Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Cần hiểu rõ Yêu Cầu EU đối với xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP – cho biết, thời điểm này, cùng với tinh thần phấn khởi do Quốc hội vừa phê chuẩn EVFTA, các DN ngành thủy sản đang tích cực hoàn thiện những tiêu chuẩn cần thiết để tận dụng triệt để lợi thế từ EVFTA. “Ngành thủy sản có lợi ích lớn khi EVFTA có hiệu lực về thuế quan, bởi khi đó, nhiều dòng hàng chủ lực sẽ giảm thuế suất về 0% ngay lập tức. Như vậy, mặt hàng tôm hay cá tra sẽ có lợi thế trên thị trường EU” – ông Hòe nhận xét.

EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với XK thủy sản Việt Nam (ảnh minh họa)

Tiềm năng từ thị trường EU

Các thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, kim ngạch XK thủy sản sang EU luôn duy trì ở mức trên 1 tỷ USD. Năm 2017, đạt 1,46 tỷ USD; năm 2018, tăng nhẹ lên 1,47 tỷ USD và năm 2019, dù ảnh hưởng từ thẻ vàng khai thác hải sản (IUU) nhưng XK thủy sản vẫn trên 1,2 tỷ USD. Ngành thủy sản đã đặt mục tiêu năm 2020, kim ngạch XK vào thị trường EU sẽ đạt 2 tỷ USD với kỳ vọng EVFTA được thực thi sớm.

Tuy nhiên, đầu năm nay, dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra đã khiến tiêu thụ mặt hàng này sụt giảm và Hiệp định EVFTA dù được phê chuẩn cũng cần thời gian hiện thực hóa. Chính vì thế, ngành thủy sản buộc phải dời mục tiêu này sang năm 2021 và sẽ có những kế hoạch cụ thể để phát triển thị trường EU tương xứng với khả năng của DN trong ngành.

Với việc Hiệp định EVFTA chính thức được phê chuẩn, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu năm 2021, xuất khẩu (XK) vào thị trường EU sẽ đạt trên 2 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các DN trong ngành đang gấp rút khắc phục những điểm yếu, tận dụng cơ hội bứt phá.

Những tiêu chuẩn khắc khe

Bà Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng VIFEP cho biết, thị trường EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo tiếp tục là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, thị trường EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để thúc đẩy hoạt động thương mại thuỷ sản giữa Việt Nam và EU, rất cần đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam rất cần hiểu rõ về các chứng nhận và chính sách của EU đối với xuất nhập khẩu thuỷ sản.các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần đảm bảo đủ các điều kiện buộc như: GlobalGAP (Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), tiêu chuẩn của ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản quốc tế), tiêu chuẩn của MSC (Hội đồng quản lý biển), BRC (tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm)… Ngoài ra, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên có một số chứng nhận tự nguyện khác như BAP (nuôi trồng thủy sản tốt), IFS (độ an toàn).

Đối với DN thủy sản, thời gian qua, dù ít nhiều bị tác động bởi dịch bệnh khiến XK sụt giảm, song hầu hết vẫn chuẩn bị tốt từ vùng nuôi, chứng nhận an toàn thực phẩm cho tới hạ tầng logistics để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đơn cử, Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH MTV Nam Việt, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi đã đầu tư vùng nuôi cá tra theo Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh An Giang chủ trì triển khai.

Hiện, các DN này đều quy hoạch vùng nuôi theo chuẩn công nghệ cao, đạt các tiêu chí khắt khe nhằm có sản phẩm cá tra XK tốt nhất.Với kinh nghiệm XK hơn chục năm vào EU, bà Nguyễn Thị Ánh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sông Tiền (SOTICO) – dự báo, thủy sản là sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu nên dù dịch có kéo dài, thị trường vẫn cần. Thêm vào đó, khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo cú huých cho XK. Để tận dụng lợi thế, SOTICO đã quy hoạch vùng nuôi, xây dựng các chứng chỉ theo tiêu chuẩn của thị trường EU nên hoàn toàn tự tin có thể đáp ứng các tiêu chí theo cam kết của EVFTA.

Nguồn: baoquocte,vn

Thùy Dương – baocongthuong

Không nên chủ quan sát thủ Virus mới SHIV trên tôm

Nguồn gốc và phương thức lan truyền dịch bệnh của SHIV còn chưa rõ ràng và hiện nay vẫn chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả dịch bệnh này.Việt Nam và Trung Quốc có nhiều giao dịch liên quan đến thủy sản và sản phẩm thủy sản, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.Người nuôi cũng phải luôn ý thức và nâng cao cảnh giác, đảm bảo an toàn sinh học trong trại nuôi.Loài virus mới có tên viết tắt là SHIV (Shirmp hemocyte iridescent virus), còn được biết đến với tên Decapod iridescent virus 1 (Div1), thuộc họ Iridoviridae.

Tôm nhiễm bệnh SHIV Nguồn: Qiu và cs (2017).Tôm thẻ chân trắng bị bệnh SHIV thường có các biểu hiện khối gan, tụy nhạt màu cả bề mặt lẫn mặt cắt, dạ dày và ruột không có thức ăn, mềm vỏ và 1/3 số tôm bệnh được ghi nhận là thân chuyển sang màu đỏ nhạt
Tôm càng xanh, triệu chứng chính được ghi nhận gan tụy chuyển sang màu trắng vàng nên bệnh còn được gọi là bệnh “trắng đầu”. Tỷ lệ chết cộng dồn trên 80% với tôm nhiễm bệnh

Cần quản lý chất lượng con giống, kiểm tra và đảm bảo con giống không nhiễm bệnh trước khi đưa vào trại nuôi. Để đảm bảo mẫu tôm không nhiễm SHIV và các mầm bệnh nguy hiểm khác, người nuôi có thể gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm để xét nghiệm, hiện nay bệnh SHIV có thể xét nghiệm bằng phương pháp Nested PCR hoặc qPCR.

Trong quá trình nuôi cần quan sát tập tính và màu sắc của tôm để kịp thời phát hiện. Kiểm soát nguồn nước và nguồn thức ăn, đặc biệt là thức ăn tươi sống như giun nhiều tơ. Xây dựng vành đai an toàn sinh học trại nuôi để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài, không cho người lạ vào trại nuôi, tiến hành khử trùng định kỳ. Theo dõi sát diễn biến của bệnh, thông tin từ cơ quan quản lý để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Trương Đình Hoài

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Kiểm tra và xử lý vi phạm 50 bao thức ăn chăn nuôi thủy sản tại Trà Vinh

Ngày 13/5/2020 nhận được nguồn tin của quần chúng tại địa phương, Công chức địa bàn kịp thời báo cáo Đội trưởng QLTT số 1, tiến hành thực hiện nhiệm vụ được phân công thẩm tra, xác minh nguồn tin.

Qua kết quả xác minh đã báo cáo Đội trưởng xây dựng phương án kiểm tra và ban hành Quyết định kiểm tra, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản do ông Lâm Văn Chánh làm chủ, địa chỉ ấp Định An, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra

Kết quả thực hiện kiểm tra tại cơ sở của ông Lâm Văn Chánh, Đoàn kiểm tra phát hiện thức ăn chăn nuôi thủy sản, hiệu CALCIUM D3, loại 10kg/bao, NSX: 18/3/2020, HSD 18/3/2022, số lượng 50 bao, sản phẩm của Công ty TNHH AMERICAN AQUA VIỆT NAM sản xuất, do Công ty TNHH SX TM QT Toàn Hưng phân phối, có dấu hiệu vi phạm chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Đoàn kiểm tra tiến hành đề xuất Đội trưởng tạm giữ tang vật vi phạm. Đồng thời tiến hành thẩm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm của hàng hóa theo quy định.

Đến ngày 18/5/2020 qua làm việc với người đại diện theo pháp luật của ông Lâm Văn Chánh thừa nhận hành vi vi phạm: Lưu thông (mua bán) toàn bộ số lượng hàng hóa nêu trên chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định với sự chứng kiến của người đại diện Công ty TNHH SX TM QT Toàn Hưng. Đoàn kiểm tra tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Từ vi phạm trên Trưởng Đoàn kiểm tra, đề xuất Đội trưởng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền 7.500.000đ và biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cơ sở thu hồi sản phẩm để tái chế theo quy định.

Song song với công tác kiểm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ban lãnh đạo Đội thường xuyên quán triệt đến từng Công chức các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Phân công Công chức bám sát địa bàn, vận động tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm những quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Thông tin phản ánh đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền những đối tượng cố tình vi phạm. Ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi người dân và các cơ sở kinh doanh chân chính.

Tổng cục Quản lý thị trường

Dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp: Các địa phương chủ động ứng phó, không để lây lan

Do thời tiết bất lợi, một số vùng nuôi thủy sản không đảm bảo môi trường nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay ở Phú Yên diễn biến rất phức tạp, diện tích tôm bị bệnh chiếm khoảng 10% diện tích thả nuôi và tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) đang kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh nhằm tránh lây lan.

Dịch bệnh gia tăng

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hơn 900ha, chủ yếu ở TX Đông Hòa, huyện Tuy An và TX Sông Cầu. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài và một số vùng nuôi không đảm bảo môi trường nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có diễn biến rất phức tạp. Ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), cho biết: Gia đình tôi đã thả nuôi hai vụ tôm với diện tích 1,8ha tại vùng nuôi Phước Giang, xã Hòa Tâm. Vụ thứ nhất, do nắng nóng kéo dài, tôm nuôi không phát triển. Sau hơn 2 tháng nuôi, do tôm không lớn nên gia đình đã xuất bán, số tiền thu lại vừa đủ chi phí, chưa tính công. Sang vụ thứ hai, nắng nóng tiếp tục kéo dài, nhưng đến thời điểm tôm nuôi hơn 2 tháng lại xuất hiện mưa giông làm cho tôm trở bệnh và chết. Mặc dù tôm nuôi vụ này phát triển hơn vụ thứ nhất, nhưng do tôm chết nhiều, lỗ hơn 10 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Sang ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), cho biết: Từ đầu năm đến nay, đa số người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch đều không thành công, bởi thời tiết bất lợi, tôm nuôi kém phát triển, một số diện tích tôm nuôi chết do bệnh. Trước khi thả tôm giống, hầu hết người nuôi cải tạo và xử lý hồ nuôi rất kỹ, chọn mua con giống ở cơ sở có uy tín nhưng bệnh trên tôm nuôi vẫn xảy ra. Nguyên nhân có thể là thời điểm thả tôm giống gặp thời tiết bất lợi nên sức đề kháng của tôm bị yếu, do đó tôm nuôi không lớn và phát sinh bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), từ đầu năm đến nay có 88ha tôm nuôi nước lợ bị bệnh, chiếm 10% diện tích thả nuôi và tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ở TX Đông Hòa 55ha, huyện Tuy An gần 32ha, TX Sông Cầu 1ha. Các loại bệnh xảy ra trên tôm nuôi gồm đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và do môi trường bị ô nhiễm. Phần lớn bệnh xảy ra ở vùng nuôi có diện tích lớn, một số diện tích tôm bị bệnh nhưng người nuôi không báo cáo, tự xử lý, do vậy nguy cơ lây lan bệnh rất cao. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống tại các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn địa phương và người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Chi cục đã phối hợp các địa phương phân bổ 21 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% do UBND tỉnh cấp để sát trùng phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Khẩn trương khống chế

Hiện nay môi trường nhiều vùng nuôi ở Phú Yên đang bị suy thoái, ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất thải hữu cơ tích tụ, tồn đọng trong vùng nuôi không được rửa trôi. Ngoài ra, hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kiểm dịch con giống, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt…

Ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết: Kết quả quan trắc môi trường nước cấp tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh gần đây nhất cho thấy có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép. Cụ thể tại một số vùng nuôi có chỉ tiêu Fe vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 1,3-1,9 lần; NH3 vượt từ 1,5-2,7 lần; NO2 vượt từ 1,5-19 lần; PO4 vượt từ 1,4-4,5 lần; ôxy hòa tan thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT tăng cường tổ chức, giám sát, lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường, xét nghiệm mầm bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người nuôi tuân thủ thả giống theo lịch thời vụ, chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng bệnh, khuyến khích xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng an toàn dịch động vật theo quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng truyền tải thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh đến người nuôi trồng thủy sản, vận động người nuôi khai báo kịp thời khi phát hiện dịch bệnh xảy ra trên thủy sản nuôi, sử dụng hóa chất xử lý môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, ngăn ngừa khống chế dịch bệnh không để lây lan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế: Để ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương ven biển phân bổ số hóa chất Sodium Chloritecho 20% để thực hiện sát trùng vùng nuôi, chủ động ứng phó, khống chế dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Các địa phương có nuôi thủy sản cần chủ động rà soát, đề xuất tỉnh hỗ trợ hóa chất sát trùng dự phòng và sử dụng hóa chất được hỗ trợ để xử lý môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh.

Nguồn tin: Báo Phú Yên Từ khóa

Thức ăn cho tôm dùng khô đậu nành lên men thay thế bột cá đắt tiền

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch thủy sản (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) đã sản xuất thành công thức ăn cho tôm từ khô đậu nành lên men, thay thế bột cá có giá thành cao.

Theo ThS. Nguyễn Thành Trung, thành viên nhóm nghiên cứu, nguồn nguyên liệu bột cá chất lượng cao (> 65% protein) trong khẩu phần thức ăn nuôi tôm thường chiếm tỉ lệ cao (>15%). Giá thành của loại nguyên liệu này liên tục tăng, do hầu hết được nhập khẩu.

Hiện nay, protein thực vật (đậu nành, đậu phộng, hạt bông vải,…) được sử dụng nhiều trong thức ăn thủy sản để thay thế protein bột cá nhằm giảm giá thành. Tuy nhiên, khi sử dụng protein thực vật có một số trở ngại như: độ tiêu hóa thấp, thường chứa các chất kháng dinh dưỡng và độc tố, không cân đối về acid amin, thiếu lysin và methionin.

Ngoài ra, sử dụng protein thực vật, đặc biệt là đậu nành với tỉ lệ cao trong thức ăn sẽ gây tác động đến sức khỏe vật nuôi, như giảm khả năng kháng bệnh, chịu stress với môi trường, đặc biệt là thủy sản. Việc nghiên cứu lên men bã đậu nành được xem là nguồn nguyên liệu chính thay thế bột cá hiện nay, do bã đậu nành sau khi lên men có hàm lượng protein cao hơn so với ban đầu, loại bỏ được các chất kháng protein, kháng dinh dưỡng và dễ hấp thu.

Đậu nành thường được dùng để sản xuất thức ăn thủy sản

Trong đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm cải thiện khả năng tăng trưởng và tăng cường miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng bằng sử dụng khô đậu nành lên men và bổ sung chế phẩm Lactobacillus plantarum xử lý nhiệt”, khô đậu nành được nghiền mịn và cho lên men bán rắn bằng chủng Bacillus subtilis B3 được phân lập từ hệ tiêu hóa của tôm, ở nhiệt độ 37oC, độ ẩm 50%, pH 6,5 trong thời gian từ 48 – 72 giờ. Khô đậu nành sau khi lên men được sấy khô, tiệt trùng. Sản phẩm sau khi lên men loại bỏ được các chất kháng protein, kháng dinh dưỡng, hàm lượng protein thô tăng hơn 14%, hàm lượng acid amin tăng hơn 18% so với ban đầu.

Đánh giá tăng trưởng khi thay thế bột cá trong khẩu phần thức ăn tôm thẻ chân trắng bằng khô đậu nành lên men với chủng Bacillus subtilis B3, cho thấy, độ tiêu hóa của thức ăn chứa khô đậu nành lên men đạt 73,1%, tiêu hóa protein đạt 84,9%, cao hơn thức ăn đối chứng trên 10%. Đồng thời, có thể thay thế 60% bột cá bằng đậu nành lên men mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng và hệ số tiêu thụ thức ăn của tôm. Sản phẩm đạt chất lượng tương đương với nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Khô đậu nành được lên men bán rắn.

Ngoài ra, để hỗ trợ sức kháng bệnh, khả năng chịu stress của thủy sản, các chủng vi sinh vật có lợi thường được bổ sung vào thức ăn. Tuy nhiên, sau khi bổ sung vi sinh vật, việc đóng gói, vận chuyển, bảo quản gặp nhiều khó khăn như khó giữ tính kháng bệnh, tỷ lệ sống,… Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu sản xuất chế phẩm Lactobacillus plantarum LP-XLN dạng đã xử lý nhiệt để giải quyết những hạn chế trên.

Với quy trình sản xuất chế phẩm LP-XLN, nhóm nghiên cứu cho chủng vi khuẩn Lactobacillus plantarum L30 được phân lập từ hệ tiêu hóa của tôm thẻ chân trắng, lên men ở nhiệt độ tối ưu 37oC và pH 6, xử lý nhiệt tại nhiệt độ 80oC. Sau đó làm lạnh tại nhiệt độ 15-20oC, ly tâm để nâng cao nồng độ LP-XLN. Sau đó sấy lạnh khoảng 24 giờ và đóng gói, bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Thử nghiệm chế phẩm LP-XLN để nâng cao tỉ lệ sống và tăng cường miễn dịch tôm thẻ chân trắng cho thấy, tăng trưởng tốt ở mức 100ppm, có khả năng kháng bệnh và gia tăng khả năng chịu stress đối với môi trường nuôi. Tỷ lệ sống của tôm khi bổ sung LP-XLN 1.000ppm vào thức ăn, tăng 9% so với thức ăn đối chứng không bổ sung. Chế phẩm này tương đương về miễn dịch, khả năng chống stress, tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ sống trên tôm thẻ so với sản phẩm của Nhật Bản.

Theo ThS. Nguyễn Thành Trung, tại Việt Nam, các nghiên cứu ứng dụng khô đậu nành lên men thay thế bột cá còn rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu về thức ăn cho ngành thủy sản ngày càng tăng. Khô đậu nành lên men bán rắn (55% protein) của nhóm nghiên cứu có chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập, nhưng giá thành rẻ hơn (khoảng 15.800 – 16.800 đồng/kg) so với sản phẩm đang bán trên thị trường (khoảng 17.500 đồng/kg). Trong khi đó, bột cá (55 – 60% protein) có giá khoảng 24 – 28.000 đồng/kg.

Hiện nhóm đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất được hai sản phẩm nói trên, mong muốn được hợp tác, chuyển giao cho các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi để kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Triển vọng nuôi tôm ở vùng U Minh Thượng

Các huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, trước đây bị ảnh hưởng phèn mặn, cộng với hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nên sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu hợp lý, trong đó phát huy lợi thế nuôi tôm đã giúp nhiều hộ dân vùng sâu từ khó khăn vươn lên khá giả.

Người dân thu hoạch tôm “trả công lẫn nhau” ở vùng sâu huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm

Đột phá nhờ nuôi tôm

Xã Vĩnh Bình Bắc là một trong những nơi nuôi tôm càng xanh hiệu quả nhất ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận. Hiện nay, dù nhiều nơi vẫn còn chịu ảnh hưởng hạn mặn, nhưng nông dân xứ này duy trì sản xuất bình thường. Ông Nguyễn Thế Kỷ, ngụ ấp Ba Đình (xã Vĩnh Bình Bắc), chỉ ao tôm càng xanh rộng 2ha, cho biết: “Năm nay ngành chức năng thông tin trước về hạn đến sớm và độ mặn cao nên người dân chủ động ứng phó, nhờ đó, ao tôm của gia đình chăm sóc tốt, không thiệt hại nhiều. Sau hơn 5 tháng thả nuôi, 2ha tôm càng xanh tới ngày thu hoạch, với trọng lượng từ 12-15 con/kg, bán cho thương lái giá 145.000 đồng/kg; trừ chi phí còn lời hơn 80 triệu đồng…”.

Theo ông Kỷ, trước đây, khu vực này đất bị nhiễm phèn nặng nên bà con đa phần trồng khóm, nhưng hiệu quả không cao do giá thấp. Khoảng 10 năm nay, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ngành nông nghiệp cùng chính quyền và người dân chọn nuôi tôm để đột phá. Người dân được học kỹ thuật, áp dụng hợp lý việc nuôi luân phiên giữa tôm càng xanh với tôm sú và tôm thẻ, mỗi năm 3 vụ. “Trúng tôm mấy năm đã giúp gia đình tôi có điều kiện mua thêm đất mở rộng sản xuất lên hơn 5ha. Cuộc sống bây giờ ổn định hơn lúc trồng khóm rất nhiều”, ông Kỷ bộc bạch.

Đưa chúng tôi ra thăm ao tôm gần 1,8ha, ông Võ Văn Tánh (xã Vĩnh Bình Bắc) tâm sự: “Thời tiết vụ này có phần bất lợi, nhưng nhờ chăm sóc chu đáo nên tôi vừa thu hoạch hơn 1 tấn tôm. Giá tôm càng xanh bán sô 130.000 đồng/kg, tôm thẻ 90.000 đồng/kg, lời hơn 50 triệu đồng. Mức lợi nhuận tuy không cao bằng các vụ trước, nhưng trong tình trạng hạn mặn gây khó cho sản xuất các nơi thì vùng nuôi tôm ở đây duy trì được đồng lời là tốt rồi”. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bình Bắc, Huỳnh Ngọc Nguyên, cho hay: “Những năm qua, địa phương tích cực đầu tư thủy lợi nhằm đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, với mô hình đan xen tôm cành xanh – tôm thẻ – tôm sú hơn 5.150ha, sản lượng thu về 5.300 tấn mỗi năm. Con tôm thật sự mang lại hướng đi mới, giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống, tích lũy tiền xây nhà, nuôi con ăn học và chung tay cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới”.

Tại các xã Thạnh Yên, Hòa Chánh, Vĩnh Hòa (huyện U Minh Thượng) thời gian qua, nhiều hộ dân cũng tăng cường nuôi tôm. Đến nay, diện tích tôm của huyện đạt hơn 8.600ha; trong đó, mô hình nuôi tôm càng xanh ở một số nơi cho năng suất 935kg/ha; giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, lời khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp nhiều lần so trồng lúa hoặc trồng mía.

Thắt chặt tình làng nghĩa xóm

Gần đây, người dân U Minh Thượng chuyển dịch sang nuôi tôm càng lúc càng nhiều. Về lâu dài, con tôm là đối tượng nuôi được kỳ vọng nhằm giúp bà con vùng U Minh Thượng vươn lên trong cuộc sống. Huyện này đang xây dựng các mô hình nuôi tôm VietGAP để hướng tới phát triển bền vững; đồng thời phối hợp cùng các ngành liên quan xây dựng thương hiệu cho tôm càng xanh…

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, ông Võ Hoàng Nguyên, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, người dân khắc phục khó khăn hạn mặn để thả nuôi hơn 28.500ha tôm, đạt 100% kế hoạch, sản lượng tôm nuôi thu về hơn 8.150 tấn, đạt 52,5% kế hoạch, tăng 14,5% so cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đến nay đạt 1.004 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ… Phòng NN-PTNT và các xã đang theo dõi chặt diễn biến thời tiết, khi độ mặn giảm và dần ổn định trở lại sẽ tăng cường sản xuất nhằm phát huy thế mạnh ở các vùng tôm, nhất là tôm càng xanh”.

Ông Võ Văn Tánh (xã Vĩnh Bình Bắc) tâm sự: “Mới đây, khi gia đình tôi thu hoạch 1,8ha tôm thì tờ mờ sáng đã có mấy chục người hàng xóm tới phụ kéo tôm. Những thanh niên khỏe mạnh thì bơm nước, kéo tôm, gánh tôm từ ruộng vào nhà; còn những chú bác lớn tuổi thì xuống ruộng bắt tôm; chị em phụ nữ đảm nhận công đoạn phân loại tôm để bán cho thương lái… Mỗi người một việc, chia nhau làm từ sáng sớm đến xế chiều mới xong, nhưng không ai nhận một đồng tiền công nào. Khi mọi việc hoàn thành, cả xóm cùng ngồi lại ăn bữa cơm chung vui với chủ nhà sau 1 vụ tôm”. Theo ông Võ Hoàng Nguyên, điểm nổi bật của phát triển con tôm không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà còn giúp nhiều gia đình thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, thông qua việc “trả công lẫn nhau” trong thu hoạch tôm.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, sản phẩm tôm của Việt Nam xuất sang 102 thị trường trên thế giới; năm 2020 phấn đấu xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 3%. Để đạt kết quả trên, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương theo dõi chặt thời tiết, khi độ mặn giảm, điều kiện thuận lợi thì tăng cường thả nuôi tôm, nhằm đảm bảo sản lượng phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Quản lý phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững

Sáng ngày 11-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng phối hợp Tổng Cục Thủy sản tổ chức diễn đàn “Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý phát triển tôm nước lợ hiệu quả, bền vững”. Đến dự có các đồng chí: Vũ Duyên Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ; Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản; Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT. Cùng dự có các đơn vị liên quan trực thuộc sở và lãnh đạo các tổ chức, các viện, trường, hiệp hội, sở NN-PTNT các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Hải Phòng, hợp tác xã, hộ dân nuôi tôm tiêu biểu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thúy Liễu

Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy sản, diện tích thả nuôi tôm tại các địa phương tính đến thời điểm hiện tại là 481.534ha/730.000ha, trong đó, tôm sú chiếm gần 85% diện tích thả nuôi, đã thu hoạch tôm với sản lượng 168,6 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 591 triệu USD (giảm 4,3% so cùng kỳ năm 2019). Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại gần 16.000ha, nguyên nhân do dịch bệnh và môi trường. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm nước lợ hàng năm ước hơn 45.500ha, sản lượng đạt 150.000 tấn, chiếm 18% sản lượng tôm nước lợ của cả nước và kim ngạch xuất khẩu trên 630 triệu USD.

Tại hội nghị, đại biểu đã có các ý kiến xoay quanh nội dung về: kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi nước lợ, công nghệ nuôi tôm trong thời đại số, cách phòng trị bệnh trên tôm nuôi nước lợ, công nghệ xử lý nước thải, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị ngành tôm nước lợ, hiện trạng ứng dụng công nghệ nuôi tôm nước lợ Việt Nam và xu thế phát triển khoa học công nghệ ngành tôm nước lợ thế giới…

Đồng chí Vũ Duyên Hải thông tin, thông qua hội nghị nhằm góp phần đưa các giải pháp đến cơ sở và người nuôi ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới mà các đơn vị chuyên ngành chia sẻ tại hội nghị đem vào Việt Nam để ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi nước lợ Việt Nam; sẽ thông tin tình hình dịch bệnh, cách phòng trị dịch bệnh, quản trị môi trường hiệu quả trên tôm nuôi nước lợ. Đồng thời, ổn định tình hình sản xuất tôm nuôi nước lợ sau đại dịch Covid-19, đảm bảo sản lượng tôm cung ứng thị trường xuất khẩu như đã đề ra…

Thúy Liễu – Báo Sóc Trăng