Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Thời cơ của ngành tôm thế giới

Nhiều hãng chế biến tôm châu Âu đangchuẩn bị khởi động thị trường tôm cho mùa Giáng sinh và cuối năm. Đơn hàng được đặt sớm tạo cơ hội để các nước xuất khẩu tôm đẩy mạnh bán hàng.

Hiệu ứng từ châu Âu

Theo Sophia Balod, chuyên gia tư vấn thương mại thủy sản tại Seafood Trade Intelligence Portal, hầu hết hãng chế biến tôm tại châu Âu đã bắt đầu đặt hàng để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh và năm mới sớm hơn mọi năm do lo ngại COVID-19 có thể quay lại và bùng phát bất cứ lúc nào. Thị trường tôm sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều biến động và rơi vào tình trạng khan hiếm hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệu ứng tạm thời do các đơn đặt hàng từ châu Âu tăng đột biến nhưng cũng mang lại cơ hội cho các nước xuất khẩu tôm, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latinh.

Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Cơ quan NTTS quốc gia Ecuador (CAN) tổ chức vào ngày 27 và 28/8/2020, bà Balod khẳng định, các đợt phong tỏa đầu tiên đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường tôm tại châu Âu. Tuy nhiên, khi các nhiều nước châu Âu nới lỏng phong tỏa thì nhu cầu nhập khẩu tôm Ecuador bắt đầu phục hồi. Các đơn đặt hàng chủ yếu đến từ các nhà máy chế biến lớn tại châu Âu với số lượng thu mua tương đối lớn để phục vụ các ngày lễ cuối năm.

Ảnh minh họa

Theo Balod, nhiều khách hàng là các công ty chế biến thủy sản lớn tại Tây Ban Nha và Pháp đều nhận thức được khâu chuẩn bị hàng hóa cho Giáng sinh và năm mới sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi năm do COVID-19, nên họ đã bắt đầu mua hàng tích trữ từ rất sớm. Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu tôm không nên nhầm lẫn giữa nhu cầu tăng cao từ các nhà máy này với nhu cầu trên thị trường tôm nói chung. Thị trường tôm toàn cầu sẽ ghi nhận sự tăng trưởng đột phá trong khoảng thời gian ngắn hạn và ngay sau đó có thể sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm cầu đột ngột.

Gặp khó tại thị trường tỷ dân

Đợt bùng phát COVID-19 bắt đầu vào đầu năm tại Trung Quốc và các đợt phong tỏa nghiêm ngặt sau đó đã đánh sập gần như hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ ẩm thực tại nhiều nước châu Á. Kết quả, giá tôm nhập khẩu giảm và sau đó mới phục hồi đôi chút vào tháng 4 và tháng 5.

Sau khi các đơn đặt hàng trong tháng 4 và tháng 5 phục hồi, nhu cầu tiêu thụ lại bắt đầu chững lại và chậm dần trở lại vào tháng 6 và tháng 7 khi đợt bùng phát virus corona lần thứ hai xuất hiện ở Trung Quốc và chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa và kiểm soát hải quan nghiêm ngặt.

Các ca nhiễm COVID-19 tăng cao càng khiến người tiêu dùng Trung Quốc nghi ngờ về sự an toàn của các sản phẩm thủy sản. Nguyên nhân chính do giới truyền thông đăng tin đợt bùng phát corona lần thứ hai có liên quan đến cá hồi nhập khẩu từ Na Uy bán tại một chợ thủy sản ở Trung Quốc cũng như hàng loạt lệnh cấm nhập khẩu tôm từ Ecuador do bao bì nhiễm virus corona.

Ngành dịch vụ ẩm thực của Trung Quốc cũng đang phục hồi chậm chạp; trong khi một số nhà hàng đã mở cửa trở lại thì số khác vẫn đóng cửa im lìm và rất ngại phục vụ thực khách các món ăn liên quan thủy, hải sản. Alicia Gallardo, Giám đốc Viện NTTS quốc gia Chilê (Sernapesca) khẳng định, khách hàng người Trung Quốc khá cảnh giác và dè dặt trước các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.

Theo Balod, các công ty nhập khẩu tôm tại Trung Quốc còn tồn nhiều tôm đông lạnh trong kho nhưng các gian hàng tôm của một vài kênh bán lẻ trực tuyến như JD.com lại luôn trong tình trạng hết hàng. Điều này cho thấy, người tiêu dùng không có nhu cầu mua tôm. Đồng thời, sự kiểm soát gắt gao của hải quan cũng khiến cho hoạt động nhập khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Dè chừng đại dịch quay lại

Các chuyên gia thị trường đều cảnh báo về một mối đe dọa thực sự từ làn sóng bùng phát virus corona lần thứ hai có thể dẫn đến nhiều đợt phong tỏa vùng quy mô lớn hơn trên toàn châu Âu. Các hãng sản xuất tôm cũng cần phải cân nhắc đến khả năng xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai này.

Tại châu Âu, ngành thực phẩm đang phục hồi chậm chạp với tỷ lệ hoạt động chỉ bằng 30% so thời điểm trước dịch. Balod cho biết, một số nhà hàng đang mở cửa trở lại và đã cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách hàng; song nhiều nhà hàng chỉ phục vụ khách đặt bàn trước. Do đó, mặc dù ngành dịch vụ ẩm thực đang phục hồi, nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa về mức bình thường suốt mùa hè vừa qua. Thực tế, ngành du lịch tại châu Âu cũng đang hồi phục, đặc biệt tại các vùng ven biển, nhưng lượng tiêu thụ thủy, hải sản, đặc biệt là mặt hàng tôm từ khách du lịch cũng thấp hơn hẳn mọi năm do lệnh hạn chế đi lại.

Theo Balod, tùy từng quốc gia, người bán tôm nên tập trung vào các sản phẩm tiện dụng như tôm lột vỏ, giá trị gia tăng, tôm ăn liền; đồng thời quảng bá các lợi ích đối với sức khỏe của tôm để kích cầu. Điều quan trọng với nhà xuất khẩu là phải xây dựng cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng số hóa vì nhiều người tiêu dùng đang hoạt động trực tuyến ngay tại nhà suốt quá trình thắt chặt kiểm dịch. Đây cũng là thời gian các hãng xuất khẩu tiếp cận khách hàng mới và tung các chiêu tiếp thị online. Chú trọng truy xuất nguồn gốc và câu chuyện phía sau từng sản phẩm cũng cực kỳ quan trọng bởi đây là yếu tố giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.

>> Theo các hãng nhập khẩu thủy sản châu Âu, nhu cầu tiêu thụ từ kênh bán lẻ suốt kỳ nghỉ lễ vào cuối năm nay sẽ thấp hơn nhưng họ vẫn cố gắng mua nguyên liệu và hy vọng có thể bán ra với giá tốt hơn vào dịp lễ. Sản lượng tôm của Ấn Độ và Indonesia được kỳ vọng phục hồi từ tháng 9 trở đi; vụ thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10 tới đây sẽ làm gia tăng nguồn cung tôm thế giới và có thể ảnh hưởng đến giá bán trong ngắn hạn.

Vũ Đức – https://thuysanvietnam.com.vn/

ADM thúc đẩy giảm cường độ sử dụng nước và chất thải chôn lấp

 ADM (Mã giao dịch trên Sàn chứng khoán New York: ADM) ngày 15/9/2020 tuyên bố cam kết giảm 10% cường độ sử dụng nước và đạt tỷ lệ phân loại rác thải 90% vào năm 2035 như một phần trong kế hoạch tích cực nhằm tiếp tục giảm tác động môi trường.

Các cam kết này được đề cập trong bản Báo cáo phát triển bền vững của Tập đoàn. Đồng thời, bản báo cáo cũng cập nhật tiến trình thực hiện các cam kết bền vững của ADM.

Ông Juan Luciano Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn ADM chia sẻ: “Tầm quan trọng của những cam kết này càng trở nên rõ ràng hơn trong thời điểm đại dịch Covid 19 bùng phát như hiện nay. Tại thời điểm này, các Tập đoàn như ADM đang đóng một vai trò trọng yếu trong việc hỗ trợ và duy trì chuỗi thực phẩm cho toàn thế giới. Và trong khi chúng ta đang tập trung vào việc vận hành một cách an toàn và hiệu quả hôm nay, chúng ta cũng không thể ngừng quan tâm đến tương lai. Ngay cả tại thời điểm đầy thách thức này, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục duy trì các cam kết để đảm bảo ADM và các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà chúng ta đang sử dụng vẫn luôn dồi dào và lớn mạnh trong nhiều năm tới.”

Vào đầu năm nay, ADM đã công bố kế hoạch giảm 25% lượng khí thải nhà kính và 15% cường độ sử dụng năng lượng. Ngoài ra, ADM sẽ phát triển các kế hoạch giảm lượng nước sử dụng cho các khu vực có nguy cơ cao và khan hiếm nguồn nước.

Các mục tiêu mới phù hợp với các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, và sẽ được thực hiện thông qua việc tái sử dụng và tái chế nước, đồng thời tìm cách sử dụng thay thế cho chất thải. Những mục tiêu này nằm trong kế hoạch ban đầu của ADM, được công bố vào năm 2011, trong đó Tập đoàn cam kết cải thiện từng đơn vị sử dụng năng lượng, khí thải nhà kính, nước và chất thải chôn lấp vào năm 2020. Như được đề cập trong Báo cáo bền vững chi tiết, ADM đã đạt được tất cả mục tiêu trước thời hạn.

“Chúng tôi nhận thức được rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên mang ý nghĩa sống còn với tương lai của chúng ta và những cam kết bền vững này của chúng tôi sẽ tạo ra một ADM vững mạnh hơn và một thế giới tốt đẹp hơn,” Ông Luciano chia sẻ thêm. “Chúng tôi tự hào là đối tác cung ứng bền vững cho khách hàng của mình và xa hơn nữa chúng tôi cam kết thúc đẩy sự thay đổi thông qua các phương pháp thực hành tốt, các giải pháp tiến bộ và hành động có ý thức của mình để mang đến tác động tích cực.

Mô hình BIOSIPEC của ADM – giải pháp nuôi tôm thâm canh tiết kiệm nước và bền vững

Mô hình BIOSIPEC Advance

Hiện nay, mô hình nuôi thâm canh đã trở nên rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhất là đối với tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei). Cùng với việc tăng mật độ nuôi, người nuôi thường tăng cường thay nước để duy trì chất lượng nước trong quá trình nuôi. Việc sử dụng và xả thải một lượng nước rất lớn không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát mầm bệnh, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường xung quanh.

BIOSIPEC là một giải pháp nuôi tôm thâm canh tiết kiệm nước và bền vững được phát triển cách đây 5 năm tại trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Thủy sản Ocialis của tập đoàn ADM ở Việt Nam.

Điểm khác biệt của mô hình BIOSIPEC là giảm thiểu rủi ro do bệnh bùng phát trong tháng nuôi đầu tiên. Cho đến nay, giải pháp đã phát triển thành hai mô hình chuyên biệt gồm Biosipec tiêu chuẩn (Biosipec standard) và Biosipec nâng cao (Biospec advance) để phù hợp với các điều kiện ương nuôi cũng như mức độ tài chính và trình độ kỹ thuật khác nhau của người nuôi.

Mô hình Biospec Standard

Cả hai mô hình này đều tập trung vào giảm thiểu tối đa lượng nước sử dụng bằng việc tái sử dụng nước từ ao tuần hoàn (Biosipec tiêu chuẩn) và bể lọc sinh học (mô hình Nâng cao). Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn ương chuyên biệt sẽ giúp quản lý chất lượng nước tốt hơn và nâng cao các giải pháp an toàn sinh học. Sau đây là thông số kỹ thuật của mô hình Biosipec so với cách nuôi tôm thẻ phổ biến hiện nay.

MÔ HÌNH ƯƠNGTHÔNG THƯỜNGBIOSIPECTIÊU CHUẨNBIOSIPECNÂNG CAO
Mật độ ương (PL/l)1-31-58-12
Thời gian ương (tuần)3-43-43-4
Phương pháp xử lý nướcThay nướcAo tuần hoàn(1.500-2.000 m2)Bể lọc sinh học(3-5 m3)
Lượng nước thay (trên lượng nước bể ương)10-12 lầnKhông thay nước(Tuần hoàn)Không thay nước (Tuần hoàn)
Mức độ rủi ro (do tác động bên ngoài)CaoThấpRất thấp
Chi phí thay nướcTốn kémKhông đáng kểKhông đáng kể
Quản lý sức khỏeVi sinh, kháng sinh…Không kháng sinhKhông kháng sinh
Thức ănThông thườngChuyên biện từ Ocialis(MeM + Vana Nano)Chuyên biện từ Ocialis(MeM + Vana Nano)
FCR0.8 – 1.20.80.9
Cỡ tôm giống thu hoạch (g/con)0.3 – 0.80.6 – 0.80.3 – 0.4
Tỉ lệ sống (%)10 – 909085
Sinh khối (kg/m3)1.2 – 1.41.52.1

Như vậy bên cạnh mục tiêu giúp giảm thiểu việc thay nước, thì mô hình ương tôm BIOSIPEC (cả Tiêu Chuẩn & Nâng Cao) còn mang lại nhiều lợi ích khác như:

  • Có thể được áp dụng hiệu quả ở cả các vùng nuôi khó khăn về nguồn nước (số lượng lẫn chất lượng).
  • Nâng cao tính an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro bệnh tật, đặc biệt không sử dụng kháng sinh.
  • Nâng cao năng suất cũng như tính ổn định của việc ương nuôi.
  • Giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả nuôi.
  • Giảm thiểu việc xả thải các chất độc hại ra môi trường, bảo vệ vùng nuôi và môi trường xung quanh.

Nguyễn Xuân

ADM là tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về Dinh dưỡng cho Người và Vật nuôi và là nhà sản xuất và chế biến nông sản hàng đầu thế giới.  Tại ADM, chúng tôi khai phóng sức mạnh thiên nhiên để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho toàn thế giới. Với công nghệ tiên tiến đầu ngành, một danh mục hoàn chỉnh về nguyên liệu và giải pháp để đáp ứng mọi khẩu vị, và cam kết phát triển bền vững, chúng tôi mang đến cho khách hàng những ưu thế để giải quyết các thách thức về dinh dưỡng trong hiện tại và tương lai. Với những giá trị về bề rộng, chiều sâu, hiểu biết, cơ sở vật chất và chuyên môn trong hậu cần, chúng tôi có năng lực cao nhất để đáp ứng những nhu cầu về thực phẩm, đồ uống, sức khỏe thể chất, sức khỏe toàn diện và còn nhiều hơn thế nữa. Từ hạt giống ý tưởng cho đến mầm xanh giải pháp, chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Tìm hiểu thêm tại www.adm.com

nguồn tin : http://nguoinuoitom.vn/

Hợp tác nuôi tôm an toàn

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, nuôi tôm chân trắng (NTCT) trên cát ven biển theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn là hướng đi tất yếu.

Mô hình thí điểm nuôi tôm công nghệ cao ở Điền Hương

Ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Huy ở xã Điền Hương trao đổi, khó khăn lâu nay trong NTCT trên cát là dịch bệnh do môi trường không đảm bảo, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Trong khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì người dân hầu như chưa nắm bắt, chưa được hỗ trợ các kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm ứng phó, xử lý khi gặp thời tiết xấu.

Phần lớn các hộ nuôi đều chưa tuân thủ quy hoạch, quy định nuôi tôm an toàn. Các hộ nuôi chỉ quan tâm đầu tư xây dựng ao nuôi, không có ao lắng. Nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi, hoặc xả thải ra môi trường đều chưa qua xử lý, dễ xảy ra các loại dịch bệnh, lây lan diện rộng. Hầu hết các ao nuôi không có lưới che, chắn an toàn nên tôm dễ xảy ra dịch bệnh do chim, các loại động vật mang từ môi trường bên ngoài và các ao nuôi khác xâm nhập.

Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải thừa nhận, lâu nay, các hộ nuôi đều sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không đạt kích cỡ nên chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá không cao.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đăng Thành thông tin, hướng đến NTCT trên cát ven biển an toàn, huyện Phong Điền đang tiến hành kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các ban ngành phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống ao hồ toàn vùng Ngũ Điền, yêu cầu các hộ nuôi phải xây dựng ao xử lý nước thải, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo an toàn. Các hộ không tuân thủ sẽ có chế tài xử phạt theo quy định. Đối với các công trình hạ tầng thủy lợi, điện, nước…đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, nguồn vốn lớn sẽ được huyện huy động, tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng.

Ngành thủy sản đang phối hợp với các ban ngành, địa phương và người dân triển khai các mô hình thí điểm nuôi tôm công nghệ cao ở vùng cát Ngũ Điền.

Mới đây, mô hình nuôi tôm bằng ao tròn, công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học thí điểm tại Điền Hương, cho thấy phù hợp với điều kiện sản xuất tại vùng cát ven biển. Đây mới chỉ là thành công bước đầu, ngành thủy sản, các hộ nuôi đang tiếp tục thí điểm thêm một vài vụ nhằm đánh giá, phân tích những ưu điểm cụ thể trước khi nhân rộng mô hình.

Liên kết theo “chuỗi giá trị”

Theo Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu, ngoài yếu tố dịch bệnh, trở lực lớn lâu nay là đầu ra sản phẩm bấp bênh. Tại vùng cát Ngũ Điền chỉ duy nhất một đại lý thu mua tôm, sự độc quyền của đại lý này dẫn đến tình trạng ép giá. Nhiều vụ tuy đạt sản lượng cao nhưng các hộ lãi rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn.

Hướng đến nuôi tôm chuyên nghiệp, việc thành lập các HTX có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật, xử lý dịch bệnh và tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người dân là điều cần thiết. UBND huyện Phong Điền thành lập HTX nuôi tôm Phong Hải cách đây 7 năm. Quá trình hoạt động, HTX bộc lộ yếu kém về mọi mặt, từ trình độ, năng lực cán bộ quản lý, điều hành đến tiềm lực tài chính… nên đã ngừng hoạt động.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn khẳng định, Liên minh HTX có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương thành lập HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012; tư vấn, định hướng các nội dung, phương thức hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Các HTX sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước như hỗ trợ kinh phí thành lập, đào tạo nguồn nhân lực, vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh…

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, cùng với thành lập, củng cố HTX nuôi trồng thủy sản, huyện Phong Điền đang xúc tiến hợp tác với Công ty CP hỗ trợ người dân hướng đến mô hình nuôi tôm chuyên nghiệp, gắn với bao tiêu sản phẩm.

Công ty CP bày tỏ sự thiện chí, sẵn sàng hợp tác, với điều kiện người dân, chính quyền địa phương tuân thủ các quy trình kỹ thuật, quy định của công ty trong quá trình nuôi. Các hộ nuôi tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi tôm an toàn, không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất; phải sử dụng nguồn giống, thức ăn, thuốc men và các trang thiết bị do công ty cung cấp, tôm nuôi đảm bảo kích cỡ theo quy định…

Mục tiêu, chiến lược của huyện Phong Điền là hướng đến mô hình NTCT trên cát ven biển theo hướng công nghiệp, đảm bảo chất lượng, an toàn, xuất khẩu. Theo quy hoạch, diện tích NTCT trên cát ven biển khoảng 900 ha, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Kế hoạch trước mắt của huyện sẽ liên kết với Công ty CP cùng với một số hộ dân tổ chức xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn, khép kín theo “chuỗi giá trị” thí điểm. Sau khi mô hình thành công sẽ tiến hành vận động các hộ từng bước nhân rộng trên toàn địa bàn vùng Ngũ Điền.

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Xuất khẩu tôm vào EU: Vui, nhưng vẫn cần lưu ý

Chỉ 1 tháng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, XK tôm của Việt Nam sang các thị trường này đã tăng từ 10-15% so với tháng 7/2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho XK tôm sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Các số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sau khi giảm liên tục trong quý II, bước sang tháng 8/2020, nhờ hiệu ứng tích cực của EVFTA, XK tôm qua EU đã tăng từ 10 – 15% so với tháng 7 và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký của VASEP – nhận xét, sau khi các sản phẩm tôm chế biến được hưởng ưu đãi thuế suất về 0% thì lượng đơn hàng XK trong tháng 8 của các DN đã tăng rõ rệt, khoảng 15% so với tháng 7/2020. Xu hướng này đang tiếp tục tốt hơn khi bước sang tháng 9/2020, nhiều DN cho biết cũng nhận được những đơn hàng mới từ khách hàng EU.

Điển hình mới đây, những lô tôm được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA của Thông Thuận Group đã được XK vào EU. DN này dự kiến, XK tôm sẽ đạt 9,5 triệu USD trong tháng 9/2020, trong đó XK vào các thị trường EU đạt khoảng 4,5 triệu USD. Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước – ông Trần Văn Lĩnh – ước tính, đến hết tháng 8/2020, Thuận Phước đã XK 3.000 tấn tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm sang EU, với giá trị khoảng 31 triệu USD, tăng 8% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới từ EU trong tháng 9

Theo ông Trương Đình Hòe, việc XK tôm tăng mạnh ngoài hiệu ứng từ ưu đãi thuế quan từ EVFTA còn có sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Công Thương trong giải quyết các vướng mắc về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 cho DN. Cụ thể, trong tháng 8/2020 khi DN XK tôm qua EU đã bị hải quan một số nước từ chối thông quan do nền màu của giấy C/O theo mẫu EUR.1 không đúng màu xanh lá cây. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã vào cuộc làm việc với phía EU, đến ngày 31/8 EU đã có ý kiến phản hồi. Theo đó, EU chấp nhận các C/O với màu nền hiện tại như mẫu mà Việt Nam đã thông báo tới EU. Việc này cũng đang được EU thông báo tới cơ quan hải quan các nước thành viên để đảm bảo các C/O theo mẫu hiện tại mà tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp cho DN sẽ không bị từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.

“Tôi cho rằng, đây là động thái rất tích cực của Bộ Công Thương trong việc đồng hành cùng DN thủy sản nói chung và tôm XK nói riêng” – ông Trương Đình Hòe cho biết.

Trên thực tế, nhiều năm nay EU là thị trường quan trọng với thủy sản nói chung và tôm nói riêng. Do đó, các DN thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên ngay khi EVFTA có hiệu lực đã đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định này.

Tuy nhiên, để XK thủy sản nói chung và XK tôm nói riêng bền vững trong tương lai, VASEP khuyến cáo các DN cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bởi người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm bền vững. Ngay khi Covid-19 xảy ra, xu hướng này lại càng thể hiện rõ nét hơn, theo đó, họ ưu tiên các sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững, mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, sản xuất an toàn.

Thuận lợi trong XK tại thị trường EU được đánh giá sẽ giúp XK tôm năm 2020 đạt kế hoạch đề ra ban đầu là 3,8 tỷ USD. Từ đó, đóng góp chung vào mục tiêu kim ngạch XK toàn ngành thủy sản là 8,26-8,3 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn tin: Công Thương

Phụ gia thức ăn: Khắc phục hiện tượng tôm xanh vỏ trong hệ thống nhà kính

Tôm nuôi trong hệ thống nhà kính tại Trung Quốc thường bị xanh vỏ khiến giá bán ra thị trường bị sụt giảm. Hiện tượng này có thể được khắc phục bằng phụ gia thức ăn thay vì sử dụng astaxanthin tốn kém.

Hiện tượng tôm xanh vỏ

Hệ thống nuôi tôm trong nhà kính (ISFS) khá phổ biến tại các tỉnh miền Trung và Bắc Trung Quốc với tỷ lệ vụ nuôi thành công rất cao; nhưng hiện tượng tôm xanh đang là vấn đề gây đau đầu. Tuy nhiên, một loại phụ gia thức ăn có thể giải quyết được vấn đề này.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã ghi nhận, hiện tượng tôm xanh vỏ trong hệ thống ISFS thường xảy ra khi hệ thống nuôi được có mái che trắng đục, thiếu sáng và tôm được cho ăn bằng các loại thức ăn thông thường. Tình trạng này có thể không liên quan đến dịch bệnh trên tôm, song tôm lờ đờ và vỏ mềm. Hơn nữa, giá thị trường của các loại tôm bị xanh vỏ luôn thấp hơn so các loại tôm có màu thông thường khoảng 0,2 – 0,3 USD/kg, do tôm xanh vỏ khi được nấu chín sẽ chuyển sang màu trắng hoặc hồng (Hình 1).

Màu sắc vật lý của các loại giáp xác được hình thành bởi các tế bào sắc tố. Thông qua hệ thần kinh và kiểm soát hormon, các hạt sắc tố của tế bào của tế bào sắc tố được di chuyển trong thân tôm nhanh chóng bằng kinesin (loại protein động cơ có khả năng di chuyển dọc theo các sợi vi ống) làm tăng màu đậm và bằng các vi ống tế bào chất để tạo màu sáng. Astaxanthin là sắc tố chính ảnh hưởng đến màu sắc thân tôm, tuy nhiên, tôm không tự tổng hợp được astaxanthin và chất này chỉ có thể được bổ sung bên ngoài qua thức ăn.

Astaxanthin là một loại ketocarotenoid có màu đỏ đậm, kết hợp với các protein để hình thành vô số các phân tử liên kết tế bào và tạo màu khác nhau như xanh, tía và vàng. Shigeru Okada và cộng sự đã phát hiện ra rằng, các hàm lượng caroteneprotein tạo màu xanh giữa tôm màu xám đậm và màu xanh đậm không có sự khác biệt đáng kể, nhưng carotenoids đỏ ở những con tôm màu xám đậm cao hơn 6 lần so nhóm tôm xanh đậm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng tôm xanh vỏ trong hệ thống ISFS là cơ thể tôm bị thiếu hụt astaxanthin, thiếu ánh sáng, chất lượng nước kém và tôm bị stress suốt quá trình nuôi.

Giải pháp từ phụ gia thức ăn

Hiện người nuôi tôm sử dụng Artemia hoặc kết hợp astaxanthin như phụ gia thức ăn để bổ sung astaxanthin và giải quyết các vấn đề về sắc tố trên tôm; nhưng cả hai đều tốn kém, trong khi nguồn cung Artemia còn tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt.

Hãng dinh dưỡng Nutrier tại Trung Quốc đã phát triển một loại phụ gia đặc biệt premix 971 dành riêng cho hệ thống nuôi tôm thâm canh ISFS. Phụ gia này điều chỉnh sức khỏe đường ruột của tôm, cải thiện tỷ lệ sử dụng thức ăn và tăng cường khả năng hấp thụ, kết tủa astaxanthin. Premix 971 có thể được sử dụng trong các nhà máy sản thức ăn chăn nuôi hoặc trộn với thức ăn 2 tuần trước khi thu hoạch tôm. Khâu xử lý và các điều kiện môi trường như ánh sáng thích hợp, nền bể tối, chất lượng nước tốt và tôm khỏe cũng giúp cải thiện màu sắc tôm.

Một thử nghiệm đã được thực hiện tại một hệ thống ISFS tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc với mật độ 800 tôm/m³. Thức ăn của tôm ở bể A trộn premix 971, tôm ở bể B được cho ăn khẩu phần đối chứng. Kết quả:

– Sau 7 ngày nuôi, nước ở bể A sạch hơn, chất rắn lơ lửng còn thức ăn thừa và phân giảm đáng kể trong khi nước ở bể B vẫn đục.

– Sau 3 ngày, 90% tôm xanh vỏ ở bể A chuyển sang màu sắc bình thường và màu xanh biến mất sau 7 ngày. Ở bể B không ghi nhận sự thay đổi.

– Sau 7 ngày sử dụng thức ăn chức năng với premix 971, màu thân tôm và chất lượng nước đã được cải thiện đáng kể. Lợi nhuận thuần tăng gần 20% do tôm tăng trưởng nhanh hơn, năng suất cao hơn và giá bán ra thị trường cũng cao hơn.

Dũng Nguyên

Theo Aquafeed

Quản lý chất lượng nước ao tôm

Xử lý nước bằng chế phẩm sinh học là “xử lý các chất ô nhiễm hoặc chất thải bằng việc sử dụng các vi sinh vật (như vi khuẩn) để phân hủy các chất không mong muốn”. Theo đó, trong bài viết này giới thiệu một giải pháp quản lý chất lượng nước hiệu quả được phát triển từ việc chọn lọc các chủng vi sinh trong phòng thí nghiệm đến các thử nghiệm thành công tại ao, nhằm mục đích quản lý tốt chất hữu cơ và các hợp chất chứa nitơ trong ao tôm.

Chắt lọc các chủng tốt nhất để xử lý nước

Phương pháp xử lý nước bằng vi sinh dựa trên việc bổ sung các chủng vi khuẩn chọn lọc vào ao nuôi để giúp quản lý và vận hành tốt hệ vi sinh trong ao. Nhằm sử dụng một cách hiệu quả vi sinh xử lý nước ao tôm, cần:

– Thúc đẩy việc hình thành sớm hệ vi khuẩn dị dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng vi sinh ao nuôi và khả năng chuyển hóa;

– Hỗ trợ hình thành sớm hệ vi khuẩn nitrat hóa và khử nitrat trong ao.

Hiểu được hai vấn đề nêu trên, các nhà nghiên cứu tại Công ty Lallemand Animal Nutrition đã nghiên cứu và chọn lọc các chủng tốt nhất trong ngân hàng vi sinh (10.000 chủng vi sinh nước mặn, hơn 5.000 đã được giải mã gen tại ngân hàng Lallemand Aquapharm). Qua quá trình sàng lọc các chủng, Công ty đã chọn các chủng tiêu biểu đáp ứng nhiều tiêu chi khác nhau.

Quản lý chất lượng nước ao tôm

Trước tiên, vi khuẩn được chọn lọc có khả năng tồn tại và phát triển ở nhiều điều kiện môi trường nước như không có hoặc ít ôxy, chịu mặn (từ nước ngọt đến độ mặn cao), tại các điều kiện ao nuôi khác nhau. Tiêu chí thứ hai cho việc chọn lọc vi khuẩn là khả năng phân hủy chất hữu cơ. Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc khả năng sinh enzym và chọn các chủng có khả năng sinh nhiều enzym phân hủy các hợp chất mỡ, đạm, đường và xơ. Các thí nghiệm trên đã được thực hiện ở nhiều điều kiện nhằm chọn ra chủng tốt nhất cho hoạt tính phân hủy mạnh và tối ưu nhất (Hình 1).

Quản lý chất lượng nước ao tôm

Hoạt tính enzym của hỗn hợp vi khuẩn. Lalsea Biorem là sự kết hợp các chủng vi khuẩn được chọn lọc để sử dụng trong ao nuôi tôm

Sản phẩm Lalsea Biorem là sự kết hợp nhiều chủng vi khuẩn (6 chủng từ 3 loài Bacillus khác nhau và một chủng từ loài Pediococcus acidilactici), đã được chọn lọc. Hỗn hợp các chủng trên sau đó cũng đã được thử nghiệm trên ao tôm thương phẩm, nhằm đánh giá hiệu quả về chất lượng đáy ao, quản lý nước và phát triển của tôm.

Góp phần giải độc nitơ

Nhằm nghiên cứu và đánh giá tốt hơn ảnh hưởng của Lalsea Biorem lên ao nuôi tôm, một thí nghiệm trên bể với các điều kiện tương tự như ao nuôi đã được thực hiện. Các bể nuôi được phủ một lớp bùn hữu cơ được lấy gần ao tôm và Lalsea Biorem được sử dụng với liều khuyến cáo tại ao nuôi (800 g/ha/tuần). Bằng cách này, các yếu tố môi trường và các lần lặp lại được kiểm soát tốt nhằm đánh giá chính xác hiệu quả của Lalsea Biorem ở điều kiện ao nuôi khép kín.

Thí nghiệm đã được thực hiện ở Peru vào năm 2015 trên tôm thẻ chân trắng giống (Litopenaeus vannamei; 3,6 ± 0,3 g). Sáu bể 1 m3 đã được bố trí ở cùng điều kiện. Trong 9 tuần thí nghiệm, phân nửa số bể được bổ sung Lalsea Biorem mỗi tuần 1 lần với liều khuyến cáo trên.

Quản lý chất lượng nước ao tôm

Ảnh hưởng của sản phẩm Lalsea Biorem lên hàm lượng hợp chất nitơ trong nước nuôi tôm (Peru, 2015)

Kết quả hàm lượng các hợp chất chứa nitơ (Hình 2) cho thấy tác động lên chu trình nitơ ở nhiều mức độ khác nhau:

– Đầu tiên, nghiệm thức xử lý nước giảm hàm lượng nitơ tổng trong bể nuôi. Điều này rất có thể là kết quả của việc hấp thu ammonia vào trong tế bào cơ thể vi khuẩn dị dưỡng. Hàm lượng ammonia thấp sẽ ngăn được các rủi ro về độc tố đối với tôm, tảo nở hoa và phú dưỡng.

– Thứ hai, xử lý nước ngăn việc hình thành nitrit cao trong ao vì lượng ammonia trong nước giảm đi.

– Thứ ba, điều này cho thấy giảm sự phụ thuộc vào quá trình 2 bước nitrat hóa bởi các vi khuẩn tự dưỡng chậm phát triển và cần nhiều thời gian hơn để hình thành trong nước. Bằng cách hỗ trợ chu trình 2 bước nitrat, ammonia được chuyển hóa sang nitrat hiệu quả hơn, từ đó giảm rủi ro tích lũy độc chất nitrit trong nước.

Vào cuối thí nghiệm, chất lượng bùn đã được cải thiện đáng kể, màu sáng hơn và không còn mùi hôi sulfite trong các bể được sử dụng Lalsea Biorem. Nhìn chung, kết quả trên cho thấy, phương pháp xử lý nước giúp phân hủy các chất hữu cơ nhằm giúp đáy ao tốt hơn, giảm ammonia bằng việc hấp thu vào cơ thể vi khuẩn và cuối cùng giúp quá trình nitrat hóa hiệu quả hơn. Ở thí nghiệm trên, việc cải thiện chất lượng bùn và nước giúp tôm tăng trọng hơn 20% (Hình 3).

Quản lý chất lượng nước ao tôm

Ảnh hưởng của sản phẩm Lalsea Biorem lên phát triển tôm (trọng lượng ban đầu 3,6 ± 0,3 g, mật độ thả 27 con/m2)

Để chứng minh rõ hơn hiệu quả của phương pháp xử lý nước, các nhà nghiên cứu tại Lallemand Animal Nutrition đã phân tích quần thể vi sinh vật trong lớp bùn sử dụng phương pháp hiện đại trong việc giải trình tự và phân tích DNA vi sinh. Kết quả cho thấy, Lalsea Biorem ảnh hưởng rõ rệt lên sự phong phú về chủng loài vi sinh trong 30 ngày sử dụng; Lalsea Biorem tác động rõ rệt lên quá trình hình thành của quần thể vi sinh trong ao.

>> Phương pháp xử lý nước dựa trên việc cải thiện và đa dạng quần thể vi sinh sẽ rất hữu ích trong việc quản lý chất thải và chất lượng nước ao nuôi tôm, từ đó cải thiện năng suất tôm. Nuôi tôm phụ thuộc lớn vào quản lý ao nuôi tốt nhằm tạo hệ sinh thái cân bằng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người nuôi. Xử lý nước là một mắt xích quan trọng trong việc cần bằng và tạo môi trường ao nuôi khỏe mạnh, từ đó tối ưu năng suất.

Lallemand Animal Nutrition – https://thuysanvietnam.com.vn/

Hưởng thuế 0%, tôm Việt hạ đối thủ tại châu Âu

Tôm thẻ chân trắng
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam.

Kết thúc tháng 8, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục, một phần nhờ vào Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo Tổng cục Hải quan, kết thúc tháng 8, Việt Nam xuất siêu 5 tỉ USD. Do đó, lũy kế 8 tháng năm 2020, Việt Nam thặng dư thương mại lên đến con số 13,5 tỉ USD.

Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá, việc xuất khẩu tốt là nhờ vào Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào đầu tháng 8. Do vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU.

Trong đó, điển hình là mặt hàng thủy sản, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với hồi tháng 7. Những mặt hàng tăng nhiều nhất là tôm và mực. Trong đó, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú đông lạnh của Việt Nam được hưởng mức thuế 0%. Do lợi thế về thuế nên tôm Việt Nam có giá tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nhiều nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 8-2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. 

Bảo Việt cũng cho biết, trong tháng 8-2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. 

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,… 

EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng hàng hóa của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu của EU. Do vậy, dư địa để gia tăng xuất khẩu còn nhiều.

Phương Minh Pháp Luật Online