Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Tôm thẻ “thống trị” độ mặn thấp, tại sao không?

Inulin giảm bớt tác động tiêu cực do môi trường độ mặn thấp tác động lên tôm thẻ

Inulin – Một chất phụ gia tiềm năng giúp tôm đối phó với điều kiện độ mặn môi trường nước thấp.

Tôm thẻ là loài quan trọng trong hệ thống nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng thì tôm thẻ chân trắng đã được nuôi ở nhiều vùng với các điều kiện khác nhau. Mặc dù nuôi ở hệ thống nước lợ, nước ngọt (<1 đến 40 phần ngàn) là có thể, tuy nhiên tôm không tăng trưởng đến mức tối đa, khả năng sống sót và đáp ứng miễn dịch cũng thấp hơn so với nuôi tôm trong nước mặn. Ngoài ra việc sống trong môi trường lợ sẽ làm thành phần các vi sinh vật trong đường ruột tôm bị xáo trộn. Do đó, điều cần thiết hiện tại là tìm ra một biện pháp an toàn và hiệu quả để cải thiện những vấn đề trên. 

Việc bổ sung các chất phụ gia vào thức ăn là một cách hiệu quả để giảm bớt các tác động tiêu cực do việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước lợ mang lại. Inulin là một loại prebiotic, chất không bị thủy phân trong ruột, là nguồn thức ăn cho các vi sinh vật có lợi. Các prebiotic thường thấy như Inulin, Beta glucan, … đã được nghiên cứu trên tôm trước đây và cho thấy những tác động tích cực đến hình thái ruột, hệ vi sinh vật đường ruột và tăng cường khả năng kháng bệnh. Tuy nhiên có một số báo cáo lại cho rằng Inulin không có tác dụng, thậm chí là tiêu cực với tôm. Mặc dù Inulin đang được sử dụng rộng rãi nhưng thông tin về các tác động đến tôm thẻ chân trắng còn khan hiếm, đặc biệt là đối với hệ vi sinh vật trong đường ruột. Trong nghiên cứu này, những công nghệ về mặt phân tử đã được áp dụng nhằm hiểu rõ được vai trò của Inulin với các chủng vi sinh vật trong đường ruột tôm. Kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp một giải pháp thiết thực thông qua việc bổ sung Inulin vào thức ăn, góp phần cải thiện hiệu suất tăng trưởng, giảm stress khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước có độ mặn thấp.

Inulin dạng bột 92% chiết xuất từ cây cải ô rô cùng với 4 nghiệm thức được cho tôm ăn mỗi ngày 3 lần bao gồm 0%, 0.1%, 0.2%, 0.4% Inulin. Tôm thí nghiệm ở giai đoạn PL10, thu từ một trại giống ở Trung Quốc, chia đều làm 12 bể, mỗi bể 35 con. Các điều kiện chất lượng nước và ánh sáng được điều chỉnh như nhau ở từng bể và phù hợp cho sự phát triển bình thường của tôm. Sau 8 tuần thí nghiệm, cân trọng lượng gan tụy, chiều dài tôm. Thu mẫu ruột để phân tích vi sinh, đồng thời xác định hoạt động của các enzyme tiêu hóa, phân tích thành phần hóa học của khẩu phần ăn và hiệu quả làm việc của hệ miễn dịch.


Chiết xuất cây cải ô rô để có Inulin

Ở nghiệm thức 0.2 và 0.4%, tôm có trọng lượng cao hơn đáng kể, hiệu suất tăng trưởng vượt trội, có thể do Inulin thúc đẩy hoạt động của enzyme Amylase, cả khi ở độ mặn thấp hơn 3 phần ngàn. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác lại cho thấy Inulin không có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng. Sự khác biệt này có thể là do khác nhau về giai đoạn phát triển, tính chất, liều lượng, thời gian áp dụng của Inulin.

Hàm lượng khoáng chất của tôm được đo cho thấy cao hơn rất nhiều khi cho ăn bổ sung 0.4% Inulin. Trước đây một nghiên cứu cũng bổ sung Inulin trên gà đã chỉ ra việc gia tăng đáng kể lượng khoáng chất nhất là Canxi, tăng sự chắc khỏe của xương. Bên cạnh đó, trong thử nghiệm với cá rô phi, hàm lượng magie, canxi và sắt cũng tăng cao khi có mặt inulin trong thành phần thức ăn. Prebiotic Inulin có thể được nhóm lợi khuẩn trong đường ruột lên men tạo môi trường acid làm giảm pH đường ruột. Và một lợi thế là pH thấp sẽ giúp tôm tăng cường hấp thu khoáng chất hơn sao với ở pH cao.

Độ mặn thấp có thể gây ra tình trạng oxy hóa và làm hỏng mô tế bào của tôm nuôi. Ở nghiên cứu hiện tại, nghiệm thức 0.2 và 0.4% cho thấy đã ức chế được sự oxy hóa của peroxid và tăng cường khả năng chống lại oxy hóa ở điều kiện độ mặn thấp. Hoạt động miễn dịch của tôm ở nghiệm thức 0.4% đã tăng đáng kể nhất là enzyme Phenoloxidase, tiền chất tham gia vào sự melanin hóa bao lấy và giết chết vi khuẩn. Chủng vi khuẩn Bacillus cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ ở nghiệm thức này. Từ đó vừa thúc đẩy sự tăng trưởng đồng thời cũng vừa cải thiện khả năng miễn dịch của tôm. Trước đây ở độ mặn thấp thì hệ miễn dịch hoạt động rất kém, nhưng Inulin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình kể cả trong môi trường không thuận lợi như vậy. 

Chúng ta đều biết đến những lợi ích mà hệ vi khuẩn đường ruột mang lại, trong đó có khả năng thúc đẩy tiêu hóa, sản sinh enzyme, “kháng sinh tự nhiên” bảo vệ tôm. Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng ở đường ruột tôm xuất hiện sự phong phú về thành phần các nhóm khuẩn. Điều đó sẽ giúp tôm được bảo vệ một cách “chu đáo” hơn nữa. Thật tình cờ là các chuyên gia còn chứng minh được sự hình thành một mạng lưới tương tác rất cao giữa các chủng lợi khuẩn.

Ngoài ra nghiên cứu cũng kết luận Inulin còn giúp quá trình thẩm thấu diễn ra tốt hơn nhất là quá trình tái hấp thu Natri, từ đó tôm có khả năng phát triển bình thường ngay cả khi trong điều kiện độ mặn thấp. 

Tóm lại Inulin là một chất phụ gia tiềm năng giúp tôm đối phó với điều kiện độ mặn môi trường nước thấp. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ cần bổ sung của Inulin là bao nhiêu để cho hiệu quả cao nhất.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Con tôm Cà Mau “mắc cạn” vì COVID-19


Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đã làm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm, đặc biệt tại tỉnh Cà Mau, xuất khẩu tôm đang bị trì trệ, sản lượng tôm xuất khẩu bị tồn đọng lớn.

Cà Mau hiện có khoảng 19.000 tấn tôm đang tồn đọng trong các kho của doanh nghiệp. Giá tôm thời gian qua liên tục ở mức thấp, ảnh hưởng đến đời sống người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Hạn hán nặng nề trong mùa khô vừa qua đã làm 25.600 hecta tôm nuôi bị nhiễm bệnh, nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau vẫn đạt khoảng 293.000 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành thủy sản đang gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau nửa đầu năm nay đạt hơn 374 triệu USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ.

Con tôm Cà Mau mắc cạn vì COVID-19 - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau nửa đầu năm nay giảm so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, mặc dù khó khăn nhưng tỉnh không thay đổi các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra. “Trong khó khăn, phải tìm ra các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng trong tình hình mới” – ông Hải nhận định.

“Chúng ta phải đưa ra những giải pháp để hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại, những khó khăn. Những chỗ nào đột phá, đẩy mạnh lên được thì tập trung vào để bù lại nơi bị thiệt hại. Chỉ có như vậy, chúng ta mới duy trì tình hình, không tăng trưởng âm. Chúng ta phải tăng trưởng, mặc dù không lớn nhưng với tinh thần quyết tâm cao nhất, để đạt những kết quả tốt nhất” – ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Nguồn: https://vtv.vn/

Phạt 60 triệu đồng thương lái vận chuyển tôm chứa tạp chất

Có hành vi thu gom, vận chuyển thủy sản là tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất, một thương lái bị phạt 60 triệu đồng.

Tin tức trong ngày hôm nay

TIEUDE_BAIVIET_KHONGDAU
Thương lái ở Cà Mau bị phạt 60 triệu đồng vì vận chuyển tôm nguyên liệu có chứa tạp chất. (Ảnh minh họa)

Ngày 8/7, theo nguồn tin của Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với ông Võ Văn Ngờ (33 tuổi, ngụ ấp Quân Dân, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, Cà Mau).

Ông Ngờ bị phạt hành chính vì có hành vi thu gom, vận chuyển thủy sản là tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất với số tiền 60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông Ngờ còn bị phạt 2,5 triệu đồng vì hoạt động kinh doanh dưới hình thức kinh doanh hộ mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Đồng thời, tịch thu 430kg tôm sú nguyên liệu chứa tạp chất.

Trước đó, ngày 20/6, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Cà Mau đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Ngờ vì vận chuyển 430kg tôm sú có chứa tạp chất

Gia Minhhttps://www.baogiaothong.vn/

Ninh Bình: Nhộn nhịp không khí thu hoạch tôm đêm ở Kim Sơn

Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), mỗi năm ban tặng cả trăm ha đất phù sa lấn biển. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, ba tuyến đê là Bình Minh 1, Bình Minh 2 và Bình Minh 3 lần lượt được xây dựng, từ đó hình thành nên những vùng nuôi trồng thủy sản trù phú. Vào mùa thu hoạch tôm cuối tháng 6, đầu tháng 7, không khí ở đây trở nên sôi động, náo nhiệt khác thường, đặc biệt là vào ban đêm.

Chợ đầu mối thủy sản tại xã Kim Đông hoạt động nhộn nhịp từ 22 giờ tối đến tờ mờ sáng hôm sau.

Để “mục sở thị” không khí thu hoạch tôm đêm, chúng tôi phải có mặt ở xã Kim Đông từ 1 giờ sáng. Anh Hải – cán bộ của Trạm thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh – người dẫn đường cho chúng tôi giải thích: “Sở dĩ bà con phải thu hoạch đêm vì lúc này nhiệt độ thấp, hạn chế được sự sốc nhiệt cho tôm, hơn nữa là để sớm mai thương lái kịp mang đi bán tại các chợ xa”.

Chạy dọc tuyến đê Bình Minh 3, một bên là những rừng sú vẹt đang mùa hoa, một bên là những vuông tôm san sát. Trong không khí tĩnh lặng của buổi đêm, nghe rõ cả tiếng cánh quạt tạo oxy xé nước quay rào rạt, thi thoảng lại thấy ánh đèn pin loang loáng trên mặt nước. “Bà con đang đi đổ lú thu tôm đấy! Hiện nay con tôm được nông dân ở đây nuôi tôm với nhiều hình thức: quảng canh, thâm canh, công nghiệp, xen canh, hay nuôi ghép nhiều loại (tôm – cá diêu hồng, tôm- cua xanh).

Mỗi loại hình thả nuôi đều có những lợi thế riêng và cách thu hoạch cũng rất khác biệt. Nuôi quảng canh thì bà con thường sử dụng lú để thu tỉa, bán lai rai, còn nuôi thâm canh thì quây lưới, bán cả ao luôn”, anh Hải cho biết.

Người dân tất bật thu hoạch tôm để kịp mang ra chợ đầu mối bán.

Dừng xe ghé vào một vuông tôm ngay sát chân đê, được hẹn trước, nên ông chủ tên Vinh lanh lẹ chèo con thuyền làm bằng 1 tấm xốp lớn ghé vào bờ đón chúng tôi. Anh tươi cười: “Chiều rải lú, giờ mình đang đi đổ tôm để vợ kịp mang bán cho đám cưới trên phố”.

Trải nghiệm chòng chành trên chiếc thuyền cùng ngư dân đi thu hoạch tôm quả thật rất thú vị. Bầu trời đầy sao, gió mát, tiếng mái chèo khua xuống mặt nước róc rách, tiếng tôm bật lách tách cực kỳ vui tai. Tôi cứ thắc mắc tại sao chỉ cần chiếc đèn pin nhỏ trên đầu trong khi trời tối om mà họ vẫn có thể tìm được chính xác vị trí đặt lú, thoăn thoắt nhấc lú, đổ tôm, rồi xếp gọn lú lại.

Anh Vinh tâm sự: mình làm tôm 20 năm nay rồi, mọi công việc giờ đã thành phản xạ tự nhiên. Nuôi quảng canh như này không được nhiều tiền nhưng cũng chẳng lỗ bao giờ. Gia đình có gần 2 ha đầm, thả kiểu lứa nọ gối lứa kia, nên vào mùa này hầu như ngày nào cũng có thu, mỗi ngày 5 – 10 kg tùy theo khách đặt. Riêng cái ao này mình thả giống từ tháng 2, giờ tôm đã xuống cỡ 20-30 con/kg, bán được giá nên mỗi ngày vợ chồng bỏ túi 2-3 triệu là bình thường.

Chia tay anh Vinh, chúng tôi di chuyển sang một trại tôm khác. Đây là một trại tôm công nghiệp, quy mô lớn hơn nên không khí nhộn nhịp hơn nhiều, điện sáng trưng. Rất đông nhân công đã sẵn sàng cho việc thu hoạch.

Một nam thanh niên cho biết: Tháng 6, tháng 7 là chính vụ thu hoạch tôm, một ngày có khi có tới 30-40 hộ cùng thu hoạch. Vì thế, những người làm thuê như chúng tôi làm không hết việc, cả tháng không nghỉ ngơi nhưng vẫn vui bởi có nhiều việc đồng nghĩa với bà con mình trúng mùa.

Riêng ông chủ trại tôm thì hồ hởi: “Trông mặt ao tĩnh lặng thế thôi nhưng dưới đó là hơn 4 tấn tôm đang chờ được kéo lên. Năm nay tiêu thụ có đôi chút khó khăn, giá giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng bù lại tôm không bị dịch bệnh, sản lượng tốt nên trại vẫn lãi khá. Đợt nuôi đầu tiên này mình thu được gần 30 tấn rồi, còn vài tấn nữa đang bán nốt để dọn ao, 5 ngày nữa trại tiếp tục vào lứa giống mới”.

Ngoài việc thương lái đánh xe đến tận các trại tôm để mua trực tiếp, ở Kim Sơn còn có hẳn một chợ đầu mối thủy sản tại xã Kim Đông để các tiểu thương trao đổi, mua bán. Những ngày này, chợ họp tấp nập từ 10 giờ tối kéo dài đến tận mờ sáng hôm sau.

Ở đây người ta bán khá nhiều loại hải sản, nhưng chủ đạo vẫn là tôm: tôm thẻ, tôm sú, tôm nuôi quảng canh, tôm nuôi công nghiệp. Dường như, người bán, người mua ở đây quá quen nhau, đã gây dựng được chữ tín trong mua bán, nên việc giao dịch diễn ra chóng vánh, gọn gàng. Tôm từ đầm, ra chợ rồi cứ thế được đưa vào các thùng xốp, thùng nhựa, đóng đá, chạy sủi chằng trên những chiếc xe máy hoặc cho lên xe tải và tỏa đi khắp nơi để tiêu thụ.

Chị Xuyến, một tiểu thương ở Cồn Thoi đã gắn bó với ngôi chợ này gần 20 năm, cho biết: Cứ ở đầm có gì mình mua cái đấy, nào là tôm, cua, cá mú, cá vược… thu gom trong các hộ dân rồi lại mang ra chợ bán lại. Cuộc sống ở đây kể cũng “dễ” lắm, không giàu được nhưng cũng chẳng đói ăn bao giờ, thả con tôm, con cua không được thì vớt cái rong cái rêu trong đầm cũng ra tiền”.

4h30 phút sáng, khi ông sao Tua Rua đã hạ thấp, chuẩn bị biến mất, phía đằng Đông bầu trời chuyển mầu rám đỏ báo hiệu mặt trời sắp mọc. Những ngư dân lao động vất vả đánh bắt hải sản đêm qua cũng bắt đầu vào giấc ngủ, chợ cũng vãn người, chúng tôi trở về thành phố kết thúc chuyến trải nghiệm thu hoạch tôm đêm cùng bà con ven biển Kim Sơn, mang theo hình ảnh về một miền quê bình yên, ấm no, căng đầy sức sống với những người nông dân mạnh dạn tìm hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nguồn : http://nguoinuoitom.vn/

Thuế tôm hùm xuất khẩu vào EU còn 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực

Thuế tôm hùm xuất khẩu vào EU còn 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực

Từ ngày 1/8, một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam như: Tôm hùm, hàu, mực, bào ngư hiện có mức thuế nhập khẩu lên đến 16 – 22% khi vào thị trường EU sẽ được giảm còn 0%.

EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và luôn chiếm trên 17 – 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU chiếm 22% thị phần, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 – 35%… Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ khiến cho đường vào thị trường EU rộng mở hơn đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Từ ngày 1/8 tới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, một trong những cam kết của EVFTA là cắt giảm thuế quan cho hàng hóa từ Việt Nam. Cụ thể, có khoảng 212 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0 – 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 – 22% sẽ được về mức 0% ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3 – 7 năm.

Theo hiệp định này thì ngay sau ngày 1/8, một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao sẽ được giảm ngay về mức thuế 0% như: hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến… Chẳng hạn, tôm hùm từ Việt Nam xuất khẩu vào EU (hiện phải chịu thuế 8 – 10%); Tôm hùm Na Uy, tôm sú đông lạnh hoặc hun khói, không có vỏ… (đang chịu mức thuế nhập khẩu vào EU 20%); Cá làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; Cá hun khói, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói (hiện phải chịu thuế nhập khẩu là 13%). Đặc biệt, các loại cá ngừ phải chịu thuế nhập khẩu vào EU cao nhất là 22% cũng sẽ được giảm về mức 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Dự báo, sau 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của cả nước ta ước tính đạt trên 3,5 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giảm sâu nhất là cá tra với 31%, cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%, các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%…

Phạm Hậu

Theo Trí thức trẻ

Con tôm ở Cần Giờ vẫn bấp bênh ‘đầu ra’

Đầu ra cho các HTX, hộ nuôi tôm ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) đang gặp không ít thách thức do ảnh hưởng dịch Covid-19. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có  liên kết với hệ thống phân phối hiện đại, chuyên nghiệp. Nhưng giải quyết như thế nào thì vẫn là điều mà người dân nơi đây đang trông chờ vào các cấp chính quyền.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, giá tôm giảm mạnh nên các hộ nuôi tôm ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) hạn chế đầu tư, hoạt động cầm chừng. Diện tích thả nuôi tôm là 3.715,5 ha, bằng 99,46% so với cùng kỳ. Diện tích thả nuôi tôm chỉ còn 3.700ha, thu hoạch hơn 2.200 tấn.

Đầu ra còn hạn chế

Năm ngoái, Cần Giờ có 1.715 hộ thả nuôi hơn 1 tỷ con tôm giống trên diện tích hơn 5.200ha. Sản lượng thu hoạch của huyện đạt hơn 8.500 tấn/năm, tương ứng giá trị sản xuất gần 1.800 tỷ đồng/năm, chiếm 70% tỷ trọng ngành nuôi trồng và chiếm trên 43% tỷ trọng toàn ngành thủy sản của TP.HCM.

HINH-1-1146-1594045124.jpg
Các HTX nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Giờ đang cần liên kết cho đầu ra ổn định (ảnh: TL)

Trước khó khăn về đầu ra, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng kiến nghị các sở, ngành của thành phố cần đánh giá, dự báo thị trường kịp thời để khuyến cáo nông dân tổ chức sản xuất phù hợp. Nhất là cần giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp lớn, có thị trường ổn định, có năng lực tổ chức chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực để nông dân, HTX an tâm sản xuất…

Để tháo gỡ khó khăn, các hộ nuôi, các HTX nuôi tôm ở Cần Giờ đang thúc đẩy liên kết, kết nối nhà nông với hệ thống phân phối hiện đại, chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, các hộ nuôi, HTX cũng đề nghị thành phố tạo cơ chế giúp các hộ nuôi tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp.

Theo lãnh đạo HTX Nông nghiệp Cần Giờ Tương Lai  (xã An Thới Đông, Cần Giờ), các hộ nuôi tôm vẫn chưa làm chủ, chưa an tâm nguồn con giống. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào sự linh hoạt tìm kiếm khách hàng của các hộ nuôi, các HTX.

Dù đầu ra bấp bênh nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Cần Giờ có nhiều hộ dân, HTX nuôi tôm vẫn đang theo đuổi các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để việc phát triển nghề nuôi tôm được bền vững hơn. Hiện thành phố đã xây dựng được 6 mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Giờ

Với kĩ thuật nuôi tôm mới, thời gian nuôi rút ngắn, rủi ro ít hơn, tôm nuôi đạt 3 tháng là có thể thu hoạch với sản lượng tới 40 đến 50 tấn tôm/ha/vụ. Đó là dự án nuôi tôm thâm canh trong hồ lót bạt HDPE mà HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông) được  thực hiện từ năm ngoái với mức đầu tư hơn 1 tỉ đồng.

Mong thúc đẩy liên kết

Đây là hình thức hỗ trợ theo tỉ lệ 7/3, nghĩa là HTX Thuận Yến bỏ ra 70% chi phí đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM bỏ ra 30% chi phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Chương trình này nhằm khuyến khích nông dân, HTX ứng dụng những mô hình nuôi tôm mới, đạt hiệu quả, năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình trình diễn “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” với quy mô 01 ha/02 hộ của HTX Thủy sản và Dịch vụ Duyên Hải (tại Ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ).

Ông Đặng Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Cần Giờ, cho biết, thông qua mô hình này, HTX Thủy sản và Dịch vụ Duyên Hải nên sát cánh với các hộ nuôi, cật nhật thông tin mới về kinh nghiệm thực tiễn, để xây dựng quy trình nuôi phù hợp, giúp nông dân phát triển ngành nghề, có cơ hội và điều kiện tham gia HTX. 

HINH-2-1320-1594045125.jpg
Các HTX cần sát cánh với hộ nuôi tôm (ảnh: TL)

Đồng thời, theo ông Út, HTX này nên xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên nói riêng và HTX nói chung.

Theo giới chuyên gia, vấn đề đầu ra sẽ quyết định mô hình sản xuất tôm công nghệ cao ở Cần Giờ. Thực tế, bà con nông dân nuôi tôm công nghệ cao đã có vốn lớn rồi. Họ cũng đủ kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết những sự cố xảy ra trong quá trình nuôi tôm. 

Vấn đề là đầu ra có đảm bảo hay không? Điều này rất cần sự kết nối giữa các hộ nuôi, HTX với doanh nghiệp thu mua để mở rộng đầu ra cho bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Mới đây, khi khảo sát hoạt động nuôi tôm nước lợ của một số HTX ở Cần Giờ, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, đã lưu ý cần có những biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho nông dân, HTX, nhất là vấn đề kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở Cần Giờ.

Thanh Loanhttps://thoibaokinhdoanh.vn/

Dù bị xáo trộn do Covid-19, Indonesia vẫn tăng xuất khẩu tôm sang Mỹ

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây xáo trộn thị trường tôm Indonesia và một số thị trường NK chính của nước này, tuy nhiên XK tôm của Indonesia vẫn tăng tốt trong tháng 4/2020. Tháng 4/2020, Indonesia XK 22.729 tấn tôm, tăng 40% so với tháng 4/2019 và tăng 20% so với tháng 3/2020. Bốn tháng đầu năm nay, XK tôm của Indonesia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng XK sang thị trường Mỹ.

XK tôm Indonesia tăng có liên quan tới lễ hội Ramadan (diễn ra từ 23/4 đến 23/5). Các nhà XK tôm Indonesia tăng cường mua hàng càng nhiều càng tốt trước khi dịp lễ diễn ra, khiến giá XK trung bình giảm mạnh.

Giá XK trung bình trong Q1/2020 giảm nhẹ từ 8,58 USD/kg trong tháng 1 xuống 8,48 USD/kg trong tháng 3 và giảm xuống 7,89 USD/kg trong tháng 4, giảm gần 7% so với tháng 3. Giá trị XK tôm Indonesia 4 tháng đầu năm nay đạt 637 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019.

XK tôm Indonesia sang Mỹ tăng nhờ sản phẩm tôm XK chính của Indonesia là tôm bóc vỏ đông lạnh và tôm giá trị gia tăng đang có nhu cầu cao ở Mỹ. XK tôm Indonesia sang EU cũng dự đoán tăng. Doanh số bán lẻ các sản phẩm tôm dễ chế biến tăng nhanh ở Châu Âu, các nhà NK ở Châu Âu gặp khó khăn trong hoạt động NK do tác động của dịch Covid-19 nên Indonesia có cơ hội tăng XK các sản phẩm tôm giá trị gia tăng và tôm thịt đông lạnh sang EU.

Trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm XK của Indonesia, XK tôm chân trắng bóc vỏ, hấp chín (mã HS0306) tăng mạnh. Tổng khối lượng XK sản phẩm này trong tháng 4/2020 đạt 12.530 tấn, tăng 28% so với tháng 3/2020.

Phần lớn các sản phẩm tôm mã HS1605 là tôm chân trắng, chủ yếu là các sản phẩm tôm hấp và bóc vỏ, tôm bao bột và các sản phẩm giá trị gia tăng khác. XK nhóm mặt hàng này tiếp tục tăng. Tháng 4/2020, khối lượng XK nhóm mặt hàng này đạt trên 6.022 tấn.

Một số hộ nuôi tôm tại Indonesia đã bắt đầu thu tỉa tôm trong tháng 6, thời điểm thu hoạch rộ diễn ra vào tầm cuối tháng 6, đầu tháng 7 và đợt thu hoạch thứ 3 dự kiến bắt đầu từ tháng 9 trở đi. Giá tôm trong tháng 6 tương đối ổn định và có xu hướng tăng nhẹ. Hoạt động thả nuôi cũng tăng nhờ giá tôm ổn định và nhu cầu tôm giá trị gia tăng và tôm thịt đông lạnh tăng ở Mỹ. Tuy nhiên, vì người nuôi tôm Ấn Độ cũng dự kiến thu hoạch vào tháng 9 nên có thể giá sẽ giảm vì Indonesia và Ấn Độ đều là đối thủ cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Về vấn đề tôm giống, nhu cầu tôm post khá cao do hoạt động thả nuôi tăng. Tuy nhiên, nguồn cung tôm bố mẹ vẫn hạn chế. Từ tháng 4/2020, các chuyến bay giảm do dịch Covid nên hoạt động NK tôm giống bố mẹ từ các nhà cung cấp chính từ Hawaii, Texas và Florida bị đình trệ. Các trại ương giống ở Indonesia cũng đã bắt đầu tự sản xuất tôm bố mẹ để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung này.

Trước đó, thị trường Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục, một số nhà XK tôm Indonesia hi vọng thị trường này có thể tiêu thụ được số lô hàng tôm xuất sang Mỹ bị hủy do Covid-19. Tuy nhiên, XK tôm Indonesia sang Trung Quốc không khả quan hơn do thị trường này vẫn chịu tác động nhiều của dịch bệnh nên các nhà XK Indonesia tiếp tục tập trung vào thị trường Mỹ (thị trường NK lớn nhất). Với tình hình cung cầu hiện tại, giá tôm có thể vẫn thấp hơn dự kiến, nhu cầu tôm thịt đông lạnh và các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ vẫn tiếp tục tăng vì thị trường Mỹ ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến để phục vụ các bữa ăn nhanh gọn.

Kim Thuhttp://vasep.com.vn/