Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Thu tiền tỷ nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Nuôi tôm công nghệ cao
Ông Lê Quang Hùng (khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu) có 1ha ao chính nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm nuôi được 3 lứa, thu về khoảng 1 tỷ đồng.

Khoảng gần 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mạnh dạn đầu tư phát triển mở rộng diện tích, với tỷ lệ nuôi tôm thành công hơn đến 90% và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất.

Ông Lê Quang Hùng, ở khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu hiện thành công với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên ao trước đây vốn là ruộng muối của gia đình.

Ông Hùng cho biết, trước đây, gia đình ông chuyên làm muối, nhưng do biến động của thị trường, giá muối không ổn định, thời tiết thất thường khiến cho việc sản xuất muối của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Nhờ được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển giao kỹ thuật, ông Hùng bắt đầu chuyển sang nghề nuôi tôm sú.

Thấy nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn làm muối, năm 2018 ông Hùng quyết định đầu tư cải tạo mô hình nuôi tôm sú thâm canh và đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 1,5 ha, trong đó có 2 ao nuôi và 3 ao lắng để lọc nước lấy từ biển vào.

Theo đó, ông Hùng đã bỏ ra chi phí khoảng hơn 1 tỷ đồng đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lót vải bạt toàn bộ ao nuôi, đầu tư hệ thống máy sục oxy, quạt gió… Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, nhờ có máy móc hiện đại, quy trình lắng lọc nước vào ao nuôi rất nghiêm ngặt, nên hiện nay 1 năm gia đình ông Hùng nuôi được 3 vụ tôm, với khoảng trên 16 tấn tôm/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về gần 1 tỷ đồng.


Ao lót bạt cùng hệ thống máy móc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của hộ ông Bùi Thế Vương (xã An Ngãi, huyện Long Điền). 

Mặc dù chỉ mới bắt đầu nuôi tôm hơn 1 năm, nhưng ngay từ lúc đầu, ông Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 7 ha; trong đó có 1,5 ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải.

Với 1,5 ha ao nuôi chính, ông Vương đã đầu tư 2 loại ao nuôi gồm ao nuôi vuông, với 5 ao diện tích 10.000 m2, loại ao nuôi này ông đầu tư lót bạt ngay trên toàn bộ nền ao đất, sau đó cho nước đã được lắng lọc, xử lý vào ao nuôi và loại ao nuôi tròn, với 10 ao có diện tích 830 m2/ao, loại ao nuôi tròn này được thiết kế khung thép lót bạt.

Ngoài ra, ông Vương còn đầu tư máy sục oxy, quạt gió, máy điều khiến cho tôm ăn tự động và hệ thống máy móc hiện đại đo nồng độ pH trong ao nuôi… phía trên mỗi ao nuôi ông cũng đầu tư hệ thống mái che bằng lưới đen để hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi tôm.

Ông Vương cho biết, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ sản xuất được 3 vụ mỗi năm, cao gần gấp đôi so với phương pháp nuôi thông thường, tỷ lệ tôm nuôi hao hụt cũng giảm nhiều so với nuôi truyền thống. Sau hơn 1 năm, hiện, ông Vương đã nuôi được 5 lứa, với khoảng 60 tấn/lứa. Giá bán trung bình từ 130 – 160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi ha ông Vương lời từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/1 ha/1 lứa.

Ông Vương chia sẻ, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giúp quá trình nuôi tôm an toàn và giảm rủi ro, vì thế lợi nhuận chắc chắn tăng lên và năng suất cao hơn bà con nuôi truyền thống. Hơn nữa, môi trường nước là yếu tố then chốt, quan trọng sau khâu con giống trong nuôi tôm, chính vì vậy nuôi tôm công nghệ cao rất cần nhiều hệ hệ thống ao lắng lọc, trong quá trình lắng lọc người nuôi cũng cần chú ý xử lý kỹ trước khi đưa vào ao nuôi.


Với 1,5 ha ao nuôi chính ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm hộ ông Bùi Thế Vương (xã An Ngãi, huyện Long Điền) nuôi được 3 – 5 lứa, thu về 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ha/lứa. 

Thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh, đến thời điểm này toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 18 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 352 ha, tăng gần 100 ha so với cùng kỳ năm 2019.

Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất lót bạt, hoặc các hồ tròn khung thép có lót bạt trong nhà màng; công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250 – 500 con/m2. Các cơ sở thường nuôi theo hình thức gối đầu, vì vậy một năm có thể nuôi được từ 3 đến 5 vụ.

Với phương pháp nuôi theo công nghệ cao, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, nên có thể thả giống quanh năm và không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ. Đây cũng là lợi thế để tránh được tình trạng thu hoạch đại trà làm giá tôm thương phẩm giảm xuống.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường rất tốt nên các cơ sở nuôi tôm đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trước xu thế hiện nay trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành, phát triển nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh về tính ưu việt của mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đây là hướng đi tất yếu cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chuyển đổi dần đần từ hình thức truyền thống sang công nghệ cao.

“Việc áp dụng các mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bước đầu mang lại tín hiệu tích cực. Đây là hướng đi mới, có tiềm năng lớn bởi giúp người nuôi phần nào yên tâm trước sự biến đổi khó lường của thời tiết; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất nhờ có thể nuôi tôm với mật độ cao do áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng khuyến cáo các doanh nghiệp và người nuôi tôm cần cẩn trọng, nghiên cứu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi khi áp dụng mô hình này nhằm tránh rủi ro trong sản xuất”, ông Nguyễn Hữu Thi chia sẻ.

Hoàng Nhị TTXVN

Nuôi tôm, cua “khác người”, 1 nông dân tỉnh Cà Mau lãi tiền tỷ

Tôm-lúa
Mô hình nuôi tôm luân canh cua của ông Hiên, xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Chúc Ly

Từ mô hình luân canh tôm – lúa, mỗi năm ông Trần Quang Hiên (Cà Mau) có thể thu lãi tiền tỷ.

4 lần thất bại, 4 lần đứng lên

Nông dân Trần Quang Hiên (ngụ ấp 5, xã Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhiều năm nay đã nổi tiếng khắp nơi bởi ông có cách luân canh tôm – cua khác lạ. Từ mô hình nuôi luân canh tôm-cua độc đáo này, mỗi năm ông Hiên có thể thu lãi tiền tỷ.

Dù đã nổi tiếng khắp vùng bởi kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao, ít rủi ro, nhưng ít ai biết rằng, ông Hiên từng trải qua 4 lần thất bại trong nuôi tôm và nhiều lần thua lỗ.

Khoảng năm 1994, khi nước mặn xâm nhập vào địa phương, cũng như những người khác, ông Hiên bắt đầu thả nuôi tôm quảng canh với diện tích 0,6ha. 

Nhờ chịu khó chăm sóc tôm đúng kỹ thuật, ngày đêm theo dõi ao tôm nên nhiều vụ tôm ông thắng lợi, có vốn tích lũy và mua thêm đất để tiếp tục mở rộng diện tích, rồi chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Nuôi tôm theo hình thức này đang ổn định thì phong trào nuôi tôm tại địa phương ngày càng phát triển, nhiều người nuôi ồ ạt, không đúng kỹ thuật, môi trường nước do đó bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Hiên quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp để chủ động quản lý tốt nguồn nước.

Ông Hiên nhớ lại: “Bắt tay vào nuôi vụ đầu tiên năm 2011, đây cũng là lúc nước có độ mặn cao, 3 ao tôm chết rất nhiều, thiệt hại gần 30 triệu đồng. 1 tháng sau đó tôi tiếp tục thả nuôi nhưng tôm lại chết, lại lỗ thêm 40 triệu đồng. Thời điểm này, đây là số tiền thật sự lớn đối với một nông dân như tôi”.

Nhưng ông Hiên không bỏ cuộc, ông quyết định ngừng nuôi tôm, mua 4.000 con cua giống thả vào 3 ao nuôi. Không ngờ vụ cua năm đó ông thắng lớn, thu lãi khoảng 250 triệu đồng.

Có được nguồn vốn từ việc trúng đậm vụ cua đó, ông mạnh tay mua con giống tôm về thả 2 ao, nhưng không may lại hư mất 1 ao. Sau đó ông tiếp tục hùn vốn nuôi chung với một người cháu và lại thất bại.

“Sau nhiều lần thua lỗ liên tiếp, tôi cũng nản nhưng nghĩ mình ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đó, nên quyết tìm ra nguyên nhân tôm bị thiệt hại. Thời điểm này, tôi mày mò, học hỏi, đi khắp nơi để xem những mô hình nuôi tôm công nghiệp hiệu quả”-ông Hiên chia sẻ.

Theo ông Hiên, nhờ lần mua cua thả vào ao tôm đã giúp ông rút ra bài học là người nuôi tôm chỉ nên thả 1 vụ trong năm, thời gian còn lại thả nuôi cua luân canh. Từ đó đến nay ông đều áp dụng theo phương pháp này và chưa thất bại thêm vụ nào.

Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tôm luân canh nuôi cua

Nhờ nhanh nhạy chuyển đổi đối tượng nuôi, nên vụ nuôi tôm sú công nghiệp năm 2015, ông Hiên thu về 1,8 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí ông còn lãi gần 1,2 tỷ đồng.

Từ chỗ nghiên cứu sản xuất và đưa vào áp dụng thực tiễn hiệu quả, ông Hiên cũng mày mò, tính toán để nâng cao giá trị con tôm. 

Nhiều năm nay, lợi nhuận trong mô hình nuôi trồng thủy sản của ông luôn cao hơn những hộ khác cũng là nhờ việc ông không bán tôm muối đá cho thương lái. Theo đó ông Hiên chỉ tiến hành thu tỉa, bán tôm sống cho các công ty đặt hàng, nên giá bán cao hơn.

“Sau nhiều lần thua lỗ liên tiếp, tôi cũng nản nhưng nghĩ mình ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đó, nên quyết tìm ra nguyên nhân tôm bị thiệt hại. Thời điểm này, tôi mày mò, học hỏi, đi khắp nơi để xem những mô hình nuôi tôm công nghiệp hiệu quả”, ông Trần Quang Hiên chia sẻ.

Đặc biệt, điều mà nhiều nông dân khác rất nể phục ở ông Hiên đó chính là biết cách tổ chức sản xuất. Với mỗi vụ tôm, ông không bao giờ thả cùng lúc 4 ao tôm mà chỉ thả tôm giống 1 ao với mật độ khá dày, khoảng 180 con/m2. 

Sau đó, khi tôm đến 30-40 ngày tuổi thì bắt đầu chuyển một phần tôm sang ao thứ 2, sau đó tiếp tục chuyển thêm 2 lần nữa. Từ ao thứ 2, 3, 4 thì mỗi ao đảm bảo mật độ 15-20 con/m2, như vậy tôm rất nhanh lớn, phát triển tốt và rất ít bệnh.

Không dừng lại ở đó, khi việc nuôi tôm công nghiệp luân canh cua đã ổn định, ông Hiên lại bắt tay vào kinh doanh tôm giống. 

Hiện mỗi năm doanh thu của gia đình ông Hiên từ việc kinh doanh tôm giống khoảng 3 tỷ đồng, thu lãi hơn 250 triệu đồng/năm.

 Chúc Ly Dân Việt

Tiêu diệt mầm bệnh nguy hiểm trên tôm bằng quả việt quất

Việt quất
Việt quất có thể phá vỡ màng tế bào, ngăn cản virus gây hại.

Việt quất, phá vỡ bức tường bảo vệ của vi khuẩn – màng tế bào, ngăn cản sự tăng sinh của cả virus gây hại.

Chủng Vibrio parahaemolyticus là một loài vi khuẩn gram âm, tồn tại trên nhiều động vật phù du, cá, tôm hay các động vật có vỏ và thậm chí ở những sản phẩm thủy sản đã được sơ chế. Đây cũng là một mầm bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng, các sản phẩm tươi sống hay đông lạnh của nghề chế biến, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngành thủy sản. Đặc biệt hơn khi con người ăn phải những sản phẩm có chứa vi khuẩn này, sẽ gây ra những triệu chứng viêm ruột và dạ dày cấp tính, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, hoặc các triệu chứng nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu.

Phương pháp điều trị vẫn thường dùng để hạn chế tác hại của vi khuẩn này đó là kháng sinh. Nhưng sự kháng kháng sinh là một vấn đề hết sức đáng ngại trên toàn thế giới hiện nay. Do đó, một số nghiên cứu về các chất thay thế kháng sinh đang được thiết lập trong những năm gần đây. Nhiều chuyên gia đã báo cáo, các hợp chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ thực vật, sẽ có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều mầm bệnh. Những hợp chất này có khả năng tăng cường sức khỏe tôm, tạo ra các đặc tính bảo vệ tôm chống lại viêm sưng và các bệnh mãn tính, cũng như chống oxy hóa. Đặc biệt là thúc đẩy hệ miễn dịch của tôm đủ sức đẩy lùi các vi khuẩn gây bệnh ra khỏi cơ thể.

Việc sử dụng các hợp chất từ tự nhiên là một chiến lược quan trọng để kiểm soát mầm bệnh gây hại trên thủy sản. Những hợp chất này sẽ gây ảnh hưởng đến cấu trúc của tế bào vi khuẩn, thành, màng cũng như các cấu trúc nội bào bên trong. Các chiết xuất trong quả việt quất đã được nghiên cứu và chứng minh là ức chế được các chủng vi khuẩn Listeria monocytogenes và Salmonella enteritidis. Những thử nghiệm này chủ yếu tập trung vào các vi khuẩn ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy tác động của việt quất đến các mầm bệnh gây hại trên tôm nuôi thương phẩm vẫn chưa có những cơ sở chắc chắn. Nên nghiên cứu này tập trung vào việc làm sáng tỏ cơ chế kháng khuẩn của những chiết xuất trên trên vi khuẩn v.parahaemolyticus gây hại cho tôm thẻ.

Rất nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng, có vô số thành phần từ tự nhiên có khả năng ức chế sự lây lan và phát triển của vi khuẩn trên các sản phẩm thủy sản. Các chiết xuất từ thảo dược đã được tìm thấy rất nhiều, trong đó có dihydromyricetin, chất này sẽ phá hủy màng tế bào của vi khuẩn, có hoạt tính chống lại V.parahaemolyticus rõ ràng. Và quả việt quất chính là một nguồn cung cấp tuyệt vời. Dihydromyricetin có đặc tính kiềm khuẩn mạnh hơn cả kháng sinh, không chỉ ức chế trực tiếp sự phát triển và sống sót của vi khuẩn mà còn sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố độc lực và kháng bệnh.

Màng tế bào là bộ phận rất quan trọng để duy trì cấu trúc của vi khuẩn, nó như một hàng rào chắn với chức năng thấm chọn lọc, bảo vệ vi khuẩn khỏi các tác nhân và để chúng hấp thu chất dinh dưỡng duy trì sự phát triển. Các dung dịch nội bào, bao gồm axit nucleic, protein và các chất khác, sẽ dễ dàng bị rò rỉ ra ngoài khi màng tế bào này bị phá vỡ. Những chiết xuất trong việt quất sẽ phá tan bức tường bảo vệ này, hủy hoại cấu trúc màng, làm hỏng acid nucleic và protein bên trong. Ngoài ra còn thay đổi áp suất thẩm thấu giữa bên trong và bên ngoài tế bào, gây ảnh hưởng đến quá trình phiên mã và tái cấu trúc DNA trong tế bào của vi khuẩn.

Những hoạt chất này có hoạt tính oxy hóa tuyệt vời, có lợi cho quá trình trao đổi chất và hỗ trợ chức năng đường ruột. Cộng thêm tính chất kháng viêm và có thể làm giảm sản xuất lượng độc tính trong tế bào. Về mặt kháng khuẩn, ngoài tác dụng phá hủy màng, các chiết xuất còn làm màng này bị vô hiệu hóa, không bám vào được vào bề mặt vật chủ. Thêm nữa là khả năng ức chế mầm bệnh trong đường ruột và bảo tồn hiệu quả của men vi sinh. Đặc biệt hơn, những thành phần trong việt quất còn được nghiên cứu thêm là có hoạt tính kháng virus, ức chế quá trình nhân lên và sao chép của virus.

Quả việt quất đã chứng minh được chức năng kháng khuẩn, kiểm soát vi khuẩn gây bệnh. Do đó, những chiết xuất này có tiềm năng để phát triển trong tương lai như một chất bảo quản tự nhiên và rất an toàn. Tuy vậy cũng cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để có thể có những giả thuyết chắc chắn khi đưa việt quất vào sử dụng cho công cuộc kháng khuẩn trên tôm nuôi.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Nhiều cơ hội “bật dậy” cho con tôm Bạc Liêu

tôm sú
Hy vọng giá tôm và thị trường sẽ khởi sắc vào những tháng cuối năm.

Mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơn mưa giúp nước giảm độ mặn, thuận lợi cho việc thả tôm nuôi vụ mới. Vì vậy, nông dân nhiều nơi đã tập trung thả tôm nuôi vụ 2 với hy vọng giá tôm và thị trường sẽ khởi sắc vào những tháng cuối năm.

Theo lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản, từ nay cho đến tháng 8/2020, vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A sẽ tập trung thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Cùng thời gian này, nông dân ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A cũng tập trung xuống giống mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp và mô hình sản xuất lúa – tôm càng xanh. Do vậy, nhu cầu con giống sẽ tăng cao và khó tránh khỏi tình trạng con giống kém chất lượng.

Nhiều nông dân phản ánh, vụ tôm năm nay giá con giống và thuốc thú y thủy sản tăng cao, trong khi giá thu mua tôm nguyên liệu không ổn định và ở mức thấp. Bên cạnh đó, do thời tiết nắng nóng gây thiệt hại đáng kể trong những tháng đầu năm khiến nông dân ngại thả nuôi mới. Hiện, diện tích tôm nuôi trong toàn tỉnh khoảng 120.700ha, trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh khoảng 8.530ha. Nếu như nông dân tập trung thả tôm nuôi đúng lịch thời vụ như khuyến cáo, giúp tăng diện tích và sản lượng tôm nuôi thì ngành Nông nghiệp mới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,7% theo kịch bản của tỉnh.

Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch đề ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, sản xuất nuôi trồng sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, với những dự báo về thị trường từ nay đến cuối năm cho thấy, tình hình xuất khẩu con tôm rất khả quan khi dịch bệnh COVID-19 ở nhiều nước nhập khẩu được kiểm soát, sức mua tăng, nhất là hiện nay một số thị trường lớn ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP), khả năng xuất khẩu tôm năm 2020 của cả nước sẽ đạt từ 3,5 – 3,8 tỷ USD; riêng tỉnh Bạc Liêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 750 triệu USD.

Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang có nhiều lợi thế để “bật dậy” sau ảnh hưởng của COVID-19. Cụ thể, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã hoàn thành trên 70% hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và đã chuẩn bị thi công giai đoạn 2. Đồng thời, đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, hướng đến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu này và sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho con tôm tăng trưởng.

Theo Sở NN&PTNT, để phát huy tiềm năng, thế mạnh từ con tôm và đảm bảo cho sản xuất vụ nuôi tôm năm 2020 đạt thắng lợi, cùng với tăng cường chỉ đạo nông dân tập trung xuống giống đúng lịch thời vụ, đầu tháng 7/2020, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức hội nghị đánh giá các mô hình nuôi tôm hiệu quả, bền vững để các ngân hàng mạnh dạn đầu tư vốn cho doanh nghiệp và nông dân vay phát triển mô hình, nhất là nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân. Qua đó, tạo sự lan tỏa trong dân và góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp của cả nước.

Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và phòng chống dịch bệnh trong sản xuất cho người dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…, để góp phần hoàn thành kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11% trong năm nay, mà con tôm được xem là nguồn thu chính mang lại lợi nhuận cho người nông dân và kim ngạch xuất khẩu.

Nguyễn Văn  – Báo Bạc Liêu

DIV1 lây lan đến Đài Loan, xác nhận tiêu hủy để chặn dịch

ao nuôi tôm
Virus DIV 1 nguy hiểm và lây lan nhanh

10 trang trại nuôi tôm ở Đài Loan đã xác nhận nhiễm virus decapod 1 (DIV1), Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan (Council of Agriculture – COA) đã tiến hành tiêu hủy nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Khi dịch DIV1 được phát hiện Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, các nước nuôi tôm lân cận nhanh chóng tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tuy nhiên cuối tháng 6/2020, Đài Loan đã phát hiện 10 trang trại nuôi tôm nước lợ và tôm hùm đất bị nhiễm DIV1.

Virus DIV1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014, đã tái xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vào tháng 2 năm nay. Ở Trung Quốc, dịch bệnh tác động đến cả tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và tôm hùm đất khiến vỏ của chúng có màu đỏ, sau đó mềm đi – dẫn đến tỷ lệ tử vong khoảng 80%.

Tại Đài Loan, Huang Chin-cheng – thứ trưởng COA xác nhận mầm bệnh DIV1 đã được tìm thấy ở huyện Hsinchu, thành phố Tân Bắc, huyện Yilan, thành phố Cao Hùng và huyện Yunlin.

Đài Loan đã tiến hành tiêu hủy 1.207kg tôm càng và 201.000 tôm ấu trùng ở Hsinchu, và 973kg tôm ở Yilan. Chính phủ cam kết bồi thường cho các hộ nuôi tôm bị dịch bệnh và lên kế hoạch thắt chặt quản lý nuôi trồng thủy sản.

Hoài An – https://tepbac.com/

Làm sao tăng hiệu quả trong nuôi tôm?

Làm sao tăng hiệu quả trong nuôi tôm?
Từ chục năm trước, tôm thẻ chân trắng được phép nuôi ở các tỉnh đồng bằng Cửu Long. Với ưu thế mau lớn, năng suất cao, nuôi ngắn ngày hơn tôm sú và được quảng bá là chống chịu tốt hơn sự biến động của môi trường, tôm thẻ chân trắng đã được người nuôi đón nhận và diện tích nuôi đã tăng lên liên tục, đến nay chạm ngưỡng 100 ngàn hecta. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi tôm bị thua thiệt nặng nề. Nguyên do tôm bị dịch bệnh tấn công và giá tôm trồi sụt thất thường. Việc tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình hình trên trở thành nhu cầu bức xúc, tiếp sức người nuôi trong lúc khó khăn này và góp phần đưa ngành tôm phát triển ổn định và bền vững hơn.
Muốn tăng hiệu quả nuôi tôm cần xem xét yếu tố khách quan là giá cả thị trường và yếu tố chủ quan là việc thực thi thả nuôi.
Yếu tố giá cả tôm trên thị trường
Dĩ nhiên chỉ xoay quanh tôm thẻ chân trắng. Giá cả do cung cầu thế giới và cung cầu trong nước quyết định. Ở Việt Nam chưa có ai đủ tiềm lực lũng đoạn giá cả tôm nguyên liệu, sản phẩm vốn dĩ không thể dự trữ lâu, tất cả theo cơ chế thị trường, quy luật cung cầu.
Thế giới có các cường quốc nuôi tôm là Indonesia, Ecuador nuôi tôm phía Nam bán cầu, thả nuôi trong năm, thu hoạch từ cuối tháng 3 hàng năm. Ấn Độ, Trung quốc, Thái Lan và Việt Nam nuôi tôm thuộc Bắc bán cầu, thu hoạch từ tháng 5 hàng năm. Đó là bình thường, nhưng mỗi nước mỗi vùng có thời tiết khác nhau khiến việc thả nuôi tôm có thể sớm hoặc trễ hơn. Nhờ đó các cơ sở chế biến tôm có nguyên liệu ổn định hơn và thị trường có nguồn cung đều đặn hơn. Tựu chung, giá tôm sẽ giảm dần từ tháng 5 và đến tháng 9 sẽ phục hồi. Bởi lúc đó nguồn cung mạnh nhất. Tuy nhiên cũng có lúc thất thường. Như đầu năm 2018, do tiêu thụ yếu, các thị trường lớn còn tồn hàng, tôm Indonesia trúng, vô vụ sớm, khiến cuối tháng 4 mà giá tôm thế giới giảm thấp, tôm tươi của ta cũng giảm theo, người nuôi không an tâm thả giống. Hoặc năm 2019, do dịch bệnh, người nuôi không mặn mà thả tôm vụ phụ, gây thiếu hụt tôm nguyên liệu cục bộ, mới giữa tháng 8 giá tôm nguyên liệu đã tăng mạnh.
Tóm lại, nói gì nói, cái căn bản giá cả tôm nguyên liệu có xu hướng thấp khoảng tháng 5 tới tháng 9. Thời gian còn lại, giá tốt hơn. Chiều ngược lại, người nuôi tính toán sao thời gian thu hoạch có phần tránh tập trung quá nhiều quãng thời gian trên nhằm giảm mức đùng ứ tôm nguyên liệu, nhằm hạn chế việc giảm giá do tác động cung cầu. Mâu thuẫn, bởi thời gian thu hoạch trên là kết quả của lịch thời vụ thuận lợi nhất. Giải pháp đưa ra là chia sẻ rủi ro, người nuôi thả nuôi rải vụ, thời gian thu hoạch dài ra.
Giá thành tôm nuôi của Việt Nam
Tôm nuôi của ta có giá vốn (giá thành) chênh lệch nhau do kỹ thuật nuôi, do mật độ thả giống, do năng lực vốn, do tình hình môi trường các địa phương…Tóm lại, do các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Các yếu tố này tự thân có tác động qua lại. Muốn xác định yếu tố nào tác động nhiều đến giá thành nuôi tôm tưởng dễ, nhưng thực tế không hẳn là vậy.
Cách  tiếp cận yếu tố tác động giá thành thông qua phân tích hình thức nuôi
Hai hình thức nuôi phổ biến là ao đất và ao bạt đáy. Ao đất, tận dụng được một phần dinh dưỡng từ đất. Rủi ro là tồn lưu các hoá chất đã sử dụng từ vụ trước ở đáy ao, khó làm sạch đáy ao trong quá trình nuôi…, cho nên mật độ nuôi dưới 100 con mỗi mét vuông. Thời gian qua, dịch bệnh nhiều, hình thức ao nuôi này bộc lộ thêm nhược điểm là dịch bệnh khó trị hơn do vi khuẩn sinh sôi đáy ao khó kiểm soát.

Trên diện rộng, tỉ lệ ao nuôi thành công chỉ ở mức 30% (*). Từ đó, phát triển hình thức nuôi ao bạt đáy, diện tích ao nhỏ, có thể nuôi tôm mật độ cao, năng suất cao và tỉ lệ ao nuôi thành công cũng cao, trên 70% (*). Rõ ràng nuôi ao bạt đáy hiệu quả hơn. Tuy nhiên lại đòi hỏi mức đầu tư lớn, điều mà đại đa số người nuôi không đủ khả năng vì đồng vốn không nhiều do đã thua lỗ nhiều năm. Thực tế do đầu tư thấp, giá thành nuôi ao đất sẽ thấp hơn nuôi ao bạt đáy. Bù lại năng suất ao nuôi bạt đáy rất cao, tổng thể ao bạt đáy thu lợi nhuận tốt hơn. Hai hình thức này đang tồn tại song song, nuôi ao bạt đáy có xu hướng mở rộng. Trong cơ cấu giá thành hai hính thức nuôi, hơn thua nhau ở kỹ thuật nuôi, hơn là các yếu tố khác không chệch lệch nhau nhiều.
 (*): Trích trong Phân tích các yếu tố đầu vào mô hình nuôi tôm thẻ ao đất và ao bạt. TS Nguyễn Duy Hòa và KS Nguyễn Xuân Hoàng
http://thuysanvietnam.com.vn/phan-tich-cac-yeu-to-dau-vao-mo-hinh-nuoi-tom-the-ao-dat-va-ao-bat-be-bat-article-22730.tsvn
Cách tiếp cận yếu tố tác động giá thành thông qua phân tích cơ cấu giá thành
Bài viết của của TS Hòa và KS Hoàng trong trích dẫn nêu trên cho thấy cơ cấu giá thành của hai hình thức nuôi tôm như sau:
– Yếu tố chiếm tỉ lệ cao nhất là thức ăn, chiếm từ 50-62%. Giải pháp đưa ra là phải chú trọng tiết kiệm thức ăn và giảm giá thức ăn. Tiết kiệm thức ăn là kiểm soát cho tôm ăn vừa đủ, không dư thừa gây lãng phí và ôn nhiễm nước. Giám giá thức ăn bằng cách bớt tầng nấc trung gian.
– Yếu tố tiếp theo là thuốc, hoá chất, khoáng, dinh dưỡng…. chiếm từ 15-20%. Giải pháp vẫn là tiết kiệm và xài đúng chế phẩm ao tôm cần.
– Năng lượng cho tạo oxy, bơm nước, xử lý nước, ánh sáng… chiếm 6-10%.
– Yếu tố tỉ lệ thấp là con giống, chiếm 5-6%.
Cách tiếp cận này cho thấy việc tiết kiệm và giảm giá thức ăn chiếm vai trò lớn nhất.
TS.Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
Nguồn : http://vasep.com.vn/

Tập đoàn Việt – Úc: Hiệu quả vượt trội từ nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao

Tập đoàn Việt – Úc là đơn vị dẫn đầu mảng tôm giống và nuôi tôm siêu thâm canh (STC) công nghệ cao với nhiều mô hình hiện đại như nuôi trong nhà kính, nhà màng bong bóng. Mới đây, Tập đoàn đã triển khai quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Khác với việc nuôi tôm chỉ có 1 giai đoạn (con giống thả thẳng xuống ao) hay 2 giai đoạn (con giống được ương một thời gian rồi chuyển qua ao nuôi đến khi thu hoạch), mô hình nuôi tôm STC 3 giai đoạn gồm: 1 giai đoạn vèo (20 ngày) và 2 giai đoạn nuôi thương phẩm (50 ngày/giai đoạn).

Sơ đồ hệ thống nuôi tôm STC 3 giai đoạn

Hệ thống ao nuôi được thiết kế gồm 3 ao: 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi giai đoạn 3. Ao thiết kế tròn khung sắt nổi (cao triều) an toàn sinh học tốt hơn ao đất lót bạt, vì nước bên ngoài không thấm vào ao nuôi được. Ngoài ra, còn có hệ thống xử lý nước đầu vào và khu xử lý nước thải, đảm bảo môi trường nước nuôi bên trong và không ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài.

Cấu tạo máy cho ăn theo nguyên lý khí động học

Tôm nuôi được cho ăn theo nguyên lý khí động học. Máy được thiết kế với bộ định lượng có thể đo lường thức ăn chính xác, giá trị hiệu chuẩn của định lượng giúp người sử dụng biết được chính xác khối lượng thức ăn phun trên mỗi giây giúp việc tính toán và cài đặt các thông số thiết lập được nhanh hơn và chính xác hơn. Ngoài ra, bộ định lượng này còn có lắp cảm biến giúp phát hiện thức ăn bị kẹt và cảnh báo cho người sử dụng biết qua đèn báo. Ứng dụng nguyên lý hoạt động của bộ ventury cho việc vận chuyển thức ăn từ thùng chứa liệu đến vị trí đặt bộ phun thức ăn thông qua ống nhựa PVC, hoàn toàn có thể sử dụng nguồn khí chung với hệ thống sục khí đáy ao (tiết kiệm chi phí đầu tư máy khí riêng).

Ao tròn nổi 1.600 m2 tại Công ty Việt – Úc Nhà Mát

Phần mềm được cài đặt trên điện thoại Android cho phép người dùng có thể tính nhanh được các thông số như: tỷ lệ thức ăn hàng giờ, thời gian phun và thời gian ngưng phun thức ăn dựa tổng lượng thức ăn cần cho ăn trong ngày hôm đó. Các thao tác chỉ mất vài giây để kết nối điện thoại với máy cho ăn qua Bluetooth.

Với quy trình 3 giai đoạn, sử dụng con giống thế hệ mới của Việt – Úc (sạch bệnh, sức đề kháng và tốc độ tăng trưởng cao), đặc biệt, toàn bộ quy trình nuôi của Tập đoàn Việt – Úc đều không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng vi sinh nhằm đảm bảo tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang bất cứ thị trường nào, kết quả nuôi 115 ngày, tôm đạt kích cỡ lớn (24 con/kg); sản lượng đạt gần 10 tấn.

Thu hoạch tôm tại Tập đoàn Việt – Úc. Ảnh: Phan Thanh Cường

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính với quy trình 3 giai đoạn cộng với việc áp dụng các công nghệ cao góp phần tăng tỷ lệ sống tới hơn 90%, tiết kiệm chi phí đầu tư từ 20 – 25% so với nuôi trực tiếp truyền thống. Một ưu điểm lớn của quy trình này là giúp cho bà con tăng số vụ thả nuôi (xoay vụ nhanh hơn các quy trình khác), tiết kiệm lượng nước sử dụng và đặc biệt là hạn chế tối đa tác động tới môi trường xung quanh.

Tập đoàn Việt – Úc sẵn sàng lan tỏa công nghệ, tư vấn và hỗ trợ để người nuôi tôm nhân rộng các mô hình, quy trình nuôi hiệu quả, thúc đẩy ngành tôm phát triển bền vững.

Việt Anhhttp://thuysanvietnam.com.vn/