Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Xuất khẩu tôm Việt Nam dự báo khả quan trong năm 2020

Mặc dù năm 2019 không như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất nhập khẩu Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Năm 2019, xuất khẩu tôm chân trắng giảm 3,2% đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70% giá trị tôm xuất khẩu, tôm sú giảm mạnh 15% đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.

Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. Xuất khẩu giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém, nửa cuối năm xuất khẩu hồi phục dần dần.

Xuất khẩu tôm Việt Nam dự báo khả quan trong năm 2020

EU

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,6% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018 tuy nhiên Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Về lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.

Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường cao cấp rộng, đủ dư địa các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình.

Mỹ

Mỹ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,5%. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ ước đạt 646,6 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018.

Từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng không cao nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị xuất khẩu ổn định so với năm 2018. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam. Mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ đạt 9.045 tấn, trị giá 64,9 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. xuất khẩu tôm bao bột từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.113 tấn, trị giá 85,3 triệu USD, giảm 31% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu mới nhất của FAS.USDA, 10 tháng đầu năm 2019, Mỹ nhập khẩu 571.297 tấn tôm, trị giá 4,9 tỷ USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Top 6 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ gồm Ấn Độ (chiếm thị phần 40,4% trong tổng giá trị nhập khẩu tôm vào Mỹ), Indonesia (18,8%), Ecuador (12,3%), Việt Nam (8,8%), Thái Lan (6%) và Trung Quốc (3%).

Nhật Bản

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 ước đạt trên 626 triệu USD, giảm 2% so với năm 2018. Trong cơ cấu tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%.

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm 2018. Các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản phần nào giúp duy trì ổn định giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.

Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới.

Thị trường thắt chặt, thủy sản Việt gặp khó

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2019, trong khi xuất khẩu hải sản có bước tăng trưởng đáng kể thì hai sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam là tôm và cá tra đều giảm, khiến kế hoạch cả năm không hoàn thành. Nguyên nhân được cho là do biến động từ một số thị trường trọng điểm.

Thị trường biến động

Tổng cục Thủy sản cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,084 tỷ USD, giảm 2% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó tôm đạt 2,78 tỷ USD giảm 6,4% và cá tra đạt 1,64 tỷ USD giảm 10%. Còn hải sản trên 2,66 tỷ USD tăng 10% với các sản phẩm tăng cao là cá ngừ 609,6 triệu USD tăng 12,7%; cua, nghẹ, giáp xác khác 117,7 triệu USD tăng 11,5%; các loại cá khác 1,376 tỷ USD tăng 17%.

Xuất khẩu tôm giảm do một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador … tiếp tục được mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Thị trường nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật: Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng kiểm soát chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc trong khi nhiều doanh nghiệp nước ta chủ quan, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đối với cá tra, kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019 do dự trữ hàng hóa khá nhiều từ cuối năm 2018. Trong nước, giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao liên tục 2 năm 2017 – 2018 đã khuyến khích sản xuất làm tăng nguồn cung, tạo xu hướng giảm giá do dư cung. Một số quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đã đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Còn thị trường Ả rập – Saudi vẫn đóng cửa đối với thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra.

Xuất khẩu sản phẩm từ khai thác hải sản tăng mạnh so với năm 2018 do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có giải pháp duy trì các thị trường truyền thống (Nhật, Hàn Quốc); tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Có những thị trường tăng trưởng vượt bậc như cá ngừ vào thị trường Trung Quốc tăng 135%, Mỹ 58%, riêng thị trường Mỹ đã chiếm gần 44% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này.

Xuất khẩu cá tra không đạt kỳ vọng – Ảnh: ST

Thận trọng

VASEP dự báo cả năm 2019, xuất khẩu tôm 3,4 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2018; xuất khẩu cá tra 2,06 tỷ USD, giảm 9%. Còn hải sản tiếp tục tăng trưởng để có thể cạnh tranh vị trí hàng đầu với tôm.

Phân tích của VASEP, tôm xuất khẩu giảm các tháng đầu năm, từ quý III/2019 đã phục hồi nhẹ gần 1% so cùng kỳ năm ngoái, sang tháng 10 tiếp tục tăng. Tính trong 9 tháng đầu năm, các thị trường điển hình tăng là Trung Quốc 7,2%, Mỹ 1%, Australia 7,3%, Đài Loan 13,9%. Đặc biệt ở thị trường Trung Quốc, tôm chân trắng tăng từ tháng 6 theo chính ngạch qua đường biển gấp khoảng 1,5 lần so với tháng trước, xu hướng này tiếp tục những tháng cuối năm; còn tôm sú hiện nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu tôm sú nước ta.

Cá tra cũng phục hồi mạnh ở thị trường Trung Quốc, quý III/2019 đạt 198,3 triệu USD tăng 56,6% so với cùng kỳ. Đến nay, thị trường cá tra đứng đầu là Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và EU, với 450,7 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nay sản phẩm cá tra fillet đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa.

Qua biến động, VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ cần thống nhất duy trì tốc độ tăng trưởng không quá lớn so với tốc độ phát triển của ngành. Nếu không, rủi ro về bị áp thuế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, từ Chính phủ Mỹ hoặc từ nguyên đơn. Đòi hỏi sự chia sẻ vì quyền lợi chung, không vì lợi ích ngắn hạn làm ảnh hưởng toàn ngành.

Còn cá tra, cũng theo VASEP, cần có chiến lược quốc gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, khi thị trường đã chiếm 32% giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam và dự báo có thể tăng lên 35 %. Lệnh cấm tôm từ Ecuador vào Trung Quốc khiến ngành tôm nước này chấn động khi 50% sản lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc có thể xem là lời cảnh báo cho ngành cá tra nếu không có chiến lược lâu dài.

Cần tính toán kỹ lưỡng

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tháng còn lại của năm, Bộ Công thương cho rằng, cần tận dụng mọi cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát nhập khẩu vào Việt Nam và xử lý các vấn đề về lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường Mỹ, Trung Quốc và cả các quốc gia khác. Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng trong các giải pháp thúc đẩy đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu, tránh việc phát triển “quá đà”, dễ rơi vào tình trạng bị động, dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu trở lại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất thủy sản tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm. Cụ thể là đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi và công tác kiểm dịch trong xuất nhập khẩu tôm nguyên liệu, tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt chất lượng, ATTP thủy sản nguyên liệu; kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm, góp phần đảm bảo uy tín của ngành tôm Việt Nam. Khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản theo hướng liên kết chuỗi và áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC…

>> Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòeối với ngành hàng tôm, yêu cầu trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh. Cần sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn nuôi quốc tế có chứng nhận. Yêu cầu dài hạn phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt.

Thanh Hải

Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Vượt lên chính mình để nắm bắt cơ hội

Vụ tôm nước lợ năm 2019 được đánh giá là có nhiều biến động nhất, khiến cho những dự báo của doanh nghiệp về sản lượng, thị trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, ngành tôm cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng cũng kịp về đích và hiện tất cả đang nỗ lực cho vụ tôm mới với những kỳ vọng cao hơn.

Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam đều thuộc top đầu thế giới là thuận lợi lớn cho con tôm Việt Nam trên thị trường.

Ngay khi còn trong giai đoạn cải tạo ao, nhiều dự báo đã cho thấy vụ tôm năm 2019 sẽ trúng mùa khi các yếu tố về thời tiết, môi trường đều khá thuận lợi. Và thực tế đã chứng minh những dự báo trên là hoàn toàn chính xác khi hầu hết các vùng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều trúng mùa. Tại Sóc Trăng, theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh, sản lượng tôm năm nay đạt trên 150.000 tấn, dù diện tích thả nuôi chỉ vào khoảng 57.000ha. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở ĐBSCL như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… đều ghi nhận có sản lượng tôm nuôi tăng so với năm 2018. Đánh giá về tình hình vụ nuôi, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Sản lượng tôm năm nay đúng ra sẽ tăng rất cao nếu như giá tôm những tháng đầu năm không xuống thấp và bệnh EHP không xuất hiện ở giai đoạn gần cuối vụ nuôi chính. Tuy nhiên, vụ tôm năm nay vẫn được đánh giá là thành công với sản lượng ước khoảng 860.000 – 870.000 tấn”.

Không chỉ có sản lượng tăng, mà chất lượng tôm nuôi cũng được nâng lên đáng kể, như nhận xét của ông Hà Hữu Tri – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex): “Năm nay tình hình nuôi tôm khá thuận lợi và chất lượng tôm nuôi cũng tốt hơn, nên hầu như không có doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào bị trả hàng như những năm trước. Điều này cùng với việc thế giới thiếu hụt nguồn cung đã làm cho giá tôm tăng mạnh trở lại, nhất là từ tháng 9 đến nay, trong đó, tôm ở size từ 40 con/kg trở về lớn có giá tăng mạnh nhất, do được tiêu thụ tốt tại các thị trường”.

Năm 2019, phần lớn người nuôi tôm trúng mùa nên sản lượng tôm cả nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù chỉ 1 con số.

Tuy nhiên, niềm vui của người nuôi tôm và doanh nghiệp xuất khẩu không được trọn vẹn do giá tôm thế giới và trong nước cứ liên tục giảm mạnh trong hơn 7 tháng đầu năm và dịch bệnh xuất hiện làm cho việc thả nuôi có phần chững lại và gây thiếu hụt nguyên liệu lúc cuối vụ, nên dù sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng giá trị xuất khẩu tôm cả nước ước tính chỉ đạt 3,6 tỉ USD, tức giảm khoảng 600 triệu USD so với kế hoạch. Tuy không đạt kế hoạch xuất khẩu, nhưng về tổng thể, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định và có lãi; người nuôi cũng không quá bấp bênh như những năm trước.

Theo đánh giá, lực lượng nuôi tôm hiện nay cũng khá chuyên nghiệp, điều đó được thể hiện qua việc họ chỉ thả nuôi khi điều kiện nuôi và thị trường thuận lợi, bởi chu kỳ của vụ nuôi tôm thẻ là khá ngắn. Chỉ có điều họ đang thiếu vốn và thiếu sự liên kết lẫn nhau, kể cả với doanh nghiệp, nên tính hiệu quả và bền vững chưa cao. Vì vậy, làm sao đẩy mạnh công tác chất lượng trong xuất khẩu tôm, tổ chức lại sản xuất quy mô trang trại, HTX để có điều kiện đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ, giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao an toàn sinh học và tỷ lệ thành công.

Cũng theo các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường tôm thế giới hàng năm tăng chưa đến 5%, nên trên cơ sở đó, mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020 vẫn là 10 tỉ USD, trong đó con tôm vào khoảng 4 – 4,2 tỉ USD cũng đã là một nỗ lực. Còn theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, các doanh nghiệp tôm của Việt Nam hiện ở top của thế giới, nên nếu tôm của chúng ta tốt thì vấn đề tiêu thụ không phải là quá lớn, dư địa để tăng trưởng là hoàn toàn có thể thực hiện được ở mức độ cho phép. Ngoài ra, sức tiêu thụ tôm năm 2020 cũng có khả năng tăng cao hơn nhờ vào 2 sự kiện thể thao quốc tế lớn là: Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 và vòng chung kết Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (UEFA Euro 2020).

Nhận định về thị trường xuất khẩu tôm năm 2020, các doanh nghiệp đều nghiêng về yếu tố thuận lợi nhiều hơn. Thuận lợi trước tiên được các doanh nghiệp nhắc đến chính là thuế suất chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ đã về 0%. Thứ hai là Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6-2020, sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất. Thứ ba là thị trường Trung Quốc hiện từ 75 – 80% hàng hóa thủy sản chúng ta đã xuất khẩu chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới. Liên quan đến việc liệu có diễn ra sự cạnh tranh nội bộ hay không ở thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, ông Lực cho biết: “Cạnh tranh vốn dĩ là bản chất của thương trường mà ở đó, các doanh nghiệp luôn đối đầu cạnh tranh nội bộ lẫn từ các cường quốc tôm. Do đó, muốn có năng lực cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh bài bản, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu; đồng thời coi trọng chọn lựa tôm nguyên liệu sạch, có thể truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu…”.

Tích Chu

Nguồn : Báo Sóc Trăng

Tình huống đặc biệt, dân Việt cả năm ăn hải sản cao cấp giá rẻ

Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn ra căng thẳng, hàng Mỹ vào Trung Quốc giảm mạnh và chuyển sang Việt Nam. Nhờ đó, dân Việt một năm tha hồ ăn hải sản cao cấp đại hạ giá, trái cây sang chảnh rẻ bèo, thịt giá rẻ.

Hàng cao cấp giá rẻ chưa từng có

Những năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn của nông sản Việt. Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn ra căng thẳng, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Song, ở chiều ngược lại, dân Việt được ăn nhiều loại hải sản, trái cây cao cấp với giá rẻ chưa từng có.

Còn nhớ, vài năm trở lại đây, tôm hùm Alaska và cua Hoàng đế Alaska có trọng lượng từ vài cân đến cả chục cân mỗi con được nhập về Việt Nam. Song, cùng với trọng lượng khủng, những con tôm, con cua này cũng được xếp vào những món ăn có giá đắt đỏ bậc nhất. Thực khách phải chi từ vài triệu đến cả chục triệu đồng để mua được loại hải sản này về ăn.

Tình huống đặc biệt, dân Việt cả năm ăn hải sản cao cấp giá rẻ
Tôm hùm Alaska được nhập về ồ ạt và bán với giá rẻ hơn cả tôm hùm của Việt Nam

Vì thế, phần lớn 2 mặt hàng này chỉ để phục vụ giới nhà giàu lắm tiền. Thậm chí, để thưởng thức được những loại hải sản cao cấp này, người mua còn phải chờ đợi cả tuần, thậm chí cả tháng vì chúng thuộc dạng hàng hiếm.

Thế nhưng, sang đến 2019, tôm hùm Alaska và cua Hoàng đế Alaska ồ ạt về Việt Nam, được bán la liệt trên thị trường, tràn lan “chợ mạng” với số lượng bao nhiêu cũng có.

Đáng chú ý, thay vì mức giá đắt đỏ 1,3-2,5 triệu đồng/kg như trước, hải sản cao cấp lại có giá rẻ chưa từng có. Đơn cử, tôm Alaska sống cỡ 500-900 gram/con giá bỏ sỉ là 700.000 đồng/kg; tôm Alaska sống cỡ 1-4 kg/kg/con giá 830.000 đồng/kg; tôm Alaska mới ngất cỡ 1-4 kg/con giá 570.000 đồng/kg; tôm Alaska ngộp cỡ 1-4 kg/con giá 480.000 đồng/kg,…

Trên thị trường giá bán lẻ của loại tôm này chỉ dao động từ 550.000-1 triệu đồng/kg tuỳ loại.

Bên cạnh tôm hùm Alaska, cua Hoàng đế Alaska giá cũng giảm một nửa so với năm 2018, xuống chỉ còn 1,3-1,5 triệu đồng/kg cho loại cua sống đang bơi thay vì giá 1,9-2,5 triệu đồng như trước đó.

Tương tự, nếu các năm trước, cherry Mỹ về Việt Nam giá 400.000-600.000 đồng/kg thì năm 2019, người Việt được ăn loại trái cây sang chảnh này với giá rẻ bất ngờ. Trên thị trường, giá cherry Mỹ nhập khẩu giá 200.000-300.000 đồng/kg tùy loại, giảm gần nửa so với những năm trước.

Tình huống đặc biệt, dân Việt cả năm ăn hải sản cao cấp giá rẻ
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung căng thẳn, cherry Mỹ đổ về Việt Nam giá giảm một nửa

Các chuyên gia trong ngành cho hay, do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đã hủy mua nhiều mặt hàng của Mỹ để trả đũa sau khi Mỹ áp thuế 300 tỷ USD lên hàng hóa của nước này. Do đó, một số mặt hàng trước kia Mỹ xuất bán sang Trung Quốc thì đang hoặc sắp tới sẽ được đẩy sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Giới buôn bán trái cây nhập khẩu cho biết, lượng cherry Mỹ năm nay nhập về Việt Nam tăng gấp 3 lần, giá giảm khoảng 40-50% so với năm 2018.

Thực tế, chia sẻ trên South China Morning Post vào hồi giữa năm nay, một thương nhân ở Thượng Hải có nhiều năm nhập khẩu cherry kể từ khi căng thẳng Mỹ – Trung diễn ra, nhiều đối thủ của ông đã cắt đứt kinh doanh với đối tác Mỹ, thậm chí hoàn trả các chi phí thanh toán trước. Hơn một nửa số hàng cherry của Mỹ sẽ không được xuất sang Trung Quốc và đây sẽ là thiệt hại lớn cho nông dân nước này.

Ở mặt hàng cua lông, dù không bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ – Trung, song năm 2019, dân Việt cũng được thưởng thức loại đặc sản mỗi năm chỉ có một lần này ở Trung Quốc với giá siêu rẻ, chỉ khoảng 45.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi, những năm trước đó, cua lông bán ở Việt Nam có giá từ 200.000-1 triệu đồng/con tùy loại.

Thịt lợn, thịt gà giá rẻ dồn về Việt Nam

Năm 2019, do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung trong nước thiếu hụt kéo theo lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh. Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 11,7 ngàn tấn thịt với kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tiết lộ, các mặt hàng như chân lợn, tai lợn, đuôi lợn,… từ Mỹ  nhập về qua cảng ICD Phước Long TP.HCM giá chỉ 1 USD/kg (tương đương 23.238 đồng/kg).

Mức giá này được cho là siêu rẻ khi so với giá thịt lợn tại Việt Nam đang ở mức 150.000-250.000 đồng/kg tùy loại.

Tình huống đặc biệt, dân Việt cả năm ăn hải sản cao cấp giá rẻ
Thịt gà nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng mạnh trong năm 2019

Ba cuối năm, theo tính toán của Bộ NN-PTNT, cả nước dự kiến thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Theo đó, việc nhập khẩu thịt lợn cũng đang được tính toán đề bù đắp vào sự thiếu hụt này.

Ngoài thịt lợn, năm 2019 thịt gà nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng mạnh. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thịt gà từ Mỹ chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh…).

Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, khi thịt lợn, thịt gà Mỹ vào Việt Nam nhiều, người tiêu dùng sẽ được mua sản phẩm với giá tốt, có nhiều sự lựa chọn hơn, song đương nhiên người sản xuất sẽ thiệt thòi. Vấn đề là cần tính đến câu chuyện hài hoà lợi ích giữa các bên, đảm bảo hỗ trợ người sản xuất có được lợi nhuận.

Châu Giang

Nguồn :https://vietnamnet.vn/

Ngành tôm và những kỳ vọng mới

(Thủy sản Việt Nam) – Ngành tôm trải qua một năm 2019 nhiều thăng trầm, với những khó khăn nội tại và thách thức. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu không đạt như kỳ vọng, nhưng đây vẫn là mặt hàng được nhận định có nhiều điểm sáng trong năm 2020.

Bài toán khó từ con giống

Là quốc gia có ngành tôm phát triển trên thế giới, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm, vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% tôm chân trắng bố mẹ, còn tôm sú bố mẹ một phần vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống TTCT; số lượng giống sản xuất 100,3 tỷ con (tôm sú 23,5 tỷ con; TTCT 76,8 tỷ con). Tính đến 31/11/2019, Việt Nam đã nhập 180.170 con tôm bố mẹ, tương đương với cùng kỳ năm 2018; tôm bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh. Một phần tôm giống từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch. Khu vực nuôi tôm quảng canh rộng lớn đang cần có những đột phá về con giống (cần con giống có khả năng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh) và về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ.

Cùng với đó, hiện cả nước có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thức ăn, thuốc dùng trong nuôi tôm; nhưng chất lượng chưa đồng đều và thực tế sản xuất cho thấy, người nuôi chưa được tiếp cận nhiều các sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm trôi nổi thì lại được đưa tới các trang trại ao tôm thường xuyên. Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản Bạc Liêu, chia sẻ nhiều doanh nghiệp nhỏ, chưa có thương hiệu, nhưng lại có hệ thống nhân viên thị trường tiếp cận, giới thiệu tới các hộ nuôi những sản phẩm có giá thành rẻ hơn rất nhiều, nhưng chất lượng thì chưa được kiểm chứng. Theo đó, nhiều hộ nuôi ham rẻ sử dụng cho ao nuôi của mình, kết quả là “tiền mất tật mang”.

 

Hóa giải những bất cập

Dịch bệnh vẫn là nỗi lo thường trực trong sản xuất của các hộ nuôi tôm, đây là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả nuôi trồng. Theo ghi nhận, dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát khi điều kiện thời tiết không phù hợp, đặc biệt là bệnh EMS và vi bào tử trùng (EHP). Cuối năm 2019, công tác quan trắc môi trường phục vụ NTTS và phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi tiến hành giám sát 16 ao nuôi TTCT và tôm sú nuôi thâm canh thuộc huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và huyện Cái Nước (Cà Mau) đã phát hiện thấy tôm nuôi có nhiễm bệnh vi bào tử trùng (EHP) với tỷ lệ tương ứng là 7,9% và 20,3%; tỷ nhiễm bệnh EHP khá cao vì xuất hiện trên 11% số mẫu phân tích.

Một thực tế khác đó là, nuôi tôm của Việt Nam vẫn còn mang tính manh mún và nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; người nuôi chưa chú trọng trong công tác ghi chép sổ nhật ký; quản lý hệ thống ao nuôi chưa tốt, một số hộ còn lén lút xả chất thải ra môi trường gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn xảy ra ở các cơ sở thu mua và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam. Mặc dù, thời gian qua đã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất cũng như nhiều doanh nghiệp đầu tư quy hoạch nuôi nhưng số lượng này chiếm tỷ lệ nhỏ. Yếu tố này đã khiến cho chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó đạt được các tiêu chuẩn quốc tế…; từ đó, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tại các thị trường nhập khẩu. Như chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Trường, Chi cục Thủy sản Quảng Nam, do chi phối bởi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên người dân không mặn mà đầu tư nuôi tôm theo hướng VietGAP vì có nhiều ràng buộc phải thực hiện. Mặc dù, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí với mức hơn 600 triệu đồng cho 1 dự án nuôi tôm VietGAP nhưng vẫn chưa thu hút được đầu tư.

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng đang gặp thách thức lớn về biến đổi khí hậu, muốn tăng diện tích nuôi tôm đòi hỏi đầu tư về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, sản xuất nhỏ lẻ còn chiếm 70 – 80% diện tích ngành sản xuất tôm, thực trạng này dẫn đến khó khăn trong hội nhập và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Với bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, liên kết kém, khó khăn về nguồn tôm bố mẹ và cơ sở hạ tầng nên giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh hạn chế.

Không chỉ vướng ở những yếu tố nội tại, ngành tôm Việt cũng đang phải chịu sự canh tranh gay gắt cũng như hàng rào kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới, năm 2019 thể hiện rõ nét nhất. Từ tháng 3 – 8/2019 giá tôm giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; nguyên nhân do các nước như Ấn Độ, Ecuador trúng mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Cũng do giá thành sản xuất tôm ở ĐBSCL cao nên không ít doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về với giá rẻ hơn, làm cho tôm trong nước bị cạnh tranh và dư nguồn cung.

Ngành tôm đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới – Ảnh: ST

 

Triển vọng sáng

Năm 2020, ngành tôm được kỳ vọng có nhiều tăng trưởng thông qua những dấu hiệu tích cực từ sản xuất và thị trường. Tại Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Thương mại nước này đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%, trong danh sách có nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Sao Ta, C.P. Việt Nam, Camimex… Bên cạnh đó, việc các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đi vào thực thi mà điển hình là CPTPP, EVFTA, sẽ tạo thêm rất nhiều cơ hội cho ngành thủy sản nói chung trong đó có mặt hàng chiến lược là con tôm có thêm sung lực mới. Tác động của hiệp định tự do thương mại tự do cũng sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Theo xu hướng chung của thế giới, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển; trong đó có con tôm. Chính vì vậy, thời quan qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiên phong nghiên cứu áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tạo sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi mô hình CPF-Combine, công nghệ 2-3-4, ương tôm mật độ cao Raceway, nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn nổi theo công nghệ biofloc, công nghệ BioSipec… Đây là hướng đi bền vững và là xu thế phát triển tại Việt Nam, mở ra triển vọng bền vững cho ngành tôm.

Bên cạnh đó, việc sản xuất tôm sạch, theo tiêu chuẩn, liên kết đã được chú trọng để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh. Theo kế hoạch, năm 2020, ngành thủy sản sẽ tập trung cấp mã số cho các cơ sở nuôi tôm nước lợ. Chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025: tổng diện tích nuôi tôm 750.000 ha (tôm sú 600.000 ha, TTCT 150.000 ha), tổng sản lượng 1.100.000 tấn (tôm sú 400.000 tấn, TTCT 700.000 tấn), xuất khẩu tôm nuôi nước lợ trên 8,4 tỷ USD. Trọng tâm trong sản xuất là chủ động gia hóa, chọn tạo và sản xuất trên 90% số tôm sú bố mẹ; trên 70% số TTCT bố mẹ.

>> Để khắc phục những khó khăn từ nội tại cũng như tận dụng những cơ hội phía trước, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của con tôm thì cần nhanh chóng giảm chi phí giá thành nuôi nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các nước; sắp xếp lại vùng nuôi tôm để hình thành các trang trại hay HTX có quy mô lớn theo chuẩn nuôi của quốc tế có chứng nhận. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, đảm bảo hệ thống thủy lợi tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan và lâu dài cần tiến tới xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt. 
Vân Anh
Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/

Bỏ 1 thu lãi 1, lại lo nông dân đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng

(Dân Việt) 3 năm qua, do giá tôm thẻ chân trắng liên tục ở mức thấp, nông dân không có lãi nên nhiều người bỏ tôm thẻ chuyển sang nuôi tôm sú, dẫn tới sản lượng tôm thẻ giảm mạnh. Nhưng gần đây, các doanh nghiệp chế biến đang cần nguồn tôm nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc nên dẫn đến cầu vượt cung, đẩy giá loại tôm này tăng mạnh.

Với mức tăng từ 15.000 –45.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi tôm đang thu lãi đậm, chính vì thế không ít ý kiến lo lắng bà con lại đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng như trước đây.

Giá tôm tăng nhanh, nuôi 1 lãi 1

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá tôm nguyên liệu trong tháng 12/2019 có xu hướng tăng đối với cả 2 loại tôm sú và tôm thẻ chân trắng do nguồn cung thấp, nhu cầu cao.

Do nguồn cung thiếu hụt, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu nên giá tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đang tăng cao (ảnh chụp tại Cà Mau). Ảnh: Lê Huy Hải

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2019 đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018.

Trong đó, tôm chân trắng giảm 3,2%, đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70%; tôm sú cũng giảm mạnh 15%, đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%. Các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.

Kim ngạch xuất khẩu tôm giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém, nửa cuối năm mới dần phục hồi. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg trong tháng 12/2019 đã tăng 20.000 đồng/kg, lên 230.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg, lên 180.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg 142.000 đồng/kg.

Đặc biệt, giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg đang tăng mạnh, với mức tăng 35.000 đồng/kg, lên mức 145.000 đồng/kg; cỡ 70 con/kg tăng 35.000 đồng/kg, lên mức 135.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg tăng 10.000-15.000 đồng/kg, lên 95.000 – 100.000 đồng/kg.

Tương tự, tại Cà Mau giá tôm thẻ chân trắng cũng đang tăng cao. Theo Sở Công Thương Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg đang ở mức 95.000 đồng/kg, loại 70 con/kg có giá khoảng 110.000 đồng/kg và loại 50 con/kg có giá khoảng 125.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng khoảng 30% so với thời điểm 3 tháng trước.

Ông Nguyễn Minh Luân – hộ dân nuôi tôm thâm canh ở xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, Cà Mau) cho biết, giá tôm tăng cao, sau khi trừ chi phí hầu như hộ nào cũng có lãi. Nếu quản lý tốt và trúng mùa, thậm chí có hộ lãi tới 50%, tức đầu tư 1 thu lãi 1.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm 230.000ha, trong đó có hơn 10.000ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh cho năng suất cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sen – một nông dân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, vui vẻ cho biết, đã khá lâu rồi người nuôi tôm mới hưởng trọn niềm vui trúng mùa, được giá như bây giờ. Sau hơn 3 tháng thả nuôi 350.000 con giống tôm thẻ chân trắng, tôm đạt cỡ 40 con/kg, gia đình ông Sen thu hoạch được 10 tấn, thương lái đến mua hết ngay tại ao với giá trung bình 146.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 700 triệu đồng.

Trước đó, thời điểm giữa năm nay trở về 1-2 năm trước, giá tôm thẻ nguyên liệu có lúc sụt giảm thê thảm, loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 60.000– 70.000 đồng/kg, gần bằng với giá thành sản xuất nên người nuôi tôm lỗ vốn hoặc không có lời. Nhiều người chán nản chuyển sang nuôi tôm sú, không ít hộ treo ao nên dẫn tới nguồn cung tôm thẻ giảm mạnh so với trước.

Doanh nghiệp khan hàng

Các nhà chế biến, xuất khẩu tôm cho biết, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng tôm của các nước đang tăng mạnh để phục vụ nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm và dịp tết của một số thị trường quan trọng, trong đó có Trung Quốc.

Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong năm 2019, nhìn chung thị trường tương đối ổn định đối với tôm sú nhưng đối với tôm thẻ chân trắng có sự biến động khá nhiều. Lúc giữa năm giảm mạnh, có loại chỉ còn 60.000 đồng/kg, nhưng những tháng cuối năm lại tăng mạnh và dự báo có thể tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm. Hiện nhiều công ty chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong việc thu mua tôm nguyên liệu, trong khi vẫn phải đẩy mạnh mua vào để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm leo thang.

Trước tình hình này, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân nên cân nhắc chuyện tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vụ mới để tránh nguy cơ tăng nguồn cung đột biến, rơi vào vòng luẩn quẩn cung vượt cầu, nhất là khi thị trường xuất khẩu tôm hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng – ông Lương Minh Quyết cũng nhận định, tôm được giá, nông dân ai cũng vui mừng, nhưng không vì vậy mà ồ ạt thả giống. Chỉ khi nào đủ điều kiện mới nên thả nuôi nhằm tránh rủi ro, bị dội hàng và rớt giá. Bên cạnh đó, việc có nhiều thương lái cạnh tranh thu mua tôm cũng sẽ tạo sân chơi bình đẳng, có lợi cho người nuôi.

Nguồn : http://danviet.vn/

Khát vọng nâng tầm tôm Việt

Sau nhiều năm khởi nghiệp, làm giàu ở nước bạn, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, đã quyết định quay về quê nhà Bạc Liêu để đầu tư nâng tầm tôm Việt.
Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc tại Bạc Liêu /// Phan Thanh Cường

Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính của Tập đoàn Việt – Úc tại Bạc Liêu

Phan Thanh Cường

Vươn lên từ tay trắng

Ông Văn là con thứ tư trong một gia đình có 9 anh chị em ở ấp 4, P.Hộ Phòng (TX.Giá Rai, Bạc Liêu). Năm 1982, ông theo người anh sang Úc định cư. Khi mới sang đây, ông Văn có hai năm làm công nhân cho xưởng sửa chữa máy lạnh. Tích lũy được chút vốn, ông mở cửa hàng may nhỏ. Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời là khi ông Văn tình cờ gặp một chủ cơ sở xưởng may người Hy Lạp, chuyên gia công quần áo. Ban đầu ông thuyết phục chủ cơ sở giao lại lô hàng gia công 4.000 chiếc áo để ông bán. Lô hàng đó ông đem bỏ mối cho các hộ gia đình khác, kiếm lời đến 10.000 đô la Úc. Thành công này khích lệ ông tiếp tục hợp tác, tích lũy vốn, sau đó mua lại luôn cơ sở này. “Khi đặt chân lên nước Úc, tôi không có một xu dính túi. Phải mất nhiều tháng trời lang thang tìm việc, sau đó trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc với đội ngũ hơn 300 công nhân”, ông Văn kể.
Năm 1987, ông quyết định mở tiệm rửa hình nhanh đầu tiên tại Úc rồi thuyết phục các chủ tiệm bán báo, cửa hàng tạp hóa nhỏ tham gia tiệm rửa hình của mình. Từ đó, doanh nghiệp của ông tăng trưởng mạnh trên cả nước và dần trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp tráng rửa phim lớn nhất nước Úc, sản xuất 5 triệu cuộn phim mỗi năm. Năm 2000, doanh nghiệp của ông chiếm giữ 50% thị phần, áp dụng công nghệ xử lý hình ảnh tự động, hiện đại bậc nhất từ Đức. Ba năm sau, doanh nghiệp của ông mua lại luôn đối thủ cạnh tranh lớn nhất để rồi 1 năm sau đạt mốc doanh thu 50 triệu đô la Úc, cùng mạng lưới rộng khắp trên 6.000 đại lý bao phủ cả nước Úc.
Khát vọng nâng tầm tôm Việt1

Ông Lương Thanh Văn (bìa trái) cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành tham quan khu nuôi tôm trong nhà kính ở Bạc Liêu

Vực dậy ngành tôm

Khởi nghiệp, làm giàu ở nước bạn, nhưng lúc nào ông Văn cũng mong muốn góp phần xây dựng quê hương. Cuối năm 1990, nghe tin người dân vùng ĐBSCL ùn ùn bỏ trồng lúa sang nuôi tôm bởi hiệu quả kinh tế của cây lúa quá thấp, ông Văn lập tức đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm hiện đại tại một số nước châu Á. Năm 2001, ông quyết định thuê đất ở Bình Thuận, thành lập Công ty Việt – Úc (tiền thân của Tập đoàn Việt – Úc hiện nay) để xây dựng trang trại sản xuất tôm giống chất lượng cao, có quy mô lớn cung ứng cho bà con.
Theo ông Văn, trong chuỗi giá trị của ngành tôm thế giới thì con giống luôn là phân khúc được rất nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển, bởi đây là khâu quyết định trên 55% thành công của một vụ nuôi. Từ đó, để chủ động nguồn tôm bố mẹ, doanh nghiệp của ông Văn hợp tác với nhiều đối tác chiến lược lớn như Viện CSIRO (Úc), Công ty BenchmarkHolding JSC (Vương quốc Anh), Trường ĐH Cần Thơ, Nha Trang, Nông Lâm TP.HCM, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2…, liên tục triển khai các chương trình nghiên cứu. Qua đó, tập đoàn đã chủ động được nguồn tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Với việc ứng dụng các phương pháp hiện đại di truyền số lượng, di truyền phân tử… tập đoàn đã chọn tạo được giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ thế hệ G10 với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 là 60%. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để có thể sản xuất nguồn tôm giống không chỉ có sức đề kháng cao, mà còn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương, góp phần giúp bà con chọn lựa được nguồn giống tốt, tăng hiệu quả, lợi nhuận trong quá trình nuôi tôm.
Khát vọng nâng tầm tôm Việt2

Ông Lương Thanh Văn với khát vọng nâng tầm tôm Việt

Xây chuỗi giá trị

Qua nghiên cứu kỹ thuật nuôi tôm hiện đại từ các nước trên thế giới, năm 2015, Tập đoàn Việt – Úc mạnh dạn đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính bằng công nghệ hiện đại của Israel với quy mô 50 ha tại xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, Bạc Liêu. Các ao nuôi trong nhà kính đều được lót bạt dưới đáy; trang bị thiết bị thu sóng siêu âm Sonar, quạt nước, máy bơm ô xy hoạt động liên tục 24/24 giờ nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho tôm phát triển. Đặc biệt, nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng bằng ao lắng với nhiều trang thiết bị tối tân rồi mới đưa vào ao nuôi.
Khu nuôi được chia làm 414 ao, mỗi ao rộng 500 m2, mật độ thả giống từ 200 – 500 con/m2. Sau thời gian khoảng 90 ngày thả nuôi thì cho thu hoạch, năng suất đạt từ 2 – 4 tấn/ao, tương đương 40 – 80 tấn/ha/vụ (khoảng 120 – 240 tấn/ha/năm). Theo ông Văn, với năng suất trên, 1 ha nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính có thể lời gấp từ 60 – 80 lần so với nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp truyền thống, năng suất chỉ từ 2 – 3 tấn/ha. Đặc biệt, tôm nuôi trong nhà kính đạt chất lượng cao, không dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, truy xuất được nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từ thành công trên, năm 2018, Tập đoàn Việt – Úc tiếp tục đầu tư khu phức hợp sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu có quy mô 315 ha, vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu. Theo ông Văn, việc hình thành các khu phức hợp với mục tiêu tạo dựng được chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất giống, nuôi tôm và đến chế biến xuất khẩu. Để hiện thực hóa khát vọng nâng tầm tôm Việt, tập đoàn đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa các công nghệ tiên tiến đến hàng ngàn hộ nuôi tôm khắp cả nước với mong muốn cùng nhau chung tay nâng cao giá trị thương hiệu tôm Việt, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trong khu vực và thế giới.
Sau 18 năm đầu tư tại Việt Nam, hiện Tập đoàn Việt – Úc đã xây dựng nhiều khu nuôi tôm công nghiệp cao, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, tập đoàn đã xây dựng nhiều trang trại sản xuất giống có quy mô lớn ở nhiều tỉnh, thành với công suất 50 tỉ con/năm, đáp ứng 25% thị trường tôm giống cả nước. Năm 2018, cơ sở của Tập đoàn Việt – Úc tại Bạc Liêu vinh dự được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây được xem là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt và thành công lớn không chỉ đối với Tập đoàn Việt – Úc mà cả cho ngành sản xuất tôm Việt Nam.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết địa phương được Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đặc biệt, Tập đoàn Việt – Úc đã đầu tư, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến tại khu này. Mục tiêu từng bước đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước; đồng thời phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD vào năm 2025.
Nguồn : https://thanhnien.vn/