Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Nằm trong danh mục cấm, tôm hùm đất vẫn được bán tràn lan

Tôm hùm đất
Nhiều cửa hàng vẫn vô tư rao bán tôm hùm đất đông lạnh nhập khẩu

Tôm hùm đất (crawfish, crayfish) hiện đang được rao bán dưới dạng tươi, đông lạnh, chế biến sẵn dù bị cấm nuôi, cấm kinh doanh.

Cấm bán tươi nên bán đông lạnh?

Trên fanpage (trang trên Facebook) của mình, T.Y. (TPHCM) tự giới thiệu tôm được nhập về còn nhảy đành đạch, dưỡng trong hồ nuôi chứ không phải tôm đông lạnh.

Ngoài ra, T.Y. còn rao bán trong các hội, nhóm hải sản tươi trên Facebook. Khi chúng tôi liên hệ đặt mua, T.Y. báo giá 360.000 đồng/kg nhưng yêu cầu đặt tiền cọc, hai ngày sau sẽ giao hàng.

Trang web S.T.C.T. (địa chỉ tại tỉnh Khánh Hòa) cũng rao bán tôm hùm đất sống, giao hàng toàn quốc. Khi chúng tôi liên hệ, chủ hàng báo hết hàng, hẹn ba ngày sẽ có vì mỗi ngày chỉ nhập về 10 – 15kg (loại 50 con/kg). Một vựa hải sản có tên Hằng Duy tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An rao bán tôm hùm đất tươi, còn mời khách đến mua trực tiếp để cảm nhận được độ tươi sống.

Ngoài dạng tươi sống, tôm hùm đất dạng đông lạnh còn được rao bán nhộn nhịp hơn. Một số chủ hàng giải thích, cơ quan chức năng chỉ cấm bán tôm hùm đất tươi sống chứ không cấm bán tôm hùm đất đông lạnh.

Nhân viên cửa hàng hải sản tươi sống Hoàng Long (đường Bàu Cát, Q.Tân Bình, TPHCM) cho biết, đang bán tôm hùm đất đông lạnh và chế biến sẵn.

Tôm đông lạnh được đựng trong bao 2kg, bên ngoài chỉ có dòng chữ “Frozen Whole Crawfish” kèm theo những dòng chữ Trung Quốc, không có thông tin bằng tiếng Việt.

Nhân viên khẳng định, sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch từ Mỹ, giá bán tùy theo trọng lượng tôm, loại từ 25-35 con/kg có giá từ 345.000 đồng/kg, loại từ 40-45 con/kg có giá 320.000 đồng/kg, tôm chế biến sẵn có giá 580.000 đồng/kg.

Tại một số quán ăn, món tôm hùm cũng xuất hiện nhiều trong thực đơn và được giới thiệu là món ăn đang được ưa chuộng. Nhiều quán còn lấy món tôm này làm tên quán, chẳng hạn Cajun Dile (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.1), Crawfish Cajun (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình), Tôm Hùm Baby và Crawfish Sốt Cajun (đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú).

Một số cửa hàng còn bán tôm hùm đất dạng đóng hộp, được nhập từ Trung Quốc, với giá 90.000 đồng/hộp 100g.


Tôm hùm đất đông lạnh.

Cấm nuôi, cấm kinh doanh do quá nguy hại

Trong năm 2019, tôm hùm đất được rao bán công khai, rầm rộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã gửi công văn hỏa tốc đến các địa phương, yêu cầu tăng cường kiểm soát loài tôm này do loài này không có tên trong danh mục loài thủy sinh được phép kinh doanh tại Việt Nam. Đây là loài ngoại lai nguy hại và việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng rao bán tràn lan tôm hùm đất sống, tôm hùm đất đông lạnh, ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM – khẳng định, tại TP.HCM, không có địa điểm nào nuôi loài tôm này; nếu nuôi, sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng ông cho rằng, không thể can thiệp vào việc nhập tôm này dưới dạng thực phẩm để kinh doanh.

“Tôm hùm đất bị cấm vì được xác định là sinh vật ngoại lai có thể xâm hại đến sinh vật khác, nhưng không có quy định cấm nếu mình dùng nó dưới dạng thực phẩm để ăn. Các cơ sở kinh doanh, quán ăn kinh doanh nó dưới dạng thức ăn thì được, còn nếu mang ra ngoài nuôi thì không được” – ông Đinh Minh Hiệp nói.

Tuy nhiên, luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 7, điều 7 của Luật Đa dạng sinh học năm 2008, người kinh doanh hoặc lưu trữ, vận chuyển vật nằm trong danh mục cấm tại Việt Nam (không phân biệt sống hay chết) là vi phạm pháp luật.

Hành vi nhập khẩu tôm hùm đất trái phép – kể cả dạng đông lạnh – để buôn bán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm.

Theo khoản 2, điều 43 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, trường hợp lưu giữ, buôn bán loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi bảo tồn nhưng chưa gây thiệt hại có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai đã nhập trái phép.

Nếu buôn bán loài ngoại lai có giá trị từ 250 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 246 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chia sẻ lý do tôm hùm đất bị cấm tại Việt Nam, tiến sĩ Bùi Quang Tề – chuyên gia về nuôi trồng thủy sản – cho biết loài tôm hùm đất có khả năng sinh sản nhanh, phổ thức ăn rộng, phá hoại thực vật, tiêu diệt động vật nhỏ như tôm, cá.

Loài tôm này có thể gây hại cho các loài tôm bản địa xuất khẩu của Việt Nam như tôm sú, tôm càng, chúng mang theo nhiều vi-rút gây bệnh cho tôm, mang theo các loài giun ký sinh gây hại cho động vật có vú và người.

Tôm hùm đất còn nguy hiểm hơn cả ốc bươu vàng, vì sức sống của nó tốt hơn, có khả năng đào hang hốc trú ẩn, gây hại cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Tề, trước đây, do nhu cầu thực phẩm, nhiều quốc gia cho phép nuôi tôm hùm đất nhưng hiện nay đã cấm nuôi do những mối nguy hại của chúng. Những bang miền Nam của Mỹ từng nuôi tôm hùm đất, điển hình là giống Louisiana (tôm đầm lầy đỏ) tràn lan, sau đó phải vất vả trong việc đưa ra những chính sách hiệu quả để quy hoạch, nuôi trồng tập trung và cung ứng thành thức ăn.

Trước khi làm được việc này, ruộng đồng đã bị loài giáp xác này phá hoại khiến nông dân không thể trồng trọt. Một số nước ở châu Phi cũng đang phải đối phó với mặt trái khủng khiếp mà tôm hùm này mang lại trong quá trình được nuôi làm thực phẩm.

Cũng theo tiến sĩ Tề, năm 2017, một hộ ở tỉnh Đồng Tháp nuôi 2ha tôm hùm đất, sau đó loài vật này tràn ra ngoài tàn phá, tiêu diệt cá có kích thước bằng ngón tay nên đã bị chính quyền địa phương ngăn chặn, tiêu hủy, cấm nuôi và nhập khẩu.

Gần đây, loài tôm này xuất hiện trở lại dưới dạng thương mại và được nhập ồ ạt vào Việt Nam. Cho đến nay, chỉ có Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) được cấp phép nhập loài tôm này để nghiên cứu.

Ông Nguyễn Quang Huy – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I – cho biết viện có dự án nuôi nghiên cứu khảo nghiệm tôm hùm đất. Sau quá trình nghiên cứu từ năm 2008-2010, kết quả cho thấy, tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai nguy hiểm, giá trị kinh tế không cao, tỷ lệ thịt so với khối lượng cơ thể thấp, cỡ thương phẩm nhỏ (30-50g).

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, tại Việt Nam trong 20 năm qua, vấn đề sinh vật ngoại lai cũng được các nhà sinh học và môi trường quan tâm, tìm hiểu. Đặc biệt từ khi bùng nổ nạn ốc bươu vàng gây hại cho nông nghiệp. Thật ra, từ khi thành lập các cơ quan kiểm dịch động, thực vật đã có danh sách những loài động, thực vật cần kiểm dịch, tức không cấp “visa” vào Việt Nam.

Bởi vì đó là những loài động, thực vật ngoại lai, nếu chúng theo hàng hóa xâm nhập vào Việt Nam sẽ phát dịch, khó ngăn chặn và gây tổn hại cho kinh tế.

Hiện nay, trên internet, nếu tra từ khóa “sinh vật ngoại lai ở Việt Nam”, sẽ có rất nhiều thông tin từ danh sách những loài nguy hại chính, vùng phát triển gây hại và đề xuất các biện pháp phòng ngừa…

Ví dụ, Hiếu Công (2017) ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã cung cấp danh sách năm loài sinh vật ngoại lai nguy hại ở Sóc Trăng là cá chim trắng, cá lau kính, rô phi thường, rô phi vằn và ốc bươu vàng…

Tuy có nhiều thông tin về sinh vật ngoại lai ở Việt Nam, nhưng cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu hệ thống và thống kê đầy đủ những loài sinh vật ngoại lai gây hại và không gây hại.Quốc Thái – Thanh Hoa Phụ Nữ Online

Tăng kháng mầm bệnh từ tôm bố mẹ không cắt bỏ cuống mắt

tôm thẻ bố mẹ
Tôm bố mẹ không cắt cuống mắt tăng tỷ lệ sống sót của tôm con bị nhiễm bệnh (trong điều kiện thí nghiệm).

Tăng tỷ lệ kháng bệnh tôm post và juveniles nhiễm bệnh VpAHPND và WSSV từ tôm bố mẹ không bị cắt bỏ cuống mắt.

Sinh sản nhân tạo của tôm thẻ ở hầu hết các trại giống trên toàn thế giới đều thông qua việc cắt bỏ cuống mắt một bên. Mặc dù này tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và tăng sản lượng trứng trong các trại sản xuất tôm giống công nghiệp, nhưng đây không phải là một việc mang phúc lợi tốt. Hơn nữa, từ lâu người ta đã công nhận rằng việc cắt bỏ cuống mắt cũng có thể gây mất cân bằng sinh lý và ảnh hưởng đến sức khỏe miễn dịch của tôm bố mẹ. Cắt bỏ cuống mắt cũng có thể làm giảm cơ hội sống sót của tôm con trong thời gian bùng phát dịch bệnh. 

Nghiên cứu này và nghiên cứu trước đó (Zacarias et al. 2019), xác nhận rằng việc cắt bỏ cuống mắt không chỉ có tác động đến tôm bố mẹ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tôm con. Trước những lo ngại này, người ta thấy rằng năng suất sinh sản ở tôm bố mẹ không bị ảnh hưởng khi không cắt bỏ cuống mắt, thông qua các biện pháp can thiệp bao gồm điều hòa trước khi thành thục, tăng mật độ nuôi và thay đổi tỷ lệ giới tính (Zacarias et al., 2019). Các thử nghiệm từ các phương pháp này đã chứng minh rằng có thể thu được sự thành thục và tái thành thục nhanh chóng của những con tôm thẻ cái không bị cắt bỏ cuống mắt trong khi vẫn duy trì sản lượng trứng tương tự như những con cái đã cắt bỏ cuống mắt. 

Sau một tuần thích nghi, việc cắt bỏ một trong những mắt của tôm được thực hiện trên những con cái trong một bể (AF), trong khi ở bể thứ hai những con cái vẫn còn nguyên vẹn không cắt cuống mắt (NAF). 

Một tuần sau khi cắt bỏ, những con cái đã thành thục từ mỗi nghiệm thức được thu và đưa vào bể chứa cá thể đực để giao phối. Tỷ lệ nở thành công của trứng ở hai nhóm tương ứng là 73% đối với AF và 65% đối với NAF. Vào cuối giai đoạn ấu trùng, tỷ lệ sống sót cuối cùng của tôm giống là 58,8 ± 5,0% đối với nhóm AF và 58,8 ± 5,6% đối với NAF.

Kiểm tra căng thẳng độ mặn được thực hiện để đánh giá mức độ mạnh mẽ của mỗi lô tôm giống. Trong nghiên cứu này, các PL từ các nghiệm thức NAF và AF cho thấy tỷ lệ sống tương tự sau khi thử nghiệm căng thẳng với độ mặn. PL ở nhóm NAF và AF có tỷ lệ sống sót lần lượt là 96,5 ± 1,84 và 99,75 ± 0,25%.

Khả năng sống sót của hậu ấu trùng tôm bị nhiễm mầm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính VpAHPND

Thử nghiêm được tiến hành với 4 nghiệm thức: AF + VpAHPND (2*108 CFU/ml); NAF + VpAHPND; AF – ĐC không bổ sung VpAHPND; NAF – ĐC không bổ sung VpAHPND.

Tỷ lệ sống của tôm đối chứng (tức là không bị nhiễm bệnh) từ NAF và AF 96 giờ sau thí nghiệm không có sự khác biệt đáng kể, tỷ lệ sống 100%. Tuy nhiên, trong thử nghiệm với VpAHPND, khả năng sống sót của PL từ tôm bố mẹ NAF (70,4%) cao hơn đáng kể so với PL (38,8%) từ bố mẹ AF ở 96 giờ. Điều này ủng hộ giả thuyết do Zacarias et al. (2019), việc cắt bỏ cuống mắt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tôm PL cụ thể là  tình trạng sinh lý của chúng.

Thử nghiệm với virus gây bệnh đốm trắng

Thử thách được thực hiện 4 nghiệm thức: AF + WSSV; NAF + WSSV; AF – ĐC không tiếp xúc với WSSV; NAF – ĐC không tiếp xúc với WSSV. 

Không có sự khác biệt đáng kể nào được quan sát thấy trong sự sống sót của tôm không nhiễm bệnh từ cả hai nhóm ở 168 giờ (98% đối với NAF và AF). Tuy nhiên, các nhóm bị nhiễm WSSV có tỷ lệ sống sót thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.

Không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa hai nhóm được nhiễm bệnh khi kết thúc thử nghiệm ở 168 giờ. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa hai nghiệm thức được quan sát thấy ở thời điểm 65 đến 75 giờ sau khi nhiễm bệnh, tỷ lệ sống sót của quần thể NAF cao hơn đáng kể so với AF. Tỷ lệ sống sót cao hơn của những PL từ NAF, mặc dù không có ý nghĩa thống kê nhưng cũng cho thấy có thể có một số bất lợi nhỏ của việc cắt bỏ cuống đối với khả năng của tôm con để chống lại virus gây bệnh đốm trắng WSSV nhưng thử nghiệm hiện tại không đủ để chứng minh điều này.

Cắt bỏ cuống mắt đã được báo cáo làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của tôm bố mẹ. Do đó có thể đưa ra giả thuyết, sự cải thiện về tỷ lệ sống ở PL và juveniles từ tôm bố mẹ không bị cắt bỏ cuống mắt đối với AHPND và WSSV được quan sát trong nghiên cứu này là bằng chứng về sự “mạnh mẽ” được nâng cao trong đàn. Các cơ chế dẫn đến sự cải thiện này có thể rất đa dạng và rất có thể liên quan đến việc tăng cường tình trạng miễn dịch của PL và juveniles từ tôm bố mẹ không cắt bỏ cuống mắt. 

Các kết quả được trình bày ở đây là trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nếu tiềm năng của tôm con từ bố mẹ NAF tỷ lệ sống sót tốt hơn khi bùng phát VpAHPND và WSSV được xác nhận trong quy mô thương mại, thì tác động kinh tế đối với nông dân chắc chắn sẽ rất đáng kể. Thật vậy, nếu người nuôi thả trong bể hay ao ương của họ tôm PL từ NAF, thì khả năng sống sót của đàn giống sẽ được cải thiện đáng kể so với tôm PL từ AF khi tiếp xúc với VpAHPND trong những ngày đầu thả giống. Tương tự, tỷ lệ sống sót cao hơn của tôm con từ bố mẹ NAF thả trong ao nuôi thương phẩm có thể được quan sát thấy trong những ngày đầu tiên tiếp xúc với WSSV. Do đó, tỷ lệ sống cao hơn được quan sát ở tôm giống và juveniles từ NAF có thể làm giảm mức độ hao hụt và mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Giá tôm sú oxy đang tăng “nóng” tại Bạc Liêu

tôm sú
Giá tôm sú nguyên liệu đang tăng nhanh.

Liên tục trong khoảng 2 tuần qua, giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu tăng đột biến, có loại tăng đến gần 100.000 đồng/kg, người nuôi tôm trong tỉnh rất phấn khởi, nhưng cũng có chút buồn vì tại thời điểm này người nuôi tôm không có sản phẩm để bán.

Theo người nuôi tôm trong tỉnh, hiện giá tôm nguyên liệu được thương lái mua dao động từ 80.000 – 370.000 đồng/kg, tùy theo loại. Cụ thể, tôm thẻ loại 20 con/kg có giá 200.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 25 con/kg giá trên 180.000 đồng, tôm thẻ loại 30 con/kg giá 164.000 đồng; tôm sú loại 20 con/kg giá từ 200.000-230.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg giá từ 160.000 – 190.000 đồng, tôm sú loại 40 con/kg giá từ 135.000 – 155.000 đồng,… tăng trung bình từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. 

Riêng tôm sú oxy (tôm sú sống bắt tại ao nuôi cho thở oxy) có giá tăng đột biến, đang đứng ở mức cao, dao động từ 180.000 – 370.000 đồng/kg. Cụ thể, tôm loại 20 con/kg có giá 370.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 280.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, tăng trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, so với 2 tuần trước.

Theo thương lái thu mua tôm cho biết, giá tôm tăng mạnh trong những ngày qua là do thị trường tiêu dùng tăng mạnh, nhất là thị trường trong nước, đặc biệt là đối với loại tôm sú oxy. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu cuối năm đang có chiều hướng bình ổn trở lại, nhất là các nước đang nhập hàng hóa phục vụ thị trường Giáng sinh, cuối năm, Tết… Mặt khác, nguồn tôm nguyên liệu trên địa bàn đang giảm mạnh, nguồn cung hạn chế, đã tác động đến việc giá tôm tăng trong những ngày qua.

Theo nhận định của thương lái, trước tình hình tôm nuôi không thuận lợi hiện nay, thiên tai, dịch bệnh, khả năng nguồn cung khó cung cấp đủ cầu thị trường tiêu dùng cuối năm, nên khả năng giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục đứng ở giá cao và ổn định trong thời gian tới.

Anh Trần Minh Sơn, hộ nuôi tôm ở huyện Đông Hải chia sẻ, tại Bạc Liêu từng có thời điểm tôm sú oxy sốt giá lên hơn 400.000 đồng/kg, khả năng năm nay cũng có thể giá tôm tăng tới đỉnh điểm này.

Bạc Liêu có diện tích nuôi khoảng 130.000 ha, hiện thả nuôi 85.000 ha; trong đó mô hình nuôi công nghiệp gần 4.000 ha. Tuy nhiên, trong năm qua người nuôi tôm tỉnh này gặp không ít khó khăn, nhất là giá tôm biến động bất thường, nhất là trong những tháng cao điểm dịch COVID-19, giá tôm giảm mạnh, người nuôi tôm thua lỗ nặng. 

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết bất lợi, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đã gây thiệt hại hơn 10.000 ha tôm nuôi trên địa bàn, dẫn đến nhiều hộ thiếu vốn đầu tư tái sản xuất.

Huỳnh Sử Báo Tin Tức

Bình Định: Ngư dân trúng mùa tôm hùm giống

Nếu vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất giá tôm hùm giống ở Bình Định chỉ có 220 ngàn đồng/con tôm sao thì hiện đã tăng đến 260 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, đang vào cuối mùa nên sản lượng đánh bắt giảm mạnh.

Từ sau các đợt bão đến nay, biển động liên tục, tôm hùm giống xuất hiện dày đặc tại các vùng biển ven bờ từ TP Quy Nhơn đến huyện Phù Cát. Ngư dân làm nghề mành trải tôm, mành rút trủ, thả chà khai thác tôm hùm giống tại các vùng biển ven bờ trúng đậm tôm hùm giống.

Trung bình mỗi đêm, mỗi thuyền khai thác từ vài chục đến vài trăm con tôm hùm sao, có thuyền khai thác được hơn 500 con đến gần 1.000 con tôm xanh; thu nhập từ 10 – 30 triệu đồng/chuyến biển. Hiện tôm hùm sao có giá 100 – 120 nghìn đồng/con, tôm hùm xanh có giá 30.000 – 40.000 đồng/con.

Thời điểm này, người nuôi tôm hùm cũng bắt đầu thả nuôi vụ mới nên nhu cầu con giống tăng; tôm giống khai thác được bán cho người nuôi tôm trong tỉnh và các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Ngọc Nhuận

Nguồn: Báo Bình Định

Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển thủy sản

Ngày 24/11 vừa qua, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị và Hội chợ Triển lãm Thủy sản trực tuyến với chủ đề FISH MART do Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức, ông Aditya Dash, đại diện CII khu vực phía Đông Ấn Độ cho biết “với lợi thế về điều kiện địa lý với đường bờ biển dài gần 8.000 km, Ấn Độ mong muốn học hỏi Việt Nam để phát triển ngành thủy sản, đồng thời mong muốn doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Ấn Độ”.

Đại diện cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chị Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại (VASEP.Pro) đã chia sẻ thông tin về tổng quan về ngành Thủy sản Việt Nam trong thời gian gần đây; thực trạng và triển vọng hợp tác Việt Nam – Ấn Độ trong lĩnh vực Thủy sản và triển vọng, mục tiêu của ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Theo bà Hằng, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến 160 thị trường trên toàn thế giới với doanh thu đạt khoảng 8-9 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tôm chiếm 40-45% tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD gần bằng kim ngạch xuất khẩu tôm của Ấn Độ; tiếp đến là mặt hàng cá tra, cá basa chiếm 22-25% đạt 1,8 đến 2,2 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid -19 nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đạt khoảng 6 tỷ USD”.

Ấn Độ là nhà cung cấp nguyên liệu thủy sản lớn cho Việt Nam, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu 188 triệu USD hàng thủy sản từ Ấn Độ, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức gian hàng và buổi giao thương trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam vào ngày 27/11 tới.

Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, trao đổi cơ hội kinh doanh, tìm hiểu thị trường, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng và chế biến thủy sản với đối tác Ấn Độ. Đối tượng tham dự Hội nghị và Hội chợ dự kiến bao gồm: Các quan chức Chính phủ Trung ương & Tiểu bang; Khách hàng quốc tế; Doanh nhân nghề cá cảnh và các nhà cung cấp thiết bị cho chuỗi cung ứng thủy sản; Logistics & Chuỗi lạnh; Các nhà sản xuất thức ăn cho cá; Nhà sản xuất thủy sản; Quản lý trại cá, người bán buôn và bán lẻ; Các nhà sản xuất, cung cấp và nhập khẩu thiết bị nghề cá; Đại diện ngành, nhà cung cấp công nghệ; Chuyên gia nuôi trồng thủy sản …

Doanh nghiệp quan tâm tham dự Hội chợ triển lãm hoặc hội nghị giao thương đề nghị liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, địa chỉ B5/123 Safdarjung Enclave, New Delhi, Email in@moit.gov.vn.

Chương trình Hội chợ sẽ kéo dài đến hết ngày 30/11/2020.

Bùi Trung Thướng – Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ – http://nguoinuoitom.vn/

Mô hình chuỗi sản xuất cho ngành tôm của Đức

Ảnh minh họa (Bấm vào hinh)

Ở Đức, ngành tôm trong tương lai sẽ trở thành một ngành kinh doanh trong công nghiệp nuôi trồng thủy sản như cá hồi hiện nay.

Từ lâu chúng ta đã biết, ngành nuôi trồng thủy sản ở Châu Âu đang phát triển vượt về chất lượng và công nghệ nuôi. Họ áp dụng những sáng tạo công nghệ tiên tiến trong các giai đoạn nuôi và hình thức nuôi theo hướng phát triển bền vững và sạch đặc biệt là nghề nuôi cá hồi. Chính vì thế có thể nói nuôi cá hồi đã trở thành một ngành đặc trưng và nổi tiếng nhất thế giới.

Hiện nay bên cạnh cá hồi, Châu Âu bắt đầu được biết đến bởi các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đảm bảo về truy xuất nguồn gốc, tính bền vững và hoàn toàn sạch. Đây chính là một tín hiệu đáng mừng dành cho một trong những người tiên phong mang ngành tôm dần phổ biến và phát triển tại Châu Âu nói chung và ở Đức nói riêng.

Crusta Nova chính là công ty tiên phong trong lĩnh vực này, được thành lập vào năm 2012 bởi Tiến sĩ Fabian Riedel – một luật sư, người quyết định treo tấm bằng của mình lên để làm điều gì đó khác biệt.

Một cộng tác cũ của Riedel từng nuôi tôm hùm đất theo mô hình RAS, điều này đã gợi ông suy nghĩ về tiềm năng trong việc mở rộng ngành nuôi trồng thủy sản và con tôm chính là ứng cử viên tuyệt vời.

Hơn thế nữa, chất lượng tôm từ các nước xuất khẩu khá hỗn hợp chưa kể các vấn đề về xã hội, môi trường và kháng sinh liên quan trong nuôi tôm thông thường ở quốc gia họ.

Nhận biết thực tế như thế, ông cảm thấy đây là thời gian chín mùi và đã dành 1 năm rưỡi để lên kế hoạch. Bước đầu kế hoạch, ông đầu tư một số thiết lập ban đầu và quảng cáo bằng một chiến lược kinh doanh chuyên nghiệp và có tầm nhìn xa. Kết quả là ông nhận được sự hậu thuẫn từ Ponnatch Die Meistermetzger- một công ty chế biến thịt có từ lâu đời ở Đức và là một trong những công ty chế biến lớn nhất nước. Khi nguồn tài chính tăng lên, Tiến sĩ Riedel bắt đầu xây dựng trang trại nuôi tôm lớn nhất Châu Âu với công nghệ hiện đại do Đức chế tạo và do các chuyên gia ở Đức lắp ráp.

Tiến sĩ Riedel đã chọn đặt trang trại gần với khách hàng, 10km tính từ sân bay Munich (Munich là thành phố lớn thứ 3 ở Đức), đây là địa điểm thích hợp cho việc bán hàng nội địa và cả xuất khẩu. “Dần dần ngành tôm sẽ trở thành một ngành kinh doanh trong công nghiệp nuôi trồng thủy sản như cá hồi ở Châu Âu.

Kế hoạch kinh doanh của tiến sĩ Riedel không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn cả thương hiệu và bán hàng nhằm trang trải chi phí cao từ sản xuất một loài nhiệt đới ở vùng ôn đới.

Crusta Nova bán tôm theo hình thức B2B (cho doanh nghiệp) và B2C (bán lẻ) ở Đức và Áo. Một khách hàng cá nhân có thể mua chúng trên các trang thương mại điện tử. Hiện sản phẩm tôm của ông nằm trong top ba các sản phẩm thủy sản có chất lượng cao được cung cấp ở Đức.

“Giá trị của con tôm của ông chính là việc nó được nuôi ở Đức, trong mô hình bền vững và 100% không có chất phụ gia”.

Việc kinh doanh nuôi tôm cũng đã truyền cảm hứng cho Tiến sĩ Riedel kinh doanh thêm nhiều loại sản phẩm thủy sản cao cấp khác có nguồn gốc độc quyền và được kiểm soát, phân phối thông qua nền tảng B2B hay B2C của công ty tại Đức và Áo. Các nhà cung cấp trên thế giới của ông đang cung cấp các sản phẩm tốt nhất cho từng loại sản phẩm nuôi trồng bao gồm vua cá hồi ở New Zealand, cá tuyết đen từ British Columbia và trứng cá muối từ các trang trại cá tầm lâu đời nhất ở Trung Quốc. Năm 2020, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và đây chính là con đường kinh doanh của tương lai.

Có thể thấy là ngành tôm đa dạng hơn và cũng ít đổi mới hơn so với ngành công nghiệp cá hồi, vì thế đây là một cơ hội lớn cho công ty Crusta Nova. Dù ngành kinh doanh tôm đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng tại thời điểm hiện tại các dự án nuôi cá hồi trên đất liền đang nhận được sự đầu tư rất lớn từ các dự án khác nhau ở Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ. Thực tế vẫn chưa có công ty lớn nào sản xuất tôm trong RAS. Do đó để đưa ngành tôm ngành công nghiệp trọng điểm như cá hồi, cần có sự quan tâm và chú trọng hơn nữa.

Rõ ràng có thể thấy sự thành công của công ty đã được ghi nhận rất lớn thông qua việc các mô hình nuôi tôm trên đất liền đang mọc lên ngày càng nhiều ở Châu Âu trong những năm gần đây. Một tín hiệu tích cực mở ra một thời đại nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững và sạch.

Theo: Triệu
Nguồn: Tepbac.com

Indonesia tạm dừng xuất khẩu tôm hùm giống sau khi Bộ trưởng bị bắt

Ảnh minh họa (Bấm vào hình)

Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã ban hành lệnh tạm dừng xuất khẩu tôm hùm giống sau khi Bộ trưởng Edhy Prabowo bị bắt do nghi tham nhũng liên quan đến xuất khẩu mặt hàng thủy sản này.

Theo Thông tư B22891 ngày 26/11/2020 của Tổng cục Đánh bắt Thủy sản Indonesia, lệnh ngừng xuất khẩu tôm hùm giống được thực hiện với thời hạn không xác định để cải thiện việc quản lý tôm hùm giống.

Thông tư này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Edhy Prabowo bị bắt do nghi tham nhũng liên quan đến xuất khẩu mặt hàng thủy sản này. Hiện nay, Ủy ban chống tham nhũng Indonesia đang tiến hành điều tra vụ việc.

Tháng 10/2019, sau khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Biển và Nghề cá, ông Edhy đã ban hành các chính sách mới trái với người tiền nhiệm là cựu Bộ trưởng Susi Pudjiastuty.

Từ năm 2015, dưới thời Bộ trưởng Susi, việc xuất khẩu tôm hùm giống bị cấm để nâng cao giá trị gia tăng của tôm hùm Indonesia trước khi được bán ra nước ngoài và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng tôm hùm tại vùng biển Indonesia. Tuy nhiên chính sách này đã bị Bộ trưởng Edhy thu hồi bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tôm hùm.

Bộ trưởng Edhy Prabowo đã lên tiếng xin lỗi Tổng thống, gia đình và sẽ xin từ chức Bộ trưởng cũng như chức Phó Chủ tịch Đảng Gerinda, đồng thời sẽ chịu trách nhiệm giải trình sự việc. Tổng thống Joko Widodo đã bổ nhiệm Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan làm Quyền Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia thay thế ông Edhy Prabowo

Theo: Hương Trà VOV-Jakarta
Nguồn: tepbac.com