Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Nan giải bài toán xả thải từ nuôi tôm

Nuôi tôm thâm canh
Mô hình nuôi siêu thâm canh phát triển nhưng người nuôi chưa đảm bảo khâu xử lý nước thải.

Thời gian qua, hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tạo bước đột phá khá mạnh, góp phần tăng năng suất, sản lượng tôm cho toàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, mô hình này đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người dân và các cơ quan hữu quan khi người nuôi xả thải ra môi trường.

Hiện nay, toàn xã Hàng Vịnh có 37 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích 38,48 ha, trong đó đang thả nuôi gần 5 ha, đạt khoảng 35%. Tuy nhiên, việc nuôi theo hình thức này chưa đảm bảo an toàn về điện, đặc biệt là việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Bí thư Chi bộ Ấp 4, xã Hàng Vịnh Nguyễn Thành Nhân cho rằng, điện, môi trường là 2 tiêu chí quan trọng trong nuôi tôm siêu thâm canh. Bởi điện liên quan đến an toàn tính mạng con người, còn môi trường thì ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân xung quanh và tình hình sản xuất, sinh hoạt nói chung của bà con trong vùng. Ông Nhân bức xúc: “Người nuôi xả thải xuống sông vào ban đêm, khoảng 1-2 giờ khuya, chứ không ai làm ban ngày. Giờ đó nếu liên hệ lực lượng làm nhiệm vụ đến kiểm tra thì không có ai trực sẵn. Từ đó không xử lý được. Theo tôi, nhìn thấy nước xả ra có mùi thối, màu đen thì phạt được rồi, đâu cần phải định lượng gì”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Nguyễn Đức Trung nhìn nhận, thực trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh xả thải ra môi trường diễn ra trong thời gian dài và nhiều bà con đã kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn. Mặc dù tình hình này có giảm hơn so với trước nhưng vẫn còn người cố tình vi phạm, trong khi ngành chức năng chưa có giải pháp giải quyết căn cơ. “Tôi đã làm việc với xã, phân cấp công việc rõ ràng. Ở xã cũng thành lập các tổ, đội. Quá trình kiểm tra, phát hiện những hộ nuôi sai quy định buộc cam kết, lần 1, lần 2, nếu tiếp tục thì xử lý hành chính”, ông Trung cho biết.

“Theo quy định về phân cấp của UBND tỉnh Cà Mau, xã cấp giấy công nhận đủ điều kiện, Phòng NN&PTNT sẽ tổ chức hậu kiểm tra. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, đa số làm không đúng quy hoạch. Thực trạng này huyện đã có báo cáo về các sở, ngành liên quan”, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Tô Hoài Phương cho biết.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, hiện nay toàn huyện có 285 hộ đang nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích gần 265 ha, trong đó có 66 hộ nuôi ngoài quy hoạch; Trên 280 hộ ngưng nuôi, nghỉ nuôi với diện tích trên 200 ha, trong số này có khoảng 120 hộ nuôi ngoài quy hoạch.

Từ đầu năm đến nay có 7 trường hợp bị xử phạt hành chính do không đảm bảo điều kiện ao xử lý nước thải và xả thải không qua xử lý, trong khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh ảnh hưởng đến gần 3.200 ha đất tôm nuôi quảng canh truyền thống, 567 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và gần 34 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Ngoài tác động từ các yếu tố như thời tiết thất thường, con giống, quy trình nuôi chưa được kiểm soát tốt…, việc xả thải không qua xử lý ra môi trường được xem là nguyên nhân dễ dẫn đến dịch bệnh trên tôm.

Văn Tưởng Báo Cà Mau

Những tỷ phú nuôi tôm công nghệ vùng nước lợ

nuôi tôm lót bạt
Mô hình tôm lót bạt đáy ao và che lưới bên trên của ông Đại ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.

Nhiều người vùng ven sông Đồng Nai, khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi tôm công nghệ lót bạt đáy ao.

Anh Nguyễn Huy Bình, ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, là một trong những người nuôi tôm giỏi nhất xã. Mặc dù chỉ mới áp dụng nuôi tôm lót bạt đáy ao từ 3 năm nay, nhưng 3 ao tôm với diện tích 5.000m2, đã mang về cho gia đình anh mỗi năm vài tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Từng là một cán bộ ngành nông nghiệp xã, năm 2014, anh quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Ban đầu anh đào ao nuôi tôm theo cách truyền thống là nuôi trong ao đất. Kinh nghiệm không có, và gần như chẳng áp dụng khoa học kỹ thuật gì, anh chỉ học lỏm những người đi trước rồi về làm theo. Hậu quả là thất bại liên tiếp mấy vụ. Đến năm 2017, sau khi tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và tham quan những mô hình nuôi tôm thành công, anh mới chuyển sang nuôi tôm lót bạt đáy ao. Cũng từ đây, anh thành công liên tiếp cho đến nay.

“Lót bạt đáy ao có thể nuôi 1 năm 4 vụ, còn nuôi ao đất thì có khi chỉ được 2 vụ/năm. Chưa kể, nuôi ao đất tiềm ẩn rủi ro rất lớn, năng suất kém. Tôi có 3 ao, tổng diện tích 5.000m2, từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch 3 vụ, được hơn 60 tấn tôm rồi. Vụ cuối năm tôi chuẩn bị thu hoạch trong vài ngày nữa, tôm hiện đạt kích cỡ 35 con/kg, ước đạt khoảng 25 – 26 tấn. Như vậy, năm nay 3 ao của tôi đạt năng suất khoảng 90 tấn tôm”, anh Bình cho biết.

Theo anh Bình, giá tôm từ đầu năm đến nay không ổn định, nhưng thay đổi theo hướng có lợi cho người nuôi. “thời điểm đầu năm, giá tôm loại 35-36 con 1kg có giá 145-150 ngàn đồng/kg, còn thời điểm hiện tại, giá đang là 180 ngàn đồng/kg. Bình quân vốn đầu tư cho 1 ký tôm khoảng 100 ngàn đồng. Như vậy, nếu giá 150 ngàn đồng/kg thì lãi 50 ngàn, giá 180 ngàn thì lãi 80 ngàn”, anh nói tiếp.

Để có thành công này, ngoài việc lót bạt đáy ao, anh Bình còn liên kết với các doanh nghiệp để được hỗ trợ về con giống đảm bảo chất lượng và tư vấn kỹ thuật. Theo anh Bình, để nuôi tôm thành công, ngoài việc phải lấy con giống đảm bảo, có nguồn gốc, còn phải áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng bệnh cho tôm bằng cách theo dõi chất lượng nước, vi sinh, độ pH, oxy, kiểm tra kháng thể cho tôm…

Ao tôm nuôi theo công nghệ lót bạt đáy ao của anh Nguyễn Huy Bình

Một trường hợp khác, là ông Nguyễn Trường Đại, ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, có 3.500m2 mặt nước, cũng thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Ông Đại cho biết, trước đây ông nuôi tôm ao đất truyền thống, hiệu quả thấp mà rủi ro cao. Năm 2015, sau khi đi tham quan một loạt mô hình nuôi tôm công nghệ ở các tỉnh miền Tây, ông trở về đầu tư mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Khi áp dụng mô hình nuôi công nghệ lót bạt, ông chỉ sử dụng 2/3 diện tích làm ao nuôi, còn lại làm ao giống. Ngoài lót đáy, ông cỏn làm lưới che phía trên không gian ao nuôi. Việc sử dụng lưới che đã làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời, hồ nuôi luôn được đảm bảo nhiệt độ ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.

“Mô hình này có ưu điểm lớn là chủ động kiểm soát môi trường nước nên hạn chế rủi ro dịch bệnh cho tôm. Sử dụng men vi sinh phòng bệnh cho tôm thay vì thuốc kháng sinh. Nhờ vậy, nên con tôm nhanh lớn, khoẻ mạnh, đặc biệt là không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo sạch. Tôm thành phẩm của tôi thường đạt chất lượng loại 1, trọng lượng bình quân từ 30-35 con/kg, nên giá bán cao gấp rưỡi, gấp đôi so với các loại tôm nhỏ hơn và nuôi thông thường khác”, ông Đại nói.


Tôm nuôi theo công nghệ hạn chế dịch bệnh, phát triển nhanh, chất lượng đảm bảo nên giá cao hơn tôm nuôi truyền thống.

Theo ông Đại, công nghệ nuôi lót bạt có thể đạt 4 – 5 vụ/năm, chi phí đầu tư ban đầu không phải quá sức với nhiều người, khoảng 200 triệu đồng cho 1.000m2 mặt nước. Ao lót bạt đáy có thể thả mật độ đến 200 con tôm giống/m2, gấp 4 lần so ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng gấp nhiều lần so cách nuôi truyền thống.

Ngoài ra, công nghệ lót bạt đáy ao tiết kiệm diện tích đất hơn hẳn cách nuôi truyền thống. Trước đây, toàn bộ diện tích trên đều được ông đào ao và thả tôm nuôi cho đến khi thu hoạch. Nhưng với công nghệ mới, ông chỉ cần đầu tư lót bạt cho 2 ao nuôi; diện tích đất còn lại ông sử dụng làm ao ương để thả tôm giống, đến 1 tháng tuổi mới chuyển qua ao nuôi.

HỒNG THỦY – NGUYỄN THỦY Nông nghiệp Việt Nam

Nuôi tôm trái phép trong vùng trồng lúa, nông dân xung đột lợi ích

Vuông tôm
Một vuông tôm công nghệ cao trong mênh mông đồng lúa.

Hàng loạt ao tôm mọc lên trong khu vực được quy hoạch trồng lúa khiến nông dân xung đột quyền lợi kéo dài nhiều năm nay không dứt.

Ông Nguyễn Tuấn Nhã – Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, Long An) cho biết, đang giải quyết một vụ nông dân trồng lúa khiếu kiện nông dân nuôi tôm trên địa bàn.

Trong ruộng lúa có ao tôm

“Một nông dân trồng khoảng 1ha lúa đã khiếu kiện ao tôm cạnh bên để nước mặn rỉ vào ruộng lúa. Nuôi tôm lâu ngày nước mặn sẽ tích tụ dưới đáy ao. Chủ vuông tôm hứa vào mùa khô sẽ cho nạo vét phần đất đáy ao nhằm xả mặn”, ông Nhã thông tin.


Ông Ba Lập kiểm tra tôm nuôi

Tại xã Long Hựu Đông, việc nông dân trồng lúa khiếu kiện nông dân nuôi tôm diễn ra nhiều năm nay. Bởi, cặp theo con đê ngăn mặn trên địa bàn xã, phần phía trong quy hoạch trồng lúa, ao tôm mọc nối nhau.

Tại ấp Kênh Đào có khoảng 15ha đang nuôi tôm xen kẽ giữa những cánh đồng lúa.

Ông Ba Lập (Nguyễn Thành Lập), một nông dân đang nuôi 3.000m2 ao tôm cho biết, mỗi lần ông lấy nước mặn từ sông Vàm Cỏ vào ao là nông dân trồng lúa cạnh bên la toáng lên. “Họ cự với mình suốt”, ông thổ lộ.

Vừa rồi, do bất cẩn khi đưa nước mặn vào ao tôm, ông đã để nước mặn rỉ vào ruộng lúa cạnh bên khiến phải bồi thường cả ruộng lúa.

“Trước tôi cũng trồng lúa, nhưng vì đất ở đây là đất phèn, mặn nên năng suất lúa rất thấp, cao lắm là 5 tấn/ha, nên tôi chuyển sang nuôi tôm”, ông bộc bạch.

Cạnh bên, tại xã Phước Đông, tình hình đào ao nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa cũng khá rôm rả. Hiện, xã này có hơn 15ha ao tôm giữa vùng quy hoạch trồng lúa.


Một ruộng lúa bỏ hoang cạnh một vuông tôm đang nuôi

Tại ấp 6, giữa đồng ruộng lúa xanh um, giờ mọc lên khoảng chục ao tôm của 3 hộ nông dân. Ông Mỹ, một trong 3 hộ nông dân này cho biết, 2 năm trước ông cho đào 2 ao với tổng diện tích 4.000m2 để nuôi tôm công nghệ cao. “Qua năm, tôi sẽ cho hạ điện cao thế để thuận tiện cho việc nuôi tôm”, ông Mỹ cho biết.

Theo ông Mỹ, tại xã đã có một số hộ nuôi tôm phải đền bù thiệt hại cho người trồng lúa khi để nước mặn rỉ vào ruộng lúa. “Có hộ nuôi tôm phải đền bù thiệt hại lúa đến 5 năm”, ông Mỹ thông tin.

Tự xử…

Theo ông Mười Đặng (Nguyễn Đặng), một nông dân có 3 ao tôm với diện tích 8.000m2, việc không để nước mặn từ ao tôm cạnh ruộng lúa là bất khả thi, nhất là vào những tháng mùa khô.

“Vào tháng nắng, bờ bao, mặt ao đều nứt nẻ, khi lấy nước mặn vào ao để nuôi tôm, không cách gì để ngăn nước mặn không rỉ vào ruộng lúa người khác”, ông Mười Đặng chia sẻ.


Vuông tôm san sát trong khu trồng lúa tại các xã vùng hạ Long An.

Nhằm giải bài toán này, tránh bị thưa kiện phải “treo ao”, ông Mười Đặng thuê luôn những ruộng lúa xung quanh ao tôm mình. “Mỗi năm tôi tốn bộn tiền thuê đất, nhưng như vậy an tâm nuôi tôm hơn. Không sợ ai thưa kiện”, ông Mười Đặng nói.

Theo nhiều nông dân trồng lúa tại đây, chưa chủ vuông tôm nào bị chính quyền phạt vì nuôi tôm sai phép. Chủ vuông tôm chỉ sợ phải bồi thường cho chủ ruộng lúa. “Lúc đầu nông dân trồng lúa cự lắm, chủ vuông tôm đã chơi chiêu… thuê luôn đất ruộng kề bên. Một năm vài ba triệu đồng tùy diện tích lớn nhỏ. Nhiều ruộng lúa giờ bỏ hoang cũng vì thế. Tuy nhiên, cũng có chủ vuông tôm cứ phải bồi thường mãi đành “treo” ao luôn”, một chủ ruộng lúa cho biết.

Ngoài việc đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm thì một số hộ đào ao giữa ruộng lúa qua quá trình xử lý các hóa chất, gây xì phèn ảnh hưởng đến ruộng lúa xung quanh, dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa các nông dân.

Theo ông Nhã, chính quyền xã đã vận động nông dân, không cho nuôi tôm trong đất lúa. Yêu cầu chủ vuông tôm cam kết, thống nhất nếu khi nuôi tôm gây ảnh hưởng sẽ bồi thường thiệt hại cho hộ trồng lúa. “Các hộ nuôi tôm đã cam kết rồi”, ông Nhã khẳng định.

Không chỉ ở xã Long Hựu Đông, Phước Đông, mà các xã Tân Ân, Phước Tuy,…  vùng hạ tỉnh Long An có tình trạng đào ao nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa, cũng dùng biện pháp “hai bên tự thương lượng” nếu xảy ra tình huống ruộng lúa bị thiệt hại vì nhiễm mặn từ nước ao tôm.

Trần Đáng Dân Việt

Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm sang Việt Nam

Tôm hùm alaska
Tôm hùm là một trong những sản phẩm hải sản Mỹ được xuất khẩu chính sang Việt Nam

Ngành tôm hùm Mỹ đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu để bù đắp cho những thiệt hại của thị trường Trung Quốc và Việt Nam được xem là một trong những thị trường triển vọng của ngành hàng này.

Thông tin từ Hiệp hội thủy sản Việt Nam cho biết xuất khẩu tôm hùm Mỹ sang Trung Quốc giảm mạnh trong năm nay do thuế quan mới áp đặt, khiến hoạt động kinh doanh loài này chuyển hướng sang các thị trường khác.

Tính đến hết tháng 6/2019, Mỹ xuất khẩu chưa đến 2,2 triệu pound, tương đương 1 triệu kg tôm hùm sang Trung Quốc.

Trong khi đó, quốc gia này đã xuất khẩu gần 12 triệu pound trong cùng kì năm 2018. Như vậy, xuất khẩu tôm hùm Mỹ sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm hơn 80% so cùng kì.

Ngược lại, tại Canada, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tính đến hết tháng 6/2019 đạt gần 33 triệu pound, gần bằng khối lượng xuất khẩu trong năm 2018. Giá trị xuất khẩu tôm hùm của Canada đạt gần 200 triệu USD tính đến hết tháng 6/2019 và gần như sẽ vượt xa tổng giá trị xuất khẩu 223 triệu USD trong năm 2018.

Tính đến hết tháng 6/2019, xuất khẩu của Mỹ ước tính dưới 19 triệu USD, giảm hơn 70 triệu USD so với cùng kì năm 2018.

Thực tế ngành tôm hùm Mỹ đang tìm cách mở rộng thị trường nội địa và thị trường quốc tế để bù đắp cho những thiệt hại của thị trường Trung Quốc.

Do đó, không chỉ tăng trưởng tại Canada, ngành tôm hùm Mỹ còn nhắm tới thị trường Việt Nam khi cho rằng nhu cầu của người Việt về hải sản cũng như tiềm năng ở thị trường Việt Nam đối với mặt hàng tôm hùm là rất lớn.

Theo số liệu của Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại TP HCM, tôm hùm là một trong những sản phẩm hải sản Mỹ được xuất khẩu chính sang Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu là 25 triệu USD trong năm 2018.

Để hải sản Mỹ và đặc biệt là tôm hùm Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng Việt Nam, Hiệp Hội Seafood Export USA – Northeast đã triển khai chiến lược “Thưởng thức tôm hùm Mỹ” và một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất tại Việt Nam là Redsun đã được lựa chọn trở thành đối tác độc quyền để giới thiệu sản phẩm này.

Theo đó, ngày 29/11, tại TP HCM, Tập đoàn ẩm thực Redsun ITI cùng Hiệp hội Xuất khẩu Hải sản Vùng Đông Bắc nước Mỹ, chính thức đưa tôm hùm Mỹ đến với người tiêu dùng Việt thông qua các hệ thống nhà hàng KING BBQ, TASAKI BBQ, MEIWEI.

Tôm hùm được giới thiệu tại các nhà hàng Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Bà Marie Damour, Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại TP HCM cho biết Tập đoàn Redsun tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn thực phẩm và nông sản Mỹ. Chỉ tính riêng năm nay, Redsun đã nhập khẩu thịt bò và thịt gia cầm từ Mỹ với trị giá gần 6,5 triệu USD.

Việc thu mua các sản phẩm của Mỹ của Redsun không chỉ mang đến các loại thức phẩm chất lượng cho khách hàng mà còn giúp nông dân và chủ trang trại Mỹ và cụ thể với mặt hàng tôm hùm là giúp cho ngành đánh bắt và nuôi tôm hùm của Mỹ.

“Chúng tôi có thể chia sẻ loại hải sản tươi ngon này với người tiêu dùng trên khắp thế giới  bởi nguồn cung dồi dào và bền vững. Trên thực tế, luật pháp bảo vệ các nguồn tôm hùm như yêu cầu tôm hùm phải đạt đến một kích thước tối thiểu mới được khai thác và nghiêm  cấm bắt tôm hùm cái đang mang trứng.

Đây là một số trong những điều luật đầu tiên được thực thi ở bất kì đâu trên thế giới nhằm bảo vệ các nguồn thuỷ sản”, Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại TP HCM cho hay.

Hiện lượng tôm hùm Mỹ xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, còn Việt Nam chỉ nhập một lượng khá nhỏ trong các thị trường nói trên.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ có xung đột thương mại với Trung Quốc, cùng với việc các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, lượng tôm hùm, hải sản của Mỹ về Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng nhanh chóng.

Như Huỳnh Kinh tế tiêu dùng

Cố vấn nuôi tôm Mỹ: Đừng đợi đến đợt đại dịch tiếp theo mới tăng giá

TômVang.io dịch từ nguồn: https://www.undercurrentnews.com –

BANGKOK, Thái Lan – Chuyên gia tư vấn nuôi trồng thủy sản Darryl Jory, đại diện cho ngành tôm Hoa Kỳ, nói với người nghe tại hội nghị về tôm vào ngày 13 tháng 11 rằng có cơ hội đáng kể để tăng trưởng thị trường ở Mỹ, miễn là các nhà sản xuất và nhập khẩu sẵn sàng chuyển từ cửa hàng truyền thống và nắm lấy kế hoạch tiếp thị mới.

“Nếu chúng ta chờ đợi đại dịch tiếp theo, hoặc đang mong muốn và hy vọng cho căn bệnh lớn tiếp theo, đó sẽ không phải là một chiến lược tốt để cải thiện giá cả”, Jory nói. “Chúng ta cần truyền tải đúng thông điệp: tôm của chúng ta lành mạnh, nó là một loại thực phẩm bổ dưỡng, được nuôi một cách có trách nhiệm và thông điệp của chúng tôi với ngành là: Đừng thay đổi sản phẩm. Thay vào đó hãy tạo ra sản phẩm tốt hơn.”

Jory cho biết theo truyền thống tôm ở Mỹ được bán cho các cửa hàng dịch vụ thực phẩm – 65% tổng lượng tiêu thụ tôm của Mỹ diễn ra trong dịch vụ thực phẩm, với tổng doanh số bán tôm tại dịch vụ thực phẩm tăng lên 695 triệu lbs (tương đương 315 tấn) so với năm ngoái. Trong số này, doanh số bán tôm trong số 13 nhà phân phối hàng đầu đã tăng thêm khoảng 10 triệu lbs (tương đương 4,000  tấn) đến 255 triệu lbs (tương đương 102,000 tấn) trong năm 2018.

Hầu hết sự tăng trưởng này đang diễn ra tại các chuỗi nhỏ hơn chỉ với 1-20 cửa hàng, Jory cho biết, chịu trách nhiệm cho 67% tăng trưởng doanh thu tôm trong dịch vụ thực phẩm năm ngoái. Ngược lại, các chuỗi lớn hơn với hơn 250 địa điểm chứng kiến ​​doanh số tôm giảm 2,7% trong năm 2018.

Về các lĩnh vực tăng trưởng, tôm size lớn hơn và tôm lột vỏ đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể, ông Jory lưu ý. Hơn một phần ba số tôm bán trong dịch vụ thực phẩm diễn ra ở các bang phía nam Đại Tây Dương, nhưng trên khắp bản đồ, mức tiêu thụ đang tăng lên đều đặn trong tất cả chúng.

“Về mức độ phổ biến, tôm thẻ là loài hàng đầu tuyệt đối, nó thống trị trên toàn quốc [87%], và tôm sú cũng rất có ý nghĩa ở hầu hết các khu vực. Tôm bóc vỏ và lột chỉ chiếm 72% dịch vụ ăn uống.”

Tuy nhiên, vẫn có tiềm năng đáng kể trong việc bán tôm trực tiếp cho các hộ gia đình, nơi mà doanh số bán lẻ tôm đã tăng 9% về giá trị và 37% về khối lượng kể từ năm 2014. Điều này có nghĩa là hiện nay, gần một nửa số hộ gia đình Mỹ mua tôm từ các nhà bán lẻ trong nguyên năm là tổng cộng 375 triệu lbs (170,000 tấn) cho năm 2018, tăng tổng số 350 triệu lbs (158,000 tấn) cho năm 2017.

“Hầu hết tôm ở Mỹ được tiêu thụ trong dịch , và có một tiềm năng tăng trưởng đáng kể ở đó, để tiêu thụ tôm ở nhà nhiều hơn”, Jory nói với người nghe. “Tôi cũng tự hỏi tại sao chúng tôi không cố gắng thâm nhập vào chuỗi thức ăn nhanh ở Mỹ, bạn thấy ví dụ như hamburger tôm ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và tôi tự hỏi liệu đây có phải là một sự thay thế tiềm năng cho Hoa Kỳ không.”

Hội nghị Lãnh đạo Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu năm ngoái tại Ecuador đã chứng kiến ​​sự hình thành của ‘Hội đồng Tiếp thị Tôm’, một kế hoạch nhằm tạo ra một chiến lược tiếp thị thống nhất nhằm thúc đẩy tiêu thụ tôm ở Mỹ.

Dựa trên một mô hình được áp dụng thành công bởi ngành công nghiệp bơ Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu và sản xuất phải trả một số tiền nhỏ vào một quỹ lớn hơn cho mỗi pound hoặc kg tôm được bán; quỹ này sau đó hướng tới các chiến dịch quảng bá tôm tập trung hơn, tốt hơn.

“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh số bán bơ ở Mỹ đã tăng gần gấp ba, vì vậy, nó đã được chứng minh là một chiến lược rất thành công,” Jory nói.

Ấn Độ, Ecuador, Mexico lấp đầy khoảng trống nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2019

Sử dụng dữ liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Jory cho thấy những người tham dự tại hội nghị Infofish về cách dòng chảy thương mại toàn cầu đã thay đổi trong sáu năm qua, với việc nhập khẩu tôm của Ấn Độ và Indonesia tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu do nguồn cung Thái Lan thu hẹp.

“Vì vậy, nếu chúng ta nhìn vào dòng chảy thương mại từ năm 2012 đến 2018, chúng ta sẽ thấy một số thay đổi lớn và tôi tự hỏi mình câu hỏi, điều này sẽ như thế nào trong năm, 10, 15, 20 năm tới? bởi vì ngành công nghiệp của chúng tôi thay đổi rất nhanh và bất ngờ “, Jory nói. “Dựa trên nhập khẩu tôm của Mỹ, có một bức tranh rõ ràng nơi Ấn Độ đang thay thế Thái Lan và thúc đẩy tăng trưởng, trong khi Trung Quốc là động lực thúc đẩy nhu cầu chính nổi lên như là nhà nhập khẩu tôm lớn nhất toàn cầu.”

Trong năm năm qua, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự gia tăng khối lượng nhập khẩu tôm là 39%, chủ yếu do Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Cho đến nay, Ấn Độ một lần nữa là nguồn tăng trưởng chính; vào cuối tháng 9, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 437 triệu lbs tôm Ấn Độ, tăng 13% so với tổng kiểm tra chín tháng của năm ngoái. Nhập khẩu tôm của Ecuador và Việt Nam cũng tăng lần lượt là 8.2% và 9.0% lên 139m lbs và 92m lbs, Jory cho biết.

Tuy nhiên, hai sự thay đổi đáng kể nhất có thể được nhìn thấy ở Mexico và Trung Quốc. Nhập khẩu tôm Mexico đã thực sự bùng nổ vào năm 2019, tăng 43,5% từ 10,000 tấn lên 15,000 tấn trong chín tháng đầu năm. Điều này đã ít nhất lấp đầy một phần thâm hụt được tạo ra bởi sự sụt giảm nhập khẩu tôm Trung Quốc – giảm 56,4% từ 36,000 tấn xuống 15,700 tấn trong các số liệu hiện nay. Tất nhiên, đây là kết quả trực tiếp của sự gián đoạn thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, được ghi chép lại ở những nguồn khác 

“Từ đầu năm đến nay, chúng ta đang chứng kiến khoảng 1% nhập khẩu tăng trong tháng 9 và biểu đồ này [bên dưới] cho thấy sự gia tăng từ năm nhà xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ, dẫn đầu là Ấn Độ. Nếu chúng ta nhìn vào giá nhập khẩu trung bình mỗi pound , đáng tiếc, chúng ta thấy, đáng tiếc, một xu hướng giảm và nếu chúng ta nhìn vào giá thực trong nhiều năm qua, rõ ràng giá nhập khẩu tôm đang có xu hướng giảm rất đáng kể.

 

  

Trong khi đó, tôm đang tiếp tục tăng trưởng so với các loại hải sản khác với tư cách là người đóng góp hàng đầu cho thâm hụt thương mại hải sản khổng lồ 16,7 tỷ USD của Mỹ. Năm ngoái, chẳng hạn, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 695.000 tấn tôm với chi phí 6,6 tỷ đô la, tương đương 27,7% tổng thâm hụt.

“Năm 2017, tôm là loại hải sản được tiêu thụ số một, với khoảng 4,4 lbs (2 kg) mỗi người và con số này tăng khoảng 2,1 lbs mỗi người, hoặc tăng 92% giữa các năm [1987 và 2017],” Jory nói. “Rõ ràng, chúng tôi yêu tôm.”

Tuy nhiên, tiêu thụ tôm vẫn thấp hơn so với các loại thịt truyền thống ở Mỹ.

“Chúng tôi tiêu thụ thịt gia cầm, thịt bò, thịt lợn và thịt bê nhiều hơn gấp 12 lần so với tiêu thụ hải sản. Rõ ràng, điều này không tốt, nhưng nó cũng là cơ hội để tăng trưởng trong ngành và cho các sản phẩm nuôi tôm ở Mỹ.”

Xuất khẩu tôm sang Canada: Tiềm năng lớn vì sao tăng trưởng không ổn định?

Xuất khẩu giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Canada đạt 105,3 triệu USD, giảm 7% so với cùng kì năm ngoái.

Tính tới tháng 9 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada tăng trưởng dương trong ba tháng 1, 4 và 7 và giảm trong các tháng còn lại.

Trong khi giai đoạn trước đó từ năm 2016 đến 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada tăng trưởng liên tục từ 122,5 triệu USD năm 2016 lên 161,6 triệu USD năm 2018.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Canada, tỉ trọng tôm chân trắng ngày càng tăng. Người tiêu dùng Canada ưa chuộng các sản phẩm tôm chế biến và sản phẩm phổ biến tại thị trường Canada là tôm hấp nguyên con, để vỏ.

VASEP cho biết Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm.

Các báo cáo mới đây cho biết sản lượng khai thác tôm nước lạnh tại Canada giảm mạnh trong năm 2019.

Nguyên nhân là do các khảo sát về sinh khối tôm tại các ngư trường khai thác của Canada cho thấy kết quả không khả quan. Khối lượng tôm nước lạnh nhập khẩu vào Canada cũng ngày càng sụt giảm.

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu tôm của Canada năm 2018 và quý đầu năm 2019 giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường này, chiếm 30,3% thị phần tại Canada. Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt đứng thứ 2 và 3 với 26,3% và 16,9% thị phần.

VASEP nhận định tôm nước ấm đông lạnh và tôm chế biến đang có chỗ đứng khá vững trên thị trường Canada.

CPTPP “nâng đỡ” xuất khẩu tôm Việt

Đầu năm nay, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam trong đó Việt Nam và Canada đều là thành viên. Trước đây, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (MFN) của Canada đối với các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam trong đó có tôm là 4-5%, nhưng nay theo cam kết CPTPP thuế suất cho các mặt hàng này giảm về 0%.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác thị trường Canada vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia không tham gia hiệp định.

Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng các yếu tố về giá cả, mẫu mã, chất lượng để nâng tính cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường Canada.

Chính phủ Canada đang có nhu cầu đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Mỹ, và Việt Nam là một trong những quốc gia các doanh nghiệp Canada quan tâm muốn đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Canada là thị trường có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác.

Bên cạnh đó, Canada là 1 trong 3 nước thành viên mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại song phương. Cơ cấu sản phẩm của Việt Nam và Canada ít cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau.

Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được tốt cơ hội, CPTPP sẽ mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho tôm Việt và cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn là thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…

Cảnh báo xuất khẩu tôm sang Trung Quốc

Thách thức từ thị trường tăng tốt nhất

Số liệu từ Hiệp hối chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 10, xuất khẩu sang Trung Quốc có mức tăng tốt nhất trong số 6 thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam, đạt 20,4%. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7%.

Xuất khẩu sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm được dự báo vẫn tăng do nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này vẫn cao nhằm phục vụ Tết nguyên đán.

Tuy nhiên, VASEP lưu ý Trung Quốc nói riêng và các nước vừa nuôi tôm vừa nhập khẩu tôm nói chung có xu hướng thắt chặt kiểm tra dịch bệnh trong sản phẩm nhập khẩu để đảm bảo cho sản xuất trong nước.

Ví dụ, trong tháng 9, Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 5 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do lo ngại dịch bệnh có thể lây lan vào nước này. Lệnh cấm này được cho là sẽ kéo giảm nhập khẩu tôm Ecuador của Trung Quốc, từ đó tạo cơ hội cho Việt Nam tăng bán hàng sang thị trường này.

Do vậy, ngành tôm và doanh nghiệp tôm Việt Nam cần nhìn rõ thách thức từ việc Trung Quốc cấm tôm Ecuador.

Cơ hội này không kéo dài mãi vì thời hạn của lệnh cấm còn tùy thuộc vào các yếu tố như chính trị, quan hệ ngoại giao, thương mại giữa 2 nước. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đổ xô xuất khẩu nhiều vào thị trường này, có thể sẽ bị thụ động khi tình huống thay đổi, dẫn đến bị ép giá, hạ giá…

Thứ 2, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước sản xuất tôm khác cũng có thể lâm vào tình huống như Ecuador. Do đó, ngành tôm Việt phải lường trước các khả năng, sẵn sàng trước xu hướng tăng cường kiểm tra dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu tôm như Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc….

Đối với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, từ năm 2014, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản, theo đó Trung Quốc giám sát 4 loại bệnh: đầu vàng đốm trắng, MBV, Taura, IHHNV đối với tôm sú, tôm chân trắng sống.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam cũng cần lường trước về khả năng Trung Quốc sẽ kiểm tra khắt khe hơn về dịch bệnh trong tôm xuất khẩu từ Việt Nam, có thể không chỉ kiểm tra tôm sống và các dạng sản phẩm khác như ướp lạnh, đông lạnh.

Mục tiêu năm 2019 khó đạt?

Mặc dù xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng tốt nhưng nhìn vào số liệu thống kê của VASEP cũng cho thấy, tháng 10, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm 0,8%, ghi nhận tốc độ giảm chậm hơn so với tháng trước. Như vậy, xuất khẩu đã giảm ở hầu hết tháng của năm 2019, duy nhất tăng trong tháng 7.

Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này theo đó đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.  Xuất khẩu cả năm 2019 được dự báo đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018. Trong khi năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỷ USD.

sfd

 Xuất khẩu đã giảm ở hầu hết tháng của năm 2019, duy nhất tăng trong tháng 7.

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), thị trường tiêu thụ lớn nhất của tôm Việt tiếp tục giảm 11,6%. Kết quả, xuất khẩu sang thị trường này giảm 19,9% trong 10 tháng đầu năm nay và 580,8 triệu USD. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam thuộc khối EU, bán hàng sang Anh và Hà Lan giảm 2 con số.

Chia sẻ tại một hội thảo thuộc khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2019 vào cuối tháng 8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định EU là thị trường rộng lớn với tôm Việt nhưng chưa mở cửa, nên doanh nghiệp buộc phải thay đổi mình để đáp ứng các tiêu chuẩn như truy xuất nguồn gốc, quy định về mật độ nuôi, cách thu hoạch…

Theo ông Lực, EU có nhu cầu cao về tôm đông rời mà đây vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt. “Doanh nghiệp nên tận dụng thế mạnh là chế biến hàng cao cấp có mức thuế cao như tôm luộc. Với sản phẩm này, đối thủ bị áp thuế cao là 20% trong khi hàng Việt Nam được hưởng thuế GSP là 7%, đồng thời giá thành nhập khẩu có sự chênh lệch lớn”.

Dự báo xuất khẩu sang EU trong những tháng cuối năm chưa thể phục hồi.

Nhu cầu mua tôm Việt của Mỹ tích cực hơn trong bối cảnh tồn kho trong nước và nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc giảm. Hơn nữa, kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong đợt rà soát hành chính lần thứ 13 cũng là động lực để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đẩy mạnh bán hàng sang thị trường này.

Tôm Việt được cho là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hồ Quốc Lực, Mỹ là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là thuận lợi. Bởi, thuế chống bán phá giá vẫn kéo dài và thương chiến diễn biến khó lường khiến hàng Việt Nam bị vạ lây. Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP), yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu cũng đang gây khó cho doanh nghiệp vì việc nuôi tôm biến động thường xuyên.