Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Phát hiện Sars-CoV-2, Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu tôm của Ecuador

Hải quan Trung Quốc cho biết đã phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 trên các gói tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador.

Ngày 10/7, Trung Quốc thông báo đình chỉ nhập khẩu tôm từ 3 công ty của Ecuador sau khi phát hiện virus Sars-CoV-2 trong các lô hàng gần đây. Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu tôm do 3 công ty trên sản xuất sau ngày 12-3 và đã nhập vào Trung Quốc sẽ phải thu hồi hoặc tiêu hủy.

Trước đó, Cục Hải quan thành phố Đại Liên ngày 3/7 đã lấy mẫu xét nghiệm từ gác gói tôm thẻ chân trắng đông lạnh Nam Mỹ do một số công ty của Ecuador sản xuất và phát hiện có virus SARS-CoV-2 ở 3 mẫu bao bì bên ngoài của sản phẩm.

Phát hiện Virus SARS-Cov-2 trên tôm nhập khẩu từ thị trường Ecuador.

Hải quan Trung Quốc cho biết, mẫu bệnh phẩm từ các chuyến container tôm nhập từ Ecuador đã cho 6 kết quả dương tính. Tuy nhiên xét nghiệm đối với tôm đông lạnh và tôm trong bao gói kín cho kết quả âm tính.

Do đó, Trung Quốc ngay trong ngày hôm nay (10/7) đã tuyên bố tạm ngừng xuất nhập khẩu hàng hóa với 3 doanh nghiệp Ecuador, gửi trả và tiêu hủy các mặt hàng bị tạm giữ do có virus nêu trên tại các cảng ở Đại Liên và Hạ Môn .

2 trong số 3 công ty của Ecuador có liên quan đã ra tuyên bố khẳng định, Trung Quốc đang thổi phồng các nguy cơ tiềm tàng và cho rằng, virus chỉ có ở bề mặt container và cáo buộc, Trung Quốc muốn bôi nhọ danh tiếng của ngành xuất khẩu tôm Ecuado.

Bộ trưởng Ercuador phụ trách ngoại thương Ivan Ontaneda cho biết, các công ty sản xuất tôm của nước này đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn sinh học.Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm Covid-19 đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sau khi SARS-CoV-2 được tìm thấy trên thớt một cửa hàng bán cá hồi tại một chợ thực phẩm ở Bắc Kinh, dẫn đến đợt bùng phát Covid-19 tại đây.Trong khi không có bằng chứng nào cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm, Trung Quốc vẫn tạm dừng nhập khẩu cá hồi từ các nhà cung cấp châu Âu.

 Thảo Anhhttps://www.thuongtruong.com.vn/

Tầm quan trọng của nucleotide trong thức ăn cho thủy sản

Nucleotide
Nucleotide tối ưu hiệu quả dinh dưỡng và miễn dịch

Tìm hiểu những chức năng của Nucleotide và các loại Nucleotide phổ biến nên bổ sung trong thức ăn thủy sản để tối ưu hiệu quả dinh dưỡng của thức ăn, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.

Nucleotide là gì?

Nucleotide là thành phần cấu thành nên axit nucleic- đơn vị cấu trúc của các nhiễm sắc thể (Hình 1.1). Và nucleotide cũng là đơn vị cấu trúc của Adenosine triphosphate (ATP), phân tử mang năng lượng, có chức năng vận chuyển năng lượng đến các cơ quan và đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh lý và sinh hóa của cơ thể. 

Hình 1.1 Quá trình thay đổi cấu trúc thành nhiễm sắc thể trong tế bào

Về cấu tạo cơ bản, nucleotide được tạo thành từ sự gắn kết của nhóm phosphate và nucleoside (nucleoside được tạo thành bởi một pentose gắn với một bazơ). Nucleotide được gọi tên theo số nhóm phosphate đi kèm (mono-, di-, tri). Trong 6 loại nucleotide thì Inosine monophosphate (IMP), đang được quan tâm ứng dụng nhiều trong chăn nuôi thủy sản cũng là một sản phẩm quan trọng trong quá trình tổng hợp mới của các nucleotide.

Các loại nucleotide

Nucleotide được chia thành 2 loại gồm: purine và pyrimidine. Purine có chứa nhiều nguyên tử carbon và nito cho sự chuyển hóa sinh lý hơn là pyrimidine. Điều này chỉ ra rằng carbon và nito là cần phải được bổ sung từ nguyên liệu thô để dùng cho quá trình tổng hợp của nucleotide. Thêm vào đó, trong khi pyrimidine nhận nito để tổng hợp từ axit aspartic, thì purine còn nhận thêm nito từ glutamate và glycine. Vì vậy, nếu nucleotide không được bổ sung đầy đủ thông qua nguồn thức ăn thì không những sẽ làm giảm các chức năng sinh lý của nucleotide, mà còn tăng nhu cầu sử dụng của các axit amin cần thiết cho quá trình tổng hợp mới nucleotide, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng của các axit amin này cho các chức năng khác của cơ thể.

Quá trình chuyển hóa và tổng hợp sinh học của nucleotide

Purine và pyrimidine được hình thành qua hai quá trình tổng hợp khác nhau. 

Như hình 3, Purine trải qua 11 bước và cần 6 ATP để tổng hợp IMP (Inosine 5’- monophosphate) từ ribose-5-phosphate. Thêm vào đó, một ATP khác cũng được dùng để chuyển hóa IMP thành GMP, như vậy, tổng cộng có 7 ATP được sử dụng để tổng hợp GMP thông qua quá trình tổng hợp mới.

Quá trình tổng hợp của pyrimidine tương đối đơn giản hơn, chỉ gồm 4 bước và cần 4 ATP để tạo ra OMP (Orotidine Mono- Phosphate), một chất cơ bản của pyrimidine và sau đó tiếp tục các quá trình enzyme, phản ứng phosphoryl hóa để tạo thành CTP.

“IMP và UMP là hai loại nucleotide quan trọng nhất trong các loại Purine và Pyrimidine”

Hình 3: Sự tổng hợp mới (de novo pathway) của purine and pyrimidine

Như vậy, dù cả purine và pyrimidine là cần thiết cho sự chuyển hóa của tế bào, nhưng khi chọn lựa loại nucleotide để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, thì loại purine (IMP và GMP) nên được bổ sung nhiều hơn pyrimidine vì quá trình tổng hợp sinh học của purine tốn nhiều năng lượng (như ATP) và thời gian hơn.

Nếu nucleotide được bổ sung đủ, cơ thể không chỉ giảm được năng lượng và nhu cầu dinh dưỡng vốn cần để tạo lượng nucleotide cần thiết cho duy trì chuyển hóa và tăng trưởng, mà còn tiết kiệm các chất dinh dưỡng cần thiết tham gia quá trình chuyển hóa cho sự tổng hợp sinh học  (sự tổng hợp mới- de novo synthesis pathway). Nguồn cung nucleotide từ quá trình tận dụng (salvage pathway) chi phối quá trình tổng hợp mới thông qua hàm lượng nucleotide từ nguồn thức ăn cung cấp vào cơ thể và từ quá trình thoái hóa axit nucleic. Đặc biệt, với loại purine (IMP và GMP) thì khoảng 90% nhu cầu phụ thuộc vào con đường tận dụng.

Chức năng của nucleotide trong thức ăn thủy sản

Nucleotide là chất dinh dưỡng không thiết yếu vì nó có thể được tổng hợp trong cơ thể. Tuy nhiên, trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, quá trình phát triển cơ quan, gia tăng cân bằng nội mô trong giai đoạn phát triển của thú non hoặc trong giai đọan stress do thay đổi thời tiết, dịch bệnh, phục hồi sau chấn thương hoặc thức ăn chăn nuôi có hàm lượng nucleotide thấp, nucleotide cần phải được bổ sung thêm trong khẩu phần để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các hoạt động trên.

1. Hiệu suất tăng trưởng

Chức năng thúc đẩy hiệu suất tăng trưởng của nucleotide đã được nghiên cứu ở nhiều loài cá như cá mú (Lin và cộng sự, 2009), cá hồi vân (Tahmasebi- Kohyani và cộng sự, 2011), cá hồi Đại Tây Dương ( Burrells và cộng sự, 2001), cá tráp đỏ ( Hossain và cộng sự, 2016), cá bơn (Song và cộng sự 2012) và các loài cá ăn tạp khác như cá rô phi thông qua cơ chế tế bào và phân tử. Tốc độ tăng trưởng và độ dày của thịt tăng đáng kể khi dùng thêm 0.2-0.8%IMP vào khẩu phần trong 60 ngày.

Các gen có liên quan đến tăng trưởng thúc đẩy sự tăng lên của hormone phát triển (Hepatic GHR-1. IGF-1) và những gen này ảnh hưởng đến sự tăng lên về số lượng và kích thước của tế bào (MyoD, meogenin, và Pax7) bằng tăng bổ sung hàm lượng IMP.

(P<0.05, Turkey test, Asaduzzaman và cộng sự, 2017)

2. Tăng cường tính dẫn dụ

Thủy sản rất nhạy cảm với nucleotide đặc biệt là khi thay thế bột cá bằng nguồn đạm thực vật trong thức ăn. Kubitza và cộng sự (1997) đã đánh giá tính dẫn dụ của khẩu phần thấp bột cá hoặc nhiều khô đậu nành trên cá vược miệng rộng (Micropterus salmoides). 

Trong các chất dẫn dụ được dùng trong thủy sản, IMP là loại có tác dụng nhất để tăng lượng thức ăn ăn vào. Thêm vào đó, chỉ sử dụng IMP đem lại hiệu quả tốt hơn là trộn IMP với các chất dẫn dụ khác.

Bên cạnh đó, tôm- loại thủy sản có sản lượng sản xuất cao thứ hai ngành thủy sản, cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong khẩu phần có bổ sung nucleotide.

3. Cải thiện miễn dịch và khả năng chịu stress

Cải thiện hệ miễn dịch được cho là một trong những chức năng sinh lý nổi bật của nucleotide.

Tác động của nucleotide lên hệ miễn dịch như sau:

  • Cải thiện khả năng thực bào của bạch cầu không hạt như tế bào T và tế bào B trong các tế bào có liên quan đến miễn dịch
  • Gia tăng sản xuất kháng thể (IgM và IgA) và tế bào tủy xương
  • Đẩy mạnh sản xuất protein miễn dịch cytokine (IL-2, IFN-g)
  • Tăng cường sự kích hoạt và tự thải độc của tế bào NK

Sự cải thiện hệ miễn dịch được đánh giá thông qua việc tăng tỷ lệ sống của vật nuôi trong quá trình nuôi trồng và cải thiện khả năng chịu stress khi có dịch bệnh hoặc thay đổi khí hậu.

Song và cộng sự (2012) đã cho thấy tỷ lệ sống giảm đáng kể vào ngày thứ ba của thời kỳ dịch bệnh hoành hành đối với nhóm vật nuôi không bổ sung nucleotide, trong khi đó, tỷ lệ sống vẫn giữ ở mức trên 80% với nhóm có bổ sung IMP. (Hình 4.3)

Một số thí nghiệm gần đây, trên cá chép và cá hồi, hai loại cá được nuôi nhiều nhất ở vùng nước ngọt và nước biển, đã được thử nghiệm trong môi trường (thay đổi về độ mặn), và khả năng chịu đựng stress. Kết quả của thí nghiệm cũng cho thấy tỷ lệ sống và miễn dịch đã được cải thiện đáng kể ở nhóm có bổ sung IMP trong cả hai điều kiện stress. 

4. Cải thiện sức khỏe đường ruột

Nucleotide thường được thêm vào thức ăn cho trẻ sơ sinh vì khả năng tăng cường sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột. Singhal và công sự (2008) đã báo cáo rằng bổ sung nucleotide tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột liên quan tới miễn dịch. Xu và cộng sự (2015) cũng đã chỉ ra những thay đổi ở hệ vi sinh vật đường ruột khi bổ sung nucleotides ở cá rô phi.

Hình 4.4 Tăng trọng (A), hoạt động của enzyme tiêu hóa đường ruột (B-D), hình thái học cùa microvilli (E,F) của cá ngựa vằn cho chế độ ăn đối chứng và có bổ sung thêm 0.1% nucleotide trong 2 tuần.

5. Dùng nucleotide thay thế kháng sinh

Kháng sinh đã từng được sử dụng rộng rãi để kích thích tăng trưởng nhờ vào những tác dụng phòng ngừa hoặc ngăn chặn bệnh ở vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng đang giảm dần hoặc bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới do quan ngại về hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh, giảm hiệu quả sử dụng kháng sinh và dư thừa kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi. Khuynh hướng này không chỉ diễn ra ở chăn nuôi gia súc, gia cầm mà còn được áp dụng chặt chẽ ngành thủy sản.

Vì vậy, nhiều sản phẩm thay thế cho kháng sinh đã và đang được nghiên cứu cũng như ứng dụng. Và nucleotide đã chứng minh về tác dụng trực tiếp cũng như gián tiếp đến sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch. Do đó, nucleotide được sử dụng như một chất kích hoạt miễn dịch và dự kiến sẽ được sử dụng như một chất thay thế kháng sinh, nhờ vào tác dụng tăng cường miễn dịch này của nó.

CJ BIO Việt Nam – https://tepbac.com/

Sóc Trăng phát triển mạnh ngành nuôi tôm nước lợ

Sóc Trăng là tỉnh có tiềm năng rất lớn cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, trong đó, các địa phương gồm: Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu có tiềm năng cho cả nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi tôm nước lợ thâm canh lẫn bán thâm canh. Ngoài ra, một số địa phương khác như Mỹ Xuyên, Long Phú đã và đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước lợ, đặc biệt huyện Mỹ Xuyên có mô hình nuôi tôm – lúa, nuôi tôm công nghệ cao phát triển ngày càng rộng tại các hộ nuôi trên địa bàn toàn huyện.

Đưa chúng tôi ra tham quan mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng VietGAP, anh Lâm Thành Lâm, ở ấp An Quới, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) bộc bạch: “Tôi gắn bó với nghề nuôi tôm được 15 năm, kinh nghiệm nuôi cũng đã nắm rõ nhưng thường mình nuôi tôm chưa đạt được sản lượng như mong muốn, chi phí nuôi cao. Mấy năm trở lại đây, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm do ngành chuyên môn triển khai nên đã cải thiện được các kỹ thuật nuôi theo hướng hiện đại, tăng năng suất. Hiện nay, tôi áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng VietGAP, diện tích 2.500m2, gần thu hoạch nhưng chi phí nuôi giảm từ 10 – 15% và tôm có độ lớn đồng đều, chắc chắn sản lượng sẽ rất tốt sau thu hoạch…”.

Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh hứa hẹn thu nhiều lợi nhuận

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên Tăng Thanh Chí chia sẻ: “Theo Quyết định số 362/QĐ-UBND, ngày 27-2-2017 của UBND tỉnh phê duyệt “Rà soát, bổ sung, xây dựng, quy hoạch chi tiết và phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng vào quy hoạch thủy sản tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030″ thì năm 2020 Mỹ Xuyên có diện tích nuôi tôm là 18.000ha, sản lượng 32.850 tấn. Để đạt diện tích, sản lượng nêu trên, ngoài các hình thức nuôi tôm nước lợ, đơn vị còn đẩy mạnh thực hiện luân canh mô hình tôm – lúa. Trong những năm gần đây, hộ dân có điều kiện tốt tận dụng diện tích đất gần sông lớn, chuyển sang nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh – đây là hình thức nuôi hiện đại đạt năng suất cao hiện nay”.

Với hình thức nuôi tôm siêu thâm canh nhằm đảm bảo môi trường xung quanh, huyện Mỹ Xuyên đã khuyến cáo hộ nuôi phải xây dựng hệ thống quy trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, đặc biệt phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Theo thống kê, toàn huyện có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là 280ha/150 hộ nuôi, hầu hết các hộ nuôi đều có ý thức làm hệ thống chất thải. Qua số liệu hộ ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho thấy, chất lượng và sản lượng tôm nuôi nước lợ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, góp phần tăng sản lượng tôm trên toàn tỉnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quách Thị Thanh Bình cho biết: “Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh ước trên dưới 50.000ha/năm và theo chỉ tiêu của tỉnh giao thì đến cuối năm 2020 sản lượng tôm nước lợ đạt 167.000 tấn. Theo mục tiêu chung là sẽ phát triển tôm nuôi nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa, có hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bền vững, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản; thích ứng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào ngành tôm, góp phần đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo đời sống kinh tế người dân ven biển”.

Để phát triển ngành tôm đến năm 2025 đạt sản lượng 355.000 tấn, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ quản lý tốt mùa vụ, vùng nuôi và bảo vệ môi trường sinh thái, bố trí đúng hình thức nuôi tôm theo từng đối tượng nuôi. Đồng thời, phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung có sự tham gia của người nuôi, người cung ứng thức ăn, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; đẩy mạnh mô hình hợp đồng liên kết cung cấp các dịch vụ nuôi và tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với các THT, HTX, hạn chế qua các khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi và doanh nghiệp; chuyển đổi cơ cấu một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, điều chỉnh quy hoạch gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, hệ thống sản xuất và phân phối giống, thức ăn, thuốc, vật tư đầu vào, hóa chất, ngành nghề phụ trợ phục vụ ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh; quan trắc môi trường và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bảo vệ môi trường và các vùng nuôi tập trung; vận động, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm với việc thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC, BMP; nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, hướng tới không sử dụng thuốc, kháng sinh cấm trong nuôi tôm…

Nguồn :http://nguoinuoitom.vn/

Kết thúc điều tra vụ án trộm tôm tấn ở Cà Mau trong tháng 7

trộm tôm
Đại tá Đỗ Chí Công báo cáo trước Kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau. Ảnh: CTV

Vụ án trộm tôm tấn ở Cà Mau được nêu ra tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX.

Ngày 9-7, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX, Đại tá Đỗ Chí Công, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau báo cáo về công tác phòng chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2020.

Tại đây, Đại tá Công đã báo cáo trước Hội đồng về vụ án trộm tôm tấn ở huyện Đầm Dơi.

Theo đó, đến nay, Công an huyện Đầm Dơi đã khởi tố, bắt giam 19 bị can, trong đó có 14 bị can bị khởi tố tội trộm cắp tài sản, năm bị can còn lại bị khởi tố tội không tố giác tội phạm. 

Đại tá Công cho biết Công an tỉnh đã cử lực lượng hỗ trợ, chỉ đạo phá án nhanh, sẽ kết thúc điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố trong tháng 7-2020. 

Như đã phản ánh, ngày 7-5, một nhóm thương lái chủ yếu là người cư trú ở tỉnh Bạc Liêu đến đầm tôm anh Lê Duy Châu, ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi mua tôm thẻ. Trong lúc thu hoạch tôm để cân mua, nhóm này đã tổ chức trộm cắp tôm của anh Châu với số lượng lớn.

Theo khai báo của anh Châu thì hai ao tôm của anh có sản lượng trên 8 tấn nhưng nhóm thương lái đã bày trò trộm của anh hơn 5 tấn.

Anh Châu sau đó xem các camera an ninh mới phát hiện tôm bị trộm, báo công an huyện xử lý.

Trần Vũ Pháp Luật Online

Tôm giống chất lượng, thành công sẽ cao

con giống
Những hộ nuôi thâm canh, bán thâm canh đều chọn tôm giống chất lượng của các doanh nghiệp có uy tín. Ảnh: Tích Chu

TS. Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã nhấn mạnh đến một trong những yếu tố then chốt giúp cho vụ nuôi thành công chính là chất lượng con giống. Vì thế, theo TS. Luân, việc kiểm tra chất lượng tôm giống phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo cho người dân có con giống tốt để có vụ nuôi thành công cao hơn.

Rạng sáng ngày 6-6, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản làm trưởng đoàn, phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)) và các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN-PTNT Bạc Liêu kiểm tra đột xuất chợ tôm giống trên Quốc lộ 1A, thuộc Khóm 2, Phường 1, TX. Giá Rai, Bạc Liêu. Đây được xem là chợ tôm lớn nhất ở Bạc Liêu khi vào cao điểm thả nuôi mỗi đêm có khoảng 100 triệu tôm post được giao dịch, chủ yếu là từ các tỉnh miền Trung đưa vào và phần lớn đều có giấy kiểm dịch cũng như hóa đơn xuất hàng. Còn tại vùng tôm – lúa của tỉnh Sóc Trăng, theo anh Trần Văn Tiến ở Hợp tác xã (HTX) Hòa Đê (Hòa Tú 1), vẫn có tôm giống trôi nổi được chào bán nhưng chỉ có số ít hộ nuôi quảng canh là mua tôm giống này, còn lại đều mua của doanh nghiệp có uy tín.

Liên quan đến chất lượng con giống, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận cảnh báo rằng, các tháng đầu năm, do thiếu hụt lượng con giống bố mẹ nên xuất hiện tình trạng một số cơ sở sản xuất giống sử dụng nguồn giống bố mẹ không rõ nguồn gốc hay tận dụng con giống bố mẹ hết đát… Ông Nguyễn Hoàng Anh đề xuất: “Cần minh bạch hóa nguồn gốc giống bố mẹ, kể cả khi bán nauplius cũng phải xuất hóa đơn để có thể truy xuất nguồn gốc. Riêng các chợ tôm giống ở đồng bằng sông Cửu Long, công tác quản lý còn rất lỏng lẻo, chưa có tiêu chí hay quy định cụ thể gì, đặc biệt là tại các vùng nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến lớn ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Theo tôi, liên kết tốt nhất là để doanh nghiệp chế biến làm đầu mối chung để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống”.

Bước sang đầu quý II, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu tiêu thụ tôm tăng trở lại, tiến độ thả tôm cũng tăng dần lên nên theo ông Trần Quốc Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu con giống cho các vùng nuôi. Hiện mỗi tháng, Việt Úc có thể cung ứng từ 3 tỉ tôm post trở lên, đảm bảo được tiến độ thả nuôi theo kế hoạch. Đúng như dự đoán của doanh nghiệp và ngành chức năng, từ tháng 5 đến nay, khi giá tôm có phần ổn định và đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu có mưa, tiến độ thả tôm tại hầu hết các vùng nuôi đều có sự cải thiện đáng kể so với 4 tháng đầu năm. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu về con giống sẽ tăng mạnh và cũng là cơ hội để con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có dịp len lỏi về tận vùng nuôi, nhất là những vùng nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến.


Mặc dù tôm giống đã có giấy kiểm dịch nhưng người nuôi vẫn cẩn thận kiểm tra lại lần cuối trước khi thả nuôi. Ảnh: Tích Chu

Đây là thời điểm chính vụ để người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thả giống nên lượng tôm giống đổ về các tỉnh mỗi ngày là rất lớn. Do đó, theo TS. Luân, người nuôi không nên ham giá rẻ mà mua phải con giống kém chất lượng rất dễ bị thiệt hại và làm lây lan mầm bệnh cho những diện tích khác. Để giúp người nuôi có được con giống tốt, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có chỉ đạo, các cấp, các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường quản lý, giám sát từ trại sản xuất con giống cho đến người nuôi, nhất là những vùng có diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến lớn như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… Các địa phương đẩy mạnh hơn việc tổ chức liên kết người nuôi thành các HTX, tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện liên kết với các cơ sở sản xuất vật tư đầu vào như giống, chất xử lý cải tạo môi trường.

Hiện nay, theo phản ánh của các địa phương, công tác quản lý giống vẫn còn bất cập, nhất là phương tiện và nguồn nhân lực, trong khi nhu cầu con giống ngày càng cao, nguồn giống nhập nội ngày càng nhiều. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ nuôi, chủ cơ sở ương dưỡng ham tôm giống giá rẻ, tạo điều kiện cho nguồn giống kém chất lượng về các vùng nuôi. Để quản lý tốt con giống, theo TS. Luân, bên cạnh sự quản lý của các cơ quan chuyên môn cần thúc đẩy quy chế ký phối hợp giữa các tỉnh sản xuất tôm giống và các cơ sở thu mua để tuân thủ đúng. Tăng cường kiểm soát giống tại chỗ kết hợp với công tác tuyên truyền cho người nuôi, thương lái các quy định của Nhà nước về kích cỡ, chất lượng, nguồn gốc tôm giống…

Theo Tổng cục Thủy sản, vụ nuôi năm 2020, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 200.000 con và tôm sú 60.000 con để đảm bảo cung ứng cho các vùng nuôi 100 tỉ post tôm thẻ và 30 tỉ post tôm sú.

Tích Chu Báo Sóc Trăng

Trung Quốc phát hiện nCoV trên bao bì tôm nhập khẩu

Trung Quốc cấm thực phẩm do ba công ty Ecuador sản xuất sau khi phát hiện nCoV trên bao bì sản phẩm tôm đông lạnh.

Mẫu xét nghiệm lấy từ vách một container và 5 kệ hàng tôm thẻ chân trắng đông lạnh tại thành phố Đại Liên và Hạ Môn dương tính với nCoV, Cục trưởng Cục An toàn Xuất nhập khẩu Thực phẩm thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc Tất Khắc Tân nói trong cuộc họp báo hôm nay tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, các mẫu lấy bên trong bao bì và trên tôm âm tính với virus.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết đã dừng nhập khẩu hàng hóa từ ba công ty Ecuador sản xuất các sản phẩm có nCoV trên bao bì. Tuy nhiên, Cục trưởng Tất Khắc Tân nói phát hiện dấu vết nCoV trên tôm không đồng nghĩa các sản phẩm này có thể lây nhiễm virus.

Hai người phụ nữ mặc đồ bảo hộ đi gần chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, nơi phát hiện nCoV trên thớt chế biến cá hồi nhập khẩu, ngày 13/6. Ảnh: AFP.
Hai người phụ nữ mặc đồ bảo hộ đi gần chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, nơi phát hiện nCoV trên thớt chế biến cá hồi nhập khẩu, ngày 13/6. Ảnh: AFP.

Trung Quốc tăng cường giám sát mặt hàng thực phẩm nhập khẩu sau khi phát hiện nCoV trên thớt dùng để chế biến cá hồi nhập khẩu tại chợ Tân Phát Địa, ổ dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 6. Trung Quốc cấm một số hãng thực phẩm nước ngoài đã thông báo phát hiện ổ dịch tại cơ sở, trong đó có hãng xuất khẩu gia cầm hàng đầu của Mỹ Tyson Food và công ty thịt Toennies của Đức.

Trung Quốc cũng triển khai chiến dịch xét nghiệm toàn quốc đối với sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ “các quốc gia có nguy cơ cao”. Cục trưởng Tất Khắc Tân nói hải quan Trung Quốc đã xét nghiệm 227.934 mẫu lấy từ sản phẩm, bao bì và môi trường xung quanh chúng từ khi phát hiện ổ dịch Tân Phát Địa, trong đó 227.928 mẫu âm tính với nCoV.

Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, xuất hiện tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 12,4 triệu ca nhiễm, hơn 558.000 ca tử vong và hơn 7,2 triệu người đã bình phục. Trung Quốc từng là vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện đứng thứ 23 với hơn 83.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong.

Nguyễn Tiến (Theo AFP) – https://vnexpress.net/

Kiên Giang phát hiện quả tang cơ sở đang đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu

Thực hiện công văn số 851 ngày 26/6/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn hàng vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất, ngày 7/7/2020, Đội QLTT số 7 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Toàn, phát hiện quả tang cơ sở đang đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu
Từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, ngày 07/7/2020, Đội QLTT số 7 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Toàn, địa chỉ: Tổ 02, ấp Kinh Làng Đông, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Qua kiểm tra Đội phát hiện quả tang cơ sở đang đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Đội đã tạm giữ tang vật gồm 9,2 kg tôm nguyên liệu, 02 bộ kim bơm, 09 kg tạp chất CMC đựng trong thùng nhựa và một số dụng cụ khác dùng để bơm trích tạp chất vào tôm. Vụ việc đang được Đội QLTT số 7 tiếp tục thẩm tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.


Ngày 8/7/2020 Đội QLTT số 3 khám đồ vật đang được tập kết tại ấp Sà Tăng, xã Dương Hòa, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Kết quả khám phát hiện có 194kg tôm chứa tạp chất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa xác định được chủ sở hữu. Đội đã tạm giữ lô hàng trên, đồng thời tiến hành các thủ tục bán hàng hóa dễ hư hỏng theo quy định, thông báo tìm chủ sở hữu tang vật, thu thập thêm chứng cứ để xác minh làm rõ vụ việc.

Minh Trang
Cục QLTT Kiên Giang
Nguồn :https://dms.gov.vn/