Minh Phú chưa nhận được văn bản chính thức từ Mỹ
Trong thông cáo báo chí mới đây của mình, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết họ nhận được thông tin qua báo chí về việc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Tập đoàn Minh Phú tại Mỹ, (Điều tra EAPA) và áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của tổ chức “Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Mỹ” (AHSTEC).
Tuy nhiên, Minh Phú cho biết công ty chưa nhận được văn bản chính thức nào từ CBP về vấn đề này.
“Chúng tôi hết sức bất ngờ vì trong Quyết định (đăng tải trên các phương tiện truyền thông), CBP đã chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi tổ chức AHSTEC – đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Mỹ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn”, Minh Phú cho biết.
AHSTEC nộp đơn tố cáo Mseafood vào tháng 9/2019. Minh Phú cho rằng vì qui trình điều tra là bảo mật, CBP đã sử dụng các thông tin mà AHSTEC cung cấp cũng như một số thông tin thu thập từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ Internet, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood.
Minh Phú cho biết luật sư của công ty tại Mỹ đã đăng kí với CBP để họ chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Quyết định sơ bộ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào Mỹ
Minh Phú cho biết thêm việc áp dụng biện pháp trong Quyết định sơ bộ nói trên chỉ có tính chất tạm thời. Theo đó, Minh Phú được yêu cầu tạm nộp thuế CBPG áp dụng cho Ấn Độ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Mỹ.
Do đó, biện pháp tạm thời nói trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường Mỹ và các thị trường khác. Mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Minh Phú vẫn diễn ra bình thường, theo kế hoạch.
Minh Phú khẳng định Tập đoàn không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ để xuất sang Mỹ như trong cáo buộc. Quyết định sơ bộ được đưa ra vì CBP cho rằng có một số dấu hiệu, nghi vấn để cho phép suy đoán về khả năng Minh Phú đã xuất khẩu tôm đông lạnh Ấn Độ sang Mỹ.
Thực tế Minh Phú không xuất tôm thành phẩm Ấn Độ sang Mỹ mà chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại các nhà máy theo qui trình và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Mỹ.
Minh Phú nói thêm CBP cũng chỉ rõ là Quyết định sơ bộ nói trên chỉ dựa trên các thông tin, số liệu ban đầu và chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, Minh Phú cho rằng thông tin được dẫn chiếu không chính xác hoặc do nhầm lẫn, mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch nội dung thông tin.
Theo đó, trong trang số 3 trong Quyết định của CBP cho thấy AHSTEC đã dựa vào các thông tin được trích trong Thông cáo báo chí ngày 7/6/2019 của Tập đoàn Minh Phú và cho rằng trong năm 2018 Minh Phú chỉ sản xuất được 12.000 tấn tôm nhưng lại xuất khẩu tới 67.000 tấn.
Minh Phú cho rằng đây là thông tin sai sự thật bởi 12.000 tấn là số liệu ước tính của sản lượng tôm nguyên liệu do Minh Phú nuôi và thu hoạch từ các ao nuôi của tập đoàn trong năm 2018, hoàn toàn không phải là công suất sản xuất tôm đông lạnh của Minh Phú theo như cáo buộc của AHSTEC.
Thực tế Minh Phú không chỉ sử dụng nguyên liệu tôm tự nuôi mà còn mua nguyên liệu từ bên ngoài thông qua các hợp đồng mua tôm, hỗ trợ và bao tiêu dài hạn với hàng ngàn hộ nông dân tại khu vực ven biển phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Tại trang số 5 của Quyết định, CBP đã dựa vào thông tin mà nguyên đơn trích từ Báo cáo xuất khẩu tháng 6/2019 đăng trên website của Minh Phú để cho rằng có dấu hiệu cho thấy có một số lượng hàng xuất khẩu khá lớn của Minh Phú không phải do Minh Phú sản xuất.
Minh Phú cho rằng kết luận này dường như đã dựa trên sự nhầm lẫn, hiểu sai về số liệu tại báo cáo. Thực chất, số liệu được dẫn chiếu chỉ là theo đơn đặt hàng mà Minh Phú đã nhận được vào tháng 6/2019 và lượng đơn đặt hàng trị giá 141 triệu USD, tương ứng với khoảng 13.403 tấn thành phẩm, chỉ gấp đôi so với công suất sản xuất 1 tháng của Minh Phú.
100% lượng tôm thành phẩm mà Minh Phú xuất khẩu đều được sản xuất tại các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau và Hậu Giang. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, Minh Phú sẽ cân đối nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất và xác nhận lại với khách hàng về số lượng, giá cả và thời gian giao hàng.
Điều này có nghĩa là, không phải toàn bộ số lượng đơn đặt hàng đều được Minh Phú chấp nhận và bán cho khách hàng. Hơn nữa, các đơn đặt hàng được xác nhận trong tháng 6/2019 thường được sản xuất và xuất khẩu trong nhiều tháng tiếp theo.
Tại trang số 6 của Quyết định, CBP có nêu trong giai đoạn điều tra từ 1/10/2018 đến 31/8/2019, Tập đoàn Minh Phú đã nhập một lượng lớn tôm Ấn Độ.
Minh Phú cho rằng đây là thông tin không có cơ sở bởi thực tế trong giai đoạn này, lượng tôm Ấn Độ mà Minh Phú nhập để sử dụng làm nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn.
Đặc biệt từ đầu năm 2019, lượng tôm nhập khẩu của Minh Phú chỉ chiếm một lượng không đáng kể và từ quí II/2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu Ấn Độ.
“Quyết định này dường như đã cố tình phớt lờ thông tin được nói rõ ngay trong Thông cáo báo chí tháng 6/2019 của Minh Phú là tổng lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm dưới 39% tổng lượng tôm xuất khẩu của Minh Phú”, Minh Phú nhận định.
Minh Phú đã chỉ định luật sư tại Mỹ và Việt Nam làm thủ tục đăng kí với CBP để tham gia tích cực và cung cấp số liệu cho CBP để giúp cơ quan này hiểu chính xác hơn, có thông tin đa chiều và đã được kiểm chứng trước khi CBP đưa ra quyết định cuối cùng.
Nguồn : Theo Kinh tế & Tiêu dùng