Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Thủy sản bị ảnh hưởng nặng bởi hạn, mặn

Tình trạng hạn, mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay diễn ra sớm và nghiêm trọng hơn năm 2016 (một trong những năm hạn mặn lịch sử), ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Chỉ riêng ở Bến Tre có hơn 3.000 ha ao nuôi tôm càng xanh xen canh, quảng canh và gần 1.500 ha ao nuôi cá tra, trê, mè đang bị ảnh hưởng…

Thách thức từ hạn, mặn

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn vùng ĐBSCL. Không chỉ Bến Tre, người dân các tỉnh khác đều đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề về thủy sản.

Người dân vớt tôm chết do hạn mặn ở Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVNN.

Tại Cà Mau, bất lợi về thời tiết đã có những tác động mạnh đến nghề nuôi tôm. Xâm nhập mặn làm sức đề kháng của con tôm bị giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và gây hại trên diện rộng từ đầu vụ đến nay.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, tình trạng nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay đã làm cho các vuông nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, đặc biệt là các vùng nằm sâu trong nội đồng thiếu lượng nước lưu thông, trao đổi, khiến độ mặn trong vuông nuôi tăng trên 30‰, có nơi trên 40‰, nên tình trạng tôm chết bắt đầu xảy ra hàng loạt.

Còn theo người dân Bến Tre, đợt hạn mặn lịch sử 4 năm trước, người nuôi tôm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không nhiều như năm nay. Nhiều hộ nuôi tôm khẳng định, nuôi tôm hơn 20 năm qua, nhưng đây là năm lần đầu tiên tôm chết nhiều như vậy.

Dù diện tích thả nuôi từ đầu vụ đến nay của tỉnh Sóc Trăng chỉ mới hơn 6.000 ha, nhưng hiện cũng đã ghi nhận có khoảng 115 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết: “Với diễn biến thời tiết và độ mặn như hiện nay, dịch bệnh ngày càng phát sinh và gây hại trên diện rộng. Vì vậy, ngay sau khi có kết quả quan trắc, ngành Nông nghiệp địa phương đều phải đưa ra các cảnh báo sớm để người nuôi kịp thời phòng trị”.

Ứng phó để giảm thiệt hại với thủy sản nuôi

Trước thực tế trên, Chi cục Thủy sản Bến Tre đã cử cán bộ đến các địa phương nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ thông tin chuyên môn, để sớm có biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho bà con.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, nguy cơ thiệt hại tôm nuôi do biến động môi trường, dịch bệnh, hạn mặn xâm nhập đang gia tăng. Do đó, chính quyền địa phương và cán bộ khuyến nông cơ sở đang tập trung khuyến cáo bà con thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống; tuyệt đối không xả nước ao tôm bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý tiêu diệt các .mầm bệnh.

Ứng dụng công nghệ cao được xem là giải pháp quan trọng để chủ động trong việc nuôi thủy sản. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN.

Còn theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trước hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố trong khu vực cần chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thủy văn, hạn hán và xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc môi trường, thông tin kịp thời, hướng dẫn các giải pháp phòng ngừa. Về lâu dài cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ của từng địa phương phù hợp.

Trước tác động ngày một rõ nét của thời tiết, dịch bệnh, theo các chuyên gia, nuôi thủy sản cần chú trọng ứng dụng công nghệ cũng như các mô hình nuôi tân tiến (nuôi siêu thâm canh, nuôi ba giai đoạn…).

Ngành Nông nghiệp các địa phương cũng cần hướng dẫn người nuôi thực hiện các giải pháp kỹ thuật ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, như: Thường xuyên theo dõi chất lượng nước ao nuôi, chất lượng nguồn nước cấp, thực hiện các khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; hạn chế thay nước, đặc biệt là khi nguồn nước cấp có độ mặn tăng cao; áp dụng mô hình nuôi ít thay nước, nuôi tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm vi sinh, sản phẩm xử lý môi trường… nhằm cải thiện chất lượng nước ao nuôi và gia cố, kè bờ ao chắc chắn, để tránh rò rỉ và ngăn thẩm lậu nước mặn từ bên ngoài vào ao nuôi.

Đối với loại hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên kênh, rạch, ven sông, khi nước bị nhiễm mặn, người dân cần báo cáo cấp có thẩm quyền và tạm di dời đến địa điểm phù hợp (nếu được phép) để hạn chế thiệt hại. Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản yêu cầu người dân chỉ thả giống vụ mới khi đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nước có chất lượng phù hợp với thủy sản nuôi.

Minh Đăng/Báo Tin tức

Dân tình đổ xô vét sạch tôm sú khổng lồ vì bán với giá “chưa từng thấy”

Dân tình đổ xô vét sạch tôm sú khổng lồ vì bán với giá “chưa từng thấy”

Với mức giảm giá từ 200.000 – gần 300.000 đồng/kg, các dòng tôm sú cỡ đại, được quảng cáo nuôi quảng canh đang thu hút nhiều thực khách tìm mua.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá tôm sú biển tại nhiều chợ dân sinh và các nhà hàng hải sản ở Hà nội đã xuống giá khá nhiều so với trước đây. Thông thường, mỗi kg tôm sú tươi loại 20 con có giá khoảng 450.000 đồng nay xuống còn 430.000 đồng/kg.

Đáng chú ý là tôm sú khổng lồ loại 1 với mỗi kg là khoảng 10 con hạ giá xuống còn 620.000 đồng/kg. Dòng hiếm hơn, có trọng lượng ngang ngửa trọng lượng tôm hùm baby hoặc tôm hùm xanh, dao động từ 200-300gram/con, vốn thường được rao bán với mức đắt đỏ, từ 890.000 đồng đến cả triệu đồng bất ngờ hạ giá sâu về mức 700.000 đồng/kg.

Theo thông tin rao bán, loại tôm khổng lồ này có tuổi đời trên 1 năm tuổi. Chúng hoàn toàn sống tự nhiên tại các đầm, hồ ở Cà Mau, Bến Tre. Do là tôm thiên nhiên nên thịt tôm ăn rất chắc, thơm, ngọt, hơn hẳn loại tôm nuôi công nghiệp.

Chúng hầu hết được đánh bắt và chuyển về cung cấp cho các nhà hàng, vựa hải sản lớn. Tuy nhiên, do hiện tại nhiều nhà hàng đóng cửa vì dịch Covid-19, khiến mặt hàng giảm giá và được các tiểu thương nhập về bán với giá “mềm” hơn trước đây.

Dân tình đổ xô vét sạch tôm sú khổng lồ vì bán với giá “chưa từng thấy” - Ảnh 1.

Tôm sú “cỡ đại” giảm giá mạnh vì dịch Covid-19.

“Vì nhu cầu khách mua tôm này khá lớn nên dạo trước nếu lấy được vài kg. Đợt này tôm rẻ và nhiều nên tôi nhập được 15kg, tuy nhiên, vẫn không đủ hàng bán cho khách. Hiện tại đã có thêm 30 khách đặt mua tôm nhưng tôi chưa dám hứa trước vì phụ thuộc nguồn hàng. Có lẽ do tò mò nên khách mua cũng đông”, chị Thu Hiền, chủ hàng hải sản trên phố Trần Kim Xuyến, Hà Nội cho biết.

Không dám nhận đặt hàng trước quá nhiều, chị Ngân, chủ hàng hải sản trên chợ thu mua hải sản Hà Nội cho biết, trước đây, thi thoảng cửa hàng gom được vài cân tôm “cỡ đại” nhưng dạo gần đây có thể nhập được hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, tôm về tới đâu hết tới đó, nên dù có khách đặt giữ chỗ và ngỏ ý chuyển tiền đặt cọc song chị Ngân đành từ chối.

“Mọi người thích mua tôm này vì tính ra 1kg tôm được rất nhiều thịt. Nhưng vì hàng về có khi không đúng lịch do việc vận chuyển chậm hơn trước, rồi giá tôm biến động mỗi ngày nên nếu báo không đúng giá thì dễ mất khách. Thế nên, cứ chắc gom được bao nhiêu, hàng về tới Hà Nội thì mình mới đăng bán chứ không nhận đặt trước”, Ngân bộc bạch.

Kinh doanh hải sản gần 7 năm, lần đầu tiên chị Ngân thấy tôm sú biển và các loại hải sản giảm giá mạnh đến vậy. Tuy nhiên, người này thừa nhận, hải sản không bán quá chạy như trước đây dù rằng giá mua đã “mềm” hơn.

“Ban đầu, khi giá tôm hùm xanh, tôm hùm baby hoặc tôm sú giảm mạnh, nhiều người đổ xô đi mua vì mấy khi có cơ hội thưởng thức mà giá rẻ hơn đến 300.000 – 400.000 đồng/kg so với trước đây. Nhưng hiện giờ, ai cũng thắt chặt chi tiêu hơn, các mặt hàng từ thịt lợn đến trứng cũng tăng giá thì hải sản dù có giảm thì cũng vẫn thuộc hàng đắt đỏ, có lẽ vì vậy mà bán chậm hơn”, bà chủ này tâm sự.

Dân tình đổ xô vét sạch tôm sú khổng lồ vì bán với giá “chưa từng thấy” - Ảnh 2.

Tôm sú giảm giá từ 30.000 – 70.000 đồng/kg.

Thủy, hải sản giảm giá mạnh vì Covid-19

Việc giảm giá các dòng tôm “cỡ đại” cũng như tôm hùm baby hay tôm hùm xanh vẫn nằm trong vòng biến động giá của thủy hải sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 3/4, báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy: Hiện nay giá bán các loại thủy, hải sản trên địa bàn TP hầu hết giảm 30 – 50%.

Khảo sát thị trường, nếu như trước đây, tôm hùm xanh có giá 800.000 – 900.000 đồng/kg, thì nay tại chợ dân sinh khu Thành Công, Nhân Chính… chỉ còn 580.000- 650.0000 đồng/kg. Thậm chí, mặt hàng này được nhiều người mang ra vỉa hè bán xả với giá 150.000 – 169.000 đồng/con.

Dân tình đổ xô vét sạch tôm sú khổng lồ vì bán với giá “chưa từng thấy” - Ảnh 3.

Thủy hải sản biến động giá vì dịch Covid-19.

Dân tình đổ xô vét sạch tôm sú khổng lồ vì bán với giá “chưa từng thấy” - Ảnh 4.

Nhiều người mua ngao hai cồi giá rẻ.

Ốc hương có giá 500.000 – 600.000 đồng/kg, nay chỉ hơn 200.000 đồng/kg, hàu sữa 50.000 – 55.000 đồng/kg. Trước đây, giá sò gạo luôn dao động trong mức từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, nhưng nay các địa chỉ bán hàng online rao bán sò theo dạng combo, 50.000 đồng/3kg, hay 17.000 đồng/kg.

Ngao hai cồi cũng giảm giá mạnh tại các nhà hàng hải sản từ 220.000 – 250.000 đồng/kg xuống còn 170.000 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống, siêu thị Big C, thậm chí ngao này chỉ còn 45.000 đồng/kg.

Nguồn  : http://toquoc.vn

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 5 năm qua

VOV.VN – Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam trong 5 năm qua, mức tăng trưởng trung bình năm là 16% và sau 5 năm tăng trên 55%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong giai đoạn 5 năm (2015-2019), ngành tôm Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong sản xuất và xuất khẩu, đạt tăng trưởng trung bình năm là 4%.

Cụ thể, diện tích nuôi tôm tăng trung bình 1,4%/năm, sản lượng tăng trung bình 5,7%/năm, chủ yếu nhờ năng suất nuôi tôm chân trắng cải thiện. Đáng nói, sản lượng tôm chân trắng tăng gần 41% sau 5 năm, với mức tăng trung bình 9% mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng tôm sú tăng trung bình 1,2% và chỉ tăng 3,1% sau 5 năm, năng suất không có sự tăng trưởng đáng kể so với tôm chân trắng.

xuat khau tom sang trung quoc tang manh nhat trong 5 nam qua hinh 1
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 5 năm qua. 

Cũng trong giai đoạn này, các thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam là:  EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 81-85% tổng giá trị. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạng nhất với mức tăng trưởng trung bình năm là 16% và sau 5 năm tăng trên 55%, tiếp đó là EU, Hàn Quốc.

Trong tổng lượng xuất khẩu tôm Việt Nam, sản phẩm tôm đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi tôm chế biến chỉ chiếm tỷ trọng đáng kể ở một số thị trường lớn, cao nhất là thị trường Mỹ, tiếp đến là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khi ASEAN và Trung Quốc ở mức thấp.

Tại những thị trường chính, thuế nhập khẩu các sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước xuất khẩu khác là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc, nhất là tại các thị trường có hiệp định FTA với Việt Nam. Đây sẽ là ưu thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 và những năm tới./.

Cà Mau: Giá tôm tăng trở lại

Sau một thời gian giảm mạnh, hiện giá tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Cà Mau đã tăng trở lại, người nuôicó lãi khá, nhất là tôm cỡ lớn.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nên giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu giảm mạnh hơn một tháng qua so với cùng kỳ năm 2019.

Nông dân thu hoạch tôm kích cỡ lớn cho lợi nhuận cao trong thời điểm này

Nếu nhưtháng trước, tôm thẻ chân trắng nguyên liệu được thương lái thu mua loại 100 con/kg tại các huyện giao động 73-75 ngàn/kg; loại 30 con/kg giá 128 ngàn đồng/kg thì hiện nay tình hình đã khởi sắc hơn.Trong những ngày đầu tháng 4, giá tôm thẻ chân trắngđược thương lái thu mua bắt đầu tăng nhẹ. Cụ thể, loại 15con/kg giá 244 ngàn đồng/kg; loại 20 con/kg giá 202 ngàn đồng/kg; loại 25con giá 169 ngàn đồng/kg; loại 30con/kg giá 132 ngàn đồng/kg và loại 100con/kg giá 90 ngàn đồng/kg.

Với giá bán như hiện nay thì người nuôi tôm sẽ có lãi khi thu hoạch, đặc biệt những ao nuôi kích cỡ lớn lãi sẽ cao.

Diệu Lữ- http://thuysanvietnam.com.vn/

Bạc Liêu: Vận động nông dân mở rộng mô hình lúa – tôm

Mô hình lúa – tôm ở thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) được nông dân ứng dụng sản xuất nhiều năm, cho hiệu quả cao và bền vững.Đây là một trong những mô hình được thị xã chọn làm chủ lực và khuyến khích nông dân nhân rộng.


Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cho hiệu quả cao. Ảnh: Skretting

Theo đánh giá, khi thực hiện mô hình này lúa ít sâu bệnh, lượng phân bón sử dụng ít. Đồng thời đồng ruộng được cải tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường nuôi tôm, giảm rủi ro cho con tôm.

Bình quân, năng suất lúa trên đất tôm đạt 5 tấn/ha, tôm nuôi đạt từ 300 – 400 kg/ha, thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, thị xã Giá Rai còn thực hiện chuỗi giá trị để liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thị xã Giá Rai đang vận động nông dân xã Phong Tân và xã Phong Thạnh Đông mở rộng hết diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm; nhân rộng mô hình lúa – tôm (với diện tích 5.000 ha) ở các xã Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh A.

Hải Linh – http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững

Với quyết tâm xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp của cả nước, thời gian qua, Bạc Liêu đã không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển nghề nuôi tôm. Trong đó, khuyến khích nông dân phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, nhất là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Bà Bùi Thị Huỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Việt Đức (TP. Hồ Chí Minh) nhận bằng tuyên dương thương hiệu đạt chất lượng châu Á.

THAY ĐỔI ĐỂ PHÁT TRIỂN

Có thể nói, tôm thẻ chân trắng là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp hiện nay. Với ưu thế cho sản lượng nhiều, thời gian nuôi ngắn và gặp thuận lợi về thị trường tiêu thụ nên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã và đang phát triển mạnh tại tỉnh Bạc Liêu, nhất là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.

Tuy nhiên, mô hình này cần vốn đầu tư lớn và trên hết là phải hướng đến phát triển bền vững. Trong khi đó, mô hình luôn phải đối đầu với nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và cả ô nhiễm môi trường sản xuất. Do vậy, rất cần một tư duy mới trong phát triển sản xuất. Qua áp dụng thực tiễn từ nhiều doanh nghiệp và nông dân, việc sử dụng công nghệ vi sinh, công nghệ an toàn sinh học trong nuôi tôm chính là giải pháp tối ưu. Đó là việc thay đổi nhận thức, tập quán sử dụng và lạm dụng quá mức các loại thuốc kháng sinh, hóa chất trong xử lý môi trường, cũng như các loại thuốc phòng và trị các bệnh thường gặp trên tôm mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm làm ra, đặc biệt hơn cả là ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững.

THÀNH CÔNG TỪ ỨNG DỤNG VI SINH

So với những nông dân nuôi tôm khác, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ anh N.V.A (xã Điền Hải, Huyện Đông Hải) được xem là mô hình nuôi tôm điển hình và bài học thành công của gia đình anh chính là sử dụng các sản phẩm sinh học của Công ty TNHH Khoa học Việt Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Với diện tích ao nuôi trung bình từ 1.000 – 1.500m2, mật độ thả nuôi khoảng 300 con/m2, tỷ lệ về size tôm đạt từ 20 – 30 con/kg và thành công mang lại từ mô hình đạt tỷ lệ gần 90%. Chia sẻ kinh nghiệm về thành công này, anh N.V.A cho biết: “Trước đây tỷ lệ nuôi tôm thành công của gia đình tôi và bà con trong vùng chỉ đạt từ 20 – 30%. Tôi rất trăn trở trước những khó khăn chung của bà con trong vùng. Do vậy, tôi nghĩ phải làm thay đổi tập quán nuôi của bà con nông dân bằng việc mạnh dạn ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và việc ứng dụng các sản phẩm sinh học phải là khâu đột phá”.

Theo anh N.V.A, nguyên nhân dẫn đến việc nuôi tôm của bà con nông dân kém hiệu quả và rủi ro cao đó là phần lớn nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của vi sinh trong việc xử lý môi trường và lấn át những vi khuẩn gây bệnh trên tôm; chưa có nguồn vi sinh tốt và luôn bị động, lúng túng khi ao nuôi tôm xảy ra sự cố như: tảo, khí độc, dịch bệnh…

Đặc biệt, khi tôm bệnh thì bà con thường dùng các loại hóa chất diệt khuẩn, kết hợp với kháng sinh để trị mà không lường trước được hậu quả; việc xử lý dịch bệnh trên tôm theo kinh nghiệm cá nhân, không nắm vững được các kiến thức cơ bản, bản chất vấn đề về phòng và trị bệnh. Điều đó không chỉ gây lãng phí tiền của, không hiệu quả, mà còn tác động xấu đến môi trường ao nuôi, không cách ly được dịch bệnh, nhất là nạn lạm dụng quá nhiều chất kháng sinh và hóa chất. Thậm chí, các loại kháng sinh và hóa chất không rõ nguồn gốc.

Với mong muốn “Cùng chia sẻ để cùng thành công”, anh N.V.A đã hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật mô hình nuôi tôm của mình cho nhiều nông dân để nhân rộng và hộ nào cũng nuôi tôm thành công. Hiện tại, anh N.V.A đang hỗ trợ khoảng 50 ao cho bà con tại huyện Đông Hải.

Theo anh N.V.A: Để nuôi tôm thành công, bà con nông dân cần tuân thủ quy trình và sử dụng các nhóm sản phẩm sau: Thứ nhất là nhóm sản phẩm vi sinh xử lý môi trường, khí độc, tảo… nhằm chủ động lấn áp mầm vi khuẩn gây bệnh từ môi trường: Vi sinh Emuniv.TS1 (các sản phẩm này là đề tài khoa học cấp Nhà nước do Giáo sư Phạm Văn Ty làm chủ nhiệm); Thứ hai là nhóm phòng và trị các bệnh về gan, tụy: Ưu tiên chọn những chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên; Thứ ba là nhóm phòng trị đường ruột, phân trắng và chậm lớn.

Anh N.V.A đặc biệt lưu ý bệnh chậm lớn, phân trắng do khuẩn vi bào tử trùng (EHP) ký sinh trong đường ruột mà biểu hiện là sưng (hạt gạo) đốt thứ 6, ruột đứt khúc hoăc nặng hơn là gây xoắn ruột (ruột răng cưa). 90% ao nuôi đều chậm lớn mà nguyên nhân chủ yếu là do vi bào tử trùng EHP. Bà con cần hiểu cơ chế nhằm chủ động lựa chọn chế phẩm để khống chế.

Với những kinh nghiệm này, anh N.V.A mong muốn bà con nông dân cùng nhau áp dụng để nhà nào cũng có một vụ mùa bội thu và cùng nhau làm giàu.

BÙI TRUNG- http://baobaclieu.vn/

Tôm thẻ chân trắng nuôi theo quy trình sạch được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với giá cao. Trong ảnh: Chế biến tôm thẻ tại Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt. Ảnh: L.D

Theo bà Bùi Thị Huỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Việt Đức (TP. Hồ Chí Minh): “Hiện trạng ngành nuôi tôm ở nước ta nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao, do nhiều nguyên nhân như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giá tôm nguyên liệu giảm… dẫn đến tỷ lệ thành công rất thấp.

Để chủ động đối phó với những yếu tố khách quan, bà con cần lựa chọn hướng đi phù hợp, quy trình nuôi tôm bền vững, độ an toàn cao và tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất và tăng tỷ lệ thành công”. Các sản phẩm của Công ty TNHH Khoa học Việt Đức như: Vi sinh Emuniv.TS, BZT-VĐ; Gan thảo dược VĐ-LIVER; bộ sản phẩm khắc phục hiện tượng chậm lớn, phân trắng do vi bào tử trùng: ANTI-EHP, VĐ-CLEAR… được bà con tin tưởng sử dụng. Việt Đức đã hợp tác với các đại lý lớn ở các khu vực nuôi trọng điểm như: Đại lý Thanh Thủy (anh Vui), Đại lý Mỹ Tiên (Đông Hải, Bạc Liêu); Đại lý Tâm Lực (Đầm Dơi, Cà Mau), Đại lý Tùng Thu (Long Phú, Sóc Trăng), Đại lý Bảy Tươi (Cầu Ngang, Trà Vinh)… Qua đó, cung cấp các sản phẩm chất lượng cho bà con nông dân.

Những mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả nhờ vào việc sử dụng các sản phẩm của công ty đã và đang được nhân rộng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất tôm nuôi, giúp người dân làm giàu và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với việc sử dụng vi sinh đã mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

“Thấm đòn” Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể trụ nổi

"Thấm đòn" Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể trụ nổi

Ảnh minh họa.

Hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong khi đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên của VASEP, do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 3/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra nhận định rằng, tháng 1/2020 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản. Từ tháng 3 này khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt sẽ kéo theo những hệ quả nặng nề ngày càng trầm trọng hơn.

Trước tình hình này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để hiểu rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động của các doanh nghiệp và ngành thủy sản.

Thấm đòn Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể trụ nổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

PV: Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như hoạt động tiêu thụ, giá cả nhiều ngành, trong đó có ngành thủy sản. Phía Hiệp hội đánh giá dịch Covid-19 sẽ tác động như thế nào đến ngành thủy sản trong thời gian tới thưa ông?

Ông Trương Đình Hoè: Dịch covid-19 đã lây lan và ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nó đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và nền kinh tế thế giới. Đặc biệt dịch đã bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ,… đây là cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Vì vậy ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bị những ảnh hưởng rõ rệt, ước tính xuất khẩu thủy sản riêng trong tháng 3/2020 chỉ đạt 549 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ, trong đó tại các thị trường trọng điểm đều giảm mạnh, lần lượt là: Châu Âu giảm sâu nhất (-40%), Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24% và Nhật Bản giảm 19%, riêng tại thị trường Mỹ do dịch Covid-19 bùng phát trễ hơn các thị trường khác nên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm tương đối nhẹ hơn -8,6% và tạm thời các sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ.

Tuy nhiên với diễn biến dịch bệnh còn đang phức tạp tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, do vậy trong vài tháng tới đây tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm. Doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng xuất khẩu sụt giảm, bị hoãn hoặc hủy các đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán không thuận lợi, sẽ có nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ) sẽ không thể trụ nổi.

PV: Dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu xuất khẩu ngành thủy sản năm nay thưa ông?

Ông Trương Đình Hoè: Như đã nói, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục sụt giảm. Do đó với kế hoạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong năm 2020 cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%, và các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng thường là: Trung Quốc, Châu Âu và Hàn Quốc.,.. Đặc biệt tại thị trường EU chủ yếu các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy, sản phẩm cá tra ít bị ảnh hưởng một phần do giá cả rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

PV: Để giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, phía Hiệp hội có khuyến cáo gì với doanh nghiệp hay không?

Ông Trương Đình Hoè: Những tác động bởi dịch Covid-19 đối với tình hình xuất khẩu thủy sản là không thể tránh khỏi và các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu tình hình dịch bệnh không thể được kiểm soát tốt. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay các doanh nghiệp hoàn toàn bị động, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tự tổ chức lại (từ kế hoạch sản xuất, lao động, thị trường xuất khẩu…) để giảm chi phí và tiếp tục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất của nhà máy nhằm tiếp tục đáp ứng các đơn hàng đúng theo tiến độ.

Phía VASEP vẫn thường xuyên tập hợp ý kiến doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc do ảnh hưởng của Covid-19 để có thể đề xuất lên Chính phủ những giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này.

PV: Ông dự báo bức tranh của ngành thủy sản năm nay thế nào: Về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, về tình hình sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước?

Ông Trương Đình Hoè: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát tốt tại các nước lớn cũng là thị trường lớn của xuất khẩu thủy sản thì trong năm 2020 dự đoán tất cả các ngành nghề không lạc quan cho lắm, trong đó có ngành thủy sản. Dù cho dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt trong cuối quý II/2020 thì các thị trường cũng cần có thời gian để hồi phục trở lại. Người dân cũng cần phải ổn định lại đời sống của họ, mặc dù nói thực phẩm là cần thiết nhưng lúc này người tiêu dùng sẽ cân nhắc hơn và những sản phẩm giá rẻ sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tiêu thụ.

Nhìn chung trong năm 2020 này, các doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu cầm chừng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm vài tháng nữa. Đối với thị trường nội địa cũng không dễ dàng khi có rất nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động duy trì, tình trạng công nhân bị mất việc, giảm lương,…do đó tình hình tiêu dùng trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể.

Với hy vọng đến cuối quý II/2020 toàn thế giới có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, không còn lây lan, để các thị trường có thời gian hồi phục trở lại và hy vọng ngành thủy sản Việt Nam có thể dần khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm.

Quỳnh Anh

Theo Nhịp sống kinh tế