Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Long An: Giá tôm thẻ “tuột dốc”

Thu hoạch tôm thẻ
Tôm thẻ giảm giá mạnh

6 tháng năm 2020, giá tôm thẻ tương đối thấp, nông dân không có lợi nhuận cao. Hiện tôm thẻ cỡ 60-70 con/kg, giá từ 105.000-110.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg, giá từ 75.000 – 80.000 đồng/kg.

Hỏi nguyên nhân giá tôm giảm mạnh, anh Nguyễn Văn Ngọ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm, chia sẻ: “Có lẽ do những năm gần đây, tôm thẻ phát triển quá nhanh, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi việc nuôi tôm sú ở nhiều nơi gặp rủi ro thì tôm thẻ chân trắng có ưu thế năng suất cao, dễ bán, chi phí thấp. Ngoài ra, tôm thẻ có lợi thế là thời gian thu hoạch nhanh, vì vậy nông dân có thể quay vòng đến 3 vụ nuôi/năm. Cũng từ đó, tôm thẻ chân trắng được nông dân nuôi ngày càng nhiều nên ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu”. Còn anh Lê Tuấn Anh, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, cho biết: “Năm nay, giá tôm thẻ quá thấp, những người nuôi trúng mùa cũng phải chịu thua lỗ vì giá không như mong đợi. Hiện tại, tôm thẻ chỉ nằm ở mức 75.000 đồng/kg (100 con). Nếu hộ nào nuôi đạt mới mong huề vốn, vì chi phí sản xuất nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng cao nhưng giá như hiện tại, người nuôi sẽ không có lãi”.

“Sau Tết Nguyên đán, giá tôm thương phẩm “tụt dốc”, thấp kỷ lục chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg (100 con). Đến tháng 4, đầu tháng 5, giá bắt đầu nhích nhẹ, 75.000 đồng, 80.000 đồng rồi 85.000 đồng/kg… Tưởng giá tôm đang trên đà hồi phục, người dân có tôm chuẩn bị xuất bán chưa kịp vui mừng thì giá lại có dấu hiệu giảm. Tôi vừa thu hoạch 2 ao, được trên 3 tấn tôm, cao hơn vụ trước gần 800kg nhưng chỉ bán được giá 95.000 đồng/kg (tôm size 70 con) nên không có lời” – anh Tuấn Anh nói thêm.

Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 3.678ha tôm nước lợ, đạt 51,8% kế hoạch, bằng 100,9%; sản lượng 6.500 tấn, đạt 44,8% kế hoạch, bằng 102,2% so cùng kỳ năm 2019. Diện tích tôm bị thiệt hại tương đối thấp, khoảng 75,07ha, chiếm 2% tổng diện tích thả nuôi.

Huỳnh Phong Báo Long An

Long An: Kiểm soát nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt

 Nhằm ngăn chặn tình trạng tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) trong vùng nước ngọt, ngành nông nghiệp Long An đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo không cho phép nuôi TTCT có sử dụng muối, khoan giếng để tạo môi trường nước mặn nuôi tôm.
Giá tôm chân trắng giảm gần 40% | Thời Báo Tài Chính

Năm 2018, người dân xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa tự đào ao từ đất lúa để nuôi TTCT, khai thác nguồn nước ngầm mặn tại chỗ kết hợp bổ sung muối vào ao nuôi chỉ với 3 ha. Hoạt động này lan rộng ra một số xã lân cận của huyện Mộc Hóa và các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường, Tân Hưng. Hiện diện tích nuôi TTCT tại Long An lên tới 92,74 ha.

Nuôi TTCT của người dân nơi đây là hoạt động tự phát, không có quy hoạch, định hướng của chính quyền địa phương nên việc chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang nuôi TTCT là tự ý, không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tự ý khoan giếng khai thác nước mặn để phục vụ nuôi tôm cũng không đúng quy định. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát về lâu dài sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho người dân.

Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT Long An đã kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo không cho phép nuôi TTCT có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước mặn nuôi tôm thẻ. Đồng thời, đề nghị các địa phương tập trung kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đào ao nuôi TTCT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đối với những diện tích đã đào ao nuôi thì địa phương tiếp tục vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác.

Ngọc Hân – http://thuysanvietnam.com.vn/

Sản xuất thành công giống nhân tạo tôm mũ ni trắng

Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã sản xuất thành công giống nhân tạo tôm mũ ni trắng.

Tôm mũ ni là một trong số các giống loài tôm hùm, có giá trị rất cao và là đối tượng xuất khẩu quan trọng ở nhiều nước trên thế giới và nước ta. Tại Việt Nam có khoảng 7 loài tôm mũ ni phân bố, sống ở vùng biển khơi trải dài từ Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận cho đến Vũng Tàu, Kiên Giang, ngư dân gọi loài tôm này mà mũ ni vì xúc giác to khiến người ta liên tưởng tới chiếc mũ ni che tai. 

Tập tính của chúng vào ban ngày thường vùi mình vào đáy cát hoặc trú ẩn trong hang hốc. Ban đêm chúng rời hang đi kiếm mồi.

Hiện nay giá tôm mũ ni thương phẩm trên thị trường dao động từ 900 ngàn đến 1 triệu đ/kg. Tôm có đặc điểm vỏ đầu ngực dẹp, hình thang ngược. Cơ thể có màu nâu sậm hoặc màu gạch sáng.

Những năm qua tôm mũ ni bị khai thác quá mức dẫn đến trữ lượng tôm trong tự nhiên suy giảm nghiêm trọng, ngày càng khan hiếm và khu vực phân bố cũng dần thu hẹp.

Trên thế giới, sản xuất giống nhân tạo tôm mũ ni thành công chỉ có 3 nước là Úc, Ẩn Độ, Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản và Ấn Độ chỉ thành công ở quy mô phòng thí nghiệm. Còn Úc đã công bố sản xuất thành công con giống tôm mũ ni sớm nhất vào năm 2007.  Mới đây Úc công bố thời gian ương nuôi từ phyllosoma I (ấu trùng mới nở từ trứng) đến khi ra giống trong khoảng 30 ngày.

Ở nước ta, Trường Đại học Nha Trang đã bước đầu nghiên cứu ương ấu trùng, nhưng chưa thành công để tạo tôm con. Vấn đề tìm loại thức ăn và chế độ cho ăn thích hợp là rất quan trọng trong ương tôm mũ ni.

Trước thực trạng trên, từ tháng 10/2018, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen tôm mũ ni trắng”, với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống và mô hình nuôi thương phẩm tôm mũ ni.

Đề tài sẽ kết thúc vào năm 2022. Tuy nhiên, đến nay đề tài đã làm chủ quy trình nuôi vỗ bố mẹ và bước đầu làm chủ và sản xuất thành công giống nhân tạo tôm mũ ni.

Ấu trùng phyllosoma IV

Chia sẻ về quy trình tạo ra con giống, TS Trương Quốc Thái, chủ nhiệm đề tài cho biết: Đầu tiên việc chọn lựa tôm bố mẹ mũ ni rất quan trọng. Theo đó, nguồn tôm bố mẹ được thu thập từ nguồn đánh bắt tự nhiên, sau đó được nuôi vỗ trong bể hệ thống lọc sinh học tuần hoàn, kết hợp xử lý UV (tia cực tím).

Nhờ vậy, nguồn nước nuôi tôm bố mẹ trong hệ thống tuần hoàn chỉ thay khoảng 50% nước trong khoảng 7 – 10 ngày. Hiện nay, đàn bố mẹ nuôi vỗ đạt tỷ lệ thành thục khá cao trên 70%, tỷ lệ đẻ đạt 60%. Thức ăn cho tôm bố mẹ cũng đã xác định một số loài nhuyễn thể và một số loài cá chúng rất ưa thích như cá liệt, cá cơm.

Trong sản xuất giống tôm mũ ni, tôm mẹ ôm trứng được ấp trong bể riêng để theo dõi cho đến khi nở. Dấu hiệu trứng sắp nở là màu trứng sẽ chuyển từ màu vàng sáng (mới đẻ) sang màu vàng sẫm (sắp nở) và thời gian ấp trứng khoảng 30 – 32 ngày.

Cụ thể công đoạn trên, đầu tiên tôm mẹ ôm trứng trước ngày nở sẽ được nhốt trong lồng đặt trong bể 500 lít.

Khi trứng nở sẽ lấy lồng ra khỏi bể nở rồi tiến hành thu ấu trùng (phyllosoma I) chuyển sang bể ương ấu trùng để ương nuôi lên giống. Thức ăn chủ yếu giai đoạn này là Artemia được nuôi tại chỗ và được làm yếu trước khi cho ăn.

Đến giai đoạn phyllosoma III, ấu trùng sẽ được tách riêng do chúng ăn lẫn nhau làm giảm tỷ lệ sống và tiếp tục ương nuôi đến giai đoạn hậu ấu trùng (nisto).

Ở giai đoạn hậu ấu trùng, ấu trùng tôm sẽ không ăn thức ăn cho đến khi lột xác thành con giống, thời gian này kéo dài từ 7 – 10 ngày.

TS Trương Quốc Thái cho biết thêm, hiện với quy trình sản xuất giống tôm mũ ni được nghiên cứu thì tỷ lệ sống từ phyllosoma I đến giống là khoảng 1 – 2%.

Trong đó, tỷ lệ sống khi ương nuôi từ phyllosoma I đến phyllosoma III là khá cao, có thể đạt 60% và từ giai đoạn phyllosoma III đến hậu ấu trùng nisto tỷ lệ sống giảm xuống còn khoảng 5%. Còn từ giai đoạn nisto lên giống tỷ lệ sống khoảng 7 – 10%.

Đây là thành công bước đầu của đề tài đạt được, tuy nhiên để nâng cao tỷ lệ sống trong sản xuất giống và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm mũ ni vẫn còn nhiều gian nan phía trước, đòi hỏi thời gian cùng sự đầu tư và nỗ lực nghiên cứu không ngừng của nhóm thực hiện. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, cùng với hải sâm vú, tôm mũ ni là hai đối tượng thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, hiện nay nguồn lợi tự nhiên bị khai thác cạn kiệt, cần phải nghiên cứu sản xuất giống để phục hồi nguồn lợi, phát triển nuôi phục vụ xuất khẩu. Tôm mũ ni đã được 3 quốc gia trên thế giới công bố sản xuất giống thành công, tuy nhiên số lượng còn hạn chế và chưa sản xuất được ở quy mô thương mại. Kết quả nghiên cứu và thành công trong sản xuất giống hải sâm vú và tôm mũ ni của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III là cơ sở để phát triển nuôi hai đối tượng này; đây cũng là những đối tượng nuôi rất phù hợp cho chiến lược phát triển nuôi biển ở Việt Nam trong thời gian tới./.

Bài, ảnh: PV
Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn/

Giải pháp thúc đẩy chuỗi giá trị con tôm

Giải pháp thúc đẩy chuỗi giá trị con tôm
Việc phân tích chuỗi giá trị mang lại lợi ích to lớn cho các DN trên phương diện để cải tiến chuỗi giá trị hay tìm kiếm cơ hội thâm nhập chuỗi giá trị.
Tổng quan về chuỗi giá trị
Chuỗi giá trị là một dãy các hoạt động làm tăng giá trị tại mỗi bước (mắt xích) trong quy trình, bao gồm khâu thiết kế, sản xuất và giao sản phẩm đến tay người sử dụng. Chuỗi giá trị là một tập hợp tất cả các hoạt động tập trung vào việc tạo ra hoặc tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Chuỗi giá trị bắt đầu từ ý định làm tăng sự thụ hưởng của khách hàng hoặc từ yêu cầu của khách hàng và kết thúc với thành phẩm được tạo ra, cùng với các giá trị mà khách hàng sẵn sàng chi trả cho nó. Như vậy mục đích của chuỗi giá trị là làm tăng giá trị sự thụ hưởng, sự hài lòng của khách hàng cao hơn và từ đó đem lại lợi ích tốt hơn cho các mắt xích trong chuỗi.
Khái niệm về chuỗi giá trị lần đầu tiên được đưa ra bởi Michael Porter vào năm 1985. Theo ông, có 5 bước hoạt động chủ yếu để tạo ra giá trị và các hoạt động bổ trợ cho các hoạt động chủ yếu.
5 bước hoạt động chủ yếu bao gồm:
1. Thiết kế: Mọi sản phẩm được hình thành trên cơ sở có khảo sát và vạch ra một chương trình tổng thể, trong đó có những hoạt động cụ thể như bản thiết kế sản phẩm.
2. Logistics đầu vào: Bao gồm việc nhận hàng, lưu trữ và phân phối các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, nguồn cung cấp khác…
3. Hoạt động sản xuất: Chuyển đổi các yếu tố đầu vào thành sản phẩm hoàn chỉnh.
4. Logistics đầu ra: Liên quan đến việc thu gom hàng, lưu trữ va phân phối các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.
5. Tiếp thị và bán hàng: Liên quan đến các hoạt động giúp nâng cao nhận thức của công chúng về sản phẩm.
Hoạt động hỗ trợ: Bao gồm tất cả các hoạt động tăng giá trị cho sản phẩm và dịch vụ.
Dù được mô tả như là một chuỗi hàng dọc, các mắt xích trong nội bộ chuỗi thường có bản chất hai chiều, tác động nhau. Chuỗi giá trị có thể mang tính quốc tế khi các mắc xích của chuỗi được thực hiện ở nhiều nước. Thí dụ cái áo được thiết kế ở Pháp, phụ liệu ở Ấn Độ, hoàn thiện áo ở Việt Nam, tiêu thụ ở EU…
Trên là khái niệm chuỗi giá trị đơn giản. Năm 2001, hai tác giả Kaplinski và Morri đưa ra thêm khái niệm chuỗi giá trị mở rộng, là một mô hình phức tạp hơn, có tính đến liên kết thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị đơn giản. Nghĩa là xem xét liên kết ngành dọc các yếu tố đầu vào từ khởi nguồn cho đến khi sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
Thí dụ, DN (DN) chế biến gỗ. Xem xét nguyên liệu là gỗ xẻ sẽ chỉ xem xét ở góc độ chuỗi giá trị đơn giản. Nếu xem xét thượng nguồn của gỗ xẻ là công đoạn cắt hạ cây hoặc sâu xa hơn là công đoạn trồng trọt với các yếu tố đầu vào là cây giống, phân bón, chăm sóc… Tương tự, con tôm của chúng ta, chủ yếu là tôm nuôi, khi xem xét chuỗi giá trị, nên xem xét ở góc độ mở rộng (thêm mắt xích nuôi tôm) sẽ đủ thông tin để đánh giá chính xác hơn các mắt xích nào là thế mạnh, mắt xích nào cần quan tâm hỗ trợ, khắc phục điểm yếu để nâng cao giá trị chuỗi tốt nhất.
Việc phân tích chuỗi giá trị mang lại lợi ích to lớn cho các DN trên phương diện để cải tiến chuỗi giá trị hay tìm kiếm cơ hội thâm nhập chuỗi giá trị. Từ đó sẽ mang lại lợi ích là nhận dạng lợi thế cạnh tranh; đánh giá lại năng lực và cải tiến hoạt động; phân phối thu nhập lại hợp lý hơn… Ở góc độ toàn cầu, phân tích chuỗi giá trị càng có vai trò quan trọng để DN: (1) Nâng cấp qui trình như tăng năng suất, tăng vòng quay, giảm phế phẩm; (2) Nâng cấp sản phẩm như tạo thêm các điểm mới, tốt hơn trong sản phẩm; (3) Nâng cấp chức năng trên cơ sở so sánh lợi thế có thể giảm bớt chức năng đưa ra bên ngoài đảm nhận nhẹ phí hơn; (4) Nâng cấp chuỗi giá trị trên cơ sở phân tích mà hình thành chuỗi giá trị mới. Đồng thời, qua đó DN am hiểu các yếu tố tác động trong toàn thể chuỗi giá trị, để DN có thêm cơ hội hiểu rõ nội lực và thâm nhập thành công vào thị trường toàn cầu. Con tôm ta, hiểu ở góc độ rộng đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tuy ở mức độ chưa sâu, đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu khá mạnh mẽ.
Chuỗi giá trị con tôm
Phân tích chuỗi giá trị con tôm ta nên xem xét ở góc độ chuỗi giá trị mở rộng, với đầu vào từ mắt xích nuôi tôm. Mắt xích này bản chất nó lại là một chuỗi đơn giản với các yếu tố đầu vào là con giống, thức ăn và dinh dưỡng, khoáng hoá chất, công cụ khác. Các mắt xích còn lại của chuỗi giá trị con tôm nằm trong chuỗi giá trị đơn giản với mắt xích trung tâm là khâu chế biến tôm.
Qua các mắt xích này, xem xét trong thực tế để tìm ra điểm mạnh, yếu của ngành.
+ Mắt xích nuôi tôm có các điểm mạnh như diện tích nuôi lớn, sản lượng cao trên thế giới, cung ứng gần như quanh năm… Điểm không tốt là tỉ lệ nuôi thành công thấp, dẫn đến giá thành cao; đa phần nuôi nhỏ lẻ dẫn tới khó kiểm soát chất lượng.
+ Khâu logistic đầu vào khá tốt. Tuy nhiên, điều kiện giao thông bộ ở đồng bằng sông Cửu Long còn thấp kém, ảnh hưởng làm tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
+ Khâu chế biến, chủ yếu chế biến đông lạnh. Ngoài ra còn một lượng chế biến khô hoặc tiêu thụ dạng ướp nước đá. Trình độ chế biến tôm đông lạnh của ta ở mức cao của thế giới. Tuy nhiên, trong nội bộ phát triển không đồng đều. Chỉ có khoảng 1/3 DN chế biến ở tầm cao hơn.
+ Khâu logistic đầu ra: Năng lực kho trữ lạnh của các DN tôm khá lớn. Chưa nghe chuyện ứ đọng tôm không chỗ trữ. Hệ thống tàu và cảng biển Việt Nam khá đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, chi phí còn cao so mặt bằng thế giới.
+ Tiếp thị và bán hàng: Khá ổn dù chúng ta chưa có nhiều cá nhân thật xuất sắc.
+ Dịch vụ như hậu mãi. Điểm này chưa hoàn thiện. Cần nâng cao đạo đức kinh doanh hơn trong xử lý mọi vấn đề có tranh chấp, ngoài tranh chấp sai sót chất lượng, còn kể cả tranh chấp khác thực hiện hợp đồng như tình trạng giao hàng không đúng, không đủ hoặc huỷ ngang hợp đồng khi giá cả biến động lớn.
TS.Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
Nguồn :http://vasep.com.vn/

Làm sao tăng hiệu quả trong nuôi tôm (tiếp)

Từ chục năm trước, tôm thẻ chân trắng được phép nuôi ở ở các tỉnh đồng bằng Cửu Long. Với ưu thế mau lớn, năng suất cao, nuôi ngắn ngày hơn tôm sú và được quảng bá là chống chịu tốt hơn sự biến động của môi trường, tôm thẻ chân trắng đã được người nuôi đón nhận và diện tích nuôi đã tăng lên liên tục, đến nay chạm ngưỡng một trăm ngàn hecta. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi tôm bị thua thiệt nặng nề. Nguyên do tôm bị dịch bệnh tấn công và giá tôm trồi sụt thất thường. Việc tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình hình trên trở thành nhu cầu bức xúc, tiếp sức người nuôi trong lúc khó khăn này và góp phần đưa ngành tôm phát triển ổn định và bền vững hơn.

Muốn tăng hiệu quả nuôi tôm cần xem xét yếu tố khách quan là giá cả thị trường và yếu tố chủ quan là việc thực thi thả nuôi…

Cách tiếp cận yếu tố tác động giá thành nuôi tôm qua kết quả cuối cùng theo kinh nghiệm dân gian

Kết quả cuối cùng muốn nói ở đây là tỷ lệ thu hồi con giống thả nuôi, sản lượng thu hoạch và tỷ lệ ao nuôi thành công.

Kinh nghiệm dân gian xếp mức tác động thành công ao nuôi tôm là nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ (con giống, nước, thức ăn, chăm sóc). Tương ứng bên trồng trọt là nước, phân, cần, giống. Giống nhau ở tầm quan trọng có 4 yếu tố giống nhau, khác nhau ở cách xếp thứ bậc. Không có một nghiên cứu đầy đủ nào, nhưng người nuôi tôm có kinh nghiệm hay cho rằng con giống chiếm hơn phân nửa yếu tố thành công nuôi tôm. Sự tán thành của số đông ngầm trở thành điều hiển nhiên! Con tôm giống tốt, khoẻ mạnh, dễ vượt qua các yếu tố bất lợi của môi trường, chống chọi tốt với dịch bệnh.

Tỷ lệ thu hồi con giống cao chứng tỏ con giống tốt. Tỷ lệ thu hồi con giống cao dẫn đến năng suất cao. Nếu tôm giống tốt mau lớn thì năng suất càng cao. Năng suất càng cao thì giá thành hạ. Mặt khác, con giống tốt, rủi ro giảm, ao bị thiệt hại giảm, tỷ lệ ao nuôi thành công sẽ tăng lên. Tổng thể 2 yếu tố tỷ lệ thu hồi và tỷ lệ ao nuôi thành công cùng xảy ra thì giá thành tôm nuôi trong trại nuôi tôm càng giảm xuống, vô cùng lớn. Hai yếu tố này xuất phát từ nguồn gốc con tôm giống khoẻ mạnh. Cho nên tôi rất tán thành bài viết của TS Hoà và KS Hoàng là giảm giá thành cho nuôi tôm cần tập trung việc gia tăng năng suất ao nuôi và t lệ ao nuôi thành công. Muốn vậy, yếu tố tập trung chú trọng chính là con giống.

Tìm hiểu trong thực tế, giá thức ăn tôm ta xoay 1 USD/kg, ngang ngửa các nước khác. Tuy nhiên, do thiếu vốn, người nuôi tôm phải mua qua sự đầu tư của thương lái, giá tăng lên khoảng 30%. Thức ăn chiếm từ 50-60% giá thành. Như vậy, do thiếu vốn, chấp nhận mua thức ăn trả sau giá cao đã làm tăng chi phí nuôi tôm lên ít ra 15%.

Tổng hợp các góc độ phân tích trên, cho thấy các yếu tố tác động mạnh nhất đến giá thành tôm nuôi ta là:

+ Con giống: Con giống tốt, khỏe, kháng thể tốt, mau lớn làm tăng tỷ lệ thu hồi, tăng năng suất ao nuôi, tăng tỷ lệ ao nuôi thành công. Ngược lại sẽ làm giá thành nuôi tôm tăng cao. Đây là yếu tố tác động lớn nhất giá thành tôm nuôi. Tuy nhiên, bản thân con giống, dù chiếm tỷ lệ thành công cao nhất cho ao nuôi nhưng để yếu tố con giống phát huy, cần có sự đồng bộ các yếu tố khác như nước sạch, thức ăn tốt và chăm sóc đúng cách, xử lý các trục trặc kịp thời. Thiếu sự đồng bộ này thì yếu tố con giống sẽ mất ý nghĩa.

+ Vốn (thức ăn): Do thiếu vốn, mua vật tư đầu vào qua trung gian đầu tư, khiến giá tăng vài chục phần trăm. Nếu mua ứng trước cả giống và hóa chất (chiếm hơn 70-75% giá thành với giá đầu tư bị nâng cao hơn 30%) thì giá thành tôm hộ nuôi nhỏ lẻ cao hơn giá thành các trang trại nuôi trên 20%. Như vậy, nuôi tôm trúng các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng không thu bao nhiêu đồng lời. Điều này, hiện nay khá phổ biến ở các hộ nuôi nhỏ lẻ.

+ Các yếu tố khác tác động không ít, nhưng tỷ lệ không bằng khi so sánh hai yếu tố trên như đủ nước sạch, thức ăn chất lượng, kỹ thuật chăm sóc…

Từ nhận định trên, giải pháp để tăng hiệu quả trong nuôi tôm, để giảm giá thành nuôi tôm đưa ra là:

– Phải tăng cường kiểm soát các trại sản xuất, cung ứng tôm giống; bảo đảm sạch bệnh là yếu tố tiên quyết. Hiện nay tôm giống có mầm bệnh vi bào tử trùng còn khá cao, đây là vi khuẩn chưa có phác đồ điều trị, chỉ có giải pháp phòng bệnh. Kiên quyết xoá tình trạng tôm giống trôi nổi. Hiện nay cả nước còn trên 2.000 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó tôm sú nhiều hơn. Cơ quan chức năng làm sao đủ nhân lực giám sát nổi. Ngành sản xuất tôm giống phải là ngành hoạt động có điều kiện, chớ không thể quá dễ dãi như hiện nay. Lâu dài, ngành phải thúc đẩy mạnh hơn chương trình gia hoá tôm bố mẹ nhằm tạo điều kiện ngành tôm phát triển chủ động và bền vững hơn.

– Ngành nên chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trọng điểm như điện, đường, nước… Trong đó thuỷ lợi cho nuôi tôm hết sức căn bản nhằm tránh nhiễm chéo. Nước sạch là yếu tố căn bản thứ hai tác động sự thành công trong nuôi tôm. Điện để tiến hành nuôi ao bạt đáy, siêu thâm canh…

– Quan tâm tín dụng trong lĩnh vực nuôi tôm: Dẫu biết rằng giấy đất của đại đa số người nuôi tôm đang được ngân hàng thương mại “bảo quản” do thời gian nuôi thua lỗ thời gian qua. Nhưng há lẽ kéo dài tình trạng này sẽ không tạo ra của cải và không giải quyết được các tồn đọng. Phải có một lối thoát nào đó cho người nuôi tôm, chủ yếu từ ý chí ngân hàng thương mại và chính sách của Chính phủ.

Tóm lại, thời gian hiện nay, ai cũng cho rằng giá tôm nuôi ta cao quá, hơn nước ngoài cả đô la mỗi kg. Thậm chí có người còn cho rằng là cao nhất thế giới! Nhiều ý kiến cho rằng tại giá con giống cao, giá thức ăn cao… Nhưng phân tích chiều sâu cho thấy giá cả con tôm giống không tác động đáng kể, chính chất lượng con tôm giống mới là yếu tố tác động cơ bản nhất tới giá thành nuôi tôm, thông qua tác động năng suất ao nuôi và tỷ lệ ao nuôi thành công. Giá thức ăn có tác động khá mạnh giá thành tôm nuôi, nhưng cái gốc vấn đề là do thiếu vốn phải mua qua trung gian, chớ giá gốc thức ăn ở mức bình thường. Giải pháp đã nêu như trên. Mọi sự vật qua lăng kính góc nhìn sẽ có hình ảnh không như nhau. Phân tích yếu tố tác động giá thành tôm nuôi ta cũng vậy. Hy vọng bài viết này góp phần làm sáng tỏ hơn, từ đó có giải pháp tương ứng. Và chỉ khi khám đúng bệnh mới có thuốc trị phù hợp!

Nguồn: VASEP

Dòng nước thải đen ngòm “bức tử” môi trường: Dân mang nước thối đi “chất vấn” lãnh đạo

Nhiều năm “kêu” nhưng không thấu, trong các cuộc làm việc với lãnh đạo địa phươg, người dân đã mang theo nước đen từ dòng khe để lãnh đạo “ngửi”.

Xả thải thẳng ra biển để tránh ô nhiễm

Ngày 19/7, liên quan đến vụ dòng nước thải đen ngòm từ trại nuôi tôm rộng 2,5 ha bốc mùi hôi thối nồng nặc tra tấn người dân, “bức tử” môi trường, ông Nguyễn Văn Nho – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, giải pháp trước mắt địa phương yêu cầu chủ hồ tôm đưa máy móc đến nạo vét, khơi thông lòng kênh (khe Chùa). Đồng thời để cho lượng nước thải từ hồ tôm ra khe Hóc ứ đọng bấy lâu nay cho chảy thẳng ra bãi biển Đông Hồi. Đây là giải pháp tạm thời để nước thải không bị lắng đọng ở các khu vực lòng kênh bốc mùi hôi thối. Doanh nghiệp cũng có hồ lắng chứa nước thải nhưng ít quá“.

977

Doanh nghiệp đưa máy khơi thông dòng nước để nước thải đổ thẳng ra biển để tránh ô nhiễm?

Cũng lãnh đạo UBND xã Quỳnh Lập, nước thải từ các hồ nuôi tôm không chứa các kim loại nặng, chỉ là do lắng đọng lâu ngày nên mới bốc mùi hôi thối, khiến người dân bức xúc.  Năm nào cũng phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã xử lý liên tục, xử phạt hàng chục triệu đồng.

Mang nước thải đi họp để lãnh đạo ngửi!

Trong khi đó ông Tô Huy Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cho hay:  Hiện thị xã đã thành lập đoàn để đi kiểm tra. Khu vực nuôi tôm trên thuộc Ban quản lý của Khu kinh tế Đông Nam nằm trong quy hoạch treo đã 10 năm nay.

UBND thị xã Hoàng Mai cùng vừa thành lập một tổ chỉ đạo, chia thành nhiều tổ nhỏ để làm việc liên quan đến các vấn đề như đất đai, môi trường, quy hoạch tại khu vực này.

10

Dòng khe Chùa nhuộm đen bởi nước thải, nhiều năm qua vẫn tra tấn người dân, bức tử môi trường.

Cũng theo ông Hùng, nhiều lần tiếp dân bà con mang luôn cả nước thối từ khe lên cho chúng tôi ngửi nữa. Họ bảo, ông Phó chủ tịch ông ngửi xem có chịu được không? Vấn đề sai phạm ở đây đã rõ nhưng đất thuộc quản lý của Khu kinh tế Đông Nam nên quá trình xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An xác nhận, khu vực nuôi tôm nói trên là nằm trong Khu kinh tế Đông Nam. Hiện nay họ đang xin mượn đất để đầu tư nuôi tôm và cam kết đảm bảo môi trường

7

Hình ảnh nước thải trong hồ các hồ chứa bằng đất.

Như Pháp luật Plus đã thông ti trước đó, những năm qua người dân xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vô cùng bức xúc trước thực trạng nước thải từ trại nuôi tôm rộng 2,5 ha trên thượng nguồn dòng khe Chùa đổ ra biển “bức tử” môi trường. Dòng nước thải đen ngòm hàng ngày tra tấn người dân, “đuổi” du khách khỏi bãi tắm.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên không hiểu vì sao suốt nhiều năm ròng rã người dân “kêu” nhưng không thấu, địa phương vẫn chưa có những biện pháp xử lý dứt điểm. Mỗi năm trại vẫn đều đặn vào vụ 2 lần, cũng là từng đó thời gian người dân phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Quang Phong – Nguồn: phapluatplus.vn

Xử lý hiệu quả nước thải nuôi thủy sản bằng tập đoàn vi khuẩn

xử lý nước thải nuôi thủy sản
Xử lý nước thải nuôi thủy sản bằng tập đoàn vi khuẩn cho hiệu quả cao hơn sử dụng đơn lẻ.

Xử lý khí độc NH4+ và NO2 trong nước thải thủy sản nhờ tập đoàn vi khuẩn : Bacillus cereus, Bacillus amyloliquefaciens và Pseudomonas stutzeri.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Cùng với việc gia tăng diện tích nuôi thì chất thải trong môi trường nước luôn là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều mô hình nuôi đã tạo ra một lượng lớn các chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, nitơ và photpho trong nước thông qua các thông số NH4+, NO2 và NO3…. Các chất độc này sẽ gây hại cho đời sống thủy sinh, gây mất cân bằng sinh thái khi thải ra ngoài môi trường tự nhiên. Đối với một số hệ thống nuôi tuần hoàn hay ít thay nước thì việc tái sử dụng lại nước là một điều đương nhiên, chính vì thế việc giảm nồng độ các khí độc NH4+, NO2 và NO3 rất quan trọng.

Trong số các phương pháp được sử dụng để xử lý nước thải trong quá trình nuôi thì phương pháp sinh học được ưu tiên hơn so với các phương pháp vật lý và hóa học vì tính thân thiện với môi trường, khả thi về mặt kinh tế. Nitrat hóa (quá trình chuyển đổi NH4thành NO2) và khử nitrat (quá trình chuyển đổi NO2 thành NO3) là 2 quá trình chính liên quan đến sự biến đổi nitơ trong nước ở dạng rất độc hại sang ít độc hai. Cần có một hệ thống sinh học kết hợp giữa quá trình nitrat hóa và khử nitrat để cải thiện việc làm sạch chất ô nhiễm trong nước dựa trên sự bổ sung các chủng vi khuẩn có lợi.

Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất lớn vào dòng vi khuẩn mà ta sử dụng. Trong nghiên cứu này, sự kết hợp của ba chủng vi khuẩn Bacillus cereus, Bacillus amyloliquefaciens  Pseudomonas stutzeri được sử dụng như một tác nhân tăng cường sinh học. Sự kết hợp 3 dòng vi khuẩn mang lại hiệu quả cao hơn so với việc sử dụng một dòng đơn lẻ.

Ba chủng vi khuẩn này được lấy từ các mẫu nước, mẫu đất ở ao, hồ hoặc trang trại nuôi cá và phân lập trong môi trường muối khoáng chỉ chứa ammonium sulphate hoặc kali nitrate (là nguồn nito duy nhất). Kết quả định danh bằng phương pháp giải trình tự gen 16S xác định được 2 vi khuẩn có khả năng phân hủy ammonia cao nhất là Bacillus amyloliquefaciens và Pseudomonas stutzeri và vi khuẩn Bacillus cereus có khả năng phân giải NO2 cao nhất với nồng độ vi khuẩn bổ sung ở mức 1% (10CFU/ml).

Cá rô phi (2,76g) là đối tượng được sử dụng trong nghiên cứu này vì khả năng tăng trưởng nhanh nên lượng chất thải trong môi trường nước nhiều. Cấy hỗn hợp gồm 3 vi khuẩn nêu trên với nồng độ 4×108 CFU/ml vào các bể nghiệm thức, định kì ba ngày lấy mẫu kiểm tra 1 lần, sau 15 ngày tính tỷ sống của cá.

Tập đoàn vi khuẩn này đã chuyển đổi ammonia thành nitrit và sau đó nitrit thành nitrat là rõ ràng khi nồng độ ammonia thấp hơn trong các bể sử dụng tập đoàn vi khuẩn. Trong trường hợp không sử dụng tập đoàn vi khuẩn ở các bể đối chứng thì nồng độ ammonia vẫn tiếp tục tăng. Mặc dù nồng độ của NH4+, NO2 và NO3 đã tăng lên trong quá trình thí nghiệm nhưng vẫn duy trì ở phạm vi an toàn. Ammonia là chất khí nhưng dễ tan trong nước do đó chúng tồn tại trong nước ở 2 dạng là NH4+ (ion hóa) và NH3( không ion hóa), cả hai đều gây hại cho thủy sinh. Nitrat sản phẩm cuối cùng của quá trình nitrat hóa, dạng này thì ít độc hại hơn so với ammonia và nitrit, độc tính này chỉ xảy khi nồng độ vượt quá 200mg/l. Cá có tỷ lệ sống cao ở bể có sử dụng tập đoàn vi khuẩn (97.2± 0.58%) so với bể không sử dụng (55% ± 0.25) càng chứng tỏ tầm quan trọng việc làm sạch môi trường nước của 3 chủng vi khuẩn này.

Để ngành thủy sản nước ta phát triển một cách bền vững, xử lý sinh học là một cách tiếp cận thân thiện với môi trường, là nơi các vi sinh vật có lợi được bổ sung vào với một nồng độ nhất định để cải thiện chất lượng nước và nước sau khi xử lý có thể tái sử dụng được cho vụ nuôi tiếp theo. Một chất xử lý sinh học tốt phải có khả năng làm sạch hiệu quả chất thải từ carbon, nitơ và các hợp chất lưu huỳnh có trong nước. Để giải quyết vấn đề này thì sự kết hợp của các vi khuẩn có lợi sẽ mang lại hiệu hơn so với việc sử dụng một dòng duy nhất. Hơn nữa, các hệ thống như vậy khả năng chống chịu sẽ tốt hơn với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường và tăng khả năng làm giảm nồng độ nitơ và photpho trong nước.

Nghiên cứu này đã tìm thấy được sự tương thích của 3 chủng vi khuẩn Bacillus cereusBacillus amyloliquefaciens và Pseudomonas stutzeri để tạo ra một tập đoàn vi khuẩn, giúp giảm mạnh nồng độ ammonia trong nước thải lên đến 84.89% , khi sử dụng Bacillus amyloliquefaciens và Pseudomonas stutzeri đơn lẻ thì hiệu quả chỉ đạt 44-57%.

Xử lý sinh học như một chiến lược bền vững để cải thiện chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản và có thể làm giảm bớt sự ô nhiễm môi trường. Sự kết hợp ba nhóm vi khuẩn Bacillus cereus, Bacillus amyloliquefaciens và Pseudomonas stutzeri được sử dụng trong nghiên cứu này như một tác nhân tăng cường sinh học để xử lý nước thải sinh ra trong bể nuôi cá rô phi. Mặc dù nồng độ ammonia, nitrit và nitrat tăng lên trong suốt quá trình sử dụng tập hợp 3 vi khuẩn này nhưng vẫn luôn duy trì trong giới hạn an toàn. Nghiên cứu này sẽ đóng góp một phần rất lớn cho quá trình xử lý nước thải của ngành nuôi trồng thủy sản ở nước ta. 
Sương Phạm –https://tepbac.com/