Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Bình Định: Chú trọng các giải pháp bảo vệ tôm nuôi vụ mới

Người nuôi tôm trong tỉnh đã và đang thả nuôi tôm vụ 2 năm 2020 với diện tích thả nuôi hơn 220 ha. Để giúp người nuôi tôm ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế thiệt hại.

Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản – Chi cục Thủy sản, cho biết: “Ngay từ đầu vụ nuôi mới này, cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi phối hợp các ngành, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền người nuôi tôm tuân thủ lịch thời vụ, áp dụng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tổng hợp tôm, cua, cá nhằm nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế”.

Người nuôi tôm ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) thả nuôi tôm vụ mới với mật độ thưa và nuôi xen canh cua, cá.

Trong vụ 1 năm 2020, cả huyện Tuy Phước thả nuôi 971 ha tôm. Nhưng do nắng hạn kéo dài, có mưa lớn bất thường, môi trường ao nuôi biến động mạnh đã làm 35,89 ha tôm nuôi bị chết do nhiễm bệnh, khiến người nuôi tôm thiệt hại nặng. Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, để đảm bảo hiệu quả cho vụ nuôi mới này, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương hướng dẫn người nuôi tôm giảm mật độ thả nuôi từ 70 con/m2 xuống còn 30 – 40 con/m2 nhằm hạn chế dịch bệnh; đồng thời thả nuôi xen canh tôm, cua, cá.

Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, ông Nguyễn Minh Thiện, ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) thả tôm nuôi vụ 2 với mật độ 30 con/m2 trong 2 ao nuôi diện tích 4.000 m2 và thả nuôi xen canh 2.000 con cua, 5.000 con cá kình. Ông Thiện cho biết: “Thời tiết nắng nóng, nên 2 – 3 ngày tôi rắc vôi xuống ao, tăng lượng canxi cho tôm, bổ sung chất khoáng, vitamin C trong thức ăn cho tôm nhằm giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, đảm bảo sự sinh trưởng”.

Sau khi thu hoạch xong tôm nuôi vụ 1 trong 3 ao trải bạt diện tích 4.000 m2, ông Trần Anh Quang, ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) đã nâng đáy ao, lót lại bạt và thả nuôi tôm vụ mới. Ông Quang chia sẻ: “Mình thả nuôi mật độ thưa thì tôm sinh trưởng tốt hơn trong điều kiện nắng nóng gay gắt. Hiện tại tôm đã thả nuôi được 20 ngày, sinh trưởng tốt”. Tương tự, ông Phạm Tấn Hương, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cũng đã thả nuôi 150 nghìn con tôm thẻ chân trắng trong 3 ao nuôi trải bạt diện tích 2.400 m2. “Thời điểm này là mùa gió Nam, nước trong ao nuôi nóng ở trên mặt mà lạnh dưới đáy, tôi phải tăng cường chạy quạt đảo nước tạo ôxy. Đồng thời 2 – 3 ngày phải thay nước ao để phòng ngừa dịch bệnh cho tôm”, ông Hương cho hay.

Mặc dù mới vào vụ nuôi mới, nhưng dịch bệnh tôm đã xảy ra tại một số vùng nuôi. Ông Phạm Văn Chạy, Chi hội trưởng Cộng đồng nuôi tôm thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), bộc bạch: “Cả thôn có 43 hộ thả nuôi tôm vụ 2 với tổng diện tích 23 ha. Mặc dù bà con thả tôm nuôi với mật độ thưa 30 con/m2 và thả xen canh cua trong ao, nhưng do nắng nóng, độ mặn tăng cao, tôm mới thả nuôi gần 1 tháng đã xuất hiện dịch bệnh, tại một số ao nuôi đã có tình trạng tôm chết. Chúng tôi đã báo cáo với ngành chức năng để có giải pháp hướng dẫn bà con xử lý”.

Đoàn Ngọc Nhuận
Theo Báo Bình Định

Đưa chế phẩm sinh học vào nề nếp

Khi hóa chất, kháng sinh ngày càng bị “thất sủng” trong nuôi trồng thủy sản, sự phát triển của chế phẩm sinh học là tất yếu. Thế nhưng, hiện nay, công tác quản lý mặt hàng này vẫn rất gian nan.

Người dân thay đổi lựa chọn

Có dịp theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Sóc Trăng, điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là có rất ít sản phẩm thuốc thú y thủy sản hiện diện tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm. Nguyên nhân được các chủ đại lý, cửa hàng cho biết là do rất khó tiêu thụ vì hiện hầu hết người nuôi tôm đều không còn sử dụng thuốc thú y thủy sản để phòng trị bệnh cho tôm, mà chuyển sang sử dụng các chế phẩm vi sinh là chủ yếu.

Sử dụng probiotics cho tôm nuôi   Ảnh: Huy Hùng

Ảnh minh họa

Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, cho biết: “Chi cục chúng tôi chỉ quản lý thuốc thú y, còn các chế phẩm vi sinh và chất cải tạo môi trường do Chi cục Thủy sản phụ trách. Qua kiểm tra cho thấy, hiện chỉ còn một vài sản phẩm thuốc thú y thủy sản đang lưu hành, nhưng số lượng người sử dụng cũng rất ít vì hiệu quả không cao, dễ tồn dư trong tôm lúc thu hoạch làm giảm giá bán”.

Việc từ bỏ thuốc thú y thủy sản để chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học là một tín hiệu vui đối với ngành tôm Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung, vì nó đồng nghĩa với khả năng dư lượng kháng sinh hay hóa chất cấm trong tôm nuôi sẽ rất thấp, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng từ đây, thị trường chế phẩm sinh học và chất cải tạo môi trường cũng trở nên bát nháo hơn với đủ loại sản phẩm gắn mác sinh học, vi sinh được lưu hành trên thị trường, khiến cho việc quản lý, kiểm tra chất lượng, giá cả trở nên khó khăn hơn.

Bất cập quản lý chất lượng

Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, giá các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm từ nhà sản xuất đến tay người nuôi có loại tăng đến 50%, còn trung bình thì cũng 30 – 40%. Tuy nhiên, vấn đề mà ông Huy cũng như người nuôi tôm quan tâm chính là chất lượng của các chế phẩm này chưa được quản lý tốt, nhất là một số chế phẩm được nhập khẩu về sau đó san chiết, đóng gói bao bì mới.

Cùng chia sẻ mối quan tâm về sự nhập nhằng giữa thuốc thú y với chế phẩm sinh học, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho rằng, vẫn còn tình trạng bao bì là chế phẩm vi sinh, nhưng thực chất bên trong vẫn có thành phần thuốc thú y thủy sản. Ông Hoàng Anh đề xuất: “Tổng cục Thủy sản cần có quy định rạch ròi giữa thuốc thú y với men vi sinh hoặc chế phẩm sinh học nhằm tránh tình trạng gian lận, bảo vệ người nuôi tôm”.

ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cũng thừa nhận, tình hình sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học phục vụ nuôi thủy sản trước khi có Luật Thủy sản năm 2017 là rất bát nháo và rất khó cho công tác quản lý. Theo đó, trước đây, doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, sau đó lấy mẫu sản phẩm đi kiểm tra đạt thì đăng ký lưu hành. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng chế phẩm sinh học trước đây đều đăng ký kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, nên địa phương không thể quản lý hết. Cũng có một số cơ sở đăng ký hoạt động tại tỉnh nhưng khi kiểm tra thì không có sản xuất gì hết mà chủ yếu là đóng gói.

Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh khu vực ĐBSCL, để tăng cường công tác quản lý cũng như sự giám sát từ cộng đồng, Tổng cục Thủy sản cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công bố trên mạng để nguời dân theo dõi biết sản phẩm nào có đăng ký, cơ sở nào đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, Tổng cục cũng nên “khai tử” danh mục sản phẩm cũ, công bố danh mục mới giống hàng năm như bên Cục Thú y đã và đang thực hiện.

>> Theo bà Quách Thị Thanh Bình, công cụ quản lý đã có, chỉ cần các ngành và địa phương thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Luật Thủy sản thì việc quản lý sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học và sản phẩm cải tạo môi trường sẽ đi vào nề nếp và có hiệu quả hơn.


An Xuyên
http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Tiêu hủy lượng lớn tôm giống không rõ nguồn gốc tại Phú Yên

(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 13/7, Vụ Thanh tra, Pháp chế (thuộc Tổng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông) phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra, tiêu hủy số lượng lớn tôm bố mẹ và tôm post thẻ chân trắng không có nguồn gốc rõ ràng.

Kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất tôm giống ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, lực lượng chức năng phát hiện 1.700 tôm bố mẹ cùng 20 vạn con tôm post thẻ chân trắng nhưng không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; không ghi nhật ký sản xuất.

Tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng chức năng tiêu hủy theo hình thức làm lạnh. Số tôm post được rút hết nước tại các hồ… Cùng với việc tiêu hủy tôm bố mẹ, tôm giống thẻ chân trắng, lực lượng chức năng đã tiến hành phạt vi phạm hành chính các cơ sở sản xuất tôm giống 154 triệu đồng.

[Quảng Ninh: Tiêu hủy 1,5 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc]

Phú Yên là địa phương có lợi thế về sản xuất giống tôm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản tập trung tại 4 vùng với diện tích khoảng 61 ha.

Năm 2019, sản lượng đạt hơn 1,6 tỷ con giống thủy sản các loại; trong đó, tôm nước lợ hơn 1,5 tỷ con (tôm thẻ chân trắng và tôm sú), giống thủy sản khác 120 triệu con.

Hoạt động sản xuất giống thủy sản ở Phú Yên đáp ứng được một phần nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm của tỉnh và xuất bán cho người nuôi ở địa phương khác.

Tuy nhiên, trước tình trạng xuất hiện tôm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, người nuôi được khuyến cáo cần cẩn trọng.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, để có một vụ tôm thắng lợi, con giống là một trong những yêu cầu quan trọng đầu tiên. Vì thế, kiểm tra chất lượng tôm giống phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo cho người dân có con giống tốt, chất lượng. Con giống cần có nguồn gốc rõ ràng, nhật ký theo dõi để dễ quản lý và hạn chế dịch bệnh.

Hiện có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống khác nhau. Tuy nhiên, người nuôi cần cẩn trọng khi lựa chọn con giống ở những nơi được cơ quan chức năng cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn, điều kiện./.

Xuân Triệu (TTXVN/Vietnam+)

‘Vua tôm’ Việt Nam nói về nghịch lý ngành logistics: Cùng 1 container, vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ hết 41 triệu nhưng từ TPHCM ra Hà Nội hết 80 triệu

Theo đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, thực tế chi phí vận chuyển tôm trong nội địa Việt Nam còn cao hơn nhiều lần so với vận chuyển hàng đi quốc tế.

Vua tôm Việt Nam nói về nghịch lý ngành logistics: Cùng 1 container, vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ hết 41 triệu nhưng từ TPHCM ra Hà Nội hết 80 triệu

Là chủ doanh nghiệp top đầu trong mảng xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam nhưng tập đoàn Minh Phú cũng không thể nào tránh khỏi thế khó trong mảng logistics.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú trần tình tại hội nghị Cắt giảm chi phí logistics – Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt” như sau: Một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang cảng Hamburg (Đức, PV) hết 41 triệu đồng, sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP.HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, gấp nhiều lần so với vận chuyển quốc tế”.

Tương tự như vậy, một container tôm từ TPHCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa dù quãng đường của Ecuador xa hơn Việt Nam.

“Vua tôm” Lê Văn Quang lý giải nguyên nhân đẩy chi phí vận chuyển nội địa cao là do Việt Nam có quá nhiều trạm thu phí đường bộ từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, hệ thống đường biển, đường sông của nước ta rất thuận lợi để lưu thông hàng hóa nhưng lại không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa.

“Vận chuyển đường sông chi phí chỉ bằng 1/10 đường bộ nhưng không có quy hoạch. Nếu có thì hàng hóa đi từ TPHCM, Cần Thơ ra tới Hải Phòng, xong từ đó vận chuyển đi tiếp sẽ rất nhanh, và giá rẻ hơn nhiều”.

Theo khảo sát của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), chi phí logistics chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí các mặt hàng nông sản. Đối với vải thiều, chi phí logistics chiếm 30-45% tổng chi phí; mít tươi chiếm 17%, phân bón 12-25%; thanh long đông lạnh 10-20%; nước ép trái cây chiếm 20%; quế hồi, gia vị trên dưới 10%; nông sản khác từ 10-45%…

Nhận định thêm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng lĩnh vực nông sản là nhóm ngành nổi bật với giá trị thấp nhưng chi phí bảo quản, vận chuyển… đang quá cao. Nguyên nhân một phần do áp lực về mặt thời gian, đòi hỏi các yêu cầu vận chuyển chuyên nghiệp hơn những hàng hóa thông thường như cần có kho lạnh, kho mát,…

Mặt khác là do hạ tầng còn yếu và phân bổ không đều. “Có doanh nghiệp chia sẻ, nhìn ra miền Trung họ thấy thèm bởi miền Trung hàng hóa ít nhưng cảng nhiều, ngược lại đồng bằng sông Cửu Long nông sản hàng hóa dồi dào nhưng cảng lại có rất ít”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Một trong những giải pháp để tháo gỡ vấn đề logistics trong lĩnh vực nông sản được ông đưa ra là tích cực đầu tư các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn, tập trung, phục vụ cho cả một vùng giúp hàng hóa nông sản đảm bảo yếu tố lưu trữ, thời gian bảo quản dài, từ đó mới phân phối về các siêu thị, cửa hàng. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận vai trò của hình thức vận chuyển bằng đường biển và đường sông để có sự đầu tư phù hợp.Chủ tịch Minh Phú: Muốn chia cổ tức 5.000 đồng/cp nhưng cổ đông Nhật không đồng ý

Theo Nhật Anh

Trí thức trẻ

Dịch bệnh tôm nước lợ diễn biến phức tạp, người nuôi như “ngồi trên lửa”

Thu hoạch tôm
Người dân thu hoạch tôm nuôi.

Dịch bệnh tôm nước lợ niên vụ 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang có chiều hướng tăng nhanh, diễn biến phức tạp khiến người nuôi tôm như “ngồi trên đống lửa”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 6/2020, diện tích tôm nước lợ thả nuôi trên toàn tỉnh là 22.981 ha (trong kế hoạch 50.000 ha). Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 1.505 ha (chiếm 6,5% diện tích thả nuôi).

Bệnh gây hại trên tôm nuôi chủ yếu là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, môi trường nuôi không đảm bảo, bất lợi về thời tiết… Bệnh xảy ra ở cả vùng nuôi có diện tích lớn và nhỏ lẻ. Một số diện tích bệnh người nuôi không báo cáo, tự xử lý, do vậy nguy cơ lây lan bệnh cao.

Ông Huỳnh Sơn Minh (ngụ xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ, do thất trắng trong mấy vụ nuôi trước nên trong vụ tôm năm nay gia đình không thả nuôi. Các ao nuôi tạm thời bỏ trống và mở cống vào trong ao để tận dụng nguồn thủy sản tự nhiên.

“Vụ này cứ chờ xem tình hình thời tiết sao đã, nếu các hộ bên cạnh nuôi có lãi thì vụ tới mình nuôi. Còn không thì tính chuyển sang nuôi cua nước lợ. Vốn ít, dễ chăm sóc mà coi bộ có ăn hơn tôm sú”, ông Minh nói.

Cũng ở xã Thạnh Quới, gia đình ông Huỳnh Ny năm nay thả gần 3.000m2 tôm thẻ, nhưng mới được khoảng một tháng tuổi là tôm bị bệnh rồi chết dần. Gia đình ông Ny cũng cố vớt vát để thu hoạch nhưng không được bao nhiêu. Đây là 2 vụ nuôi liên tiếp mà gia đình ông bị lỗ.

“Giờ thì một ao bỏ trống, ao lớn hơn thì không dám nuôi tôm thẻ nữa mà thả lan tôm sú với hy vong kiếm được phần nào vốn bỏ ra. Cứ đà này, chắc bỏ ruộng lên Bình Dương, Đồng Nai… làm thuê quá”, ông Huỳnh Ny than thở.


Một ao nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong năm 2019, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 21.986 ha; trong đó, diện tích tôm do các bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng (EHP) chiếm diện tích hơn 6.200 ha.

Tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh trên tôm trong năm qua. Chỉ riêng bệnh đốm trắng, tỉnh này có diện tích bị bệnh lớn nhất với trên 422 ha (chiếm trên 18,5% tổng số diện tích gần 2.300 ha tôm nước lợ bị bệnh)…

Ngành thủy sản Sóc Trăng phấn đấu trong năm 2020 đạt sản lượng thủy sản 317.000 tấn (trong đó, tôm nước lợ 167.000 tấn); kim ngạch thủy sản ước đạt 670 triệu USD.

Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, khung lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 bắt đầu từ ngày 20/1 đến ngày 30/9/2020.

Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là khung lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng sẽ kết thúc, trong khi tình hình thời tiết bất lợi, dịch bệnh đang có chiều hướng tăng lên, người nuôi thì hết sức dè chừng trong khâu thả nuôi sẽ là những thách thức rất lớn đối với tỉnh này trong việc hướng đến vụ nuôi đạt thành công.

Để đảm bảo an toàn cho vùng nuôi tôm, cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ nuôi tôm có diện tích thiệt hại không được xả nước ra môi trường bên ngoài, nên xử lý ao nuôi bằng thuốc sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành Thú y.

Các hộ nuôi xung quanh khu vực có dịch bệnh không lấy nước trực tiếp vào ao nuôi; lấy nước từ ao lắng và có sử dụng thuốc sát khuẩn, diệt giáp sát triệt để trước khi đưa vào ao nuôi; nên ngưng thả giống mới, khi tình hình dịch bệnh ổn định và điều kiện môi trường thuận lợi mới thả nuôi tiếp.

Đặc biệt là trong khâu chọn giống thả nuôi, người dân cần chọn giống tại các cơ sở có uy tín, con giống trước khi thả nuôi phải được xét nghiệm bằng phương pháp PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) trước khi thả nuôi.

Cao Xuân Lương Dân Trí

New Zealand: Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt kỷ lục vào tháng 5

Nhu cầu tiêu thụ mạnh từ khách hàng Trung Quốc với mặt hàng tôm hùm tươi sống của New Zealand đã khiến cho khối lượng xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng 5 kể từ năm 2015.

Dữ liệu vận chuyển hàng hóa tại cảng hàng không Aukland trong tháng 5/2020 cho thấy, có hơn 300 tấn tôm hùm đất tươi sống đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Làn sóng gia tăng nhập khẩu tôm hùm đất của New Zealand từ phía Trung Quốc bùng lên sau vài tháng trì trệ vì lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19. Trước đó, Covid-19 bùng phát khiến nhiều nhà hàng tại Trung Quốc phải đóng cửa từ Tết Nguyên đán diễn ra vào cuối tháng 1/2020.

Số liệu từ sân bay Auckland cho thấy lượng xuất khẩu tôm hùm giảm rất nhanh hơn 3 tháng trước. Cụ thể, giảm 84% vào tháng 2, 44% trong tháng 3 và 52% trong tháng 4. Xuất khẩu giảm mạnh và đột ngột khiến người khai thác và chế biến tôm hùm đất New Zealand chật vật vì không tìm được đầu ra cho hơn 150 – 180 tấn hàng.

Giám đốc quản lý thương mại cảng hàng không Auckland, ông Scott Tasker cho biết, Trung Quốc mở cửa trở lại cho mặt hàng tôm hùm vào đúng thời điểm diễn ra ngày lễ Lao động nên lượng hàng tới thị trường này trong tháng 5 tăng vọt.

Tasker cho biết: “Hơn 90% tôm hùm của New Zealand được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài bằng đường hàng không, chủ yếu bán sang Trung Quốc, một thị trường rất ưa chuộng các loại hải sản chất lượng cao, tươi sống. Vài năm trước, tôm hùm New Zealand được xuất khẩu dưới dạng đuôi đông lạnh bằng đường biển. Chuyển sang xuất khẩu tươi sống bằng máy bay đồng nghĩa ngành tôm hùm thu nhiều lợi nhuận hơn.

Dù vậy, công suất chuyên chở hàng hóa quốc tế đường hàng không trong tháng 5/2020 tại New Zealand đã giảm 35% so với cùng kỳ năm trước do các hãng hàng không tạm dừng chở hành khách. Tuy nhiên, tăng 33% so tháng 4/2020 do số lượng chuyến bay chở hàng hóa tăng lên. Trong tháng 5, 12 hãng hàng không điều hành 307 chuyến bay chở hàng hóa, cộng với 117 chuyến bay chở hành khách. 
Vũ Đức- http://thuysanvietnam.com.vn/

Anh: Tôm thẻ nuôi sẵn sàng ra mắt thị trường

Tôm thẻ tươi được nuôi theo phương pháp bền vững bằng nước sạch và năng lượng sạch đầu tiên tại Anh đã được tiêu thụ trên thị trường trên cả nước.

Công ty Great British Prawn sẽ thu hoạch tôm thẻ chân trắng nước ấm (Litopenaeus vannamei ) hàng tuần tại một trang trại nước biển ở Balfron, Scotland để vận chuyển hàng tươi sống tới các cửa hàng trên toàn nước Anh. Đây là trang trại đầu tiên của công ty sử dụng năng lượng bền vững từ quá trình phân hủy kỵ khí trong một trang trại bò sữa gần đó để làm ấm nguồn nước.

Hiện nay, hầu hết tôm thẻ chân trắng đang tiêu thụ tại Anh đều là sản phẩm đông lạnh, được nhập khẩu từ các trang trại tại châu Á hoặc Trung Mỹ. Great British Prawns là hãng sản xuất tôm đầu tiên tại Anh sử dụng các phương pháp nuôi tôm bằng nước sạch, thay vì mô hình biofloc đang thịnh hành hiện nay và có thể vận chuyển tôm trên toàn quốc mà không cần phải cấp đông sản phẩm hoặc dùng máy bay.

Giám đốc Great British Prawns, ông James McEuen cho biết: chúng tôi thực sự tự hào về sản phẩm tôm nuôi bền vững của mình. Hướng tiếp cận của Great British Prawns khẳng định khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp những sản phẩm tôm thẻ nuôi đạt tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao nhất và không sử dụng kháng sinh hay máy bay để vận chuyển. Nhưng tôm Great British Prawns vẫn được giao trực tiếp đến các hộ gia đình trên toàn nước Anh. Mua tôm Great British Prawns có nghĩa người tiêu dùng trên toàn nước Anh đang góp phần thúc đẩy ngành thủy sản của cả nước theo hướng tiếp cận mới và bền vững trong sản xuất. Nhưng quan trọng, là sản phẩm tôm của Great British Prawns thực sự tươi ngon và tiện lợi.

Hiên, sản phẩm tôm của Geat British Prawns được đóng gói trong túi 1 kg (khoảng 35 – 40 con tôm cỡ lớn) với giá 40 bảng Anh, cộng thêm 4,99 bảng cước vận chuyển. 

Dũng Nguyên
Theo Fishnews