Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Mở cửa du lịch trở lại giá tôm, cua tăng mạnh

Ngày 11.5 tất cả các điểm du lịch ĐBSCL chính thức mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội do COVID-19. Điều này khiến giá tôm, cua khu vực ven biển Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng tăng trở lại.

ảnh minh họa

Hiện tại, giá cua gạch son được thương lái thu mua với giá 250 – 270 ngàn đồng/kg, tăng từ 50 – 70 ngàn đồng/kg (so với tuần trước); cua thịt (cua y loại 4 con/kg) có giá từ 230 – 250 ngàn đồng, tăng 60-80 ngàn đồng/kg.

Theo các vựa cua tại Năm Căn (Cà Mau), thời gian tới giá cua sẽ tiếp tục tăng, phần do hết vụ, phần thị trường tiêu thụ đã phục hồi trở lại sau thời gian dài “đóng băng” vì COVID-19.

Được biết, thời điểm dịch bệnh COVID-19, cua Cà Mau rớt giá thảm hại, có lúc cua gạch chỉ còn 150.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng từng ngày. Hiện tại, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, khu vực ĐBSCL giá 80.000đ; tôm sú loại 40 con/kg giá 150.000 – 155.000đ/kg; tăng mạnh nhất là tôm thẻ loại 30-40 con/kg với giá 190.000 – 200.000đ/kg.

Với mức giá này, hầu hết người nuôi tôm thẻ chân trắng đều có lãi.

Nhật Hồ
Nguồn: Báo Lao Động

Triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2020: Nhiều thách thức và cơ hội

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 cho 8 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mục tiêu khơi dậy quyết tâm vượt khó và thúc đẩy ngành tôm tiếp tục phát triển, khẳng định thế mạnh kinh tế hàng đầu của khu vực.

Nông dân tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm công nghiệp. Ảnh: Phong Phú

BẠC LIÊU DẪN ĐẦU SẢN LƯỢNG TÔM

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong những tháng đầu năm 2020, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hạn hán và những cơn mưa trái mùa đã gây biến động nhiệt độ ngày đêm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả tôm nuôi. Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ thả tôm năm 2020 và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tác động đến sức mua của thị trường xuất khẩu nên tốc độ thả tôm nuôi còn chậm, nông dân còn có tâm lý thả nuôi thăm dò, chưa thả hết diện tích và chờ điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt là thị trường ổn định mới tập trung thả nuôi hết diện tích.

Theo báo cáo từ các địa phương, diện tích tôm thả nuôi tính đến nay khoảng 481.534ha (bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó, tôm sú là 457.420ha (bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng là 22.132ha (bằng 79% so với cùng kỳ năm 2019). Riêng sản lượng tôm tính đến hết tháng 4/2020 đạt hơn 168.000 tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21,7% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó, Bạc Liêu là tỉnh có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang. Qua đó, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu tính đến hết tháng 3/2020 đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019).

Riêng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, theo báo cáo từ Cục Thú y, từ đầu năm đến thời điểm này có trên 15.950ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, 990,87ha thiệt hại do mắc bệnh, 469,08ha do môi trường và 14.490,31ha chưa rõ nguyên nhân. So với cùng kỳ năm 2019, tổng diện tích thiệt hại tăng 3,3 lần và diện tích thiệt hại không xác định được nguyên nhân tăng 5,83 lần.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh nên thế mạnh về nuôi trồng thủy sản được phát huy. Sản lượng tôm năm 2019 đạt 155.000 tấn (đứng thứ 2 cả nước) và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 690 triệu USD, tăng khoảng 46% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Hiện toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích 496ha; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín cho năng suất cao, doanh thu lớn; mô hình canh tác tôm – lúa bền vững bởi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao hơn 15 – 30% (từ 35 – 50 triệu đồng/năm) so với độc canh cây lúa, nuôi tôm, nhất là mô hình này tránh được việc lạm dụng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật, giúp sản phẩm dễ vượt qua các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu, đang được nhân rộng ở các tỉnh.

Riêng phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bạc Liêu hiện có 12 công ty và 324 hộ dân đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 giai đoạn. Mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao có thể kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí lại hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải biogas đang dần hình thành…

Qua 2 – 3 vụ nuôi vừa qua tại Bạc Liêu, các mô hình cho kết quả khả quan, tôm nuôi hầu như ít bị dịch bệnh, tỷ lệ thành công của mô hình cao, chiếm khoảng 85 – 90% và cho năng suất bình quân đạt hơn 21 tấn/ha/năm,

Hiện Bạc Liêu là tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 20% cả nước. Đặc biệt, Bạc Liêu là tỉnh duy nhất cả nước có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm duy nhất cả nước, hiện đang thi công xây dựng được khoảng 80% khối lượng hạ tầng của giai đoạn 1, dự kiến sẽ lựa chọn và cho doanh nghiệp vào đầu tư từ tháng 6/2020 nhằm lan tỏa công nghệ trong nuôi tôm.

Dự báo thị trường xuất khẩu sẽ khởi sắc sau ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

QUYẾT TÂM VƯỢT KHÓ VÀ TĂNG TRƯỞNG CAO

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn diễn biến khó lường và diễn ra sớm hơn dự báo. Cùng với đó, hiện tượng nước biển dâng, tình trạng hạn hán có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn, đặc biệt là vùng ven biển ĐBSCL. Thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường, cực đoan cũng sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Thêm vào đó, tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến người nuôi chưa thể thả giống hoặc tôm chậm lớn đối với vùng khó điều tiết nước ngọt sẽ làm đảo lộn kế hoạch sản xuất.

Về tình hình thị trường và xuất khẩu tôm năm 2020, thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng, giá thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường, nhiên liệu, máy móc phục vụ nuôi tôm tăng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm của cả nước. Đặc biệt, dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại

Tuy đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo thị trường xuất khẩu năm nay cũng mở ra nhiều hướng đi mới và tín hiệu tích cực cho nghề nuôi tôm. Đơn cử, Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Thuế nhập khẩu đối với hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 – 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác (Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA và bị mức thuế cơ bản 12%. Hay Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2% và Ecuador thuế cơ bản là 12%).

Thêm vào đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 ước đạt 646,6 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018. Nhu cầu mua tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Trước đó, trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này đã tạo thêm động lực cho các công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ.

Giới thiệu sản phẩm phục vụ nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn thứ ba là Nhật Bản với kim ngạch năm 2019 ước đạt 626 triệu USD, giảm 2% so với năm 2018. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%. Việc xuất khẩu tôm sang Nhật Bản năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm 2018 là nhờ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản giúp duy trì ổn định giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Năm mới, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2020 sẽ chững lại vào quý 1/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng sau đó sẽ hồi phục và dự kiến sẽ tăng nhẹ khoảng 3 – 4% so với năm 2019 đạt 3,45 – 3,5 tỷ USD. Do vậy, các địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong việc thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm năm 2020 với nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn và duy trì tăng trưởng cao. Qua đó, đưa con tôm tiếp tục trở thành kinh tế mũi nhọn của khu vực ĐBSCL và cả nước.

KIM TRUNG

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường: Tăng cường công tác quản lý con giống và thức ăn, chế phẩm

Để tiếp tục nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm mặt hàng tôm Việt Nam trên thế giới, tới đây chúng ta cần tập trung vào các trục trong quy trình sản xuất như: Khâu nuôi trồng tạo ra sản phẩm nguyên liệu thì cần thay đổi phương thức canh tác để tăng sản lượng cho vùng chuyên canh tôm – rừng, tôm – lúa. Bởi đây là vùng thâm canh còn kém, rất quảng canh với năng suất thấp. Còn đối với diện tích thâm canh, cần phải tiến hành tổng rà soát lại để tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ ở từng giai đoạn, hộ nuôi cũng phải áp dụng công nghệ. Dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giữa người nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp để hình thành các khu nuôi khép kín từ tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến và xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với con giống, các sản phẩm dịch vụ từ thức ăn, chế phẩm… thì khâu này cần sự vào cuộc một cách quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, khống chế được tình hình dịch bệnh, nâng cao chất lượng nguồn tôm nguyên liệu. Mặt khác, trong phát triển ngành tôm, không quá chú ý đến việc mở rộng diện tích mà cần chú ý đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ứng dụng các phương thức canh tác nuôi tôm bền vững, hiệu quả, sử dụng các chế phẩm sinh học để thay thế cho các chế phẩm hóa học; nuôi với mật độ quản trị vừa phải, ứng dụng thâm canh vừa phải để tạo ra những dòng sản phẩm sạch hơn, cùng với đẩy mạnh chế biến sâu để chúng ta tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn.

KIM TRUNG (lược ghi)

Chủ tịch UBND tỉnh – Dương Thành Trung: Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay

Để ngành tôm tiếp tục phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người nông dân, Bạc Liêu kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa mặt hàng thức ăn nuôi tôm vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, vì hiện nay theo Nghị định 177/2013 của Chính phủ thì trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vắc-xin phòng bệnh là thuộc danh mục này.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho tỉnh sớm xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép nhằm chủ động trong sản xuất. Giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, kiến nghị với Bộ NN&PTNT làm việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp kéo dài thời gian đáo hạn, giảm lãi suất ngân hàng cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất, liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; làm việc với ngành Thuế về nghiên cứu các giải pháp miễn, giảm, hoãn hoặc gia hạn nộp thuế để các công ty, doanh nghiệp có vốn tái sản xuất – kinh doanh, trả lương người lao động. Có giải pháp phù hợp để thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông – lâm – thủy sản, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ Bạc Liêu trong việc xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, làm tiền đề xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

CHÍ LINH (lược ghi) – http://www.baobaclieu.vn/

Sắp có đề án phát triển tôm hùm

Để phát huy tiềm năng và lợi thế đưa lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”.

Theo Dự thảo Đề án triển khai thực hiện trên phạm vi 9 tỉnh ven biển miền Trung, bao gồm: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Dự thảo đặt mục tiêu phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; xây dựng ngành tôm hùm theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, phát huy cao lợi thế kinh tế biển của đất nước. Theo đó, mục tiêu  đến năm 2025, tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8%. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm phù hợp với sức tải môi trường; vùng nuôi được kiểm soát môi trường và dịch bệnh, bảo đảm ATTP, an toàn lao động. Qua đó, đảm bảo 100% cơ sở nuôi tôm hùm tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về NTTS và từng bước được cơ quan quản lý địa phương cấp mã số nhận diện giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tôm hùm.

Phát triển các vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững

Ảnh minh họa

Một số giải pháp thực hiện: Về hình thức nuôi, tiếp tục phát triển hình thức nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển theo hướng bền vững, được quản lý dựa vào cộng đồng và có sự giám sát của cơ quan quản lý địa phương; đồng thời phát triển hình thức nuôi bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn trên cơ sở chủ động về con giống, thức ăn và quản lý môi trường dịch bệnh.

Về khoa học công nghệ, ưu tiên nhập công nghệ, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ về sản xuất giống, ương nuôi tôm hùm bông, tôm hùm xanh; nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm thương phẩm theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp và biện pháp phòng trị bệnh trên tôm hùm. Song song với phát triển, cần bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên: Nghiên cứu xây dựng các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên và kỹ thuật khai thác bền vững tôm hùm giống.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi tôm hùm trên bờ được quy hoạch phát triển theo hình thức nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn. Ứng dụng tiến bộ của các ngành khoa học khác như tin học, công nghệ tự động hóa, nano, sinh học để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả nuôi tôm hùm thương phẩm. Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thả giống cỡ lớn, nuôi tôm thành nhiều giai đoạn, thả mật độ thích hợp để nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo ATTP, an toàn dịch bệnh…

PV – http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Nuôi tôm trái phép vì “siêu lợi nhuận”

Nuôi tôm trái phép vì “siêu lợi nhuận”

nuôi tôm nước mặn
Xã Tân Lập là vùng nuôi tôm nước mặn trái phép lớn nhất tỉnh Long An, khoảng 30 ha. Ảnh: Hoàng Nam.

Ngành chức năng nhắc nhở, xử phạt, người dân Đồng Tháp Mười vẫn phá lúa, đào ao nuôi tôm nước mặn trái phép do “siêu lợi nhuận”.

Tại xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) đang vào vụ lúa hè thu, nhưng nhiều ruộng lúa đã bị người dân dùng máy xúc phá bỏ, đào ao, đồng thời khoan giếng tầng nông 30-40 m lấy nước mặn nuôi tôm. Chỉ riêng tại khu vực xã này đã có 30 ha ao nuôi tôm nước mặn trái phép.

Bà Bùi Thị Liêm, 67 tuổi, có 1,5 ha lúa sát với các ao nuôi tôm cho biết, do lo ngại nước mặn từ các ao tôm rò rỉ sang ruộng nhà chết lúa, từ cuối năm ngoái, bà cùng nhiều người dân đã làm đơn gửi đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp.

“Hồi mới ý kiến chỉ có vài ao lẻ tẻ, giờ đã vài chục ao rồi mà chưa thấy ai giải quyết”, bà Liêm nói.

Theo chính quyền địa phương, mỗi ha ao tôm chi phí đào ao, trang thiết bị khá cao, khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, một ha ao tôm sau ba tháng có thể đạt năng suất 6-7 tấn, giá mỗi kg 120-160 nghìn đồng. Trừ chi phí, bình quân một vụ nông dân lợi nhuận 500-600 triệu đồng và một năm có thể làm được ba vụ.

Do “siêu lợi nhuận” nên gần đây, nhiều doanh nghiệp đã thương lượng thuê hoặc mua lại các diện tích lúa của người dân với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường để nuôi tôm. Một số người dân nhận thấy lợi nhuận cao đã cho thuê hoặc bán ruộng, số ít dự định đào liếp trồng hoa màu để hạn chế nguy cơ bị ảnh hưởng như gia đình bà Liêm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, diện tích ao nuôi tôm nước mặn trái phép tập trung chủ yếu tại các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, tổng cộng 61ha, 33 hộ dân.

Do nước nuôi tôm phải có độ mặn 4-6 phần nghìn, nên nhiều hộ đã rải thêm muối xuống ao với tỷ lệ 100 kg muối cho 1.000m3 nước. Hiện tại, người dân không làm thủ tục chuyển mục đích sang đất nuôi trồng thủy sản, chưa thực hiện các thủ tục hồ sơ môi trường và xử lý nước thải. Hầu hết hộ dân đào ao nuôi tôm đều có ao lắng và ao chứa bùn thải sau khi đã được xử lý.

“Việc nuôi tôm sử dụng nước ngầm, nước mặn sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh nói.

Sở cũng nhận định, do cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn cho người dân. Do một số hộ nuôi lợi nhuận rất cao, nên có khả năng các hộ dân xung quanh sẽ làm theo, diện tích nuôi trong vùng nước ngọt vì thế sẽ tiếp tục tăng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang dự định tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá lại tác động cụ thể của việc nuôi tôm nước mặn với môi trường, nhằm có hướng xử lý phù hợp.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng cho hay, hiện chỉ có UBND huyện Mộc Hóa xử phạt 5 trường hợp đào ao nuôi thủy sản trái phép với tổng số tiền 37,5 triệu đồng, các huyện còn lại chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân.

Trước đó, người dân vùng Đồng Tháp Mười ồ ạt bỏ lúa đào ao nuôi cá tra bột với khoảng 3.500 ha ao nuôi, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Hưng và Tân Thạnh. Sau đó, giá cá tra “lao dốc”, hàng nghìn hộ nuôi lỗ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, phải phơi ao bỏ không hoặc lấp ao trồng lúa trở lại.

Hoàng Nam VnExpress

Sẽ thiếu tôm nguyên liệu?

Ngay từ khi khởi đầu vụ tôm nước lợ năm 2020, con tôm đã chịu tác động mạnh từ thời tiết và dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là 2 nguyên nhân chính chi phối giá tôm thời gian qua, khiến người nuôi chùn tay, tiến độ thả nuôi chậm lại, gây nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trong thời gian tới một khi thị trường hồi phục.

Đúng như dự báo, ngay từ đầu tháng 12-2019, mặn đã xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặn lên sớm lại được sự “trợ giúp” từ những đợt gió chướng mạnh và thời tiết nắng nóng đã nhanh chóng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Các dự báo ban đầu đều nghiêng về yếu tố thuận cho vụ tôm năm nay, kể cả việc thả giống sớm để tranh thủ có tôm, có giá tốt. Tuy nhiên, tất cả những dự tính của người nuôi tôm đã bị đảo ngược khi nhiệt độ và độ mặn tăng quá cao làm phát sinh bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng, khiến nhiều diện tích nuôi chỉ sau 1,5 – 2 tháng buộc phải thu hoạch. Tôm cỡ nhỏ nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ, chủ yếu là Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 đẩy giá tôm thẻ cỡ nhỏ lao dốc, người nuôi thua lỗ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm.

Cũng trong thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan ra nhiều nước trên thế giới. Hiện Ecuador đang giới nghiêm vì diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp khiến nhiều diện tích bị treo ao, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa. Tương tự như thế là cường quốc tôm Ấn Độ cũng đang thực hiện phong tỏa toàn quốc gây thiếu nhân công phục vụ nghề nuôi lẫn chế biến. Một số quốc gia nuôi tôm lớn khác, như: Indonesia, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với các mức độ khác nhau, nên sản lượng tôm cũng biến động theo chiều hướng giảm.

Các nhà máy chế biến lo lắng tình trạng thiếu hụt nguyên liệu tôm nhiều khả năng sẽ xảy ra một khi thị trường hồi phục sớm.

Riêng Việt Nam, tuy thời gian cách ly xã hội chỉ diễn ra trong 2 tuần, nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm lý ở người nuôi về khâu tiêu thụ. Mặt khác, trong suốt 4 tháng đầu năm, nhiệt độ và độ mặn cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm tôm dễ bị sốc, dẫn đến phát sinh bệnh cơ hội như đốm trắng và vi bào tử trùng, nên người nuôi cũng chưa dám thả nuôi nhiều.

Việc thả giống chậm lại của người nuôi trong bối cảnh trên là khá hợp lý, nhất là đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ theo mô hình quảng canh cải tiến hay bán thâm canh, dù nó có thể gây thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy trong khoảng 1 – 2 tháng tới, nhất là khi thị trường có sự hồi phục sớm. Diễn cảnh trên gần như là chắc chắn, bởi người nuôi hiện phần lớn đều chờ đến khi vào mùa mưa mới tiến hành thả giống, trong khi theo dự báo, khoảng nửa cuối tháng 5, khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chính thức bước vào mùa mưa.

Theo nhận định chung của các doanh nghiệp, nguồn cung tôm thế giới trong năm 2020 sẽ giảm khá mạnh so với năm 2019, nhưng còn giá tôm cũng như sức mua trong thời gian tới diễn biến ra sao còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, do nguồn cung tôm thế giới giảm nên dù dịch bệnh Covid-19 có kéo dài hơn dự kiến thì giá tôm vẫn khá ổn, nếu có giảm cũng sẽ không nhiều, nhưng xu hướng tăng vẫn được đánh giá là nhiều khả năng hơn.

Còn theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số kênh tiêu thụ tôm, như: nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cửa hàng thức ăn nhanh… đều tạm đóng cửa và cho dù có mở cửa trở lại thì trong thời gian ngắn sức tiêu thụ cũng không mạnh. Ông Phục cho biết thêm: “Bên cạnh sự sụt giảm từ một số kênh tiêu thụ thì sức tiêu thụ tại các siêu thị ở Mỹ, châu Âu vẫn khá tốt, thậm chí tăng 20% – 30% so với cùng kỳ. Do đó, Vinacleanfood và các doanh nghiệp khác ở Sóc Trăng cũng có sự linh hoạt đẩy mạnh bán hàng vào các siêu thị, nên giảm được phần nào tác động từ dịch Covid-19. Điều này đã giúp cho giá tôm thời gian qua được giữ vững, thậm chí còn tăng thêm từ đầu tháng 4 đến nay.

Tuy có đôi chút lo lắng về khả năng thiếu hụt nguyên liệu, nhất là trong 2 tháng 5 và 6, nhưng theo các doanh nghiệp tình trạng trên chỉ diễn ra mang tính cục bộ đối với các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu và đã có hợp đồng giao hàng đến hết quý II-2020. Cơ sở cho nhận định trên được các doanh nghiệp đưa ra là hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp có hàng tồn kho tương đối lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên mặt hàng tôm sú và doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa đủ uy tín, điều kiện bán hàng vào các siêu thị lớn ở Mỹ và châu Âu. Điển hình như tại Cà Mau, theo báo cáo của ngành chức năng, hiện các doanh nghiệp trong tỉnh đang tồn kho hơn 17.000 tấn tôm các loại, trong khi phần lớn doanh nghiệp ở Sóc Trăng vẫn thu mua, chế biến và xuất khẩu khá ổn định.

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phục phân tích: “Thật ra để đưa ra nhận định về mốc thời gian hồi phục của thị trường tôm vào lúc này là rất khó, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào dịch Covid-19 mới được khống chế trên phạm vi toàn cầu, hay chí ít là tại những thị trường tiêu thụ tôm lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Nói một cách khác là thị trường tôm vẫn khó đoán định mặc dù nguồn cung giảm mạnh gần như là chắc chắn. Do đó, chuyện có thiếu hụt nguyên liệu hay không, mức độ thiếu hụt như thế nào, thời gian thiếu hụt bao lâu… ngoài chuyện dịch Covid-19 ra còn tùy thuộc vào uy tín và sự linh hoạt của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu người nuôi vẫn cứ e dè, lo sợ tôm rớt giá không dám thả nuôi như từ đầu năm đến nay thì khả năng thiếu hụt nguyên liệu sẽ không còn là cục bộ nữa mà sẽ diễn ra trong toàn ngành tôm”.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)

Nghịch lý xuất khẩu tôm: Thị trường cần tôm nhỏ, DN thích sản xuất tôm lớn

Người tiêu dùng cần tôm cỡ nhỏ, người nuôi thích tôm lớn (ảnh Nhật Hồ)
Người tiêu dùng cần tôm cỡ nhỏ, người nuôi thích tôm lớn (ảnh Nhật Hồ)

Kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua dự trữ thủy sản cỡ lớn

Tôm sú
Nhu cầu thủy sản sẽ tăng mạnh sau dịch Covid-19, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để đón đầu thị trường.

Đề xuất này được ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đưa ra trong hội nghị trực tuyến với Thủ tướng sáng 9/5.

Theo ông Hòe, dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhiều quốc gia là thị trường chính tiêu thụ thủy sản đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và nông, ngư dân trong chuỗi sản xuất thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, với phương châm vừa sản xuất vừa chống dịch, đến nay có thể nói ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua được dịch Covid-19 và đang hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh với phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm nay không giảm so với 2019.

Cụ thể, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu dạt 8,6 tỷ USD, trong đó tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2019 để bù đắp cho phần thiếu hụt của xuất khẩu cá tra. Với ngành hải sản khai thác có thể duy trì mức 3,2 tỷ USD như năm ngoái.

Với những diễn biến thời gian qua, Hiệp hội nhận định có các cơ hội, thứ nhất sau các chính sách chống dịch hiệu quả, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn bán lẻ  đối với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể. Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân tin tưởng và tiếp tục thả nuôi, sản xuất trong dịch để có thể nắm bắt tốt các cơ hội sau dịch.

Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất thủy sản lớn đang bị kẹt trong dịch Covid-19 và có độ trễ đáng kể so với Việt Nam và đây cơ hội cho chúng ta. Cơ hội tiếp theo là chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu của thủy sản hầu như không phụ thuộc vào Trung Quốc và các ngành hàng phụ trợ phát triển tại Việt Nam giúp các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong hoạt động.

Chưa kể đến, nhu cầu về thực phẩm, đặc biệt là thủy sản dự báo sẽ tăng mạnh sau dịch Covid-19.

Theo ông Trương Đình Hòe, trong ngắn hạn VASEP có 5 kiến nghị, thứ nhất đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp, trong đó Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ hạn mức tín dụng cho các đơn vị có nhu cầu thực sự mua các sản phẩm thủy sản cỡ lớn của nông dân để dự trữ, dành bán sau dịch.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ hỗ trợ Bộ NN-PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hỗ trợ tối đa cho nông, ngư dân để có thể thả nuôi và khai thác biển trở lại từ tháng 5 để đón đầu cơ hội thị trường vào tháng 7-8/2020.

Thứ ba, hỗ trợ về an sinh, vốn để doanh nghiệp thủy sản có thể đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Thứ tư, kiến nghị Chính phủ xem xét thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường dịch vụ công điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Cuối cùng, ông Hòe kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chính sách để doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận dự án đầu tư nuôi do dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, ví dụ như đầu tư kho lạnh để trữ hàng.

Về lâu dài, Tổng Thư ký VASEP đề xuất thêm cần có sự hỗ trợ để các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thị trường, hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành thủy sản, tiếp theo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nuôi trồng và nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho nông thủy sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa.

Tùng Đinh Nông nghiệp Việt Nam