Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Tôm hùm giảm giá chưa từng thấy, dân buôn “khóc dở” vì ôm cả tấn hàng tồn

Tôm hùm giảm giá chưa từng thấy, dân buôn "khóc dở" vì ôm cả tấn hàng tồn

Chưa khi nào giá tôm hùm giảm mạnh như hiện tại. Đặc biệt là tôm hùm ngộp, mỗi kg giảm xuống còn 150.000 – 160.000 đồng/kg, rẻ hơn cả thịt lợn.

Thị trường thủy, hải sản đang chứng kiến cảnh giá sụt giảm mạnh. Các nhà hàng tạm ngừng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến cho sức mua hải sản giảm trong khi nguồn hàng dồi dào. Trong đó có tôm hùm giảm giá khá sâu so với 2 tuần trước đây và đợt giải cứu hồi tháng 2.

Hiện tại, tôm hùm baby trọng lượng 400 – 500gram/con chỉ còn 620.000 đồng/kg. Dòng nhỏ hơn, dao động từ 100 – 200gram/con giảm xuống 380.000 đồng/kg. Tôm hùm bông hay tôm hùm xanh cũng giảm giá 20% so với thời gian trước.

Rẻ nhất hiện tại là tôm hùm dập đá, tôm ngộp. Chúng được rao bán trên các chợ hải sản online với mức 150.000 – 160.000 đồng/kg loại 100gram/con, giá 200.000 – 230.000 đồng/kg đối với loại 200gram/con.

Với tôm ngộp từ 200 – 300gram/con, giá là 250.000 – 260.000 đồng/kg. Loại tôm to từ 0,5kg/con trở lên chỉ còn 350.000 – 380.000 đồng/kg. Mỗi loại đang giảm từ 20 – 30.000 đồng/kg so với vài ngày trước đây.

Tôm hùm giảm giá chưa từng thấy, dân buôn khóc dở vì ôm cả tấn hàng tồn - Ảnh 1.

Tôm hùm ngộp loại 100 – 200gram giảm giá xuống còn 150.000 – 160.000 đồng/kg, trong khi trước đây chúng có giá khoảng 220.000 đồng/kg.

Tôm hùm giảm giá chưa từng thấy, dân buôn khóc dở vì ôm cả tấn hàng tồn - Ảnh 2.

Nguồn hàng của các sạp hải sản khá dồi dào.

Theo chị Thu Mai, chủ hàng hải sản trên đường Nguyễn Trãi, tôm hùm ngộp còn được nhiều người gọi là tôm hùm ngất, đây đều là những con tôm hùm nuôi yếu sức hoặc do thay đổi thời tiết, môi trường nước, lột không được dẫn đến yếu. Tôm này chủ yếu được đóng thùng đá ướp lạnh chuyển đi bán.

Hiện tại, giá bán tôm hùm ngộp tại các chợ hoặc cửa hàng đang nhỉnh hơn so với giá của các hàng online từ 50.000 đồng/kg do chi phí về cửa hàng, nhân công và nguồn cấp hàng. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào thì người bán đang gặp tình trạng chung là ế ẩm hàng hóa.

“Nhiều ngày nay, mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được 20kg tôm, giảm 50% so với tháng 2. Người mua thường thích ăn tôm sống hơn tôm ngộp, một phần vì tôm sống ngon hơn, phần nữa là do từng có nơi bán hàng kém chất lượng khiến cho khách mất niềm tin nên hàng bán rất chậm. Chưa kể, giờ tôm hùm tươi cũng giảm đến 40-50% giá so với trước đây, nên cạnh tranh thật sự khó”, chị Thu Mai chia sẻ.

Tôm hùm giảm giá chưa từng thấy, dân buôn khóc dở vì ôm cả tấn hàng tồn - Ảnh 3.

Tôm hùm đang tiêu thụ chậm tại các cửa hàng kinh doanh hải sản dù đã xuống giá.

Tôm hùm giảm giá chưa từng thấy, dân buôn khóc dở vì ôm cả tấn hàng tồn - Ảnh 4.

Tôm hùm cũng được bán phổ biến hơn ở các chợ dân sinh Hà Nội.

Tôm hùm giảm giá chưa từng thấy, dân buôn khóc dở vì ôm cả tấn hàng tồn - Ảnh 5.

Hay được mang xuống vỉa hè rao bán.

Tình cảnh cũng không mấy sáng sủa hơn, anh Tiến Hùng, chủ hàng hải sản tại Cầu Giấy cho biết, anh dự định nếu việc giãn cách xã hội đợt 1 được nới lỏng sau ngày 15/4, anh sẽ nhập thêm 2 tạ tôm ngộp để bán, hi vọng cải thiện tình trạng ế ẩm hải sản nhiều ngày trước đó. Tuy nhiên, kế hoạch đã phải tạm ngừng nên hiện tại, anh đang tìm cách đẩy số 20kg tôm hùm ngộp vẫn còn tồn trong kho trước đó.

“Tôm ngộp không để được lâu vì sẽ mất dần độ tươi ngon, thịt tôm cũng hao nhiều nên bán sẽ càng lỗ, trong khi vẫn còn đủ chi phí thuê nhà, tiền hàng đổ lên đầu. Chưa khi nào thấy tôm hùm giảm giá kinh khủng như thế”, anh Hùng bộc bạch.

Trên các chợ hải sản online, không ít tiểu thương như “ngồi trên đống lửa” vì trót ôm số lượng lớn lên tới cả tấn tôm hùm ngộp nhưng rơi vào cảnh ế ẩm hoặc bị “bom” hàng – khách đặt mua rồi hủy đơn.

Nhiều trong số đó cho biết, khi thấy mọi người đổ xô đi mua tôm hùm và các cửa hàng không đủ tôm để bán nên đã kinh doanh hải sản. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, nhu cầu giảm mạnh, cộng với việc thắt chặt chi tiêu khiến cho người bán rơi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”, bán ròng rã nhiều ngày không hết hàng phải xả lỗ vốn.

Theo Báo dân sinh

Sớm hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ

Nuôi tôm hùm trong bể trên bờ
Đoàn công tác của UBND tỉnh Phú Yên thăm mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: Anh Ngọc

Phú Yên kiểm tra đôn đốc thực hiện sớm công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ

Ngày 16/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã kiểm tra tình hình hoạt động tại khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao (xã Xuân Hải, TX Sông Cầu) và việc triển khai dự án Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở NN-PTNT, KH-CN, UBND huyện Đông Hòa, TX Sông Cầu.

Theo Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, dự án Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa được triển khai tại doanh nghiệp này với số lượng hơn 2.000 con, đến nay tôm nuôi được khoảng 10 tháng, đạt kích cỡ khoảng 0,3kg/con, tăng trưởng tốt. Dự án này triển khai theo công nghệ RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) với các trang thiết bị phụ trợ hiện đại như: hệ thống ổn định nhiệt, UV (đèn khử trùng nước trong nuôi trồng thủy sản), lọc sinh học, trống lọc, skimmer… Đây là dự án thuộc chương trình đổi mới công nghệ của quốc gia do Bộ KH-CN là cơ quan chủ quản quản lý với tổng kinh phí thực hiện hơn 40,5 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 19,3 tỉ đồng, số tiền còn lại là vốn đối ứng của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Mục đích của dự án này là hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa, xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, phát triển bền vững cả về kinh tế – xã hội và môi trường.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đại Dương đánh giá cao việc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc triển khai dự án, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh mà doanh nghiệp đang gặp phải do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh và ứng dụng tốt các quy trình kỹ thuật của đơn vị chuyển giao công nghệ để sản xuất, nuôi thành công tôm hùm trong bể trên bờ thuộc dự án này. UBND tỉnh cũng đề nghị doanh nghiệp sau khi kết thúc dự án, hoàn thiện công nghệ nuôi cần phối hợp và chuyển giao công nghệ để nhân rộng mô hình.

Anh Ngọc Báo Phú Yên

Tôm hùm ngộp giảm giá mạnh, chỉ 120 nghìn đồng/con

Người nuôi tôm hùm tại Phú Yên đứng ngồi không yên vì giá tôm lên xuống thất thường “không biết đâu mà lần”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tôm hùm không xuất khẩu được, giá tôm lên xuống thất thường dựa vào sức mua của người tiêu dùng trong nước. Sau đợt xuống giá rẻ hơn cả “giá giải cứu” vào cuối tháng 2, vài ngày gần đây, giá tôm hùm đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Tôm hùm ngộp giảm giá mạnh, chỉ 120 nghìn đồng/con - 1

Tôm hùm xanh đang trên đà tăng giá trở lại.

Anh Huy, người nuôi tôm hùm tại Sông Cầu (Phú Yên), cho biết 2 ngày nay thương lái đến khảo sát và mua tôm nhiều hơn khiến giá tôm tăng từ 50-100.000 đồng/kg. “Mấy ngày nay giá tôm hùm có lên nhẹ vì bên Trung Quốc bắt đầu thu mua trở lại, tuy số lượng ít nhưng là tín hiệu vui đối với những người nuôi tôm tại Phú Yên. Thay vì phải bán giá 450.000-500.000 đồng/kg để lấy tiền mua thức ăn duy trì đàn tôm như trước, nay giá tôm hùm xanh đã tăng lên 550 – 600.000 đồng/kg khi thu mua cả lồng”.

Theo anh Huy, với thông tin tôm hùm tăng giá trở lại, người dân tại Phú Yên đang trong trạng thái thấp thỏm “nửa mừng nửa lo”. “Thương lái có đi tìm mua nhiều hơn tuần trước nhưng không nhiều bằng đợt chưa có dịch. Người dân không biết sẽ tăng giá lên bao nhiêu và khi nào giá lại hạ. Một số hộ nuôi tiếp tục gồng mình vừa nuôi tôm vừa nghe ngóng tình hình giá cả, một số hộ thì rậm rịch bán tháo dù giá lỗ tương đối nhiều”, anh Huy nói thêm.

Tôm hùm ngộp giảm giá mạnh, chỉ 120 nghìn đồng/con - 2

Hàng loạt bài viết đăng tải thông tin tôm hùm tăng giá.

Chị Nguyễn Hằng, người nuôi tôm hùm tại Vạn Ninh, Khánh Hòa, cũng cho biết giá tôm hùm xanh khoảng vài ngày trở lại đây cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng giá hơn so với một tuần trước đó với giá thu mua tại bè khoảng 550.000 đồng/kg.

“Nghe nói cửa khẩu đang dần được mở lại, phía Trung Quốc bắt đầu nhập tôm hùm từ Việt Nam nên giá tôm có dấu hiệu tăng. Tuần trước, giá tôm bán tại bè chỉ khoảng 480-500.000 đồng/kg nhưng hiện tại thương lái đã trả từ 530-550.000 đồng/kg khi mua cả lồng 200kg với size tôm từ 0,2kg trở lên. Dù tăng nhưng nhiều hộ nuôi còn chưa muốn bán vì vẫn còn lỗ”, chị Hằng nói.

Tôm hùm ngộp giảm giá mạnh, chỉ 120 nghìn đồng/con - 3

Trái ngược với tôm hùm tươi sống, tôm hùm ngộp vẫn được bán với giá rất rẻ.

Trái ngược với giá tôm hùm sống đang tăng nhẹ, tôm hùm ngộp lại có dấu hiệu giảm mạnh. Chị Thảo Sương, người chuyên bán tôm hùm ngộp tại Sông Cầu, cho biết tôm hùm sống tăng từ 80-100.000 đồng/kg nhưng tôm ngộp lại đang bị xuống giá. “Mấy bữa nay nắng quá nên nóng nước, cạn nước cho nên tôm bị chết nhiều khiến giá xuống thấp. Khi tôm đã chết rồi thì chỉ để được vài tiếng bên ngoài sẽ có mùi, vì thế sẽ được ướp đá bán cho thương lái với giá rẻ.

Dù giá tôm ngộp rẻ nhưng lượng người mua cũng không nhiều, với tôm 0,5kg trở lên tôi đang bán với giá 450.000 đồng/kg, loại 0,3-0,4kg/con giá 370.000 đồng/kg, loại 0,2kg/kg giá 290.000 đồng/kg. Người mua thường thích ăn tôm sống hơn tôm ngộp, một phần vì tôm sống ngon hơn, phần nữa là do một số người bán hám lợi hay bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng nhằm thu lời cao nên khách ăn phải một lần là sợ”, chị Thảo Sương nói thêm.

Tôm hùm ngộp giảm giá mạnh, chỉ 120 nghìn đồng/con - 4

Hình ảnh sau khi luộc tôm hùm ngộp được khách phản ánh do có nước luộc sền sệt như thạch.

Theo chị Sương, nếu khách hàng mua tôm ngộp thì nên chọn người bán uy tín, không nên chọn những con tôm có các đốt trên thân giãn ra bất thường, nhất là ở phần đầu.

“Tôm sống đang bơi thường có giá đắt hơn tôm ngộp nhiều lần, chênh lệch giá từ 200-300.000 đồng/kg nhưng chỉ có tôm ngộp mới có thể bơm tạp chất nhằm tăng trọng lượng để tôm bán kiếm lời. Thường họ dùng bột thạch hòa vào nước rồi bơm vào tôm. Bột thạch không độc nhưng con tôm khi đã bị bơm tạp chất sẽ trông béo hơn, bắt mắt hơn. Người mua khi mua về sẽ thấy một lớp thạch nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, có thể dễ dàng thấy lớp thạch hòa cùng với nước luộc tôm”, chị Sương phân tích.

Khảo sát nhanh tại Hà Nội, tôm hùm sống chưa có dấu hiệu tăng giá so với tuần trước nhưng số lượng bày bán không nhiều do khách mua ít. Trên các chợ online cũng đã vắng bóng các bài đăng bán tôm hùm sống, thay vào đó là hàng loạt các bài bán tôm hùm ngộp với giá chỉ từ 120.000 đồng/con.

Theo Khánh An (Dân Việt)

Phú Yên: Thương lái chậm thu mua, người nuôi tôm hùm như ngồi trên lửa

Hiện nay, dù đến kỳ xuất bán tôm hùm nhưng tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu (Phú Yên), thương lái thu mua tôm rất chậm, khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa.

Nguyên nhân được chỉ ra là do việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Phạm Minh Hải, ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), thả nuôi hơn 1.000 con tôm hùm bông. Hơn 1 tháng nay, dù đã đánh tiếng nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thương lái nào đến mua tôm.
“Mọi năm, chúng tôi chỉ việc nuôi tôm, chuyện thu mua đã có thương lái. Họ canh mình nuôi đến gần kỳ xuất bán là chủ động gọi điện thoại đặt hàng trước, dặn dò đừng bán cho ai khác. Còn năm nay, không thấy ai gọi, tôi phải chủ động liên hệ với bạn hàng mời đến mua nhưng chưa ai nhận lời. Họ nói là tìm nơi tiêu thụ nhưng rất khó khăn”, ông Hải sốt ruột cho biết.
1-img_3459.jpg
Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên đến thời điểm thu hoạch gặp không ít khó khăn.

Tại thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), gia đình ông Nguyễn Thành Hưng cũng như đang ngồi trên đống lửa. Bởi từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 khởi phát ở Trung Quốc, thương lái đã giảm hẳn việc thu mua tôm hùm xuất khẩu, khiến giá tôm rớt thê thảm. Theo ông Hưng, trước Tết Nguyên đán 2020, giá tôm hùm tương đối cao (tôm hùm bông loại 1 khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 700.000-800.000 đồng/kg) nhưng nhiều người nuôi chỉ xuất bán cầm chừng chờ sau Tết giá tôm có khả năng tăng nữa sẽ xuất bán. Tuy nhiên, hiện nay, giá tôm hùm bông chỉ còn khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 480.000-500.000 đồng/kg nhưng đa số người nuôi không bán được tôm vì không có thương lái mua với số lượng nhiều.

“Nếu xuất bán với giá này, người nuôi tôm hùm lỗ nặng. Thế nhưng, điều đáng nói là muốn bán cũng không có mấy người mua bởi xuất khẩu không được; còn bán trong nước thì số lượng hạn chế vì người tiêu dùng chỉ mua lẻ mỗi lần vài ký, không đáng là bao. Hiện nay, gia đình tôi còn 10.000 con tôm thịt đã đến kỳ xuất bán nhưng không bán được; trong khi mỗi ngày cần đến tiền triệu để mua thức ăn cho tôm. Tiền nhà, rồi tiền vay ngân hàng đã trút hết xuống nước, nếu dịch bệnh cứ kéo dài thì không biết khi nào mới lấy lại được”, ông Hưng bộc bạch.

11untitled.jpg
Khó khăn vì không xuất được tôm sang Trung Quốc nên thương lái chỉ đưa đi tiêu thụ các tỉnh, thành trên cả nước

Theo ông Trần Văn Mạnh, thương lái chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu, lâu nay tôm hùm chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc; giá cả tùy loại, phụ thuộc vào thị trường. Thời điểm này, tôm nuôi đến kỳ chuẩn bị xuất bán, nhưng thị trường Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tôm hùm do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên người nuôi tôm hùm ở đâu cũng than khó.

Hiện trên địa bàn TX Sông Cầu có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi có tôm đến thời kỳ xuất bán nhưng không có thương lái thu mua. Do đó, người nuôi tôm hùm vẫn phải tiếp tục chăm sóc tôm nhưng để kéo dài, nhiều người đã bớt khẩu phần ăn của tôm lại còn khoảng 40-60% so với trước nhằm giảm chi phí.
img_3425.JPG
Vùng nuôi tôm hùm ở TX.Sông Cầu chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 gây ra

“Đối với lượng tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, tiếp tục chăm sóc tốt; đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho nông dân, địa phương kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể; các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và mở rộng thị trường nội địa”, ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết.

Theo các chuyên gia thủy sản, để phát triển tôm hùm bền vững, trong quá trình nuôi, người nuôi cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học để có thể truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ. Đồng thời có chính sách khuyến khích  doanh nghiệp thu gom xuất tôm hùm chính ngạch, để có sự ràng buộc về hợp đồng kinh tế. Chứ lâu này tôm hùm chủ yếu đi tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên tư thương tự buôn bán với nhau, thiếu bền vững.
 Tuấn Kiệt – https://kinhtenongthon.vn/

Phú Yên: Môi trường nuôi tôm hùm bị đe dọa

Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên), vừa có thông báo về kết quả quan trắc đột xuất môi trường nước tại vùng nuôi tôm hùm TX Sông Cầu.Qua đó phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu

Theo Trung tâm Giống nông nghiệp. Nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước vùng nuôi tôm hùm TX Sông Cầu có dấu hiệu bất thường như: Hoạt động cho tôm hùm ăn, phát sinh khối lượng lớn thức ăn thừa thải ra môi trường, khiến nguồn nước ô nhiễm, nhất là tầng đáy.

Một số vùng nước không lưu thông được. Thời tiết nắng nóng kéo dài, hiện tượng tảo nở hoa cũng gây ra nhiều bất lợi đối với vùng nuôi… Do vậy, Trung tâm Giống nông nghiệp đề nghị Phòng Kinh tế TX Sông Cầu.  Các xã, phường ven biển thông báo kết quả quan trắc môi trường đến người nuôi lồng, bè; khuyến cáo người nuôi nâng lồng lên tầng giữa hoặc cần thiết nâng lên tầng mặt để tránh thiếu ôxy cục bộ cho tôm nuôi và tránh ngộ độc H2S ở tầng đáy.

Nuôi tôm hùm
Nuôi tôm hùm tại TX Sông Cầu. Ảnh: PV

Kết quả điều tra

Theo đó, kết quả quan trắc môi trường nước lấy mẫu kiểm tra tại vùng nuôi Dân Phú. Xã Xuân Phương và Phước Lý, phường Xuân Yên, cho thấy nước vùng nuôi tôm hùm Dân Phú có màu nâu nhạt, chỉ tiêu H2S (khí độc) mẫu nước tầng đáy tại vùng nuôi vượt giới hạn cho phép, ở mức 0,006mg/l (giới hạn cho phép là 0,005mg/l).

Tại vùng nuôi Phước Lý mẫu nước tầng giữa và đáy có màu nâu đậm chuyển dần sang màu đỏ, chỉ tiêu H2S vượt giới hạn cho phép. Dao động từ 0,006-0,007mg/l. Đồng thời, hàm lượng COD (lượng ô xy cần để ô xy hóa toàn bộ các chất hóa học trong nước) mẫu nước tầng mặt ở vùng nuôi này là 10,2mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Người dân cần làm

Người nuôi cần dùng lưới lan hai lớp che mát trên mặt lồng nhằm giảm cường độ ánh sáng. Tránh tôm bị stress trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Giãn cách lồng nuôi cho phù hợp, tăng cường vệ sinh lồng nuôi. Không để hàu, hà bám vào lồng bịt kín các lỗ lưới làm giảm sự lưu thông dòng nước bên trong và ngoài lồng nuôi. Người nuôi cần thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm. Các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền xử lý theo đúng quy định; thường xuyên theo dõi màu nước, đề phòng hiện tượng tảo nở hoa, gây hại cho tôm hùm.

PV

Nguồn: Vietlinh.vn

Mùa tôm “lắng động” – mùa dịch “sôi nổi”

Vụ mùa mới lại đến, trong thời tiết thuận lợi cho tôm sinh trưởng, cho nên một bộ phận người nuôi đã thả giống sớm. Việc thả giống còn theo “thói quen” từng vùng. Nhưng về quy mô thì thưa thớt không sôi nổi so với năm ngoái, nguyên nhân chính cho việc sản lượng thả nuôi thấp hơn mọi năm là do ảnh hưởng của dịch covid 19 kéo dài làm giá tôm không ổn định nên một số hộ chưa vội thả nuôi vụ mới.

Diện tích thả nuôi tại các vùng

Vùng Sóc Trăng, theo số liệu từ cơ quan chức năng, đến thời điểm này thả giống trên 6.000 hecta, chiếm gần 15% diện tích nuôi. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước, gần 25.000 hecta. Với tỉ lệ thả nuôi này, không đáp ứng dự báo của các hãng cung ứng tôm giống lớn. Khiến có những mức khuyến mãi mua tôm giống cao ngất ngưởng, mua 1 tặng 1/2, thậm chí mua 1 tặng 1.

Phía Bắc sông Hậu thả giống sớm trong năm, phát triển khá ổn định, đang vào giai đoạn thu hoạch. Phía Nam sông Hậu thả giống trễ hơn, từ đầu năm và kéo dài tới rớt hột mưa. Vùng Bạc Liêu và Cà Mau, có diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến rất lớn có cách thả giống riêng của mình. Thông thường sẽ cải tạo sau lúc cuối mùa nắng và thả nuôi kéo dài cả năm.

vụ tôm mới
ảnh minh họa

Vì sao diện tích thả nuôi lại hạn chế

Có nhiều lý giải như: tình hình lây lan Covid-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng làm việc tiêu thụ trên thế giới sẽ giảm sút, giá tiêu thụ sẽ giảm theo. Có thể không mang hiệu quả tốt cho người nuôi. Nhưng một nguyên nhân khác hết sức quan trọng gây chùn tay thả nuôi tôm là tình hình các ao nuôi đã thả giống. Thông thường thời tiết nóng, vi khuẩn gan tụy phát triển mạnh hơn, thời tiết lạnh vào mùa mưa hoặc cuối năm virus đốm trắng sẽ bùng phát nhiều hơn. Khái quát như vậy, nhưng hiện nay virus đốm trắng đang tấn công mạnh các ao tôm từ một tháng rưỡi tuổi. Các chủ nuôi tôm Sóc Trăng và một số tỉnh đang thấm thía tác hại này.

Do tình hình ảnh hưởng từ Covid-19, các nhà máy tôm đang lo lắng phòng chống tình hình lây nhiễm dịch trong công nhân, lo lắng tình hình tiêu thụ, tình hình giao hàng. Nay thêm lo lắng tình hình dịch bệnh này kéo dài, người nuôi hạn chế thả nuôi tôm thì hai tháng nữa, theo thông lệ là vào vụ thu hoạch, khởi đầu mùa tôm… làm sao có đủ tôm chế biến. Không riêng các nhà máy tôm, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị con tôm cũng trong tâm trạng không vui này.

Thả tôm chậm lại có lợi hơn cho người nuôi

Tuy nhiên, việc thả giống chậm là hợp lý. Bởi nuôi làm sao giảm thiểu tối đa rủi ro. Khi mùa mưa bắt đầu, nhiệt độ không còn quá nóng, chênh lệc ngày đêm giảm và nhất là độ mặn của nước giảm đi phần nào sẽ khiến người nuôi an tâm hơn cho phương châm làm một vụ ăn chắc. Đó là hoàn cảnh nuôi các hộ nhỏ lẻ. Riêng các trang trại có điều kiện khắc phục các khó khăn như nhiệt độ, độ mặn thì việc thả nuôi sớm là khả thi và thả nuôi nhiều vụ mỗi năm.

Nói gì thì nói, “luồng gió độc” đang diễn ra đã gây tác hại không nhỏ. Thực ra không ít kế hoạch bị đảo lộn. Minh chứng là rất nhiều ao tôm đã chuẩn bị xong, nghe tình hình này nên tạm ngưng thả giống. Hiệu ứng domino, các nhà máy chế biến sẽ có khoảng thời gian thiếu hụt nguyên liệu, dẫn tới giá tôm tươi thất thường, đắt đồng ế chợ… Mùa tôm mặn năm nay khởi đầu thấy… mặn. Hy vọng Covid-19 sớm lụi tàn, hy vọng mùa mưa tới sớm hơn, thời tiết sớm dịu mát hơn để người nuôi an tâm thả giống thời gian tới. Và hy vọng lớn hơn, Covid-19 sớm tan, thế giới vui mừng, tiêu thụ tôm mạnh hơn, giá cũng tốt hơn!

TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Nguồn: Vasep

“thần dược” cây diệp hạ châu trong nuôi trồng thủy sản

Diệp hạ châu (cây chó đẻ thân xanh) được nghiêm cứu là có tính kháng khuẩn và tăng cường đáp ứng miễn dịch trong nuôi trồng thủy sản. Khi “thần dược” này có khả năng ức chế và tiêu diệt một số loại vi khuẩn Vibrio spp và V.parahaemolyticus gây nên các bệnh hoại tử gan- tụy cấp tính (AHPND) trên tôm và Tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch trên cá tra (Pagasionnodon hypothalmus). 

diep ha chau (cho de than xanh)
Ảnh DIỆP HẠ CHÂU THÂN XANH

Dùng để ức chế và tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây nên các bệnh hoại tử gan- tụy cấp tính (AHPND) trên tôm.

Điều này được thể hiện qua tỷ lệ MBC/MIC (Minimum bactericidal concentration/ Minimum inhibitory concentration- nồng độ tiêu diệt tối thiểu/ nồng độ ức chế tối thiều). Nếu tỷ lệ này nhỏ  hơn hoặc bằng 4 thì dịch chiết có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, mặt khác nếu tỷ lệ này lớn hơn 4 thì dịch chiết chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn.

Các thí nghiệm đã chứng minh rằng MIC và MBC của dịch chiết từ cây đối với V.parahaemolyticus lần lượt là 125 mg/mL; 500 mg/mL, nghĩa là tỷ lệ MBC/MIC bằng 4. Tương tự với Vibrio sp, MIC và MBC lần lượt là 62,5 mg/mL; 250mg/mL, tỷ lệ MBC/MIC bằng 4.

Dùng tăng cường hệ miễn dịch trên cá tra.

Khác với trên tôm, cây diệp hạ châu được nghiêm cứu tăng cường sức đề kháng giảm các tác nhân gây stress. Các hợp chất phenolic là các hợp chất chuyển hóa thứ cấp của thực vật có tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người vì chúng có hoạt tính chống oxi hóa. Ở nghiên cứu khác, nhóm phenolic và flavonid là những hợp chất có khả năng chống oxi hóa. Nổi trội nhất ở thực vật  là những hợp chất chống oxi hóa rất mạnh, được chứng minh là mạnh hơn vitamin C, vitamin E, carotenoid.

Kết quả nghiên cứu của cho thấy khi bổ sung dịch chiết từ cây chó đẻ thân xanh sau 24h thì hoạt tính ROS (Reactive oxigen species- Các dạng oxi phản ứng mạnh)  và chỉ số tổng kháng thể bạch cầu Ig của cá tra tăng đáng kể so với nghiệm thức đối chứng.

Ngoài ra cây chó đẻ thân xanh còn có tác dụng kháng khuẩn. 

Trong cây chó đẻ thân xanh (Phyllanthus amanus) có chứa một số nhóm hợp chất như: Nhóm ankaloid, nhóm phenolic, nhóm flavonoid và các acid khác. Nhiều báo cáo khoa học cũng đã chỉ ra rằng hợp chất phenolic và flavonid có hoạt tính kháng khuẩn cao. Sử dụng nồng độ phenolic tổng, flavonid tổng như một tiêu chí để xác định hoạt tính kháng khuẩn ở các thử nghiệm xác định hiệu quả của các loại dịch chiết từ thân hoặc từ lá cây chó đẻ.

Như vậy không ngoa khi nói cây chó đẻ thân xanh là thần dược khi tiềm năng ứng dụng dịch chiết từ cây chó đẻ thân xanh vào phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản là rất lớn, đặc biệt là trong trị bệnh do vi khuẩn Vibrio sp gây ra. Và có thể sử dụng dịch chiết kết hợp với chế phẩm EM để cho hiệu quả tốt hơn.

Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ; Tập 54.

Nguồn: tepbac.com