Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Khám phá những yếu tố làm nên một mùa vụ thành công của người nuôi tôm

Tôm thẻ chân trắng
Người nuôi tôm cần chủ động đưa ra những lựa chọn hợp lý để có một vụ nuôi thành công.

Nuôi tôm đòi hỏi sự đầu tư lớn từ tài chính cho đến công sức học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Để có một vụ tôm thành công người nuôi cần hiểu về các yếu tố quan trọng để đưa quyết định lựa chọn hợp lý trong quá trình nuôi.

Theo các chuyên gia của Grobest Việt Nam – thương hiệu thức ăn chăn nuôi hàng đầu khu vực, có nhiều yếu tố giúp người nuôi tôm có một mùa vụ bội thu:

Các tác nhân môi trường

Tôm chỉ có thể phát triển tốt khi môi trường nước nuôi nằm trong khoảng tối ưu nên đòi hỏi người nuôi phải kiểm tra chất lượng nước liên tục. Các thông số nên đo hàng ngày là mức độ oxy hòa tan, nhiệt độ và độ mặn. Mỗi tuần một lần, cần đo độ pH, NH3, H2S và độ đục. Ngoài ra, người nuôi phải chú ý đến yếu tố khác như sự phát triển của động thực vật phù du, chu kỳ lột xác, phản ứng của tôm vào ban đêm… để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường.


Quản lý chất lượng nước để tôm có điều kiện phát triển tối ưu.

Thay đổi đột ngột thời tiết, đặc biệt là mưa bão cũng là yếu tố gây biến động lớn. Mưa không chỉ tác động trực tiếp đến thành phần hóa học của nước mà còn thay đổi mạnh mẽ cân bằng sinh thái ao nuôi trong thời gian dài nhiều ngày sau khi mưa ngừng, điển hình là hiện tượng gia tăng chất rắn lơ lửng làm độ đục của ao cao cản trợ ánh sáng mặt trời khiến tảo không quang hợp được gây hiện tượng sụp tảo. 

Kỹ thuật cho tôm ăn

Đồng thời với quản lý chất lượng nước thì việc hiểu biết về dinh dưỡng sẽ giúp người nuôi chăm sóc tôm tốt hơn, trong đó kỹ thuật cho tôm ăn là kiến thức nền tảng quan trọng. Nếu không đủ thức ăn, tôm sẽ chậm lớn, kích thước không đồng đều, nhưng nếu cho ăn dư sẽ khiến đáy ao mau dơ, tảo bùng phát mạnh, dễ sinh khí độc sinh từ đáy ao. Người nuôi có thể dùng giải pháp sinh học để loại bỏ các độc tố, dư lượng thức ăn trong ao, bên cạnh đó dùng các sản phẩm thức ăn có công thức tính việc tận dụng vi sinh vật tự nhiên trong ao cũng góp phần lớn trong việc cân bằng hệ sinh thái ao nuôi.


Cung cấp dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tôm lớn nhanh, sức khỏe tốt.

Chất lượng thức ăn cho tôm 

Đối với vấn đề dinh dưỡng, việc lựa chọn đúng loại thức ăn vẫn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng tiên quyết đến hiệu quả kinh tế vì thức ăn chiếm gần 60% chi phí sản xuất. Với nhiều thương hiệu thức ăn như hiện nay, việc lựa chọn thức ăn phù hợp đòi hỏi người nuôi nghiên cứu và tham khảo kỹ nhiều nguồn thông tin, có thể kể đến là những người nuôi tôm có thâm niên.

Ông T.V.H (Đầm Dơi, Cà Mau) đã trải qua 22 năm tự học hỏi tích lũy kinh nghiệm để có thể nuôi tôm công nghệ cao. Theo ông Hậu, thức ăn nên tan chậm để tôm có thời gian bắt mồi, vừa không lãng phí thức ăn vừa sạch đáy ao nuôi. Điều kiện nuôi hiện nay khắc nghiệt hơn trước rất nhiều khi môi trường dễ mất kiểm soát, sức khỏe con tôm cũng nhạy cảm theo, thức ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn phải giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng cường sức khỏe cho tôm. Sau khi thử qua nhiều loại thức ăn, hiện tại ông Hậu đang sử dụng thức ăn Grobest cho tất cả 7 ao nuôi công nghệ cao của mình do nhận thấy thức ăn Grobest giúp tôm lớn nhanh mà khỏe mạnh, ông bớt nỗi lo tôm yếu do thời tiết thất thường.


Với nhiều hộ nuôi tôm, thức ăn của Grobest là lựa chọn tốt nhất để giúp tôm khỏe mạnh, lớn nhanh.

Và cuối cùng vẫn là những quyết định đúng đắn của người nuôi

Tùy vào điều kiện thực tế mà mỗi người nuôi tôm đưa ra lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, để có một vụ tôm thành công, mỗi người nuôi đều phải tự tìm hiểu để đưa ra quyết định đúng nhất với những vụ tôm của mình. Hiểu rõ điều này, Grobest luôn tôn trọng và đồng hành cùng người nuôi tôm, dành tâm sức tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng để người nuôi có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp, cùng nhau hướng đến những vụ tôm bội thu.

Như ông N.V.N (Đầm Dơi, Cà Mau) – 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm bằng đầm đất, ông quan niệm rằng, ngoài những yếu tố ngoại lai khác, thì việc mình tự trang bị kiến thức và đưa ra quyết định với những vuông tôm của mình là điều quan trọng hơn hết. Và một trong những quyết định đúng đắn đó là lựa chọn bạn đồng hành chất lượng luôn lắng nghe nhu cầu của người nuôi, có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực. Sử dụng thức ăn Grobest từ nhiều năm nay, ông Năm khấm khá hơn nhờ trúng tôm và Grobest có nhiều chương trình hỗ trợ nên ông đỡ phần nào chi phí, đặc biệt là mùa dịch vừa qua.”

Ngoài ra, Grobest cũng đã nhanh chóng đưa ra các dòng sản phẩm thiết thực như thức ăn chức năng độc quyền Super Shield giúp “Tăng miễn dịch, ngừa phân trắng” với 3 công dụng đặc biệt là: khắc phục hiện tượng phân trắng, cải thiện đường ruột to hơn đều hơn, tăng cường chức năng gan tụy. Sau khi sử dụng sản phẩm, tôm cũng tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu với tác động không mong muốn từ môi trường.

Ra đời từ năm 1974 tại Đài Loan, Tập đoàn Grobest đã mở rộng hoạt động sang Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippin, Malaysia… Năm 2018, Grobest nhận đầu tư từ Quỹ Permira, hướng tới phát triển toàn trên phạm vi toàn cầu. Doanh nghiệp định hướng là công ty tiên phong về công nghệ trong mảng sản phẩm thức ăn chức năng tiên tiến, tập trung ngăn ngừa và chống lại bệnh tật, tăng năng suất.
Ngoài ra, công ty cũng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản trên khắp châu Á, bao gồm các hạng mục như bảo trì ao, xử lý nước, kiểm tra đất và bệnh tật.

Grobest Việt Nam – https://tepbac.com/

Bạc Liêu: Mục tiêu trung tâm công nghiệp tôm cả nước

Đang rất bận rộn với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhưng khi phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đề nghị phỏng vấn, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đã vui vẻ sắp xếp thời gian tiếp vào buổi tối. Câu chuyện xung quanh chủ đề đưa Bạc Liêu thành Trung tâm công nghiệp tôm cả nước.

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương để tỉnh Bạc Liêu thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đến nay, việc triển khai xây dựng đã đạt được những kết quả nào?

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được xây dựng tại xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu với diện tích 418,91 ha. Có hai phân khu: Khu Trung tâm rộng 103,31 ha để triển khai xây dựng dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; Khu sản xuất, chế biến rộng 315,6 ha gồm nuôi tôm siêu thâm canh, nhà máy chế biến thủy sản, kho bãi (UBND tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt – Úc đầu tư).

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Kênh thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện, trạm biến áp; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (Cống thoát nước dọc, cống thoát nước ngang), hàng rào bao quanh. Hiện đang thi công, khối lượng đạt 80 – 90% giá trị hợp đồng. Với tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020. Dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Giai đoạn 2: Xây dựng nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ thống giao thông, xây dựng các công trình khác gồm: Hệ thống thông tin (tuyến cống, bể để kéo cáp thông tin); hệ thống cấp nước sinh hoạt (gồm các trạm cấp nước ngọt và trạm bơm cấp nước); khu xử lý nước thải tập trung và công trình phụ trợ khác. Hiện đang hoàn thành các thủ tục để đấu thầu; tổng mức đầu tư 345,168 tỷ đồng; nguồn vốn từ Bộ NN&PTNT.

Hiện, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã có 34 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư trình diễn, nhưng trong Khu Trung tâm có phân ra 18 tiểu khu để doanh nghiệp tham gia trình diễn, nên tỉnh sẽ tuyển chọn 18/34 doanh nghiệp; hiện đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp, đang hoàn thành các thủ tục để giao đất. Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học chưa đăng ký liên kết chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (do Khu Trung tâm chưa xây dựng cơ sở hạ tầng).

Nuôi tôm công nghệ cao là một thế mạnh tại Bạc Liêu với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về thủy sản. Công nghệ này đã có sức lan tỏa như thế nào trong phát triển ngành tôm tại Bạc Liêu, thưa ông?

Bạc Liêu có gần 30 công ty, đơn vị đăng ký thực hiện nuôi TTCT siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ nhà màng của Israel; công nghệ cho ăn tự động của Australia; công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm… với tổng diện tích 982 ha, tạo bước đột phá trong NTTS. Một trong những đơn vị tiêu biểu có thể kể đến như: Việt – Úc, Vĩnh Thịnh Biostadt, Trúc Anh, Hải Nguyên, Huy Long An – Bạc Liêu, Biển Bạc, Phúc Hậu, Tôm Việt, Toàn Cầu, Thành Sen, FAM Bạc Liêu, Song Phú, Đông Hải, Hưng Phú Gia, Ninh Thuận…

Công nghệ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng đã lan tỏa đến các hộ dân khi có tới 331 hộ tham gia nuôi tôm 2 giai đoạn với tổng diện tích 1.268 ha, sản lượng thu hoạch năm 2020 ước đạt 47.500 tấn (năng suất bình quân 21,11 tấn/ha).

Đề án xây dựng Bạc Liêu thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước với tổng vốn 3.000 tỷ đồng, vậy những chương trình, dự án cụ thể nào sẽ được triển khai thực hiện, thưa ông?

Bạc Liêu hiện là tỉnh trọng điểm tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò đóng góp khá lớn trong nhiều khâu “chuỗi cung ứng tôm” của ĐBSCL cũng như của cả nước. Trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm có tổng công suất thiết kế đứng thứ 3 cả nước. Đến nay, thế mạnh lớn nhất của tỉnh là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Việc xây dựng Đề án đưa Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về sản xuất tôm của địa phương. Theo Đề án, sẽ có 5 chương trình được thực hiện là: Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm chế biến tôm giá trị gia tăng; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành tôm; Hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ chế biến tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất sạch hơn trong chế biến tôm; Chọn giống tôm bố mẹ theo tính trạng tăng trưởng và khả năng kháng bệnh.

Cùng đó là các đề án, dự án động lực như: Đề án xây dựng sàn giao dịch tôm của tỉnh Bạc Liêu; Đề án nghiên cứu thành lập trung tâm thông tin và nghiên cứu thị trường ngành tôm Bạc Liêu. Dự án đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh; Các dự án đầu tư xây dựng vùng NTTS ứng dụng công nghệ cao (9 vùng nuôi và 3 khu sản xuất giống); Dự án đầu tư xây dựng khu tập trung trung chuyển giống thủy sản tại TP Bạc Liêu; Dự án nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về ngành tôm để hỗ trợ sản xuất, quản lý, giám sát và nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp tôm; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm ứng dụng công nghệ cao; Các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sáu Nghệ (Thực hiện) – https://thuysanvietnam.com.vn/

Nuôi tôm hiệu quả: Giải pháp từ dinh dưỡng và phòng bệnh

Với 2 nội dung chính là: “Giải pháp tổng hợp kiểm soát dịch bệnh” và “Dinh dưỡng tăng cường sức khỏe tôm nuôi”; Hội nghị chuyên đề: Dinh Dưỡng và Phòng bệnh ở tôm năm 2020 do Sở NN&PTNT Sóc Trăng phối hợp cùng UBND thị xã Vĩnh Châu tổ chức ngày 3/10 đã thu hút gần 300 đại biểu đến từ 4 huyện, thị nuôi tôm trọng điểm của tỉnh.

Nguy hại từ dịch bệnh

Theo TS Trần Hữu Lộc, Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đầu năm nay, bệnh đốm trắng xuất hiện khá nhiều nhưng những tháng gần đây chủ yếu là bệnh do vi bào tử trùng (EHP) và các bệnh liên quan đến đường ruột tôm nuôi, mà phổ biến là bệnh phân trắng. Trong đó, bệnh phân trắng là vấn đề hiện làm đau đầu các nhà nghiên cứu, bởi cho đến nay gần như chưa có một cơ sở khoa học nào về nguyên nhân cũng như bản chất của bệnh này. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình bệnh phân trắng trong những năm gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2020 thì phần lớn diện tích tôm nuôi bị bệnh thường ở giai đoạn từ 30 – 40 ngày tuổi trở lên. Vì vậy, giải thuyết về nguyên nhân bệnh phân trắng thường nghiêng về hướng có liên quan đến ao nuôi phú dưỡng (dơ), nhiều tảo, thức ăn dư thừa và một phần là do EHP.

Sử dụng máy cho tôm ăn là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí và tránh ô nhiễm môi trường. Ảnh: PTC

Nhấn mạnh mối nguy hại do bệnh phân trắng, TS Lộc cho rằng “đừng nên để quá trễ”. TS Lộc phân tích thêm: “Một khi chúng ta phát hiện tôm đã bị bệnh phân trắng thì cơ hội điều trị thành công chỉ còn khoảng 30%. Vì vậy, người nuôi cần thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường của tôm có thể dẫn đến bệnh phân trắng và tiến hành xử lý ngay bằng các biện pháp, như: cắt tảo, thay nước, giảm lượng thức ăn, bổ sung men tiêu hóa…”.

TS Lộc cũng cho biết, khi tôm nuôi bị nhiễm vi bào tử trùng kết hợp với vi khuẩn thì các biểu hiện bệnh phân trắng là rất rõ rệt. TS Lộc giải thích: “Khi ao nuôi nhiễm vi bào tử trùng nặng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công phá hủy tế bào gan của tôm một cách mạnh mẽ làm cho bệnh phân trắng càng trở nên trầm trọng hơn”. Để phòng ngừa, theo TS Lộc có rất nhiều việc phải làm đối với người nuôi tôm, từ chọn con giống sạch bệnh cho đến các giải pháp ngăn chặn bệnh đường ruột tôm nuôi cho thật tốt.

Giải pháp phòng ngừa và kiểm soát

TS Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật Motiv, Tập đoàn Cargill cho rằng, việc thiết kế ao nuôi tốt, đúng quy trình kỹ thuật, phù hợp với mô hình nuôi cũng là một giải pháp tốt giúp giảm rủi ro dịch bệnh, tăng tỷ lệ thành công, kể cả đối với nuôi ao bạt lẫn ao đất.

Trả lời câu hỏi về giải pháp phòng trị bệnh để nuôi tôm hiệu quả, theo TS Lộc, đối với dịch bệnh trên tôm, giải pháp tốt nhất là ngừa bệnh. Giải thích thêm về giải pháp này, TS Lộc cho biết: “Để ngừa bệnh trên tôm hiệu quả phải bắt đầu từ con giống cho đến ao nuôi và nguồn nước. Vì vậy, con giống phải được xét nghiệm, đảm bảo không mang bất kỳ mầm bệnh nguy hiểm nào thì mới được thả nuôi. Đối với ao nuôi, nhất là ao đất cũng cần lấy mẫu xét nghiệm xem ao có mang mầm bệnh hay không và nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi phải được xử lý theo đúng quy trình”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Hòa cho rằng, để có nguồn nước nuôi tôm tốt, cần thiết kế ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng một cách khoa học. TS Hòa chia sẻ: “Đối với ao lắng, tốt nhất là nên thiết kế cao, sâu và dài, kết hợp thả thêm cá chẽm hay cá rô phi. Việc thiết kế ao lắng sâu và dài rất có lợi là lắng tụ được nhiều chất lơ lửng, kể cả các bào tử vi khuẩn gây bệnh xuống đáy ao. Các chất này cùng với ốc đinh sẽ là nguồn thức ăn dồi dào cho cá chẽm. Còn việc ao lắng cao sẽ giúp tiết kiệm tiền điện vì không phải bơm qua ao xử lý”.

Không chỉ là vấn đề dịch bệnh và dinh dưỡng sức khỏe tôm nuôi, người nuôi và các đại biểu tham dự Hội nghị cũng quan tâm tới vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải nuôi tôm chưa được xử lý. TS Hòa khẳng định: “Với tốc độ phát triển nhanh diện tích tôm thâm canh, siêu thâm canh như hiện nay, nếu chúng ta không có giải pháp xử lý nguồn nước thải một cách triệt để và hiệu quả thì ngay cả mô hình nuôi lót bạt cũng chỉ tồn tại 5 – 10 năm nữa. Hiện tại, có nhiều phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm hiệu quả, chi phí thấp rất cần ngành chức năng, địa phương và người nuôi cập nhật và áp dụng để nghề nuôi tôm phát triển bền vững”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cũng khuyến cáo hộ nuôi tôm khi triển khai mùa vụ mới nên tiến hành việc nuôi nước trước khi nuôi tôm. Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc nhân rộng mô hình nuôi tôm giảm giá thành; quản lý vùng nuôi theo đúng quy định, thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi theo Luật Thủy sản. Bên cạnh đó, tập trung vào công tác tổ chức sản xuất; kết nối công ty và HTX, THT thực hiện các chứng nhận theo nhu cầu thị trường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATTP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mua bán, sử dụng thức ăn, hóa chất cấm, chế phẩm sinh học không có trong danh mục được phép lưu hành…

Xuân Trường – https://thuysanvietnam.com.vn/

Chủ động nguồn điện cho tôm nuôi trên cát

quạt tôm
Máy sục khí, tạo ô xy liên tục.

Một trong những hạn chế trong nuôi tôm trên cát ven biển đã bộc lộ sau cơn bão số 5 khi điện lưới quốc gia gặp sự cố.

Cơn bão quét qua vùng cát Ngũ Điền làm xáo động vùng nuôi tôm chân trắng rộng lớn vừa thả giống chưa lâu.

Ao hồ, chòi canh hư hại sau bão được người dân nhanh chóng khôi phục. Điều mà hầu hết người nuôi tôm trên cát ven biển không lường được là hệ thống điện hư hỏng lớn, mất điện kéo dài đến 4-5 ngày. Đây là sự cố chưa từng xảy ra từ khi bắt đầu nghề nuôi tôm trên cát gần 20 năm nay.

Sự cố mất điện kéo dài, thiết bị máy sục khí không thể hoạt động khiến tôm nuôi thiếu ô xy, nổi đầu, nguy cơ chết hàng loạt. Người dân vội vàng đổ xô mua máy phát điện phục vụ thiết bị sục khí, tạo ô xy cứu tôm. “Chỉ chậm chừng vài tiếng, vụ tôm nuôi chính vụ ở vùng Ngũ Điền có nguy cơ mất trắng”, anh Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ.

Anh Đăng nhẩm tính, mỗi ao hồ nuôi rộng 2.500-3.000m2, sau chừng 10 ngày đến hai tuần nuôi, chi phí từ con giống, thức ăn, điện nước, thuốc men, nhân công… ước 100-120 triệu đồng. Nếu bão đến từ giữa đến cuối vụ thì thiệt hại nặng nề, có thể đến cả tỷ đồng trở lên do chi phí đầu tư nuôi tôm lớn.

Sau bão số 5, người dân nhận ra một trong những nguy cơ thiệt hại lớn đối với nghề nuôi tôm trên cát, xuất phát từ sự chủ quan khi chưa mua sắm đầy đủ các thiết bị máy móc trước xu thế bão lũ ngày càng bất thường, khó lường. Trong đó, nguồn điện dự phòng phục vụ máy sục khí, tạo ô xy cho tôm  khi lưới điện quốc gia gặp sự cố là một trong những yếu tố quan trọng cần được đầu tư thỏa đáng.

Anh Võ Khiên ở thôn Hải Thế (xã Phong Hải) cho rằng, nuôi tôm chân trắng ven biển thường thả mật độ khá dày nên yếu tố ô xy luôn phải đảm bảo yêu cầu cho sự sinh trưởng. Ban ngày, tùy thuộc vào chu kỳ sinh trưởng của tôm để sử dụng máy sục khí, tạo ô xy từ một đến vài giờ; còn ban đêm cần phải vận hành máy sục khí, tạo ô xy liên tục. Tôm trong giai đoạn sinh trưởng mạnh (từ giữa đến cuối vụ) cần lượng ô xy rất lớn, chỉ cúp điện, máy tạo ô xy bị gián đoạn trong một vài giờ sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết tôm.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu đánh giá, mùa mưa bão, các yếu tố thời tiết, môi trường khá thích hợp đối với tôm nuôi trên cát. Vậy nên, đây được xác định là vụ nuôi tôm chính trong năm. Tuy nhiên, có được vụ nuôi thành công, người dân luôn phải đảm bảo đồng bộ các yếu tố kỹ thuật, thiết bị máy móc cần thiết, đề phòng và ứng phó khi lụt, bão

Tuy nhiên, trước bão số 5, không chỉ các hộ nuôi tôm ở Phong Hải mà cả toàn vùng Ngũ Điền chỉ số ít hộ mua sắm máy phát điện dự phòng.

Sự cố cúp điện kéo dài sau bão số 5 đã thức tỉnh người dân, không chỉ đầu tư mua sắm máy phát điện dự phòng mà cần phải rà soát các yếu tố thiết bị, máy móc phục vụ ứng phó các sự cố trong mùa mưa bão.

Qua tìm hiểu, từ sau bão số 5 đến nay, gần như tất cả các hộ nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền đều mua sắm máy phát điện dự phòng, phục vụ sản xuất khi điện lưới gặp sự số. Mỗi thiết bị máy phát điện hiện nay có giá từ 30-90 triệu đồng, tuy kinh phí khá lớn nhưng là điều kiện cần phải đầu tư cho vụ mùa thắng lợi.

Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, đối với vùng nuôi tôm chân trắng trên cát, yêu cầu các tổ chức, hộ nuôi vụ đông, hoặc kéo dài và duy trì nuôi vào các tháng thường xảy ra bão, lũ cần kiểm tra kết cấu hạ tầng ao nuôi, gia cố đê bao đảm bảo vững chắc; chủ động nguồn điện trong quá trình sản xuất; chuẩn bị máy nổ dự phòng và các trang thiết bị cần thiết ứng phó sự cố nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Người dân nên thả giống với mật độ thấp hơn, khoảng 100 – 150 con/m2, đầu tư chăm sóc phù hợp để rút ngắn thời gian nuôi, có thể thu hoạch sớm…

Hoàng Triều –  Báo Thừa Thiên Huế

Thời của nuôi tôm công nghệ cao

Nuôi tôm công nghệ cao
Nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: LHV.

Vùng nuôi tôm lớn nhất nước là Bạc Liêu, Sóc Trăng đang tăng tốc đầu tư mạnh vào nuôi tôm công nghệ cao.

Khởi đầu ở ĐBSCL là các mô hình tôm quảng canh, thâm canh. Sau mô hình nuôi tôm cải tiến giảm rủi ro dịch bệnh, tăng năng suất được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên trong những năm gần đây một số doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu đã mở hướng đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao – một lĩnh vực hoàn toàn mới, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó nâng cao hiệu quả, giá trị tôm nuôi.

Tỉnh Sóc Trăng có vùng nuôi tôm nước lợ gần 55.000 ha và tỉnh Bạc Liêu có hơn 136.000 ha. 2 địa phương này đang mở rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp, chú trọng ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, một số trang trại chuyển đổi theo mô hình từ ao nuôi đất sang ao lót bạt bờ và ao lót bạt đáy. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới theo khuyến cáo nhằm đảm bảo theo tiêu chuẩn tôm sạch, giảm sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh và có sử dụng thuốc vi sinh. Trong các mô hình nuôi tôm tiên tiến, mô hình nuôi tôm lót bạt đáy cho tỷ lệ thành công trên 90%.

Trong 3 năm qua,  mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ở Sóc Trăng chiếm khoảng 30% tổng diện tích. Nhờ tăng năng suất, sản lượng tôm thu hoạch nâng lên gấp 2-3 lần. Trong đó, trại nuôi tôm Tân Nam của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu áp dụng nuôi tôm lót bạt đáy khá thành công. Trại sử dụng dòng vi sinh bản địa tự phân lập, nuôi cấy để đối kháng với các dòng vi khuẩn gây bệnh trên tôm. Với hàng trăm ao nuôi tôm trên tổng diện tích 270 ha, trại tôm Tân Nam đạt tổng sản lượng nuôi của vụ 1 trong năm lên đến 1.000 tấn, cao gấp đôi so mục tiêu kế hoạch ban đầu đề ra.

Mô hình nuôi tôm lót bạt đáy có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn ao đất nhưng ưu điểm dễ quản lý dịch bệnh, môi trường ao nuôi. Nhờ đó rủi ro thấp, tôm lớn nhanh, đồng đều nên được nhiều hộ ứng dụng.

2 năm qua, Công ty CP Thủy sản sạch VN (Viana Clearnfood) đầu tư trên 350 tỷ đồng đầu tư vùng nuôi tôm công nghiệp trên 140 ha, với hàng trăm ao nuôi hình tròn nổi (trên mặt đất). Suất đầu tư mỗi ao hàng trăm triệu đồng, được xây dựng kết cấu bê tông nhẹ và lót bạt đáy. Một năm có thể thả nuôi 3 vụ, năng suất đạt từ 8-12 tấn/ha.

Năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng dần theo từng năm. Dự kiến năm 2020 sản lượng đạt 2.500 tấn và năm 2021 sẽ đạt năng suất cao nhất, khoảng 3.500 tấn. Môi trường tôm nuôi đảm bảo từ khu xử lý nước ao lắng, lọc sạch trước khi đưa vào các ao nuôi tuần hoàn nước. Chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (chứng nhận tôm vào EU).

Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Viana Clearnfood cho hay, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là bước chuyển lớn lần thứ 2, sau khi sản phẩm tôm của Việt Nam vượt hơn so với các nước trong khu vực về trình độ và công nghệ trong nuôi tôm. Khi hình thành vùng nuôi sạch, kiểm soát chất lượng tôm bằng vi sinh không sử dụng hóa chất kháng sinh là bước tiến nhanh về khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng.

Hơn 10 năm qua ở Bạc Liêu nổi lên với nhiều mô hình và cách làm mới trong nuôi tôm công nghệ cao. Đã xúc tiến dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 100 ha, tổng vốn đầu tư 175 tỷ đồng…

Nằm kề khu vực triển khai dự án, từ tháng 9/2019 Công ty Nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu áp dụng kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích 52 ha. Doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao rộng rãi mô hình nuôi tôm tiên tiến…

Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 135.000 ha nuôi tôm bên bờ biển Đông. Sản lượng tôm nuôi hằng năm ước khoảng 155.000 tấn. Hạ tầng kỹ thuật yểm trợ phục vụ vùng nuôi tôm với gần 190 cơ sở sản xuất tôm giống, hơn 100 cơ sở ương dưỡng tôm giống, hàng năm sản xuất khoảng 30 tỷ con giống. Hơn 20 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135.000 tấn. Sản lượng tôm của Bạc Liêu xuất khẩu hứa hẹn sẽ vượt mức 60.000 tấn/năm.

Hơn 10 năm qua ở Bạc Liêu nổi lên với nhiều mô hình và cách làm mới trong nuôi tôm công nghệ cao. Đã xúc tiến dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 100 ha, tổng vốn đầu tư 175 tỷ đồng…

Nằm kề khu vực triển khai dự án, từ tháng 9/2019 Công ty Nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu áp dụng kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích 52 ha. Doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao rộng rãi mô hình nuôi tôm tiên tiến…

Tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 135.000 ha nuôi tôm bên bờ biển Đông. Sản lượng tôm nuôi hằng năm ước khoảng 155.000 tấn. Hạ tầng kỹ thuật yểm trợ phục vụ vùng nuôi tôm với gần 190 cơ sở sản xuất tôm giống, hơn 100 cơ sở ương dưỡng tôm giống, hàng năm sản xuất khoảng 30 tỷ con giống. Hơn 20 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135.000 tấn. Sản lượng tôm của Bạc Liêu xuất khẩu hứa hẹn sẽ vượt mức 60.000 tấn/năm.

Hữu Đức – Nông nghiệp Việt Nam

Quản lý con giống: Nhập nhằng, khó kiểm soát

kiểm tra con giống
Người nuôi tôm kiểm tra con giống trước khi thả nuôi. Ảnh: Anh Ngọc

Hiện nay, công tác quản lý con giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn, còn nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất giống thủy sản. Riêng đối với tôm hùm giống nhập khẩu, công tác quản lý về số lượng, chất lượng càng khó khăn hơn bởi còn nhập nhằng trong công tác phân cấp quản lý.

Nhiều cơ sở vi phạm

Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc), 16 cơ sở được cấp giấy đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất giống thủy sản.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, kéo theo một số cơ sở sản xuất giống thủy sản phải tạm dừng hoạt động, sản lượng giống thủy sản đã sản xuất khoảng 593 triệu con, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú (giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019). Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), từ tháng 3-7/2020, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 2 đợt kiểm tra tại 25 cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, đa số các cơ sở này thực hiện chưa đầy đủ các quy định như chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản, chưa xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng giống thủy sản, không ghi chép và lưu trữ hồ sơ, chưa quy định thời gian sử dụng giống thủy sản bố mẹ, chưa thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông. Do các cơ sở này chưa nắm rõ các quy định về quản lý giống thủy sản và tình hình sản xuất gặp khó khăn nên đoàn kiểm tra thống nhất không xử lý vi phạm hành chính mà chỉ nhắc nhở, đồng thời yêu cầu các cơ sở vi phạm cam kết sớm khắc phục những thiếu sót trên.

Đầu tháng 7/2020, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng ở Phú Yên tiến hành thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa). Qua kiểm tra 4 cơ sở, đoàn công tác phát hiện có 2/4 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; 1/4 cơ sở không ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất; 1/4 cơ sở không công bố tiêu chuẩn cơ sở; 3/4 cơ sở kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú bố mẹ không có nguồn gốc, xuất xứ.

Tổng cục Thủy sản đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở này với số tiền 155 triệu đồng, buộc tiêu hủy 2.100 con tôm thẻ chân trắng và 4 con tôm sú bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buộc tiêu hủy 60 triệu Nauplius tôm thẻ chân trắng, 200.000 con tôm sú PL20 về hành vi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Theo ông Kiều Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Thủy sản), đây là số lượng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện. Còn đối với số Nauplius bán từ các cơ sở này, qua xác minh trung bình hơn 100 triệu con mỗi năm, cung cấp cho các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận để hợp thức hóa thành tôm có nguồn gốc, bán với giá tôm có thương hiệu, giá cao.


Kiểm tra chất lượng tôm giống tại cơ sở sản xuất giống thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: Anh Ngọc

Tôm hùm giống ngoại nhập: giá rẻ, tỉ lệ sống thấp

Hiện nay ở Phú Yên, việc khai thác tôm hùm giống trong tự nhiên để cung cấp nuôi thương phẩm số lượng không nhiều, trong khi nhu cầu con giống tôm hùm ngày càng tăng cao, do đó con giống tôm hùm cung cấp cho người nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập từ nước ngoài về (Indonesia, Philippines).

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế (TX Sông Cầu), cho biết: Một trong những khó khăn hiện nay đối với công tác quản lý nuôi thủy sản lồng bè ở TX Sông Cầu là việc kiểm soát số lượng, chất lượng tôm hùm giống nhập về địa phương. Con giống tôm hùm khai thác trong tự nhiên có giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/con, trong khi tôm hùm giống nhập khẩu về địa phương có thời điểm chỉ còn 20.000 đồng/con.

Theo thông tin phản ảnh từ người nuôi, chất lượng tôm hùm giống nhập về không ổn định, có đợt tỉ lệ sống 80-90%, nhưng có đợt tỉ lệ sống chỉ khoảng 30% mà không rõ nguyên nhân. Chính vì việc nhập tôm giống với số lượng nhiều và giá rẻ nên người nuôi ồ ạt đóng thêm lồng bè, nuôi ngoài vùng quy hoạch… làm cho công tác quản lý ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở NN-PTNT, mặc dù địa phương và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý, nhằm kiểm soát số lượng, chất lượng tôm hùm giống nhập về tỉnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng vận chuyển, kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát; đầu mối kinh doanh tôm hùm giống tại các địa phương trong tỉnh thường trốn tránh kiểm tra, không tuân thủ quy định về quản lý giống.

Trong khi đó, người nuôi chưa quan tâm và hầu như không yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng…

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Con giống tôm hùm được nhập từ nước ngoài về chủ yếu bằng đường hàng không, từ cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), sau đó được đưa về sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) rồi phân phối đi các tỉnh thông qua các đầu mối trung gian.

Theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản thì Chi cục Thú y vùng thuộc Cục Thú y thực hiện lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra bệnh, cách ly kiểm dịch trong vòng 10 ngày đối với các lô tôm hùm giống nhập khẩu về Việt Nam.

Như vậy, việc cách ly, kiểm dịch đối với tôm hùm giống nhập khẩu được chủ lô hàng thực hiện đầy đủ theo đúng quy định, đảm bảo điều kiện để tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, việc vận chuyển lô hàng từ nơi cách ly về các tỉnh, các chủ hàng hầu như chưa thực hiện kiểm dịch xuất tỉnh theo quy định. Đầu mối bán và giao tôm giống trực tiếp tại vùng nuôi, số lượng tôm hùm giống nhập về Phú Yên hàng trăm triệu con giống mỗi năm nhưng các doanh nghiệp không phối hợp với địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, để công tác quản lý, kiểm soát tôm hùm giống nhập khẩu chặt chẽ hơn, tỉnh đã kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu tôm hùm giống phải đăng ký địa điểm cách ly thuộc địa bàn tỉnh Phú Yên đối với các lô hàng nhập về bán tại Phú Yên.

Trường hợp cách ly tại tỉnh khác thì cho phép tỉnh Phú Yên tái kiểm dịch và cách ly trước khi bán cho người nuôi. Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn cụ thể cho địa phương quy trình xử lý, tiêu hủy các lô tôm hùm giống không thực hiện kiểm dịch theo quy định. Bộ NN-PTNT cũng cần có quy định cụ thể về quản lý, kiểm soát chất lượng đối với giống tôm hùm khai thác tự nhiên, ương dưỡng tại địa phương.

Anh Ngọc – Báo Phú Yên

Nuôi tôm công nghệ cao: Hướng đi mới trước thách thức biến đổi khí hậu

xử lý ao nuôi tôm thẻ
Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng bạt lót dưới đáy ao giúp dễ dàng dọn sạch chất thải đáy ao đảm bảo tôm có môi trường sống sạch.

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP. Mô hình này không chỉ giúp người nông dân quản lý được thức ăn, tỉ lệ sống của tôm từng giai đoạn mà còn giúp quản lý dịch bệnh và các yếu tố môi trường đồng thời giảm ảnh hưởng xấu cho môi trường.

Phát huy thế mạnh nuôi tôm nước lợ

Kiên Giang là tỉnh có điều kiện tốt để phát triển ngành thủy sản đa dạng, nhất là nuôi tôm nước lợ. Đây là thế mạnh của tỉnh cần đầu tư phát triển. Hơn nữa do biến đổi khí hậu cần chuyển đổi đối tượng, hình thức nuôi thích ứng với tình hình trong đó nuôi tôm là phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thuận và chính quyền địa phương triển khai thực hiện “Đề án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP tại tỉnh Kiên Giang” trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận để làm điểm trình diễn và định hướng nhân rộng mô hình, với diện tích 0,4ha.

Mục tiêu của đề án này nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng hiện có của địa phương, từng bước cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh, giảm rủi ro, hạn chế dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời góp phần thực hiện hoàn thành chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp đến năm 2020 của tỉnh.

Giai đoạn 1, ươm tôm thẻ chân trắng giống khoảng 25 ngày trong ao đáy có lót bạt. Giai đoạn 2 tôm nuôi trong ao lót bạt trên có mái che một nửa diện tích ao khoảng 60 – 65 ngày. Việc xây dựng ao nuôi theo từng giai đoạn sẽ giúp kiểm soát được các thông số kỹ thuật cũng như tỉ lệ sống và giảm rủi ro, kiểm soát chi phí sản xuất. Năng suất tôm đạt từ 30 tấn/ha/vụ, tỉ lệ sống trên 85%.

Anh Nguyễn Văn Mộng, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tham gia mô hình chia sẻ: “Tôi mới làm lần đầu nên nên cũng có chút lo ngại vì chưa nắm rõ kỹ thuật. Nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước, khi làm rồi tôi thấy mô hình này thực sự có hiệu quả cao. Rút được kinh nghiệm là mình phải quản lý từ đầu, con giống phải sạch bệnh, nguồn nước phải được xử lý”.

Riêng huyện Vĩnh Thuận, năm 2020, diện tích tôm thả nuôi toàn huyện trên 26.000ha, tăng 440ha. Thời gian gần đây người dân dần chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, gia tăng mật độ nuôi, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trong ao, hồ lót bạt đang phát triển rất tốt.

Nâng cao giá trị con tôm

Các hộ nuôi tôm tham gia mô hình được hỗ trợ số tiền 40.000.000 đồng, trong đó hỗ trợ chi phí con giống 20 triệu đồng và 20 triệu đồng hỗ trợ chi phí thức ăn. Ông Ngô Văn Út – Phó trưởng phòng khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang – cho biết: “Mô hình này tại địa phương đang được thực hiện rất tốt và mang lại hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này, chi phí đầu tư trang thiết bị máy móc hơi cao nên nông dân còn e dè. Khả năng nhân rộng mô hình này tương đối tốt ở xã Vĩnh Phong của huyện Vĩnh Thuận, vì xã này có quy hoạch mấy trăm hécta để nuôi tôm công nghiệp”.

Ông Út cho biết thêm, chính vì hiệu quả cao nên người dân nhân rộng rất nhiều. Hiện mô hình này được người dân các huyện Kiên Lương, Hà Tiên, Giang Thành, Hòn Đất cũng triển khai thực hiện và có kết quả tốt. Mô hình này giảm nhiều rủi ro, nâng cao tỉ lệ thành công của vụ nuôi. Nếu khai thác tốt sẽ giúp tăng năng suất tôm và tăng số vụ nuôi/năm, góp phần phát triển nuôi tôm bền vững.

Theo ông Út, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP không chỉ giúp tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn mở rộng các thị trường xuất khẩu.

Nguyên Anh  – Lao Động