Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Sau đại dịch, xuất khẩu thuỷ sản sẽ tự tin tăng trưởng tốt

Hai mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra được dự báo sẽ có nhiều triển vọng về XK trong thời gian tới, góp phần đưa kim ngạch XK thuỷ sản bật tăng sau đại dịch.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương
Tự tin vào chất lượng xuất khẩu
Tự tin vào chất lượng nguyên liệu chế biến hàng XK, nhiều DN chế biến, XK thuỷ sản cho rằng, sản phẩm của Việt Nam sẽ có ưu thế để bật tăng sau đại dịch. Theo TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, hiện nay do dịch bệnh đầu vụ  và tình hình dịch Covid-19 khiến việc thả giống tôm nuôi chậm lại. Điều này khiến giá tôm trong nước sẽ biến động hình sin do thiếu hụt cục bộ, nhất là giai đoạn từ tháng 5 tới sẽ thiếu nguồn cung.
Tuy nhiên, theo ông Lực, nếu tình huống Covid-19 vãn hồi sớm, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước, do trình độ chế biến của DN Việt Nam cao. Điều này dẫn tới nhiều sản phẩm vào được các hệ thống phân phối cấp cao, giá cả tốt. “Dù Covid tác động kéo dài bao lâu, giá tôm cũng sẽ khá ổn, cơ bản do cung giảm. Nếu giá có giảm, sẽ không nhiều nhưng xu thế giá tăng là xu thế mạnh hơn”- ông Lực nhận định.
Với XK tôm của Công ty CP thực phẩm Sao Ta, đến nay DN đã có đủ đơn hàng XK cho quý II/2020, nên DN chủ động được nguồn cung, ứng dụng công nghệ 4.0 để nuôi trồng, chế biến sản phẩm XK, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu.
Trong diễn biến cung về XK thuỷ sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Điểm nhấn trong XK tôm đó là, XK tôm sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường NK chính. Trong bối cảnh XK bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam.
Mỹ đứng thứ 2 về NK tôm của Việt Nam. Tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Để XK tôm sang thị trường này đạt kết quả tốt nhất, VASEP khuyên cáo, doanh nghiệp XK sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.
Bên cạnh đó, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.
Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất sản phẩm cất lượng cao đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo- VASEP khuyến cáo.
Kỳ vọng tăng trưởng dương
Đối với mặt hàng cá tra, bức tranh XK đang sáng hơn khi chứng kiến giá trị XK cá tra sang hai thị trường lớn là Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ tăng trưởng khá tốt. Trong đó, tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đã tăng 109% so với tháng 1/2020.
Theo VASEP, 3 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Suốt quý đầu năm nay, Covid-19 đã tác động không nhỏ tới XK cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường. Tính đến hết tháng 3/2020, giá trị XK sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 63,2 triệu USD, chiếm 18,9% tổng giá trị XK cá tra, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, đây là mức XK lạc quan so với những ngày đầu năm – thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Riêng tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc- Hồng Kong đạt 34,7 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020. Trung Quốc – Hồng Kông trở lại là thị trường XK cá tra lớn nhất của DN Việt Nam trong quý I năm nay.
VASEP dự báo trong quý II/2020, XK cá tra sang thị trường lớn nhất này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với thị trường Mỹ, hiện Việt Nam có trên 30 doanh nghiệp tham gia XK cá tra sang thị trường Mỹ, trong đó, 3 doanh nghiệp lớn nhất là: VINH HOAN CORP, BIEN DONG SEAFOOD và VD FOOD LTD. Theo VASEP, nếu không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong giao dịch thương mại, có lẽ quý đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ khả quan hơn nhiều so với mức giảm liên tiếp ở năm ngoái. Tính riêng tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 23 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù, giá trị XK cá tra trong 3 tháng đầu năm nay vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 61,7 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước), nhưng trong các tháng đầu năm đã cho thấy phản ứng tích cực từ thị trường này. Các doanh nghiệp hy vọng trong quý II, giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn XK cá tra sang thị trường lớn Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới. Đây cũng sẽ cơ hội tốt để DN mở rộng thị phần XK sau đại dịch.
Theo Báo Hải Quan

Cần cơ chế quản lý sát sao các trại nuôi tôm

ao tôm
Câu chuyện quản lý là vấn đề muôn thuở trong nuôi tôm.

Trong những năm gần đây, nuôi tôm ở Việt Nam đã phát triển mạnh và trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là ngành nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiều các loại hóa chất, kháng sinh trong cải tạo…

Ô nhiễm nhiều

Những ngày đầu tháng 4/2020, người dân tại biển Đề Gi (Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định) phát hiện nhiều hộ nuôi tôm dùng ống nhựa nối vào hồ nuôi tôm để xả thải trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường. Các hồ nuôi tôm này được đầu tư xây dựng bài bản nhưng không đảm bảo yếu tố môi trường. Nước thải nuôi tôm từ hố chứa nước thải được xả thẳng ra biển qua các ống nhựa lắp đặt thủ công.

Cũng liên quan đến nước thải từ các trại nuôi tôm bức tử môi trường, giữa tháng 3 vừa qua, người dân tại thôn Nam Cương, xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) cũng phản ánh tình trạng này. Cụ thể, trước đây, nước thải của các trại nuôi tôm trên địa bàn được gom hết về một hồ để lắng lọc và xử lý tạp chất, rồi mới xả thải ra biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây không làm như vậy nữa, nước thải chưa qua xử lý của các trại đều chảy thẳng ra biển.

Tình trạng các trại nuôi tôm thương phẩm xả nước thải trực tiếp ra biển đã diễn ra suốt thời gian qua, xả liên tục cả ngày và đêm, gây lở bờ cát và ô nhiễm biển trên diện rộng. Dòng nước thải này không chỉ  “bức tử” môi trường biển hàng ngày mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thủy sản và ngư dân sinh sống trên vùng biển này. Thực tế, các loại hóa chất trong nuôi tôm sẽ khiến môi trường suy thoái, chất lượng nước suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chính những người nuôi tôm.

Ngoài ra, thức ăn thừa, phân tôm và quá trình chuyển hoá dinh dưỡng là nguồn gốc chủ yếu của các chất gây ô nhiễm ở các trại nuôi tôm quản lý kém.

Ghi nhận tại hai vùng nuôi Dân Phú – Xuân Phương và Phước Lý – Xuân Yên của Phú Yên cho biết, kết quả quan trắc đột xuất môi trường nước tại vùng nuôi tôm này có nhiều dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân, theo Trung tâm giống (Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên) là hoạt động cho tôm hùm ăn đã phát sinh một khối lượng lớn thức ăn dư thừa thải ra môi trường, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là tầng đáy; một số vùng nước không lưu thông được; thời tiết nắng nóng kéo dài, hiện tượng tảo nở hoa cũng gây ra nhiều bất lợi đối với vùng nuôi…

Câu chuyện muôn thủa

Vấn đề ô nhiễm do nuôi tôm công nghiệp đã được đề ra từ lâu. Chính phủ đã có những khuyến khích lẫn chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp, hộ nuôi gây ô nhiễm môi trường. Các biện pháp này của Chính phủ tỏ ra hữu dụng khi nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm xây dựng bài bản hệ thống xử lý thải trước khi xả ra môi trường.

Song, với thực tế ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, việc xử lý chất thải, nước thải chưa được quan tâm, hầu hết các hộ chưa có mô hình xử lý chất thải, nước thải đạt yêu cầu.  Đa số các hộ nuôi tôm chưa thực hiện nghiêm các quy định về BVMT, có chỗ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng chưa vận hành thường xuyên.

Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hoặc có xử lý nhưng chưa đạt chuẩn trước khi xả thải còn phổ biến. Chỉ có một số ít doanh nghiệp và hộ sử dụng hầm ủ biogas để xử lý nước thải, bùn thải và vỏ tôm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, quy mô hầm biogas còn quá nhỏ so với lượng nước thải, chất thải xả ra trong vụ nuôi.

Cùng với đó, hệ thống thủy lợi phục vụ vùng nuôi chưa được xây dựng đồng bộ. Việc sử dụng cùng một dòng sông, kênh, mương để lấy nước và xả nước là nguyên nhân làm lây lan mầm bệnh. Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở các huyện, thị xã còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn mặt nước và ảnh hưởng đến phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.

Hệ quả là phần lớn các vụ ô nhiễm đều đã xảy ra lúc đấy chính quyền mới phát hiện. Và biện pháp duy nhất là xử phạt và khắc phục.

Rõ ràng, hiện nay còn thiếu những biện pháp quản lý sát sao về xử lý nước thải trong nuôi tôm. Trong khi đó, mới đây, trong văn bản trả lời cử tri Bạc Liêu về vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ đề ra các giải pháp chung chung như hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường…

Quốc Trọng Khoa học & Đời sống

Cà Mau: Ưu tiên cho vay thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ

Tôm sú
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang cần nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ra công văn chỉ đạo về việc tập trung cho vay vốn để thu mua nguyên liệu tạm trữ của doanh nghiệp.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương về tín dụng, đặc biệt là cho vay mới hoặc tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhằm khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Qua đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện việc cho vay đối với các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ, nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, đánh bắt của người dân và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, góp phần ổn định kinh tế – xã hội của tỉnh.

Hiện nay lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến hiện khoảng 17.000 tấn (trong đó lưu kho khoảng 6.000 tấn), chiếm khoảng 70-75% sức chứa của các kho trên địa bàn tỉnh, tổng giá trị hàng hóa ước tính 147 triệu USD.

Nhiều thị trường trọng điểm đều đã không còn nhập khẩu, trong khi đó tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia này cũng chưa có dấu hiệu khả quan, vì vậy vấn đề đầu ra cho con tôm Cà Mau sẽ còn tiếp tục gặp khó.

Đã qua, các hệ thống ngân hàng thương mại cũng chỉ mới bước đầu thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhu cầu thực tế hiện nay của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là nguồn lực để tiếp tục duy trì hoạt động, trong đó tập trung thu mua nguyên liệu nhằm giữ cho nghề nuôi không bị “gãy”, cũng như lợi thế kinh tế biển, giải quyết được lao động trong tình cảnh khó khăn hiện nay, cố gắng duy trì, chờ ngày khôi phục thị trường sau dịch bệnh, đẩy mạnh xúc tiến, giữ vững ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của địa phương…

Trần Nguyên Đất Mũi

Các nhà máy vẫn cần nguồn tôm nguyên liệu

chế biến tôm
Mặc dù có bị chậm đơn, hủy đơn nhưng các nhà máy vẫn cần nguồn tôm nguyên liệu.

Trong lúc có thông tin thị trường nông sản bị ngưng trệ vì dịch Covid-19, ngành hàng tôm lại không nằm trong tình trạng này, mặc dù có chậm giao hàng, bị huỷ đơn hàng.

Minh chứng cho vấn đề này là việc hàng loạt các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu ở Cà Mau không giảm nhân công, không cắt giảm ca làm, không giảm công suất hoạt động. Ngược lại, các nhà máy lại lo thiếu nguồn cung ứng tôm nguyên liệu trong thời gian tới.

Giữ vững thị trường

Những tin đồn thất thiệt về cấm xe, dừng xuất khẩu thuỷ sản đi châu Âu, Nhật, Mỹ; không bán được hàng,… làm cho thời gian qua người nuôi tôm sợ lỗ không dám tái đầu tư.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) Phường 8, TP Cà Mau Lê Văn Điệp chia sẻ, giá bán tôm hiện nay tuy giảm hơn so với trước nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp ngưng thu mua; trong khi thông tin của doanh nghiệp đến người dân rất khó.

Những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2020, khi dịch bệnh lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng tại châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… đã làm tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thuỷ sản tươi sống.

Để ứng phó với tình hình này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp nỗ lực không ngừng tổ chức sản xuất theo diễn biến dịch bệnh đối với thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cho sản phẩm thuỷ sản.

Giám đốc nhân sự Công ty Minh Phú Phan Văn Tâm cho biết: “Công ty không vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà giảm nhân công làm việc. Ngược lại, Ban Giám đốc công ty luôn quán triệt các giải pháp phòng dịch an toàn để đảm bảo nhân sự hơn 6.300 công nhân của nhà máy”.

Về hoạt động xuất khẩu của công ty, ông Lê Văn Điệp cho hay, tuy 3 tháng đầu năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu của nhà máy sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; khách hàng huỷ đơn hàng khoảng 10% và lượng lớn kéo giãn thời gian giao nhận hàng, song, công ty vẫn thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn ổn định như trước đây.

Kho hàng của công ty với sức chứa 2.000 tấn nguyên liệu sau chế biến đến nay đã đầy, công ty còn phải liên kết với nhiều công ty khác để hợp đồng lưu kho lạnh nhằm giữ vững và ổn định lượng hàng hoá theo đơn hàng và cung ứng khách hàng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Cùng một quyết tâm không để hàng hoá khan hiếm sau dịch và ứ đọng trong mùa dịch, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và dịch vụ thuỷ sản Cà Mau (CASES) Lê Quang Khánh cho biết: Đơn vị đã chủ động phương pháp làm việc với khách hàng. Chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc qua môi trường mạng, qua điện thoại. Khi cần thiết, khách hàng đến kiểm tra hàng hoá thì phải đảm bảo các quy định bảo hộ, quy định phòng, chống dịch an toàn.

Cũng như các đơn vị khác, CASES cũng bị đối tác huỷ đơn hàng, hoãn thời gian giao hàng khoảng 20% sản lượng, tương đương 1.000 tấn, nhưng đơn vị vẫn tiếp tục sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng 80% lượng khách hàng còn lại và dự trù tình huống khan hàng, hút hàng thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL, ước trong quý I diện tích tôm (sú và thẻ) thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nuôi tôm quảng canh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019).

Ở Cà Mau, tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng không vì thế mà sản lượng khai thác và nuôi thuỷ sản của tỉnh giảm. Ước tính đến hết quý I/2020, sản lượng thuỷ sản của tỉnh đạt 146.500 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 88.000 tấn, tăng 1,2%. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh cũng tăng 19,7%; diện tích nuôi quảng canh cải tiến tăng 7,1%.

Ổn định việc làm cho công nhân

Trưởng phòng quản lý chất lượng Công ty TNHH Quang Bình (thị trấn Sông Đốc), ông Lê Trung An cho biết: Công ty không cắt giảm công nhân mà chia theo ca làm để đảm bảo khoảng cách an toàn cho công nhân ở xưởng theo quy định phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, công ty còn quán triệt công nhân phải tuân thủ nghiêm giờ tan ca về gia đình trong việc hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người. Hiện, công ty vẫn đảm bảo giờ làm, thu nhập ổn định cho công nhân của công ty.

Phó tổng giám đốc CASES Lê Quang Khánh khẳng định: “Công ty đã thống nhất các phương án phòng, chống dịch cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động. Với hơn 3.000 công nhân, chúng tôi quy định nghiêm túc giờ làm, giờ ăn, giờ về và ban hành quy chế kiểm tra chéo lẫn nhau”.

Ở khu nhà ăn của CASES, thay vì bố trí 2 buổi ăn như trước nay, giờ công ty kéo giãn giờ làm, chia thêm ca nên giờ ăn cũng chia thành 4 ca để giữ đúng khoảng cách khi ăn của công nhân và cán bộ nhân viên nhà máy.

Tổng giám đốc Nhà máy Công ty Minh Phú Lê Văn Điệp cho biết thêm: Hiện lượng lao động làm ngoài tỉnh trở về Cà Mau rất đông, đó là nguồn nhân lực dồi dào cho công ty trong thời gian tới. Song, vì lý do an toàn nên công ty chưa thông báo tuyển dụng. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ tính đến phương án tăng công nhân, nâng công suất nhà máy để đảm bảo cung ứng hàng hoá ra thị trường.

Theo nhiều lãnh đạo công ty thuỷ sản ở Cà Mau, tuy dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ ở các nước đang bị dịch bệnh nặng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản…, song lượng hàng hoá cung ứng (tôm) vẫn cần xuất hàng khi đường vận chuyển hàng hoá giao thương giữa các quốc gia này hoạt động trở lại. Bởi, trong thời gian phòng chống dịch, nhu cầu tiêu dùng của người dân sở tại vẫn tăng, nhất là các mặt hàng tôm chế biến loại vừa và nhỏ xuất bán ở các siêu thị.

Trong chuyến làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa qua, lãnh đạo các Công ty Quang Bình, Minh Phú, CASES… đều kiến nghị tỉnh cần có chủ trương và hoạch định nuôi, khai thác thuỷ sản của tỉnh để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu cung ứng trong và sau dịch bệnh.

“Tình hình kiểm soát và khống chế dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm theo dự báo sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục hoạt động sản xuất như trước khi có dịch”, ông Lê Quang Khánh nhận định.

“Chúng tôi đảm bảo và cam kết sẽ mua toàn bộ tôm nguyên liệu trong bà con nông dân dù dịch bệnh đang diễn ra”, ông Lê Văn Điệp khẳng định.

Phong Phú Báo Cà Mau

Ngành tôm Cà Mau gặp khó

Cà Mau được xem là thủ phủ nuôi tôm của cả nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã và đang làm cho ngành tôm Cà Mau đứng trước nhiều khó khăn, người nuôi tôm, doanh nghiệp (DN) chế biến gặp rất nhiều khó khăn.

Cà Mau có 150.000 hộ nuôi tôm với tổng diện tích hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 300.000 tấn/một năm. Trong đó, các hình thức nuôi, gồm: quảng canh kết hợp 62.000 ha; quảng canh cải tiến 140.000 ha; tôm-lúa 38.000 ha, tôm-rừng 30.700 ha và trên 8.700 ha tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Chỉ riêng loại hình tôm siêu thâm canh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay Cà Mau có hơn 2.500 ha với 2.476 hộ nuôi, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha.

Thu hoạch tôm nuôi sinh thái tại huyện Năm Căn (Cà Mau).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người nuôi tôm ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau, thương lái thu mua tôm tung tin đồn nhằm làm nhiễu loạn giá, thậm chí kéo giá xuống thấp, làm cho người nuôi hoang mang. Việc loạn giá theo chiều hướng đi xuống đã đẩy người nông dân lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”, bán cũng không xong, để lại cũng chẳng yên lòng.

Ông Châu Trung Trực (ngụ ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cho biết, chưa bao giờ chứng kiến người nuôi tôm khó khăn đến vậy. Giá tôm giảm mạnh không đoán được thời điểm dừng. Nhà ông Trực có một ao 2.200m2 nuôi tôm siêu thâm canh, 6 vụ đầu gia đình ông đều thu lãi. Mới cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1 tỷ, giờ ông Trực buộc phải bán khi tôm chỉ mới đạt 100 con/kg; giảm 50% sản lượng, lỗ 300 triệu đồng.

Nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu chính của các DN chế biến tôm Cà Mau là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… hiện các thị trường truyền thống này đang bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành, việc nhập khẩu hàng hóa từ các hợp đồng đã ký trước đều phải dừng lại. Mặc dù Chính phủ đã có những chủ trương tháo gỡ nhưng DN vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng.

Với 68 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trong đó 29 DN có 39 nhà máy chế biến tổng công suất 185.000 tấn/năm với 20.000 lao động, khó khăn về thị trường xuất khẩu đang làm các doanh nghiệp ngành tôm Cà Mau điêu đứng.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Anh Khoa, cho biết: “Quý 1-2019 kim ngạch xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD. Nhưng quý 1-2020 chỉ bán được 450.000 USD. Lượng hàng tồn kho gồm 400 tấn tôm sú trị giá 150 tỷ đồng đã khiến công ty không thể tìm được nguồn vốn thu mua tôm trong dân, góp phần kích tăng giá tôm gỡ khó cho nông dân”.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, đến quý 2-2020, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến DN khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn, lao động, vốn thu mua tôm… ảnh hưởng rất lớn việc sản xuất của các hộ nuôi tôm. Do đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang được triển khai đi vào thực hiện; thông qua cơ hội hy vọng giải được bài toán khó khăn của ngành tôm Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về phía tỉnh, các hội sở ngân hàng phản ứng khá nhanh so với tình hình chung cả nước. Chủ trương đã có nhưng việc cụ thể hóa chính sách còn chậm.

“DN có tồn tại được hay không là liên quan đến nông dân, nếu nông dân dừng sản xuất, DN sẽ thiếu nguyên liệu, không thể sản xuất. Do vậy, để duy trì sản xuất một cách ổn định, có hiệu quả thì trước tình thế này, DN phải lên tiếng, minh bạch thông tin thu mua để người nông dân nắm bắt, tránh tình trạng để thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế người dân. Đồng thời, DN cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”, ông Sử nhấn mạnh.

Còn ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, cho hay: “Theo Thông tư 01, hệ thống ngân hàng đang triển khai hỗ trợ trên 3 nội dung: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ miễn, giảm lãi, phí và hỗ trợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các DN thủy sản đang gặp khó khăn. Trong đó, giảm, miễn lãi từ 0,5-1%. Tuy nhiên, hiện tiêu chí cho vay ưu đãi thì chưa được phổ biến, chưa có những hướng dẫn cụ thể…”.

Đ.Văn – H.Quân – http://cand.com.vn/

Xuất khẩu tôm tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm

KTCKVN – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK tôm sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường nhập khẩu (NK) chính

Trong bối cảnh XK bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các DN XK tôm Việt Nam.

Mỹ đứng thứ hai về NK tôm của Việt Nam. Tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường NK tôm chính của Việt Nam.

Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động NK hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu NK cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc Dịch vụ Thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. DN XK sang thị trường nên tập trung vào các sản phẩm Chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

xuat khau tom tang nhe trong 3 thang dau nam
Xuất khẩu tôm tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm

Nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch Covid lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23/3 và kéo dài đến 3/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, không có người chăm sóc tôm vì lệnh phong tỏa, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Do Lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Nên XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 3/2020 bị ảnh hưởng.

Chiếm 21% tổng giá trị XK tôm Việt Nam, Nhật Bản vươn lên là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm nay nhờ tăng trưởng mạnh NK tôm từ Việt Nam trong tháng 2/2020 với mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2019. Quý 1 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.

XK tôm Việt Nam sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tháng 3 năm nay vẫn giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so với tháng 3 năm ngoái do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trong khi dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn chưa được khống chế và chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, cả người nuôi và DN vẫn đang nỗ lực cố gắng để vượt qua khó khăn. Người nuôi tôm cũng đang cần sự hỗ trợ khống chế kịp thời dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, bởi nếu không rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường tôm hồi phục.

Hiện nay do dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, các nước như EU, Australia, Hàn Quốc…đều áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại nên ảnh hưởng đến việc giao hàng, theo đó, giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm trong quý đầu năm nay. Người nuôi cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.

Tình hình dịch bệnh cũng chưa thể dự đoán được sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá dễ chịu nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Tình hình chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo.

Minh Dương- https://kinhtechungkhoan.vn/

Ế như… tôm tươi

Nuôi tôm trên cá
Nuôi tôm trên cát tại TT-Huế đang gặp khó khăn về thị trường

Do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, trên 1.200 tấn tôm thương phẩm ở “thủ phủ” nuôi tôm trên cát ven biển huyện Phong Điền (TT-Huế), rơi vào tình cảnh tiêu thụ ì ạch, ế ẩm chưa từng thấy

Thua lỗ hàng trăm tỷ vì tôm

Những ngày này, tại vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) – nơi diện tích hồ tôm thẻ chân trắng chiếm đến 90% trong toàn tỉnh, với khoảng 400ha ao hồ nuôi, hàng trăm chủ hồ nuôi như ngồi trên lửa. Từ khi tôm nuôi bước vào giai đoạn cho thu hoạch, cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Thị trường tiêu thụ ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến các thương lái dừng thu mua tôm nuôi trên địa bàn TT-Huế.

Xã Phong Hải, huyện Phong Điền, một trong những vùng trọng điểm nuôi tôm trên cát của tỉnh TT-Huế hiện ước được mức thiệt hại từ 130 đến 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Cát (người nuôi tôm xã Phong Hải) cho biết, vụ tôm đầu năm nay, hộ này nuôi 3 hồ với tổng diện tích khoảng 1 ha. Sản lượng tôm ước đạt trên dưới 30 tấn không bán được mà vẫn phải nuôi giữ trong ao, tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng/ngày. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, hộ ông Cát tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tình cảnh của ông Cát cũng là tình trạng chung của các hộ nuôi tôm ở các xã khác thuộc huyện Phong Điền.

Theo những người nuôi tôm, bên cạnh việc không tiêu thụ được, thì giá tôm cũng rớt thảm hại. Trước đây, khi tôm nuôi đạt kích cỡ 50 con/kg, mức giá luôn ổn định từ 240.000 -250.000 đồng, tôm nhỏ hơn từ 160.000 -200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, giá thu mua tôm nuôi đã “tuột dốc không phanh”. Loại tôm 50 con/kg chỉ còn 150.000 đồng, những loại khác bán ở mức bèo bọt từ 100.000 -120.000 đồng/kg.

Gõ cửa doanh nghiệp nhờ “giải cứu” tôm

Theo ông Trương Văn Giang, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, trước khi xảy ra dịch bệnh, hầu hết người nuôi tôm trên cát tại tỉnh này đều có lãi. Thậm chí, có những hộ lãi từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, nên tại TT-Huế hiện có đến 1.200 tấn tôm thương phẩm ở vùng cát ven biển bí đầu ra. Với tình hình giá tôm rất thấp, ước mức thiệt hại, thua lỗ toàn vùng lên đến hàng trăm tỷ đồng nếu không có biện pháp “giải cứu”.

Trước tình hình giá tôm biến động mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh, đẩy người nuôi vào tình trạng thua lỗ trầm trọng, mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo các ban ngành chức năng và UBND huyện Phong Điền tiến hành làm việc với Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) – chi nhánh đóng tại Phong Điền, để tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ tôm nuôi.

Qua làm việc, bước đầu, tin vui là Cty C.P đồng ý thu mua sản phẩm tồn đọng cho dân.

Ngọc Văn Tiền Phong