Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Ấn Độ: Xuất khẩu tôm giảm trong tháng 4/2020

Ấn Độ: Xuất khẩu tôm giảm trong tháng 4/2020
XK tôm của Ấn Độ trong tháng 4/2020 đã giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2019 do dịch bệnh Covid-19 tác động làm giảm nhu cầu ở các thị trường NK chính. Giá trị XK tôm của nước này đạt 204 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019 và ghi nhận giá trị XK trong tháng 4 thấp nhất trong 4 năm qua.

XK tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 4/2020 giảm 52% đạt 64 triệu USD trong khi XK sang EU đạt 10 triệu USD, giảm 67%.

Tháng 4/2020, Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa nên một số cảng đóng cửa không hoạt động. Các công ty chế biến tôm vẫn được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

XK tôm Ấn Độ sang Trung Quốc tăng 46% đạt 84 triệu USD trong tháng 4/2020. Trung Quốc vẫn là thị trường NK tôm lớn nhất của Ấn Độ trong tháng này.

Vì giá tôm chân trắng Ấn Độ tiếp tục giảm, trong tuần thứ 2 của tháng 7, Manoj Sharma (một người nuôi tôm Ấn Độ), đã kêu gọi người nuôi không thu hoạch ồ ạt. Người nuôi nên trao đổi với các nhà chế biến liệu họ có thể trữ tôm nguyên liệu thêm 1-2 tháng trong kho lạnh để tránh lỗ, lên tới 1,5 USD/kg.

Kim Thu(Theo undercurrentnews)

Kiên Giang: Xây dựng nhãn hiệu “Tôm sú Vĩnh Thuận”

 Nhãn hiệu này sẽ là công cụ hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhà sản xuất, kinh doanh tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Ngỡ ngàng tôm sú tự nhiên khổng lồ giá rẻ chưa từng có, 10 con/kg ...

UBND huyện Vĩnh Thuận vừa đề nghị và được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt sản phẩm tôm sú vào kế hoạch triển khai chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh năm 2020. Tuy nhiên, để đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm tôm sú Vĩnh Thuận thì buộc phải có logo và quy chế đăng ký quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Vì vậy, Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang) phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thuận và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo thông qua các điều khoản trên. Mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ, chủ động xây dựng, khai thác phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; ngăn chặn những hành vi vi phạm, sử dụng trái phép đối với sản phẩm đã được bảo hộ; góp phần gia tăng giá trị kinh tế của hàng hóa, dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh. Hội thảo thống nhất Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Tôm sú Vĩnh Thuận”.

Bảo Bình – http://thuysanvietnam.com.vn/

Không để phát triển tràn lan diện tích nuôi tôm sú vùng Đồng Tháp Mười

Tỉnh Long An yêu cầu ngành nông nghiệp không để xảy ra tình trạng diện tích nuôi tôm phát triển tràn lan nhằm tránh tránh gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường.

Khong de phat trien tran lan dien tich nuoi tom su vung Dong Thap Muoi hinh anh 1

Mô hình nuôi tôm. (Ảnh minh họa. Hoàng Nhị/TTXVN)

Bí thư tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp địa phương đang diễn ra tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng nhanh chóng rà soát và cương quyết xử lý.

Đặc biệt, ngành không để xảy ra tình trạng diện tích nuôi tôm phát triển tràn lan nhằm tránh tránh gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, đồng thời ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và các cây trồng xung quanh.

Ngoài ra, Bí thư tỉnh ủy Long An đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Riêng đối với những diện tích đã đào ao nuôi, địa phương khẩn trương vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác.

Cách đây hơn 10 năm, một vài hộ dân xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (Long An) tự đào ao từ đất lúa chỉ với 3ha để nuôi tôm thẻ chân trắng, khai thác nguồn nước ngầm mặn tại chỗ kết hợp bổ sung muối vào ao nuôi.

Lợi nhuận ban đầu cao gấp nhiều lần so với làm lúa, lợi nhuận trung bình 500-700 triệu đồng/vụ/ha. Từ đó, diện tích nuôi lan rộng ra một số xã lân cận của huyện Mộc Hóa và các huyện như Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường, Tân Hưng.

[Long An dành 1.244 tỷ đồng phát triển vùng nuôi tôm nước lợ]

Hiện diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực Đồng Tháp Mười tăng lên gần 93ha; trong đó, huyện Mộc Hóa người dân tự đào ao nuôi khoảng 46ha và 67 giếng khoan trái phép. Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Hóa đã tổ chức xử lý nghiêm các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm.

Cùng với đó, huyện tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đào ao và thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, chuyển đổi sang nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác. Đồng thời, ngành điện lực Mộc Hóa không giải quyết cấp điện cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn.

Theo cảnh báo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, việc nuôi tôm thẻ chân trắng khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu của một số hộ dân.

Tuy nhiên, việc khoan giếng ngầm để lấy nước mặn, bổ sung muối để nuôi tôm và việc xả thải, rò rỉ, ngập tràn nước nhiễm mặn ra các khu vực, thủy vực nước ngọt sẽ tạo rủi ro rất khó lường.

Điều này sẽ tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và khi khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm tại địa phương./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Nghệ An: Người dân bức xúc vì nước thải hồ tôm gây hôi thối

 Nhiều năm liền nước xả thải từ hồ tôm của một hộ dân ở xã Quỳnh Lập, Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) gây ra mùi hôi thối, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Đáng nói hơn, nước thải này theo kênh nước đổ thẳng ra biển.

Bức xúc trước việc ô nhiễm môi trường sống, nhiều năm liền phải sống chung với mùi hôi thối do nước thải từ hồ tôm, người dân xóm Tân Minh (xã Quỳnh Lập, TX. Hoàng Mai, Nghệ An) đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan báo chí.

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2017, tại khu vực khe Hóc, thuộc địa bàn xóm Tân Minh (xã Quỳnh Lập), ông Trần Xuân Ủy (SN 1983) cùng 3 người khác đã đầu tư xây dựng hồ tôm.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì nước thải hồ tôm gây hôi thối

Hồ nuôi tôm bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Cũng từ khi xuất hiện hồ nuôi tôm này, lượng nước chảy ra từ các hồ tôm theo dòng kênh khe Hóc đã gây ra hiện tượng ô nhiễm, dòng nước chuyển màu đen đục, có mùi hôi nồng nặc khiến cho cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói hơn kênh nước khe Hóc này chảy dài xuyên qua khu dân cư xóm Tân Minh, qua bãi tắm Đông Hồi rồi đổ ra biển.

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này, 3 năm qua người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương xã, thị xã Hoàng Mai nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì nước thải hồ tôm gây hôi thối

 Người dân bức xúc vì mùi hôi thối từ dòng nước kênh đen ngòm.

“Việc ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến sinh thái, du lịch của địa phương. Chính vì dòng nước thải chảy qua bãi tắm nên càng ngày du khách đến bãi tắm này càng thưa dần rồi ít hẳn”, một người dân sinh sống nơi đây bức xúc nói.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Xuân Ủy (chủ trang trại nuôi tôm) thừa nhận có tình trạng nước thải của trang trại chảy ra khe Hóc và gây mùi hôi thối cho xóm Tân Minh.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì nước thải hồ tôm gây hôi thối

Nước đen kịt, bốc mùi hôi thối trên kênh khe Hóc.

Ông Ủy cho biết, khu nuôi tôm của mình rộng 2,5ha với 16 hồ nuôi tôm. Trang trại đã xây dựng 3 bể lắng nước thải và có xử lý thuốc rồi cho chảy ra kênh nước khe Hóc. Về màu nước đen kịt và hôi thối, ông Ủy cho biết, do nước trên kênh khe Hóc bị ứ đọng dẫn đến mùi hôi thối nồng nặc chứ bản thân nước nuôi tôm không có mùi thối. Còn màu đen là do cặn tảo trong quá trình nuôi tôm.

Tuy nhiên, thời điểm PV có mặt tại trang trại nuôi tôm này thì mùi hôi thối cũng xuất hiện chính tại các hồ tôm này. Màu nước trong hồ tôm cũng màu đen xanh đục. Còn tại kênh nước khe Hóc, nước vẫn chảy trực tiếp ra biển với lượng lớn chứ không ứ đọng một chỗ.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì nước thải hồ tôm gây hôi thối

 Theo người dân, việc ô nhiễm từ nước xả thải của hồ tôm khiến cho các nhà hàng kinh doanh tại đây ế ẩm

Trao đổi thêm với PV, ông Ủy cho biết, trước đây trang trại của ông đã bị Phòng TNMT TX. Hoàng Mai lập biên bản và xử phạt mức 27,5 triệu đồng về hành vi “Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường”.

Cụ thể, theo biên bản của Phòng TNMT TX. Hoàng Mai lập ngày 6/9/2019, cho thấy, trang trại này xả nước thải vượt chỉ tiêu Coliform 1,86 lần, BOD5 vượt 1,15 lần. Phòng TNMT TX. Hoàng Mai cũng yêu cầu ông Trần Xuân Ủy chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì nước thải hồ tôm gây hôi thối

 Dòng nước đen kịt theo dòng kênh sau đó chạy thẳng ra bãi biển.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm bị xử phạt, trang trại nuôi tôm này vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường với màu nước đen kịt, bốc mùi hôi thối khiến người dân phải cầu cứu các cơ quan chức năng.

Phan Hiền – https://congly.vn/

Vùng chuyển đổi tôm – lúa: Đối mặt với nhiều thách thức

Mô hình tôm sạch - lúa an toàn
Mô hình tôm sạch – lúa an toàn ở huyện Phước Long. Ảnh: C.L

Có thể nói, mô hình sản xuất luân canh lúa – tôm là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện đồng đất của tỉnh, đồng thời giúp bà con trong vùng chuyển đổi nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thủy lợi chưa đảm bảo và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 136.517ha, trong đó vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (gồm các huyện Hồng Dân, Phước Long, TX. Giá Rai) chiếm hơn 50%, với khoảng 70.278ha. Tiểu vùng chuyển đổi này chủ yếu bố trí sản xuất theo mô hình luân canh tôm (tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng) – lúa và mô hình tôm càng xanh xen canh.

Canh tác lúa trên đất nuôi tôm đã được khẳng định là mô hình sản xuất bền vững, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Thực tế cho thấy, mô hình này đã mang lại kết quả vượt trội như: áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học – kỹ thuật, sản xuất từ 1 – 2 giống lúa chất lượng cao; nông dân được đầu tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá thành sản xuất giảm, thu nhập bình quân 68,65 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 49,63 triệu đồng/ha/năm (lúa 12,63 triệu đồng/ha/năm, tôm 37 triệu đồng/ha/năm).

Tuy nhiên, sau một thời gian canh tác theo hình thức lúa – tôm, người dân địa phương dần thấy được thách thức đang còn ở phía trước. Bởi, mô hình này hiện chưa phát huy hết tiềm năng và hiệu quả, vì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nguồn nước ngọt và các biện pháp kỹ thuật canh tác, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… Điều này đã tác động trực tiếp đến sản xuất, nhất là vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Theo bà con trong vùng chuyển đổi, để mô hình lúa – tôm phát huy hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải làm được vụ lúa. Cây lúa không chỉ cho thu nhập mà còn góp phần cải tạo môi trường, tạo ra nguồn thức ăn giúp tôm nuôi phát triển. Tuy nhiên hiện nay, muốn trồng được vụ lúa phải phụ thuộc vào lượng nước mưa nên không phải năm nào cũng làm được. Mùa hạn mặn lịch sử 2019 – 2020 vừa qua là một thử thách thật sự với mô hình tôm – lúa tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Dù hiện tại chưa bước vào vụ lúa trên đất tôm, nhưng nhiều bà con cho rằng vụ lúa tới đây sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi mà nền đất mặt ruộng đã nhiễm mặn khá nặng. Để trồng được cây lúa và không phá vỡ mô hình luân canh tôm – lúa, bà con phải chịu tiêu tốn thêm nhiều chi phí cho khâu cải tạo đất, lựa chọn thời điểm xuống giống thích hợp để có thể tận dụng được lượng nước ngọt từ các nhánh sông và từ những cơn mưa. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. “Sau nhiều năm canh tác, đất nhiễm mặn ngày càng nặng mà lượng mưa thì không phải năm nào cũng đảm bảo đủ để rửa mặn. Nhưng nếu tiếp tục giữ mặn lại để nuôi tôm thì tôm nuôi cũng không trúng được như khi có trồng lúa. Chính vì vậy mà nhiều người chỉ xem vụ lúa là vụ phụ, còn con tôm mới là vụ chính trong năm”, ông Lý Thanh Tuấn (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) chia sẻ.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều bà con nông dân không còn mấy “mặn mà” với cây lúa mà chuyển hẳn sang nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch vùng của ngành chuyên môn. Ông Trương Phước Hiền, Phó phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Để mô hình luân canh tôm – lúa đạt hiệu quả thì thủy lợi là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi khi đảm bảo được nguồn nước thì nông dân mới chủ động được việc lựa chọn thời điểm thả tôm hay xuống giống lúa cho phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động của thời tiết. Chính vì vậy mà hiện nay ngành Nông nghiệp huyện đã và đang tập trung cải tạo các tuyến kênh, xây dựng các đập điều tiết nước để giúp bà con yên tâm sản xuất”.

Nhằm giúp mô hình phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi các địa phương, ngành chuyên môn có kế hoạch, phương án sản xuất theo hướng nâng cao giá trị như: sản xuất tôm sạch – lúa an toàn theo quy trình hữu cơ; đồng thời, hình thành vùng nguyên liệu cho cả lúa và tôm theo chuỗi giá trị gia tăng.

Chí Linh Báo Bạc Liêu

Thấp thỏm nuôi tôm khi nắng nóng cao độ

cho tôm ăn
Nếu nắng nóng gay gắt cần giảm lượng thức ăn cho tôm nuôi để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định bước vào vụ nuôi tôm thứ 2 trong điều kiện bất lợi do nắng nóng cao độ, để tránh thất bại, người nuôi tuân thủ nghiêm cẩn khuyến cáo của ngành chức năng.

Nắng nóng dễ dẫn đến dịch bệnh

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, trong vụ 1/2020, toản tỉnh này có gần 2.000ha diện tích mặt nước được thả nuôi tôm; trong đó, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là hơn 406ha, diện tích nuôi tôm sú là hơn 1.553ha. Do ngay từ đầu năm tình hình thời tiết trên địa bàn Bình Định đã xảy ra nắng nóng gay gắt, khiến 38ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chiếm 2% diện tích nuôi tôm; trong đó, bệnh đốm trắng có 0,56ha; bệnh do môi trường 37,7ha. Tính đến nay, sản lượng tôm đã thu hoạch là 3.400 tấn, trong đó có hơn 3.185 tấn tôm thẻ chân trắng và tôm sú thu tỉa được hơn 214 tấn. 

Hiện nay, người nuôi tôm ở các địa phương trọng điểm nuôi tôm của Bình Định là các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn đã thả nuôi tôm vụ 2 được khoảng 220ha với đối tượng tôm thẻ chân trắng. Vụ tôm thứ 2 đang đối mặt với thời tiết bất thuận, do nắng nóng gay gắt nên dễ dẫn dịch bệnh đến với tôm nuôi.


Nắng nóng gay gắt gây bất thuận cho vụ tôm nuôi thứ 2 năm 2020 tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Nắng nóng làm ảnh hưởng đến nhiệt độ của nguồn nước trong ao nuôi, dẫn tới môi trường nước nuôi tôm bị biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi. Ví dụ như tôm thẻ chân trắng phù hợp với nhiệt độ từ 28 – 30 độ, nay nắng nóng gay gắt quá nên nhiệt độ trong nguồn nước nuôi tăng lên 32 – 34 độ rất dễ khiến tôm bị sốc, dẫn đến bị bệnh, nếu không được quản lý tốt sẽ bùng phát dịch trên diện rộng”, ông Nhân cho hay.

Cũng theo ông Nhân, để khắc phục sự biến động của nhiệt độ trong nguồn nước nuôi, trước mắt, người nuôi cần tăng cao mực nước trong ao nuôi. Nếu như bình thường mực nước trong ao nuôi có độ sâu từ 1 – 1,2m là đủ thì trong vụ 2 này mực nước trong ao nuôi cần tăng lên trên 1,2m thì mới làm giảm được biến động nhiệt độ trong nguồn nước nuôi.

Cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật

Đối mặt với nắng nóng cao độ kéo dài, người nuôi tôm ở Bình Định đang thấp thỏm bước vào vụ nuôi thứ 2 với nhiều lo âu. “Từ đầu năm, Sở NN – PTNT đã ban hành lịch thời vụ nuôi tôm cho cả 2 vụ, đồng thời khuyến cáo những vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tương đối ổn định thả nuôi vụ 2 với mật độ thưa, còn những vùng có cơ sở hạ tầng vùng nuôi kém thì nên vụ 2 là vụ phụ, nên thả nuôi tôm xen với nhiều đối tượng khác, để nếu nhiệt độ nguồn nước nuôi biến động mạnh thì tôm nuôi ít bị ảnh hưởng do mật độ thả nuôi thưa”, ông Nhân phân tích.


Người nuôi phải quan sát màu nước trong ao nuôi mỗi ngày để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện nắng nóng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN – PTNT huyện Tuy Phước, để đảm bảo hiệu quả cho vụ nuôi mới, ngành nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương hướng dẫn người nuôi tôm giảm mật độ thả nuôi từ 70 con/m2 xuống còn 30 – 40 con/m2 nhằm hạn chế dịch bệnh; đồng thời thả nuôi xen canh tôm, cua, cá.

Ông Nguyễn Minh Thiện, người sở hữu 2 ao nuôi tôm với diện tích 4.000m2 ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đang tuân thủ nghiêm cẩn khuyến cáo của ngành chức năng để tránh thiệt hại. “Vụ nuôi thứ 2 này tôi thả nuôi với mật độ 30 con/m2, đồng thời thả nuôi xen canh 2.000 con cua và 5.000 con cá kình. Do thời tiết nắng nóng nên cứ 2 – 3 ngày là tôi rắc vôi xuống ao nhằm tăng lượng canxi cho tôm, bổ sung chất khoáng, vitamin C trong thức ăn cho tôm nhằm giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, đảm bảo sinh trưởng”.


Người nuôi phải kiểm tra tôm nuôi mỗi ngày để “đọc” sức khỏe của tôm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Trần Anh Quang, người vừa thu hoạch xong tôm nuôi vụ 1 trong 3 ao nuôi tôm trải bạt với diện tích 4.000m2 cũng đã bước vào vụ nuôi thứ 2. Ông Quang khẳng định: “Thả nuôi mật độ thưa thì tôm sinh trưởng tốt hơn trong điều kiện nắng nóng gay gắt. Hiện tại tôm vụ 2 của tôi đã thả nuôi được 20 ngày, đang sinh trưởng tốt”.

Còn ông Phạm Tấn Hương ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đã  thả nuôi 150.000 con tôm thẻ chân trắng trong 3 ao nuôi có diện tích 2.400m2 thì chia sẻ: “Thời điểm này là mùa gió Nam, nước trong ao nuôi nóng ở trên mặt mà lạnh dưới đáy, tôi phải tăng cường chạy quạt đảo nước tạo oxy liên tục; đồng thời cứ 2 – 3 ngày phải thay nước ao để phòng ngừa dịch bệnh cho tôm”.

“Trong vụ 2 này, người nuôi tôm cần phải quan sát màu nước và quan sát tôm nuôi mỗi ngày để “đọc” sức khỏe của tôm. Đặc biệt, trong điều kiện nắng nóng cao độ như hiện nay, người nuôi cần tăng cường vitamin C để tôm đủ sức đề kháng chống chọi với nắng nóng. Nếu nắng nóng quá thì nên giảm lượng thức ăn cho tôm, đồng thời phải theo dõi dự báo của thời tiết để kịp thời điều chỉnh lượng nước trong ao nuôi cho phù hợp”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định.

Vũ Đình Thung Nông nghiệp Việt Nam

Công nghệ nano trong nuôi trồng thủy sản

nano trong nuôi trồng thủy sản
Công nghệ nano trong nuôi trồng thủy sản.

Công nghệ nano – Hướng đi mới để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay công nghệ nano là công nghệ mới, hấp dẫn, đầy tiềm năng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi mới để phát triển một nền nông nghiệp mang hiệu quả kinh tế, an toàn trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Trong nuôi trồng thủy sản, công nghệ nano được ứng dụng nhiều trong: cung cấp vắc-xin, cải thiện môi trường nước, tăng hấp thu chất dinh dưỡng. 

Cung cấp vắc-xin hiệu quả nhờ công nghệ nano

Việc sử dụng vắc-xin là rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản như là cơ chế giúp vật chủ chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó sử dụng các hạt nano đã mang đến một cơ hội to lớn để thiết lập hệ thống cung cấp vắc-xin đạt hiệu quả, mang lại sự ổn định cho các kháng nguyên và hoạt động hiệu quả như các chất bổ trợ. Nhiều hạt nano có thể xâm nhập vào tế bào trình diện kháng nguyên bằng các con đường khác nhau và tạo ra các phản ứng miễn dịch thích hợp với kháng nguyên. Cho đến nay, chitosan là dạng hạt nano được sử dụng nhiều nhất trong cung cấp vắc-xin. 

Chitosan là một polymer phân hủy sinh học được tìm thấy trong vỏ của động vật giáp xác và côn trùng. Nanochitosan là các hạt chitosan có kích thước nm, dễ dàng đi qua màng tế bào, có diện tích bề mặt cực lớn, không độc hại nên được sử dụng làm chất mang thuốc, vắc-xin, vector chuyển gen. Tóm lại việc sử dụng hạt nano chitosan trong vắc-xin giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cá.

Công nghệ nano trong làm sạch nước

Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường nước được coi là mối nguy hiểm hàng đầu do ngành nông nghiệp lạm dụng kháng sinh và các hợp chất tổng hợp để phòng và trị bệnh. Chính vì thế, các hạt nano bạc (Ag), cacbon hoạt tính, nano sắt từ (FeO)… được sử dụng để xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản rất hiệu quả. Các hạt nano này có hoạt tính cao gấp nhiều lần, thời gian tác dụng lâu mà liều lượng sử dụng ít. Ngoài ra, khi sử dụng các hạt nano này để xử lý môi trường nước bị nhiễm bệnh cũng có tác dụng rất hiệu quả khi ngăn ngừa được sự lây lan dịch bệnh trong khu vực nuôi. 

Thực tiễn cho thấy, nano TiO2 chính là tác nhân xử lý nước hiệu quả và kinh tế nhất so với các phương pháp xử lý truyền thống. Các công nghệ này ngày càng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi nhằm tăng sản lượng, nâng cao tính an toàn sinh học, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ngày một bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo có những sản phẩm sạch, chất lượng cao. 

Chất dinh dưỡng được hấp thu hiệu quả nhờ công nghệ nano

Các hạt nano sẽ thúc đẩy sự hấp thụ thức ăn thủy sản bằng cách tăng tỷ lệ chất dinh dưỡng cần thiết cho cá khi đi qua mô ruột. Các khoáng chất dạng kích thước nano có thể đi vào các tế bào dễ dàng hơn giúp tăng tốc độ chuyển hóa của chúng trong cơ thể cá. Nếu công nghệ này được sử dụng đúng cách, nó có thể làm giảm sự ô nhiêm môi trường nước do thức ăn gây ra. 

Các hạt nano selenium (Se), sắt (Fe) được bổ sung trong thức ăn để cải thiện sự phát triển của cá. Người ta đã phát hiện ra rằng việc bổ sung 1mg nano Selenium (Se) cho mỗi kg thức ăn cho thấy sự cải thiện đáng kể trong hệ thống miễn dịch và chống oxy hóa của cá chép.

Bên cạnh những ứng dụng giúp phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản, các vật liệu và sản phẩm dựa trên công nghệ nano cũng được biết là có tác dụng phụ đối với môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, các sinh vật dưới nước do tính dễ bị tổn thương nên chúng có nguy cơ tiếp xúc với độc tính tiềm tàng của các vật liệu này. Do đó, điều quan trọng hàng đầu là phải xem xét các tác động bất lợi và độc hại của vật liệu nano đối với các sinh vật dưới nước.

Chính vì thế người ta đã đặc biệt chú ý đến ‘Curcumin’, một hợp chất sắc tố màu vàng tự nhiên có nguồn gốc từ thân, rễ của củ nghệ. Hiệu quả của curcumin này đã được các nhà khoa học chứng minh có hiệu quả tuyệt vời trong chống vi khuẩn, chống viêm, chống ký sinh trùng. Nano Curcumin được bào chế dưới dạng hạt siêu nhỏ với kích thước tính bằng nano mét có khả năng đi qua được những khe hở của tế bào khi vào trong cơ thể và phân bố đều vào máu, giúp hấp thu tốt hơn gấp hàng nghìn lần so với bột nghệ thông thường. Mặc dù Curcumin có nhiều tác dụng thần kì và an toàn đối với cơ thể nhưng có tính kỵ nước do đó khó hấp thu, nên hiệu quả khi sử dụng là không cao hoặc để đạt hiệu quả cũng mất một khoảng thời gian rất lâu.

Cho đến nay, nhũ tương Pickering được coi là phương pháp bao bọc ổn định và an toàn nhất cho các hợp chất hoạt tính sinh học kỵ nước. Nhũ tương Pickering là các nhũ tương được ổn định bởi các hạt rắn (chất dinh dưỡng) thay vì các chất hoạt động bề mặt. Một nghiên cứu đã tổng hợp các NP (nano) chitosan tripolyphosphate (CS – TPP) bằng nhũ tương Pickering để cung cấp curcumin. Hệ thống cho thấy sự ổn định lâu dài, chống lại các yếu tố bất lợi để đảm bảo giải phóng curcumin bền vững trong thời gian dài.

Công nghệ nano chắc chắn đóng góp một vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, có một mối lo ngại về độc tính do vật liệu và sản phẩm dựa trên công nghệ này gây ra. Do đó, các ứng dụng của phương pháp an toàn sinh học và thân thiện với môi trường là không thể tránh khỏi. Về vấn đề này, các hợp chất hoạt tính sinh học tự nhiên gần đây đã thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt là chất curcumin đã cho thấy vai trò mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản. Nhưng các loại hợp chất hoạt tính sinh học này có tính kỵ nước làm cản trở hiệu quả của chúng. Chính vì thế chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn về phương pháp Nhũ tương Pickering để giải quyết vấn đề kỵ nước của các hợp chất sinh học.

Sương Phạm – https://tepbac.com/