Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Cải thiện khả năng tăng trưởng của tôm, cá bằng cách bổ sung Enzyme (men tiêu hóa) vào thức ăn

cho cá tra ăn
Bổ sung Enzyme (men tiêu hóa) vào thức ăn giúp cải thiện khả năng tăng trưởng của tôm, cá

Tăng trưởng là thước đo đánh giá sự thành công cũng như lợi nhuận của nuôi trồng thủy sản. Tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều yếu tố dưới đây.

1. Di truyền

Đó là sự thuần hóa và cải tạo gen di truyền nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng. do đó,  để đảm bảo cho đàn tôm cá có tăng trưởng tốt nhất, người nuôi cần chọn trại giống có uy tín, con giống bố mẹ được chọn lọc kỹ càng, có thể sản xuất đàn con có hiệu quả tăng trưởng cao.

Một trong lĩnh vực mà các chương trình nhân giống hướng đến là cải thiện di truyền khả năng sử dụng tốt hơn protein, axit amin và lipid trong các thành phần có nguồn gốc thực vật ở các loài tôm cá có tập tính ăn là ăn tạp hoặc ăn động vật. Xu hướng chung của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới là phát triển bền vững hơn thông qua việc giảm lượng bột cá trong thức ăn, do đó tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ hiệu quả tất cả các chất dinh dưỡng trong các thành phần thức ăn thay thế (thức ăn ít bột cá) ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, việc lai tạo chọn lọc mới được ứng dụng trên đối tượng nuôi cá hồi, các loài tôm cá nuôi châu Á vẫn chưa bắt đầu.

Cải thiện khả năng sử dụng và tiêu hóa carbohydrate sẽ giảm bớt nhu cầu sử dụng protein và chất béo cho năng lượng (carbohydrate có thể cung cấp năng lượng và chia sẻ cung cấp năng lượng với protein và lipid*). Ngoại trừ các loài cá có tập tính ăn thực vật, hầu hết các loài cá chưa phát triển enzyme tiêu hóa các carbohydrate khác ngoài đường đơn vì carbohydrate không được tìm thấy trong khẩu phần ăn tự nhiên của chúng (Wilson 1994, Polakof et al. 2012). Ngay cả khi đó, phần lớn khả năng tiêu hóa của cá có thể sử dụng carbohydrate đến từ quá trình lên men vi khuẩn bởi hệ vi sinh vật đường ruột khu trú trong ruột của chúng (Kihara và Sakata 1997). Trong hầu hết các loại ngũ cốc, năng lượng, carbohydrate, protein và lipid phần lớn không có sẵn vì chúng “bị khóa” bên trong thành vách tế bào được tạo ra từ các polysaccharide phức tạp như lignin, hemicellulose, glycan, mannans và xylans. Bổ sung các enzyme carbohydrase trong thức ăn bao gồm các enzyme như amylase, glucanase, mannanase và xylanase (đã được sử dụng trong phổ biến thức ăn gia cầm trong nhiều thập kỷ) sẽ hỗ trợ tiêu hóa carbohydrate phức tạp. 

Các nghiên cứu trên cá và tôm đã chỉ ra rằng những enzyme này hoạt động hiệu quả khi được bổ sung vào thức ăn thủy sản cho nhiều loài. Các enzyme này làm tăng năng lượng sẵn có trong khẩu phần ăn bằng cách chuyển đổi các hợp chất oligosaccharid tinh bột và polysaccharid phi tinh bột (Non-Starch Polysaccharid – NSP) thành đường đơn, và bằng cách phá vỡ thành tế bào, “mở khóa” nhiều protein và lipid hơn để động vật “chiết xuất” và sử dụng. Bí quyết để sử dụng enzyme carbohydrase hiệu quả nhất là kết hợp nhiều enzyme được thiết kế đặc biệt để phá vỡ các carbohydrate khó tiêu. Ví dụ, thức ăn có nhiều bột đậu nành khi bổ sung hỗn hợp các men galactosidase, glucanase và mannase, để phá vỡ các NSP nổi bật trong bột đậu nành thì sẽ sử dụng bột đậu nành hữu hiệu hơn các khẩu phần thức ăn cho tôm.

2. Điều kiện môi trường tối ưu

Vì động vật thủy sinh không thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể của chúng, nên việc giữ nhiệt độ nước trong phạm vi tối ưu là điều cần thiết để đạt được sự phát triển tối đa. Nhiệt độ thấp hơn phạm vi tối ưu làm giảm lượng thức ăn ăn vào, do quá trình trao đổi chất bị suy giảm và năng lượng giảm, dẫn đến tăng trưởng chậm. Nhiệt độ trên phạm vi tối ưu khiến quá trình trao đổi chất chạy đua, lãng phí năng lượng và chất dinh dưỡng. Nhiệt độ khắc nghiệt, cao hoặc thấp, sẽ làm vật nuôi chết và tỉ lệ chết gia tăng. Trong số các quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng của nhiệt độ đến tốc độ hoạt động của nhiều enzyme có lẽ là có liên quan nhất, vì hiệu quả của các quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng phụ thuộc rất nhiều vào enzyme.

Cũng giống như các enzyme nội sinh, enzyme bổ sung trong thức ăn cũng có khoảng nhiệt độ hoạt động tối ưu, nhưng enzyme từ thức ăn có một lợi thế là chúng có thể được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong một phạm vi nhiệt độ rộng hơn. Thông thường,  tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nhiệt độ thấp, một phần do giảm lượng thức ăn ăn vào, nhưng cũng do giảm hoạt động tiêu hóa và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của vật nuôi ở nhiệt độ thấp. Hơn nữa, khi lượng dinh dưỡng thiết yếu giảm đi, khả năng miễn dịch cũng suy yếu, và đối với nhiều loài, mầm bệnh đang chực chờ để tấn công và bộc phát bệnh trên diện rộng. Một chiến lược thông minh là bổ sung phytase và protease vào thức ăn mùa đông, tăng cường quá trình tiêu hóa protein nội sinh và tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (bằng cách phá hủy các chất ức chế protease và ngăn chặn axit phytic liên kết với các chất dinh dưỡng thiết yếu như phốt pho, axit amin, khoáng vi lượng và vitamin).

3. Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng hợp lý

Đây là một thách thức thực sự đối với nhiều loài thủy sản nuôi vì nhu cầu dinh dưỡng chưa được xác định, nhưng có một số loài, chẳng hạn như tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) hoặc cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) đang được nuôi rất thành công với dữ liệu dinh dưỡng không đầy đủ. Tất nhiên, lợi ích của việc xác định đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cân đối khẩu phần ăn tốt hơn sẽ giúp cải thiện hiệu quả tăng trưởng và sử dụng thức ăn, giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận. Bột cá là thành phần được ưa chuộng trong thức ăn thủy sản hiện nay vì nó dễ tiêu hóa và cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng trọng yếu tốt hơn mong đợi (về sự hiểu biết về nhu cầu dinh dưỡng của các chất đã biết và cả những chất chưa biết), với thành phần dinh dưỡng cho axit amin, lipid và khoáng chất phù hợp chặt chẽ với nhu cầu thực tế của tôm cá. Như vậy, với việc giảm lượng bột cá và tăng cường sử dụng các loại protein thực vật thay thế sẽ làm tăng nguy cơ không cung cấp đủ dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn.

4. Chăm sóc quản lý

Duy trì sức khỏe và phúc lợi tối ưu của động vật nuôi là một yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định  cho chúng phát triển tốt, đảm bảo tỉ lệ sống cao cho đến khi thu hoạch. Nói cách khác, để đảm bảo đạt được 1 mùa vụ có năng suất, lợi nhuận cao là điều mà tất cả người nuôi đều kỳ vọng. Thả nuôi với mật độ phù hợp để vừa đảm bảo tối ưu hóa không gian nuôi cũng như giảm stress ở mức thấp nhất là yếu tố quan trọng nhất, nhằm tránh xây sát tổn thương trên cơ thể vật nuôi và tránh stress  (do chăm sóc quản lý không thích hợp) – là các nguyên nhân dẫn đến suy yếu khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ tấn công mầm bệnh và bệnh tật.

Quản lý các yếu tố chất lượng nước, tạo môi trường tối ưu cho sự phát triển của vật nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng phát triển, bao gồm oxy hòa tan, pH, nitơ.

5. Quản lý tốt thức ăn và việc cho ăn

Tổng lượng thức ăn được sử dụng và chi phí tích lũy của thức ăn khi thu hoạch là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định lợi nhuận của người nuôi, Thông thường, thức ăn là khoản đầu tư lớn nhất, 50-60% hoặc hơn của tổng chi phí nuôi. Việc đạt được hiệu quả sử dụng thức ăn (Feed effiency-FE) tốt nhất, hoặc hệ số chuyển đổi thức ăn (Feed conversion ratio – FCR) là chìa khóa thành công. Quy tắc chung là “cho cá ăn, không cho nước”. Và, tất nhiên, lượng chọn chất lượng thức ăn quan trọng không kém. Ngược lại, quản lý việc cho ăn kém không chỉ làm giảm tăng trưởng và tăng chi phí, mà còn làm giảm chất lượng nước do tăng lượng nitơ và phốt pho thải ra môi trường.

6. Các chất dinh dưỡng thiết yếu có độ tiêu hóa cao và khả năng chuyển hóa cao trong khẩu phần ăn

Hàm lượng protein, chất béo, năng lượng và vitamin trong thức ăn phải được tối ưu hóa để phù hợp với loài, phải phù hợp với mật độ nuôi (ví dụ quảng canh, bán thâm canh, thâm canh) và phải xem xét khả năng nhạy cảm với stress do dinh dưỡng, oxy hóa, mật độ, chăm sóc quản lý, mầm bệnh, chất lượng nước kém nitơ và phốt pho thải (ví dụ như chất thải thức ăn thừa, chất thải bài tiết).

Các loại đậu, ngũ cốc và ngũ cốc thường chứa hàm lượng phytate cao, tác động lớn đến sự hấp thu của khẩu phần thức ăn do làm giảm lượng protein (Selle et al. 2000, Spinelli et al. 1983) và khoáng chất vi lượng như kẽm (McClain và Gatlin III 1998), mangan (Storebakken và cộng sự 1998), sắt và đồng (Papatryphon và cộng sự 1999). Bổ sung  enzyme phytase có nguồn gốc vi sinh vào thức ăn giúp các khoáng vi lượng này được giải phóng ở dạng dễ hấp thu hơn (Storebakken và cộng sự 1998, Papatryphon và cộng sự 1999, Selle và cộng sự 2000). 

Trong nuôi trồng thủy sản thâm canh với việc cung cấp thức ăn lớn, sử dụng kết hợp các enzyme trong thức ăn (ví dụ như phytase, xylanase và protease) để gia tăng khả năng tiêu hóa protein và giảm tác dụng kháng dinh dưỡng của NSP và axit phytic. Hiệu suất thức ăn được cải thiện với khả năng tiêu hóa tốt hơn, FCR giảm do khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng được cải thiện và với việc giảm bài tiết nitơ và phốt pho, chất lượng nước có thể được duy trì.

Nguồn : https://tepbac.com/

Bổ sung vitamin E và vitamin C trên tôm thẻ

Tôm thẻ chân trắng
Vitamin E và vitamin C có tác động tương tác với lipid trong thức ăn tôm thẻ.

Một nghiên cứu mới đây của Hajar Ebadi và cộng sự 2020 đã cho thấy tác động tương tác của lipid trong khẩu phần ăn đến vitamin E và vitamin C khi bổ sung vào chế độ ăn để của tôm thẻ chân trắng.

Vai trò của vitamin E và vitamin C với tôm cá

Vitamin đóng vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng của động vật thủy sản. So sánh với các thành phần dưỡng chất chính trong thức ăn như protein, lipid và carbohydrate, vitamin chiếm một lượng rất nhỏ từ 1-2% trong thức ăn. Tuy nhiên, vitamin có vai trò quyết định trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và chi phí có thể lên đến 15% trong khẩu phần ăn.

Nhiều kết quả nguyên cứu cho thấy, động vật thủy sản không có khả năng hay khả năng tổng hợp rất ít không đủ cho nhu cầu nên việc cung cấp vitamin vào thức ăn cho động vật thủy sản là rất cần thiết. Động vật thủy sản ăn thức ăn không được cung cấp đầy đủ vitamin sẽ sinh trưởng chậm, tỉ lệ sống thấp, khả năng chịu đựng với biến động môi trường kém và dễ bị bệnh. Một số dấu hiệu bệnh lý khi thiếu vitamin ở động vật thủy sản đã được ghi nhận như: xuất huyết, dị hình, nứt sọ ở cá, đen thân ở tôm…

Vai trò chủ yếu của vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh. Quá trình oxy hóa là một hiện tượng tự nhiên do sự trao đổi chất bình thường hàng ngày ở mọi loài sinh vật. Đây là một tác dụng phụ không thể tránh khỏi, do đó các sinh vật sử dụng chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể. Vitamin E là vitamin tan trong dầu, hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cấu trúc tế bào – chủ yếu bảo vệ lớp màng giàu lipid của tế bào khỏi hư hại từ quá trình oxy hóa (sự thoái hóa). Ngược lại, selen và vitamin C có vai trò chủ yếu là chất chống oxy hóa bên ngoài, hoạt động trong dịch thể và khoảng trống giữa các tế bào.

Yuan Liu và cộng sự 2007 đã cho thấy, bổ sung vitamin E trong khẩu phần ăn có thể nâng cao sức đề kháng của tôm thẻ chân trắng đối với những thay đổi cấp tính của độ mặn. Các kết quả đã chứng minh rằng vitamin E có thể có một vai trò hữu ích tiềm năng như một chất chống oxy hóa hiệu quả bằng cách điều chỉnh cân bằng thẩm thấu và khả năng chống lại sự thay đổi độ mặn ở tôm thẻ.

Vitamin C cần thiết cho sự phát triển bình thường, khả năng miễn dịch và sinh sản ở cá có vây và động vật có vỏ. Cá và giáp xác không có khả năng tổng hợp Vitamin C do thiếu enzym L-gulono-lactone oxidase, mà thường hấp thu từ thức ăn. Các hội chứng thiếu vitamin C như tổn thương màu đen bên dưới bộ xương ngoài, vỏ mềm mãn tính, cơ màu trắng đục, lột xác không hoàn toàn và tỷ lệ tử vong tăng đã được báo cáo ở tôm cá. 

Vì các dẫn xuất của axit ascorbic (một dạng Vitamin C) tương đối bền với nhiệt và tăng thời gian duy trì hoạt động của axit ascorbic nên việc sử dụng chúng bổ sung vào thức ăn cho tôm khá phổ biến. Ascorbyl 2 poly phosphate (ApP) là một nguồn cung cấp vitamin C trong thức ăn cho tôm và đã chứng minh được khả năng ngăn ngừa hội chứng thiếu axit ascorbic ở tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Trong nuôi tôm thẻ chân trắng việc bổ sung dẫn xuất của axit ascorbic này trong khẩu phần ăn dẫn đến cải thiện sự tăng trưởng và tỷ lệ sống (He and Lawrence 1993).

Tương tác của lipid trong khẩu phần ăn với vitamin E và vitamin C

Việc bổ sung vitamin cho động vật thủy sản hiệu quả là dùng vào đúng giai đoạn phát triển, đúng chế độ ăn và đúng mục đích. Nhu cầu vitamin cho động vật thủy sản đã được một số tác giả nghiên cứu và đề ra mức thích hợp cho một số loài động vật thủy sản. Tuy nhiên nhu cầu vitamin chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố: Kích cỡ và giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi, các yếu tố môi trường nuôi, mối tương tác với các thành phần dinh dưỡng khác. Do đó, Hajar Ebadi và cộng sự 2020 đã đánh giá tác động tương tác của lipid trong khẩu phần với vitamin E và vitamin C đến hiệu suất tăng trưởng, sử dụng thức ăn, thành phần gần cơ và hoạt động của enzyme chống oxy hóa của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei).

Vitamin E

Nghiên cứu được tiến hành trong thời gian 56 ngày. Tổng số 384 con tôm với trọng lượng ban đầu là 5,3 ± 1,1 g được thả trong 24 bể. Tám nghiệm thức thí nghiệm được thiết kế với 2 mức lipid khác nhau (70 và 140 g/kg  thức ăn), bổ sung Vitamin C (0,5 và 1,0 g/kg thức ăn) và Vitamin E (0,1 và 0,3 g/kg thức ăn). 

Kết quả cho thấy hàm lượng Vitamin E và Vitamin C cao trong khẩu phần đã cải thiện tỷ lệ sống và các chỉ số tăng trưởng, khả năng tiêu hóa thức ăn và chống oxy hóa ở tôm. Hiệu suất tăng trưởng tốt nhất của tôm được quan sát ở 70 g/kg lipid với 1,0 g/kg của Vitamin C và 0,3 g/kg  của Vitamin E. 

Hơn nữa, sự tương tác giữa lipid trong khẩu phần với Vitamin C và Vitamin E có ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng Vitamin C và Vitamin E của cơ và ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng và hoạt động của enzym chống oxy hóa của tôm góp phần cải thiện các chỉ số tăng trưởng bằng cách giảm mức lipid trong khẩu phần ăn. Mức lipid trong chế độ ăn là 70 g/kg lipid tương tác với 1,0 g/kg Vitamin C và 0,3 g/kg của Vitamin E dẫn đến tăng trưởng tốt hơn và tăng tình trạng chống oxy hóa ở tôm thẻ chân trắng.

Lệ Thủy – https://tepbac.com/

Giá tôm thương phẩm giảm mạnh

Tôm càng xanh
Tôm càng xanh. Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN

Từ sau mùng 6 Tết Tân sửu đến nay, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh thương phẩm ở thị trường tỉnh Trà Vinh giảm mạnh mặc dù đang là thời điểm hết vụ thu hoạch của năm 2020.

Cụ thể, hiện tôm càng xanh đang được các thương lái thu mua tại ao loại tôm từ 15 – 20 con/kg (không ôm trứng)  chỉ còn 110.000 đồng/kg, tôm loại II (9-12 con/kg) có giá từ 150.000- 160.000 đồng/kg, tôm loại I (từ 8 con trở lại /kg) có giá từ 220.000 – 250.000 đồng/kg, giảm bình quân từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Đối với tôm thẻ chân trắng loại từ 60 con/kg có giá từ 105.000 – 110.000 đồng/kg, giá tôm sú được nuôi quảng canh loại 18 – 20 con/kg chỉ còn từ 250.000 đồng – 280.000 đồng/kg, giảm bình quân 50.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua thủy sản tại chợ Trà Vinh cho biết, giá tôm thương phẩm nhiều loại chỉ tăng đột biến trong những ngày Tết Tân Sửu. Nhưng ngay sau mùng 6 Tết, tôm thương phẩm bắt đầu giảm sâu. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu của người tiêu dùng không còn nhiều, nhất là ở thị trường lớn như Tp. Hồ Chí Minh các nhà hàng, các đại lý đã giảm  60 – 70 % lượng tôm đặt hàng so với trước đó.

Tuy giá tôm thương phẩm các loại giảm mạnh nhưng không có nhiều nông dân nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh bị thất thu, do hầu hết đã thu hoạch bán trước đó. Sản lượng tôm thẻ chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh hiện đang cung ứng ra thị trường chủ yếu là của số hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, thu hoạch dần số tôm đạt kích cở lớn để bán.

Ông Nguyễn Văn Huệ, hộ dân chuyên nuôi tôm càng xanh ở ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, xã Long Hòa hiên có khoảng 750 hộ dân thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ – tôm càng xanh hoặc 1 vụ tôm thẻ chân trắng – 1 vụ tôm càng xanh, với tổng diện tích gần 700 ha.

Từ trước Tết Nguyên đán khoảng 7 ngày, diện tích nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa đã được thu hoạch gần 90 % diện tích. Sản lượng tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng hiện đang được nông dân trong xã bán ra thị trường chỉ là số lượng tôm sót lại sau thu hoạch và tôm nuôi quảng canh thu hoạch tỉa thưa. Vì vậy, tuy giá tôm có giảm nhiều, nhưng mức thất thu vì giá tôm đối với nông dân không đáng kể.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản Trà Vinh, hiện nay nông dân ở các huyện vùng ven biển trong tỉnh như: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải đã bước vào nuôi tôm sú, tôm thẻ chắng mùa vụ năm 2021. Riêng mùa vụ nuôi tôm càng xanh ở vùng nước lợ, nước ngọt còn phải chờ vào đầu mùa mưa. Ước mùa vụ nuôi tôm càng xanh năm 2021 toàn tỉnh Trà Vinh sẽ đạt diện tích tương đương và có khả năng cao hơn diện tích 1.700 ha mặt nước của năm 2020.

Phúc Sơn TTXVN

Thích nghi của PL – bước quan trọng cho vụ nuôi thành công

Trong quy trình nuôi tôm, một số bước nhỏ lẻ, ít được chú ý đến nhưng lại liên quan trực tiếp đến yếu tố thành bại của cả vụ nuôi. Trong đó, sự thích nghi của tôm post (PL) với các điều kiện môi trường hiện có trong hệ thống nuôi thương phẩm là một phần quyết định sự thành công của tôm nuôi, bởi giai đoạn này thường rất khác với những điều kiện trong trại giống.

Làm quen với PL trước khi thả ao

Những thay đổi đột ngột trong điều kiện môi trường có thể gây ra sự căng thẳng, mặc dù điều này không dẫn đến tử vong ở tôm nuôi nhưng có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm, giảm năng suất và lợi nhuận chung vào cuối chu kỳ sản xuất. Các điều kiện sản xuất tôm giống cần một môi trường tương đối an toàn, có thể kiểm soát được nhiệt độ nước, độ mặn, môi trường sống thoải mái, nguồn thức ăn luôn sẵn có. Hầu hết người nuôi tôm dành toàn bộ sự đầu tư về nguồn lực, công sức cho việc chuẩn bị ao nuôi với mong muốn thả tôm giống của họ vào môi trường tốt nhất có thể. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ điều kiện trại giống sang điều kiện phổ biến trong các hệ thống nuôi thương phẩm mở như bể, ao, nơi mà các yếu tố trong môi trường nước có thể thay đổi liên tục, khó đoán trước (ngày/đêm, mùa khô/ mùa mưa) có thể gây sốc và căng thẳng cho PL. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách thực hiện quá trình chuyển đổi môi trường sống một cách từ từ, thích nghi dần.

Đánh giá độ “cứng” của PL

Có thể có sự thay đổi đáng kể về sức khỏe hay độ “cứng” của tôm giống được sản xuất trong trại giống PL, bởi vậy quá trình thích nghi phải được điều chỉnh cho phù hợp với thể trạng của PL. Những con khỏe hơn có thể thích nghi nhanh hơn những con có thể trạng yếu. Đã có nhiều bài kiểm tra được sử dụng để đánh giá chính xác nhất độ “cứng” của PL nhằm quyết định lịch trình thích nghi phù hợp nhất. Phương pháp này thường sử dụng mẫu PL gồm từ 100-200 con cho trải qua điều kiện sống với những yếu tố bất lợi như sốc nhiệt (thay đổi về nhiệt độ), thẩm thấu hoặc những thay đổi về hóa học trong vòng 1-4 giờ rồi đếm những con còn sống sót.

Một phương pháp nữa được sửu dụng khá phổ biến do Clifford (Proceedings of the Special Session on Shrimp Farming. World Aquaculture Society, Baton Rouge, LA. U.S.A. 1992) đề xuất. Phương pháp được thực hiện bằng cách đưa các mẫu tôm giống được đặt trong một thùng (hoặc bể) chứa, độ mặn cùng với nhiệt độ đồng thời được hạ xuống tương ứng lần lượt 20 ppt và 10oC trong vòng 4 giờ (thử nghiệm kéo dài dưới 4 giờ đồng hồ không tính chính xác được tỷ lệ chết của tôm giống). Một cách khác của thử nghiệm này là sử dụng formalin nồng độ 100-150 ppm. Kiểm tra tỷ lệ sống đạt từ 80-100% sẽ đánh giá được PL có chất lượng cao, từ 60-79% được cho là chấp nhận được, tỷ lệ sống PL đạt dưới 60% thì cần trả lại hoặc giữ PL trong trại giống thêm vài ngày để cải thiện sức khỏe và chất lượng của chúng. Một biến thể khác giúp đánh giá sức khỏe của PL được đề xuất bởi Brock và Main (The Oceanic Institute. Honolulu, HI. UNIHI-SEAGRANT-CR-95-01. 241 p. 1994). Cụ thể, đặt 100 con tôm giống được lấy ngẫu nhiên vào thùng chứa dung tích 10-15 lít nước ở nhiệt độ 22oC và độ mặn 5 ppt (hoặc ở nhiệt độ môi trường trong trại giống và độ mặn 0-1 ppt) trong vòng 1 giờ đồng hồ rồi tiến hành đếm số con còn sống khỏe mạnh. Nếu đạt trên 80% thì được đánh giá là đáp ứng yêu cầu.

Môi trường thích nghi và trang thiết bị

Chuẩn bị môi trường sống và các trang thiết bị thích hợp là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình thích nghi của PL. Môi trường sống bao gồm tất cả các bể chứa, bể lắng, thiết bị (bao gồm lưới, xiphong, xô, các đường ống nước và trang thiết bị khác…). Những yếu tố này cần đảm bảo sạch sẽ, khử trùng kỹ lưỡng bằng các hóa chất sát khuẩn như clo, các chất khử trùng, tiến hành rửa nhiều lần và phơi khô ráo dưới ánh nắng mặt trời. Việc dự phòng các trang thiết bị nếu có điều kiện rất được khuyến khích. Đặc biệt với các thiết bị quan trọng như máy sục khí (và nguồn điện cung cấp), máy đo khúc xạ. Tất cả các yếu tố cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi xuống giống như thức ăn hoặc nguồn artemia đông lạnh và các chất ức chế amoniac, than hoạt tính, vật đệm cùng các thiết bị khác.

Quy trình thích nghi chung

Các quy trình thích nghi chung đã được công bố cách đây một vài năm, bao gồm điều kiện về độ mặn tăng/giảm không quá 3 ppt mỗi giờ, mật độ 1.000-5.000 ấu trùng tôm mỗi gallon (khoảng 260-1.300 PL/1 lít nước); tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (hơn 3-4oC); duy trì nồng độ oxy hòa tan ở mức 6-7 ppm.

Quá trình thích nghi của PL có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, tại một trang trại có sự khác biệt về độ mặn, nhiệt độ giữa nước ao/ bể được thả với môi trường nước tôm giống được vận chuyển tối thiểu >3-4 ppt; 1-2oC. Sự thích nghi có thể đơn giản là đặt các túi nhựa để vận chuyển PL trong ao từ 30-60 phút (sau khi đục các lỗ nhỏ trên túi) rồi thả PL, phương pháp này thường ít được khuyến khích. Quá trình thích nghi cũng có thể bắt đầu ngay từ khâu vận chuyển từ trại giống đến trang trại nếu PL được vận chuyển với số lượng lớn. Việc này sẽ được thực hiện bằng cách thêm từ từ nước với các chỉ số mong muốn (nhiệt độ, độ mặn, pH) và sẽ được hoàn thành khi đến trại. Nhưng nói chung, ngày nay hầu hết các trại đều có các trạm thích nghi chuyên dụng hoặc sử dụng các trạm tạm thời được thiết lập dọc theo ao. Một số trang trại sẽ có cả 2 hoặc thậm chí có các hệ thống ương mới đang dần trở nên phổ biến.

Những thay đổi sinh lý của PL trong quá trình thích nghi

Môi trường nước trong các hệ thống nuôi đặc biệt là các bể/ao ngoài trời luôn thay đổi. Những thay đổi đột ngột và mạnh mẽ có thể dẫn đến việc tôm không thể tồn tại, thích nghi kịp hoặc có thể dẫn đến căng thằng, ảnh hưởng đến tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi. Các dấu hiệu tôm bị căng thẳng thường thể hiện ở mức độ hành vi và mô học. Oxy hòa tan thấp, độ mặn thấp là hai thông số quan trọng ảnh hưởng tới các hoạt động sinh lý và trao đổi chất của PL trong quá trình thích nghi. Nhiều thay đổi sinh lý xảy ra trong quá trình thích nghi của tôm giống trước khi thả vào các hệ thống nuôi, các nhà quản lý ít nhất phải nhận thức được thay đổi nào là quan trọng nhất, sự liên quan của những thay đổi này và ý nghĩa của chúng.

Dinh dưỡng hợp lý là một khía cạnh quan trọng trong khả năng chịu đựng sự thay đổi của các yếu tố môi trường. PL được cho ăn chế độ có hàm lượng HUFAs (axit béo không bão hòa) cao thường có khả năng chống chọi tốt hơn với sự thay đổi về độ mặn trong quá trình thích nghi và mức tiêu thụ oxy có thể thay đổi để đáp ứng với sự thay đổi của độ mặn.

Các cơ sở thích nghi và hệ thống ương dưỡng hiện đại giúp PL thích nghi tốt trước khi được thả nuôi thương phẩm – Ảnh: Darryl Jory

Nguồn : http://nguoinuoitom.vn/

EMS và những điều cần biết trong nuôi tôm

Theo báo cáo của tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2018 sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới đạt 114,5 triệu tấn, trị giá 263,6 tỷ USD, mức cao nhất mọi thời đại. Sản lượng những loài động vật giáp xác đạt 9,4 triệu tấn, trị giá 69,3 tỷ USD, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 52,9%

Ảnh minh họa

EMS là gì?

Vào những năm 2009, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay còn được ghi nhận với tên gọi khác là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) lần đầu được phát hiện tại các trang trại nuôi tôm miền Nam Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trại tôm nuôi của vùng. Sau đó, bệnh được phát hiện lây lan sang các nước lân cận như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Qua nghiên cứu, người ta đã tìm ra được nguyên nhân gây bệnh là do dòng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, chúng có mặt ở khắp nơi trong môi trường nước nuôi.

EMS lây nhiễm cho con non của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng và tôm sú với tỷ lệ chết lên tới 100% trong vòng 10-35 ngày sau khi thả giống. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus được tìm thấy ngoài tự nhiên ở các vùng nước ven biển, cửa sông. Chúng chứa 2 gen độc hại – Pir A và Pir B. Các loại vi khuẩn khác như V.campbellii, V.harveyi, V.owensii và V.punensis cũng được phát hiện chứa các gen độc hại và có thể gây ra EMS/AHPND. Trong điều kiện an toàn sinh học thấp, vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan giữa các ao và các trang trại lân cận qua nước thải.

EMS có thể được phát hiện bằng mắt thường qua các dấu hiệu bệnh lý như gan tụy nhợt nhạt, teo lại, vỏ mềm, ruột rỗng. Tuy nhiên, để xác định chính xác bệnh cần tiến hành kiểm tra mô học trong phòng thí nghiệm. Giai đoạn cấp tính, tôm nhiếm EMS sẽ có biểu hiện bong tróc các tế bào biểu mô hình ống trong gan tụy.

Các tế bào biểu mô hình ống trong gan tụy bị bong tróc được tìm thấy ở tôm thẻ chân trắng

Trại giống được xem là một trong những nguồn lây lan chính của EMS bởi những con tôm giống bị nhiễm bệnh. Điều này có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh sau khoảng 14 ngày sau khi thả giống. Bệnh cũng có thể lây lan qua lây nhiễm chéo, mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi qua các thiết bị, động vật ngoại lai, những yếu tố còn sót lại của vụ nuôi trước. Ngoài ra, tôm dễ bị mắc bệnh hơn trong những môi trường có các yếu tố sau:

  • Nước nuôi có độ dinh dưỡng cao từ việc bổ sung rỉ mật đường, thức ăn
  • Nước nuôi có nhiệt độ cao, độ mặn > 5ppt và pH>7
  • Lưu thông nước kém, đa dạng sinh học sinh vật phù du thấp
  • Tích tụ các chất cặn hữu cơ chẳng hạn như thức ăn thừa hay xác tôm …

Những tổn thất do EMS gây ra

Trong suốt 10 năm qua, ngành tôm châu Á đã chịu sự tàn phá nghiêm trọng do EMS gây ra. Thái Lan là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, trước đó Thái Lan được xét là quốc gia sản xuất tôm lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Sau khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh EMS đã kéo sản lượng tôm nuôi nước này xuống vị trí thứ sáu. Cụ thể, trong giai đoạn 2009 – 2014, tổng sản lượng tôm của Thái Lan giảm 54%, số lượng trại giảm 16% trong khi diện tích đất sử dụng để sản xuất tôm giảm 10%. Một báo cáo khác cho biết, giai đoạn 2010 – 2016, EMS đã gây tổn thất tài chính lên tới 11,58 tỷ USD ở Thái Lan và khiến hơn 10.000 người lao động mất việc làm.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng bị giảm sút và những thiệt hại do EMS gây ra

Tại các quốc gia khác, tuy EMS không nghiêm trọng như Thái Lan nhưng cũng gây ra những tổn thất đáng kể. Ở Việt Nam, EMS đã gây thiệt hại 2,56 tỷ USD kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 2011. Nhiều nước sản xuất tôm bị ảnh hưởng bởi EMS vẫn đang dần phục hồi và ở những nước chưa bị ảnh hưởng cũng đang chuẩn bị các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn lây lan của nó.

Các phương pháp tối ưu giúp quản lý EMS

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp nào giúp giải quyết khắc phục nhanh chóng cho các trang trại nhiễm EMS. Bởi vậy, người nông dân cần có kế hoạch chuẩn bị và quản lý ao nuôi cẩn thận kỹ lưỡng. Trong trường hợp xấu nhất, người nuôi nên nhanh chóng thu hoạch tôm trong ao. Ngoài ra, các trại nuôi trong vùng cần có cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học và khử trùng kỹ lưỡng để quản lý dịch bệnh, tránh bùng phát trong tương lai.

An toàn sinh học là một khái niệm giúp ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua các ranh giới. Hai cách tiếp cận chủ đạo trong thực hiện an toàn sinh học là phòng ngừa và loại trừ mầm bệnh.

Chuẩn bị tốt cho chu kỳ sản xuất

  • PL cần có nguồn gốc từ tôm bố mẹ sạch bệnh. Kiểm tra sức khỏe PL trước khi thả giống, bao gồm cả các phương pháp xét nghiệm bệnh trong phòng thí nghiệm.
  • Khử trùng sạch sẽ các thiết bị trước khi bước vào vụ nuôi mới. Sử dụng các chất khử trùng loại bỏ các yếu tố trung gian truyền bệnh.
  • Ao nuôi thương phẩm nên được lót bạt nhựa DHPE để dễ vệ sinh và kiểm soát.
  • Phơi khô ao trước khi thả nuôi, điều hòa nước nuôi trước từ 10-15 ngày trước khi thả tôm.
  • Lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các biện pháp an toàn sinh học cho vụ nuôi mới.
  • Bảo vệ trang trại khỏi các tác nhân, động vật bên ngoài xâm nhập. Đây có thể là một nguồn truyền lây dịch bệnh.
  • Để đồng đều, nên thả giống ở cùng một thời điểm. Nước nuôi nên có tỷ lệ Vibrio dưới 1 x 10^3 CFU/ml, tức là những loài này chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng nồng độ vi khuẩn.

Giảm thiểu EMS trong quá trình nuôi

  • Thường xuyên theo dõi các thông số nước nuôi như pH, độ kiềm, độ mặn, oxy hòa tan (DO), nitơ amoniac và hydro sunfua.
  • Nên theo dõi sức khỏe tôm 3 ngày/lần bao gồm kiểm tra gan tụy và hoạt động của tôm.
  • Xem xét điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, tránh để thừa, thức ăn chứa hàm lượng protein trên 30% được khuyến nghị.
  • Hút các chất cặn, thải đáy ao thường xuyên.
  • Duy trì sục khí đều đặn.
  • Nên sử dụng probiotic tăng cường ở những nơi thường xuyên diễn ra căng thẳng cho tôm hoặc hoạt động thay nước.
  • Thống nhất đầu vào và đầu ra của nước thải với các trang trại trong khu vực để giảm thiểu việc truyền mầm bệnh.
  • Khi có dấu hiệu bệnh, cần có kế hoạch xử lý hợp lý, nên sử dụng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán đúng bệnh.

Giải pháp dài hạn – đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ

Đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp với trang trại sẽ giúp duy trì an toàn sinh học và phòng chống mầm bệnh tốt hơn. Trang thiết bị cần thiết cho việc duy trì an toàn sinh học trại nuôi bao gồm tấm lót HDPE, trạm rửa chân, tay, sát khuẩn trước khi vào trại, hàng lưới rào ngăn các yếu tố không liên quan xâm nhập vào trang trại. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng quan trọng khác bao gồm khâu đầu vào và đầu ra của nước nuôi, hệ thống thoát nước đặt ở tâm ao nuôi, hệ thống ao xử lý nước với thể tích ít nhất là 30% so với ao nuôi thương phẩm. Hệ thống sục khí mạnh, điều tiết dòng chảy tốt. Ngoài ra, nên có cơ sở lưu trữ và phòng thí nghiệm cơ bản tại chỗ để có thể thực hiện mổ khám cũng như kiểm tra các thông số nước cơ bản.

So sánh bố trí trang trại nuôi trước và sau khi dịch bệnh EMS bùng phát

Có thể nói, EMS là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng như đã được chứng minh ở Việt Nam và Thái Lan, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên đánh giá quản lý trang trại có thể giúp chống lại dịch bệnh hoặc làm giảm tác động của nó khi dịch bệnh xảy ra. Ngành công nghiệp tôm cũng cần có quan điểm chủ động phòng ngừa đối với EMS cũng như với tất cả các bệnh đã biết hay chưa biết. Bằng cách lập kế hoạch ứng phó cho những tình huống xấu nhất và quản lý trang trại một cách tốt nhất, người nuôi sẽ có nhiều cơ hội thành công cho một vụ nuôi, ngay cả với những vùng có tỷ lệ dịch bệnh cao.

Nguồn : http://nguoinuoitom.vn/

Phụ phẩm tôm – điểm nghẽn trong chuỗi giá trị thủy sản

Diện tích nuôi mở rộng, sản lượng tăng kéo theo các phụ phẩm tôm (đầu, vỏ…) cũng tăng theo và thường bỏ đi trong quá trình chế biến tôm công nghiệp. Năm 2017, lượng phụ phẩm tôm của cả nước trên 320.000 tấn, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng thêm 60%. Phụ phẩm tôm đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến thủy sản do bị phân hủy tự nhiên gây ô nhiễm môi trường.

Thành phần cấu tạo của vỏ tôm (Ảnh ST)

Nguồn lợi khổng lồ từ phụ phẩm chế biến tôm

Theo thông tin từ Bộ Công thương, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất trên thị trường thế giới nhờ gia tăng nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây. Phần lớn tôm xuất khẩu được chế biến dưới dạng bóc vỏ, bỏ đầu hoặc tôm lột nên phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến tôm chủ yếu là đầu và các mảnh vỏ, mảnh thịt vụn và tôm hỏng (chiếm đến 50-60% đầu vào). Lượng phụ phẩm rất lớn đó nếu thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, phụ phẩm tôm là một nguồn giàu chất đạm, chitin, carotenoid và enzyme, nên nếu biết tận dụng triệt để, kết hợp với đầu tư nghiên cứu tái sử dụng cho ngành thức ăn chăn nuôi và dược phẩm… sẽ đem lại một nguồn lợi khổng lồ, không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường.

Ông Phan Thanh Lộc, Tổng Giám đốc VietNam Food chia sẻ, mỗi năm Việt Nam có khoảng 320 triệu tấn phụ phẩm tôm. Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm này có thể đóng góp ít nhất 10% trong giá trị ngành tôm. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ sử dụng được 1 phần trong đó, phần này lại thiếu công nghệ để sản xuất ra sản phẩm tinh sạch, đem lại giá trị cao. Cụ thể, Việt Nam thu hồi được 56% từ phụ phẩm, trong khi thế giới đạt trung bình 75%, ở các nước tiên tiến con số này là 95%. Hay như chỉ số về khả năng tạo ra giá trị gia tăng, Na Uy giúp sản phẩm tăng trưởng 28 lần so với sản phẩm đầu vào, trong khi ở Việt Nam, con số này dừng lại ở mức 2 – 3 lần.

Theo ông Lộc, sẽ là hành động “ném tiền qua cửa sổ” nếu không khai thác nguồn phụ phẩm này. Nếu mua phụ phẩm đầu, vỏ tôm về chỉ để sản xuất thức ăn gia súc thì hiệu quả kinh tế mang lại không lớn, vì một ký đầu tôm bán thô cho ngành sản xuất thức ăn gia súc chỉ thu được vài ngàn đồng, chưa kể giá lên xuống bấp bênh. Tuy nhiên, khi sử dụng nguyên liệu này để chiết xuất ra chất dẫn dụ phục vụ cho ngành thực phẩm, công nghiệp, thức ăn gia súc…, giá bán ra hơn 20.000 đồng, giá trị tăng gấp 5 lần. Nếu dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất bột tôm, muối tôm, giá bán tăng lên 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi nghiên cứu ra chất chitosan dùng làm màng bọc thực phẩm, nhựa nhân tạo và nhiều lĩnh vực khác thì giá bán đến 400 – 500 USD/kg, nếu sử dụng trong ngành y tế như băng y tế, tái tạo da nhân tạo… thì giá lên tới 1.000 USD/kg”.

Giá trị dinh dưỡng trong phụ phẩm tôm và những sản phẩm được chế biến trên thế giới

Tận dụng làm thức ăn chăn nuôi

Từ thực tế đó, sau hai năm triển khai, dự án: “Sản xuất một số sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm công nghiệp chế biến tôm” thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, trường ĐH Bách Khoa Hà nội là đơn vị thực hiện đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Những phụ phẩm từ quy trình chế biến tôm đã được các nhà nghiên cứu xác định là nguồn protein lớn và quan trọng để sản xuất chitin và astaxanthin. Sau quá trình nghiên cứu và sản xuất, dự án đã sản xuất thành công các sản phẩm: Chitin bằng phương pháp sinh học, nước mắm từ protein phụ phẩm tôm, bột tôm, gia vị bổ sung bột tôm, chất dẫn dụ cho thức ăn thủy sản.

Đỗ Thị Yến – Chủ nhiệm Dự án cho biết, dự án đã hoàn thiện được công nghệ sản xuất chitin bằng phương pháp sinh học, từ đó xây dựng được quy trình sản xuất chitin với quy mô 10 tấn nguyên liệu/mẻ; hoàn thiện công nghệ và xây dựng được quy trình sản xuất nước chấm từ dịch tôm quy mô 1 tấn nguyên liệu/mẻ, sản phẩm này đã đạt chứng nhận phù hợp quy định số 27/2016/YTCM-XNCB. Không chỉ vậy, qua nghiên cứu dự án cũng đã hoàn thiện công nghệ và xây dựng được quy trình sản xuất bột đạm tôm với quy mô 500 kg/ngày. Xây dựng công thức phối trộn bột canh tôm nấm, hoàn thiện công nghệ sản xuất gia vị bổ sung bột đạm tôm; Hoàn thiện công nghệ và xây dựng quy trình sản xuất chất dẫn dụ làm thức ăn chăn nuôi với quy mô 10 tấn nguyên liệu/ngày.

Có thể nói, những kết quả đạt được từ nghiên cứu có thể ngay lập tức triển khai ngoài thực tiễn, không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tận dụng tối ưu lượng phụ phẩm tôm, mà còn góp phần xử lý vấn đề môi trường vô cùng nổi cộm trong ngành công nghiệp chế biến tôm. Đây là một trong những dự án thành công của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 của Bộ Công Thương khi đã tìm ra các hướng đi thiết thực và khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư kinh phí và ứng dụng công nghệ nhằm đưa được ra thị trường sản phẩm chất lượng cao.

Cần đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm

Theo ông Trần Đình Luân –  Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, mặc dù là ngành hàng có giá trị gia tăng cao, nhưng chế biến phụ phẩm thủy sản vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Vì thế, các doanh nghiệp chưa chuyên tâm đầu tư vào chế biến phụ phẩm, đây chính là điểm nghẽn trong chuỗi giá trị thủy sản. Lý giải về nguyên nhân này, có thể thấy, ngành chế biến phụ phẩm đòi hỏi phải có công nghệ hiện đại và nghiên cứu phát triển sản phẩm. Nhưng hiện nay công nghệ của Việt Nam vẫn đang ở mức học hỏi từ các quốc gia khác. Các công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như: chitin, chitosan, protein thủy phân… dùng trong sản xuất thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp… hiện nay chỉ có một, hai doanh nghiệp làm được.

Do đó, “để khai thác hết được giá trị của phụ phẩm thủy sản, doanh nghiệp cần phải đầu tư ‘cho tới’ vào khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, cũng như người lao động có tay nghề”, ông Lộc chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Harald Naevdal – Tham tán thương mại, Đại sứ quán Nauy cho biết rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng được những công nghệ tiến tiến vào khâu bảo quản, chế biến phụ phẩm thủy sản thì có thể sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao từ phụ phẩm thủy sản, những sản phẩm có thể cạnh tranh với bất cứ công ty nào.

Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng phòng Phát triển thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Phụ phẩm tôm hiện là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến tôm vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Phụ phẩm tôm chiếm 35 – 45% khối lượng tôm, tùy loại tôm sú hay tôm thẻ. Năm 2017, sản lượng tôm nước ta 723.800 tấn và phụ phẩm từ 253.330 – 325.710 tấn. Với kế hoạch phát triển hiện nay, dự kiến năm 2020 sản lượng tôm là 832.500 tấn và phụ phẩm sẽ 291.375 -374.625 tấn; năm 2025 sản lượng tôm 1.153.000 và phụ phẩm 403.550 -518.820 tấn.

Nguồn :http://nguoinuoitom.vn/

Đánh giá nguy cơ lây truyền ở tôm nhiễm WSSV nấu chín

Bệnh đốm trắng (WSD), do virus hội chứng đốm trắng (WSSV) gây ra, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ngành tôm nuôi. WSD gây tử vong cao, có thể lên đến 100% đối với quần thế tôm sạch bệnh (SPF) trong điều kiện nuôi thương phẩm chỉ trong vài ngày.

Thời gian vừa qua, bằng phương pháp PCR đã xác định được tôm nấu chín cho kết quả dương tính với WSSV. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào xác định được khả năng lây nhiễm của WSSV trên tôm nấu chín. Đã có những nghiên cứu được công bố chỉ ra rằng các sản phẩm tôm đông lạnh là con đường để WSSV du nhập vào châu Mỹ năm 1995, nhưng có rất ít các công bố nêu bật nguy cơ nhiễm WSSV đối với tôm đã nấu chín. Tuy nhiên các nghiên cứu này đã làm hạn chế những phát hiện virus WSSV bằng phương pháp PCR và chưa xác định chính xác tôm có nấu chín có chứa chuỗi virus DNA lây nhiễm hay không. Chính vì vậy, một nghiên cứu về vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm Bệnh lý Nuôi trồng thủy sản tại Đại học Arizona tiến hành, nhằm đánh giá khả năng lây nhiễm của tôm nhiễm WSSV khi nấu chín.

Thiết lập nghiên cứu

Tổng cộng 250 con tôm thẻ chân trắng SPF với trọng lượng trung bình 10g được sử dụng. Đây là trọng lượng điển hình của tôm trong ao khi tiến hành thu hoạch khẩn cấp tại các trại tôm có virus WSSV lưu hành sắp xảy ra dịch bệnh. Thực hiện gây nhiễm virus WSSV cho tôm SPF bằng cách trộn vào thức ăn, với độ mặn trong bể thí nghiệm duy trì ở 25 ppt, nhiệt độ 25oC. Sau khi tiến hành thí nghiệm, xác định tỷ lệ tử vong qua mỗi giờ. Khi tỷ lệ chết của tôm đạt 50% bắt đầu dừng thí nghiệm và loại bỏ những con còn sống.

Hình 1: Thiết kế thí nghiệm

Quần thể tôm nhiễm bệnh được chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm 40 con. Các nhóm được ấn định thời gian đun sôi lần lượt là 0,1,3,5,10 và 30 phút. Tiếp đến mang một nửa số tôm trên đi đông lạnh ở nhiệt độ (-20oC) trong vòng 14 ngày. Sau khi nấu chín, thu thập các mẫu mô để xét nghiệm mô học và PCR.

Hình 2: Mô tả sơ đồ của thiết kế thí nghiệm được sử dụng trong nghiên cứu này, bao gồm việc xử lý mô nhiễm WSSV ở các thời điểm đun sôi khác nhau ( 0, 1, 3, 5, 10 và 30 phút), sau đó là thử nghiệm thực nghiệm trực tiếp hoặc lưu trữ mẫu trong tủ lạnh trước khi tiến hành xét nghiệm mô học và PCP

Sau đó, để xác định tôm được nấu chín có thể lây lan virus đốm trắng hay không, một thử nghiệm khác đã được thực hiện. Trong mỗi bể chưa 90 lít nước,  thả 10 con tôm dòng sạch bệnh SPF, tiến hành cắt nhỏ các mô ruột, mang của tôm thí nghiệm bên trên rồi trộn vào khẩu phần sáng và tối ở mức 10% trọng lượng cơ thể, thực hiện trong 12 ngày. Tỷ lệ tử vong hằng ngày được ghi chép lại. Tính tỷ lệ sống sót cuối cùng, lấy mẫu trên mỗi bể rồi bảo quản trong ethanol 95% để phân tích PCR và xét nghiệm mô học.

Thịt tôm không nhiễm khuẩn sau khi luộc hơn 1 phút

Kết quả các mẫu thu thập tôm trong tất cả những khoảng thời gian khác nhau đều dương tính với WSSV. Kết quả tương tự khi tôm nấu chín được đông lạnh trong 2 tuần và sau đó đã được sử dụng làm nguồn chất liệu truyền nhiễm. Biểu hiện mô học điển hình khi tôm bị bệnh đốm trắng xuất hiện khi xét nghiệm, các hạt nhân của tế bào phì đại, thấy rõ ở trung và ngoại bì.

Hình 3: Tất cả các mẫu xét nghiệm đều dương tính với WSSV

A: Tôm phát hiện dương tính với WSSV khi đun sôi trong 1 phút

B: Tôm phát hiện dương tính với WSSV  khi không đun sôi ( 0 phút)

C: Tôm phát hiện dương tính với WSSV  khi đun sôi 1 phút và đông lạnh 2 tuần

D: Tôm phát hiện dương tính với WSSV  khi không đun sôi (0 phút) và đông lạnh 2 tuần

Các chuyên gia đã chứng minh được tôm nhiễm WSSV tiếp xúc với nhiệt độ sôi trong khoảng thời gian từ 1-3 phút sẽ không bị lây nhiễm. Dữ liệu cho thấy sự hiện diện của DNA WSSV trong tất cả các mẫu tiếp xúc với các khoảng thời gian sôi khác nhau không có sự khác biệt (P < 0,05). Có khả năng DNA WSSV đã bị tác động đáng kể, bị giảm chất lượng và số lượng so với trước khi được nấu chín. Kết quả PCR chứng minh DNA này đã bị biến chất nên mất khả năng lây nhiễm. Trong thí nghiệm sau, tôm SPF được cho ăn mô tôm nhiễm WSSV, một thời gian không tìm thấy tổn thương nào. Kết quả này chỉ ra rằng tôm nấu chín có thể làm giảm sự lan truyền của WSSV từ xuất nhập khẩu tôm nuôi. Và không chỉ với WSSV và có thể bao gồm nhiều mầm bệnh vi khuẩn, virus hay nấm khác.

Hình 4: Bảng tóm tắt kết quả qPCR ở tôm SPF trong thí nghiệm tôm nhiễm virus WSSV được luộc ở các mức thời gian khác nhau

Thí nghiệm này đã chỉ ra rằng, tôm được nấu ở nhiệt độ sôi trên 1 phút có thể ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào của WSSV, dù là vận chuyển qua nhiều vùng địa lý khác nhau thông qua xuất nhập khẩu. Nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên nên sử dụng nested PCR (phương pháp lồng ghép) để xét nghiệm đối với tôm đã được nấu chín thay vì sử dụng phương pháp qPCR (phương pháp định lượng axit nucleic) sẽ cho kết quả tối ưu hơn.

Nguồn :http://nguoinuoitom.vn/