Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Khô đậu lên men: Tăng khả năng dung nạp AHPND cho tôm

Thử nghiệm tại ShrimpVet đã khẳng định hiệu quả của khô đậu lên men làm giảm mức độ nghiêm trọng và tác động của EMS/AHPND lên TTCT. Thử nghiệm bắt đầu vào 16/1/2020 gồm giai đoạn thích ứng 1 ngày, 21 ngày cho ăn, 1 ngày thử thách và 10 ngày hậu thử thách dịch bệnh.

Xây dựng thử nghiệm

Bể và nước

Thử nghiệm được tiến hành trong bể nhựa 120 l, trang bị máy lọc sinh học than hoạt tính và sục khí và che phủ bằng nhựa để giảm rủi ro lây nhiễm chéo. Sử dụng nước lợ độ mặn 20 ppt. Các thông số chất lượng nước: DO, pH và nhiệt độ được đo hàng ngày. Ammonia nitrogen tổng (TAN), nitrite và độ kiềm toàn phần được đo 2 lần/tuần.

Tôm

TTCT sạch bệnh (SPF) được sản xuất từ tôm bố mẹ nguồn gốc Hawaii và được kiểm tra mầm bệnh. Phân tích PCR các mầm bệnh: vi bào tử trùng (EHP), virus đốm trắng (WSSV), hội chứng Taura (TSV), hoại tử cơ (IMNV) và tôm chết sớm (EMS/AHPND). Tôm post và nauplius được nuôi trong hệ thống đảm bảo an toàn sinh học nghiêm ngặt. Kiểm tra ấu trùng tôm post một lần nữa bằng phương pháp PCR để phát hiện mầm bệnh quan trọng: EHP, WSSV, TSV, IMNV và EMS/AHPND. Trước khi bắt đầu thử nghiệm 1 ngày, chia tôm và cân trọng lượng để xác định khối lượng ban đầu. Khối lượng trung bình ban đầu của tôm khoảng 0,56±0,04 g.

Nghiệm thức

Thử nghiệm gồm 5 nhóm; các nghiệm thức ở nhóm D1-D3 chứa khô đậu lên men ME-PRO (Prairie Aquatech, USA) ở 3 mức bổ sung: 10% (D1), 20% (D2) và 30% (D3). Ngoài ra còn có nghiệm thức đối chứng dương (D4) và nghiêm thức đối chứng âm (D5). Mỗi nghiệm thức lặp lại 4 lần/nhóm.

Xây dựng toàn bộ công thức thức ăn bằng phần mềm công nghiệp và sản xuất theo phương pháp ép đùn thương mại. Các phân tích hóa học (thực hiện phân tích nhanh và phân tích thành phần khoáng của thức ăn tại phòng thí nghiệm của bên thứ 3 – Phòng thí nghiệm Midwest, Omaha, NE). Tôm được cho ăn tùy thích theo khẩu phần tương ứng với 4 cữ/ngày suốt thử nghiệm. Lượng tiêu thụ thức ăn được báo cáo suốt thử nghiệm; lượng cho ăn được điều chỉnh tùy thuộc vào sinh khối và tiêu thụ thức ăn thực sự.

Tiến hành thử nghiệm

Phương pháp thử thách

Sử dụng phương pháp ngâm thẩm thẩu để thách thức dịch bệnh. Tổng số 28 bể nuôi được sử dụng làm bể thử nghiệm và bể đối chứng dương. Môi trường dinh dưỡng tryptic soy broth +2% sodium chloride (TSB+) cấy chủng virus ổn định Vibrio parahaemolyticus đã nuôi trong 24 giờ. Huyền phù vi khuẩn được bổ sung vào để đạt mật số vi khuẩn đo được bằng phương pháp hấp thụ mật độ quang (OD 800 nm). 4 bể đối chứng âm được xử lý bằng TSB+ vô trùng bổ sung trực tiếp vào bể. Liều thử thách dịch bệnh là 3,25×105 CFU/mL – liều gây chết 90%. Chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm H&F và mô bệnh học tiêu chuẩn.

Phân tích phân tử và mô học

5 ngày trước khi bắt đầu thử nghiệm, 2 mẫu tôm được lấy ra khỏi bể kiểm tra dịch bệnh WSSV, TSV, EMS/AHPND, EHP và IMNV. Suốt thử nghiệm thách thức với dịch bệnh, ở mỗi nghiệm thức sẽ lấy ra 2 mẫu tôm đại diện để phân tích mô học. Các mẫu này được thu gom trong 120 giờ sau khi thử thách với dịch bệnh. Các kết quả PCR đã chỉ ra tôm tham gia thí nghiệm không nhiễm các mầm bệnh nói trên trước khi thử nghiệm bắt đầu.

Phân tích thống kê

Các thông số chất lượng nước (nhiệt độ, DO, pH, TAN, nitrite và độ kiềm) và tỷ lệ sống của tôm được phân tích bằng phương pháp phân tích phương sai một yếu tố (ANOVA), P<0,05. Suốt 33 ngày thử nghiệm, các thông số chất lượng nước được theo dõi và ghi chép lại.

Kết quả

Tỷ lệ sống

Suốt thử nghiệm, đếm số lượng tôm hàng ngày để ước tính tỷ lệ sống. Sau 21 ngày trước thử thách dịch bệnh, tỷ lệ sống của tôm ở các nghiệm thức không có sự khác biệt (P>0,05). Tỷ lệ sống của tôm ở các nghiệm thức D1, D2, D3, D4 và D5 lần lượt là 85.00±2.00%, 87.00±2.00%, 86.00±2.31%, 87.00±2.00% và 87.00±2.00%.

Suốt quá trình trong và sau thử thách dịch bệnh, tôm ở nhóm đối chứng âm không có dấu hiệu lâm sàng bệnh EMS/AHPND và tỷ lệ sống cuối cùng cao hơn hẳn các nhóm còn lại (88.53±2.51%). Điều này cho thấy, các bước xây dựng thử nghiệm tương đối hợp lý và không xảy ra hiện tượng lây nhiễm chéo tới nhóm đối chứng âm.

Sau 10 ngày hậu thử thách dịch bệnh, tỷ lệ sống của nhóm đối chứng dương là 8.12±7.00%. Tỷ lệ sống của tôm ở nhóm D1, D2 và D3 lần lượt là 9.36±5.32%, 17.32±7.13% và 35.17±21.60%. Các kết quả cho thấy, tỷ lệ sống của tôm ở nghiệm thức D3 (35.17±21.60%) cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng dương (8.12±7.00%) (P<0.05).

Tỷ lệ sống của tôm ở nghiệm thức D1 và D2 không có sự khác biệt thống kê so với nhóm đối chứng dương, nhưng càng về sau, tỷ lệ sống của nhóm tôm này lại cao hơn khi bổ sung ME-PRO vào khẩu phần. Rõ ràng, thành phần này đã củng cố khả năng dung nạp bệnh AHPND, từ đó hạn chế tác động của dịch bệnh tới tôm giống.

ME-PRO là một giải pháp tiềm năng để sản xuất thức ăn thân thiện môi trường. Không chỉ chứa hơn 70% protein thô, hàm lượng cao phốt pho tiêu hóa được, thành phần này còn nhiều lý tính khác như độ nhớt cao để cải thiện độ ổn định chất liệu phân, ít vụn và cỡ hạt nhỏ đều có tác dụng cải thiện chất lượng nước. Các yếu tố hoạt tính sinh học trong Me-PRO đã củng cố hệ vi khuẩn đường ruột, giảm nhiễm trùng ruột và thúc đẩy trao đổi chất, từ đó cải thiện sức khỏe của vật nuôi.

Những kết quả từ nhiều thử nghiệm cho ăn đã chứng minh, ME-PRO duy trì sức khỏe của tôm, hiệu suất tăng trưởng cao và hiệu quả sử dụng thức ăn. Kết quả đạt được trong nghiên cứu này cũng chỉ ra tỷ lệ bổ sung ME-PRO trong thức ăn công thức có thể tác động tích cực tới tỷ lệ sống của tôm nhiễm EMS/AHPND. Đây chính là thành phần chức năng giúp ngăn chặn dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành công nghiệp nuôi tôm.

>> Năm ngoái, châu Âu đã cho phép sử dụng Me-Pro trong NTTS. Do hàm lượng phytate thấp và 90% phốt pho trong sản phẩm này đều được tôm, cá tiêu thụ, nên bổ sung Me-Pro đã giảm hàm lượng phốt pho xả vào nước thông qua chất thải của tôm, cá.

TS Sergio F.Nates

Phó Giám đốc điều hành Prairie Aquatech

nguồn : http://contom.vn/

Nuôi tôm sinh thái lợi trăm bề

Hệ thống ao lắng
Hệ thống ao lắng nuôi cá rô phi giúp xử lý nguồn nước trước khi đưa tôm vào nuôi.

Sử dụng chế phẩm sinh học, đầu tư nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hiện đại được xem là lựa chọn thay thế tốt nhất cho cách làm truyền thống. Đây cũng là hướng đi mà HTX thủy sản Mỹ Thành (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

HTX Mỹ Thành hiện thu hút 7 hộ thành viên tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học kết hợp cung cấp các dịch vụ nuôi trồng thủy sản. Điều thuận lợi là tất cả các thành viên đều có kinh nghiệm và có nguyện vọng gắn bó lâu dài với nghề.

Đi lên từ chất lượng

Là những người gắn bó với nghề nuôi tôm, các thành viên đều hiểu rõ muốn có vùng nguyên liệu ổn định và ký kết được hợp đồng với các doanh nghiệp thì việc bảo đảm chất lượng tôm thương phẩm ngay từ những công đoạn nuôi chính là việc cần thiết. Điều này đòi hỏi người nuôi tôm cần chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang bằng chất lượng.

Đặc biệt, khi thực hiện nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, bắt buộc các thành viên phải hạn chế sử dụng hóa chất, không sử dụng thuốc kháng sinh. Chính vì vậy, quá trình cải tạo ao và gây màu nước, thành viên chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt tạp, tạo độ pH, kiềm. Nước đưa vào các ao nuôi được lấy từ hệ thống ao lắng có nuôi cá rô phi. Nước đã qua “màng lọc sinh học” là cá rô phi thường có màu rất đẹp, sạch không có mầm bệnh, có lợi rất nhiều trong khâu xử lý về sau cũng như sự phát triển của tôm.

HTX cũng đã đầu tư xây hệ thống xử lý nước thải, bùn thải và vỏ tôm bằng hầm ủ biogas. Cách làm này mang lại hiệu quả cao vì một mặt không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế mùi hôi thối, mặt khác lại tái sử dụng nguồn nước và sử dụng gas trong sinh hoạt hằng ngày.

Nhờ chú trọng đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật, HTX có thể chủ động kiểm soát tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường. Nguồn tôm giống thả nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, hoàn toàn không phải sử dụng kháng sinh.

“Việc tham gia HTX nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững, giúp người nuôi tôm giảm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra sản”, ông Ngô Thắng Trung, thành viên HTX cho biết.


Các hộ nuôi kiểm tra chất lượng tôm trong quá trình sản xuất.

Tiếp tục mở rộng

Anh Đặng Minh Toan, thành viên HTX cho biết: Với gần 2.000m2 ao, mỗi vụ anh thả nuôi 40.000 – 46.000 con giống tôm thẻ chân trắng, sản lượng thu hoạch từ 4 – 4,4 tấn tôm/vụ. Nếu như trước kia, anh phải thấp thỏm lo lắng vì dịch bệnh diễn ra triền miên thì từ khi tham gia HTX, anh chủ động hơn nhờ nắm vững các kỹ thuật nuôi tôm.

Không chỉ anh Toan mà hiện nay, các thành viên còn được hỗ trợ mua thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản với giá hợp lý. Sản phẩm thu hoạch cũng được HTX liên kết với doanh nghiệp thu mua nên bảo đảm được đầu ra và lợi nhuận.

Để tạo thuận lợi cho quá trình liên kết với doanh nghiệp, HTX đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để xin xây dựng trụ sở, củng cố tổ chức bộ máy để hoạt động nề nếp trong thời gian tới.

Theo ban giám đốc HTX, mục tiêu trong thời gian tới là phục vụ cho thành viên và giúp những người nuôi tôm trong xã phát triển sản xuất. Theo đó, HTX sẽ đứng ra cung ứng 100% các dịch vụ nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y với giá cả phù hợp nhằm giúp người nông dân hưởng lợi từ nghề nuôi tôm.

Theo Sở NN&PTNT, định hướng của tỉnh là phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó chú trọng đến quy hoạch các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Việc HTX thủy sản Mỹ Thành thu hút người dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học chính là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. 

Thời gian tới, ngành nông nghiệp của địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ngành hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Như Yến Thời báo Kinh Doanh

Ứng dụng trên đa loài của Inulin trong thủy sản

Inulin
Inulin được biết đến như một chất kích thích miễn dịc trên tôm.

Inulin được ứng dụng trên nhiều đối tượng nuôi trồng thủy sản với nhiều tác dụng khác nhau.

Những năm gần đây, dịch bệnh bùng phát được xác định là hạn chế lớn đối với sản xuất nuôi trồng thủy sản, hậu quả là tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi. Vì vậy, từ lâu, nông dân đã áp dụng các thực hành cơ bản về quản lý tốt và sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, những hóa chất này đã dần dần bị hạn chế do sự hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh, tồn dư kháng sinh, tác động tiêu cực đến môi trường và ức chế hệ miễn dịch của động vật thủy sản. Vì vậy, tìm kiếm các phương pháp điều trị ít có hại hơn, thân thiện với môi trường trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.

Inulin – một polysaccharide thực vật loại fructan, hay còn gọi là fructooligossacharide (FOS) phân bố rộng rãi trong tự nhiên dưới dạng carbohydrate dự trữ và đã được tìm thấy trong hơn 30.000 loài thực vật. Củ của rau diếp xoăn hoặc atisô Jerusalem hiện đang được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp do hàm lượng Inulin cao. Trong vài thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã chứng minh giá trị của Inulin như một chất dinh dưỡng tự nhiên đầy hứa hẹn với khả năng tương thích tốt, nhiều hoạt tính sinh học và thành phần hóa học thích hợp. 

Inulin có vị nhẹ, không gây kích ứng cũng như không có bất kỳ hương vị tệ nào, mang lại lợi ích tác động lên vật chủ bằng cách thúc đẩy có chọn lọc hoạt động và tăng trưởng của vi sinh đường ruột, điều hòa đường huyết, điều tiết lipid, chất chống oxy hóa, chống ung thư, tăng cường khả năng hấp thụ khoáng chất, điều hòa miễn dịch, giảm nguy cơ béo phì, kháng virus, ảnh hưởng đến tổng hợp vitamin, chống viêm v.v. Inulin được dùng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm được sử dụng làm chất làm đặc, chất thay thế chất béo, chất tạo ngọt trong ngành công nghiệp thực phẩm. Hiện nay, Inulin còn được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, mang lại tác dụng với đa dạng đối tượng nuôi. 

Cá tra

Nuôi cá được xem là một bài toán khó trong đó người nuôi cần giảm thiểu chi tiêu đầu vào và yêu cầu đầu ra đạt được chất lượng tối đa. Thức ăn trong nuôi trồng thủy sản chiếm phần lớn trong tổng chi phí sản xuất. Vì thế tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, đặc biệt là bằng cách cải thiện sự trao đổi chất, đồng hóa các chất dinh dưỡng luôn được ưu tiên. Bất kỳ sự giảm chi phí thức ăn hay chi phí của các phương pháp điều trị sẽ có tác động trực tiếp ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận của người dân. 

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những đối tượng nuôi chủ lực vì đây là loài cá dễ nuôi, chất lượng thịt ngon và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, bệnh do hai loài vi khuẩn Edwardsiella ictaluri và Aeromonas hydrophila là những bệnh phổ biến và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi cá tra. Một trong những giải pháp được đề xuất là bổ sung 1% inulin cách nhịp mỗi 2 tuần vào thức ăn cá tra giúp cá tăng trưởng tốt, cải thiện miễn dịch và tăng sức đề kháng với vi khuẩn E. ictaluri dựa trên kết quả thí nghiệm. Sau 8 tuần, cá được cảm nhiễm với E. ictaluri và theo dõi tỉ lệ chết. Kết quả cho thấy tăng trưởng, chỉ tiêu huyết học, hoạt tính lysozyme tăng cao và có tỉ lệ chết sau cảm nhiễm thấp. 

Cá rô phi

Cá rô phi (Oreochromis niloticus) là một trong những loài cá nước ngọt được nuôi phổ biến nhất. Tuy nhiên, nguồn cung nước ngọt thiếu hụt đã mang lại những thách thức lớn đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát triển nuôi cá rô phi ở nước lợ hoặc nước biển đã trở thành một giải pháp thay thế quan trọng. Mặc dù cá rô phi có khả năng thích nghi tốt để phát triển ở nước lợ, nhưng căng thẳng lâu dài có thể gây ra nhiều tác động bất lợi khác nhau đối với cá rô phi, chẳng hạn như tăng trưởng kém, tỷ lệ sống thấp, hấp thụ chất dinh dưỡng kém, ức chế sinh sản, dịch bệnh.

Để cải thiện tình trạng đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra Inulin – là một chất bổ sung hiệu quả để giảm bớt căng thẳng oxy hóa và rối loạn vi sinh vật đường ruột. Nghiên cứu này cho thấy rằng chế độ ăn sử dụng inulin là một chiến lược để cải thiện hiệu suất tăng trưởng, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, tăng cường sức khỏe của cá trong điều kiện stress độ mặn với mức bổ sung inulin tối ưu là 0.4% ở 16 psu. 

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy bổ sung inulin vào thức ăn làm gia tăng đáp ứng miễn dịch và kích thích tăng trưởng tốt trên nhiều loài cá khác như cá hồi Salmo salar (Grisdale-Helland et al., 2008), cá mú báo Mycteroperca rosacea (Reyes-Becerril et al., 2014), cá chép Cyprinus carpio (Eshaghzadeh et al., 2015, Hoseinifar et al., 2016), …

Tôm thẻ chân trắng

Dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt là bệnh do vi-rút đang là mối nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm. Các bệnh do vi rút, chẳng hạn như vi rút gây hội chứng đốm trắng (WSSV) gây ra tử vong nghiêm trọng trong nuôi tôm. Tôm không thể được tiêm phòng vaccine, do tôm chưa có hệ thống miễn dịch đặc hiệu phát triển. Theo đó, một số nghiên cứu đã được thực hiện để điều tra xem việc bổ sung Inulin có khả năng bảo vệ L. vannamei chống lại hội chứng đốm trắng (WSSV ) hay không? Inulin được phun vào thức ăn ở mức 0; 1.25; 2.5; 5 và 10 g/ kg thức ăn, cho ăn trong 62 và 73 ngày.

Kết quả cho thấy rằng Inulin với nồng độ 2.5 và 5g / kg thức ăn giúp làm tăng hoạt động của phenoloxidase (đáp ứng miễn dịch tự nhiên ở tôm ), là một chất bổ sung tốt chống lại hội chứng đốm trắng (WSSV). Một nghiên cứu khác cũng chứng minh khả năng cải thiện đáng kể về tốc độ tăng trưởng và biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch ở tôm thẻ chân trắng, tăng cường sức đề kháng chống lại virus gây hội chứng đốm trắng và vi khuẩn Vibrio alginolyticus thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa hoặc trực tiếp kích hoạt các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh của tôm khi sử dụng Inulin (5mg/g ) và mannooligosaccharides (5mg/g ) như là một chất bổ trợ. 

Hiện nay, mặc dù công nghệ sản xuất Inulin có thể đạt được sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên vẫn còn những mặt hạn chế như chiết xuất và tinh chế đòi hỏi các quy trình phức tạp, khả năng hoạt động kém và năng suất thấp.

Uyên Đào – https://tepbac.com/

Chủ tịch Cà Mau “đặt hàng” doanh nghiệp liên kết tiêu thụ tôm

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân (người đứng) trò chuyện thân mật với các doanh nghiệp trong buổi Cà phê kết nối doanh nghiệp sảng 17.10 (ảnh Nhật Hồ)


Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân (người đứng) trò chuyện thân mật với các doanh nghiệp trong buổi Cà phê kết nối doanh nghiệp sảng 17.10 (ảnh Nhật Hồ)

Cà phê cùng doanh nghiệp sáng 17.10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chính thức “đặt hàng” các doanh nghiệp liên kết chuỗi, nhằm năng cao giá trị tôm nuôitrong tỉnh. Chủ tịch Cà Mau cũng đề nghị các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Sáng 17.10, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (CMBA) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) tổ chức “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần 1”, với chủ đề chuyển đối số cho doanh nghiệp và thảo luận một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp trong tỉnh.

Trao đổi nhẹ nhàng tại tại buổi cà phê gặp gỡ kết nối doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho rằng: Các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, cập nhật xu hướng, xu thế mới, dùng công nghệ quản trị khách hàng. Bên cạnh việc chú trọng chất lượng sản phẩm cần quan tâm đổi mới bao bì, mẫu mã để thu hút khách hàng. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần liên kết hợp tác kinh doanh, nhất là, các doanh nghiệp lớn cần đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, tạo nền tảng để các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, mở rộng thị trường không biên giới, nâng cao doanh thu của doanh nghiệp.

Chủ tịch Cà Mau cũng cam kết thời gian tới, tỉnh tiếp tục đồng hành hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chú trọng quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi trên địa bàn.

Dự kiến chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần 2” sẽ được tổ chức vào thứ 7, ngày 24.10 tại The One Cafe & Tea (Khách sạn Mường Thanh Cà Mau) với chủ đề “Đầu tư tài chính cho doanh nghiệp”.

NHẬT HỒ – https://laodong.vn/

Xuất khẩu thuỷ sản sang EU đã “thoát âm”, dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD năm 2020

Xuất khẩu thuỷ sản sang EU đã "thoát âm", dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD năm 2020
Tuy có hồi phục sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU được dự báo sẽ giảm tới 20% so với năm ngoái, đạt hơn 1 tỷ USD.

Ngày 16/10, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản” do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức.

Tại đây, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ông Lê Thanh Hoà nhấn mạnh, tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2929 đã phục hồi. 

Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Song, dự báo cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sẽ giảm 20% so với năm 2019, đạt khoảng 1,037 tỷ USD. Trong 5 năm tới, ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng trưởng tốt hơn nếu thẻ vàng IUU được tháo gỡ, cùng với việc tận dụng tốt ưu đãi thuế quan theo hiệp định EVFTA. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 năm tới đạt 1,2 – 1,5 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, ông Hòa cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, số lượng đơn hàng xuất khẩu thủy sản tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Tính đến hết tháng 9, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, giá trị sản xuất thủy sản tăng 2,48%, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã “thoát âm”. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 đã hồi phục mạnh hơn với mức tăng 13% đạt 92 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 692 triệu USD.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nêu rõ, hiện nay Việt Nam có khoảng 579 doanh nghiệp  xuất khẩu thuỷ sản sang EU, chiếm 72% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đi các thị trường là khoảng 805 doanh nghiệp. Thuỷ sản Việt Nam xếp thứ 11 về thị phần tại EU (đứng sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Canada, Singapore và Đài Loan).

Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản), ông Đào Trọng Hiếu nhận định: “Nhập khẩu thủy sản của EU hơn 22 tỷ USD mỗi năm, trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 1,2 – 1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn”.

Q.L – Theo Nhịp sống kinh tế

Lưu ý nuôi tôm mùa mưa

thăm nhá tôm
Người nuôi tôm lưu ý vào mùa mưa, nhất là theo dõi các thông số môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan. Ảnh: KS.

Những ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa vừa đến rất to. Vì vậy bà con cần lưu ý thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi…

Đó là khuyến cáo của Trung tâm giống nông nghiệp Phú Yên vừa gửi văn bản các huyện, thị xã và UBND các xã ven biển, đặc biệt vùng nuôi tôm. Trong đó thông báo kết quả quan trắc môi trường đến bà con vùng nuôi biết để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Theo đó, kết quan trắc, cảnh báo môi trường nước ngày 5/10/2020 tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Phú Yên cho thấy có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép (GHCP). Cụ thể, chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 điểm quan trắc (tại các vùng nuôi Phước Giang – Hòa Tâm và Cầu Ông Đại – Hòa Xuân Đông) và gấp từ 1,3 -1,4 lần so với ngưỡng GHCP dao động 0,40 – 0,42mg/l.

Chỉ tiêu PO4 vượt ngưỡng GHCP tại 3/12 điểm quan trắc và gấp 1,2 lần so với ngưỡng GHCP tại các vùng nuôi Hòa Hội – Xuân Cảnh, Bãi Ngọn – Hòa Hiệp Nam và Phước Long – Hòa Tâm.

Hàm lượng DO (oxy hòa tan) thấp hơn ngưỡng GHCP tại 6/12 điểm quan trắc tại các vùng nuôi Thôn 5 – Xuân Hải, Hòa Hội – Xuân Cảnh, Phú Lương – An Ninh Đông, Tân Long – An Cư, Mỹ Phú – An Hiệp và Bãi Ngọn – Hòa Hiệp Nam.

Hàm lượng COD vượt ngưỡng GHCP tại 4/12 điểm quan trắc và gấp từ 1,02 – 1,54 lần so với ngưỡng GHCP tại vùng nuôi Vũng Tàu – Hòa Hiệp Nam, Phước Long – Hòa Tâm, Phước Giang – Hòa Tâm và cầu Ông Đại – Hòa Xuân Đông.

Mật độ vibrio tổng số vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 điểm quan trắc và gấp từ 1,03 – 2 lần so với ngưỡng GHCP tại các vùng nuôi Mỹ Phú – An Hiệp và Phước Long – Hòa Tâm.

Kết quả quan trắc môi trường nước tại các vùng nuôi tôm hùm lồng, bè cũng có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng GHCP. Như chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 vị trí quan trắc và gấp từ 1,2- 1,5 lần so với ngưỡng GHCP tại vùng nuôi Phú Dương – Xuân Thịnh (tầng mặt và giữa).

Hàm lượng DO thấp hơn ngưỡng GHCP tại 6/12 vị trí quan trắc tại Phú Dương – Xuân Thịnh (tầng giữa và đáy), Dân Phú – Xuân Phương (tầng giữa và đáy), Phước Lý – Xuân Yên (tầng giữa và đáy).

Trong khi những ngày qua, nhiều nơi trong khu vực Phú Yên có mưa vừa đến rất to. Và, theo dự báo thời tiết các tỉnh Nam Trung Bộ từ ngày 8 – 18/10 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Vì vậy, người nuôi nước lợ lưu ý thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, đồng thời theo dõi các thông số môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan… để có phương pháp xử lý kịp thời. Cụ thể như xả bỏ bớt nước tầng mặt trong ao nuôi nhằm tránh nước bị ngọt hóa, tăng cường quạt nước, sục khí nhằm bổ sung lượng oxy hòa tan…

Bên cạnh đó, người nuôi nên lấy nước vào ao chứa lắng, xử lý bằng các chế phẩm vi sinh giúp ổn định môi trường, kiểm tra các thông số môi trường đạt chuẩn trước khi cấp vào ao nuôi, nhất là các vùng nuôi thuộc TX Đông Hòa.

Đối với các vùng nuôi có mật độ vibrio cao nên khử trùng nguồn nước bằng các hóa chất diệt khuẩn trước khi cấp vào ao nuôi. Ngoài ra, nên duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5m và tăng cường quạt nước ao nuôi tránh hiện tượng phân tầng nhiệt và cung cấp oxy hòa tan trong ao nuôi. Bón vôi xung quanh ao trước và sau khi có mưa dông nhằm ổn định pH và độ kiềm trong ao nuôi…

Đối với các vùng nuôi tôm hùm, Trung tâm giống nông nghiệp Phú Yên khuyến cáo người nuôi điều chỉnh lồng nuôi cách đáy khoảng 1,5 – 2m, nhằm tránh bị ngọt hóa và tránh thiếu oxy cục bộ. Gia cố lại các lồng, bè nuôi, hệ thống dây neo, lưới… để hạn chế thiệt hại khi có gió giật mạnh làm hư lồng, bè và thất thoát tôm nuôi.
KS Nông nghiệp Việt Nam

Phương pháp khử trùng nước nào khả thi hơn trong nuôi tôm tuần hoàn (RAS)?

nuôi tôm tuần hoàn
Nuôi tôm theo mô hình RAS cần chú ý khử trùng nước để kiểm soát vi khuẩn.

Công nghệ ozone hay chiếu UV sẽ ổn định thành phần vi sinh vật, cải thiện chất lượng nước trong RAS hiệu quả hơn?

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong hệ thống tuần hoàn (RAS) đã trở nên khả thi hơn khi giảm tiêu thụ nước, ít tác động đến môi trường, mật độ thả cao do đó năng suất cao hơn. Chính vì thế, việc kiểm soát vi khuẩn là một trong những mục tiêu của RAS để ngăn ngừa sự hình thành của vi khuẩn gây bệnh tiềm ẩn.Ozon hóa và chiếu tia cực tím (UV) là hai phương pháp tối ưu để hạn chế vi khuẩn gây bệnh cho tôm trong hệ thống tuần hoàn. 

Tia cực tímđược thường được dùng trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh để ngăn chặn sự tích tụ của coliform và vi khuẩn dị dưỡng trong nước. Đặc biệt trong RAS, chiếu xạ UV đã chứng minh được khả năng bất hoạt vi sinh vật trong môi trường nước. 

Ozone là một chất oxy hóa mạnh, có hiệu quả chống lại vi khuẩn, ký sinh trùng và vi rút, do đó cũng được sử dụng trong hệ thống RAS để kiểm soát mầm bệnh. Trong khi tia cực tím chủ yếu được sử dụng để khử trùng thì ozone cũng có hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng nước. Nó không chỉ loại bỏ mầm bệnh mà còn loại bỏ cacbon hữu cơ, độ đục, tảo, màu, mùi và vị của nước. Vì ozone cũng có thể oxy hóa các chất hữu cơ và các hạt mịn, do đó nó cũng gián tiếp làm giảm số lượng vi khuẩn trong hệ thống nuôi. Ngoài ra, ozone có hiệu quả trong việc khử các hợp chất nitơ như nitrit và nitrat trong nước, do đó không chỉ góp phần duy trì hệ vi sinh vật tối ưu mà còn tạo ra chất lượng nước tối ưu. 

Kết quả trong nghiên cứu này cho thấy tia cực tím chỉ làm giảm lượng amoniac trong nước hệ thống RAS khi sử dụng UV có công suất 9W mà không thấy giảm nồng độ nitrit và nitrat. Mặt khác, ứng dụng ozone đã ngăn chặn sự gia tăng nitrit và dẫn đến giảm nitrat nhanh hơn so với nghiệm thức không sử dụng ozone. 

Vibrio alginolyticus một loài vi khuẩn gây bệnh tiềm ẩn cho tôm đã được phát hiện với mật độ cao trước khi bắt đầu thí nghiệm, nhưng lại giảm đáng kể sau khi xử lý bằng ozone và không còn được phát hiện trên vỏ của tôm vào cuối thí nghiệm. Trong thí nghiệm chiếu tia UV, lượng V.alginolyticus giảm xuống mức thấp nhưng vẫn còn nhiều vào ngày 42 trong màng sinh học của bề mặt bể và trên vỏ tôm, đặc biệt là trong các bể được xử lý UV với công suất 9W. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng V. alginolyticus có thể bị loại bỏ khỏi hệ thống RAS bằng ozone nhưng khi chiếu tia UV liều lượng cao thì không thể loại bỏ được. Lý do có thể là một số lượng lớn vi khuẩn V. alginolyticus có trong màng sinh học mà việc chiếu tia UV chỉ có thể làm giảm vi khuẩn trong nước. 

Nhìn chung, ưu điểm của việc sử dụng chiếu xạ UV so với ứng dụng ozone là chi phí thấp hơn và dư lượng độc hại tạo ra ở mức thấp hơn nhiều so với ứng dụng ozone. Nhược điểm chính của chiếu xạ tia cực tím là giảm hiệu quả trong môi trường nước đục, do đó độ đục cần được giảm bớt bằng các bộ lọc cơ học để đạt được hiệu quả khi xử lý tia cực tím. Ánh sáng tia UV không thể tiếp cận hiệu quả với vi sinh vật trong nước khi các tia sáng bị ngăn chặn bởi các hạt cặn lơ lửng. Một số vi khuẩn probiotic cũng có thể bị chết khi chiếu tia UV, điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ vi sinh trong môi trường nước. 

Một số nghiên cứu cho rằng, ozone tự do có thể gây độc cho động vật được nuôi trong hệ thống RAS, nhưng trong những năm qua các nghiên cứu đã chứng minh về ứng dụng trực tiếp của ozone trong nước ở các bể nuôi cá và động vật có vỏ. Có thể thấy, việc áp dụng ozone trực tiếp có thể cải thiện năng suất và phúc lợi của động vật nuôi và cũng có vẻ tương quan với việc giảm nhiễm trùng, bệnh tật và cải thiện chất lượng nước. Tuy nhiên, các tác động có hại của quá trình ozon hóa trực tiếp cũng được ghi nhận bao gồm các bất thường về hành vi, thay đổi về sinh lý, tổn thương mô, tăng tỷ lệ tử vong. 

Cả ozone và chiếu xạ tia cực tím đều có những tác động tiêu cực.Tuy nhiên, trong nghiên cứu hiện tại việc áp dụng ozone cho thấy lợi thế hơn so với khử trùng bằng chiếu xạ tia cực tím vì chất lượng nước được cải thiện và hệ thống vi sinh ổn định hơn. Ngược lại, chiếu xạ UV kém hiệu quả hơn trong việc tối ưu hóa chất lượng nước và dẫn đến những thay đổi đáng kể hơn trong thành phần vi sinh vật. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy không có tác động tiêu cực nào trên động vật được thấy sau khi áp dụng ozone, do đó việc sử dụng phương pháp khử trùng ozone cho nuôi tôm trong hệ thống RAS nên được khuyến khích hơn.

Sương Phạm – https://tepbac.com/