Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Cà Mau: Gỡ khó cho doanh nghiệp tôm

 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ của tỉnh Cà Mau tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 12%, chỉ đạt 374 triệu USD. Đáng nói, tỉnh đang tồn đọng khoảng 19.000 tấn tôm thành phẩm.

Tỉnh Cà Mau trong mùa khô đầu năm 2020 có 25.600 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh nhưng sản lượng vẫn đạt 293.000 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi tăng nhưng xuất khẩu giảm nên giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau liên tục giảm. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tô Quốc Nam, tôm thẻ loại 20 con/kg hiện chỉ còn 172.000 đồng, giảm 15% so với cách đây 2 tháng. Trong quý 1, giá tôm được đánh giá là “thấp chưa từng có”, thế nhưng sang quý 2 giá vẫn tiếp tục giảm và vẫn chưa có dấu hiệu dừng, đẩy 150.000 hộ nuôi tôm vào cảnh khó khăn.

Thu hoạch tôm ở Cà Mau

Ảnh minh họa

Tỉnh Cà Mau hiện có 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, với 39 nhà máy có tổng công suất 185.000 tấn/năm. Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chính đang giảm mạnh, thị trường Mỹ giảm hơn 66%, Trung Quốc 58%, Nga 37%.Trong 6 tháng đầu 2020, nhiều nhà máy chỉ có 50% đơn hàng so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo nhiều giải pháp cấp bách. Trong đó, thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho hơn 400 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại chi nhánh tại Cà Mau đã hỗ trợ 1.630 khách hàng (cá nhân, gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp…) cơ cấu lại nợ hơn 524 tỷ đồng. Dư nợ của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là 651 tỷ đồng cũng được xem xét.

 Thanh Hải – http://thuysanvietnam.com.vn/

Sóc Trăng: Thả tôm càng xanh, thả cá rô phi nuôi trong ruộng lúa, 2 con đều nhanh lớn, bán đắt hàng

Gặp chúng tôi hôm diễn ra hội nghị mô hình tôm – lúa, anh Mã Văn Hồng – Giám đốc HTX Tôm – Lúa Hòa Đê (Hòa Tú 1) của huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) khoe: “Hiện tôi còn khoảng hơn 300kg tôm càng xanh toàn đực cỡ 20 con/kg, nếu bán chắc cũng được vài chục triệu”.

Cuối quý III năm 2019, 6 thành viên của Hợp tác xã (HTX) Tôm – Lúa Hòa Đê, thả nuôi thử nghiệm 120.000 post tôm càng xanh toàn đực và kết quả đến thời điểm này cho thấy hầu hết đều nuôi khá thành công, dù lợi nhuận chưa cao.

Cũng theo anh Hồng, vào tháng 9, anh thả 30.000 post tôm càng xanh toàn đực vào ao ương 100m2. Trong thời gian này, anh có bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi nên chỉ sau 1 tháng là có thể đưa tôm ra ao nuôi kết hợp với trồng lúa.

Sóc Trăng: Thả tôm càng xanh, thả cá rô phí nuôi trong ruộng lúa, 2 con đều nhanh lớn, bán đắt hàng - Ảnh 1.
Phát triển thêm 2 đối tượng nuôi tôm càng xanh và cá rô phi vừa giúp nâng cao thu nhập vừa đảm bảo tính bền vững cho mô hình tôm – lúa. Ảnh: Tích Chu.

Theo đánh giá của anh, tỷ lệ sống đạt khoảng 50%, như vậy là khá thành công. Tính đến tháng 2 vừa qua, anh đã thu tỉa tổng cộng 170kg tôm cỡ 20 – 30 con/kg và bán được giá bình quân 105.000 đồng/kg. 

Hiện trong ao của anh còn khoảng 300kg tôm cỡ 20 con/kg mà bán hết ở thời điểm này, lợi nhuận cũng vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng. 

“Quá trình nuôi tôi chỉ bổ sung thức ăn cho tôm giai đoạn tôm còn nhỏ, còn khi lớn thì tôm tự kiếm ăn trên ruộng lúa. Lợi nhuận từ tôm càng xanh tuy không bằng tôm thẻ hay tôm sú do giá tôm càng xanh thấp, nhưng rất dễ nuôi và chi phí đầu tư cũng thấp, chủ yếu là mua con giống” – anh Hồng cho hay.

Cùng thử nghiệm nuôi tôm càng xanh toàn đực với anh Hồng còn có anh Trần Văn Tiến và theo anh cho biết, tỷ lệ sống của tôm cũng đạt khoảng 50%. 

Anh Tiến chia sẻ: “Nuôi tôm càng xanh này không khó nhưng mà bán thì hơi khó vì hầu hết lái đều mua tôm ôxy nên số lượng mỗi lần bắt không được nhiều. Hiện tại trong ao tôi vẫn còn tôm khá lớn và tôi vẫn neo đó bán dần dần, đến khi nào chuẩn bị thả vụ mới thì mới thu hoạch dứt điểm. Tính ra với 20.000 post, cùng tỷ lệ sống trên, sản lượng ước khoảng 200kg thì lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng chứ không nhiều”.

Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với anh Hồng còn có sự tham gia, góp ý của ông Đào Văn Bảy – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng. 

Nếu mình thả nuôi tôm càng xanh bình thường thì tỷ lệ tôm cái khoảng 70 – 80%, còn tôm đực chỉ 20 – 30% nhưng có cái lợi là giá tôm giống rẻ và chỉ nuôi khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch tôm trứng bán…”.

Ông Đào Văn Bảy – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng

Theo ông Bảy, giá tôm trứng trên thị trường thường dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg và được tiêu thụ khá mạnh nên tính ra cũng có hiệu quả và rút ngắn được thời gian nuôi. Vì vậy, HTX nên thử nghiệm nuôi song song giống tôm càng xanh toàn đực và giống tôm càng xanh bình thường để so sánh, nếu thấy loại nào có hiệu quả hơn thì mình chọn.

Cũng theo anh Mã Văn Hồng, vụ tới đây HTX đang tính toán lại xem nên nuôi tôm càng xanh toàn đực tiếp tục hay nuôi tôm càng xanh loại bình thường hoặc thả nuôi cá rô phi. 

Riêng đối với cá rô phi hiện HTX đang có thị trường khá tốt mặt hàng chả cá rô phi nên HTX đang cân nhắc phát triển đối tượng nuôi này trên một diện tích nhất định để đáp ứng yêu cầu thị trường và giúp đa dạng nguồn thu nhập của các thành viên HTX. 

Mặt hàng chả cá rô phi nước lợ tự nhiên của HTX Hòa Đê đã được công nhận là sản phẩm OCOP và đang được tiêu thụ khá tốt trong một số nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh, nên đây cũng là một lợi thế không nhỏ để HTX mở rộng sản xuất mặt hàng này.

Tuy diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh Sóc Trăng chưa nhiều so với một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các tổ chức quốc tế, diện tích nuôi tôm càng xanh cũng bắt đầu tăng lên, đặc biệt là tại vùng chuyên mô hình tôm – lúa. 

Bình quân, mỗi hécta nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa, người nuôi có lãi từ 15 – 20 triệu đồng khi thu hoạch tôm càng xanh. Đối với những năm tôm càng xanh loại 1 (từ 10 – 15 con/kg) có giá thì mức lãi cũng khá cao.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nếu Dự án Lúa thơm – Tôm sạch được triển khai, con tôm càng xanh sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn nhờ xen canh với ruộng lúa canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Tích Chu (Báo Sóc Trăng)

Xuất khẩu cá tra giảm mạnh, xuất khẩu tôm lại tăng

Chế biến tôm
Xuất khẩu tôm có xu hướng tăng mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, dù trong bối cảnh dịch COVID-19, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 22,3 tỷ USD, với mặt hàng thủy sản, tuy xuất khẩu cá tra giảm mạnh, nhưng bù lại xuất khẩu tôm tăng mạnh.

Ngày 28/7, Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2020 với hàng nông lâm thủy sản ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 4%; thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4% và lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 6,7%. Riêng tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6/2020. 

 Trong 7 tháng đầu năm nay, dù bối cảnh thị trường khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn có kim ngạch xuất khẩu tăng nổi bật: gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre…

 Cụ thể, mặt hàng gạo xuất khẩu gạo đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%), rau đạt 414 triệu USD (tăng 9,6%), sắn đạt 107 triệu USD (tăng 101,8%), quế đạt 110 triệu USD (tăng 15,4%), sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD (tăng 9%)…

 Với mặt hàng thủy sản, tuy xuất khẩu cá tra giảm mạnh, nhưng bù lại xuất khẩu tôm tăng mạnh, thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%). Đến nay, có 6 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó đứng đầu là sản phẩm gỗ với trên 4,5 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam vẫn là Trung Quốc, kim ngạch đạt gần 5,4 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 24,1% thị phần.

Tiếp đó là thị trường Hoa Kỳ ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,1% thị phần; thị trường ASEAN đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 6,2% và chiếm 10,27% thị phần. Trong khi đó, hai thị trường lớn khác là EU và Nhật Bản đều chiều hướng giảm nhẹ.

 Bộ NN&PTNT nhận định, dù nhiều tác động do dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt dịch COVID-19 có nguy cơ tái bùng phát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh nông nghiệp…  dự kiến phương án tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 – 3%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,85%; thủy sản tăng 3%; lâm nghiệp tăng 2,57%. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD.

Nam Khánh Tiền Phong

Để tôm không thiếu chất khi dùng bột xương thịt

Bột tỏi thức ăn tôm
Bột tỏi gia tăng sức khỏe và sức đề kháng cho tôm thẻ.

Nguồn protein bền vững từ bột xương thịt hoàn toàn có thể thay thế cho bột cá, cộng thêm tỏi sẽ gia tăng sức khỏe và sức đề kháng cho tôm thẻ.

Ngành thực phẩm ở thế kỉ XXI đang gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trong số các ngành cung cấp thực phẩm, thì nuôi trồng thủy sản là một ngành sản xuất bền vững. Tới 60% sản lượng tôm nuôi phụ thuộc vào thức ăn nhân tạo, chiếm lượng chi phí sản xuất cao. Vì vậy sản xuất tôm bền vững, ít tốn phí là một ưu tiên hàng đầu của ngành thủy sản hiện nay. Vì phí bỏ ra cao nên người ta đang tìm kiếm những sự thay thế mang tính bền vững cho thức ăn. Vì hiện tại các thành phần này rất đắt đỏ nhất là bột cá. 

Bột cá và dầu cá vẫn là thành phần đóng góp nhiều dinh dưỡng nhất cho thức ăn. Nhưng vì việc đánh bắt cá tạp ngày càng cạn kiệt nên nhiều nghiên cứu thay thế bột cá đã được tiến hành. Trong đó có bột côn trùng, các phụ phẩm từ động vật nhất là thịt và xương. Nguồn protein động vật được coi là nguồn dinh dưỡng bền vững cho tôm do chúng có hàm lượng carbohydrate thấp, lượng protein và photpho lại cao. Tuy nhiên chỉ thay bột cá bằng bột xương thịt thì tôm lại thiếu các acid amin lysine và methionine, đây là một hạn chế rất lớn.

Có nhiều nghiên cứu sử dụng bột xương thịt để thay thế bột cá trong thức ăn của tôm thẻ chân trắng và cả tôm càng xanh. Bột xương thịt có thể bù đắp lượng protein của bột cá mà không hề làm giảm hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm. Sự tăng trưởng của tôm phụ thuộc chủ yếu vào thành phần dinh dưỡng được bổ sung và hoạt động của hệ tiêu hóa, cộng thêm sự chuyển hóa các chất trong đường ruột. Theo đó việc sử dụng một số enzyme cải thiện hệ tiêu hóa của tôm với mục đích cuối cùng chính là gia tăng hiệu suất tăng trưởng. Tỏi là một trong những chất bổ sung như vậy. Tỏi kích thích tiêu hóa bằng cách kích hoạt hoạt động của các enzyme như lipase, trypsin và phosphatase. Ngoài ra tỏi còn tăng hoạt tính của các acid mật – quan trọng trong hệ tiêu hóa vì hấp thu chất béo.

Lợi ích của tỏi đối với thủy sản thì từ lâu đã không thể phủ nhận, bao gồm trên các loài  cá mè, cá hồi, cá tầm, cá chẽm, cá chép, hay cá rô phi. Nhưng tích cực nhất và tỏi sử dụng bổ sung nhiều nhất là đối với tôm thẻ chân trắng. Tỏi có nhiều đặc tính với tôm như kháng nấm, kháng khuẩn, cải thiện chất lượng thịt, các hệ thống chuyển hóa và gia tăng hiệu suất tăng trưởng cùng với khả năng miễn dịch của tôm. Acillin trong tỏi còn cải thiện hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột, và cuối cùng là tăng hiệu suất tăng trưởng một cách  rõ rệt.

Lượng bột cá trong thức ăn của tôm thẻ chân trắng rất cao và loài này cũng là loài tôm nuôi nhiều nhất trên thế giới. Nên việc thay thế bột cá bằng nguồn protein khác là một vấn đề rất quan trọng đối với sự bền vững của ngành sản xuất tôm này. Thay thế bột cá bằng bột xương thịt không hề ảnh hưởng đến tăng trưởng của tôm trong khi bột cá từ 250g/kg thức ăn giảm xuống còn 100g/kg thức ăn sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí nuôi. Kết hợp với việc bổ sung 30g tỏi/ kg thức ăn tạo nên một sự cộng hưởng mạnh mẽ cho hệ tiêu hóa của tôm. Và việc bổ sung thêm tỏi làm quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn và đường ruột tôm khỏe hơn thấy rõ. Không hề có sự sụt giảm lượng acid amin ở đây, lysine và methionine đều đủ cho sự phát triển, có thể là do mức độ bổ sung bột xương thịt và tỏi cao hơn các nghiên cứu trước.

Nguồn dinh dưỡng từ các loại thủy sản khác nhau là khác nhau, thường phụ thuộc vào tuổi, giới tính, kích cỡ hay chất lượng môi trường sống, mùa vụ và khu vực địa lý. Tuy nhiên lý do chính vẫn là do chế độ ăn của chúng. Khi bổ sung bột xương thịt thay thế bột cá kết hợp với tỏi không hề làm thay đổi hàm lượng dinh dưỡng trong cơ thịt của tôm thẻ chân trắng. Thế nhưng hàm lượng chất béo có tăng so với trước, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi. Cộng thêm tác dụng của tỏi làm hàm lượng protein và chất béo ổn định, giảm đáng kể quá trình chống oxy hóa trong cơ thịt của tôm.

Một điều tuyệt vời hơn là khi sử dụng bột xương thịt và tỏi thì những acid amin có hàm lượng ổn định hơn và có xu hướng gia tăng. Tỏi cũng điều tiết các biểu hiện gen, tính hiệu của tế bào miễn dịch, phản ứng chống oxy hóa và dẫn truyền xung thần kinh. Cộng thêm duy trì và bảo vệ toàn vẹn niêm mạc ruột của tôm thẻ. Sự tích lũy những acid béo EPA, DHA tốt cho cơ thể trong cơ thịt cũng có khả năng liên quan đến các chất chống oxy hóa trong tỏi.

Việc thay thế này có 3 lợi ích chính. Thứ nhất là tăng được lượng ăn của tôm do kích thích sự bắt mồi từ đó giúp tôm tăng trưởng tốt. Thứ 2 là cải thiện việc sử dụng protein và acid amin của tôm. Và cuối cùng thì bột xương thịt là sản phẩm sẳn có nên có thể đảm bảo được tính bền vững nếu được thay thế. Từ đây làm giảm áp lực cho việc sử dụng bột cá. Vì tôm thẻ chân trắng chiếm tới 53% trong tổng lượng giáp xác nuôi trên toàn cầu. Do đó kết hợp bột xương thịt thay thế bột cá, đồng thời bổ sung tỏi vào trong thức ăn là một sự kết hợp hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao cho ngành nuôi tôm.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Tiêu thụ tôm đối mặt với sự thay đổi vĩnh viễn

 Đại dịch virus corona trên toàn cầu có thể thay đổi ngành tôm vĩnh viễn, khiến nhu cầu và giá mất thời gian để hồi phục. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang mua qua các kênh bán lẻ, đặc biệt là sử dụng dịch vụ thương mại điện tử.

Hơn rất nhiều loài hải sản, tôm tạo doanh thu hàng năm ổn định cho ngành dịch vụ thực phẩm. Tuy nhiên, nhu cầu tôm đã giảm mạnh chỉ sau một đêm do dịch COVID-19, nhất là tại Mỹ và EU. Điều này theo Jim Gulkin, Tổng Giám đốc Công ty Siam Canadian, Thái Lan là: “Đã tạo ra một khoảng trống lớn trong doanh số mà sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể hồi phục. Không chỉ 6 tháng hay 1 năm, chúng ta có thể phải mất đến vài năm để khôi phục lại trạng thái như trước dịch bệnh”.

Một thách thức quan trọng khác mà ngành tôm phải giải quyết là lấp đầy khoảng trống trong nhu cầu do sự suy yếu của ngành dịch vụ thực phẩm cùng với việc cung cấp thực ăn cho một nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Theo Jim Gulkin, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang mua hàng qua các kênh bán lẻ, đặc biệt là sử dụng dịch vụ thương mại điện tử. Sự chuyển dịch này có thể tồn tại mãi mãi và đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết.

Mặc dù thức ăn đông lạnh khá phổ biến tại các nước phương Tây, ông Gulkin tin rằng, xu hướng chuyển dịch sang thương mại điện tử cũng sẽ rất mạnh tại các nước Đông Á, nơi mà người dân thường quen mua sắm tại chợ truyền thống.

Theo nguồn tin của bà Fatima Ferdouse, cố vấn thủy, hải sản của Liên Hiệp quốc, các nước Đông Nam Á có rất ít tôm trong thị trường mua sắm trực tuyến. Bà nói thêm: “Người dân Đông Nam Á vẫn ưa chuộng các loại cá hơn là sản phẩm tôm không đầu. Hơn nữa, các sản phẩm tôm đông lạnh là rất hiếm tại khu vực này, nên người tiêu dùng ngày càng mua ít tôm và mua nhiều cá hơn bất kỳ loại hải sản nào”.

Tuy nhiên, phát triển thị trường nội địa là một phương án tuyệt vời để giúp nông dân thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay. Bà Ferdouse nhận định: “Chúng ta cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa một cách tốt nhất có thể. Tại Đông Nam Á, mọi chuyện phụ thuộc vào chi tiêu mà người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra để mua tôm”.

Ví dụ, Ấn Độ là một thị trường tiềm năng bất tận cho tiêu thụ tôm. Ngay cả khi chỉ 30% dân số ăn 2 kg tôm mỗi năm, họ vẫn sẽ tiêu thụ hết lượng tôm mà quốc gia này sản xuất.

Trong khi, tại Mỹ, Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng NTTS Ecuador nhận định, sự khác biệt về văn hóa cũng là một rào cản cho tôm xuất khẩu của các quốc gia khác. Vì vậy, phải điều chỉnh sản phẩm dựa trên nền tảng đó và sau đó phải điều chỉnh nó phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng cụ thể.

Ông Antonio Camposano nói thêm: “Dù là giải pháp nào thì trong một năm hoặc lâu hơn, thị trường tôm sẽ có một diện mạo hoàn toàn khác biệt. Dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy sự mong manh của thị trường, mọi thứ đang dần thay đổi trong bối cảnh phong tỏa và cách ly xã hội. Và cuối cùng, chúng ta nhận thấy, thị trường đã mãi thay đổi, thay đổi về khách hàng, thay đổi về cách mua hàng và thay đổi cả về cách ăn thức ăn”.

Phương Ngọc

Theo Undercurrentnews

Gặp khó ở Trung Quốc, Ecuador hướng xuất khẩu tôm sang Mỹ

Gặp khó ở Trung Quốc, Ecuador hướng xuất khẩu tôm sang Mỹ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sản xuất và XK tôm của Ecuador phải đối mặt với nhiều áp lực. Hơn nữa, mới đây, thị trường NK tôm lớn nhất của Ecuador là Trung Quốc cấm NK tôm từ 3 công ty XK tôm lớn của Ecuador.

Ngành tôm Ecuador đang phải vật lộn tìm giải pháp, trong đó họ cũng tìm cách đẩy mạnh XK sang thị trường Mỹ để bù đắp cho những tổn thất từ thị trường Trung Quốc.

Ngành tôm Ecuador phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh trong sản xuất và XK do tác động của cuộc khủng hoảng thị trường và nhu cầu suy giảm. Hàng nghìn hectare diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang. Người dân loay hoay cố gắng hạ chi phí sản xuất, phải treo ao hoặc bán ao. Tại các khu vực như Barbones, Pagua, Huaquillas và Santa Rosa, giá bán tôm đã giảm xuống dưới giá thành sản xuất nên người nuôi không thể tiếp tục hoạt động. Một số cơ sở sản xuất phải cắt giảm nhân công hoặc ngừng hoạt động. Một số người nuôi phải bán ao mặc dù giá bán hiện tại thấp hơn từ 20-40% so với năm 2019.

Tính tới cuối tháng 6/2020, giá tại đầm tôm Ecuador nguyên con giảm từ 0,1 – 0,4 USD/kg so với vụ thu hoạch trước đó. Giá giảm gần 20% đối với tôm HOSO cỡ 20/30 con và giảm lần lượt 15% và 10% đối với cỡ 60/70 và 70/80 con/kg.

Sụt giảm xuất khẩu tôm sang Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất tôm Ecuador, chiếm 62% tổng XK tôm của Ecuador. Trung Quốc duy trì là thị trường thế mạnh của Ecuador từ năm 2019 khi XK tôm sang thị trường này liên tục tăng trưởng 3 con số. Quý đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường “cứu cánh” cho XK tôm Ecuador trong bối cảnh Covid-19 khi XK sang Mỹ và EU đều sụt giảm. Tuy nhiên, với quyết định bất ngờ của Trung Quốc cấm NK tôm từ 3 công ty của Ecuador, XK tôm Ecuador sang Trung Quốc giảm dần kể từ tháng 5 năm nay.

Tháng 5/2020, XK tôm Ecuador sang Trung Quốc đạt 116 triệu pao. Tháng 6/2020, XK tôm sang thị trường này giảm xuống còn 59 triệu pao, giảm 49% so với tháng 5. Đến tháng 7/2020, XK tôm Ecuador sang Trung Quốc chỉ đạt 11 triệu pao, chỉ chiếm khoảng 9% lượng XK trong tháng 5.

Vào 10/7/2020, giới chức Hải quan Trung Quốc đã đình chỉ giấy phép XK của 3 công ty XK tôm lớn của Ecuador (gồm Santa Priscila, Empacadora Del Pacico Sociedad Anonima Edpacif và Empacreci) do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. Lệnh cấm này đã gây ra một loạt khó khăn cho sản xuất và XK tôm của Ecuador và ảnh hưởng tới việc làm của hàng nghìn lao động. Giới chức Ecuador cũng đang yêu cầu Trung Quốc xem lại quyết định đột ngột này và đưa ra các dẫn chứng cho rằng chưa có bằng chứng về việc thực phẩm, container chở thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm liên quan đến lây nhiễm và phát tán virus corona.

Hướng sang thị trường Mỹ

Do gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, các công ty XK tôm Ecuador hướng sang thị trường NK tôm lớn thứ hai của nước này là Mỹ. Các nhà XK Ecuador lên phương án hạ giá bán tôm để XK sang Mỹ. Trên thị trường Mỹ, 1 pao tôm cỡ 21/25 có giá 3,60 USD trong khoảng giữa tháng 6 năm nay, nhưng hiện tại Ecuador hạ giá xuống còn khoảng 3,15 USD/pao.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp Ecuador cũng gặp khó khăn vì Mỹ tiếp tục hạn chế việc mở cửa trở lại dịch vụ thực phẩm để ngăn chặn Covid-19. Các nhà cung cấp Ecuador còn lúng túng trong việc đóng gói sản phẩm đúng quy cách để phục vụ ngành bán lẻ. Các block tôm đông lạnh từ 2-5 kg phục vụ nhà hàng thì hiện phải chuyển đổi thành tôm lột vỏ, bỏ chỉ lưng đóng túi 1-2 pound để phục vụ bán lẻ.

Trước những thách thức hiện tại, ngành tôm Ecuador đang vận động để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường NK. Xét nghiệm PCR nhanh nhằm phát hiện virus đã được áp dụng rộng rãi tại các nhà máy đóng gói tôm và các biện pháp an toàn sinh học cũng được tăng cường trong các khu vực đóng gói nguyên liệu và container.

Các nhà sản xuất Ecuador cũng đang nhắc nhở nhau về việc cần phải liên kết lại để giá tôm không giảm sâu hơn nữa, cùng bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất, kêu gọi sự hỗ trợ của Chính phủ, nỗ lực vượt qua khó khăn và tìm kiếm thêm các thị trường mới, không nên chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Kim Thuhttp://vasep.com.vn/

Nhiều hộ nuôi tôm trắng tay vì dịch

Nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến tôm nuôi tại huyện Quảng Điền bị bệnh đốm trắng.

Người nuôi ở Sịa kiểm tra ao nuôi

Thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Ông Hồ Xuân Vinh ở thị trấn Sịa là một trong những người có thâm niên nuôi tôm trên đầm phá Tam Giang, cũng là hộ có diện tích nuôi khá lớn với 4 hồ rộng hơn 1 ha. Dù tích lũy kinh nghiệm gần 20 năm nuôi tôm sú, nuôi xen ghép nhưng vụ nuôi này ông Vinh vẫn “bó tay” trước tình dịch bệnh, tôm chết do nắng nóng gay gắt, kéo dài.

“Không chỉ nắng nóng, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, ngày nắng nóng, chiều tối mưa dông khiến tôm không kịp thích nghi, chết đột ngột hoặc bị bệnh. Các hộ nuôi cũng không thể “bắt kịp” thời tiết thất thường nên thiếu sự chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Khi tôm xảy ra dịch bệnh thì đã muộn, nhất là bệnh đốm trắng không có thuốc đặc trị. Nhiều hộ nuôi đành nhìn tôm chết, chấp nhận trắng tay”, ông Vinh lý giải.

4 ao hồ nuôi tôm sú, xen ghép của ông Vinh, trong đó có đến 3 hồ bị chết gần như hoàn toàn, hồ còn lại chết khoảng hơn một nửa. Nếu không bị dịch, chỉ chừng hai tháng nữa cho thu hoạch, 4 hồ tôm có thể lãi 200 triệu đồng. Giờ đây không chỉ thất thu mà còn bị lỗ nặng. Ông Vinh nhẩm tính, nuôi 4 hồ, chi phí con giống, thức ăn, thuốc men, công chăm sóc, điện nước… trong 3 tháng nuôi ước 300 triệu đồng, đó cũng là con số thiệt hại.

Đến thời điểm này, trên địa bàn thị trấn Sịa có hơn 50% diện tích nuôi tôm, tôm xen ghép của hơn 20 hộ dân bị dịch bệnh đốm trắng và các loại bệnh môi trường. Ước thiệt hại do dịch bệnh, tôm chết toàn thị trấn trên dưới 5 tỷ đồng.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền, bà Trần Thị Thanh Nhã thông tin, mấy năm gần đây, mặc dù huyện Quảng Điền khuyến khích đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản, nuôi xen ghép, nhưng con tôm vẫn là chủ đạo. Dịch bệnh trên tôm nuôi lâu nay vẫn là bài toán nan giải đối với huyện Quảng Điền.

Theo bà Nhã, dịch bệnh trên tôm năm nay diễn biến phức tạp hơn so với những năm trở lại đây. Tính đến ngày 28/7, toàn huyện có khoảng 110 ha tôm nuôi của 80 hộ bị bệnh môi trường và bệnh đốm trắng. Trong đó, có 44 ha/78 hộ tôm bị bệnh đốm trắng (cao hơn 32 ha/55 hộ so với cùng kỳ năm trước). Toàn huyện có khoảng 80 hộ nuôi bị thiệt hại trên dưới 20 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ mất trắng.

Bà Trần Thị Thanh Nhã cho rằng, mấy năm gần đây không có lũ lớn tẩy rửa môi trường nên dư lượng các chất độc hại trong ao nuôi, đầm phá vẫn còn tồn đọng.

Chất lượng con giống kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm dịch bệnh. Lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nuôi, còn lại phải mua các tỉnh khác. Các trại sản xuất giống chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ các điều kiện, yếu tố đảm bảo chất lượng. Tâm lý người dân ham rẻ, ngại tốn chi phí nên không kiểm tra chất lượng giống tại chỗ bằng máy PCR. Khi giống vận chuyển về địa phương lại không đưa đến kiểm tra bằng máy PCR.

Thường xuyên kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường thích hợp

Sục khí thường xuyên, một trong những biện pháp ứng phó nắng nóng

Dự báo từ nay đến tháng 8, thời tiết nắng, mưa thất thường, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm, thay đổi đột ngột nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra rất lớn.

Theo kinh nghiệm nuôi tôm của ông Phan Lành ở thị trấn Sịa – người có nhiều ao hồ nuôi đến nay vẫn an toàn, đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, ông giảm 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; bổ sung thêm vitamin C, khoáng vi lượng, sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng. Ông Lành cũng như nhiều hộ nuôi thường sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi.

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền khuyến cáo, người dân phải thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường trong giới hạn thích hợp, theo quy định và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Mực nước trong ao phải duy trì tối thiểu 1,3-1,5m, nếu cần bổ sung nước thì phải lấy vào thời điểm đỉnh triều, qua túi lọc, cấp vào ao lắng để xử lý môi trường trước khi cấp vào ao nuôi; sử dụng quạt nước, hoặc sục khí vào thời điểm thích hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh yêu cầu, cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân trong việc quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo trên vùng đầm phá, trong ao hồ, nhất là thời điểm nắng nóng. Các hộ nuôi cần duy trì ổn định độ pH trong giới hạn cho phép bằng vôi bột, vôi Dolomite đúng liều lượng và đúng thời điểm trong ngày…

Nguồn:https://baothuathienhue.vn