TPO – Doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam là Minh Phú của “vua tôm” Lê Văn Quang vừa lên tiếng, sau khi bị phía Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) với tập đoàn này.
Sóc Trăng người nuôi tôm trúng mùa
(ĐCSVN) – Hơn mười năm qua, tỉnh Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đi đầu là nghề nuôi tôm xuất khẩu. Nghề này từ quảng canh cải tiến đến công nghiệp và bán công nghiệp tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy chế biến thủy sản, đã làm thay đổi bộ mặt của hàng chục xã ven biển.
Những cánh đồng tôm ở Sóc Trăng hứa hẹn người nuôi tôm trúng mùa |
Vụ nuôi tôm sú năm 2019, tỉnh Sóc Trăng đánh giá là ổn định và thuận lợi nhất, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại rất thấp. Theo ông Dương Tấn Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng: Năm 2019 người nuôi tôm Sóc Trăng gặp bất lợi, giá bán thấp trong giai đoạn đầu năm. Đến những những tháng cuối năm dịch bệnh tôm: bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và bệnh phân trắng, chủ yếu do yếu tố môi trường. Dù vậy, nhờ áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa, giảm tối đa tỷ lệ tôm mắc bệnh nên kết thúc các vụ nuôi tôm trong năm phần lớn người nuôi tôm trúng mùa.
“Năm 2019, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi tôm nước lợ 57.500 ha, vượt hơn 15% kế hoạch, tăng 2,4% so cùng kỳ (trong đó tôm sú 19.100 ha, tôm thẻ 38.400 ha). Tổng mức thiệt hại rất thấp, chỉ 5.077 ha (chiếm 8,8% diện tích thả nuôi, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018). Đây là mức thiệt hại thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 211.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt trên 150.350 tấn (tăng 11% so với cùng kỳ). Năng suất tôm thẻ bình quân đạt 4,4 tấn/ha, tôm sú đạt 1,5 tấn/ha” – ông Trường nói.
Vĩnh Châu là thị xã miệt biển có diện tích thả nuôi tôm lớn của tỉnh Sóc Trăng. Ông Lê Minh Trường, Trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu cho biết: “Vụ nuôi tôm năm 2019, Vĩnh Châu đã thắng lớn, với diện tích nuôi tôm là 29.143ha, trong đó tôm thẻ 18.335ha, tôm sú 9.531ha, cao hơn cùng kỳ 442ha và diện tích tôm nuôi bị thiệt hại dưới 10% diện tích thả nuôi (năm 2018 là 37% diện tích thả nuôi), nguyên nhân ít thiệt hại là người nuôi tôm ở Vĩnh Châu kiểm soát tốt được các dịch bệnh trên tôm cũng như ngành chuyên môn đã triển khai tuyên truyền, vận động đến hộ nuôi, cơ sở nuôi áp dụng các quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm 3 giai đoạn, nuôi tôm bằng ao lót bạt và nuôi tôm sinh học trong ao đất…phần đông hộ dân nuôi tôm hầu hết đều thu lợi nhuận khá”.
Người nuôi tôm Sóc Trăng trúng mùa tôm. |
Mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Vĩnh Châu đang khẳng định ưu thế, vì nó đáp ứng được tập quán canh tác của nông dân miệt biển. Anh Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu) là hộ vừa thu hoạch xong vụ mùa tôm 2019, với diện tích nuôi 4ha chia thành 11 ao đất để nuôi, nhưng anh lại chọn cách thức nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn. Đây cũng là một trong những quy trình nuôi tôm được ngành nông nghiệp khuyến cáo đến hộ dân. Anh Khởi cho biết: Suốt 5 năm qua, tôi nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn đều thành công. Để nuôi tôm ao đất thu về lợi nhuận tốt và giảm chi phí, giá thành đầu tư, cần phải áp dụng quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn và trước khi thả tôm nên nuôi nước trong một thời gian nhất định mới lấy nước vào nuôi tôm và tôm đạt kích cỡ chuyển sang ao nuôi mới, cứ chuyển tôm nuôi trong 3 lần nuôi, hạn chế rủi ro về dịch bệnh trên tôm nuôi, tôm lớn nhanh. Tôm thả nuôi thời gian tầm 3 – 3,5 tháng là thu hoạch, thả nuôi tôm 2 đợt/năm, sản lượng thu về hơn 41 tấn tôm, trừ hết chi phí lợi nhuận gần 2,5 tỉ đồng/năm/4ha. “Bí quyết để nuôi tôm đạt kết quả tốt của tôi là nuôi theo hướng an toàn sinh học, trước khi thả tôm nuôi phải nuôi nước, sang con tôm nuôi qua các ao mới trong cùng vụ nuôi, quanh ao nuôi tôm cần trồng cỏ nhằm ngăn chặn nước mưa trên bờ chảy xuống làm ao nước nuôi tôm bị đục sẽ ảnh hưởng đến con tôm trong ao, không sử dụng các chất bổ sung cho tôm nuôi không rõ nguồn gốc xuất xứ…” – anh Khởi nói.
Anh Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu) thu hoạch vụ tôm thẻ. |
Những ngày qua, không khí rộn ràng lại diễn ra trên những cánh đồng tôm ở xã Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Trung Bình (huyện Trần Đề – Sóc Trăng). Ông Nguyễn Văn Đầy ở ấp Mỹ Chánh, xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) thả 420.000 post vào ao đất diện tích 2.200m2, sau 70 ngày thu hoạch tôm cỡ 60 con/kg, lãi 200 triệu đồng, nuôi tôm thắng lợi nhờ áp dụng công nghệ vi sinh đột phá. Đây là phương pháp nuôi tôm “nói không với kháng sinh” mà sử dụng những chế phẩm bổ sung là vi sinh, khoáng chất, vitamin, dinh dưỡng… Ông Đầy chia sẻ: “Trước đây, người nuôi tôm rất bị động, lúng túng khi ao nuôi xảy ra sự cố. Xử lý thường được bà con áp dụng: Khi tôm bị bệnh gan, ruột, rớt lai rai, bỏ ăn thì dùng kháng sinh diệt khuẩn, dùng hóa chất cắt tảo và hạn chế khí độc. Không chủ động khống chế nên lúng túng và xử lý theo sự vụ, không nắm vững được kiến thức cơ bản, bản chất vấn đề về phòng và trị; gây lãng phí, không hiệu quả đặc biệt là lạm dụng kháng sinh, hóa chất. Dù mới nuôi trong năm 2019 nhưng hiệu quả thật bất ngờ, năng suất tôm vượt trội và bệnh trên tôm hầu như không thấy”. Bên cạnh giảm chi phí sản xuất như sử dụng nhân công hiệu quả, thiết kế mô hình tối ưu, chọn thức ăn, chọn nguồn tôm giống, quản lý thức ăn để giảm giá thành sản xuất…
Các mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả đã và đang được nhân rộng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất tôm nuôi, để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. Thành công này mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm không chỉ ở Sóc Trăng mà còn cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng thủy sản./.
Giá tôm thẻ 17.01.2020 (A1=>A5)
Gia the stapimex số 007,ad:18g17.01.2020 (A1=>A5)
15c:268,265,263,261,258.
20c:243,240,238,236,233.
25c:189,186,184,182,179.
30c:165,162,160,158,155.
35c:155,152,150,147,143.
40c:148,145,143,140,136.
45c:141,138,136,133,129 .
50c:135,132,130,127,124 .
55c: 127,124,122,119,116.
60c:119,116,114,111,108 .
70c:118,115,113,110,107 .
80c:110,107,105,102,99 .
90c:105,102,100,97,94.
100c:101,98,96,93,90.
110c:90,87,85,82,79.
120c:89,86,84,81,78.
130c:88,85,83,80,77.
140c:86,83,81,78,75.
150c:82,79,77,74,71.
155c:77,74,72,69,66.
Giam 2 từ 60c đến 90c.
Nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, áp dụng các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu từ thị trường
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2020, TP Cần Thơ duy trì diện tích nuôi thủy sản khoảng 8.200ha với sản lượng nuôi đạt trên 198.600 tấn.
Nuôi cá tra tại Hợp tác xã Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch; áp dụng các quy trình tiêu chuẩn vào sản xuất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thị trường. Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, SQF 1000M, ASC… Đồng thời, đẩy mạnh công tác sản xuất giống thủy sản nhằm cung ứng giống chất lượng cao cho toàn vùng ĐBSCL; tăng cường công tác quản lý chất lượng thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường. Đối với ngành cá tra tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất (bao gồm người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, các dịch vụ thủy sản) để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất.
Năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố là 9.954ha, vượt 18,5% kế hoạch; sản lượng đạt 228.342 tấn, vượt hơn 13% kế hoạch, tăng 5,33% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi cá tra 790ha, vượt 5,33% kế hoạch; sản lượng là 196.159 tấn, vượt 19% kế hoạch.
Tin, ảnh: MỸ THANH
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản
Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi nói chung và trong nuôi thủy sản nói riêng đang là vấn đề cấp thiết được các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng quan tâm. Bởi, không chỉ gây hại đến môi trường nuôi, chất lượng các con nuôi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh Nam Định là 15.590ha (nuôi mặn lợ 6.190ha, nuôi ngọt 9.400ha). Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2019 đạt 105.635 tấn, tăng 7,5% so với năm 2018, đạt 104,6% kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng nuôi mặn lợ đạt 53.335 tấn, tăng 5,4% so với năm 2018. Các đối tượng nuôi mặn lợ chủ yếu như ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá bống bớp… Sản lượng nuôi nước ngọt đạt 52.300 tấn, tăng 9,8% so với năm 2018, với các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống, cá diêu hồng, cá lóc bông và một số loài có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen cũng đang ngày càng được phát triển mạnh mẽ, hình thành được một số vùng nuôi tập trung. Những năm gần đây, hầu hết người nuôi thủy sản cả nước ngọt và mặn lợ đều sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều thức ăn dẫn tới dư thừa cộng với chất thải của thủy sản làm cho môi trường nước ao nuôi ô nhiễm, là tác nhân phát sinh các mầm bệnh. Mặc dù thuốc kháng sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc chống lại nhiều bệnh tật cho các loại thủy sản nhưng việc sử dụng bừa bãi lại gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Đó là việc hình thành hệ vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh, đồng thời làm hủy diệt hệ vi sinh vật tự nhiên vốn có. Hơn nữa, khi sử dụng kháng sinh quá liều lượng sẽ tạo ra nhiều chất kim loại độc hại tồn đọng trong lớp bùn ao nuôi, làm xáo trộn sự cân bằng của môi trường nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các đối tượng thủy sản.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi, ngay từ đầu năm Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kết hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT cùng với các ngành chức năng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các vùng nuôi thủy sản định kỳ 1 tháng 2 lần. Ngoài biện pháp trực tiếp tuyên truyền các quy định mới theo Luật Thủy sản năm 2017 về điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú ý, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản đến các hộ nuôi thủy sản thì các cơ quan chức năng còn in băng rôn, sổ tay hướng dẫn nuôi thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đến các hộ nuôi thủy sản và cả người tiêu dùng; hướng dẫn các hộ nuôi thả giống đúng mùa vụ. Với sự chỉ đạo, kiểm soát sát sao của các ngành chức năng, người nuôi và kinh doanh, chế biến thủy sản cũng đã dần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, hiểu được tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản. Qua các đợt kiểm tra cho thấy hầu hết không xảy ra hiện tượng lạm dụng kháng sinh trong các vùng nuôi thủy sản. Người nuôi đã đặc biệt chú ý từ khâu chọn con giống, chỉ chọn mua con giống tại những cơ sở uy tín và con giống phải khỏe mạnh, màu sắc tốt. Khâu quản lý môi trường nước được người nuôi coi trọng vì làm tốt khâu này thì các đối tượng nuôi sẽ khỏe mạnh hơn, khả năng miễn dịch cao hơn, ít phải sử dụng kháng sinh. Anh Nguyễn Đức Chỉnh, xóm Xuân Hóa, xã Hải Xuân (Hải Hậu) có 3ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua quá trình tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, anh đã hạn chế việc sử dụng kháng sinh cho tôm bằng cách chủ động bổ sung đầy đủ và đúng cách các khoáng chất cần thiết cho tôm. Ngoài ra, anh còn sử dụng lá cây mật gấu và cây diệp hạ châu, đun lấy nước sôi trộn vào thức ăn cho tôm khi tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh hoặc vào những thời diểm nhạy cảm như thời tiết diễn biến thất thường khó nắm bắt. Vì vậy nên đàn tôm của anh phát triển khỏe mạnh, đồng đều. Một số cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh còn áp dụng chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường nước, từ đó con nuôi khỏe mạnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho người nuôi thủy sản, Sở cũng tăng cường tập huấn hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ kỹ thuật và nhân viên tham gia trong từng công đoạn sản xuất, nuôi, chăm sóc, sơ chế và chế biến thủy sản về các quy định về sản xuất, kinh doanh thủy sản an toàn, bền vững, phát hiện ngăn chặn các hành vi lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản. Tổ chức ký kết bản thỏa thuận giữa các bên có liên quan, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, giữa các cơ sở cung cấp đầu vào với cơ sở nuôi… trong tổ chức triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh thủy sản theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Chủ trì, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát, ngăn chặn hành vi lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản. Trong năm 2019, Chi cục đã phối hợp với các cấp huyện, xã tổ chức ký cam kết sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho 140 hộ nuôi trồng thủy sản; tổ chức thẩm định, đánh giá về điều kiện an toàn thực phẩm cho 5 đơn vị sản xuất thủy sản và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 3 đơn vị.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất kháng sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong nuôi thủy sản; tiến hành nghiên cứu đề xuất ban hành bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, kết nối sản xuất với chế biến, phân phối, phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn; phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao kết hợp với quản lý chặt các yếu tố trong nuôi thủy sản. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thông qua việc giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, thường xuyên giám sát chương trình quản lý chất lượng để đảm bảo biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu./.
Thanh Hoa Nguồn tin: Báo Nam Định
Bạc Liêu: Đẩy mạnh liên kết phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị mang lại từ mô hình sản xuất lúa – tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung phát triển, nâng cao chất lượng mô hình và đẩy mạnh liên kết chuỗi. Mô hình sản xuất lúa – tôm được xác định là khâu đột phá để góp phần tăng trưởng, phát triển sản xuất.
Ưu tiên cho sản xuất sạch
Vùng Bắc Quốc lộ (QL) 1A với điều kiện sinh thái đặc thù đã cho ra đời mô hình sản xuất lúa – tôm. Với diện tích sản xuất hơn 70.200ha (chiếm 51,47% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh), lúa – tôm được khẳng định là mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lợi thế và ưu điểm của mô hình là tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là mô hình lúa – tôm vẫn chưa phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Về lâu dài, mô hình đứng trước nhiều rủi ro, thách thức, nhất là bài toán về môi trường cho phát triển bền vững; chưa xây dựng được mô hình liên kết chuỗi giá trị, từ đó kìm hãm sự phát triển bền vững lẫn hiệu quả kinh tế của mô hình.
Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trong thực hiện “Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa vùng phía Bắc QL1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” chính là xây dựng mô hình liên kết chuỗi thông qua phát huy vai trò của doanh nghiệp và nông dân.
Thực hiện chủ trương này, năm 2019, các ngành, địa phương đã mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân, bước đầu mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Điển hình là liên kết sản xuất của một số tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) với Tập đoàn thủy sản Bồ Đề (gọi tắt là Tập đoàn Bồ Đề). Theo đó, Tập đoàn Bồ Đề đầu tư và chuyển giao toàn bộ quy trình nuôi tôm theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, cạnh tranh về giá và thị trường. Đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân; đặc biệt là khi phát sinh rủi ro trong quá trình nuôi, tập đoàn sẽ xóa trắng nợ cho nông dân và tiếp tục tái đầu tư vụ nuôi mới.
Một trong những ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích cho liên kết sản xuất chính là làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân (sử dụng vôi hay các loại hóa chất khác trong xử lý môi trường ao nuôi). Tập quán và thói quen canh tác này về lâu dài sẽ làm cho đất bị “vôi hóa” và ô nhiễm môi trường từ các hóa chất xử lý không rõ nguồn gốc. Ngược lại, sử dụng các chế phẩm vi sinh sẽ góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và góp phần tạo ra sản phẩm sạch.
Ông Dương Văn Hào, Chủ nhiệm HTX Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long), cho biết: “Trước đây, nông dân hay sử dụng vôi để xử lý môi trường ao nuôi thì nay đã sử dụng chế phẩm vi sinh của Tập đoàn Bồ Đề. Qua sử dụng chế phẩm này, chất lượng nước, môi trường cải thiện đáng kể và có trên 80% nông dân nuôi tôm hiệu quả. Năm 2020, HTX Quyết Tâm sẽ áp dụng quy trình và sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Bồ Đề cho tất cả diện tích sản xuất lúa – tôm”.
Vừa qua, Tập đoàn Bồ Đề đã tổ chức ký kết hợp tác sản xuất theo chuỗi với các THT, HTX sản xuất lúa – tôm, thu hút 5.000 hộ nông dân tham gia với diện tích 5.000ha. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bồ Đề: “Để phát huy giá trị mang lại từ con tôm, ngoài việc đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu cho con tôm sạch Bạc Liêu và giúp nông dân làm giàu từ con tôm”.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm trên đất lúa
Đẩy mạnh liên kết
Sản xuất sạch và bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành nhu cầu và xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay. Điều đó được cụ thể hóa trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị đối thoại với nông dân khu vực ĐBSCL (tại Cần Thơ) vào tháng 12/2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành, địa phương khuyến khích nông dân tham gia sản xuất theo chuỗi và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để thực hiện tốt sự chỉ đạo này, các ngành, địa phương và cả người nông dân cần phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy về thị trường, xem khoa học – công nghệ là khâu đột phá, chất lượng làm thước đo và cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm…
Nhằm phát huy thế mạnh và đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, Bạc Liêu đề ra mục tiêu chung là xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ (áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa); sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế. Qua đó góp phần phát triển ngành tôm Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh trạnh của sản phẩm tôm, lúa Bạc Liêu, xứng đáng là hai sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Năm 2020, Bạc Liêu sẽ xây dựng 3 vùng sản xuất tôm sạch, lúa an toàn với diện tích khoảng 150ha. Sau khi có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ làm cơ sở lan tỏa, nhân rộng vào những năm tiếp theo với khoảng 1.200ha. Đến năm 2025, phấn đấu diện tích tôm – lúa đạt 41.000ha, năng suất tôm (mô hình tôm – lúa) 0,5 tấn/ha/năm, sản lượng phấn đấu đạt 20.500 tấn; năng suất lúa (mô hình tôm – lúa) đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn lúa. Qua đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng phía Bắc QL1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020, và đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
Để hoàn thành mục tiêu trên và liên kết chuỗi trở nên bền vững, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nông dân trong liên kết là khâu quan trọng nhất. Bởi, người nông dân phải thấy được những lợi ích thiết thực và bền vững khi tham gia các THT và HTX, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc phá vỡ liên kết.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng cần tích cực chỉ đạo, vận động nông dân tham gia sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi nhằm tạo ra hàng hóa lớn, chất lượng đồng nhất và dễ tiêu thụ. Đó là thành lập mỗi xã ít nhất 1 THT gắn với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm cho THT. Đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, điện, vốn… cho vùng sản xuất lúa – tôm. Xây dựng những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC, Organic… để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật hoặc các thị trường tiềm năng khác nhằm tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân…
Xuất khẩu tôm tranh thủ tín hiệu tốt thị trường Trung Quốc
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), diện tích nuôi tôm của cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm 2018.
Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ ngày càng siết chặt yêu cầu kỹ thuật và chất lượng.
Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu thả nuôi tôm nước lợ là 730 nghìn ha, tăng 10.000 ha so với năm 2019. Những ngày đầu năm 2020 đến nay, giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL tăng ở một số kích cỡ do nguồn cung thấp. Dự báo trong thời gian tới, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng do nguồn cung thấp, nhu cầu cao.
Với thị trường xuất khẩu, thị trường xuất khẩu tôm sang Trung Quốc thời gian qua đã có những tín hiệu sáng do nhu cầu từ thị trường này tăng. Dự báo những tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu phục vụ dịp Tết Nguyên đán của nước này ở mức cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường lớn trong CPTPP là Nhật Bản và Úc cũng tăng trưởng khả quan.
Với thị trường EU, xuất khẩu tôm của Việt Nam thời gian qua bị giảm do nhu cầu thị trường chậm lại và tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador. Hiện Ecuador có xu hướng tăng xuất khẩu tôm sang thị trường EU sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Ecuador và EU có hiệu lực.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 về trị giá và lớn thứ 3 về lượng của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019, đạt 57,85 nghìn tấn, trị giá 599,9 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tại thị trường này chậm lại và tôm Việt Nam bị cạnh tranh bởi tôm Ấn Độ.
Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới, giá tôm khó có thể phục hồi mạnh. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam và xuất khẩu tôm nói riêng.
Đặc biệt mới đây, EU đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Theo đó, EU quy định từ ngày 31/3/2020 Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Vì vậy, Các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để xuất khẩu vào EU không bị trở ngại trong thời gian tới.
Theo QUỲNH TRANG/Nông nghiệp VN