Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu của trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) cho biết 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Nhật Bản đạt 638 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt hơn 169,5 triệu USD, tăng 1,8%, từ Ấn Độ đạt trên 77 triệu USD, tăng 19,1%, từ Thái Lan và Indonesia giảm. Tôm Việt Nam được dự báo phải cạnh tranh nhiều hơn với tôm Ấn Độ do đầu tháng 4, Nhật Bản đã giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra tôm sú nhập khẩu từ Ấn Độ từ 100% xuống 30%. Dù vậy, 4 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 26,5% tổng giá trị nhập khẩu vào nước này.
Về giá, giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam và Thái Lan cao nhất, lần lượt là 11 USD/kg và 11,25 USD/kg. Trong các nhà cung cấp chính, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với Indonesia với 10,25 USD/kg, Ấn Độ với 8,96 USD/kg…
Theo số liệu từ cơ quan hải quan Việt Nam, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 180,5 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tháng 1 và 3 giảm nhẹ, tháng 2 tăng mạnh 63,2%, tháng 4 tăng 19%.
4 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản. Ảnh: Báo Công Thương
2020 được đánh giá là năm thứ hai kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp. GDP thực tế Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4. Căng thẳng thương mại với Hàn Quốc, diễn biến chính trị tại Mỹ tiếp tục tác động đến kinh tế Nhật Bản. Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng sớm nhất bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này cũng phần nào chịu tác động. Khả năng Nhật Bản sẽ không tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm trong năm 2020 nên dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản sẽ không tăng trong năm nay.
Khoảng nửa tháng nay, giá tôm hùm thương phẩm đã tăng trở lại so với thời điểm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện, mức giá thu mua tôm hùm thương phẩm đã gần bằng giá tôm mọi năm. Tuy nhiên, theo người nuôi tôm, giá tôm dù đã tăng đáng kể nhưng người nuôi tôm vẫn không có lãi.
Những ngày gần đây, nhiều hộ nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu đã thu hoạch tôm nhiều hơn. Theo ghi nhận, kích cỡ tôm thương phẩm được các thương lái thu mua thời điểm này lớn hơn các năm trước do thời gian nuôi kéo dài hơn. Theo người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, giá tôm hùm xanh hiện có giá từ 550.000-650.000 đồng/kg (tăng khoảng 70.000-100.000 đồng/kg); tôm hùm bông từ 1,3-1,5 triệu đồng/kg (tăng khoảng 200.000 đồng/kg).
Hiện trên địa bàn thị xã Sông Cầu có khoảng 1.365 hộ nuôi thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 70.000 lồng tôm hùm thịt và khoảng 4.450 lồng tôm hùm ương. Sản lượng tôm hùm thương phẩm thu hoạch mỗi ngày khoảng trên 15 tấn. Với mức giá thu mua tôm hùm hiện nay, nếu như mọi năm người nuôi tôm đã có lãi khoảng 10%. Tuy nhiên, năm nay người nuôi tôm đa phần không có lãi hoặc lãi rất ít… Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 xuất khẩu khó khăn, tôm hùm chủ yếu tiêu thụ nội địa với số lượng ít, phải kéo dài thời gian nuôi, dẫn đến chi phí tăng cao .
Sở NN&PTNT cho biết, đang phối hợp với các địa phương nắm lại tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. UBND thị xã Sông Cầu, cũng đưa ra khuyến cáo đối với lượng tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, tiếp tục chăm sóc tốt; đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, giám sát người nuôi mới theo đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho nông dân, địa phương kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể; các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và mở rộng thị trường nội địa… Theo Tổng cục Thủy sản, Trung Quốc là thị trường chiếm thị phần rất lớn đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, hiện nước này đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, mặt hàng tôm hùm bắt đầu xuất khẩu trở lại, thị trường tôm hùm hy vọng sẽ sớm khởi sắc.
Theo Tổng cục Thủy sản, trước tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đang đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh cung ứng cho các hệ thống siêu thị trong nước, đầu tư vào chế biến sâu để cung cấp cho phân khúc bán lẻ ở các thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tăng cường giữ liên hệ với các nhà nhập khẩu nhằm nắm bắt kịp thời tình hình tiêu thụ, qua đó thực hiện xuất hàng nhanh nhất, giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho cả doanh nghiệp tiêu thụ và người nuôi tôm hùm.
Nuôi tôm là thế mạnh của các huyện vùng hạ. Tuy nhiên, đây cũng là nghề đối diện với nhiều rủi ro, bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa như hiện nay.
Tôm dễ nhiễm bệnh
Hiện nay, mùa mưa đã bắt đầu. Với diễn biến thời tiết sáng nắng, chiều mưa sẽ tạo điều kiện cho bệnh đỏ thân – đốm trắng gây hại cho tôm phát triển. Do đó, người nuôi cần thực hiện các biện pháp tổng hợp tăng cường sức đề kháng của vật nuôi cũng như phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên tôm. Theo ông Nguyễn Văn Đông, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, tình hình nắng, mưa bất thường làm cho nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất cao, đã làm biến động các yếu tố môi trường ao nuôi nên tạo điều kiện cho các mầm bệnh xuất hiện, khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt. Hiện ông vô cùng lo lắng vì chưa có biện pháp gì để khắc phục, các khoản vay ngân hàng trước vụ thì chưa biết có đủ tiền để trả hay không. Bởi, trước mắt, vụ nuôi này, gia đình ông thiệt hại hơn 1ha và lỗ cả trăm triệu đồng.
Tại huyện Cần Đước, từ đầu năm 2020 đến nay, việc nuôi tôm của nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm tháng 3, 4 khi thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ môi trường và độ mặn trong vuông tăng cao, sau đó lại xuất hiện những cơn mưa lớn chuyển mùa làm biến động mạnh các thông số môi trường nước trong vuông nuôi, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của tôm. Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 149ha tôm nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng, phân trắng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước – Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: Ngoài điều kiện thời tiết, hiện nay, nguồn nước trên các trục kênh dẫn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm do nguồn nước từ những ao tôm nuôi bị bệnh xả ra nhưng lại được nhiều hộ tiếp tục lấy đưa vào vuông nuôi tôm khiến nguồn bệnh lây lan, tôm nuôi bị thiệt hại ngày càng nhiều. Để giảm mức độ rủi ro, nhiều nông dân chủ động thu hoạch khi tôm vừa đạt kích cỡ thương phẩm.
Còn tại huyện Cần Giuộc, 6 tháng đầu năm 2020, nông dân thả nuôi 1.200ha tôm và đã thu hoạch 840ha, năng suất bình quân 2,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn, đạt 40,3% kế hoạch và bằng 65% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp địa phương, do nắng nóng, độ mặn cao làm tôm nuôi chậm lớn, dễ nhiễm các bệnh về gan tụy, đường ruột, đốm trắng gây thiệt hại khoảng 138ha, trong đó, diện tích thiệt hại 30-70% là 98ha.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc – Ngô Bảo Quốc, nhiều thời điểm trong ngày nắng nóng gay gắt, khi xuất hiện mưa đột ngột làm thay đổi nhiệt độ, gây sốc tôm nuôi, nhất là những ao nuôi có tôm dưới 1 tháng tuổi, làm tôm bị sốc môi trường, cong thân, đục cơ. Đồng thời, ao nuôi xuất hiện các loại tảo độc thuộc ngành tảo mắt, tảo giáp cùng với hến, sứa hộp, san hô,… Tôm dễ mắc các bệnh về gan, đường ruột, đặc biệt là bệnh phân trắng.
Ðể chủ động quản lý tốt ao nuôi khi có mưa xuất hiện và hạn chế những tác động xấu biến đổi các yếu tố môi trường ao nuôi sau khi mưa, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp để ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi; dự trữ các vật tư cần thiết như: Vôi, khoáng, Yucca, Oxy viên, chế phẩm sinh học,… để có biện pháp xử lý môi trường kịp thời và hiệu quả. Trước khi mưa, nên chủ động bón vôi khắp bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, khi thấy trời có dấu hiệu chuyển mưa, cần giảm 30-50% lượng thức ăn hoặc ngưng cho tôm ăn và đến khi tạnh mưa mới cho ăn. Cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi và ổn định nguồn nước ao nuôi. Không nên xả bớt nước mặt khi trời có mưa, vì đây là nguồn nước bổ sung để giảm độ mặn trong ao nuôi sau những ngày nắng hạn vừa qua, nhằm kích thích tôm lột xác và phát triển.
Thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc
Môi trường được xem là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm. Tại các huyện vùng hạ, qua kết quả quan trắc trong tuần qua, phần lớn các chỉ tiêu môi trường nước phù hợp để nuôi tôm, chỉ có chỉ tiêu NO2 cao, chưa phù hợp đối với sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản khuyến cáo người dân nuôi tôm: Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc trước khi thả giống; tại điểm quan trắc có NO2 cao, cần sử dụng chế phẩm sinh học xử lý khí độc trong ao; tăng cường bổ sung vitamin, khoáng, giải độc gan và men đường ruột vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; những khu vực có độ mặn cao, khi lấy nước vào ao cần pha loãng làm giảm độ mặn bằng nước ngọt.
Ngoài ra, người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp cải tạo ao thật tốt và phải bảo đảm đủ thời gian cách ly mầm bệnh (tối thiểu là 30 ngày). Nhiều người nuôi có tâm lý muốn thả nuôi sớm để bù lại phần tôm đã bị thiệt hại hoặc tranh thủ tăng vụ khi tôm có giá cao nên không bảo đảm thời gian cách ly mầm bệnh. Vì vậy, mầm bệnh luôn tồn lưu trong ao làm cho dịch bệnh dễ phát sinh gây hại. Đặc biệt, người dân nên nuôi tôm với mật độ phù hợp: Đối với tôm sú, nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 15-25 con/m2; tôm chân trắng, nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 60-80 con/m2; đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào quá trình nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng như nuôi tôm 2 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi, dùng máy cho ăn tự động, sục khí ao nuôi,… Huỳnh Phong – Kim Thoa – Báo Long An
Lâu nay nhiều người vẫn tưởng con tôm càng xanh chỉ phù hợp nuôi ở miền Tây và một số tỉnh từ Nha Trang trở vào. Nhưng thật bất ngờ, loài tôm này có thể nuôi thành công cả ở các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc.
Trong đó, năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã xây dựng thành công 3 mô hình nuôi tôm càng xanh. Quy mô 3 mô hình khoảng 10.000 con tôm càng xanh trên tổng diện tích 1ha ở xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng.
Thử nghiệm nuôi tôm càng xanh
Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, được đánh giá có tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản là hơn 23.000ha. Tuy nhiên đến năm 2019, toàn tỉnh mới có hơn 12.450ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản.
Trước nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, ngoài các đối tượng thủy sản nuôi truyền thống, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã nghiên cứu, đưa vào nuôi thử nghiệm một số đối tượng thủy sản mới theo hướng thâm canh, trong đó có con tôm càng xanh. Loài tôm này sống và phát triển chủ yếu trong môi trường nước ngọt, có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích thước cá thể lớn, thịt thơm ngon, là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, từ tháng 5/2019, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp Trung tâm Dịch vụ – Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Yên Dũng triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh với quy mô 1ha, 3 hộ tham gia.
Chị Trần Thị Oanh – cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Giang cho biết, mục tiêu của mô hình là đưa tiến bộ khoa học, đối tượng mới vào nuôi trên địa bàn tỉnh nhằm bổ sung cơ cấu giống nuôi thủy sản, qua đó nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho bà con.
Theo đó, các hộ tham gia mô hình phải có ao nuôi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật mô hình đề ra, cam kết đối ứng thức ăn, sử dụng hóa chất phù hợp… Con giống cung cấp cho mô hình đảm bảo khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không mang mầm bệnh, do Công ty TNHH Phúc Hà (huyện An Lão, TP.Hải Phòng) cung cấp. Phía Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 35% chi phí thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi và con giống.
Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang tổ chức tập huấn bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Học viên gồm 30 cán bộ khuyến nông và các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản tiêu biểu tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, TP.Bắc Giang.
Theo chị Oanh, về điều kiện ao nuôi tại các mô hình phải đạt diện tích từ 2.000 – 6.000m2, độ sâu 1,2 – 2m, thả chà (tàu dừa, que dào bó thành bó) được cắm thành từng cụm trong ao để làm nơi trú ẩn cho tôm. Diện tích chà chiếm từ 10-20%, chà được bố trí giữa ao.
Trước khi thả tôm, ao nuôi được tháo cạn, dọn sạch bờ cỏ, tu sửa bờ và đăng cống, vét bớt bùn đáy. Các hộ nuôi được hướng dẫn dùng vôi bột với liều lượng từ 7-10kg/100m2 ao, vôi được rải đều khắp mặt ao, chỗ đọng nhiều nước hoặc lầy bùn phải rắc nhiều vôi hơn. Phơi đáy ao từ 5 – 7 ngày để tiêu diệt cá tạp còn sót lại và tiêu diệt những mầm bệnh trong ao.
Khi lấy nước vào ao, cần dùng lưới có kích thước mắt lưới từ 0,5 – 1mm để lọc nước, đề phòng địch hại theo nước vào ao. Ban đầu lấy 50cm nước, sau 5 ngày ổn định môi trường nước thì thả tôm và trong tuần đầu dâng nước lên đến mức nước 1,0 – 1,5m.
Giống tôm thả nuôi đảm bảo khỏe mạnh, không bị dị hình, không mắc bệnh, kích cỡ đồng đều. Mật độ thả nuôi 15 con/m2. Cỡ tôm giống trung bình ≥ 2cm.
Lãi 155 triệu đồng sau 5 tháng nuôi
Theo Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, sau 5 tháng triển khai, mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh có tỷ lệ sống trung bình khoảng 60%; trọng lượng trung bình mỗi con đạt 26,6gram. Sản lượng ước đạt 2,7 tấn tôm.
Qua kết quả nuôi tại các hộ tham gia mô hình cho thấy, con tôm càng xanh rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên việc quản lý, chăm sóc ao nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nuôi cá, các hộ lần đầu tiên nuôi chưa có kinh nghiệm nên việc chăm sóc ao tôm chưa đảm bảo, dẫn đến tỷ lệ sống còn thấp. Điều này đã làm ảnh hưởng đến năng suất, cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình.
Với giá tôm càng xanh thương phẩm ngoài thị trường mua buôn (kích cỡ 30 – 40 con/kg) ở mức 200.000 đồng/kg thì tổng doanh thu của mô hình đạt 540 triệu đồng. Như vậy, sau 5-6 tháng nuôi, 1ha tôm càng xanh cho thu lãi khoảng 155,84 triệu đồng.
Theo Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật mô hình nuôi thâm canh tôm càng xanh đã cho thấy mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Do đó, chị Oanh cũng cho biết, trong năm nay Trung tâm tiếp tục triển khai và phổ biến mô hình để bà con nông dân có thể tham khảo, học tập.
Dòng Bacillus mới cải thiện chất lượng nước và ổn định sức khỏe vật nuôi.
Vi khuẩn là mầm bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Những bệnh do các loại vi khuẩn này gây ra thường ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hiệu quả và lợi nhuận của các hệ thống nuôi. Thêm nữa, nhiều loài vi khuẩn không chỉ tác động tới thủy sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh ở nhiều khu vực. Trong đó, phải kể đến một vài loài như Vibrio parahaemolyticus gây bệnh về gan tụy trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Aeromonas hydrophila gây bệnh với sự tử vong hàng loạt trên các loài cá nước ngọt. Và rất nhiều, rất nhiều vi khuẩn khác mà hễ nhắc đến tên là làm người ta có thể “rùng mình” trước những hậu quả mà chúng gây ra cho các vật nuôi dưới nước.
Mặc dù có rất nhiều biện pháp phòng và điều trị đã được áp dụng, như với kháng sinh tuy nhiên vật nuôi lại dần hình thành nên cơ chế kháng thuốc. Do đó người ta đang dần chuyển sang phòng bệnh bằng các biện pháp an toàn và hiệu quả hơn. Men vi sinh là một trong số đó, rõ ràng men vi sinh đã được minh chứng có thể điều chỉnh chức năng sinh lý của tôm cá, cải thiện sức sinh sản, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại và góp phần cải thiện môi trường. Bên cạnh đó còn hỗ trợ chức năng của hệ tiêu hóa và khả năng miễn dịch. Do đó việc sử dụng men vi sinh đã trở thành “kim chỉ nam” trong nuôi trồng thủy sản.
Men vi sinh sinh hiện nay ngày càng được sử dụng phổ biến, ngày càng có nhiều ứng dụng và nhiều nghiên cứu mới về các loài vi khuẩn có lợi. Bacillus velezensis là một loài mới, được phát hiện vào năm 2005 nhưng đã chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong nông nghiệp và chăn nuôi. Một số thử nghiệm vi khuẩn này trên động vật thủy sản cũng rất khả quan, kháng lại được những tác động xấu của các loài Vibrio spp, Aeromonas Hydrophila, Streptococcus spp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng B. velezensis là một loài tiềm năng lớn trong việc kiểm soát sinh học, phòng ngừa và điều trị dứt điểm một số bệnh trên thủy sản. Người ta đã phân lập một số lượng lớn chủng vi khuẩn này trên tôm càng sông, loài rất phổ biến ở Việt Nam. Đây sẽ là nguồn tài nguyên mới cho việc kiểm soát sinh học trên thủy sản và đặt một nền tảng lý thuyết cho những nghiên cứu tiếp theo.
Về đặc điểm của chủng vi khuẩn này, người ta đã tiến hành cấy và cho thấy kết quả là khuẩn lạc hình thành có màu trắng. Nhuộm gram xuất hiện màu xanh tím, chứng tỏ chúng là vi khuẩn gram dương, có dạng hình que. Phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25-37oC, ở nhiều độ mặn khác nhau và thích nghi nhanh hơn ở pH trung tính (pH=7).
Mật độ sử dụng ức chế vi khuẩn cũng được chứng minh. Trong đó, để ức chế hoạt động của A. hydrophila cần 106-108 CFU/ml B. velezensis, 105-108 CFU/ml đối với V. parahaemolyticus, mật độ càng cao càng kìm hãm sự phát triển của hại khuẩn tốt hơn.
Quản lý thành công dịch bệnh chính là chìa khóa quyết định sự thành công trong các vụ nuôi. Và men vi sinh là “vật liệu” làm nên chìa khóa này, “vật liệu” này cũng đang được sử dụng phổ biến để điều trị và kiểm soát dịch bệnh trong các hệ thống nuôi thủy sản. Quan trọng hơn nữa, “vật liệu” này không gây ra sự kháng thuốc như kháng sinh. Chủng B. velezensis được phân lập từ tôm càng sông cho tác dụng tốt hơn khi phân lập ở các nguồn khác, sản xuất nhiều hơn các loại protein kháng khuẩn và ức chế được nhiều vi khuẩn gây hại trên nhiều loài thủy sản khác nhau.
B. velezensis tạo ra một phổ kháng khuẩn tuyệt vời và rất tiềm năng cho các ứng dụng công nghệ kiểm soát sinh học. Chúng tạo ra nhiều lipopeptide, polyketide và protein kháng khuẩn. Ngoài ra chủng này còn chống lại hoạt động của một số virus có độc tính thấp, chúng cũng chống chịu tốt với nhiệt độ cao và có khả năng phân hủy hữu cơ mạnh trong ao. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy vi khuẩn có chứa 3 chất chuyển hóa chống nấm, 8 chất kháng khuẩn nên không thể bàn cải về hiệu quả khi sử dụng.
Nhìn chung không chỉ riêng B. velezensis mà hầu như tất cả các loài vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus đều đã được chứng minh là tăng sinh cực nhanh, khả năng kiểm soát sinh học cực mạnh và chống lại được các điều kiện bất lợi từ môi trường. Điều quan trọng khi dùng chủng B. velezensis này là phải cân đối mật độ sử dụng đối với từng loài vi khuẩn có hại. Kết quả rất khả quan vì không hề tìm được bất cứ tác dụng phụ nào đối với động vật thủy sản. Do đó, chủng B. velezensis có thể được sử dụng để sản xuất men vi sinh và dự kiến sẽ được phát triển thành các nhiều sản phẩm phòng bệnh, hỗ trợ sức khỏe của vật nuôi để chiến đấu chống lại mầm bệnh. Hà Tử – https://tepbac.com/
EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho các ngành xuất khẩu như ngành thủy sản, đặc biệt là những cơ hội từ thuế quan xuất nhập khẩu.Đối với hiệp định EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%.
Cơ hội mở ra
Cụ thể sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực có một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%…Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Bên cạnh đó, đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.
Thách thức mới cho doanh nghiệp
tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên; Được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn; mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên.
Để tận dụng được lợi thế từ EVFTA các nhà chuyên môn khuyến nghị, trước hết DN thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA (chú ý hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA). DN chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA. tiêu chuẩn về lao động và môi trường.đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.