Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Giá nhiều loại thủy sản ở Trà Vinh giảm

Trong vài ngày vừa qua, giá một số mặt hàng thủy sản Trà Vinh chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển ở thị trường tỉnh Trà Vinh giảm nhẹ.

Thu hoạch tôm. (ảnh minh họa)

Trong vài ngày vừa qua, giá một số mặt hàng thủy sản Trà Vinh chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển ở thị trường tỉnh Trà Vinh giảm nhẹ.

Anh Nguyễn Văn Nhanh, nông dân nuôi tôm ở xã Long Hòa cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng thương lái mua tại ao loại 30 con/kg có giá từ 140.000 – 145.000 đồng/kg, loại 40 con/kg từ 115.000 – 120.000 đồng/kg, loại 50 con/kg là 100.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 200.000 – 205.000, loại 40 con/kg 150.000 đồng/kg, loại 50 con/kg từ 110.000 – 115.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày nay, giá tôm thẻ, tôm sú được thương lái thu tại ao đều giảm mức bình quân khoảng 5.000/kg.

Theo ông Nhanh, hầu hết người dân nuôi tôm ở xã Long Hòa trong mùa vụ năm nay đều ít bị thiệt hại, đạt sản lượng cao hơn năm trước, nhưng do giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng giảm sâu và thấp hơn năm 2019 từ 10.000 – 15.000 đồng/kg nên đa số nông dân không có lời cao, có hộ chỉ huề vốn.

Không chỉ có mặt hàng tôm, giá cua biển ở thị trường Trà Vinh hiện đang giảm mạnh so với 15 ngày trước đó. Cụ thể, giá cua thịt cái loại 5 con/kg có giá khoảng 180.000 đồng/kg, cua thịt loại I (3 con /kg) 230.000 đồng/kg, giảm bình quân 20.000 đồng/kg, giá cua gạch giảm nhiều nhất từ 350.000 đồng/kg nay chỉ còn 280.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua thủy sản ở chợ Trà Vinh cho biết, giá cua biển giảm mạnh là do hiện trong tỉnh đang vào vụ thu hoạch và nhiều tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu cũng thu hoạch cua nuôi nên thị trường cung vượt cầu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến ngày 30/9, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 10.780 tấn tôm sú, gần 45.325 tôm thẻ chân trắng. Riêng diện tích nuôi cua biển năm nay đạt gần 14.000 ha, nông dân thu hoạch theo phương thức tỉa thưa ước đạt khoảng 10.000 tấn và sản lượng cua trong tỉnh còn thu hoạch đến cuối năm ước gần 5.000 tấn.

Nguồn: Theo Bnews

Kích thích phản ứng miễn dịch của tôm thẻ bằng nấm men

Tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng

Yarrowia lipolytica làm tăng hoạt tính diệt khuẩn ở tôm.

Sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm thẻ chân trắng. Chính vì thế sử dụng kháng sinh là cách phổ biến trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát các bệnh do vi khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách đang là mối quan tâm vì nó làm xuất hiện các chủng kháng thuốc và dẫn đến tồn dư trong thực phẩm và môi trường. Do đó, các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường để tránh hoặc giảm việc sử dụng kháng sinh được đánh giá cao.

Yarrowia lipolytica là một loại nấm men hiếu khí, lưỡng hình, không gây bệnh, nó có thể được phân lập từ sữa chua, môi trường biển và tôm. Do thành phần chứa axit béo thiết yếu, Y. lipolytica đã được sử dụng như một chất bổ sung trong nuôi trồng thủy sản. Ở cá, Y. lipolytica khi bổ sung vào chế độ ăn đã kích thích phản ứng miễn dịch và cải thiện tình trạng sức khỏe cá. 

Thí nghiệm được thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức:

  • Đối chứng: thức ăn
  • Yl-D1: thức ăn + Y. lipolytica D1
  • Yl-N6: thức ăn + Y. lipolytica N6 
  • Lm-β: thức ăn + β-glucan từ tảo nâu
  • Sc-β: thức ăn + β-glucan từ Saccharomyces cerevisiae

Trong nghiên cứu này, hoạt tính diệt khuẩn chống lại V. parahaemolyticus ở phần dịch sau khi ly tâm máu tôm (HLS) của nghiệm thức cao hơn (21 đến 44%) so với nhóm đối chứng, cao nhất là ở nhóm Yl-N6 và Sc-β ở tuần thứ nhất, tiếp theo là Lm-β ở tuần thứ hai và nhóm Yl-N6 ở tuần thứ 3. 

Tế bào máu tôm đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, thực hiện các chức năng như thực bào, đóng gói, lưu trữ và phóng thích pro-phenoloxidase. Trong nghiên cứu này, tổng tế bào máu (THC) đã gia tăng khi sử dụng các chất kích thích miễn dịch. Sau một tuần điều trị, tôm ở nhóm nghiệm thức Yl-N6, Yl-D1 và Lm-β cho thấy sự gia tăng đáng kể THC so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, chỉ tôm ở nghiệm thức Yl-N6 cho thấy hiệu quả bền vững theo thời gian so với nhóm đối chứng, có THC cao hơn 2,1; 1,6 và 2,1 lần lượt ở một, hai và ba tuần.

Lysozyme là một enzyme kháng khuẩn, đóng vai trò thiết yếu trong phản ứng miễn dịch không đặc hiệu chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Trong nghiên cứu này, hoạt tính lysozyme ở các nhóm thí nghiệm nhìn chung cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. 

Thực bào là một cơ chế liên quan đến việc giải phóng các loại oxy phản ứng (ROS), có thể gây ra tổn thương tế bào. Do đó, động vật giáp xác tạo ra các enzym chống oxy hóa để ngăn ngừa và sửa chữa các thiệt hại do ROS. Superoxide dismutase (SOD) là một loại enzyme xúc tác quá trình khử O2– thành O2 và hydrogen peroxide (H2O2). Nghiên cứu này đã quan sát thấy sự gia tăng đáng kể hoạt động enzyme SOD ở nghiệm thức Y. lipolytica (Yl-N6: 2,2 lần) trong tuần đầu tiên. Tuần thứ 2 và 3, Hoạt động SOD cũng cao hơn ở nhóm sử dụng Y. lipolytica và β-glucan so với nhóm đối chứng. Tương tự, hoạt động của catalase và peroxidase của tôm cũng tăng lên ở nghiệm thức sử dụng Y. lipolytica (Yl-N6 và Yl-D1), chủ yếu ở tuần đầu tiên. Cả hai enzyme này đều xúc tác cho H2O2 được giải phóng. 

Để khám phá hoạt động điều hòa miễn dịch của Y. lipolytica, nghiên cứu này đã phân tích biểu hiện gen liên quan đến miễn dịch trong tế bào máu. Sự hoạt hóa của hệ thống proPO đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch bẩm sinh của động vật giáp xác, đặc biệt là trong việc bảo vệ chống lại mầm bệnh. Một sự khác biệt đáng kể đã quan sát thấy trong biểu hiện gen proPO ở tất cả các nhóm (ngoại trừ Sc-β) khi so sánh với nhóm đối chứng ở tuần thứ nhất và thứ hai, cho thấy mức điều chỉnh cao nhất ở nhóm Y. lipolytica (Yl-N6). 

Penaeidin (PEN) là các peptide kháng khuẩn (AMP) được tổng hợp trong tế bào máu có hoạt tính kháng khuẩn mạnh. Trong nghiên cứu này, nghiệm thức Yl-D1 và Lm-β có biểu hiện gen PEN4 cao hơn đáng kể so với các nhóm khác trong tuần thứ nhất. Ở tuần thứ hai, biểu hiện gen PEN4 cũng tăng lên đáng kể ở nhóm Y. lipolytica (Yl-N6 và Yl-D1) so với nhóm đối chứng. Ngược lại, nhóm nghiệm thức Sc-β làm giảm sự biểu hiện gen PEN4 trong tế bào máu tôm thẻ. Như đã báo cáo trước đây, ảnh hưởng của glucan trong chế độ ăn đối với sự biểu hiện gen PEN trên tôm phụ thuộc vào nguồn gốc và cấu trúc hóa học của nấm men. 

Trong số các vi sinh vật, nấm men đã chứng minh được tác dụng kích thích miễn dịch ở động vật giáp xác, có liên quan mật thiết với β-glucans nằm trong thành tế bào của chúng. Ngoài ra, nấm men tạo ra một số phân tử như:  axit amin, enzym, lipid, vitamin và nucleotide kết hợp với glucans, tạo ra tác dụng kích thích miễn dịch. Hơn nữa, chế độ ăn có bổ sung probiotic giúp thúc đẩy tăng trưởng, tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của động vật. 

Các kết quả thu được đã chứng minh rằng việc sử dụng Y. lipolytica (chủng N6 và D1) đã kích thích hoạt động diệt khuẩn, các thông số miễn dịch dịch thể và hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tôm thẻ. Nói chung, việc sử dụng 1,1% men Y. lipolytica có tác dụng kích thích mạnh hơn hơn so với các chất kích thích miễn dịch khác (glucans). Nghiên cứu này cho thấy khả năng ứng dụng nấm men Y. lipolytica như một chất kích thích miễn dịch tiềm năng trong nuôi tôm.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

‘Cải tổ’ nguồn nước nuôi tôm

Nguồn nước không đảm bảo đang là nỗi trăn trở của nhiều hộ nuôi tôm trên cát. Song, chính họ – những người nuôi tôm với quy trình không bền vững – đã tạo nên hệ lụy này.

Chất lượng nguồn nước đang là nỗi lo của người nuôi tôm khi vào vụ

Những điều trông thấy

Dẫu chậm hơn so với mọi năm bởi ảnh hưởng COVID-19 nhưng vụ đông này, nhiều hộ dân cũng đã xuống giống. Song vẫn còn một số hộ không dám thả nuôi hoặc không xoay xở được kinh phí để tái đầu tư khi thị trường đang bó hẹp.

Thông thường, chi phí cho con giống, nhân công, tu sửa trang thiết bị, hồ nuôi chiếm phần lớn trong hạch toán của hộ nuôi mỗi khi vào vụ. Bây giờ, khi con tôm vào vụ, nguồn nước đang là nỗi lo lắng. “Để nuôi tôm, nước mặn được chúng tôi lấy từ biển vào hòa cùng nước ngọt thông qua các giếng khoan với tỷ lệ 7 mặn 3 ngọt. Nếu nguồn nước này không đảm bảo thì tỷ lệ thất bại sẽ rất cao”, ông Hồ Văn Cường, người nuôi tôm ở vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ.

Như lời anh Cường, nuôi tôm trên cát phải có đủ nước ngọt lẫn mặn, bởi vậy, nhiều hộ dân đầu tư hàng trăm triệu đồng thiết kế đường ống đấu nối từ hồ nuôi ra biển khi việc đưa nguồn nước này vào đất liền khó khăn.

Đến đây, chỉ cần nhìn lại quy trình nuôi tôm mà lâu nay các hộ dân áp dụng sẽ nhận thấy được lo lắng của họ hoàn toàn có cơ sở. Dẫu những thông số của các cơ quan chức năng về nguồn nước biển gần bờ vẫn đang trong giới hạn an toàn, nhưng ai dám chắc khi hơn cả thập kỷ nay, nguồn nước thải của nhiều hộ dân nuôi tôm đổ thẳng ra biển mà không qua hệ thống xử lý nào không ảnh hưởng đến biển. Và cũng chính nguồn nước biển ấy, họ lại lấy vào để nuôi trồng vụ kế tiếp.

Còn mạch nước ngầm cũng chẳng ai dám chắc không bị ảnh hưởng khi nước thải, hóa chất ở các hồ tôm đang hàng ngày thẩm thấu vào cát. Thực tế, không ít lần, người dân vùng Ngũ Điền phản ánh tình trạng mạch nước ngầm không đảm bảo đến các cơ quan chức năng.

Hơn 10 năm theo đuôi tôm, anh Lê Viết Sáng (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) cảm nhận rõ những khó khăn về nguồn nước. Nếu ở những doanh nghiệp, công ty có cả đội ngũ kỹ sư hàng ngày phụ trách đo thông số nguồn nước thì với hộ nuôi tư nhân, họ chỉ cảm nhận bằng trực quan. “Chính những người nuôi như tôi cũng cảm nhận được nguồn nước bây giờ đang khác trước. Khi nhiều hồ tôm ồ ạt mọc lên thì nước thải chưa qua xử lý quá nhiều, đổ thẳng ra biển nên khả năng làm sạch tự nhiên của biển cũng bị ảnh hưởng”, anh Sáng nói.

Với quy trình nuôi, cách xử lý nước thải như hiện nay, chính người nuôi gặp khó. Thu nước mặn từ biển, nước ngọt từ mạch ngầm rồi nước thải cũng về những vị trí đó tạo nên vòng luẩn quẩn tồn tại nhiều năm nay. “Do nguồn nước ô nhiễm, nhiều người nuôi tôm thiệt hại mấy vụ liên tiếp. Nhiều khu vực nuôi, hồ tôm bỏ hoang bởi họ cho rằng nơi đó nguồn nước không tốt”, anh Nguyễn Thành (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) nói.

Thay đổi tư duy nuôi

Mức độ đầu tư lớn khiến nhiều hộ dân đổ cả gia sản vào con tôm. Khác với sản xuất nông nghiệp, đê điều ở các vùng nuôi tôm được chính người dân chủ động đầu tư, tạo hệ thống mà người ta gọi là đê thủy sản khá vững chắc. Song, quản lý nguồn nước đang có nhiều trở lực bởi người nuôi tự phát khiến địa hình nuôi tôm biến đổi, dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo. Muốn cân bằng chất lượng nước như thuở sơ khai, hệ thống xử lý nước thải bắt buộc phải được đầu tư, một mặt để đảm bảo vấn đề về môi trường, mặt khác tạo tính bền vững trong quá trình nuôi.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, nhiều hộ nuôi tôm trên cát bây giờ vẫn lơ là đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chưa bàn đến vấn đề môi trường thì ngay chính họ là người bị ảnh hưởng, thiệt hại đầu tiên. “Muốn “cải tổ” nguồn nước nuôi tôm trước hết phải có hệ thống xử lý nước thải đủ tốt. Hạn chế sử dụng hóa chất sẽ giúp nguồn nước được duy trì ổn định”, bà Hồng cho biết.

Tạo nên một “hệ sinh thái” hay chuỗi thức ăn trong hồ nuôi cũng được xem là giải pháp làm sạch nguồn nước được các cơ quan chức năng đưa ra. Bất cứ một hồ nuôi nào, lượng thức ăn dư thừa luôn tồn đọng khá lớn, chính điều này là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Lồng ghép các loại thủy sản phù hợp sẽ giúp người nuôi giải quyết bài toán này, đồng thời nâng cao thu nhập.

“Có khá ít hộ nuôi “tìm bạn” cho tôm, nghĩa là nuôi các loại thủy sản khác để “dọn dẹp” lượng thức ăn dư thừa trong hồ nuôi. Cá đối, cá rô phi là những loại thủy sản mà người dân có thể xen ghép trong nuôi tôm. Các loại cá này sẽ ăn thức ăn tồn đọng của tôm và các loại thực vật có hại khác, giúp làm sạch nguồn nước. Điều quan trọng nhất đối với người nuôi tôm vẫn là thay đổi nhận thức, tư duy bởi điều kiện tự nhiên đã khác trước rất nhiều. Biến đổi khí hậu khiến người nuôi tôm vất vả hơn trước, trong hoàn cảnh này, hàm lượng kỹ thuật lẫn công nghệ cần được áp dụng nhiều hơn”, bà Hồng nói.

Bài, ảnh: Lê Thọ – Báo Thừa Thiên Huế

Tầm quan trọng của acid mật đối với gan tụy tôm

gan tụy tôm thẻ
Acid mật có nhiều tác dụng trên tôm thẻ

Sử dụng acid mật như một phụ gia thức ăn trên tôm không những có tác dụng với gan tụy mà còn mang đến nhiều lợi ích quan trọng khác.

Acid mật trong phụ gia thức ăn

Các loại phụ gia thức ăn được sử dụng trong thức ăn thủy sản rất đa dạng với mục đích bảo tồn các đặc tính dinh dưỡng của khẩu phần hoặc thành phần thức ăn trước khi cho ăn.

Các chất phụ gia thức ăn thường có các đặc tính như chất chống oxy hóa và ức chế nấm mốc, chất nhũ hóa, chất ổn định, chất kết dính, chất kích thích thức ăn chăn nuôi, chất dẫn dụ, chất thúc đẩy tăng trưởng, chất cảm ứng lột xác, chất điều hòa miễn dịch, probiotics, prebiotic, chất chống oxy hóa, chất tạo màu/sắc tố, hợp chất kháng khuẩn, chất ngăn ngừa bệnh tật, acid hữu cơ, acid mật, hoocmon, chiết xuất thảo dược, vv.

Acid mật là thành phần chính của mật và chúng được sản xuất trong gan. Acid mật được tiết vào ruột, nơi chúng đóng các vai trò sinh học quan trọng như thúc đẩy sử dụng chất béo như một chất nhũ hóa tự nhiên, kích hoạt lipase để cải thiện khả năng tiêu hóa chất béo và bảo vệ gan động vật. 

Phụ gia được bổ sung vào thức ăn với nhiều mục đích khác nhau.

Chất béo và dầu là nguồn năng lượng chính của động vật. Do đó, chất béo được bổ sung rộng rãi vào khẩu phần ăn của động vật để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu động vật thủy sản khó có thể tiêu hóa chất béo vì hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện hạn chế bài tiết mật.

Đối với động vật thủy sinh, acid mật có các chức năng chính là hỗ trợ quá trình hòa tan, tạo nhũ tương và sử dụng chất béo và các vitamin tan trong chất béo, bảo vệ sức khỏe của gan, gan tụy và túi mật của tôm cá..

Acid mật mang lại nhiều hiệu quả khi dùng cho động vật thủy sản, đặc biệt là với tôm và các loài giáp xác khác do chúng không thể tự tiết ra acid mật và cholesterol. Trong khi chúng yêu cầu cholesterol chuyển hóa thành hormone lột xác để trưởng thành.

Bên cạnh đó, sức khỏe của gan tụy rất quan trọng đối với tôm, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống. Gan tụy là cơ quan trao đổi chất và cơ quan giải độc quan trọng của tôm. Gan tụy tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng để dự trữ năng lượng. Đồng thời chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.Các rối loạn hoặc tổn thương của gan tụy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất của tôm như kém hấp thụ chất dinh dưỡng, kém miễn dịch, cơ thể suy yếu, viêm ruột , khả năng chống stress giảm, khó lột xác, không cứng vỏ, khả năng tiêu hóa suy giảm, hao hụt dinh dưỡng thức ăn, FCR cao v.v. từ đó tăng trưởng chậm và giảm năng suất.

Gan tụy bị ảnh hưởng do môi trường nuôi bị ô nhiễm, mầm bệnh xâm nhập, quá tải trong quá trình tiêu hóa và khó hấp thu. Vì vậy, việc bảo vệ gan tụy cần được thực hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình nuôi  và khuyến cáo đảm bảo môi trường nuôi phải sạch tránh gây sức ép lên gan tôm.

Tầm quan trọng của acid mật đối với tôm

Môi trường ao nuôi bị suy thoái nghiêm trọng, kim loại nặng, khí độc NH3, NO2, hóa chất tồn dư đang gây hại cho sức khỏe tôm, đặc biệt ảnh hưởng đến gan tụy. Bên cạnh đó, hàm lượng đạm và chất béo cao cũng mang lại gánh nặng cho hệ thống gan gụy, ruột. Dịch bệnh xảy ra trên tôm do điều kiện môi trường kém, nhiễm vi khuẩn và giảm khả năng miễn dịch.

Muối mật hoạt động như một chất bảo vệ mạnh mẽ cho gan tụy, giúp hỗ trợ các chức năng khác nhau ở tôm thẻ chân trắng . Để nâng cao tốc độ tăng trưởng tốt hơn và cải thiện các chiến lược quản lý hiện tại hướng tới nuôi tôm bền vững, việc sử dụng acid mật làm phụ gia thức ăn là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề khác nhau.

Gan tụy tôm rất quan trọng nhưng nhạy cảm với mầm bệnh.

Tiêu hóa và hấp thụ chất béo

Acid mật thúc đẩy tiêu hóa và hấp thụ chất béo và cholesterol bằng cách nhũ hóa chất béo, kích hoạt sự hoạt hóa của enzyme lipase và tạo thành chylomicrons hỗn hợp với enzyme thủy phân.

Chuyển hóa lipid

Acid mật đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chuyển hóa lipid, glucose và năng lượng. Acid mật như một phân tử tín hiệu để điều chỉnh chuyển hóa lipid. Acid mật kích hoạt nhiều thụ thể nhân trong gan và đường tiêu hóa. Tổng hợp acid mật là con đường chính để dị hóa cholesterol.

Tăng cường khả năng miễn dịch

Acid mật có thể làm tăng khả năng kháng bệnh của tôm khi cho ăn liên tục. Acid mật giúp tạo ra một môi trường có thể tiêu hóa vi khuẩn và vi rút trong đường tiêu hóa. Cho ăn acid mật có thể tăng cường chức năng gan tụy tốt hơn và cải thiện hệ thống miễn dịch của tôm.

Ngăn chặn các hợp chất độc tố

Các acid mật có thể làm giảm các chất độc hại trên gan tụy và kết hợp hoặc phá vỡ nội độc tố trong ruột. Nó ngăn cản nội độc tố đi qua hàng rào niêm mạc ruột và làm giảm sự hấp thu nội độc tố ở ruột. Acid mật có thể phân hủy nội độc tố thành những chất vô hại và bài tiết độc tố ra khỏi cơ thể.

Nơi sinh sống của các sinh vật gây bệnh

Acid mật có tác dụng ức chế mạnh các chứng viêm cấp và mãn tính. Ngoài ra acid mật có tác dụng kháng khuẩn kể cả vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm trong đường ruột.

Các acid mật hoạt động như một chất diệt nấm hiệu quả và ức chế sự sinh sôi quá mức của vi khuẩn đường ruột.  Acid deoxycholic (acid mật) có thể phá hủy màng tế bào vi khuẩn và  ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột

Ngăn chặn vỏ mềm và bất thường khác trong giai đoạn lột xác 

Acid mật cũng phòng ngừa những bất thường khi tôm lột xác.

Trong quá trình lột xác tôm sẽ có những biểu hiện yếu như mềm vỏ, chậm lớn. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu do thiếu dinh dưỡng, thiếu nguồn canxi hoặc một số bệnh nhiễm khuẩn. Vỏ mềm do nhiễm vi khuẩn thường kèm theo màu sắc cơ thể bất thường, cơ thịt đục, đỏ, v.v.

Tôm cần một chế độ ăn uống cân bằng để tích lũy năng lượng đáng kể trước khi lột xác. Lột xác là thời kỳ yếu nhất của cơ thể tôm, rất dễ bị mầm bệnh tấn công. Do đó, việc sử dụng acid mật như một chất phụ gia thức ăn một cách đều đặn sẽ giúp hệ tiêu hóa tổng hợp dinh dưỡng nhanh chóng và ngăn ngừa tình trạng mềm vỏ, lột xác bất thường, các vấn đề về vỏ…

Giai đoạn tăng trưởng và tần suất lột xác

Hoạt động lột xác của tôm bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Sự phát triển mô của tôm được tiến hành sau khi lột xác và cơ thể tôm sẽ lớn lên quá trình lột xác và hoàn thiện cơ thể.

Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng và biến thái, việc sử dụng acid mật đã trở thành một công cụ quan trọng để cải thiện tần số lột xác trên tôm. 

Cải thiện tỷ lệ sống

Các acid mật cải thiện tỷ lệ sống ở tôm do sự phát triển thích hợp của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, sử dụng dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong thấp hơn, v.v. Acid mật cũng có khả năng chống stress mạnh và cải thiện mức độ SOD , GSH-Px và GR.

Kiểm soát WFS bằng cách sử dụng acid mật

Hội chứng phân trắng (WFS) & Bệnh đường ruột trắng ở tôm nguyên nhân do nhiễm mầm bệnh ở các nguồn khác nhau vào gan tụy. Việc bổ sung lâu dài acid mật trong chế độ ăn của tôm, acid mật bảo vệ gan tụy khỏi việc ngăn ngừa cơ bản tôm bị ảnh hưởng trong WFS.

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, các yếu tố hóa lý có hại của ao nuôi và tảo độc là nguyên nhân trực tiếp gây hoại tử gan tụy của tôm. Việc cho tôm ăn thường xuyên acid mật, gan tụy có thể được bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng.

Việc bổ sung acid mật ngoại sinh trong khẩu phần như một chất phụ gia thức ăn trong khẩu phần ăn của tôm có thể cải thiện hiệu quả việc sử dụng và tiêu hóa chất béo, cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơ thể. Acid mật giúp cải thiện năng suất tăng trưởng, giảm chi phí thức ăn, duy trì chất lượng thức ăn, giảm tích tụ chất béo trong gan, liên kết với nội độc tố, loại bỏ nội độc tố ra khỏi cơ thể và bảo vệ sức khỏe đường ruột và gan.

Phụ gia thức ăn acid mật góp phần vào nuôi trồng thủy sản bền vững  giúp tăng lợi nhuận bằng cách tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, cải thiện chất lượng nước ao, gia tăng chất lượng thức ăn. Bổ sung acid mật cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm chi phí thức ăn và tăng cường tiêu hóa, giảm bớt rủi ro độc tố nấm mốc… là một phụ gia quan trong cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Như Huỳnh – https://tepbac.com/

Công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể

nuôi tôm hùm trên bờ
Mô hình nuôi tôm thương phẩm trong bể xi măng mà Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc triển khai. Ảnh: Đắc Lộc.

Dù mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhưng nghề nuôi tôm hùm đang có những tác động tiêu cực đến môi trường biển. Để vừa đảm bảo sản lượng vừa bảo vệ môi trường, các nhà nghiên cứu của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã nhận chuyển giao và hoàn thiện công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên.

Mô hình nuôi tôm hùm trên bờ đầu tiên

Tháng 5/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra dự thảo đề án ‘Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025’ với mục tiêu, tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD; từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm. Cùng với sản lượng này, vấn đề liên quan đến môi trường cũng được nhấn mạnh như vùng nuôi được kiểm soát môi trường, dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động.

Có lẽ, Bộ Nông nghiệp và nông thôn có lý do để đưa ra mục tiêu lớn như vậy, dù ở thời điểm hiện tại, sản lượng tôm hùm thương phẩm trên cả nước mới đạt 1.800 tấn/năm (2019) với hơn 190.000 lồng nuôi (gồm thương phẩm và giống). Lý do này có lẽ một phần bắt nguồn từ việc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã triển khai thành công mô hình nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa ở Phú Yên bằng công nghệ RAS (tuần toàn nước) do Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III chuyển giao. Đây là dự án quy mô cấp Nhà nước do Văn phòng Chương trình Quốc gia (Bộ KH&CN) đầu tư với mục đích xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, phát triển bền vững cả về kinh tế – xã hội và môi trường…

Cũng cần nói rằng đây là dự án nuôi tôm trên bờ đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Vì sao vậy? Bởi khác với tôm thẻ, tôm sú hay cua, ghẹ… tôm hùm khó nuôi, chỉ sống và phát triển được ở vùng biển nước sạch, lưu thông thường xuyên, lồng được đặt chìm xuống nước từ 10-20m để đảm bảo mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Thức ăn của tôm hùm phải tươi, từ cá, cua, ốc… Trung bình, để nuôi được 1kg tôm hùm, người dân mất khoảng 15 kg thức ăn.

“Với hàng triệu con tôm hùm thì thử hỏi, có bao nhiêu tấn cua, cá,… đã được rải xuống biển và phần không tiêu thụ hết đọng vào các rạn san hô, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng vùng biển này” – chị Trần Thị Lưu, cán bộ nghiên cứu của công ty TNHH Đắc Lộc nói trong tiếc nuối. Bởi vậy, nếu như mấy năm trước, lồng nuôi còn đặt gần bờ thì giờ đây, càng lúc lồng càng được đưa ra xa bờ, tìm đến những vùng nước sạch mới. Nếu đến một ngày, tất cả những vùng biển đều bị ô nhiễm thì người dân có thể nuôi tôm ở đâu và liệu rằng tôm hùm có cơ hội để trở thành sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 hay không?

Khi dự án nuôi tôm hùm thương phẩm trên bờ được triển khai, đã có không ít người dân lắc đầu: “Bởi làm sao mà nuôi được trên bờ, làm sao đảm bảo cho nước sạch?, khi mà thời gian phát triển của tôm hùm kéo dài từ 12-18 tháng chứ không phải vài ba tháng như tôm thẻ hay tôm sú”.

Nhưng công nghệ RAS (tuần hoàn nước) mà Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nghiên cứu và nội địa hóa đã được triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Thành công của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc ở quy mô thương phẩm tạo ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam giúp kiểm soát được môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh, không bị ảnh hưởng thời tiết, dễ dàng trong quá trình vận hành chăm sóc.

Để tôm hùm phát triển trong môi trường nhân tạo, yếu tố tiên quyết là nước phải sạch, nhiệt độ ở mức từ 25-30 độ C, độ mặn 28 – 33%, có dòng chảy lưu thông như ngoài biển. Vì vậy, hệ thống được thiết kế thành một vòng tuần hoàn với bể nuôi và bể lọc sinh học, đảm bảo nguyên tắc, bể nuôi cao hơn bể lọc. Bể có thể là bể xi măng, composite hoặc bể nổi (bạt khung sắt). Các thiết bị phụ trợ đi kèm trong hệ tuần hoàn là trống lọc, skimmer…

Chị Trần Thị Lưu mô tả về quy trình xử lý của RAS: “Nước từ bể nuôi đi qua trống lọc, chất bẩn được tách ra còn nước được đẩy sang bể lọc sinh học. Tại đây, các vi sinh vật giúp chuyển hóa chất độc hại có thể gây bệnh cho tôm thành các chất không có hại, ví dụ như chuyển hóa ammoniac sang NO2, NO3, skimmer có tác dụng tách các protein lơ lửng còn lại, …Ở bước cuối cùng, nước sạch được đẩy sang hệ thống làm mát và tia UV để diệt khuẩn, đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ, và các chỉ tiêu lý hóa trước khi quay trở lại bể nuôi”. Với mô hình xử lý tuần hoàn như vậy, nước trong bể nuôi được đảm bảo thuận lợi cho tôm hùm phát triển.

Cơ hội mới cho nghề nuôi tôm hùm

Sau thời gian nuôi 10 – 12 tháng, tôm hùm xanh có thể đạt cỡ 350 gram/con. Sau 16 – 18 tháng nuôi tôm hùm bông có thể đạt 700 gram/con. Tỉ lệ sống đạt khoảng 75%. Tôm có màu sắc đẹp, năng suất có thể đạt 4-5 kg/m3.

“Kết quả này giúp chúng tôi mạnh dạn khẳng định có thể triển khai việc nuôi tôm hùm trong bể trên bờ” – chị Trần Thị Lưu nói.

Ngoài ra, việc nuôi tôm trong bể giúp người dân có thể chủ động được thời gian nuôi, thời điểm bán, năng suất, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. “Nếu như nuôi lồng ngoài biển nặng nhọc, chỉ đàn ông mới làm được, do hàng ngày phải lặn sâu xuống nước để kiểm tra, cho ăn, thì với mô hình nuôi trên bờ, ai cũng có thể đảm nhận công việc này” – chị Lưu nói thêm.

Cũng trong mô hình này, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã lần đầu áp dụng loại thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm do TS Mai Duy Minh – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III sản xuất. Thức ăn viên được cho ăn ngày hai lần vào 6-7 giờ và 18-19 giờ với tỉ lệ cho ăn khoảng 2% trọng lượng thân. Do thức ăn chưa hoàn thiện 100% nên mỗi tuần tôm được cho ăn bổ sung hai bữa thức ăn tươi.

Nhóm nghiên cứu tại Công ty Đắc Lộc cho rằng, thức ăn viên hoàn toàn phù hợp với mô hình nuôi trong bể trên bờ, vì dễ dàng quan sát và nắm được mức độ ăn của tôm và điều chỉnh cho hợp lý. Trong khi đó, việc đưa thức ăn viên trong môi trường biển tự nhiên khó khả thi do thức ăn dễ dàng tan trong nước và lắng xuống khiến tôm hùm trong lồng khó tiếp cận hơn so với tôm, cua… được cắt miếng to. Điều này góp phần hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm trên bờ.

Tính đến tới điểm này, dự án nuôi tôm hùm thương phẩm mà Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc đã thành công bước đầu. Tuy nhiên về đường dài có thể đưa mô hình này vào thực tế và trở thành nghề mới cho người dân Phú Yên và các vùng khác vẫn cần nhiều thời gian để thay đổi thói quen, tập quán của người dân, nhất là trong điều kiện, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn.

Chị Trần Thị Lưu nói: “Nuôi tôm lồng bè sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi hình thức nuôi hiện tại khiến các vùng biển ô nhiễm nghiêm trọng. Có thể 5 – 7 năm tới, việc nuôi lồng bè không có hiệu quả và lúc đó việc tất yếu là phải chuyển đổi hình thức sang nuôi trong bể mà Đắc Lộc đang triển khai như hiện tại”.

Quan trọng hơn, khi đã hướng tới mục tiêu xuất khẩu thì việc chủ động hoàn toàn về các điều kiện cho sự phát triển của tôm hùm là yêu tố tiên quyết.

“Chương trình đã tạo ra được một nghề mới: nghề nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ, và dự án này cũng đúng như tên chương trình (đổi mới công nghệ quốc gia), xây dựng được công nghệ mới để có thể duy trì và phát triển nghề nuôi tôm hùm, là đối tượng có giá trị kinh tế cao” – đại diện của công ty Đắc Lộc hồ hởi nói thêm.

Thụy Minh Khoa học & Phát triển

Ức chế sự phát triển của V. harveyi và Saprolegnia sp. nhờ chiết xuất lá bần

Chiết xuất lá bần
Chiết xuất lá bần ức chế phát triển mầm bệnh trên tôm sú.

Tỷ lệ sống của ấu trùng tôm sú được cải thiện khi nhiễm V.harveyi và Saprolegnia sp. nhờ chiết xuất lá bần.

Bất lợi chính trong nuôi trồng thủy sản là dịch bệnh bùng phát đột ngột, với mức thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới. Nguyên nhân gây chết phổ biến xảy ra ở giai đoạn ấu trùng trong trại giống đến giai đoạn hậu ấu trùng trong ao nuôi thương phẩm, thậm chí ngay trước khi thu hoạch của tôm sú là do vi khuẩn Vibrio harveyi và nấm Saprolegnia sp.

Công tác phòng chống dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết triệt để do sử dụng nhiều hóa chất, kháng sinh. Việc sử dụng các hóa chất này thường không được kiểm soát nên dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc và gây độc cho tôm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất từ thực vật có hoạt tính chống lại nấm và vi khuẩn trong đó là chiết xuất từ lá bần (Sonneratia alba) là một ví dụ điển hình.

Cây bần có tiềm năng như một chất chống vi khuẩn, chống oxy hóa và có thể được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm và y học. Nghiên cứu này chứng minh chiết xuất lá bần có thể ức chế sự phát triển của V. harveyiSaprolegnia sp. và cải thiện tỷ lệ sống cho ấu trùng tôm sú.

Lá của bần được làm sạch và để ráo ở nhiệt độ phòng không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sau khi làm khô, các mẫu được cắt nhỏ và ngâm với ba dung môi: 80% etanol, nước ngọt và nước mặn ở độ mặn 20 ‰ trong 24 giờ.

Ấu trùng tôm (PL 8) được gây nhiễm bệnh với nồng độ 106 cfu/g, tương ứng với các nghiệm thức:

  • Chiết xuất lá bần trong 80% ethanol (SE) với 3 nồng độ: 750, 1.000 và 1.250 ppm
  • Chiết xuất lá bần trong nước ngọt (SW) với 3 nồng độ: 750, 1.000 và 1.250 ppm
  • Chiết xuất lá bần trong nước biển (SS) với 3 nồng độ: 750, 1.000 và 1.250 ppm
  • Đối chứng dương (C+): sử dụng kháng sinh oxytetracycline
  • Đối chứng âm (C-): nước muối 0,85% (PBS)

Tôm hoạt động bình thường và khỏe mạnh sau khi sử dụng chiết xuất lá bần, tuy nhiên cơ thể của tôm chuyển sang hơi xanh. Sự thay đổi màu sắc này cho thấy sự hấp thụ chiết xuất lá bần vào cơ thể, nguyên nhân là do sự mở rộng lớp biểu bì của tôm.

Tôm có biểu hiện yếu ớt và giảm cảm giác thèm ăn sau khi bị nhiễm V. harveyi và Saprolegnia, các triệu chứng lâm sàng thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở nghiệm thức đối chứng âm như: yếu ớt, giảm ăn, phản xạ chậm và yếu, cơ thể hơi đỏ. Trong nghiên cứu này, chiết xuất từ lá bần có thể ức chế sự tấn công của V. harveyi và Saprolegnia sp, chính vì thế triệu chứng lâm sàng của các nghiệm thức sử dụng chiết xuất lá bần ít nghiêm trọng hơn so với đối chứng âm.

Đuôi và chân của một số con tôm ở các nghiệm thức sử dụng chiết xuất lá bần nồng độ 750ppm khi kiểm tra bệnh lý chỉ thấy hơi đỏ. Trong khi tôm nhóm đối chứng âm tính (C-) cho thấy sự tấn công của vi khuẩn Vibrio trên đuôi, chân, mang và đỏ toàn thân. Một số tôm bị biến dạng và lột xác không thành công, dẫn tới chết. Tôm bị nhiễm Saprolegnia nhóm C- cho thấy chân và thân bị sậm màu, trong khi tôm sử dụng chiết xuất lá bần thì bình thường.

Khả năng kháng khuẩn của chiết xuất lá bần có thể so sánh với thuốc kháng sinh. Chiết xuất lá bần trong methanol cho thấy vùng ức chế 15 mm đối với Salmonella typhi. Chiết xuất lá bần trong axeton cho thấy vùng ức chế 14 mm chống lại vi khuẩn Listeria monocytogenes. Trong nghiên cứu này, vùng ức chế của chiết xuất lá bần trong ethanol 1.000 ppm đối với V. harveyi là 12,67 mm, và Saprolegnia là 12,00 mm.

Tỷ lệ nhiễm V. harveyi và Saprolegnia sp. ở nghiệm thức sử dụng chiết xuất lá bần, cho thấy hoạt tính sinh học của bần có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh. Mức độ tấn công trung bình của V. harveyi và Saprolegnia sp ở nghiệm thức sử dụng chiết xuất lá bần tương ứng là 12,67-56,67%, và 2,33-47,33% trong khi mức độ tấn công trung bình của V. harveyi và Saprolegnia sp. đối chứng âm là 75,00-81,33% và 69,33- 72,33%.

Tỷ lệ sống của tôm nhiễm V. harveyi cao nhất ở nghiệm thức sử dụng lá bần trong nước mặn (SS: 81,33%) và ethanol (SE: 80,67%) với nồng độ 1250 ppm, trong khi đối chứng dương tính (C+: 73,33%) và đối chứng âm (C-: 35,00%). Tỷ lệ sống của tôm bị nhiễm Saprolegnia sp cao nhất nghiệm thức SS 1.250 ppm là 78,33%, tiếp theo là SE, SW 1.250 ppm và thấp nhất là C- 37,33%.

Khả năng bảo vệ ấu trùng tôm sú chống lại sự tấn công của V. harveyi của chiết xuất lá bần nồng độ 1250ppm trong ba dung môi so với kháng sinh là không khác biệt. Cách xử lý tốt thứ hai là nồng độ 1.000 ppm trong ethanol và 1.000 ppm trong nước mặn. Khả năng chống lại Saprolegnia sp. tốt nhất của chiết xuất lá bần 1.250 ppm trong nước mặn. Tốt thứ hai là 1.250 ppm trong ethanol, tiếp theo là 1.250 ppm trong nước ngọt.

Chiết xuất lá bần có khả năng ức chế sự lây nhiễm của vi khuẩn V. harveyi, nấm Saprolegnia sp. và cải thiện tỷ lệ sống của ấu trùng tôm sú. Khả năng ức chế các vi khuẩn có thể thấy được từ kết quả kiểm tra tổng số lượng Vibrio (TVC) cho thấy hàm lượng TVC trên tôm khi sử dụng chiết xuất lá bần có giá trị thấp, đặc biệt là trong dung môi ethanol và nước biển. Chiết xuất lá bần có khả năng bảo vệ ấu trùng tôm sú khỏi sự tấn công của vi khuẩn vì loại cây này có chứa các thành phần kháng khuẩn. Do đó thực vật rừng ngập mặn là một nguồn cung cấp tốt các hợp chất kháng khuẩn như: steroid, triterpenes, saponin, flavonoid, alkaloid và tannin.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Kỹ sư người Việt dùng AI khám bệnh cho tôm cá

Farmext
Nhóm thiết kế phần mềm.

Nhóm nghiên cứu xây dựng phần mềm kết nối với các cảm biến dưới nước để biết rõ tình trạng nước, thức ăn và phát hiện kịp thời bệnh tôm, cá.

Ứng dụng phần mềm hỗ trợ quá trình nuôi trồng thủy sản có tên Farmext được anh Trần Duy Phong (34 tuổi, kỹ sư thủy sản) và cộng sự nghiên cứu và phát triển, lọt vào top 20 Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng AI 2020 tại TPHCM. Phần mềm được phát hành trên nhiều nền tảng với hơn 1.500 trại nuôi và hơn 2.000 người sử dụng.

Được phát triển từ năm 2015, anh Phong cho biết, ban đầu Farmext là một trang web thông tin giúp cung cấp kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Tuy nhiên, anh nhận thấy ngoài kỹ thuật, việc quản lý và phân tích số liệu, đo đạc thông số môi trường nước ở thời gian thực mới là vấn đề nông dân quan tâm. Năm 2016, KS Phong và cộng sự quyết định phát triển phần mềm Farmext, tích hợp tất cả các tính năng trên nhờ AI và IoT.

Để có được phiên bản tương đối hoàn thiện về tính thẩm mỹ và kỹ thuật, nhóm nghiên cứu phải chạy thử nghiệm 20 phiên bản khác nhau trong suốt 3 năm, để điều chỉnh thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo những tính năng quản lý.

Farmext được xây dựng gồm các thiết bị cảm biến và bộ điều khiển tự động. Thiết bị cảm biến đo chất lượng môi trường trong thời gian thực do nhóm tự nghiên cứu và chế tạo. Các thông số về nhiệt độ nước, độ pH, độ mặn, hàm lượng oxy hòa tan, được thiết bị liên tục cập nhật sau 5 phút và tự động ghi nhận thành nhật ký, giúp người dùng dễ dàng theo dõi. Để phòng và phát hiện sớm tình trạng bệnh cho tôm cá, hệ thống cảm biến quét ao nuôi và môi trường xung quanh trong bán kính 5 km, đưa ra dự báo sớm và chính xác.

Nếu các thông số vượt quá ngưỡng cho phép, hệ thống tự động cảnh báo bằng âm thanh để người dùng có thể giải quyết kịp thời. “Các thông tin này được xử lý và ra lệnh điều khiển các thiết bị trong ao một cách tự động, như nếu lượng oxy trong ao thấp, hệ thống sẽ khởi động quạt để tạo oxy hòa tan”, anh Phong nói.

Ngoài ra, phần mềm giống như trợ lý ảo giúp giải đáp các vấn đề kỹ thuật liên quan đến nuôi trồng thủy sản, nhờ bộ dữ liệu được xây dựng trên nền tảng AI. Người sử dụng có thể tương tác bằng giọng nói với hệ thống quản lý và thiết bị trong trang trại nuôi tôm cá, đồng thời có thể kết nối với chuyên gia trong ngành hỗ trợ từ xa.


Thiết bị cảm biến được lắp thử nghiệm tại trang trại nuôi tôm ở Cà Mau. Ảnh: NVCC

Anh Phong cho biết, điểm đặc biệt của phần mềm này là tính năng truy xuất nguồn gốc nhờ việc lưu trữ dữ liệu trên cloud (đám mây) và thiết bị IoT thời gian thực. Dữ liệu được truy xuất từ lịch sử nuôi đến thông tin loài thủy sản. Phần mềm cung cấp mã QR cho mỗi vụ nuôi, đơn vị thu mua hoặc người tiêu dùng có thể theo dõi ao nuôi hoặc truy xuất lại thông tin, đảm bảo nguồn gốc.

“Tính năng truy xuất nguồn gốc được xây dựng từ nhu cầu thực tế của người dân khi đây luôn là thách thức lớn với hộ nuôi thủy sản quy mô nhỏ do thói quen sản xuất lâu đời, không ghi chép nhật ký nuôi. Farmext sẽ hỗ trợ quá trình truy xuất nhờ xây dựng nhật ký nuôi điện tử và cung cấp mã QR sau mỗi vụ, đảm bảo quá trình thương mại hóa”, kỹ sư Phong chia sẻ.

Hơn một năm qua, thiết bị đã được đưa vào tại các trại nuôi ở Cà Mau, Cần Giờ, Đồng Nai. Mới đây, hệ thống được lắp đặt cho một số công ty xuất khẩu tôm cá lớn trong nước.

Hiện nhóm tiếp tục xây dựng kho dữ liệu đủ lớn để tăng độ thông minh cho hệ thống. “Mức độ thông minh của AI phụ thuộc vào số lượng dữ liệu vì vậy đây là vấn đề mà chúng tôi tập trung nhất vào lúc này để giải quyết”, anh Phong nói và cho biết, sẽ phát triển các đối tác phục vụ việc liên kết chứng nhận, truy xuất nguồn gốc và đầu ra cho người nông dân.

Nguyễn Xuân – https://tepbac.com/