Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Xuất khẩu tôm hùm chật vật, người nuôi gặp khó

Thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên một số lượng lớn tôm hùm nuôi đã đạt kích cỡ thu hoạch ở TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) chưa tiêu thụ được. Hiện nay, việc giãn cách xã hội được nới lỏng, người nuôi tôm hùm kỳ vọng thị trường xuất khẩu tôm hùm thương phẩm sẽ hoạt động trở lại.

TX Sông Cầu đang quyết tâm sắp xếp lại các vùng nuôi, hướng đến vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi…

Mong thị trường sôi động trở lại

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản không thể xuất khẩu được, trong đó có tôm hùm. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, cho biết: Gia đình tôi nuôi khoảng 4.000 con tôm hùm xanh tại vùng nuôi thuộc đầm Cù Mông, đến nay có khoảng 2/3 lượng tôm nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, tôm hùm nuôi đến thời kỳ thu hoạch chủ yếu xuất bán nội địa với giá thấp hơn khoảng 200.000 đồng/kg so với năm trước. Mặc dù giá thấp (tôm hùm xanh khoảng 550.000-650.000 đồng/kg, tôm hùm bông khoảng 1,1-1,3 triệu đồng/kg) nhưng người nuôi tôm hùm ở đây vẫn phải bán vì kéo dài thời gian nuôi thì chi phí sẽ tăng cao, nhưng số lượng tiêu thụ không nhiều. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tạm ổn, chúng tôi mong thị trường tôm hùm sẽ bình ổn trở lại.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, trên địa bàn xã có khoảng 17.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm xanh. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị tạm ngưng nên các thương lái chỉ thu mua với số lượng ít để tiêu thụ nội địa. Hiện nay, ở xã Xuân Thịnh có hơn 1/3 số lượng tôm nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được.

Còn ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên cho hay: Trên địa bàn phường có khoảng 390 hộ nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 9.500 lồng. Đến thời điểm này, tôm hùm nuôi ở phường Xuân Yên đạt kích cỡ thương phẩm xuất bán khoảng 1/3 tổng lượng tôm nuôi trên địa bàn. Người nuôi tôm ở đây đang hy vọng việc mua bán tôm hùm thương phẩm sẽ sôi động trở lại, lượng tôm đến thời kỳ thu hoạch cũng sẽ được tiêu thụ…

Hướng đến vùng nuôi an toàn

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, trên địa bàn thị xã có khoảng 1.365 hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 70.000 lồng tôm hùm thịt và khoảng 4.450 lồng tôm hùm ương. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên sản lượng thủy sản nuôi xuất bán, nhất là tôm hùm đến thời điểm này đã giảm nhiều so với các năm trước.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Đối với lượng tôm đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được, người nuôi cần tiếp tục nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt, bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Trong quá trình nuôi, người nuôi cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho nông dân, địa phương kiến nghị tỉnh có định hướng cụ thể, đồng thời các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và thị trường nội địa nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Hiện nay, số lượng lồng tôm hùm ương chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là lượng tôm hùm giống nhập về địa phương rất ít bởi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là một trong những vấn đề thuận lợi để địa phương giảm số lượng lồng nuôi, tổ chức sắp xếp các vùng nuôi theo quy hoạch. “Đến nay, UBND TX Sông Cầu đã ra quyết định thành lập 17 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản với khoảng 370 thành viên tham gia. Công tác giao quyền sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản đến nay đã giao cho 4 tổ thuộc phường Xuân Đài và xã Xuân Phương với 115 thành viên. Địa phương đang quy hoạch chi tiết các vùng nuôi và tiếp tục giao mặt nước để người dân nuôi trồng thủy sản ổn định”, ông Nguyễn Thái Hải Anh nói.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu: Người dân cần phối hợp và chấp hành việc bố trí, sắp xếp của chính quyền địa phương để hướng đến vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi để tham gia xuất khẩu theo đường chính ngạch.

ANH NGỌC – Báo Phú Yên

Vượt qua nỗi lo, nắm bắt thời cơ

Mặc dù các dự báo đều nghiêng về xu hướng thị trường tôm sẽ ngày càng tốt lên và những dấu hiệu về sự hồi phục của thị trường tôm đang ngày càng rõ nét hơn, nhưng các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn đó, nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm vẫn cần có sự chung tay vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.

Rõ nét nhất và mang lại niềm vui lớn nhất cho người nuôi tôm chính là giá tôm bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 4 đến nay ở tất cả các kích cỡ. Một số doanh nghiệp tại Sóc Trăng khẳng định, họ đã có hợp đồng giao hàng từ nay cho đến hết quý II-2020. Một dấu hiệu hồi phục khác đó chính là thị trường Trung Quốc sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19 đã bắt đầu nhập hàng trở lại. Điều này có thể nhận biết qua hoạt động của các doanh nghiệp chuyên chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian gần đây trở nên nhộn nhịp hơn. Chính điều này đã làm cho giá tôm thẻ loại nhỏ (từ 100 – 250 con/kg) tăng trở lại, giúp những hộ nuôi không may buộc phải thu hoạch sớm chẳng những tránh được tình trạng thua lỗ mà còn có lãi để tiếp tục duy trì sản xuất vụ tiếp theo. Riêng những hộ nuôi tôm thẻ theo mô hình cấp cao, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn (từ 20 – 30 con/kg) ngay thời điểm hiện tại cũng có mức lợi nhuận từ 70 – 80% vốn đầu tư, thậm chí còn cao hơn.

Các nhà máy chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm cần chung sức vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, nếu đến cuối quý II, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh, giúp tình hình tiêu thụ tôm mạnh hơn, kéo theo giá tôm sẽ được tăng thêm. Còn nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài hơn, làm cho nhu cầu thị trường giảm thì giá tôm cũng khó cơ hội giảm do nguồn cung chung trong nước và thế giới đều giảm. Nguyên nhân là do hầu hết các nước có nghề nuôi và chế biến tôm lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador… đều đang chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, khiến sản xuất (kể cả nuôi và chế biến) bị đình trệ. Chỉ tính riêng 2 quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ thì các dự báo đều cho thấy, sản lượng tôm năm nay sẽ giảm ít nhất cũng phải từ 20 – 30%. Trong khi đó, từ tháng 5 trở đi, đồng bằng sông Cửu Long chính thức bước vào mùa mưa, sẽ là điều kiện thuận lợi cho các vùng nuôi đẩy nhanh tiến độ thả giống. Nếu đảm bảo được diện tích thả giống và hạn chế thiệt hại, từ cuối tháng 7 trở đi, doanh nghiệp sẽ có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Tuy giá tôm đã tăng trở lại, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đang được tiêu thụ tốt, các doanh nghiệp vẫn đang thu mua, chế biến một cách bình thường, nhưng tất cả vẫn canh cánh bên mình nỗi lo cho sự bất ổn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với ngành tôm. Điều đáng lo nhất đối với doanh nghiệp hiện nay chính là làm sao đảm bảo không để dịch Covid-19 lây nhiễm trong đội ngũ cán bộ, công nhân. Dịch Covid-19 cũng làm cho tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp bị chậm lại và nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến cũng sẽ tác động làm giảm sức tiêu thụ, gây xáo trộn không nhỏ đến kế hoạch và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, do ảnh hưởng nắng nóng, sự xuất hiện của bệnh đốm trắng, gan tụy trên tôm và tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến tiến độ thả giống vựa tôm đồng bằng sông Cửu Long chậm lại so với cùng kỳ. Điều này tuy có cái lợi trước mắt là giá tôm được giữ vững và có phần tăng lên từ đầu tháng 4 đến nay, nhưng sẽ làm cho các nhà máy chế biến bị thiếu hụt nguyên liệu chí ít cũng trong 2 tháng 5 và 6. Đây cũng chính là mối lo của các doanh nghiệp, bởi nếu như kịch bản dịch Covid-19 được giải quyết sớm trong quý II, nhu cầu tôm thế giới tăng mạnh trở lại, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều mất cơ hội có được giá tốt.

Cũng xuất phát từ nỗi lo dịch Covid-19 đã khiến người nuôi tôm thêm phần đắn đo trong quyết định thời điểm thả giống ở vụ nuôi mới này, khi giá tôm trong 3 tháng đầu năm cứ liên tục biến động theo diễn biến của dịch Covid-19. Mặt khác, thời tiết nắng nóng và độ mặn tăng quá cao cũng khiến cho việc thả nuôi thêm phần khó khăn, buộc họ phải thu hẹp diện tích thả nuôi để thăm dò, chờ thời điểm thuận lợi nhất mới gia tăng diện tích. Hiện nay, tuy giá tôm đã khá hấp dẫn nhưng người nuôi vẫn chưa mạnh dạn thả nhiều khi trước mắt họ là bệnh đốm trắng và gan tụy đang gây thiệt hại cho không ít diện tích đã thả nuôi.

Việc cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều lo lắng cho vụ tôm năm nay là điều có thể hiểu được, bởi trước mắt họ vẫn còn đó những rủi ro khó lường đến từ thời tiết, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, qua diễn biến ngành tôm trong 4 tháng đầu năm cùng những phân tích, dự báo trên có thể thấy cơ hội dành cho ngành tôm là không nhỏ, nếu tất cả biết cùng nhau vượt qua nỗi lo để nắm thời cơ.

Một điều rất dễ nhận thấy là ngay trong thời điểm nắng nóng gay gắt, độ mặn tăng cao phát sinh bệnh đốm trắng và gan tụy trên tôm, nhưng những trang trại nuôi tôm lớn, những nông hộ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, dù thả giống sớm vẫn thu được kết quả rất khả quan. Còn đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngoại trừ những doanh nghiệp có thị trường chính là Trung Quốc gặp khó khăn, còn lại hầu hết đều không bị tác động nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tranh thủ được hợp đồng đảm bảo sản xuất từ nay đến hết quý II-2020.

Thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn, nên dẫu cho những kế hoạch ban đầu có đôi chút xáo trộn, nhưng nếu tất cả cùng bình tĩnh nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, đúng đắn sẽ thấy bên cạnh những rủi ro là cả một cơ hội lớn luôn sẵn sàng dành cho những ai biết vượt qua nỗi sợ hãi và nắm bắt đúng thời cơ.

TÍCH CHU – Báo Sóc Trăng

Thị trường bớt căng, tăng lo nguyên liệu

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang dần khởi sắc tại các thị trường trọng điểm, doanh nghiệp đang dồn sức để lấy lại đà tăng trưởng. Vậy nhưng, một nỗi lo lớn đang được doanh nghiệp cảnh báo, đó là vấn đề nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong vài tháng tới.

Đã thấy tín hiệu tích cực

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2020 đạt 629 triệu USD, tăng 25,5% so tháng 2, nhưng giảm so cùng kỳ năm 2019. Do vậy, trong quý I/2020, giá trị xuất khẩu giảm 9,73% khi chỉ đạt hơn 1,64 tỷ USD.

Theo đánh giá, quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm là do các thị trường lớn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 khiến giao thương bị ngưng trệ; hệ thống nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ tăng trưởng ở mức thấp thì tại Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lại giảm đáng kể. Sự sụt giảm tại các thị trường lớn khiến cho giá trị chung giảm theo.

Tuy nhiên, tình hình đang có sự cải thiện đáng kể, kim ngạch xuất khẩu tại một số thị trường đã khởi sắc trở lại và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam đang dần tăng cao hơn. Đại diện ngành thủy sản cho rằng, trong những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu cá tra và các sản phẩm thủy sản khác có thể sẽ dần ổn định.

 

Chủ lực trở lại

Sau thời gian dài ảm đạm, xuất khẩu tôm và cá tra đang có sự khởi sắc nhất định. Theo VASEP, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành, tuy nhiên, trong những ngày khó khăn hiện nay, xuất khẩu cá tra đang thấy có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung quý I/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đạt 20,6 triệu USD, chiếm gần 19% giá trị xuất khẩu cá tra và tăng gần 67% so cùng kỳ năm 2019.

Tại Trung Quốc, ngay từ tháng 2, hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tái khởi động. Tính riêng nửa đầu tháng 3, kim ngạch xuất cá tra sang Trung Quốc đạt gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so cả tháng trước đó và đang trên đà trở lại là nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Một số doanh nghiệp nhận định rằng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40 – 50%. Với thị trường EU, theo đánh giá của các doanh nghiệp, do dịch COVID-19 nên tình hình giao thương còn ảm đạm. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản tại các siêu thị có chiều hướng tăng trở lại, trong đó có cá tra.

Còn với con tôm, tình hình cũng dần tốt lên. Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2019. Khả quan nhất là tại thị trường Nhật Bản khi 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang đây đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so quý I năm trước và là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Tiếp đến là thị trường Mỹ, quý I/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so cùng kỳ; mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường lớn khác là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tháng 3 đầu năm nay vẫn giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so cùng kỳ. Dù vậy, giám đốc một doanh nghiệp tôm tại Bình Thuận chia sẻ, trong vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao khi các nước kiểm soát tốt dịch bệnh và khôi phục các hoạt động sản xuất.

 

Nỗi lo nguyên liệu cho giai đoạn sau

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng, khó khăn do dịch bệnh rất lớn, thế nhưng, đây cũng chỉ là tạm thời, khi các quốc gia khống chế tốt COVID-19 tình hình sẽ ổn định. Và như thế, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại.

Tại Mỹ, hiện nay, tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tốt do nhu cầu của người dân tăng lên, nhất là các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng… Điều đáng nói, nguồn cung tôm chính cho Mỹ là Ấn Độ lại đang phải áp dụng biện pháp cao nhất để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của Ấn Độ. Người nuôi tôm nước này gặp khó khăn về nguồn tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, một số nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng… được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Một cơ hội cho tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Cùng đó, xuất khẩu cá tra cũng đang rất khả quan khi kết quả POR15 giảm khá mạnh, Mỹ công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trên cá da trơn và nước này đang nới lỏng quy định dán nhãn cá tra, cá thịt trắng trong 60 ngày.

Cùng với việc tìm cách khôi phục tại thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực hướng đến các thị trường tiềm năng. Ở ASEAN, Singapore vừa qua đã đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm giúp nước này bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản, thủy sản… Hay thị trường Ấn Độ, với sản phẩm cá tra đang có lợi thế với sản phẩm fillet. Còn tại thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, mở ra cơ hội mới cho cá tra Việt Nam, đặc biệt khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới.

Vậy nhưng để đón được các cơ hội này, một trong các điều kiện cần với các doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu phải đảm bảo trong những tháng tới; bởi hiện nay, sự ngưng trệ của xuất khẩu đã khiến các doanh nghiệp gặp khó về kho dự trữ, dẫn tới bí đầu ra khiến giá bán giảm. Vài ngày qua, giá tôm nước lợ đã tăng nhẹ trở lại nhưng cá tra được thương lái thu mua với giá chưa tới 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành thấp nhất là 21.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng. Do đó, khả năng cao trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ khó tìm nguyên liệu khi nông dân không còn vốn tái đầu tư.

Còn con tôm hiện cũng đang rơi cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, người dân đang thận trọng trong sản xuất. Hơn nữa, họ cũng đang chật vật đối phó với dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Nếu không khống chế tốt những điểm này sẽ rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường hồi phục.

>> Một chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 là cơ hội để ngành thủy sản tái cơ cấu lại sản xuất và thị trường; đồng thời cũng là liều thuốc thử với các doanh nghiệp, buộc họ phải đa dạng hóa thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.

Phan Thảo – http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Xuất khẩu thủy sản có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi COVID-19

Tôm sú đông lạnh
Xuất khẩu thủy sản có thể tiếp tục gặp khó trong tháng 5/2020

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5/2020 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn trong tháng 4 khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng phong tỏa.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 4 đạt 150 nghìn tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 1% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt 553,1 nghìn tấn, trị giá 2,215 tỉ USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5/2020 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn trong tháng 4 khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng phong tỏa.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm.

Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và cả quý II sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch covid, nhất là thị trường EU.

Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2,0 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2020 đạt 157,5 nghìn tấn với trị giá 629 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Như vậy, tháng 3/2020 tốc độ giảm xuất khẩu thuỷ sản đã chậm lại so với 2 tháng đầu năm 2020.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 403,1 nghìn tấn với trị giá 1,61 tỉ USD, giảm 4,9% về lượng và 9,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

Tháng 3/2020, trong khi xuất khẩu theo lượng của hầu hết các mặt hàng thủy sản chính giảm so với tháng 3/2019 thì xuất khẩu tôm và cá đông lạnh lại tăng.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản chính đều giảm so với cùng kì năm 2019, trừ tôm, cá đông lạnh, cua, ghẹ và ruốc.

Tuần kết thúc ngày 23/4, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang ổn định so với tuần trước đó, nhưng giảm 400 – 700 đồng/kg so với đầu tháng và giảm 8.900 – 9.500 đồng/kg so với cùng kì năm 2019.

Tuần kết thúc ngày 23/4, giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau ổn định so với tuần trước đó, nhưng giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần kết thúc ngày 2/4; giá tôm thẻ chân trắng giảm 3.000 – 6.000 đồng/kg.

Các công ty kinh doanh tôm hàng đầu Việt Nam lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 do người dân trì hoãn việc thả giống vì lo sợ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Tại Sóc Trăng, tỉnh có năng suất nuôi tôm cao nhất Việt Nam, tính đến nay thả giống được 6.000 ha, chỉ chiếm 24% tổng diện tích 25.000 ha.

H.Mĩ Kinh tế & Tiêu dùng

Nắng nóng gay gắt khiến hàng nghìn ha tôm nuôi thiệt hại

Tôm thẻ chân trắng
Nắng nóng gay gắt khiến cho tôm nuôi tại nhiều tỉnh miền Tây thiệt hại nặng.

Nắng nóng gay gắt khiến cho tôm nuôi tại nhiều tỉnh miền Tây thiệt hại nặng. Người nuôi tôm rơi vào khó khăn, nhất là tình trạng giá tôm nguyên liệu giảm do ảnh hưởng COVID-19 thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Chánh, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết: “Gần tháng trước, thấy trời mưa, tưởng đã chuyển mùa nên đã cải tạo ao đầm thả giống. Nào ngờ từ khi thả tôm xuống đến nay nắng nóng gay gắt khiến tôm nuôi chết hàng loạt”.

Tại xã Long Điền Đông A có hàng chục hecta tôm nuôi thiệt hại do nắng nóng. Nhiều người dân mất trắng lượng giống đã thả dù theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp vẫn đúng lịch thời vụ.

Theo Sở NNPTNT Bạc Liêu, diện tích thiệt hại do nắng nóng đã lên đến trên 3.000ha, chủ yếu ở mô hình quảng canh.

Tại Cà Mau, nắng nóng, khô hạn làm lượng nước trong ao tôm giảm nhanh, độ mặn tăng cao đã khiến cho trên 25.000ha tôm nuôi giảm năng suất.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau lý giải: “Trời nắng nóng khiến nhiệt độ ao tôm tăng cao trong khi hệ thống thủy lợi nhiều nơi bị sạt lở đất, sụp lún khiến việc lấy nước cũng khó khăn”.

Trong khi đó, tại Sóc Trăng, nắng nóng liên tiếp nhiều ngày qua khiến tôm nuôi tại Thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên có hiện tượng chậm lớn. Theo Phòng kinh tế hạ tầng Thị xã Vĩnh Châu nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến năng suất của trên 28.000ha diện tích thả tôm của thị xã.

Nhật Hồ Lao Động

VASEP: Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản

VASEP: Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản

Trong các sản phẩm xuất khẩu giá trị cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, quý I/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn giới, nhất là những nước đang nhập khẩu nhiều thủy sản của Việt Nam khiến kết quả xuất khẩu thủy sản của cả nước giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 1,62 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Những thị trường bị tác động giảm nhiều nhất gồm Trung Quốc, giảm 27%, EU giảm 16%, Hàn Quốc giảm 11% và ASEAN giảm gần 7%. Xu hướng của thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi do tác động của dịch Covid, lệnh cấm, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ trong phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm mạnh.

Thu nhập của người tiêu dùng giảm nên tiêu thụ các sản phẩm cao cấp có xu hướng giảm, tác động giảm giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Trong các sản phẩm xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Theo VASEP, dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh doanh nghiệp phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo đó, thách thức đầu tiên có thể kể đến là sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”, sẽ có 1 số doanh nghiệp bị đào thải (đóng cửa/phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác). Đồng thời, nợ xấu có thể sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến cả các ngành có liên quan (bảo hiểm, ngân hàng, các ngành phụ trợ như sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư,…), chi phí sản xuất tăng cao. Tình trạng treo ao xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai và giá nguyên liệu sẽ tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng,…

Bên cạnh những khó khăn vẫn còn nhiều cơ hội của ngành thủy sản để thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới. Theo đó, niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau dịch Covid (quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế). Các quốc gia cạnh tranh thủy sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philipin, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. VASEP cho rằng đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra “chiến tranh” thương mại Mỹ – Trung và dịch Covid -19. Các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho NTTS, chế biến,…) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất…

VASEP dự báo, diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và cả quý II sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, nhất là thị trường EU. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.

Xuất khẩu thủy sản quý II được VASEP dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2,0 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

Minh Ngọc

Theo Nhịp sống kinh tế

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn ‘cháy hàng’

Gần đây, trên chợ mạng xuất hiện nhiều tiểu thương rao bán tôm sú khổng lồ có kích cỡ ngang ngửa tôm hùm. Điều đặc biệt là dù giá lên tới hơn triệu đồng nhưng mặt hàng này vẫn cháy hàng do có quá đông bà nội trợ đặt mua.

Cụ thể, trên một group mua bán thực phẩm lớn ở Hà Nội, một facebook tên H.T đã đăng tải rao bán tôm sú siêu to khổng lồ to gần bằng “cổ tay”.

Tiểu thương này cho biết, đây là loại tôm sú được đánh bắt tự nhiên và cấp đông ngay lúc sống hoặc ướp đá tươi. Chính bởi thế loại tôm này rất tươi ngon. Hơn nữa, do tôm tự nhiên, không phải tôm nuôi nên số lượng có hạn vì hiếm. Bởi thế, muốn ăn loại tôm này, khách phải order trước 2-3 ngày mới trả hàng 1 lần được.

Ngoài ra, loại tôm sú khổng lồ này có kích cỡ siêu khủng, chỉ từ 3- 6 con/kg và được bán với mức giá hấp dẫn: “Loại tôm sú kích cỡ 3-4 con/kg có giá bán 1180k. Loại kích cỡ 5-6 con/kg thì có giá 1130k”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'

Trên chợ mạng, rất nhiều tiểu thương bán hải sản khác cũng đang rao bán loại tôm sú siêu khủng này. Chị Trần Thị Thanh (Vạn Phúc, Hà Nội) một người bán hải sản ở Hà Nội gần 1 tuần nay cũng rao bán mặt hàng tôm sú kích cỡ khủng.

Theo chị Thanh cho biết, gần 1 tuần nay, hễ cứ thấy nhà chị rao bán tôm sú loại khủng này là khách quen vào đặt hàng mua hết ngay. Do đây là loại tôm sú thuộc dòng lâu năm nên trọng lượng tôm rất to. Có những chú tôm sú dài trên 30 cm: “Khi ăn thì thịt của chúng rất chắc, ngọt, thơm, khác hẳn với những con tôm sú nuôi hoặc những chú tôm sú kích cỡ bé. Vì thế, dù có giá hơn triệu đồng/kg nhưng khách sành ăn là mê nên không tiếc tiền đặt mua. Nhà mình toàn phải khất hàng trả khách vì mặt hàng này quá khan hiếm, không lấy về được nhiều”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Những tôm sú có kích cỡ 3-4 con/1kg được bán với giá xấp xỉ 1,2 triệu đồng vẫn cháy hàng do loại tôm này khan hiếm. (Ảnh minh họa)

Tiểu thương buôn bán hải sản này cũng tiết lộ, loại tôm sú này thường sống 1-3 năm ở các rừng đước miền Tây, Bến Tre. Những ngư dân miền Tây thường săn tôm sú tự nhiên rất khó khăn: “Mình thấy các ngư dân săn tôm sú thiên nhiên bảo, mẻ nào trúng đậm lắm mới được khoảng gần chục kg. Còn thường chỉ được 1-2kg. Vì thế, mình tuy có nhiều mối gom giỏi lắm cũng chỉ gom được 2-3kg/tuần về bán cho khách quen”.

Kích cỡ tôm sú cũng có rất nhiều kích cỡ. Những chú tôm sú kích cỡ 3-5 con/kg được chị Thanh bán với giá hơn triệu đồng. Riêng những tôm sú có kích cỡ nhỏ hơn được bán giá mềm hơn: “Ngoài những nhà có điều kiện đặt mua tôm sú cỡ đại thì đa số khách mua hay mua loại tôm sú có kích cỡ 7-10 con/kg. Những loại tôm sú kích cỡ này mình bán với giá từ 900-700 ngàn đồng/kg. Loại kích cỡ này thì khách cũng phải đặt mua sớm mới gom được hàng để trả”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Ngoài những nhà có điều kiện đặt mua tôm sú cỡ đại thì đa số khách mua hay mua loại tôm sú có kích cỡ 7-10 con/kg. (Ảnh minh họa)

Chị Hạnh, 35 tuổi – một người thích ăn hải sản cũng cho biết, chị vừa đặt mua 1kg tôm sú kích cỡ khổng lồ về. Dự định giữa tuần này chị sẽ nhận được hàng.

Theo bà nội trợ sành ăn này tiết lộ: “Vì nhà mình rất thích ăn thủy hải sản nên hay mua tôm cá ăn. Bởi thế bản thân không ngại chi tiền triệu để ăn bữa tôm sú tự nhiên khổng lồ này. Do loại tôm này khan hiếm, lại chỉ mùa này mới có hàng. Vì thế 1 năm bỏ tiền ra ăn 1 bữa ngon mình không tiếc. Loại tôm này nhiều thịt, dai, giòn, các con mình ăn sẽ thích. Nhà có 4 người nên mình mua loại 4 con/kg để mỗi người ăn một con đến no”.

Minh Anh- https://vietnamnet.vn/