Công an huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã bắt giam tổng cộng 19 người liên quan vụ thương lái trộm tôm số lượng lớn.
Liên quan đến vụ thương lái trộm tôm ở Cà Mau số lượng lớn có tổ chức, ngày 7/7, nguồn tin từ Công an huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho hay, cơ quan này đã bắt giam tổng cộng 19 người.
Trong đó, bị bắt vì tội trộm cắp tài sản là 14 người, 5 người kia bị bắt vì tội không tố giác tội phạm. Cơ quan ông an cũng cho hay vẫn đang tiếp tục làm việc với một số đối tượng liên quan khác.
Theo trình bày của ông Châu, vào ngày 7/5 vừa qua, gia đình ông tiến hành thu hoạch tôm. Vào thời điểm này, một camera an ninh gắn trên các trụ điện gần đầm tôm đã ghi lại được cảnh thương lái kéo tôm. Khi xem lại các camera, ông cho rằng các thương lái đã thực hiện hành vi trộm tôm với số lượng lớn.
Cũng theo ông Châu, thương lái đến mua tôm của gia đình ông đến từ Bạc Liêu. Do gia đình ít người nên thời điểm thu hoạch tôm, ông đi vòng ngoài, trong khi nhóm người của thương lái cố tình bày bố trận địa kéo, cân, mua tôm gần mé ao tôm.
Họ dùng vật dụng như thùng phuy, giỏ đựng tôm và thân người chặn tầm nhìn của chủ rồi kéo tôm trộm dưới ao.
Số tôm nhanh chóng được trộn vào số tôm đã cân mua, và chuyển ra xe.
Nghi ngờ bị trộm tôm, ông Châu đã trình báo với công an xã. Sau khi ghi nhận vụ việc, công an xã đã báo vụ việc lên công an huyện.
Vào cuộc điều tra, ban đầu cơ quan công an xác định, các đối tượng thông qua một công ty ở phường 8, TP.Cà Mau để bán tôm cho 1 tập đoàn thủy sản lớn ở tỉnh Cà Mau. Tổng số tôm bán được là 5.388kg, với số tiền 530 triệu đồng.
Theo Tổng cục Thủy sản, số tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc được phát hiện tại 4 cơ sở là 4.900 con tôm thẻ chân trắng, lớn nhất từ trước đến nay.
Phú Yên: Phát hiện 4 cơ sở vi phạm
Qua kiểm tra ngày 2/7, Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan gồm Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên đã phát hiện sai phạm của 4 cơ sở cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại Phú Yên.
Cụ thể, hộ kinh doanh giống thuỷ sản Khanh và hộ kinh doanh giống thuỷ sản Chín (tên biển hiệu là Thuỷ Thuận) tại xã Hiệp Hòa Trung, huyện Đông Hòa, chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ đều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản; không có bất kỳ giấy tờ liên quan đến sản xuất giống thuỷ sản.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện cơ sở có 1.400 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ không có nguồn gốc (tôm từ ao nuôi thương phẩm), cơ sở đang nuôi giữ 60 triệu Nauplius chuẩn bị xuất bán.
Còn tại hộ kinh doanh giống thủy sản Chín đang nuôi giữ 3.000 con tôm hậu bị khối lượng 20gr/con. Chủ cơ sơ khai số tôm này được mua từ ao thương phẩm về nuôi thành tôm bố mẹ. Tại cơ sở có 04 con tôm sú bố mẹ đã cắt mắt cho sinh sản và 20 vạn tôm PL20 tôm sú.
Đoàn kiểm tra đã lập bản bản vi phạm hành chính và đề nghị lưu giữ toàn bộ số tôm giống để tiến hành tiêu huỷ theo quy định.
Đối với hộ kinh doanh giống thuỷ sản Hai Thuận (tên biển hiệu là SVS) cũng tại xã Hoà Hiệp Trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản.
Tuy nhiên, cơ sở này đang nuôi giữ 1.100 con tôm bố mẹ đã cắt mắt cho sinh sản. Trong đó 600 con tôm bố mẹ mua từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 3; số tôm còn lại không có nguồn gốc.
Ngoài ra, hộ kinh doanh giống thủy sản Xuân Đông (địa chỉ tại xã Hiệp Hòa Trung) cũng đang nuôi giữ 600 con tôm bố mẹ mua từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.
Đoàn kiểm tra đã lập bản bản vi phạm hành chính đối với hai cơ sở này và đề nghị lưu giữ toàn bộ 500 con tôm bố mẹ không có nguồn gốc đối với hộ kinh doanh Hai Thuận để tiến hành tiêu huỷ theo quy định.
Theo báo cáo của Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản, tổng số tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc là 4.900 con tôm thẻ chân trắng; 4 con tôm sú bố mẹ, 60 triệu Nauplius. Đây là số lượng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện.
Số Nauplius bán từ các cơ sở này trung bình hơn 100 triệu con mỗi ngày. Cung cấp cho các tỉnh/thành phố Đà Nằng, Ninh Thuận và Bình Thuận (khu xóm 7) để hợp thức hoá thành tôm có nguồn gốc, bán với giá tôm có thương hiệu, giá cao.
Đây là các lỗi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vi phạm về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Vi phạm về công bố chất lượng giống thuỷ sản theo quy định tại Nghị định số 119/2017-NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Khánh Hòa: Cơ sở vi phạm bất hợp tác
Trước đó, vào cuối tháng 5/2020, Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản cũng tổ chức kiểm tra đột xuất và phát hiện 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản vi phạm về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
Trong đó 1 cơ sở là hộ kinh doanh Phạm Hoàng, địa chỉ tại phường cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh. Tuy nhiên, cơ sở này không hợp tác, đóng cửa toàn bộ 2 trại tôm giống và cho công nhân cố thủ bên trong.
Đến hết giờ hành chính theo quy định, đoàn cùng đại diện Công an thành phố Cam Ranh và Tổ trưởng Tổ dân phố lập biên bản xác nhận vụ việc và đề nghị Công an thành phố Cam Ranh giám sát cơ sở.
Nếu phát hiện hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản sẽ thông tin cho đoàn để phối hợp xử lý theo quy định.
Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền phạt là 35.000.000 đồng và buộc tiêu hủy 16 triệu tôm post thẻ chân trắng (giai đoạn Nau, Zoa) và 50 cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ.
Bên cạnh đó, khoảng 1.000 con tôm bố mẹ có trọng lượng từ 40-50gr được lấy từ tôm thương phẩm không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Sóc Trăng là tỉnh có tiềm năng rất lớn cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, trong đó, các địa phương gồm: Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu có tiềm năng cho cả nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi tôm nước lợ thâm canh lẫn bán thâm canh. Ngoài ra, một số địa phương khác như Mỹ Xuyên, Long Phú đã và đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước lợ, đặc biệt huyện Mỹ Xuyên có mô hình nuôi tôm – lúa, nuôi tôm công nghệ cao phát triển ngày càng rộng tại các hộ nuôi trên địa bàn toàn huyện.
Đưa chúng tôi ra tham quan mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng VietGAP, anh Lâm Thành Lâm, ở ấp An Quới, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) bộc bạch: “Tôi gắn bó với nghề nuôi tôm được 15 năm, kinh nghiệm nuôi cũng đã nắm rõ nhưng thường mình nuôi tôm chưa đạt được sản lượng như mong muốn, chi phí nuôi cao. Mấy năm trở lại đây, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm do ngành chuyên môn triển khai nên đã cải thiện được các kỹ thuật nuôi theo hướng hiện đại, tăng năng suất. Hiện nay, tôi áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng VietGAP, diện tích 2.500m2, gần thu hoạch nhưng chi phí nuôi giảm từ 10 – 15% và tôm có độ lớn đồng đều, chắc chắn sản lượng sẽ rất tốt sau thu hoạch…”.
Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh theo quy trình VietGAP của anh Lâm Thành Lâm (Cù Lao Dung) hứa hẹn thu nhiều lợi nhuận. Ảnh: Thúy Liễu
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên Tăng Thanh Chí chia sẻ: “Theo Quyết định số 362/QĐ-UBND, ngày 27-2-2017 của UBND tỉnh phê duyệt “Rà soát, bổ sung, xây dựng, quy hoạch chi tiết và phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng vào quy hoạch thủy sản tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030″ thì năm 2020 Mỹ Xuyên có diện tích nuôi tôm là 18.000ha, sản lượng 32.850 tấn. Để đạt diện tích, sản lượng nêu trên, ngoài các hình thức nuôi tôm nước lợ, đơn vị còn đẩy mạnh thực hiện luân canh mô hình tôm – lúa. Trong những năm gần đây, hộ dân có điều kiện tốt tận dụng diện tích đất gần sông lớn, chuyển sang nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh – đây là hình thức nuôi hiện đại đạt năng suất cao hiện nay”.
Với hình thức nuôi tôm siêu thâm canh nhằm đảm bảo môi trường xung quanh, huyện Mỹ Xuyên đã khuyến cáo hộ nuôi phải xây dựng hệ thống quy trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, đặc biệt phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Theo thống kê, toàn huyện có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là 280ha/150 hộ nuôi, hầu hết các hộ nuôi đều có ý thức làm hệ thống chất thải. Qua số liệu hộ ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho thấy, chất lượng và sản lượng tôm nuôi nước lợ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, góp phần tăng sản lượng tôm trên toàn tỉnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quách Thị Thanh Bình cho biết: “Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh ước trên dưới 50.000ha/năm và theo chỉ tiêu của tỉnh giao thì đến cuối năm 2020 sản lượng tôm nước lợ đạt 167.000 tấn. Theo mục tiêu chung là sẽ phát triển tôm nuôi nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa, có hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bền vững, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản; thích ứng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào ngành tôm, góp phần đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo đời sống kinh tế người dân ven biển”.
Để phát triển ngành tôm đến năm 2025 đạt sản lượng 355.000 tấn, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ quản lý tốt mùa vụ, vùng nuôi và bảo vệ môi trường sinh thái, bố trí đúng hình thức nuôi tôm theo từng đối tượng nuôi. Đồng thời, phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung có sự tham gia của người nuôi, người cung ứng thức ăn, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; đẩy mạnh mô hình hợp đồng liên kết cung cấp các dịch vụ nuôi và tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với các THT, HTX, hạn chế qua các khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi và doanh nghiệp; chuyển đổi cơ cấu một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, điều chỉnh quy hoạch gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, hệ thống sản xuất và phân phối giống, thức ăn, thuốc, vật tư đầu vào, hóa chất, ngành nghề phụ trợ phục vụ ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh; quan trắc môi trường và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bảo vệ môi trường và các vùng nuôi tập trung; vận động, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm với việc thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC, BMP; nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, hướng tới không sử dụng thuốc, kháng sinh cấm trong nuôi tôm…
Xã hội với nền nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, đòi hỏi những người nông dân thông thái và truyền thông đầy trách nhiệm.
Không thể phủ nhận, những giá trị to lớn mà con tôm mang lại cho nền thủy sản nước nhà nói chung và đổi mới bộ mặt kinh tế nông hộ nói riêng. Không xa, năm 2019 vừa qua ngành tôm đã đón nhận nhiều sự thay đổi mới, cả thế giới tăng 3,3 triệu tấn tôm thương phẩm (dẫn nguồn của GSMC), diện tích nuôi tôm đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, trong đó tôm sú ước đạt 270.000 tấn, tôm thẻ là đạt 480.000 tấn (dẫn nguồn của Tổng cục Thủy Sản Việt Nam). Nhiều hộ nuôi tôm cũng thắng lớn trong bức tranh toàn cảnh về tăng trưởng tôm năm 2019.
Tuy nhiên, không thể tồn tại một gam màu tươi sáng của toàn nghề tôm, vẫn còn những mảng màu tối bao trùm đâu đó ở nhiều hộ nông dân. Đó là bức tranh cần bàn luận để đúc kết ra rằng: nền nông nghiệp trong thị trường đổi mới cần rất nhiều yếu tố trợ lực, trong đó có 2 thứ: người nông dân thông thái, và truyền thông trách nhiệm.
Con tôm nhỏ bé nhưng mang thật nhiều ý nghĩa lớn lao
So với trọng lượng cơ thể, con tôm gánh trên mình rất nhiều kỳ vọng và ý nghĩa lớn lao đối với nền kinh tế nước nhà, kinh tế nông hộ và vị thế quốc gia.
Theo báo cáo của VASEP, Việt Nam có hơn 600.000 ha nuôi tôm với hai loài tôm sú và tôm trắng. Là nước sản xuất tôm sú hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 300.000 tấn mỗi năm. Đây là loài nuôi truyền thống của Việt Nam trong khi tôm trắng được nuôi ở nhiều tỉnh trong nước kể từ năm 2008. Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.
Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Nhờ nghề tôm mà nhiều hộ nông dân cũng được đổi đời. Bộ mặt kinh tế nông thôn cũng thay đổi tích cực. Người nông dân đã có thể tậu xe mới, xây nhà đẹp hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn, bữa cơm thêm phần ngon ngọt, thảo thơm nhờ con tôm có giá.
Khi người nông dân “đua đòi”
Thật không khó để tìm, thấy và đọc về những điển hình làm giàu nhanh chóng nhờ nuôi tôm. Người ta giàu nhanh, đổi đời nhanh, nhanh đến mức làm nhiều người “noi theo” cũng nhanh không kém.
Lâu lâu chúng tôi suy ngẫm lại thấy ông bà ta dạy chớ sai, “dục tốc – bất đạt”, câu nói ấy vận nhiều trong trong cuộc sống. Khuyên răng đời sau rằng làm việc gì cũng nên suy tính, học hỏi cho kỹ càng, hiểu sâu rồi hãy bắt tay vào làm, nếu vội vàng, hấp tấp, không kỹ lưỡng sẽ không thành công. Ông bà đã dạy y vậy, nhưng nhiều người nông dân vẫn hay quên, nóng vội, mà nghề tôm lại càng không thể nóng vội.
Họ đua đòi với con tôm để làm giàu nhanh chóng, họ học cách nuôi tôm bằng những kinh nghiệm non nớt, và không có một điều gì chắc chắn… Đất đai vốn đã quen với rễ cây, rễ lúa nay được xóc lên thành vuông tôm; nước ngọt phù sa tháo lại sông ngòi thay bằng nước lợ, và hiển nhiên con tôm “ngơ ngác” được “rước” về nuôi.
Bạc tỷ chưa thấy mà nhà cửa, đất đai đã thành tài sản ngân hàng, nợ chồng lên nợ. Con tôm rớt giá vì cung vượt cầu, dịch bệnh bùng phát do quản lý yếu kém, ô nhiễm môi trường do ý thức chăn nuôi hạn chế, sử dụng thuốc, kháng sinh vô tội vạ do kinh nghiệm non nớt. Ao treo, mất trắng; và nhờ con tôm mà đổi đời thật, người ta đổi từ nghèo sang nghèo hơn, từ ước mơ tiền tỷ sang nổi lo canh cánh trả nợ ngân hàng, người ta đổi thất bại lấy một bài học xương máu.
Trách nhiệm truyền thông
Để mọi thông tin của xã hội được lưu thông đến mọi người, truyền thông đóng vai trò rất lớn. Và cái ích lợi của truyền thông đối với thủy sản nói riêng và mọi mặt của đời sống thì được đề cặp nhiều rồi Chỉ tiếc là, thường thì truyền thông đưa tin theo dư luận và ít khi lường trước vấn đề để dẫn dắt người xem, người nghe, người đọc.
Con tôm thời được mùa, truyền thông ngợi ca, vẽ màu tươi sáng. Người dân ồ ạt phá ruộng, xé vườn nuôi tôm, thua lỗ; lúc này truyền thông tỉnh táo cảnh báo người dân. Nhưng cảnh báo hơi muộn, mà dù sao thì cũng còn hơn là không. Họ biết dừng lại, biết thận trọng. Chỉ là: ao đã lên giờ sang lại trồng vườn thì cũng tốn kém, mà bắt đầu trồng lại thì không biết khi nào mới thu hoạch, còn để nuôi thủy sản thì không biết nuôi gì, hay quay về trồng lúa? à, mà nhớ ra đất trồng đã nhiễm mặn; công cáng, nhà cửa dồn vào mấy con giáp xác giờ trôi theo nước xi phong.
Có lẽ nên nhìn lại nhiều hơn về truyền thông, về trách nhiệm của những người đưa tin. Họ cần tỉnh táo, nhìn trước được luồng tin, sự việc để khách quan đánh giá và định hướng.
Người nông dân thông thái và truyền thông có trách nhiệm
Xã hội với nền nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, đòi hỏi những người nông dân thông thái và truyền thông đầy trách nhiệm.
Làm giàu luôn khó nhọc, mà lại là làm giàu từ nghề nông. Nông dân đổ mồ hôi còn nhiều hơn nước ao, để được mùa trúng lớn, con tôm lại phải đổ nhiều hơn. Con tôm sẽ trở thành đôi cánh phất lên cho nhiều người nếu biết chịu khó hơn trong học hỏi, suy tính kỹ càng. Nghề nuôi tôm cần phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với thiên nhiên. Canh tác, quản lý có trách nhiệm với cộng đồng.
Truyền thông thủy sản nói riêng và toàn ngành nói chung, hãy tiến bộ hơn đón đầu những luồng sự kiện, từ đó đưa ra nhận định hợp lý trước những “xu hướng” nuôi trồng nhanh chóng như con tôm.
Người dân Bến Tre ồ ạt đốn vườn dừa lâu năm, xẻ đất, nuôi tôm.
Cuối tin, là tấm ảnh người dân đón bỏ vườn dừa lâu năm, sẵn sàng “gánh nợ” từ con tôm, khi mà kinh nghiệm chưa có như “tay mơ vào nghề”, để cùng suy ngẫm và tỉnh táo hơn!
Với diễn biến thời tiết thất thường trong mùa mưa, tôm dễ nhiễm bệnh nên người nuôi không khỏi lo lắng khi đối mặt nguy cơ rủi ro cao.
Trắng tay vì tôm chết hàng loạt
Từ nhiều năm nay, nuôi tôm là thế mạnh của nhiều địa phương, mang lại cuộc sống khá giả cho nhiều bà con nông dân. Tuy nhiên, nuôi tôm cũng là một nghề nhiều rủi ro.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tôm có thể nhiễm bệnh, thậm chí chết hàng loạt khiến người nuôi không kịp trở tay.
Một hộ nuôi tôm ở xã Tân Chánh (huyện Cần Đước, Long An) cho hay hiện tại cá tỉnh phía Nam đang trong mùa mưa. Thời tiết mưa, nắng thất thường sẽ tạo điều kiện cho bệnh đỏ thân – đốm trắng gây hại cho tôm phát triển.
Ngoài ra, thời tiết sáng nắng, chiều mưa cũng khiến nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm là khá lớn. Điều này khiến các yếu tố môi trường trong ao nuôi bị biến động tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển, gây hại cho tôm.
Trước đây, do chưa có nhiều biện pháp ứng phó với thời tiết, phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi nên cứ đến mùa mưa là nhiều người lo lắng sợ tôm bệnh chết thì coi như mất trắng. Thực tế, không ít trường hợp bị rơi vào tình cảnh như vậy. Có người lỗ một vụ tôm vài trăm triệu đồng, nợ nần chồng chất.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển nên người nuôi tôm có sự chuẩn bị tốt hơn, áp dụng nhiều biện pháp phòng bệnh cho tôm nhất là trong mùa mưa. Nhiều biện pháp tổng hợp được thực hiện nhằm tăng cường sức đề kháng, phồng chống dịch bệnh không chỉ cho tôm mà còn cho các loại vật nuôi nói chung.
Người dân địa phương chia sẻ từ đầu năm đến nay, việc nuôi tôm của nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm chuyển mùa.
Thời điểm tháng 3, tháng 4, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ môi trường và độ mặn trong vuông tôm tăng cao. Sau đó lại bất ngờ xuất hiện những cơn mưa lớn khiến môi trường ao nuôi biến động mạnh, các thông số môi trường nước thay đổi thất thường ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của tôm.
Trước đó, nắng nóng, độ mặn cao cũng khiến tôm nuôi chậm lớn, dễ nhiễm các bệnh về gan tụy, đường ruột, đốm trắng… gây thiệt hại cho người nuôi. Nhiều nông dân chủ động thu hoạch khi tôm vừa đạt kích cỡ thương phẩm để giảm rủi ro.
Chủ động xử lý trước và sau khi trời mưa
Ðể chủ động phòng bệnh cho tôm trong mùa mưa, các hộ nuôi áp dụng nhiều biện pháp để ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm.
Để xử lý môi trường kịp thời và hiệu quả, các hộ nông dân nên dự trữ các vật tư cần thiết như vôi, khoáng, YuccaC-ĐT, Oxy viên, chế phẩm sinh học…
Trước khi mưa, chủ các vuông tôm cần chủ động bón vôi khắp bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh hợp lý. Nếu thấy trời có dấu hiệu chuyển mưa thì giảm 30-50% lượng thức ăn hoặc ngưng cho tôm ăn đến khi trời tạnh.
Nông dân cũng cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi cho ao nuôi, đồng thời ổn định nguồn nước cho ao.
Một số nông dân có thói quen xả bớt nước mặt khi trời mưa. Tuy nhiên, điều này là không nên vì đó chính là nguồn nước bổ sung để giảm độ mặn trong ao sau những ngày nắng hạn, nhằm kích thích tôm lột xác và phát triển.
Cạnh đó, người nuôi tôm cũng cần theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc trước khi thả giống. Bởi vì môi trường là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm. Trường hợp tại điểm quan trắc có NO2 cao cần sử dụng chế phẩm sinh học xử lý khí độc trong ao.
Để tôm sinh trưởng tốt trong mùa mưa, người nuôi cần tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách tăng cường bổ sung vitamin, khoáng, giải độc gan và men đường ruột vào thức ăn. Những khu vực có độ mặn cao, khi lấy nước vào ao cần pha loãng để giảm độ mặn bằng nước ngọt.
Một nông dân nuôi tôm lâu năm trong vùng cho rằng một số người có tâm lý muốn thả tôm sớm, tranh thủ tăng vụ khi tôm có giá cao nên không đảm bảo thời gian cách ly mầm bệnh. Nhưng “hơn không bõ hao”, điều này là nguyên nhân khiến mầm bệnh tồn lưu trong ao và dễ phát sinh trở lại tấn công tôm và gây thiệt hại cho người nuôi.
Mặc dù bị đối tác hủy nhiều đơn hàng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng xuất khẩu thủy sản của tỉnh Sóc Trăng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết trong bối cảnh khó khăn chung vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh này được giữ vững. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng đạt 470 triệu USD (trên 52% kế hoạch), tăng gần 26% so cùng kỳ.
Những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt cao tại Sóc Trăng là Công ty TNHH Khánh Sủng, Công ty TNHH Tài Kim Anh, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam…
Thu hoạch tôm sú tại Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam Võ Văn Phục cho biết xuất tôm trong tháng 7 của doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 50% so cùng kỳ. Kết quả tốt nhờ Việt Nam khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Sóc Trăng đầu tư bài bản, có thương hiệu, xây dựng được chuỗi giá trị… nên khi thị trường có biến động vẫn còn chỗ đứng.
Hiện, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi 30.000 ha tôm, đạt 60% diện tích. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Lương Minh Quyết, tôm nuôi tại tỉnh này phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Hai tháng trước tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020. Theo Bộ này, năm 2019, tổng diện tích tôm thả nuôi đạt 705.545 ha (trong đó tôm sú 603.855 ha, tôm thẻ chân trắng 97.865 ha), đạt sản lượng 823.851 tấn. Xuất khẩu tôm 2019 đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.
Trong quý I, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha, đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó tôm sú thả 457.420 ha, tôm chân trắng 22.132 ha. Đến ngày 30/4, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 168.6000 tấn, trong đó tôm sú 65.000 tấn, còn lại là thẻ chân trắng.
Đến cuối tháng 3, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591 triệu USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm chân trắng đạt 417,216 triệu USD, tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019).
Định hướng năm nay, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ vẫn ổn định trong bối cảnh Covid-19, trong khi sản lượng tôm ở nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, dư báo khả năng giá tôm sẽ được duy trì ở mức tốt ngay đầu quý III.Thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 58,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nửa đầu năm nay, mặt hàng thủy sản có giá trị XK giảm sâu nhất là cá tra với mức giảm 31%; tiếp đến là cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%; các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%; chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ (HORECA) ngưng trệ, tiêu thụ các loài thủy sản chính cho phân khúc này giảm khiến giá sản phẩm thủy sản giảm đồng loạt trên thị trường thế giới. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá tuyết, cá hồi, cá chẽm, cá rô phi, mực, bạch tuộc đều bị giảm giá, khiến cho doanh thu của các nhà xuất khẩu giảm.
Dự báo giá tôm sẽ tốt vào đầu quý III/2020 Có thể thấy, ngành tôm Việt Nam đã ổn định lại sản xuất sau dịch Covid-19 nhanh hơn so với các nước khác, nhất là Ấn Độ và Ecuador. Lệnh phong tỏa để phòng chống Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất tôm ở 2 nước này khi việc thả nuôi tôm bị đình trệ, chế biến tại các nhà máy cũng trong tình trạng tương tự do thiếu nhân công.
Do ảnh hưởng của Covid-19, doanh số bán tôm ở phân khúc bán lẻ tại Mỹ tăng mạnh vì nhu cầu người tiêu dùng nước này tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh.
Chẳng hạn, trong tháng 4/2020, Mỹ nhập khẩu 51.733 tấn tôm, trị giá 439,4 triệu USD, tăng 6% về khối lượng và 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu tôm trung bình trong tháng 4/2020 vào Mỹ đạt 8,49 USD/kg, tăng 3% so với tháng 4/2019.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tuy giảm đáng kể trong tháng 5 (giảm 19,5%), nhưng nhờ tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm, Nhật Bản vẫn đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam từ đầu năm đến nay với giá trị 225,6 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, sau khi giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm vì Covid-19, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 4 và tháng 5. Trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 60,3 triệu USD, tăng 3,9% so với tháng 5/2019.
Xuất khẩu tôm sang EU tuy vẫn đang giảm, nhưng lại tăng trưởng ở một số thị trường đơn lẻ quan trọng. Theo dự báo của một số chuyên gia, trong những tháng tới, xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục tăng trưởng. Về thị trường, tồn kho tôm ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU và Nhật Bản sẽ không còn cao. Về sản xuất, virus DIV1 sẽ làm giảm đáng kể sản lượng tôm của Trung Quốc. Sản lượng tôm tại Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia… cũng ảnh hưởng ít nhiều vì Covid-19.
Với tình hình đó, nhiều khả năng, giá tôm Việt Nam sẽ tốt vào đầu quý 3 tới, nhất là khi nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ vẫn đang có xu hướng tăng lên để bù đắp cho sự sụt giảm từ các nguồn cung như Ecuador, Thái Lan, Trung Quốc…