Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Nhu cầu tôm nguyên liệu trên thế giới bật tăng trở lại, Bến Tre khuyến cáo hộ nuôi khôi phục sản xuất

Bối cảnh điều kiện thời tiết đang dần ổn định, tình hình hạn mặn giảm cộng với nhu cầu tôm nguyên liệu trên thế giới bật tăng trở lại, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bến Tre đã ban hành công văn khuyến cáo người nuôi khôi phục sản xuất; đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ao nuôi đẩy nhanh tiến độ thả tôm giống. 

Cụ thể Chi cục Thuỷ sản tỉnh đề nghị các hộ nuôi tập trung thả giống trước ở các vùng có độ mặn từ 10- 15‰; các vùng còn lại căn cứ theo môi trường, thời tiết, độ mặn tiếp tục thả giống. Chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng. Mật độ thả giống đối với tôm chân trắng từ 60 – 80 con/ m2, cỡ PL≥12mm; tôm sú từ 20-25 con/m2, cỡ PL≥15mm. Trong khi thả nên chú ý áp dụng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, xử lý nước đến chọn con giống. Người nuôi cũng nên rải vụ tránh ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu. Những hộ có điều kiện nên áp dụng biện pháp ương tôm giống trước trong diện tích nhỏ như vèo hoặc ao lót bạt, mật độ 1.000 con/ m2, ương từ 25- 30 ngày, khi điều kiện thuận lợi thì tiến hành thả ra ao nuôi để rút ngắn thời gian, giảm dịch bệnh và giảm chi phí sản xuất.

Cũng nằm trong mục tiêu chung giảm dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế khi nuôi tôm, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bến Tre khuyến khích người nuôi tôm biển áp dụng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn; đầu tư nuôi theo bể tròn, nổi; ao nuôi lót bạt che lưới lan…

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình xâm nhập mặn và đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre nói chung – hoạt động nuôi tôm biển nói riêng. Tính đến hết tháng 5, tổng diện tích nuôi thủy sản đạt khoảng 36.500 ha, giảm 1,3% so cùng kỳ và đạt 77% kế hoạch năm. Trong đó, tôm sú, tôm thẻ nuôi thâm canh thả giống hơn 2.900 ha, giảm nhẹ so cùng kỳ và đạt 96% kế hoạch.

Hiện nay thời tiết đang dần ổn định trở lại; tình hình hạn mặn giảm và các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi cũng có chiều hướng giảm do mùa mưa đang bắt đầu. Nhu cầu tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn đang duy trì, giá tôm nguyên liệu ở mức người nuôi có lãi.  Thêm vào đó, dự báo nhu cầu tôm nguyên liệu trên thế giới sẽ tăng trở lại khi một số nước đã khống chế thành công dịch Covid – 19 và đã có kế hoạch khôi phục lại hoạt động sản xuất. Đây sẽ là những yếu tố vô cùng thuận lợi để bà con nông dân khôi phục sản xuất tôm.

Ngọc Đỉnhhttps://bizc.vn/

Bắt được 9 đối tượng trong vụ”Thương lái trộm tôm ở Cà Mau” phần lớn đến từ Bạc Liêu

Trong những ngày qua thì vụ việc thương lái trộm tôm ở Cà Mau đang là đề tài gây chấn động trong ngành nuôi tôm. Khi các đối tượng trộm tôm đã bị người dân phát hiện trình báo lên cơ quan chức năng. Ngày 3-6 thì 9 đối tượng đã bị bắt trong số các đối tượng bị bắt đa số là ở Bạc Liêu. Hiện vụ việc đang được công an xác minh và tiếp tục điều tra.

ảnh chụp một trong số các đối tượng đã bị bắt

Sau khi được người dân trình báo thì cơ quan điều tra Công an huyện Đầm Dơi cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 3 người ở Bạc Liêu là Đỗ Tuệ Tánh, Lê Văn An, Võ Văn Thạnh.

Ngày 3-6, nguồn tin riêng của PLO cho hay Công an huyện Đầm Dơi (Cà Mau) vừa bắt tạm giam thêm sáu bị can tham gia vụ trộm tôm bị camera quay lại ở Đầm Dơi hôm 7-5. Gồm các đối tượng: Nguyễn Chí Thới, Dương Thanh Tuấn, Phạm Ngọc Hận, Huỳnh Nhật Trường, Huỳnh Minh Quang (tuổi từ 25 tới 39, cùng ở Bạc Liêu) và Võ Văn Thì (42 tuổi, ở TP Cần Thơ).

Thủ đoạn trộm tôm

Theo anh Châu, nhóm này có trên 20 người, tổ chức bài bản, bố trí nhân lực, vật dụng để che mắt chủ nhà rồi trộm tôm.Tố giác từ nhiều người khác thì có các nhóm người khác chứ không chỉ riêng nhóm đã trộm tôm của anh Châu. Trong đó, có hai người tố giác nhóm 2 cây dù, rằng nhóm này đến mua tôm của nông dân luôn có 2 cô gái che dù lớn, thực chất là dùng nó che mắt chủ ao tôm để cho đồng phạm trộm hàng tấn tôm của người dân.

ảnh chụp lại 2 cô gái mang dù trong nhóm thương lái trộm tôm

Công an huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cũng đã xác minh hiện trường theo đơn tố giác của ông Trần Trúc Lâm, ở thị trấn U Minh, huyện U Minh.Ông Lâm tố giác ngày 14-5 bị một nhóm thương lái có 2 cô gái cầm dù trộm mất khoảng 2 tấn tôm. Theo thông tin phóng viên nắm được đến ngày 3-6, đã có hơn 10 người đến các cơ quan chức năng trình báo, tố giác các nhóm thương lái trộm hàng tấn tôm của mình.

Thiệt hại cho người dân

Tỷ lệ bị mất tôm bình quân của những người đi tố giác tự khai báo là 2/3 số tôm theo dự tính của họ. Thủ đoạn của các nhóm này giống nhau. Theo đó, họ bố trí các thùng phuy rửa tôm sau khi cân sát mé ao rồi dẫn dụ người nhà chủ ao tôm tập trung xem cân tôm để rồi ở một góc khuất phía bên đây thùng phuy họ kéo tôm trực tiếp từ dưới ao lên. Số tôm này không qua cân, được đổ trà trộn vào số tôm đã cân, chuyển ra xe tải.

TRẦN VŨ

Nguồn: plo.vn

Bất ngờ thị trường tôm tháng 5

Thu tỉa tôm
Thu tỉa tại Xí nghiệp Nuôi tôm Xuân Phú của Công ty Sao Ta. Ảnh: Tích Chu

Từ đầu tháng 5 đến nay, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đảm bảo cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu chứ không hề thiếu hụt, nên giá tôm chỉ có giảm chứ không tăng như những dự báo trước đó của doanh nghiệp và ngành chức năng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, khả năng giá tôm sẽ tăng trở lại từ đầu quý III là rất lớn.

Năm nay, tình hình hạn gay gắt và độ mặn cao kéo dài, cùng với đó là dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến sức tiêu thụ tôm giảm, kéo theo giá tôm giảm theo, đặc biệt là trong tháng 3, nên tiến độ thả nuôi cũng chậm hơn so với cùng kỳ do người nuôi lo sợ rủi ro. Tuy nhiên, nhờ Việt Nam khống chế tốt dịch Covid-19, trong khi nhiều nước sản xuất tôm lớn như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và thậm chí cả Thái Lan vẫn còn loay hoay chống dịch Covid-19 khiến nghề nuôi và chế biến tôm bị đình trệ, chuỗi cung ứng tôm toàn cầu bị đổ gãy, giá tôm tăng trở lại từ đầu tháng 4.

Những diễn biến trên cùng với kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước trong tháng 4 tăng mạnh so với bình quân 3 tháng đầu năm, nên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Sóc Trăng ngày 8-5, hầu hết các ý kiến đều nghiêng về khả năng sẽ thiếu hụt tôm nguyên liệu ngay trong tháng 5 và giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục ổn định, thậm chí khả năng tăng thêm kể từ tháng 5. Tuy nhiên, tất cả gần như bị đảo lộn, khi nguồn cung tôm nguyên liệu vẫn đảm bảo cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu suốt tháng 5 và giá tôm đã quay đầu giảm.

Việc đảm bảo nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước từ tháng 5 đến nay thoạt nhìn có đôi chút bất ngờ, nhưng nếu theo dõi sát tình hình vụ nuôi cũng như các yếu tố tác động khác sẽ thấy điều này là hoàn toàn hợp lý. Tuy tiến độ thả nuôi năm nay có chậm hơn so với mọi năm, nhưng phần lớn diện tích thả nuôi đều là những mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh hoặc siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nên sản lượng tôm trong 4 tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ 5,6% so với cùng kỳ. Nguồn cung tôm giảm nhẹ nhưng cùng lúc sức tiêu thụ tôm thế giới tiếp tục giảm vì dịch Covid-19 nên cán cân cung – cầu không có sự lệch pha lớn.

Nguyên nhân thứ hai khiến nguồn cung tôm nguyên liệu trong tháng 5 không bị thiếu hụt là do thời tiết chuyển mùa, nhiều diện tích tôm bị sốc, người nuôi phải thu hoạch sớm, tôm cỡ nhỏ nhiều, trong khi các nhà máy đang thiếu lao động, nên công suất chế biến giảm. Từ giữa tháng 5 đến nay, thời tiết khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn chuyển từ mùa nắng nóng sang mùa mưa, nên tôm nuôi dễ bị sốc, nhiều diện tích phải thu hoạch sớm, tôm cỡ nhỏ nhiều. Một số vùng khác do ảnh hưởng độ mặn cao, thiếu nguồn nước cấp khiến việc nuôi gặp khó khăn cũng phải thu hoạch sớm, hoặc thu tỉa bớt để giảm mật độ nuôi. 

Tại vùng nuôi của Xí nghiệp Nuôi tôm Xuân Phú của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng phải thu tỉa bớt do nguồn nước bị thiếu hụt. Anh Ngô Văn Nghiệp – Giám đốc quản trị xí nghiệp cho biết: “Khu vực này thường xuyên thiếu nước trong tháng 5 và tháng 6, nên dù mật độ thả nuôi bình quân 200 con/m2, nhưng do tỷ lệ tôm sống đạt cao, chúng tôi vẫn phải thu tỉa bớt. Hiện mỗi ngày xí nghiệp thu khoảng 40 – 50 tấn tôm cỡ 50 – 60 con/kg vì nếu không sẽ không đủ nước để duy trì mật độ thả nuôi”.

Trong khi nguồn cung tôm nhỏ đang khá dồi dào thì các nhà máy lại thiếu hụt lao động, nên công suất chế biến cũng giảm đi. Dù trong tỉnh có nhiều lao động thất nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đồng Nai trở về nhưng các nhà máy đều rất khó khăn trong tuyển dụng số lao động này do họ vẫn còn nguồn thu nhập từ trợ cấp mất việc do dịch Covid-19, nguồn bảo hiểm thất nghiệp và đặc biệt là số lao động này vẫn muốn tìm kiếm cơ hội việc làm mới từ các địa bàn trên. Những lý do trên cùng với sức tiêu thụ tôm từ các thị trường vẫn chưa hồi phục mạnh nên giá tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long quay đầu giảm trong tháng 5, chứ không tăng như dự báo khiến không ít người nuôi tôm có đôi chút bất ngờ và hụt hẫng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu như đầu tháng 5, giá tôm thẻ loại 100 con/kg vẫn còn ở mức 89.000 – 100.000 đồng/kg; loại 70 con/kg giá 100.000 – 111.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 138.000 – 148.000 đồng/kg, loại 20 con/kg giá 214.000 – 224.000 đồng/kg thì đến trung tuần tháng 5, giá tôm thẻ tại hầu hết các kích cỡ bắt đầu có xu hướng giảm dần và đến những ngày cuối tháng 5 này, giá tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 82.000 – 86.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá phổ biến khoảng 101.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 105.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ cỡ lớn sau thời gian đứng ở mức cao cũng quay đầu giảm. Cụ thể, tôm thẻ loại 30 con/kg hiện chỉ còn 126.000 – 132.000 đồng/kg, còn loại 20 con/kg cao nhất cũng chỉ đạt 205.000 đồng/kg, tức giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 5.

Hiện tại giá hầu hết các kích cỡ tôm đều giảm so với đầu tháng 5, nhưng nếu người nuôi đạt năng suất thì vẫn đạt mức lợi nhuận khá. Theo các doanh nghiệp, với giá bán 105.000 đồng/kg đối với tôm thẻ loại 70 con/kg như hiện tại, nếu nuôi đạt năng suất, người nuôi vẫn có lãi khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Riêng đối với tôm thẻ cỡ lớn, dù giá giảm trên 20.000 đồng/kg, nhưng nếu nuôi đạt năng suất và hệ số FCR hợp lý, người nuôi vẫn có mức lãi 70 – 80%. Do đó, dù có đôi chút hụt hẫng về giá tôm, nhưng tiến độ thả giống tại hầu hết các vùng nuôi ở Sóc Trăng cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại, bởi theo quy luật, giá tôm thường tăng trở lại từ tháng 9 – 10 khi các doanh nghiệp bước vào cao điểm thu mua, chế biến phục vụ các đơn hàng lễ, tết cuối năm đến tận đầu năm sau.

Theo các doanh nghiệp, khả năng giá tôm sẽ được duy trì ở mức tốt ngay đầu quý III, tức sớm 1 tháng so với 2 năm gần đây. Cơ sở cho nhận định trên là do: tồn kho các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản không nhiều. Các cường quốc nuôi tôm như: Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và thậm chí cả Thái Lan đều đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19 và thời tiết, nên theo dự đoán khả năng nguồn cung các nước này sẽ giảm ở mức từ 20% trở lên. Hay nói cách khác, khả năng cung giảm mạnh hơn so với cầu là rất dễ xảy ra, nên giá tôm sẽ tốt hơn kể từ đầu quý III.

Tích Chu Báo Sóc Trăng

Giá tôm thế giới có thể mất vài năm để phục hồi

Tôm thẻ chân trắng
Tôm chế biến đông lạnh

Dịch Covid-19 có khả năng thay đổi ngành tôm về lâu dài, theo nhận định của nhóm các chuyên gia thị trường ở Ecuador, Ấn Độ, Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á.

Giá tôm giảm mạnh ở hầu hết các khu vực sản xuất tôm chính trên thế giới do ngành dịch vụ thực phẩm từ Trung Quốc tới Mỹ đều chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh phong tỏa quốc gia.

Theo ông Gorjan Nikolik, phân tích gia của Rabobank, so với các loài thủy sản khác, ngành tôm thu được lợi nhuận hàng năm đáng kể từ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm trong khi lĩnh vực này ở Mỹ và EU chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Nên ngành tôm sẽ phải mất một thời gian dài để quay trở lại bình thường như trước đây.

Theo Nikolik, mặc dù nguồn cung đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nhưng nhu cầu để phục hồi sẽ mất nhiều thời gian hơn. Và nếu nguồn cung đạt bằng mức trước khi dịch Covid diễn ra, giá tôm dự báo sẽ vẫn thấp. Theo một khảo sát được thực hiện ở Mỹ tháng 4/2020 bởi Civic Science, 41% người được khảo sát cho biết, sẽ phải mất từ 1-5 tháng trước khi họ nghĩ tới chuyện đi ăn ở nhà hàng.

Tại Ấn Độ, tình hình đang dần trở lại bình thường sau khi người nuôi thu hoạch ồ ạt trước lệnh phong tỏa cả nước hôm 22/3/2020.

Lệnh phong tỏa tại Ấn Độ đã thực sự ảnh hưởng tới ngành nuôi tôm Ấn Độ: mùa nuôi chính bắt đầu trong tháng 3, tất cả các trại ương giống (tại Andhra Pradesh) với 68.000 tôm giống bố mẹ đã sẵn sàng thả nuôi, tuy nhiên do lệnh phong tỏa, 4-5 tỷ con tôm giống phải bỏ vì không có người mua, theo ông Manoj Sharma, Giám đốc công ty nuôi tôm Mayank Aquaculture tại bang Gujarat.

Nếu lệnh phong tỏa chấm dứt vào cuối tháng 5, người nuôi sẽ thả nuôi lại. Hiện 50-60% người nuôi ở Andhra Pradesh – trung tâm nuôi tôm chính ở Ấn Độ – sẽ thả nuôi vào tháng 5 và 6. Ông Sharma dự đoán, trong tháng 6/2020, khoảng 70-80% người nuôi sẽ thả nuôi và sản lượng cả năm dự kiến sẽ đạt 60-70% mức của cùng kỳ năm ngoái (khoảng 500.000 tấn).

Ông Gulkin cho biết “nếu Ấn Độ đạt sản lượng 500.000 tấn, thị trường có nguy cơ dư cung. Tôi không nghĩ Indonesia sẽ giảm sản lượng. Người nuôi Indonesia thu hoạch tôm nhanh trước lễ Ramadan, sau đó vệ sinh ao trước lễ hội Eid. Tôi cho rằng người nuôi Indonesia sẽ thả giống trở lại và sản lượng sẽ quay trở lại bình thường. Sản lượng Thái Lan có thể giảm từ 300.000 tấn xuống 250.000 tấn do giá tôm giảm mạnh, người nuôi không mặn mà thả nuôi. Tại Việt Nam, giá tôm đã phục hồi, thị trường Trung Quốc đã khởi động trở lại nên hoạt động thả nuôi tại đây sẽ vẫn diễn ra như mọi năm.

Fatima Ferdouse, tư vấn viên cho Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc cho rằng, nếu sản lượng tôm tương đương hoặc giảm 20-30% so với năm ngoái, thì sẽ cân bằng với sự sụt giảm nhu cầu từ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Nếu sản lượng phục hồi 20%, tôi không biết liệu nhu cầu từ lĩnh vực bán lẻ có bù đắp được sự chênh lệch này hay không.

Sản lượng tôm của Ecuador vẫn tăng trưởng hai con số. Xuất khẩu tôm của Ecuador trong tháng 3 và 4 năm nay tương đương so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm so với 2 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sản xuất tôm Ecuador bị ảnh hưởng bởi Covid nhất là ở tỉnh Guayaquil và the Guayas – nơi chiếm 80% tổng lượng tôm sản xuất của Ecuador và chiếm 95% tổng công suất chế biến của nước này.

Các nhà máy chế biến tại Ecuador đã hoạt động 80-90% so với công suất bình thường.

Ông Jose Antonio Camposano, Giám đốc điều hành Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador dự đoán, ngành tôm Ecuador sẽ phục hồi với tốc độ rất chậm trong thời gian còn lại của năm nay. Một nửa xuất khẩu tôm của nước này phục vụ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và hàng không. Nếu khả quan lắm, thì xuất khẩu năm nay chỉ tương đương với năm ngoái. Ecuador đang khôi phục xuất khẩu sang Mỹ và EU. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ không thể bằng tốc độ của 10 năm vừa qua.

Giá tôm Ecuador giảm mạnh khi thị trường Trung Quốc đóng cửa và tiếp tục giảm Covid lan rộng và diễn biến phức tạp ở Mỹ và EU. Xuất khẩu tôm Ecuador sang thị trường Trung Quốc đang dần phục hồi tuy nhiên các nhà xuất khẩu tôm Ecuador vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vào 20/5, một nguồn tin cho biết, giá tôm Ecuador bắt đầu tăng sau khi thị trường Trung Quốc và EU phục hồi – 2 thị trường chiếm 80% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador.

Đầu tháng 5, giá tôm HOSO (tôm nguyên con), cỡ 30-40 con/kg của Ecuador được bán với giá 3,4 USD/kg, hiện cuối tháng 5 được bán với giá 4,6 USD/kg. Giá tôm HLSO ( tôm bỏ đầu nhưng phần vỏ của thân và đuôi) cũng dự kiến đi theo xu hướng tương tự.

Kim Thu VASEP

3 dạng thức ăn tổng hợp cho ấu trùng tôm cá

tôm post
Chất lượng giống tốt là điều kiện tiên quyết để vụ nuôi thành công.

Thức ăn trong ương nuôi tôm cá giống gồm nhiều loại phù hợp từng giai đoạn ấu trùng khác nhau. Ngoài thức ăn tự nhiên như tảo tươi, artemia, luân trùng… thì thức ăn tổng hợp là một trong những yếu tố then chốt đóng góp vào chất lượng con giống.

Hiện tại, trên thị trường có nhiều loại thức ăn tổng hợp cho ấu trùng tôm cá, bao gồm: thức ăn dạng lỏng, dạng mảnh, dạng hạt, thức ăn dạng viên nang vi hạt micro-encapsulated. Mỗi dạng thức ăn có công nghệ sản xuất khác nhau nên có cũng thế mạnh và hạn chế riêng biệt. Trong đó, hai dạng thức ăn được sử dụng phổ biến trong sản xuất giống tôm cá là thức ăn dạng mảnh và thức ăn vi nang micro-encapsulated. Ngoài ra còn có thức ăn vi nang bằng công nghệ ép đùn lạnh đang được đánh giá cao vì khắc phục được điểm yếu của 2 dạng trên.

Thức ăn ấu trùng dạng mảnh

Thức ăn dạng mảnh là loại thức ăn dành cho ấu trùng tôm cá phổ biến nhất hiện nay. Kỹ thuật sản xuất thức ăn dạng mảnh không quá phức tạp. Các nguyên liệu thức ăn được giã nhỏ và thêm nước tạo thành dạng sệt. Sau khi bổ sung vi chất dinh dưỡng và trộn thêm chất kết dính, hỗn hợp được đưa qua máy tạo mảnh (thường là máy sấy hơi nước). Sau quá trình này, thức ăn sẽ tạo thành những mảnh vụn lớn nhỏ khác nhau, những mảnh lớn tiếp tục được nghiền nát và dùng sàn để điều chỉnh kích cỡ thức ăn đúng mong muốn.

Ưu điểm lớn nhất của thức ăn dạng mảnh là giá thành, dạng thức ăn này thường có giá bán trung bình, phù hợp với tất cả các quy mô sản xuất, kể cả các cơ sở nhỏ lẻ ít vốn của nông dân.


Ấu trùng tôm thẻ giai đoạn Zoea 2 – 3, giai đoạn bắt đầu cho ăn thức ăn tổng hợp.

Tuy nhiên, do phải sử dụng máy sấy trong quá trình tạo mảnh, nên chất dinh dưỡng có thể có bị mất hoặc biến tính do nhiệt độ. Dù hiện nay các nhà sản xuất đã dùng thiết bị sấy ép hình trống để giảm tác động của nhiệt độ nhưng không quá hiệu quả, nhiệt độ từ 125oC – 130oC khi sấy làm chất lượng thức ăn giảm một cách đáng kể. Ngoài ra, thức ăn dạng mảnh rất dễ hòa tan, gây thất thoát dinh dưỡng trong nước, khó quản lý hiệu suất cho ăn cũng như môi trường bể ương.

Thức ăn vi nang – những hạt thức ăn viên nang siêu nhỏ (Micro-encapsulate)

Thức ăn vi nang được tạo ra bằng cách phủ lên các hạt thức ăn siêu nhỏ một lớp vật liệu sinh học, thường là cholesterol-lecithin hoặc zein – một loại protein trong bắp ngô.

Nói một cách đơn giản, trong công nghệ sản xuất thức ăn vi nang, nhà sản xuất nghiên cứu bổ sung nhiều nhóm chất dinh dưỡng, enzyme, vitamin, kể cả vắc xin nếu cần, sau đó gói gọn chúng vào trong một lớp vật liệu sinh học để giảm thiểu thất thoát dinh dưỡng trong nước. Do đó, thức ăn tổng hợp dạng vi nang có thể đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, được dùng để bổ sung một phần hoặc thay thế toàn bộ thức ăn tươi tự nhiên. 

Thức ăn dạng vi nang có nhiều ưu điểm nhưng hạn chế lớn nhất là giá thành cao hơn với mức đầu tư trung bình của các trại giống, thường chỉ dành cho các trại tôm giống lớn sử dụng ở giai đoạn Zoea và Mysis.

Thức ăn vi nang dùng kỹ thuật sản xuất ép đùn lạnh 

Hạn chế về chất lượng của thức ăn mảnh và điểm yếu giá thành cao của công nghệ vi nang gây khó khăn cho nhu cầu sử dụng thức ăn tổng hợp trong ương nuôi giống thủy sản.

Đòi hỏi của thực tế sản xuất đã thôi thúc cho ra đời một công nghệ đáp ứng việc cân đối giữa hiệu suất và giá thành sản phẩm, đó là công nghệ sản xuất thức ăn vi nang ở nhiệt độ thấp. Công nghệ mới dùng kỹ thuật ép đùn lạnh (micro extruced) để sản xuất những hạt thức ăn ép lạnh siêu nhỏ nhưng hoàn thiện dinh dưỡng, không làm biến tính các vi chất thiết yếu, ít tan trong nước, kích thước hạt nhỏ đồng nhất tạo điều kiện cho ấu trùng tôm cá bắt mồi dễ dàng. Thức ăn vi nang ép lạnh cũng có giá thành hợp lý hơn thức ăn vi nang được sản xuất theo cách thông thường, tuy nhiên dạng thức ăn này chưa được phổ biến.

Tóm lại, thức ăn dạng mảnh có ưu điểm về giá cả nhưng giá trị dinh dưỡng bị thất thoát, dạng thức ăn vi nang đảm bảo yếu tố dinh dưỡng lại có giá thành khá cao, thức ăn vi nang dùng kỹ thuật sản xuất ép đùn lạnh khắc phục được nhược điểm của 2 dạng trên nhưng chưa phổ biến. Dựa vào phân tích ưu nhược điểm của mỗi loại kết hợp với điều kiện sản xuất thực tế, trại sản xuất giống quyết định lựa chọn dạng thức ăn tổng hợp cho ấu trùng phù hợp.

Hoài An – https://tepbac.com/

Bí quyết nuôi tôm 3 giai đoạn, cứ 1ha bắt lên 48 tấn, dân trúng lớn

Nuôi tôm
Anh Lư Trần Hải Đăng, ấp Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) phấn khởi với thành công của dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo quy trình công nghệ Semi-biofloc” mang lại.

Sau gần 3 tháng thả nuôi, 2 hộ tham gia dự án sản xuất thử nghiệm “Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo quy trình công nghệ Semi-biofloc tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau” đã thu hoạch với năng suất đạt mục tiêu dự án đề ra. Dự án được thực hiện từ nguồn vốn Khoa học và Công nghệ.

Tham gia dự án, sau 22 ngày dèo tôm, tiếp tục nuôi 2 giai đoạn 66 ngày, hộ ông Lư Trần Hải Đăng, ấp Cống Đá, xã Phú Tân thu hoạch tôm đạt kích kỡ 38 con/kg, năng suất 7,2 tấn, tỷ lệ sống 80%. Trừ chi phí, ông Đăng lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Còn hộ ông Ngô Văn Thắng, ấp Cái Nước, xã Phú Tân, huyện Phú Tân thu hoạch tôm đạt 39 con/kg, sản lượng thu được 7,5 tấn sau 66 ngày nuôi, lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Ông Lư Trần Hải Đăng cho biết: “Khi nuôi theo dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, có khác biệt hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trước là nuôi 3 giai đoạn, nên tôm phát triển nhanh hơn, ao nuôi sạch và tôm không có hiện tượng chậm lớn. Nhờ vậy đỡ tốn nhân công vệ sinh ao, tôm màu đẹp hơn so với các vụ nuôi trước”. 


Năng suất tôm nuôi bình quân của dự án nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn thực hiện tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) đạt tới 48 tấn/ha.

Có được vụ nuôi thuận lợi này là nhờ tác động của các yếu tố kỹ thuật, nhất là quy trình nuôi áp dụng công nghệ Semi-biofloc. Semi-biofloc là quy trình kỹ thuật nuôi thuỷ sản thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển thuỷ sản bền vững. 

Kỹ sư Bùi Trung Quân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Triển khai dự án này, khi tạo được các hạt bio-floc sẽ giúp ổn định môi trường nước trong ao nuôi. Nó cũng hạn chế thức ăn dư thừa, các loại khí độc phát sinh trong quá trình nuôi như: NH3, H2S… Từ đó, khi triển khai nuôi 3 giai đoạn sẽ giúp tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi, nuôi đạt kích cỡ lớn; giảm áp lực về môi trường ao nuôi. Mô hình này giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả tôm nuôi”.


Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông và chính quyền địa phương luôn quan tâm, kiểm tra dự án từ khi thực hiện đến thu hoạch tôm nuôi.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân Huỳnh Văn Lớn cho biết: “Dù chỉ có 2 hộ dân tham gia, nhưng mô hình còn được rất nhiều nông dân nuôi tôm quan tâm từ giai đoạn đầu thực hiện đến thu hoạch. Mặc dù thu hoạch tôm trong thời điểm giá thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng với lợi nhuận mỗi hộ trên 400 triệu đồng sau hơn 2 tháng nuôi cho thấy dự án này rất thành công. Sẽ có nhiều nông dân thực hiện theo mô hình này cho ao nuôi của mình”.

Dự án sản xuất thử nghiệm nhưng bước đầu mang lại tín hiệu tích cực về quy trình, kỹ thuật và công nghệ. Dự án đang được ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình để nhân rộng ra các hộ nuôi trên địa bàn huyện Phú Tân nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung nhằm tăng năng suất, thu nhập của nông dân.
Hoàng Diệu Báo Cà Mau

Nuôi tôm không cần kháng sinh, đạt chuẩn xuất khẩu vào Mỹ

Nuôi tôm – đặc biệt là tôm thẻ chân trắng được xem là thế mạnh của các địa phương ven biển ĐBSCL, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, gần đây tình hình biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nghề nuôi tôm, làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi, không ít người nuôi thua lỗ…

Đó là thông tin tại buổi toạ đàm với chủ đề “Nuôi tôm thẻ chân trắng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 29/5, tại xã Long Hữu, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh).

Nuôi tôm không cần dùng kháng sinh

Tại buổi tọa đàm, bà con nông dân đã được các chuyên gia nông nghiệp, thủy sản thông tin về tác động của biến đổi khí hậu đến nghề nuôi tôm thẻ, đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn và khô hạn; các bệnh tôm thường gặp và cách phòng trị bệnh; các loại thuốc kháng sinh, hóa chất không được sử dụng trong nuôi tôm; các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất tôm…

Nuôi tôm không kháng sinh, đạt chuẩn xuất khẩu  - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin về nuôi tôm thẻ chân trắng tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.T

Từ đầu năm đến nay đã có gần 16.000ha diện tích tôm nuôi ở khu vực ĐBSCL bị thiệt hại. Hiện đang vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt thay đổi rất lớn giữa ngày và đêm. Biên độ nhiệt dao động cao sẽ khiến con tôm bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh phát sinh do vi khuẩn virus xâm nhập.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Xét (ở ấp 17, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) – người nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao 3 năm qua, cho biết: “Mô hình nuôi công nghệ cao trong hồ tròn đảm bảo ATTP vì thả dày và xử lý chất thải rất tốt so với nuôi trong ao đất. Tôi không dùng kháng sinh, chỉ đánh khoáng, men và thuốc vi sinh. Tôm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ”.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Để nuôi tôm đảm bảo ATTP, trước hết người nuôi phải chọn địa điểm nuôi xa khu công nghiệp, không có nguồn nước thải. Nguồn nước cấp, thoát phải đảm bảo an toàn. Nếu khu vực rộng thì vùng nuôi phải được các cơ quan thẩm quyền xác định đó là vùng nuôi tôm ATTP.

Đối với người nuôi, điều đầu tiên là không sử dụng hoá chất kháng sinh nằm trong danh mục cấm của Bộ NNPTNT ban hành theo Thông tư số 26. Trong quá trình nuôi, người nuôi phải thực hiện ghi chép sổ tay, nhật ký hàng ngày để truy xuất nguồn gốc. Nếu có sử dụng kháng sinh thì phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, phải chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng của địa phương.

Chăm sóc tôm lúc giao mùa

Tại buổi toạ đàm, nhiều câu hỏi của bà con nông dân về những tiến bộ kỹ thuật mới, những tình huống thường gặp trong thực tế nuôi tôm, những chính sách hỗ trợ cho bà con có thể áp dụng nuôi tôm công nghệ cao… đều được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.

Về câu hỏi của bà con nông dân liên quan đến việc phòng trị bệnh cho tôm lúc giao mùa, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến con tôm. Từ đầu năm đến nay đã có gần 16.000ha diện tích tôm nuôi ở khu vực ĐBSCL bị thiệt hại.

Hiện đang vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt thay đổi rất lớn giữa ngày và đêm. Biên độ nhiệt dao động cao sẽ khiến con tôm bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh phát sinh do vi khuẩn virus xâm nhập.

Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng vào lúc giao mùa, ông Kim Văn Tiêu khuyến cáo bà con nông dân nên duy trì mực nước từ 1,5-1,8m. Đồng thời phải tạo không khí, quạt nước liên tục để trung hoà nhiệt độ giữa tầng mặt và tầng đáy. Nếu nắng quá thì che lưới lại, giảm bớt nhiệt độ, giảm bớt tảo phát triển. Xi phông đáy ngày có thể 2-3 lần nếu nuôi ao lót bạt hoặc hồ tròn.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trên 35 độ C thì người nuôi nên giảm khoảng 1 nửa lượng thức ăn. Nếu có mưa to, bà con phải có ống tràn để gạt bỏ nước mưa, bón vôi để nâng độ pH, đảm bảo mức độ 7,5 – 8,5 cho phù hợp với con tôm.

“Hiện chúng tôi đã thực hiện mô hình tại Sóc Trăng không cần phải sử dụng kháng sinh, hoá chất. Bà con nuôi tôm chỉ sử dụng chế phẩm sinh học mà thôi. Thực tế chế phẩm đáp ứng tiêu chí tôm nhanh lớn và đảm bảo ATTP. Nếu dùng chế phẩm, khuyến cáo bà con chú ý phải sử dụng chế phẩm vi sinh tốt, nguồn gốc rõ ràng. Thứ hai là tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất. Thứ ba, thời điểm sử dụng phải trước khi thả tôm, sẽ tốt hơn đợi đến nước ô nhiễm rồi mới sử dụng vi sinh” – ông Kim Văn Tiêu cho biết.

Thiên Ngân- https://danviet.vn/