Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Fimex – Vững vàng trước sóng gió của ngành tôm

Dựa trên nền tảng phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) đã xây dựng được chuỗi giá trị trải dài từ công tác chuẩn bị ao nuôi, tôm giống, thức ăn… để có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho khâu chế biến thủy sản xuất khẩu. Qua đó giúp kết quả kinh doanh duy trì tăng trưởng ổn định, ngay cả khi các DN khác cùng ngành rơi vào cảnh trồi sụt do những bất lợi về giá và thị trường.

Fimex định hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng như tôm bao bột, tôm chiên

Chủ động trước biến động

Trong năm 2019, ngành tôm toàn cầu có những biến động lớn như giá cả đầu vụ giảm mạnh khiến người nuôi tôm không mạnh tay thả nuôi, đặc biệt là tình hình dịch bệnh tấn công ở tất cả vùng nuôi lớn như Trung Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á… khiến sản lượng chung không như ý, lượng tôm cỡ lớn sụt giảm mạnh. Tình hình này làm người nuôi tôm Việt Nam e ngại nuôi vụ hai vì rủi ro cao từ dịch bệnh. Tất cả dẫn đến giá tôm tươi ở đồng bằng đã tăng từ giữa tháng 8 tới nay, nhất là tôm cỡ lớn hơn 40 con. Đến nay giá vẫn trong đang xu thế tăng vì nguồn cung giảm.

Dự báo sản lượng tôm tiêu thụ năm 2019 của Fimex sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2018 và dù giá tôm thấp, doanh số tiêu thụ dự báo vẫn ở mức tương đương năm trước. Nhưng nhờ các mảng hoạt động của Sao Ta gồm nuôi tôm, chế biến tôm, chế biến nông sản xuất khẩu đều hiệu quả nên lợi nhuận chung vẫn tăng và vượt kế hoạch khoảng 25-30%.

Trong khi đó, tình hình tồn kho cao tại các thị trường tiêu thụ chính và sự cạnh tranh về giá tôm với các đối thủ lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… đã tạo sức ép giảm giá đối với các DN Việt Nam. Cụ thể, giá nhập khẩu tôm vào EU đã giảm 1 USD/kg so với năm 2018, song giá tôm của Việt Nam vẫn cao hơn 15-20% (tương đương 1-2 USD/kg) so với giá tôm nhập khẩu từ các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc. Tại thị trường Mỹ, giá tôm của Việt Nam cũng ở mức cao nhất dù đã giảm từ 12 USD/kg xuống 11 USD/kg. Giá xuất khẩu tôm sang Nhật cũng giảm 1 USD/kg, từ 12 USD xuống 11 USD/kg.

11 tháng năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 3,4 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm nay sẽ chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.

Bên cạnh áp lực cạnh tranh về giá, các DN xuất khẩu tôm còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

Trước khó khăn đó, Fimex nổi lên như một ngôi sao sáng khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2019 đạt 173 tỷ đồng, tăng trưởng trên 35% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 96% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Tháng 11 vừa qua, ban lãnh đạo công ty cũng công bố đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra hồi đầu năm là 180 tỷ đồng.

Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Fimex cho biết, từ đầu năm, Fimex đã nhận định tình hình cung cầu tôm thế giới, diễn biến dịch bệnh trên tôm nuôi để đề ra chương trình hoạt động cho mình. Trong đó, Fimex chú trọng nuôi tôm, nâng cao tối đa an toàn sinh học vùng nuôi tôm của mình, chăm sóc ao tôm hết sức kỹ lưỡng. Nguồn tôm nuôi khá lớn là sự thuyết phục tốt nhất khách hàng về nguyên liệu sạch, có kiểm soát cũng như khả năng truy xuất nguồn gốc.

Chương trình của Fimex cũng tập trung vào thị trường lợi thế là Nhật Bản, EU đồng thời giảm thiểu ở thị trường Hoa Kỳ, bởi phải cạnh tranh nguồn tôm giá rẻ từ Ấn Độ. Tình hình trong năm đã diễn ra đúng như những gì Fimex đã dự đoán. Tôm nuôi đầu vụ không nhiều vì giá tôm thấp khiến người nuôi không an tâm thả giống. Sau đó tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công, dẫn đến nguồn tôm cung trong nước không như dự kiến và giá tôm tươi tăng từ giữa tháng 8 đến nay. Tình huống này khiến các DN không có nhận định tốt, ký nhiều hợp đồng với khách hàng từ Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng.

Trụ đỡ phát triển bền vững

Nhìn lại giai đoạn 2014-2018, diễn biến giá tôm xuất khẩu tại các thị trường biến động thất thường đã khiến doanh thu xuất khẩu của một số doanh nghiệp lớn trong mảng tôm Việt Nam như Minh Phú, Stapimex, Thuận Phước Corp tăng giảm không ổn định. Tuy nhiên, với chiến lược chuyển hướng sản phẩm và thị trường xuất khẩu hợp lý, Fimex vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu ổn định khoảng 7,2%/năm, ngày càng thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn thứ 2 cả nước là Stapimex.

Đặc biệt, với định hướng phát triển bền vững, Fimex đã xây dựng được vùng nuôi tôm riêng rộng 190 ha, đạt các chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm như BAP (chứng nhận về các thực hành tốt nhất trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu), ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Nhờ đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh và truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tạo được sự an tâm về nguyên liệu tôm sạch đối với các khách hàng. Đối với lượng tôm thu mua từ bên ngoài, theo chia sẻ của ban lãnh đạo, quy trình kiểm duyệt nguồn tôm đầu vào cũng rất khắt khe, trước tiên công ty cử chuyên gia đến tiến hành kiểm tra tổng quan ao tôm, sau đó liên tục tiến hành kiểm tra nhiều lượt mẫu trong quá trình thu hoạch và chế biến để đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về chất lượng tôm xuất khẩu.

Hiện công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng vùng nuôi với dự án có tổng diện tích khoảng 90 ha, nằm sát trại tôm hiện hữu của công ty. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp Fimex chủ động thêm 10% nguyên liệu nhờ cung cấp 2.000 tấn tôm mỗi năm. Kéo theo đó, công ty cũng kỳ vọng sẽ giảm được 1,15%/năm đối với chi phí tôm nguyên liệu trên mỗi đơn vị sản phẩm nhờ tăng tỷ lệ tự chủ tôm đầu vào từ 20% lên 30%.

Đến nay, Fimex đã xây dựng được chuỗi giá trị trải dài từ công tác chuẩn bị ao nuôi, tôm giống, thức ăn,… để nuôi tôm cho đến khâu chế biến tại nhà máy và đem phân phối tại các thị trường xuất khẩu. Trong đó, hòa cùng xu thế chung của toàn ngành cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm của Fimex cũng có sự thay đổi theo hướng đẩy mạnh các sản phẩm giá trị gia tăng mang lại tiện ích cao, bao gồm tôm luộc, tôm bao bột, tôm chiên và các loại rau củ quả phối chế vào các hệ thống phân phối cao cấp. Trong thời gian tới, sự chuyển hướng sản phẩm này sẽ tiếp tục giúp Fimex cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Với nền tảng vững chắc đó, Fimex đặt mục tiêu doanh số đến năm 2020 vượt 200 triệu USD và tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm vào năm 2025 để tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại nhằm mở rộng quy mô kinh doanh và vươn lên thành nhà chế biến tôm lớn thứ 2 Việt Nam.

Khải Kỳ

Nguồn : Báo Hải Quan

Những nơi không biết sợ hạn, mặn

Những nơi không biết sợ hạn, mặn

Tôm càng xanh đối tượng được chọn tăng thu nhập đáng kể cho người dân nuôi ở mô hình lúa tôm ngoài con tôm sú (ảnh Nhật Hồ)
Tôm càng xanh đối tượng được chọn tăng thu nhập đáng kể cho người dân nuôi ở mô hình lúa tôm ngoài con tôm sú (ảnh Nhật Hồ)

Chuyện anh Tráng làm giàu bằng con tôm

(QBĐT) – Với bản tính cần cù, dám nghĩ dám làm, từ một người nông dân quanh năm gắn bó với mấy mảnh ruộng cằn cỗi, anh Hoàng Dũng Tráng (SN 1970), xã Phù Hóa (Quảng Trạch) đã quyết tâm cải tạo vùng đất hoang hóa thành những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có giá trị kinh tế cao.
Anh Tráng sinh ra và lớn lên ở xã Phù Hóa, vùng đất đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch. Người dân nơi đây bao đời vẫn chỉ gắn với sản xuất lúa 2 vụ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Năm 1992, trở về quê sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, anh lập gia đình và sống nhờ mấy mảnh ruộng. Cuộc sống quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng gia đình vẫn nằm trong diện hộ nghèo của xã, luôn rơi vào cảnh túng thiếu, phải lo ăn từng bữa. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ phải làm gì để thoát nghèo, anh đã quyết định đầu tư vào con tôm.
Anh chia sẻ: “Với lợi thế có con sông Gianh bao bọc, năm 2004, tôi đã chuyển đổi một số diện tích đất ruộng kém hiệu quả của gia đình sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thành công từ những lứa đầu, tôi và vợ mạnh dạn vay thêm 120 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư xây dựng các hồ nuôi”.
 Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm cho gia đình anh Hoàng Dũng Tráng.
Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm cho gia đình anh Hoàng Dũng Tráng.
Do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm nên anh nhiều lần thả tôm giốngthất bại. Tưởng như phải dừng “giấc mơ” thoát nghèo, vậy nhưng không nản chí, sau một thời gian tự nghiên cứu, mày mò kỹ năng nuôi tôm trên mạng, anh đã tự đúc rút được kinh nghiệm để khắc phục những sai lầm của các vụ trước. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn và được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình khác. Sau khi tích lũy được kha khá kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi tôm thẻ, anh đã cùng vợ bắt tay để nuôi trồng lại vụ tôm mới. Không phụ công người, vụ đầu tiên sau những lần thất bại trước, vợ chồng anh đã thành công và bắt đầu thu lãi từ con tôm.
Năm 2013, với những kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi tôm, anh mạnh dạn hợp đồng thuê lại diện tích đất bỏ hoang của người dân để mở rộng diện tích nuôi. Nhằm kiểm soát được dịch bệnh cho con tôm và giảm ô nhiễm môi trường xung quanh, anh Tráng quyết định chuyển toàn bộ diện tích 2ha từ nuôi hồ đất sang nuôi lót bạt. Anh vui mừng nói: “Mặc dù chi phí nuôi lót bạt cao hơn nhiều so với nuôi hồ đất, nhưng tôi vẫn làm để bảo đảm chất lượng cho con tôm và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến môi trường”.  Chính vì vậy mà hiện nay, dù thời tiết thay đổi nhưng tôm ở các hồ nuôi của gia đình anh vẫn khỏe mạnh, không dịch bệnh và cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch từ các hồ trên 14 tấn tôm, sau khi trừ chi phí cho lãi trên 300 triệu đồng.
Không dừng ở mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, người nông dân cần cù, chịu khó này còn đầu tư mở rộng thêm mô hình chăn nuôi tổng hợp khác. Anh Hoàng Dũng Tráng cười, chia sẻ: “Để bảo đảm kinh tế cho gia đình và nuôi 2 con học đại học, vợ chồng tôi vừa duy trì mô hình nuôi tôm vừa đầ tư chuồng trại nuôi thêm 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt cùng 200 con gà thả vườn, mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng. Đặc biệt, để giảm chi phí công lao động trong sản xuất nông nghiệp, vợ chồng tôi còn mua một máy gặt đập liên hoàn có trị giá 600 triệu vừa để phục vụ cho 5.000m2 diện tích đất ruộng của gia đình, vừa mở thêm dịch vụ máy gặt cho bà con trong vùng”.
Sau nhiều năm quyết chí làm giàu, đến nay, mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp và dịch vụ nông nghiệp đã giúp gia đình anh thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động trong vùng. Với vai trò là một Phó Bí thư chi bộ, anh Tráng còn vận động người dân đầu tư các mô hình để phát triển kinh tế và hỗ trợ cho 3 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế. Với những nỗ lực và kết quả đạt được, cuối năm 2019 vừa qua, anh Hoàng Dũng Tráng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phát triển kinh tế.
Đ.N
Nguồn : https://www.baoquangbinh.vn/

Mỹ ngăn chặn nhập khẩu tôm từ nhiều doanh nghiệp Malaysia do sử dụng kháng sinh

TTH.VN – Tin từ The Star cho biết, trong năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA) đã đưa nhiều nhà xuất khẩu tôm của Malaysia vào “danh sách đỏ”, sau khi mẫu của 18 lô hàng từ 11 nhà xuất khẩu nước này được phát hiện có chứa chất kháng sinh chloramphenicol.

Nhiều lô hàng tôm xuất khẩu của Malaysia được phát hiện chứa chất kháng sinh. Ảnh minh hoạ: Congluan

Trước đó, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2018, USFDA cũng đã đưa 28 nhà xuất khẩu tôm Malaysia vào danh sách đỏ vì mẫu thử ở 56 lô hàng có chứa nitrofurans.

Theo The Star, trong khi các lô hàng tôm xuất khẩu này bị hạn chế do kháng sinh, thì tôm nuôi bán tại địa phương ít được kiểm tra kỹ càng như vậy. Do vây, người dân Malaysia vô tình tiêu thụ tôm bị nhiễm độc có chứa kháng sinh – nitrofurans và chloramphenicol – có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Và một số loại tôm này có thể tìm thấy được bày bán khá phổ biến tại hầu hết các khu chợ ở Malaysia.

Suốt nhiều năm qua, nhiều người dân đã được cảnh báo về hậu quả của việc tiêu hóa các loại chất kháng sinh có trong hải sản, nhưng vấn đề này vẫn tiếp tục tồn tại cho đến bây giờ.

Các chuyên gia tin rằng, dư lượng từ hai loại kháng sinh nói trên là chất có thể gây ung thư. Thậm chí, chloramphenicol còn dẫn đến một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khi gây suy tủy xương, dẫn đến việc sản sinh các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu bị thiếu hụt.

Được biết, trong số 28 nhà xuất khẩu của Malaysia bị USFDA đưa vào danh sách đỏ vì xuất khẩu tôm có chứa nitrofurans, 19 doanh nghiệp có trụ sở tại Penang. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Malaysia Sim Tze Tzin cho rằng nước này bị liệt vào danh sách đỏ là do các nhà sản xuất tôm nhiễm kháng sinh từ các quốc gia khác đã sử dụng Malaysia làm trung tâm trung chuyển. Theo ông, các nhà xuất khẩu Malaysia này có thể đã tham gia vào hoạt động vận chuyển hàng.

“Dựa trên các trường hợp trước đây, chúng tôi tin rằng họ đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ các quốc gia khác và tái xuất khẩu chúng sang Mỹ. Do đó, chúng tôi đã thắt chặt kiểm soát”, ông nói.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Star)

Nguồn : https://baothuathienhue.vn/

Ồ ạt gom tôm thẻ chân trắng xuất sang Trung Quốc, giá tăng mạnh

(Dân Việt) Trước đây, do giá tôm thẻ liên tục ở mức thấp, nông dân không có lãi nên nhiều người bỏ tôm thẻ chuyển sang nuôi tôm sú, dẫn tới sản lượng tôm thẻ giảm mạnh. Trong khi đó, gần đây các doanh nghiệp chế biến đang cần nguồn tôm nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc nên dẫn đến cầu vượt cung, giá tôm thẻ từ đó tăng mạnh.

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá tôm nguyên liệu trong tháng 12/2019 có xu hướng tăng đối với cả 2 loại tôm sú và tôm thẻ chân trắng do nguồn cung thấp, nhu cầu cao.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg trong tháng 12/2019 đã tăng 20.000 đồng/kg lên 230.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg 142.000 đồng/kg.

Do nguồn cung thiếu hụt, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu nên giá tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đang tăng cao. Ảnh: Chúc Ly

Đặc biệt, giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg đang tăng mạnh, với mức tăng 35.000 đồng/kg lên mức 145.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg tăng 35.000 đồng/kg, lên mức 135.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg tăng 10.000-15.000 đồng/kg, lên 95.000 – 100.000 đồng/kg.

Hiện nay, cầu vượt cung đối với tôm thẻ vì thời gian trước giá thấp, người nuôi tôm chuyển qua nuôi tôm sú nên lượng tôm thẻ ít so với nhu cầu; trong khi đó, các doanh nghiệp đang cần nguồn nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch nên dẫn đến cầu vượt cung, giá tôm thẻ từ đó tăng mạnh.

Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong năm 2019, nhìn chung thị trường tương đối ổn định đối với tôm sú nhưng đối với tôm thẻ chân trắng có sự biến động khá nhiều. Thời điểm giữa năm, giá tôm thẻ nguyên liệu sụt giảm mạnh, loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg, khiến người nuôi tôm lỗ vốn hoặc không có lời.

Đáng chú ý, tình trạng treo ao xuất hiện dẫn đến sản lượng giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối năm tăng mạnh. Hiện nay, tín hiệu phục hồi giá tôm nguyên liệu đã tạo tâm lý cho người nuôi yên tâm, phấn khởi và huy động công sức, vốn liếng để đầu tư nuôi tôm.

Các công ty chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong việc thu mua tôm nguyên liệu do nguồn cung khan hiếm, giá tăng trung bình 15 – 20%. Ảnh minh hoạ

Theo các chuyên gia ngành thuỷ sản, sản lượng tôm năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối năm tăng mạnh và dự báo có thể tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm. Hiện nhiều công ty chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong việc thu mua tôm nguyên liệu do nguồn cung khan hiếm, giá tăng trung bình 15 – 20%.

Cũng do thiếu nguyên liệu chế biến, các nhà máy đẩy mạnh mua vào để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm thời gian gần đây leo thang.

Cuối tháng 12/2019, tại ĐBSCL giá tôm thẻ chân trắng cỡ 40 con/kg mua tại ao là 146.000 đồng/kg. Tôm cỡ 30 con/kg trên 175.000 đồng/kg, tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cách đây vài tháng. Với giá tôm cao như hiện nay, nếu quản lí ao nuôi tốt thì sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi khoảng 70.000 đồng/kg, tức đầu tư một thu lời một.

Tuy nhiên, 3 năm qua người nuôi tôm thẻ đã trải qua nhiều phen lao đao vì tôm liên tục rớt giá. Có thời điểm, thị trường tôm thẻ ở ĐBSCL chỉ còn từ 80.000 – 95.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi tôm sẽ không có lãi, nhất là đối với những hộ nuôi tôm đất vì chi phí cao, tỉ lệ hao hụt lớn hơn so với nuôi tôm trải bạt. Chính vì thế, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân nên cân nhắc chuyện tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng để tránh nguy cơ tăng nguồn cung đột biến, nhất là khi thị trường xuất khẩu tôm hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 12/2019 ước đạt 806 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2019 ước đạt 9,63 tỉ USD, tăng 2,7% so với năm 2018.

Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng qua, chiếm 57,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc, tăng 19,7% và Đài Loan tăng 9,7%; Hoa Kỳ đạt kim ngạch 1,35 tỉ USD, giảm 8,8%; Nhật Bản: 1,35 tỉ USD, tăng 6,8%; EU (28 nước) với 1,19 tỉ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2018.

Về chủng loại xuất khẩu: Cá tra đạt kim ngạch 1,8 tỉ USD giảm 11%; tôm đạt 3,08 tỉ USDgiảm 5,7%%; cá ngừ đạt 668,946 triệu USD tăng 12%; các loại cá khác đạt 1.519,252 triệu USD tăng 15,9%; Cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 138,037 triệu USD tăng 16,5%; mực và bạch tuộc đạt 531,153 triệu USD giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn : Báo Dân Việt

 

Ấn Độ: Tôm tự nhiên vẫn bị cấm tại Mỹ

Ấn Độ đang rất lo ngại việc Mỹ quyết định tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập khẩu tôm biển tự nhiên.

Ảnh minh họa

Các hãng xuất khẩu thủy sản Ấn Độ đang rất lo ngại việc Mỹ quyết định tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập khẩu tôm biển tự nhiên từ Ấn độ do được đánh bắt bởi các tàu cá không có thiết bị loại trừ rùa biển. Lệnh cấm này có hiệu lực từ tháng 5/2018 sau khi Mỹ phát hiện các tàu cá Ấn Độ không áp dụng phương pháp khai thác kết hợp bảo vệ rùa biển. Một số hãng xuất khẩu tại Kerala bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi lệnh cấm này cũng đã bắt đầu lắp đặt thiết bị loại trừ rùa biển, hy vọng Mỹ sẽ sớm gỡ bỏ lệnh cấm. Dù tôm biển chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tôm xuất khẩu, nhưng mang lại thu nhập tốt cho hàng nghìn ngư dân Ấn Độ với trị giá 300 triệu USD/năm.

Tuấn Minh

Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Bắt tôm càng

(CMO) Đầu tháng Chạp, về huyện Thới Bình, cứ cách mấy căn nhà là thấy chiếc vỏ lãi đậu dưới mé sông đợi cân tôm càng. Trên bờ, chị em phụ nữ nhanh tay dội nước rửa, phân loại từng thùng tôm các anh xách dưới ruộng lên để cho vào bồn ô xy. Lâu lâu cái máy chạy ô xy trở chứng, tắt ngang là mấy chị nháo nhào, gọi ơi ới, các anh đang lội sình bắt tôm phải nghỉ tay, sửa máy cho tôm thở.

Thấy miếng ruộng đang tập trung đông người nhất, ghé đại vào nhà anh Út Thương (Lê Văn Thương, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình), thấy có hơn chục người đang lội dưới ruộng để thu hoạch tôm càng xanh. Toàn là anh em ruột, bạn dì, cột chèo và hàng xóm, mỗi người một tay phụ chủ nhà chứ không cần thuê thêm ai. Mấy đứa con nít 9, 10 tuổi thấy ham cũng lội xuống ruộng bắt tôm càng. Sình lún tới lưng quần, có đứa một tay bắt tôm, một tay cầm dây thun quần cho “chắc ăn”.

Thới Bình trở thành “thủ phủ” tôm càng xanh với diện tích hơn 16.500 ha.

Anh Hai, anh Thương thì chịu trách nhiệm cầm máy bơm, đi dọc theo đường kênh dưới ruộng quậy bùn cho tôm càng mệt, bơi lên mé “nằm thở”. Những người còn lại chỉ việc “quơ tay” là dính cả chục con bỏ vô thùng xốp. Sình văng đầy mặt, cả người phía trước cũng vậy, chỉ có nửa cái lưng phía sau là khô ráo, mà không có ai nghĩ đến việc lau cho sạch làm gì. Có mấy đứa nhỏ lâu lâu la lên vì bị tôm càng kẹp, mà có đứa nào khóc đâu, còn khoái chí cười ra rả. Anh Út Thương chịu phần xách giỏ chạy tới lui chuyển tôm từ dưới ruộng lên bờ cho nhanh để tôm không bị ngộp.

Chị Út với mấy chị em bạn dâu cũng đang bận tay phân loại tôm. Thấy ai cũng luýnh quýnh nên đành hỏi chuyện ba của anh Út. Ông đi tới đi lui nhìn con cháu “lên tôm”, miệng mỉm mỉm: “Cho nó 10 công đất, nhờ chịu khó làm ăn, mỗi năm tính 1 vụ lúa, 1 vụ tôm càng, tôm sú, cua được gần 200 triệu đồng. Thả tôm càng xanh hồi tháng 6 năm nay, đây là vụ thứ hai rồi. Mới tát nước, gặt lúa xong 5 bữa trước là hôm nay thu hoạch tôm càng. Thả 25 ngàn con, loại tôm càng xanh toàn đực tới 290 đồng/con, tính ra hơn 7 triệu đồng tiền con giống. Mấy ngày nay nghe nói hợp đồng với lái cân tôm được giá 135 ngàn đồng/kg. Thấy thả đạt đầu con mà không biết bán xong được bao nhiêu, chứ năm trước lên tôm được gần 30 triệu đồng”.

Thương lái tới là lúc các anh vừa bắt tôm xong. Cái cân được đặt ở nơi khô ráo nhất, bà chủ lái tôm ngồi đối diện để ghi chép số ký, đại diện chủ nhà ngồi kế bên cũng “biên” lại trong cuốn sổ riêng. Lúc này, không ai kỳ kèo giá cả nữa, mà chỉ nhắc mấy đứa nhỏ cân xong lẹ tay chuyển tôm xuống vỏ cho thở ô xy. Cộng lại, hai tờ biên lai số “y chang”, không sai trăm gram nào, được 300 kg, gần 46 triệu đồng. Tiếng cười nói bắt đầu xôm tụ hơn, rồi tính tới chuyện mua thịt heo, vài cặp dưa hấu, hay thêm vài ký khô để đãi khách… Nghe mộc mạc vậy mà vang cả một khúc sông bên dòng kênh Chắc Băng./.

Sau khi bắt lên, phân loại, tôm càng nhanh chóng được cho vào bồn ô xy để đảm bảo luôn tươi sống.
Cân xong, tôm càng lập tức được vận chuyển xuống vỏ lãi có sẵn bồn ô xy.
Tôm càng xanh, loại thuỷ sản phổ biến, giá trị dinh dưỡng cao và có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Thảo Mơ

Nguồn : Báo Cà Mau