Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi từ ruộng muối sang nuôi tôm

Khoảng 10 năm trước đây, nhiều hộ làm muối tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã luân canh vụ trên cùng một ruộng muối. Theo đó, vào mùa nắng người dân làm muối và vào mùa mưa người dân nuôi tôm.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao của gia đình ông Lê Quang Hùng, khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu cho thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng. 

Thế nhưng, do giá muối quá rẻ và ngày càng bấp bênh, tốn nhiều nhân công lao động, nên 3 năm trở lại đây hàng chục hộ làm muối đã chuyển hoàn toàn sang nuôi tôm; trong đó, có nhiều hộ dân đã đầu tư trang thiết bị hiện đại nuôi tôm theo công nghệ cao. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có cuộc sống ổn định, khấm khá.

Phường 12, thành phố Vũng Tàu là địa phương có truyền thống sản xuất muối từ lâu đời, với khoảng 30 hộ. Thế nhưng, do giá muối rẻ và đầu ra bấp bênh nên nhiều hộ dân trên địa bàn phường những năm đầu luân canh một vụ nuôi tôm, một vụ làm muối để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã chuyển hẳn sang nuôi tôm, bỏ nghề làm muối truyền thống lâu đời. 

Ông Lê Quang Hùng, ở khu phố 4, phường 12 có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm muối. Trước đây, làm muối là một nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông cũng như nhiều diêm dân khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do biến động của thị trường, giá muối không còn ổn định, có lúc giảm đáng kể.

Cùng với đó, thời tiết thất thường khiến cho việc sản xuất muối của diêm dân gặp nhiều khó khăn, chính vì thế cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập chính của diêm dân. 

Năm 2005, nhờ được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chuyển giao kỹ thuật, ông Hùng bắt đầu chuyển sang nghề nuôi tôm sú trên ruộng muối vào mùa mưa. Thay vì các năm trước đó đến mùa mưa, ruộng muối phải bỏ hoang, ông đã tận dụng để triển khai nuôi tôm trên diện tích 2.700 m2 ruộng muối. 

Những năm đầu mới triển khai việc nuôi tôm, cứ mùa nắng ông làm muối, đến mùa mưa lại nuôi tôm. Ngay vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu lãi gần 20 triệu đồng. Thấy nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn làm muối, ông Hùng thuê thêm đất ruộng để đầu tư mở rộng diện tích nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến rồi đến nuôi thâm canh, bỏ hoàn toàn nghề làm muối.

Năm 2018, ông Hùng quyết định đầu tư cải tạo mô hình nuôi tôm sú thâm canh và ứng dụng công nghệ cao nền ao tôm lót bạt, máy sục khí, quạt, ao tôm có mái che mát trên diện tích 1,5 ha, với kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng; trong đó, có 2 ao nuôi và 3 ao lắng. Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, nhờ có máy móc hiện đại, quy trình lắng lọc nước vào ao nuôi rất nghiêm ngặt, nên hiện nay 1 năm gia đình ông Hùng nuôi được 3 vụ tôm, với khoảng trên 16 tấn tôm/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về gần 1 tỷ đồng.

Thấy mô hình nuôi tôm trên ruộng muối vào mùa mưa đạt hiệu quả, năm 2015, ông Phạm Văn Bạch, cũng ngụ khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Nhờ vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm, ông Bạch cũng đã rất thành công, nên hiện nay ông cũng đã chuyển hẳn sang nghề nuôi tôm. Ông Bạch chia sẻ, nhận thấy làm muối rất vất vả, tốn nhiều chi phí cho nhân công lao động, trong khi đó thu nhập lại không cao, nên gia đình tôi quyết định chuyển sang nuôi tôm.

Với 3ha diện tích trước đây là ruộng muối, ông Bạch cải tạo thành 3 ao nuôi tôm và 1 ao lắng để xử lý nước. Do vẫn nuôi trên nền đất, nên theo ông Bạch, để nuôi tôm trên ruộng muối thành công, khâu quan trọng nhất là xử lý nền ao nuôi, thứ 2 là con giống tôm và nguồn nước để nuôi tôm.

Hiện nay, nhờ kinh nghiệm nuôi được đúc rút lại từ nhiều năm, khâu xử lý nền ao, con giống, nguồn nước khá tốt nên mỗi năm ông Bạch nuôi được 2 vụ tôm, sản lượng thu về khoảng 9 tấn. Với giá bán từ 80 -140 nghìn đồng/kg tùy loại tôm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về khoảng 200 triệu đồng. Nhờ nuôi tôm mà cuộc sống gia đình ông Bạch đã khấm khá hơn trước đây khi còn làm muối rất nhiều. 

Theo chia sẻ từ các hộ nuôi tôm trên ruộng muối, điều khó khăn nhất đối với nghề nuôi tôm hiện nay là môi trường rất xấu, liên tục thay đổi; khắc phục yếu tố bất lợi về môi trường nuôi là yếu tố quyết định để tồn tại với nghề nuôi tôm sú.

Do đó, để nuôi được tôm sú, các hộ nuôi phải chấp nhận dành 1/4 diện tích ao nuôi để làm ao lắng xử lý nước, gồm: lắng lọc hữu cơ, ổn định môi trường, diệt khuẩn trước khi cấp cho ao nuôi. Nhờ làm tốt các khâu này mà hiện nay, nhiều nông dân ở phường 12, thành phố Vũng Tàu nuôi tôm trên ruộng muối đạt năng suất, chất lượng cao. 

Ông Trịnh Văn Sâm, cán bộ thủy sản – nông nghiệp phường 12, thành phố Vũng Tàu cho biết, trước đây, người dân phường 12 vừa làm muối vừa nuôi tôm, nhưng do giá cả muối thấp, không ổn định nên thu nhập không cao, 3 năm trở lại đây người dân đã chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi tôm.

Hiện, toàn phường có khoảng 20 hộ chuyển hoàn toàn từ nghề làm muối sang nuôi tôm; trong đó, có 8 hộ đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ biết ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào nuôi tôm, cộng với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm đã góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập

.Tin, ảnh: Hoàng Nhị(TTXVN)

Nhập khẩu tôm tại mỹ tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19

Việc nhiều nhà hàng tại Mỹ phải đóng của đã không ngăn cản được sức hút của tôm đối với người tiêu dùng của quốc gia này, theo dữ liệu mới nhất của NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ).

Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bán lẻ. Mỹ nhập khẩu 51.733 tấn tôm trong tháng 4, nhiều hơn 6% so với tháng 4 năm 2019 và chi tiêu khoảng 439,1 triệu USD, tăng 9% so với cùng kì năm trước.

Con số đó cũng chỉ thấp hơn đôi chút so với lượng nhập khẩu 51.908 tấn tôm với giá trị 442,8 USD trong tháng 3.

Đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 1,9 triệu người Mỹ mắc bệnh với gần 109.000 ca tử vong kể từ tháng 1. Sự sụp đổ của ngành dịch vụ thực phẩm xảy ra vào tháng 3 do các lệnh phong tỏa và cách li xã hội.

Thế nhưng, thị trường nhập khẩu tôm tại Mỹ nói chung (Mỹ nhập 700.064 tấn tôm trong năm 2019) gần như không bị tác động bởi dịch bệnh.

Nhập khẩu tôm tại mỹ tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19 - Ảnh 1.
Nguồn: Undercurrent News

Ấn Độ và Indonesia dẫn đầu

Theo dữ liệu của NOAA, Ấn Độ và Indonesia là hai nước xuất khẩu tôm sang Mỹ lớn nhất trong tháng 4/2020.

Ấn Độ xuất khẩu 22.229 tấn tôm với giá trị 187 triệu USD, tăng 25% về khối lượng và 29% về giá trị so với tháng 4/2019. Mức giá tôm nhập vào Mỹ là 8,45 USD/kg, thấp hơn 0,03 USD/kg so với tháng 3/2020 nhưng cao hơn 0,25 USD/kg so với cùng kì năm trước.

Xuất khẩu tôm Indonesia sang Mỹ còn chứng kiến mức tăng trưởng lớn hơn với khối lượng 13.804 tấn, trị giá hơn 1,1 tỉ USD, tăng 45% về khối lượng và 47% về giá trị so với tháng 4/2019.

Mức giá mà các nhà xuất khẩu nhận được là 8,53 USD/kg, cao hơn 0,05 USD/kg so với tháng 3/2020 và hơn 0,15 USD/kg so với cùng kì năm trước.

Theo trang thông tin Undercurrentnews, lượng xuất khẩu tôm Indonesia sang Mỹ có thể sẽ giảm trong tháng 5 và tháng 6 khi quốc gia này hồi phục từ một cơn bão đã tàn phá ngành tôm từ vài tuần trước.

Nhập khẩu tôm tại mỹ tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19 - Ảnh 2.
Nguồn: Undercurrent News
Nhập khẩu tôm tại mỹ tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19 - Ảnh 3.
Nguồn: Undercurrent News

Ecuador bắt đầu lao dốc

Ecuador là nước chứng kiến sự suy yếu lớn nhất của ngành tôm trong tháng 4 với lượng xuất khẩu sang Mỹ chỉ là 5.590 tấn với giá trị 35,9 triệu USD, giảm 315 về khối lượng và 36% về giá trị. Mức giá trung bình cho tôm Ecuador trong tháng 4/2020 giảm 7% so với tháng 4/2019 xuống chỉ còn 6,04 USD/kg., sau khi đã có con số xuất khẩu rất ấn tượng trong tháng 3/2020.

Theo một báo cáo trước đây của Undercurrentnews, ngành tôm của Ecuador chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19, dẫn đến giá thu mua tại bờ tụt sâu, tạo nên những mối lo ngại phá sản cho rất nhiều doanh nghiệp.

Giá nguyên liệu tươi trong tháng 4 là: 3,6 USD/kg cho loại 30-40 con/kg; 3,2 USD/kg cho loại 40-50 con/kg; 3 USD/kg cho loại 50-60 con/kg; 2,8 USD/kg cho loại 60-70 con/kg và 2,4 USD/kg cho loại 70-80 con/kg.

Nguồn tin của Undercurrentnews từ tỉnh Manabi , Ecuador cho biết: “Chúng tôi đang phải tôm với giá lỗ. Tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. 

Nếu chính phủ không hành động và ngành tôm, sẽ có thời điểm mà mọi hành động là quá muộn và chúng tôi lầm vào cảnh nợ nần chồng chất.” 

Nhập khẩu tôm tại mỹ tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19 - Ảnh 4.
Nguồn: Undercurrent News

Không chỉ riêng Ecuador, 11 nước khác cũng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 ít hơn cùng kĩ năm 2019, trong đó có Honduras quốc gia này chỉ bán sang Mỹ được 31 tấn, tương đương với 314.375 USD, ít hơn 86% về khối lượng và 80% về giá trị so với tháng 4/2019.

Tương tự, Trung Quốc cũng xuất khẩu sang Mỹ ít hơn do căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia, với khối lượng 749 tấn tôm có giá trị 3,8 triệu USD, giảm 33% về khối lượng và 56% về giá trị.

Mexico cũng lầm vào tình trạng khó khăn. Quốc gia này xuất khẩu sang Mỹ chỉ khoảng 560 tấn tương đương với giá trị 6,3 triệu USD, giảm 73% về khối lượng và 72% về giá trị.

Nhập khẩu tôm tại mỹ tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19 - Ảnh 5.
Nguồn: Undercurrent News
Nhập khẩu tôm tại mỹ tiếp tục tăng bất chấp dịch COVID-19 - Ảnh 6.
Nguồn: Undercurrent News

Một số nước xuất khẩu nhỏ khác đã giúp bù đắp một phần sự thiếu hụt nguồn cung tôm cho nước Mỹ, có thể kể đến như: Arab Saudi xuất khẩu 228 tấn, giá trị 1,6 triệu USD; Bangladesh với khối lượng 101 tấn, tương đương 1,2 triệu USD và Na Uy xuất khẩu 32 tấn, tương đương 359.443 USD.

H.Mĩ – Theo Kinh tế & Tiêu dùng 

NẮNG NÓNG KÉO DÀI, TÔM NUÔI ĐUỐI SỨC

Bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt và kéo dài, nhiều vùng nuôi tôm chao đảo vì tôm bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Người nuôi ngắc ngoải khi thiệt hại về kinh tế gia tăng và ngậm ngùi tiếc khi không thể chờ được đến khi giá tôm bật lên.

Diện tích thiệt hại tăng mạnh

Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhất là ở huyện Kỳ Anh, sau lứa tôm đầu vụ thiệt hại, người nuôi tôm khẩn trương cải tạo ao hồ và chuẩn bị con giống để tái vụ. Thế nhưng, do thời tiết bất lợi, trời âm u, mưa nhiều, nên nhiều bệnh trên tôm xuất hiện. Vậy nên, chỉ sau vài ngày phát hiện, tôm bắt đầu chết hàng loạt. Hiện đã có 130 ha với khoảng 12 triệu con tôm giống bị nhiễm bệnh và mất trắng. Số còn lại gần như phải thu hoạch sớm và bán tháo với giá thấp để vớt vát vốn.

Tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), vừa qua đã có nhiều hộ nuôi tôm thiệt hại vì tôm bị bệnh chết. Cụ thể, hộ ông Trần Hải có 3 hồ nuôi tôm, nhưng từ Tết đến nay đã thả giống đến lần thứ ba vẫn thất bại. Mới đây nhất, ông thả 150.000 con giống tôm thẻ chân trắng, nhưng chỉ khoảng 20 ngày sau tôm có dấu hiệu đỏ thân bất thường, sau đó chết hàng loạt. Thiệt hại riêng tiền con giống là 6 triệu đồng. Hộ ông Trần Nam thì vừa phải tiêu hủy 200.000 con giống mới thả nuôi được 1 tháng. Tôm cũng có dấu hiệu chết tương tự. Thiệt hại tiền giống là 18 triệu đồng, chưa kể thức ăn và thuốc.

Theo kết luận của Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, nguyên nhân là do tôm bị đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Như vậy, dịch bệnh này đã khiến cho 21 hồ tôm với diện tích gần 5 ha ở huyện Bình Sơn buộc phải tiêu hủy.

Tại Bình Định, từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết không thuận lợi cho nghề nuôi tôm, nắng nóng đã khiến nhiều diện tích tôm nuôi bị chết do sốc môi trường. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, hiện đã có 29 ha tôm nuôi vụ 1 trên địa bàn hai xã Phước Thắng (20 ha) và Phước Thuận (9 ha) bị chết do sốc môi trường.

Tại Bạc Liêu, tính đến nay đã gần 7.000 ha tôm nuôi thiệt hại nặng.  Trong đó có gần 2.000 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên, chủ yếu tập trung ở huyện Phước Long.

Nguy cơ mất trắng tăng cao

Hiện nay, dự báo thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài và mưa lớn đột ngột nên môi trường nước rất dễ biến động. Theo quan sát, từ đầu năm đến nay, hầu hết diện tích tôm nuôi thiệt hại đều xuất phát từ nguyên nhân này. Thời tiết bất lợi khiến dịch bệnh dễ phát sinh, nhất là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ vấn đề chất lượng con giống.

Tại Quảng Ngãi, cùng với việc đề nghị ngành chức năng khuyến cáo người dân nuôi đúng lịch thời vụ, kịp thời xử lý ao nuôi và thủy sản bị bệnh, bổ sung nguồn hóa chất để xử lý dịch bệnh, UBND tỉnh còn yêu cầu lực lượng công an điều tra, ngăn chặn, bắt giữ những người vận chuyển giống thủy sản không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Còn theo đại diện Chi cục Thủy sản Bình Định, nguyên nhân tôm chết trên địa bàn chủ yếu là do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch quá lớn khiến tôm nuôi bị sốc. Cùng đó, do năm trước không có lũ nên các chất thải tại các vùng nuôi không được rửa trôi mà tích tụ lại, khiến mầm bệnh rất dễ phát sinh.

Theo quan sát, diện tích nuôi tôm thiệt hại chủ yếu là tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, không đầu tư. Tôm phải đối mặt trực tiếp với mọi biến động của thời tiết nên dễ nhiễm bệnh và chết. Còn với những vuông tôm nuôi ứng dụng công nghệ, tỷ lệ thiệt hại thấp, thậm chí, nhiều hộ vẫn có lợi nhuận.

Tại xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), theo Chủ tịch UBND xã này thì mặc dù diện tích thả nuôi bị thiệt hại của xã lớn, chiếm gần 50%, thế nhưng, toàn xã vẫn có khoảng 97 hộ nuôi đạt lợi nhuận, trong đó 7 hộ nuôi tôm siêu thâm canh đạt lợi nhuận từ 100 – 500 triệu đồng.

Điều này chứng minh, nếu nuôi tốt, quản lý tốt, thì dù thời tiết có biến động, tôm vẫn mang lại lợi nhuận. Vậy nhưng, không phải hộ nuôi nào cũng làm được, bởi tâm lý của nhiều người, càng lỗ càng muốn gỡ nhanh. Chưa kể, thông tin trên báo chí hầu hết đều cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong xuất khẩu, bởi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện vẫn phải vật lộn với dịch bệnh do COVID-19, họ sẽ có độ trễ nhất định trong sản xuất; nguyên liệu ít sẽ đẩy giá lên cao. Điều này đã tạo tâm lý nóng vội cho người dân, mặc dù vẫn được ngành chức năng cảnh báo là thời tiết dù đã tốt lên nhưng chưa thực sự thuận lợi cho con tôm phát triển. Vậy nên, để có thể nắm được cơ hội, tránh tối đa thiệt hại, nên chăng người nuôi tôm cần phải bình tĩnh và sáng suốt trong quyết định.

Nguồn: Thuysanvietnam

Lo ngại virus nguy hiểm trên tôm

Hơn tháng nay, thông tin về một loại virus nguy hiểm đã khiến những người nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc điêu đứng, suy sụp khi hàng loạt ao nuôi tôm bị chết hàng loạt. Thông tin này, cũng khiến những người nuôi tôm ở tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung hết sức lo lắng.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Vĩnh Tân.

Virus siêu nguy hiểm

Theo các chuyên gia nước này, loại virus có tên Decapod Iridescent Virus 1 (DIV1), được phát hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2014 nhưng đã xuất hiện trở lại vào mùa xuân năm ngoái và một lần nữa vào tháng 2 năm nay. Việc xuất hiện loại virus lạ đã làm thiệt hại khoảng ¼ diện tích sản xuất tôm ở tỉnh này và có nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của các hộ dân. Theo đánh giá, loại virus này có sức tàn phá khủng khiếp, khiến tôm nuôi chết trắng chỉ trong vòng 2 – 3 ngày khi vừa phát hiện.

Thông tin ấy, khiến các hộ dân đang nuôi tôm ở tỉnh hồi hộp, lo lắng. Anh Nguyễn Văn Vinh – một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Chí Công – huyện Tuy Phong cho biết: “Đọc tin trên báo, tôi biết thông tin về loại virus nguy hiểm trên tôm xuất hiện ở Trung Quốc. Với những biểu hiện khi tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh như đầu tiên thân sẽ chuyển sang màu đỏ, sau đó vỏ của chúng mềm ra và tôm chìm xuống đáy ao. Với những biểu hiện ban đầu này rất giống với bệnh đỏ thân, đốm trắng mà những hộ nuôi tôm ở địa phương cũng từng gặp, dẫn đến tôm chết hàng loạt cách nay mấy năm”. Anh Vinh lo rằng, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, dịch bệnh rất dễ lây lan, nếu không may virus DIV1 theo đường biên giới vào Việt Nam, thì ngành nuôi tôm sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Những người nuôi tôm khác ở khu vực Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân cũng trong tâm trạng lo ngại tương tự. Vì chỉ cần 1 ao nhiễm virus nguy hiểm này thì các ao khác bị lây nhiễm rất nhanh và thiệt hại kinh tế là rất lớn. Anh Nguyễn Văn Lội (xã Vĩnh Hảo) chia sẻ: “Bệnh đốm trắng, đỏ thân, taura… diễn ra trên diện rộng đã khiến người nuôi tôm điêu đứng, nay lại nghe loại virus lạ trên tôm khiến các hộ dân rất hoang mang. Các hộ dân đang thả nuôi vụ chính trong năm, do đó, mong rằng ngành chức năng có những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này vào nước ta”.

Ngăn virus DIV1 vào Việt Nam

Tính đến thời điểm này, nguồn gốc của DIV1 và cách truyền bệnh của nó hiện vẫn chưa được làm rõ, nhưng được xác định là không lây sang người. Trước sự nguy hiểm của loài virus lạ, mới đây Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Thường trực BCĐ quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia); UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên về việc tăng cường quản lý thủy sản vận chuyển qua biên giới.

Theo Bộ NN&PTNT, virus DIV1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ tại tỉnh Phúc Kiến, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh tại một số tỉnh của Trung Quốc. Hiện nay, chưa có thông tin về bệnh do DIV1 xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh do DIV1 xâm nhập vào nước ta, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản.

Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ quan công an, Bộ đội Biên phòng, quản lý thị trường tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các địa điểm tập kết, thu gom tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản nhập lậu qua biên giới để vận chuyển đi tiêu thụ…

M.Vân – Báo Bình Thuận

Người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn

Con tôm là thế mạnh của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giúp nhiều hộ nuôi vươn lên khá giả. Thế nhưng, thời gian gần đây con tôm lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi xuất khẩu ì ạch, giá nguyên liệu giảm mạnh, môi trường nuôi ô nhiễm khiến tôm chết tràn lan… khiến nhiều hộ nuôi tôm rơi vào cảnh khó khăn.

Tôm nuôi chết trên diện rộng

Từ đầu năm 2020 đến nay, người nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL phải “vật lộn” với thời tiết để tìm cách cứu lấy con tôm. Niềm vui trúng mùa ngày càng thưa dần trên vùng đất được mệnh danh là “mỏ tôm” của cả nước.

Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo người dân nên bình tĩnh theo dõi thị trường; không nóng vội thu hoạch những ao chưa đến thời điểm thu hoạch, những ao nuôi dày nên sang thưa tôm.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19, người nuôi tôm đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục. So với cùng kỳ năm trước, giá tôm năm nay giảm sâu và kéo dài chưa từng có. Mặc dù hiện tại giá có nhích lên nhẹ nhưng vẫn còn khá thấp. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg hiện có giá bình quân 170.000 đồng/kg; loại 30 con/kg 140.000 đồng/kg; tôm thẻ giá dao động từ 79.000 – 90.000 đồng/kg, tùy loại hình nuôi.

 Bạc Liêu là tỉnh hiện có  gần 126.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, diện tích nuôi tôm gần 115.000 ha. Hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 7.000ha tôm nuôi bị thiệt hại nặng. Trong đó, có gần 2.000 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên, chủ yếu tập trung ở huyện Phước Long (Bạc Liêu). Ngoài nguyên nhân nắng nóng kéo dài thì nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại còn do nguồn nước trên các kênh rạch bị ô nhiễm nặng, khiến bệnh phát sinh và lây lan trên tôm, trong đó, nhiều kênh, rạch có độ mặn vượt trên 40‰, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Bên cạnh đó, dịch bệnh tôm cũng đã làm nhiều bà con ngần ngại trong việc thả giống. Một số ít hộ dân do nóng ruột nên đánh bạo thả giống bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi, và hậu quả là tôm giống thả đến đâu thì thiệt hại đến đó.

 Ông Nguyễn Hoàng Sang ở ấp Cây Gừa, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tôi nuôi tôm nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy con tôm khó nuôi như năm nay. Từ trước tết Canh Tý 2020 đến giờ, thời tiết nắng nóng làm cho tôm dễ bị chết. Nếu tôm không chết vì sốc môi trường thì cũng chết vì bệnh. Tôi có 5 ao nuôi tôm với diện tích 12 công và đã bị thiệt hại liên tiếp 4 vụ, lỗ hơn 100 triệu đồng. Nguyên nhân là tôm bị bệnh hoại tử gan tụy và nhiệt độ tăng cao làm con tôm bỏ ăn. Giờ tôi chỉ biết phơi ao để chờ thời tiết thuận lợi hơn mới thả tôm giống”.

 Trong khi đó, tại Sóc Trăng, mặc dù mới bước vào đầu vụ thả nuôi nhưng hiện tượng tôm chết sớm do đốm trắng và đặc biệt do hội chứng hoại tử gan tụy cấp vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi. Ông Triệu Minh Dũng ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu cho biết, ông vừa đầu tư hơn 200 triệu đồng vào 5 ao tôm công nghiệp, nhưng mới thả chỉ được khoảng một tháng thì tôm bắt đầu bệnh rồi chết trắng cả ao, mất hết vốn. Từ đầu năm đến nay, nếu 10 hộ nuôi tôm thì có tới 8 – 9 hộ thua lỗ, chỉ 1 – 2 hộ hòa vốn hoặc lãi chút đỉnh, khiến nông dân thiệt trăm bề. Giờ đây, bà con chỉ nuôi tôm cầm chừng chứ không ai tính chuyện làm ăn lớn.

 Cần có giải pháp cứu lấy con tôm

Không chỉ gặp khó về thời tiết, môi trường, giá tôm lên xuống bất thường cũng khiến người nuôi gặp khó và lo lắng. Thời gian gần đây, dù thị trường tiêu thụ tôm lớn thế giới đã mở cửa trở lại, nhưng sức tiêu thụ vẫn chưa tăng mạnh, nên giá tôm tuy có cải thiện, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn.

Thu hoạch tôm thẻ ở Sóc Trăng do dịch bênh và giá thấp, người nuôi không có lời.

Tại Cà Mau, tôm được xác định là con nuôi chủ lực, chế biến tôm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD mỗi năm. Cà Mau có 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, với 39 nhà máy, tổng công suất 185.000 tấn/năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người nuôi tôm ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, nửa đầu quý II/2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 195 triệu USD bằng hơn 16% kế hoạch (giảm 20% so cùng kỳ năm 2019); trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 188,6 triệu USD, bằng hơn 16% kế hoạch (giảm hơn 20% so cùng kỳ)… Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu của tỉnh giảm; trong đó, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm hơn 66%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%…Từ đó, lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến khoảng 17.000 tấn. Còn ông Ngô Minh Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cho biết, có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường tôm, nên với tình hình hiện nay, rất khó để có thể đưa ra những dự báo sát với tình hình nhất. Do đó, mỗi doanh nghiệp, người nuôi tôm cần cập nhật thông tin và đưa ra quyết định cho riêng mình sao cho có tỷ lệ thành công cao nhất. Ngay cả trường hợp dịch bệnh COVID-19 được khống chế trên toàn cầu đi nữa thì cũng chưa ai dám chắc là giá tôm sẽ tăng trở lại, bởi tất cả còn phụ thuộc nhiều vào cung cầu tôm thế giới.

 Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với hơn 400 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 Trong khi đó, khi hỏi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, để hài hòa lợi ích các bên, tỉnh đề nghị các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin thu mua để nông dân nắm bắt, tránh tình trạng thương lái thu mua ép giá, gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nông dân, cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời, thời gian tới, Cà Mau sẽ khẩn trương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát và tận dụng triệt để từ Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, gia tăng giá trị kim xuất khẩu của tỉnh. “Song song đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không nóng vội thu hoạch những ao chưa đến thời điểm thu hoạch; những ao nuôi dày nên sang thưa tôm; tập trung sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chú trọng hình thành các liên kết theo chuỗi hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường…” – ông Sử cho biết thêm.

 Để ngành nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành, những định hướng kịp thời của ngành chức năng để người dân có thể làm giàu từ con tôm. Đó là tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và ương dưỡng giống tập trung theo quy hoạch chung của ngành, từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ cung ứng nhu cầu phát triển sản xuất thủy sản. Giám sát, xử lý để giảm thiểu các nguồn xả thải ảnh hưởng môi trường nuôi tôm; tăng cường công tác giám sát, phòng ngừa dịch bệnh; hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, phòng ngừa khi có dịch bệnh xảy ra, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan diện rộng./.

Bài, ảnh: Phương Nghi- http://dangcongsan.vn/

Nuôi tôm giỏi như anh Dương

Cà Mau nổi tiếng có nhiều nông dân nuôi tôm thành công nhờ rút kinh nghiệm từ nhiều vụ nuôi. Điển hình như anh Nguyễn Văn Dương, ấp Hợp Tác Xã, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước.

Năng suất tăng từ 5 tấn lên 8 tấn, đến 9 tấn và vụ nuôi này là 11,5 tấn trên diện tích 1.200 m2, anh Nguyễn Văn Dương phấn khởi cho biết: “Đây là vụ nuôi thành công nhất mà tôi bước vào nghề nuôi tôm thâm canh với đối tượng tôm thẻ chân trắng”.

Anh Dương chia sẻ: “Vụ này tôi thả nuôi 400.000 post con giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung. Tôm đồng đều, khỏe mạnh và được kiểm nghiệm trước khi thả nên tôi rất yên tâm”. Sau thời gian nuôi 77 ngày, tôm đạt trọng lượng 45 con/kg. Anh tiến hành thu tỉa 3 tấn để giảm mật độ tôm nuôi nhằm tiếp tục nuôi tôm về size lớn, tăng lợi nhuận.

Anh Nguyễn Văn Dương kiểm tra tôm nuôi

“Qua từng vụ tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Đặc biệt, quy trình nuôi tôi đã cải tiến trong việc xử lý nguồn nước cấp cũng như trong ao nuôi, nước trong hơn, tốt hơn nên mật độ tôm nuôi khoảng 450 con/m2 vẫn phát triển nhanh và thành công đến thu hoạch dứt vụ” – anh Dương chia sẻ thêm.

Theo anh Dương, vụ nuôi này có nhiều yếu tố thuận lợi như từ nguồn nước tốt, kết hợp con giống tốt nên mới nuôi được mật độ 450 con/m2. Còn bình thường các vụ trước thả con giống thương hiệu khác, quy trình khác không thể nuôi ở mật độ dày như vậy được, tối đa chỉ 300 con/m2.

Thu tỉa tôm tại hộ anh Nguyễn Văn Dương

Vào lúc cao điểm nắng nóng, mưa giao mùa, thời tiết thay đổi gây bất lợi cho tôm nuôi nhất là các hộ nuôi tôm siêu thâm canh như anh Dương thì sự ảnh hưởng đến tôm nuôi không ngoại lệ. Mặc dù vụ nuôi có nhiều yếu tố thuận lợi từ nguồn nước, con giống, kỹ thuật… nên số ngày nuôi tại mô hình của anh Dương được rút ngắn, xuống còn 89 ngày.

Anh Nguyễn Văn Dương cho biết: “Do độ mặn trong ao tăng trên 45‰ cùng với cơn mưa lớn nên môi trường biến động lớn. Để đảm bảo lợi nhuận, tôi quyết định thu hoạch sau 89 ngày nuôi, trọng lượng tôm đạt 41 con/kg, sản lượng thu 2 đợt trên 11,5 tấn. Sau khi trừ chi phí vụ nuôi tôi còn lãi trên 500 triệu đồng”.

Mặc dù vụ nuôi này lợi nhuận trên 500 triệu đồng trong thời điểm tôm chưa được giá cao như những tháng trước dịch bệnh COVID-19, nhưng anh Dương và nhiều hộ nuôi tôm trong ấp nhận định mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh sẽ tiếp tục cho thành công cao hơn từ cách làm, quy trình kỹ thuật, cách xử lý nước cũng như con giống tốt trong thời gian tới. 

  Diệu Lữhttp://thuysanvietnam.com.vn/

Tôm nuôi nằm chờ “giải nhiệt”

quạt tôm
Người dân sử dụng quạt nước sục khí thường xuyên để tăng hàm lượng oxy trong ao nuôi.

Những ngày gần đây nắng nóng gay gắt, người nuôi tôm Hà Tĩnh phải áp dụng các biện pháp “giải nhiệt”, phòng ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi…

Mới xuống giống được hơn 15 ngày, anh Trương Quang Lộc ở vùng nuôi tôm Hà Vọoc – Hộ Độ (Lộc Hà) lo tôm bị “dính” bệnh vì sức đề kháng còn yếu lại gặp phải thời tiết nắng nóng gay gắt.


Thời tiết nắng nóng, tôm nuôi rất dễ “dính” bệnh.

“Mấy ngày gần đây, nhiệt độ ngoài trời từ 36 – 38 độ C kéo theo nhiệt độ trong hồ nuôi tăng lên, tôm nuôi rất dễ mắc bệnh gan tụy cấp tính. Để chống nóng cho tôm, tôi phải bỏ ra gần 50 triệu đồng mua lưới về phủ cho cả 2 ao nuôi. Từ khi có nhà lưới, nhiệt độ trong ao nuôi đã giảm 7 – 8 độ C, đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt” – anh Lộc chia sẻ.

Nắng nóng cũng khiến 10 hộ dân ở vùng nuôi tôm Hà Lầm (thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long -Thạch Hà) “đứng ngồi, không yên”. Lo cho sức khỏe con tôm, các hộ nuôi phải thường xuyên “đội nắng” ra đầm kiểm tra, theo dõi và sử dụng các biện pháp chống nóng nhằm hạn chế dịch bệnh.


Anh Trương Quang Lộc – chủ đầm tôm ở Hộ Độ ( Lộc Hà) phải đầu tư làm nhà lưới chống nóng cho tôm.

Ông Nguyễn Trung Hoa – Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm cho biết: Nâng cao mực nước cho ao nuôi; sử dụng quạt nước thường xuyên, nhất là vào ban đêm từ 22h đến 4h sáng… đó là những biện pháp mà các hộ dân ở đây áp dụng nhằm tăng cường hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy nhằm tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.

Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 2.000/2.750 ha diện tích nuôi tôm xuống giống. So với lịch thời vụ, vụ tôm đầu năm nay chậm hơn một tháng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đầu ra gặp khó nên người dân thận trọng trong việc đầu tư thả nuôi.


Người dân nuôi tôm thuộc Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm thường xuyên kiểm tra, theo dõi ao nuôi.

Trước nhận định, năm nay có thể xẩy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng, giảm nhiệt và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sức đề kháng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Theo ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), khi trời nắng nóng, hàm lượng dinh dưỡng trong ao nhiều, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển (nhất là các loài tảo lam, tảo giáp) sẽ tiết ra độc tố và khi tàn lụi đồng loạt gây thiếu ôxy, ô nhiễm nước ao, làm chết tôm hàng loạt.


Sức đề kháng của tôm trước sự thay đổi của nhiệt độ rất kém, dễ bị dịch bệnh tấn công.

Mặt khác, sức đề kháng của tôm đối với sự thay đổi của nhiệt độ rất kém và dễ bị dịch bệnh tấn công ở giai đoạn lột xác.

“Vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ thay đổi vượt giới hạn thích hợp trên 32 độ C đối với tôm, các hộ nuôi cần chủ động giảm lượng thức ăn xuống còn 60 – 70% so với bình thường.

Tăng cường cho tôm nuôi ăn các loại thức ăn có chất lượng, bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa… vào thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh. Lưu ý cho tôm nuôi ăn vào thời điểm mát mẻ trong ngày” – ông Lưu Quang Cần khuyến cáo.

Hữu Trung Báo Hà Tĩnh