức giấc!

Trang trại cá vược đẩy nhanh kế hoạch mở rộng khi các biện pháp hạn chế còn chưa được bỏ hoàn toàn.

Sau khi kết thúc 50 ngày phong tỏa để dập dịch Covid-19, ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại. Mặc dù còn phải đối mặt với một cuộc chiến mới nhưng đa số những nhà sản xuất thủy sản đều lạc quan khi nói về tương lai.

Để dập dịch Covid-19, Trung Quốc đã cho ngừng tất cả các dịch vụ công cộng, người dân không được rời khỏi nhà, rào chắn ngăn chặn giao thông đặt ở khắp các cửa ngõ. 50 ngày là một giấc ngủ khá dài, khi tác động của con người đột ngột biến mất, thiên nhiên sẽ thức giấc, gần đây thậm chí người ta còn nhìn thấy một con gấu trúc hoang dã lang thang ở đường cao tốc – điều không ai dám tượng tưởng trước đây. Thực trạng khiến thế giới mang cái nhìn ngao ngán về kinh tế Trung Quốc!

Nhưng Trung Quốc dường như đang hồi phục khá nhanh. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều báo cáo không có trường hợp mắc mới COVID-19 trong tuần qua. Các ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn, giao thông vận tải đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Mặc dù dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, nhưng xã hội Trung Quốc đã thức dậy sau thời gian ngủ đông. Chợ hải sản Huangsha ở Quảng Châu đã nhộn nhịp như chưa từng có dịch bệnh. Ông Lin – chủ một cửa hàng bán cá bận rộn không ngơi tay, ông đã luôn tay luôn chân từ 6h sáng cho đến tận chiều tối. Người Quảng Đông rất yêu thích cá, bây giờ tất cả mọi người đang ra khỏi nhà để mua sắm, cứ tưởng Nguyên Đán bây giờ mới đến.

Tại Thành Đô, thủ phủ của Tứ Xuyên các nhà hàng đã mở cửa như bình thường. Hơi nước bốc lên từ nồi lẩu và làm mờ các cửa sổ, nhưng vẫn có một dấu hiệu trên cửa ra vào quy định khách hàng đeo khẩu trang trước khi vào nhà hàng, còn khách du lịch phải điền vào các biểu mẫu trước khi nhận phòng khách sạn, những người đến từ khu vực có nguy cơ cao phải sống trong các khách sạn được chỉ định.


Các nhà sản xuất Trung Quốc bàn về tương lai theo cách lạc quan nhất.

Một trang trại nuôi cá vược rộng 2ha bắt đầu tiếp tục xây dựng các ao nuôi bị trì hoãn bởi đại dịch, chủ trại nuôi rất lạc quan về kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của mình, mặc dù cuộc khủng hoảng vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Ở một trang trại nuôi cá tầm khác, mọi người cũng đang cho xây dựng bể bê tông rộng 15.000m2 với vốn đầu tư 10 triệu nhân dân tệ, họ nói về kế hoạch một vụ nuôi bội thu, như thể trang trại thật sự đã bán được hàng tấn cá tầm.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Trung Quốc có thể sẽ phải chịu thiệt hại lâu dài. Lệnh kiểm soát chặt chẽ buôn bán động vật hoang dã sẽ khiến việc kinh doanh một số loài đang được nuôi rộng rãi như ếch Thái Lan (Rana tigrina cantor) và ba ba trơn (Pelodiscus sinensis – Chinese softshell turtle) trở nên khó khăn hơn nhiều. Ví dụ, riêng ngành buôn bán ếch Thái Lan đã trị giá 800 triệu nhân dân tệ (112 triệu USD) mỗi năm chỉ riêng tính ở tỉnh Hải Nam, không bao gồm các dịch vụ hỗ trợ như thức ăn và chế biến. Ngành nuôi ếch đã kháng cáo để loài này không nằm trong danh sách bị cấm, nhưng sự khác biệt giữa ếch hoang dã và ếch nuôi thường không rõ ràng, nên đề nghị này có thể không được chấp thuận.

Dĩ nhiên nền kinh tế của Trung Quốc không thể phục hồi ngay sau khi Covid-19 kết thúc, ngành thủy sản cũng không ngoại lệ, nhưng mọi người đều đã chăm chỉ làm việc trở lại, từ những tiểu thương ở chợ, quán lẩu nhỏ hay chủ các trang trại nuôi khổng lồ. Người nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc có một niềm tin lạc quan đến kỳ lạ về tương lai, đó là tinh thần đáng khích lệ và học hỏi.

Hoài An
Nguồn : https://tepbac.com/

KHOẢNG 360 TẤN TÔM HÙM THƯƠNG PHẨM CHƯA THỂ XUẤT BÁN

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến giữa tháng 3, toàn tỉnh Khánh Hòa còn tồn khoảng 360 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất bán, chủ yếu là tôm hùm xanh (giảm khoảng 220 tấn so với giữa tháng 2). Trong đó, có khoảng 350 tấn tôm của người dân nuôi tại TP. Cam Ranh và khoảng 10 tấn tôm nuôi tại huyện Vạn Ninh. Từ ngày 26-2, đã có một số doanh nghiệp thu mua tôm hùm để xuất khẩu, tuy nhiên thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất chậm. Hiện nay, giá tôm hùm xanh ở các vùng nuôi trong tỉnh khá thấp, tôm kích cỡ 3 – 4 con/kg có giá khoảng 520.000 đồng/kg, tôm hùm xanh kích cỡ nhỏ hơn thì giá bán thấp hơn.


Chi cục Thủy sản tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi lưu giữ, tránh bán ồ ạt với giá thấp dễ dẫn đến thua lỗ nặng. Đồng thời, người nuôi cần hạn chế thả nuôi trong tình hình hiện nay.

B.L

Theo: Báo Khánh Hòa

Cà Mau sắp vào vụ tôm: Cần nhất tiền mua tôm cho dân và kho lạnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt kinh tế và đời sống người dân bị ảnh hưởng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau đang lao đao khi kim ngạch xuất khẩu tôm giảm, dự báo còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 18%

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn hàng đầu cả nước, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỷ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thuỷ sản cũng đem lại sinh kế cho hàng ngàn hộ dân đất Mũi.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu tôm trong tỉnh chỉ đạt trên 140 triệu USD, bằng hơn 12% kế hoạch, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kim ngạch thủy sản giảm sút là do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn.

Xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau giảm hơn 18% trong những tháng đầu năm do dịch Covid-19. Ảnh: TA.

Song song đó, các đối tác lớn đề nghị tạm ngừng các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, nhiều nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng việc giao hàng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước đạt hơn 16 triệu USD, giảm hơn 66,7%; Trung Quốc ước đạt hơn 4,5 triệu USD, giảm hơn 67,7%.

Mặc khác, việc tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước tạm dừng nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Trung – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, nhận định: Do đầu năm các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, nhưng nếu dịch Covid-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu. Tình hình này cũng sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương, do phải tốn thêm nhiều chi phí để dự trữ hàng hóa, nhất là tiền điện.

Tác động xấu đến người nuôi tôm

Theo thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thuỷ sản đến tháng 3 đạt 146.500 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi 46.800 tấn; sản lượng tôm khai thác 700 tấn. Tổng diện tích nuôi tôm cả tỉnh khoảng 280.200ha.

Trong đó, nuôi tôm thâm canh: 8.593ha; tôm quảng canh cải tiến: 144.495ha; tôm quảng canh: 135.900ha. Sản lượng tôm dự kiến đến cuối năm 2020 là 210.000 tấn. Trong đó: Sản lượng tôm nuôi: 200.000 tấn; sản lượng tôm khai thác biển: 10.000 tấn.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep), các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và nhận định trong ít nhất khoảng 4 tháng nữa, tình hình xuất khẩu vẫn chưa khả quan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn gây nhiều khó khăn cho hộ nuôi khi sắp vào thời điểm thu hoạch rộ.

Không chỉ doanh nghiệp, việc xuất khẩu gặp khó khăn còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi. Ảnh: TM.

Theo ông Trần Hoàng Em – Tổng Thư ký Casep, người dân sắp bước vào thu hoạch tôm, tuy nhiên hiện giá tôm sú cỡ 20 con/kg chỉ còn khoảng 180.000 đồng/kg, so với trước Tết đã giảm khoảng 100.000 đồng/kg.

Ở Cà Mau, sản lượng tôm nguyên liệu khoảng 200.000 tấn/năm, nếu doanh nghiệp không mua thì dân không biết bán ở đâu.

“Chính vì vậy, để có được nguồn vốn thu mua tôm cho dân và trữ hàng, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm triển khai gói vay hỗ trợ 30.000 tỷ đồng (gói vay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19)” – ông Em nêu thực tế.

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, dự kiến tháng 4 và quý 2/2020 còn nhiều khó khăn, kim ngạch không khả quan. Từ đó, doanh nghiệp cần tranh thủ thị trường Trung Quốc (do Trung Quốc đã kiểm soát cơ bản được dịch Covid – 19, hoạt động kinh tế – nhu cầu nhập khẩu bắt đầu hồi phục); tranh thủ thị trường Nhật Bản (do kiềm chế – hạn chế dịch bệnh, đang còn hoạt động xuất nhập khá tốt); nắm sát tình hình các thị trường khác để tranh thủ xuất khẩu và có giải pháp phù hợp kịp thời.

Để có những hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, thông tin: “Đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT và các sở, ngành liên quan rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; rà soát cụ thể tình tình xuất khẩu các doanh nghiệp, tranh thủ xuất khẩu khi điều kiện có thể.

Bên cạnh đó, củng cố thị trường truyền thống, mở rộng nhiều thị trường mới linh hoạt phù hợp tình hình. Phối hợp tạo điều kiện các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên phụ liệu, trang thiết bị máy móc để sản xuất hàng xuất khẩu.

Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng, bảo hiểm xã hội, điện lực, thuế… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn thu mua chế biến, trữ hàng chờ xuất khẩu, góp phần bình ổn giá tôm nguyên liệu.

Theo CHÚC LY (Dân Việt)