Nguồn: VITIC
Năm 2020, ngành thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều thách thức
Năm 2019 là năm khó khăn của ngành thủy sản khi một số ngành hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất thủy sản.
Ước tính, năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD.
Từ đầu tháng 3 đến tháng 9/2019, giá tôm giảm do cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018, trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, truy suất nguồn gốc tại biên giới và diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thuỷ sản đã đánh giá sâu diễn biến thị trường, sản xuất, tiêu thụ tôm, đưa ra khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lý, kiểm soát môi trường nuôi, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Không chỉ tôm, năm 2019 cũng là năm ghi nhận khó khăn đối với ngành hàng cá tra. Theo đó, việc xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019, Ả rập – Xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra… Những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu giảm từ cuối tháng 3 đến nay sau 2 năm tăng trưởng liên tục.
Tổng cục đã chỉ đạo các tỉnh triển khai một số giải pháp để duy trì mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã chủ động điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi, giảm lượng thức ăn. Với các biện pháp đó, sản lượng thu hoạch cá thương phẩm có xu hướng duy trì ở mức như năm 2018 trong khi diện tích tăng.
Bên cạnh đó, việc cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes của Việt Nam là tương đương với hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2019 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020.
Tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 dự kiến đạt 6,6 nghìn ha (tăng 22,2% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1,9 tỷ USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2018.
Cho biết thêm về những vướng mắc trong “gỡ thẻ vàng” cho thủy sản, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành với nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để khắc phục các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC), đặc biệt là tăng cường phối hợp, điều tra, xử phạt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá. Năm 2020, việc Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thủy sản, đặc biệt là thực thi Luật Thủy sản một cách đồng bộ sẽ là điều kiện quan trọng.
Năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850.000 tấn, tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019.
Xốc dậy con tôm
Con tôm, đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, đang đối mặt với tình hình dịch bệnh phức tạp cũng như khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Hạn chế kháng sinh, tăng cường vi sinh
Cuối tháng 11 năm nay, tại Trường Đại học Cần Thơ diễn ra hội nghị “Phòng trị bệnh tôm theo mô hình an toàn sinh học” có nhiều nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu tôm và doanh nghiệp nuôi tôm tham dự.
Các nghiên cứu cho biết, quá trình phát triển nuôi tôm tăng thải ra môi trường cùng biến đổi thời tiết đã làm chất lượng nguồn nước suy giảm, dịch bệnh nhiều khi không kiểm soát được.
Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Khi tôm bị bệnh, việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh thời gian dài làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa, càng gây bất lợi cho môi trường, an toàn thực phẩm.
Qua thực tiễn và nghiên cứu cho thấy, ứng dụng chế phẩm sinh học (chất vi sinh) trong nuôi tôm đưa đến nhiều kết quả tích cực, đã góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, phát triển bền vững ngành nuôi tôm.
Chế phẩm có hai nhóm: xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. Chế phẩm sinh học đưa vào cơ thể tôm qua bổ sung thức ăn và ngâm, bổ sung vào ao nuôi; còn xử lý ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường thân thiện, tăng khả năng sống cho tôm.
Các nghiên cứu khẳng định, chế phẩm sinh học mang lại lợi ích trong nuôi tôm là điều chắc chắn, không những cải thiện chất lượng nước mà còn cải thiện hệ số thức ăn, giảm mầm bệnh nên tăng tỷ lệ tôm sống, tăng năng suất nuôi. Tuy nhiên, chế phẩm sinh học chỉ có kết quả tốt và đạt kỳ vọng khi ao nuôi được quản lý tốt và dùng các chủng vi sinh vật đã thông qua chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với môi trường bản địa.
Cùng dịp cuối năm, hội nghị “Nâng cao giá trị tôm Việt Nam thông qua đổi mới công nghệ sản xuất” do Tổng cục Thủy sản tổ chức ở Cần Thơ, Tiến sỹ Trần Hữu Lộc ở Minh Phu AquaMekong khẳng định: “Nuôi tôm không kháng sinh là khả thi khi sử dụng thức ăn ngừa bệnh, vi sinh, chất bổ sung ngừa bệnh đúng cách”.
Tiến sỹ Phan Thanh Lâm cùng cộng sự ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 có nghiên cứu về “Quản lý quy trình nuôi tôm giảm hóa chất và kháng sinh”. Trong đó, đưa ra các quy trình chi tiết việc bổ sung chế phẩm sinh học chứa các nhóm vi khuẩn có lợi để lấn át vi khuẩn có hại và phòng trị bệnh cho cho tôm trong nuôi thâm canh tôm sú cũng như tôm thẻ chân trắng.
THANH HẢI
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Sao Ta: Phải hết sức đề phòng bệnh tôm
Xuất khẩu tôm năm 2019 doanh số giảm ước khoảng 5% so năm trước trong khi sản lượng tương đương. Nguyên nhân tôm cỡ nhỏ hơn, do tôm nuôi 2019 của ta bị bệnh vi bào tử trùng và bệnh phân trắng tấn công. Bệnh này bùng phát đồng loạt nhiều vùng nuôi lớn khác như Ấn Độ, Thái Lan.
Tình hình này khiến sản lượng tôm nuôi không như ý, từ cuối quý 3 các DN chế biến tôm lâm vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu và giá tôm tươi tăng khá mạnh. Giá thành tôm nuôi của ta cao hơn hẳn so các cường quốc nuôi tôm.
Tuy nhiên việc tiêu thụ ổn định nhờ vào trình độ chế biến cao, thâm nhập các hệ thống tiêu thụ từ khá đến cao.
Về diễn biến cao điểm tăng giá tôm tươi cuối năm do quy luật cung cầu tác động, giá nguyên liệu tăng khiến các DN chế biến bị thiệt hại không nhỏ để hoàn thành hợp đồng. Hiện nay thị trường tiêu thụ tôm chưa có luồng nhu cầu rõ ràng, bởi các hệ thống tiêu thụ đã có kế hoạch cho cuối năm và đang thực hiện.
Tình hình tiêu thụ năm 2020 tùy thuộc mạnh nhất là sức khỏe kinh tế thế giới. Xu thế có thể thấy được sau khi có kết quả tiêu thụ cuối năm.
Qua thông tin dự báo khí hậu thủy văn năm 2020, tình hình mặn về sớm, pha trung tính ENSO không lạnh thuận cho tôm phát triển, cộng với giá tôm tươi đang cao sẽ thu hút người nuôi thả giống nuôi tôm sớm. Chuyện đó bình thường.
Điều quan tâm là hai bệnh nêu trên chưa có một dự báo rõ ràng. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn, người nuôi hết sức cẩn thận thông qua chú trọng nuôi SẠCH, gồm cố gắng mua tôm giống tốt, sạch bệnh; xử lý nước kỹ lưỡng, triệt để. Nâng cao an toàn sinh học khu nuôi thông qua vệ sinh dụng cụ, người nuôi, chống nguy cơ từ bên ngoài như người bên ngoài vào khu nuôi, chim cò, giáp xác vào ao…
Một điểm chú ý là khả năng sốt con giống đầu vụ từ tháng 2 đến tháng 5/2020. Đừng nóng vội bù bằng giống trôi nổi sẽ dễ thiệt hại. Để chuỗi giá trị tôm được duy trì tốt thì con tôm làm ra phải SẠCH, có nghĩa không được tồn dư chất cấm trong tôm, người nuôi chú ý không nên sử dụng những chế phẩm nuôi tôm không rõ nguồn gốc, không sử dụng chất cấm đã có quy định…
HỮU ĐỨC
Ông Đinh Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Hải Nguyên (Bạc Liêu): Giá sẽ cao
Năm 2020, ngành thủy sản nước ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt tình hình dịch bệnh trên tôm sẽ diễn biến cực kỳ phức tạp cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Giá tôm năm 2020, chắc chắn sẽ ở mức cao, do nguồn cung không đáp ứng cầu.
Vấn đề quan trọng là làm thế nào để nuôi được con tôm sạch, chất lượng. Nếu không làm ra được con tôm sạch thì đừng bàn gì đến việc xuất khẩu… Vì thế, trong năm tới, cần phải định hướng tôm như thế nào tránh được dịch bệnh là điều quan trọng nhất.
HĐ-XT (ghi)
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Nuôi tôm đang dần ổn định hơn
Năm 2019, ngành tôm nhiều biến động, điển hình nhất là giá tôm giảm rất mạnh so với năm 2018. Do đó, dù sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng giá trị xuất khẩu ước tính chỉ đạt 3,6 tỷ USD, tức giảm khoảng 600 triệu USD so với kế hoạch. Tuy nhiên về tổng thể, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định và có lãi. Người nuôi cũng không quá bấp bênh như những năm trước.
Qua theo dõi thì thị trường thế giới nhu cầu tăng hàng năm chưa đến 5%, cho nên chúng ta phải biết chấp nhận tính bão hòa của thị trường để từ đó đề ra các mục tiêu hợp lý hơn.
Trên cơ sở đó, mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020 vẫn là 10 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu tôm khoảng 4 – 4,2 tỷ USD đã là một nỗ lực.
Trên thị trường xuất khẩu, để bán được sản phẩm ngay ở thị trường đang có chúng ta vẫn phải cạnh tranh với các quốc gia khác, như: Ấn Độ, Indonesia… Hiện chúng ta khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn mỗi yếu tố là tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục được khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.
HĐ-XT (ghi)
Khi Trung Quốc siết nhập khẩu qua tiểu ngạch khiến bước đầu thủy sản xuất khẩu của Bạc Liêu nói riêng cũng như cả nước nói chung gặp một chút khó khăn (giá tôm nguyên liệu giảm), tuy nhiên, đã nhanh chóng thích ứng đường chính ngạch đồng thời tìm kiếm thêm thị trường khác. Năm 2020, Bạc Liêu xác định thủy sản tiếp tục là ngành mũi nhọn. Tỉnh sẽ tập trung phát triển các mô hình tôm sạch, tôm hữu cơ và lúa – tôm… Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, năm 2020 tổng sản lượng tôm của tỉnh sẽ đạt 200.000 tấn. (Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu) Nguồn : https://m.nongnghiep.vn/ |
Phòng, chống rét cho thủy sản nuôi: Đôn đốc thực hiện hướng dẫn
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia: cuối tháng 12-2019, không khí lạnh hoạt động mạnh dần và tần suất nhiều hơn, có khả năng xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, bất lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS), người dân các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét ở các đối tượng nuôi.
Hộ nuôi lớn tích cực triển khai
Những ngày này, tại các đầm NTTS trên địa bàn thành phố, nhiều hộ sản xuất tập trung cao phòng, chống rét cho thủy sản nuôi. Tại vùng NTTS Lô 6, thôn Xuân Hưng, xã Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng), nhiều hộ dân đang tích cực triển khai phòng, chống rét cho tôm thẻ chân trắng. Vừa thả hơn 10 vạn tôm thẻ chân trắng được hơn 1 tháng qua, bà Phạm Thị Kim Luẩn không khỏi lo lắng nếu như thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Bà cho biết, từ nhiều ngày qua, hằng ngày gia đình chủ động bơm nước vào các ao nuôi bảo đảm độ sâu ổn định từ 1,5-2 m để giữ đủ nước cho tôm sinh trưởng; chuẩn bị sẵn sàng nguồn thức ăn giàu khoáng chất, vitamin bổ sung cho tôm ăn, đồng thời giảm thời gian sử dụng quạt sục nước trong các ao nuôi vào ban đêm. Tương tự, các gia đình ông: Nguyễn Văn Trang, Nguyễn Thế Học, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Bá Bột, Lương Văn Tuân…ở khu vực nuôi tôm liền kề cũng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho tôm.
Chủ tịch UBND xã Tây Hưng Phạm Hữu Vì thông tin, toàn xã có hơn 400 hộ NTTS. Đến thời điểm này hầu hết hộ nuôi tôm sú và cá cơ bản thu hoạch xong nên việc phòng, chống rét cho thủy sản chủ yếu tập trung ở những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tại các vùng NTTS khác ở quận Dương Kinh, các huyện: Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Cát Hải…từ đầu tháng 12-2019 đến nay, người dân các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi như: che phủ ni-lông, bạt phủ để bảo đảm nhiệt độ trong khu vực nuôi, bảo đảm an toàn cho tôm nuôi.
Theo ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, hợp tác xã có hơn 200 ha nuôi cá trắm đen, cá vược. Việc chống rét cho thủy sản nuôi được các hộ sản xuất chủ động, tập trung cao. Theo đó, các ao nuôi luôn giữ mực nước bảo đảm độ sâu, sạch, hằng ngày cho cá ăn đủ lượng, sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng.
Chủ động làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) cho biết, qua kiểm tra, theo dõi của cán bộ chi cục, từ đầu tháng 12 đến nay, nhìn chung các địa phương tích cực hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi. Tuy nhiên, việc phòng, chống rét cho thủy sản vẫn chỉ tập trung nhiều ở những hộ NTTS chuyên nghiệp, quy mô lớn, giá trị kinh tế cao như: nuôi tôm, cá vược. Nhiều hộ nuôi trồng nhỏ lẻ chưa quan tâm thực hiện hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Thực tế những tháng tiếp theo, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng có rét đậm kéo dài. Vì thế, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, đôn đốc các hộ NTTS nhỏ lẻ chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trước mắt, các địa phương đôn đốc hộ nuôi chủ động triển khai ngay các biện pháp đơn giản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Với những ngày mù trời, lặng gió, các hộ cần chú ý sử dụng viên bổ sung ô-xi và tăng cường quạt nước, sục khí để tránh thiếu oxy và hiện tượng phân tầng nước cho cá nuôi. Trong những ngày rét đậm, hạn chế cho cá ăn, không kéo lưới để tránh xây xát gây cho thủy sản và hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét da do nấm, ký sinh trùng gây ra.
Ngoài tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ đàn cá, tôm đang nuôi, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng đặc biệt lưu ý những hộ sản xuất giống cá chú trọng chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ giữ ấm cho đàn cá bố mẹ và chủ động thời gian sinh sản cá giống bảo đảm an toàn để cung ứng nguồn cá giống cho các hộ vào vụ mới. Trong quá trình nuôi, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời./.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Trong quá trình nuôi nên định kỳ 2 lần/tuần bổ sung các chất khoáng, Vitamin tổng hợp từ 4-5g/kg thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Khi nhiệt độ nước ao nuôi thấp dưới 15°C, ngừng cho thủy sản ăn. Vào thời điểm năng nóng có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp bảo đảm cá có đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2 -2/3 diện tích mặt ao về phía Bắc (bèo được gom vào một góc ao, tránh thả tràn lan che kín hết mặt ao; thả chà, tạo giá để cá trú ẩn tránh rét ở góc phía Bắc của ao nuôi (chà có thể làm bằng cành lá dừa, búi rơm, bao tải, đăng đó)…
Tiến Đạt – Ảnh: Hoàng Phước
Nguồn : https://thanhphohaiphong.gov.vn/
Những điểm sáng nổi bật của ngành NN trong năm “sóng gió”
Đánh giá chung những điểm sáng trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, toàn ngành đã nỗ lực duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). Bộ đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao XK sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc…; đồng thời, thúc đẩy XK thịt gà chế biến đi Nhật Bản; XK lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc); XK mật ong đi EU, Hoa Kỳ. | |
Năm 2019, ngoài đối mặt với “sóng gió”, thách thức về năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, ngành nông nghiệp còn chịu tác động lớn của nhiều yếu tố dịch bệnh, thị trường, biến đổi khí hậu…
Song, toàn ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng nổi bật. 8 nhóm mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”
Đánh giá chung những điểm sáng trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, toàn ngành đã nỗ lực duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).
Bộ đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao XK sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc…; đồng thời, thúc đẩy XK thịt gà chế biến đi Nhật Bản; XK lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc); XK mật ong đi EU, Hoa Kỳ. Đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông để XK thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.
Bộ cũng đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp (DN) trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, với thị trường lớn nhất, truyền thống là Trung Quốc đã thay đổi nhiều chính sách trong nhập khẩu, ngành đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy XK một số mặt hàng như yến sào, sắn, trái cây, thủy sản…; phổ biến tới cộng đồng DN các thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản tại thị trường này.
Đến nay, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 9 loại trái cây, 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam. Tiêu biểu là Nghị định thư cho mặt hàng sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã đưa sữa tươi gia nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Với thủy sản, tin vui nhất là sau hơn 3 năm nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, tập huấn cho nông dân; xây dựng hệ thống chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam XK sang Mỹ.
Việc Mỹ công nhận tương đương đối với sản phẩm cá tra này đã giúp Việt Nam bổ sung DN đăng ký XK cá tra vào thị trường này và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu Mỹ yên tâm nhập khẩu sẽ gia tăng sản lượng, giá trị XK cá tra vào thị trường này thời gian tới. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, kim ngạch XK năm nay có thể đạt 11,3 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra. Cùng với phát triển thị trường, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được ký kết và có hiệu đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam không chỉ với EU mà tất cả các thị trường mà Việt Nam đang có thương mại về lâm sản về sự minh bạch, đảm bảo nguồn gốc sản phẩm hợp pháp và hướng đến bền vững.
Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm 10 – 15%, nhưng tổng kim ngạch XK nông – lâm – thủy sản dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018 (riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục mới, 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.
Chú trọng phát triển mô hình theo chuỗi
Nhận ra những khó khăn, thách thức từ thị trường, điều kiện sản xuất, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương đã xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các DN trong chế biến, tiêu thụ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018), 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản ATTP theo chuỗi (tăng 93 địa điểm). Đồng thời, Bộ cùng các địa phương, DN đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; Chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.
Năm 2019 đã thành lập mới 6 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), 1.455 HTXNN, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTXNN, 15.434 HTXNN, trong đó có 72,89% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%. Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.
Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, DN là đầu tàu
Lực lượng DN nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Năm 2019, số DN NLTS thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN nông nghiệp lên 12.581 DN, tăng 36,23% (NLTS là một trong những lĩnh vực có số DN quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng).
Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở ba trục sản phẩm, gồm: nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm địa phương (OCOP).
Theo đó, ở cấp quốc gia, đến nay đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); 8 Khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Cấp địa phương, căn cứ các tiêu chí quy định, cả nước đã có 9 vùng NNUDCNC nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; 124 khu sản xuất NNƯDCNC do DN đầu tư đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập; và 45 DN nông nghiệp được công nhận là DNNNƯDCNC.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Lựa chọn các DN “đầu tàu” có đủ năng lực (vốn, khoa học công nghệ, thị trường) để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Bộ cũng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông – lâm – thủy sản. Theo đó, ngành nông nghiệp xây dựng Chiến lược phát triển chung về công nghiệp chế biến nông sản và các Đề án phát triển chế biến các ngành hàng có tiềm năng về sản xuất và thị trường tiêu thụ như: rau quả, thủy sản, đồ gỗ,… để định hướng lâu dài cho DN tập trung đầu tư phát triển mạnh những ngành hàng này.
|
Những loại tôm hùm hiếm nhất thế giới
Với tỷ lệ 1:30 triệu cho đến 1:50 triệu, việc bắt được một con tôm hùm màu vàng hay pha lê là điều gần như bất khả thi.
Theo Zing
Trình diễn kỹ thuật sản xuất bột đạm tôm xuất khẩu
Ngày 27/12 tại Công ty cổ phần Việt Nam Food (Khu công nghiệp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) sau khi được Sở Công thương Cà Mau phê duyệt, Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bột đạm tôm xuất khẩu.
Quy trình sản xuất bột đạm với cách làm là tận dụng các nguyên liệu bỏ đi từ dịch tôm thủy phân sau khi thực hiện công đoạn cô đặc còn nhiều tạp chất như vỏ, râu, rác…bằng những kỹ thuật tiên tiến, máy móc hiện đại để sản xuất bột đạm tôm dạng khô, đóng gói xuất khẩu. Vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu bỏ đi vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Tham quan quy trình sản xuất bột đạm tôm của Công ty cổ phần Việt Nam Food
Đề án này với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp 500 triệu đồng đầu tư máy móc thiết bị. Thiết bị công nghệ được đầu tư tiên tiến, hiện đại, đảm bảo yêu cầu quy trình sản xuất bột đạm tôm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Với quy mô công suất 624 tấn sản phẩm/năm, tổng doanh thu thuần dự kiến 53 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế là trên 2 tỷ đồng/ năm. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất còn giải quyết việc làm cho 30 lao động ở địa phương./.
Thảo Phương
Theo Báo Cà Mau