Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Thuận thiên để phát triển bền vững

Năm 2019, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nhưng sản xuất nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn “cán đích” với những con số ấn tượng; nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với mũi nhọn là nuôi tôm.

Miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long
Miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước (chiếm gần 40% diện tích). Nhưng đồng thời, đây cũng là một trong 5 tỉnh của nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu(BĐKH) và là một trong 3 tỉnh dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, để ứng phó với BĐKH, những năm gần đây, tỉnh đã áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái. Theo đó, tôm được nuôi dưới tán rừng ngập mặn; bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng hướng dẫn nông dân sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm. Ngoài ra, Cà Mau còn có hơn 50.000ha nuôi tôm kết hợp các đối tượng nuôi khác như tôm – cua, tôm – cá, tôm – sò huyết…

Theo ông Triều, năng suất tôm nuôi dưới tán rừng đạt chứng nhận tôm sinh thái trung bình 300 – 350 kg/ha/năm, giá bán cao hơn 15 – 20% so các loại tôm nuôi khác. Còn năng suất tôm nuôi trên đất có trồng lúa trung bình 350 – 400 kg/ha/năm, cao hơn khoảng 15 – 20% so mô hình nuôi tôm quảng canh không có trồng lúa.

Với định hướng “thuận thiên”, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong đó mũi nhọn là nuôi tôm đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm mang về trên 1 tỷ USD, nghề nuôi và chế biến thuỷ sản ở Cà Mau còn là nguồn sinh kế cho trên 305 nghìn hộ dân và tạo ra nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thuỷ sản, các ngành thương mại dịch vụ liên quan…

Cũng như Cà Mau, ở Bạc Liêu-địa phương có diện tích nuôi tôm chỉ sau Cà Mau, trước đây, tình trạng hạn hán, triều cường dâng cao, xâm nhập mặn đã diễn ra liên tục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Để ứng phó, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng những mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với BĐKH, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Không chỉ riêng Cà Mau, Bạc Liêu mà ở các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, những mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng “thuận thiên” đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp thì ngành Nông nghiệp các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau-ông Lê Thanh Triều cho rằng, sản xuất có tốt đến mấy đi nữa cũng phải gắn liền với bao tiêu, với đầu ra. Trong đó, với xu thế chuộng nông sản sạch và an toàn của các nước phát triển trên thế giới ngày càng được chú trọng.

Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (áo xanh) và ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thăm mô hình nuôi tôm của HTX Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu
Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (áo xanh) và ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thăm mô hình nuôi tôm của HTX Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu

“Từ đó, doanh nghiệp lựa chọn vùng nguyên liệu sạch phục vụ xuất khẩu, thì mô hình “tôm – lúa” luôn là lợi thế. Sản phẩm làm ra sẽ đạt chuẩn từ con tôm đến hạt lúa, mà nhất là thích nghi được với khí hậu cực đoan như hiện nay” ông Triều phân tích.

“Thuận thiên” để phát triển là xu hướng tất yếu, nhưng cùng với đó thì phải tăng cường áp dụng công nghệ vào nuôi tôm cũng là vấn đề cần được ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm. Như Bạc Liêu, đứng sau Cà Mau về diện tích nuôi tôm nhưng lại là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất tôm công nghệ cao, với diện tích sản xuất hơn 1.380ha.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất cao. Còn các mô hình nuôi tôm sinh thái thì tiếp tục sản xuất tôm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Đây cũng là nơi lan tỏa những công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại nhất cho ngành tôm cả nước và hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu mà Thủ tướng đặt ra cho ngành tôm đến năm 2025”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định.

Nguồn : http://baodantoc.vn/

Xuất khẩu tôm hùm gặp khó

Nuôi tôm hùm
Hiện nay, người nuôi vẫn còn một lượng tôm hùm đến kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được.

Ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona đang khiến cho việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ. Việc tiêu thụ tôm nuôi của người dân trong tỉnh cũng gặp khó.

Khó tiêu thụ

Những ngày này, ông Nguyễn Thanh Hải – người nuôi tôm hùm xanh ở phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) vẫn liên tục ra bè nuôi để chăm sóc đàn tôm đã tới kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được. Ông cho biết: “Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, thương lái tìm về các vùng nuôi tôm hùm ở Cam Ranh để mua tôm xuất khẩu nhưng năm nay, việc tiêu thụ rất chậm. Gia đình tôi còn khoảng 1.500 con tôm hùm, kích cỡ 0,5 – 0,6kg/con vẫn chưa tìm được thương lái thu mua. Các hộ nuôi khác đều lâm vào cảnh tương tự”.


Một góc vùng nuôi tôm hùm ở khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vắng người thu mua.

Theo bà Nguyễn Thị Châu Pha – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh, trên địa bàn phường có hơn 8.000 lồng nuôi tôm hùm, hầu hết là tôm hùm xanh. Những năm trước, vào thời điểm sau Tết, hoạt động mua bán tôm hùm diễn ra rất sôi động. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang tạm ngưng nên các thương lái, doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu cũng tạm dừng thu mua. Hiện nay, trên địa bàn còn hơn 100 tấn tôm hùm xanh chưa tiêu thụ được.

Tại vùng nuôi tôm hùm xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), tình trạng cũng tương tự. Theo ông Trần Văn Thông – người nuôi tôm ở thôn Đầm Môn, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều hộ nuôi tôm gọi điện thoại cho các thương lái nhưng họ đều báo phải đợi, vì hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang “đứng”. Điều ông Thông lo lắng là chi phí thức ăn cho tôm nhiều, trong khi chưa biết đến bao giờ mới xuất bán được. Vì vậy, một số hộ vẫn chấp nhận bán với giá thấp nhưng cũng chẳng mấy người mua vì lượng tôm hùm tiêu thụ nội địa không nhiều. Do tiêu thụ chậm nên giá tôm hùm những ngày sau Tết rớt liên tục. Trước Tết, tôm hùm bông có giá hơn 1,8 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh hơn 650.000 đồng/kg, đến nay tôm hùm bông chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 550.000 đồng/kg nhưng lượng xuất bán được rất ít.


Hiện các thương lái thu mua tôm hùm chủ yếu để tiêu thụ nội địa.

Được biết, toàn xã Vạn Thạnh có hơn 35.000 lồng nuôi tôm hùm. Năm nay, khoảng 70% lượng tôm đã được người dân bán trước Tết, sau Tết vẫn còn tồn khoảng 30%. Không chỉ tôm thịt đang bị ùn ứ mà việc thả giống nuôi tôm đợt mới cũng bị ảnh hưởng do lồng nuôi đang lưu tôm thịt chờ bán, lồng để nuôi mới không có.

Trước mắt, cần nuôi lưu giữ

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 49.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng nuôi hàng năm hơn 1.440 tấn, chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang. Theo ước tính của Chi cục Thủy sản, phần lớn lượng tôm thịt đến thời kỳ xuất bán đã được người dân bán trước Tết Nguyên đán, lượng tôm còn tồn chỉ khoảng 20 – 25%.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do tác động của dịch cúm do vi rút Corona và các biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc bị tụt giảm; giao thương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có mặt hàng nông sản. Hiện nay, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục tìm giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Không riêng gì tôm hùm, các mặt hàng như: ốc hương, cá mú, cá chẽm… và hàng nông sản khác đều bị tác động. Ngành Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt; bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường. Trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Để hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác, tiêu thụ nội địa. Chi cục Thủy sản đang hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm ở TP. Cam Ranh, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, mặc dù nhu cầu tôm hùm tươi sống tại thị trường này rất lớn nhưng các cửa khẩu tạm thời đóng cửa nên không thể thu mua xuất khẩu được. Khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ tập trung thu mua ngay để xuất khẩu. Ngoài ra, hiện nay, một số doanh nghiệp cũng tìm kiếm thị trường khác.

HẢI LĂNG Báo Khánh Hòa

Đồng Tháp: Giá tôm sau Tết tăng cao

 Các thành viên Phú Thịnh Hội quán, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông hiện đang rất phấn khởi bởi sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thu hoạch tôm nuôi bán được giá, đạt lãi cao.

Anh Lê Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Phú Thịnh Hội quán, cho biết: Hội quán hiện có 59 thành viên nuôi hơn 250 ha tôm. Trước đây, với 1 ha nuôi tôm nông dân thu hoạch sản lượng đạt từ 1,5 – 2 tấn tôm thương phẩm, bán giá 80.000 – 85.000 đồng/kg; trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha; có lúc giá tôm xuống thấp, người nuôi không có lời. Nhưng, từ khi thành lập Phú Thịnh Hội quán vào cuối tháng 6/2019 đến nay, người nuôi tôm đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, liên kết đầu vào và đầu ra… giúp người nuôi kiểm soát được chi phí đầu tư, giá bán tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Tôm thương phẩm bán cho thương lái

Anh Tài cho biết, hiện giá tôm thương phẩm dao động mức 92.000 – 95.000 đồng/kg (loại 100 con/kg). Sản lượng vụ nuôi này ước đạt 625 tấn, người nuôi tôm Phú Thịnh Hội quán thu nhập trên dưới 60 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm 3 vụ, người nuôi có tổng sản lượng 1.875 tấn tôm thương phẩm, doanh thu đạt cả trăm tỷ đồng.

Trần Trọng Trung
Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Cảnh giác với dịch bệnh trên tôm nuôi trước tiết trời “đỏng đảnh”

Thời tiết hanh khô xen kẽ các đợt không khí lạnh với nhiệt độ môi trường nước xuống thấp là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Bởi vậy, người nuôi tôm cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Nền nhiệt độ xuống thấp là điều kiện để cho vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển.

Thời tiết hanh khô xen kẽ các đợt không khí lạnh với nhiệt độ môi trường nước xuống thấp là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Bởi vậy, người nuôi tôm cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Thận trọng cho tôm nuôi vụ đông 2019, anh Thân Văn Thành ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chờ thời tiết nắng ấm mới tiến hành xuống giống để phòng ngừa dịch bệnh.

Anh Thành chia sẻ: Vụ thu đông trước, một số ao nuôi tôm của anh bị “dính” bệnh gan tụy cấp tính do thời tiết thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm. Rút kinh nghiệm, năm nay, anh theo dõi sát sao thời tiết phù hợp mới xuống giống. Cách đây gần một tháng, với diện tích 8ha nhưng anh chỉ thả 2 ao nuôi (0,5 ha) với hơn 1,2 triệu con tôm giống.


Tôm nuôi của anh Nguyễn Việt Khách ở xã Đan Trường (Nghi Xuân) bị thiệt hại do rét.

Theo anh Thành, hai tuần gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp là điều kiện tốt để cho vi khuẩn, vi-rút (nhất là vi-rút đốm trắng) gây bệnh phát triển. Nhiệt độ thấp cùng với trời ít nắng sẽ làm tảo chậm phát triển, quá trình quang hợp của tảo xảy ra cường độ thấp có khả năng gây thiếu oxy về đêm. Bình thường, tôm nuôi sinh trưởng phát triển tốt ở nhiệt độ phù hợp từ 28 – 32oC. Vì vậy, anh không dám mạo hiểm đầu tư thả thêm con giống.

Với nền nhiệt độ rét đậm gần đây, không ít người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh lo lắng bởi khả năng bắt mồi, tiêu hoá thức ăn, sức đề kháng, hoạt động của hệ thống thần kinh giảm, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Chủ đầm tôm Nguyễn Việt Khánh ở xã Đan Trường (Nghi Xuân) có diện tích 2 ha với 6 ao nuôi. Vụ đông này, anh thả hơn 3 triệu con tôm giống.

Anh Khánh cho biết: Tôi thả nuôi cách đây 4 tháng, hiện tôm nuôi đã có kích cỡ 80 con/kg. Tuy nhiên, các đây hơn tuần, do trời rét, nhiệt độ giảm sâu khiến tôm bị chết, thiệt hại hơn 2 tạ.

“Để hạn chế thiệt hại, phòng ngừa dịch bệnh, tôi nâng mực nước trong ao lên trên 1,4m, nhằm giữ nhiệt độ ít dao động giữa ngày và đêm. Mặt khác, tăng cường thời gian vận hành quạt nước, nhất là thời điểm trời ít nắng, ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, hạn chế khí độc…” – anh Khánh cho biết thêm.


Người nuôi tôm cần tăng cường thời gian vận hành quạt nước, nhất là thời điểm trời ít nắng, ban đêm, nhiệt độ xuống thấp…

Theo ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nuôi tôm vụ đông thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 300 ha nuôi tôm vụ đông, chủ yếu nuôi công nghiệp, công nghệ cao trên cát.

Tuy nhiên, trước thời tiết khắc nghiệt, nuôi tôm vụ đông ở Hà Tĩnh đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là các loại dịch bệnh phát sinh như: đốm trắng, gan tụy cấp tính và bệnh còi (EHP). Do đó, các chủ đầm tôm cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; chủ động quan trắc cảnh báo môi trường nước và chăm sóc tôm đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh.

Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh phải báo cho chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý. Đặc biệt, không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường… ảnh hưởng đến các vùng nuôi tôm khác.

Nguồn: Theo Báo Hà Tĩnh

Một năm bứt phá của ngành tôm Bạc Liêu

Năm 2019 tình hình nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao tại Bạc Liêu đạt kết quả rất khả quan, về diện tích nuôi đạt 1.001ha, sản lượng đạt 19.082 tấn.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu.

Cũng như một số tỉnh ven biển ĐBSCL, thì tỉnh Bạc Liêu có lợi thế là vùng đất đan xen nước mặn và nước lợ, với tổng diện tích nuôi tôm hơn 136 ngàn ha, trong đó 22 ngàn ha nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh và hơn 1 ngàn ha nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất từ 120 đến 150 tấn/ha mỗi năm.

Cùng với đó, tỉnh còn là trung tâm sản xuất tôm giống lớn trong khu vực ĐBSCL và cả nước, với gần 200 cơ sở sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tỷ con giống, chiếm đến 40% sản lượng tôm giống của vùng ĐBSCL và 15% của cả nước.

Với lợi thế trên, tỉnh Bạc Liêu đã xác định con tôm là lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, theo đó tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng và phát triển chuỗi hệ thống toàn phần, từ sản xuất con giống, vật tư ngành tôm, phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao và chế biến xuất khẩu.

Năm 2019, ngành thủy sản Bạc Liêu đã có những bước phát triển vượt bật, sản lượng vượt 5.000 tấn tôm so với kế hoạch. Ngành nông nghiệp đã tập trung triển khai tích cực, quyết liệt và hiệu quả, trong đó chú trọng phát triển ngành nuôi tôm, trọng tâm là khu nông nghiệp công nghệ cao, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Bước đầu, tỉnh đã ổn định quy hoạch vùng nuôi. Đối với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả được nhân rộng và đang lan tỏa từ doanh nghiệp đến nông dân. Toàn tỉnh có 12 công ty nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với 1.248ha và 324 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn với 1.073ha.

Năm 2019, tuy còn gặp môt số khó khăn, như vốn đầu tư ban đầu lớn, giá các yếu tố đầu vào biến động theo chiều hướng tang, bệnh dịch trên tôm diễn biến khá phức tạp trong khi giá sản phẩm không ổn định. Song tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác tôm đạt 365.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao là 400ha, sản lượng 10.000 tấn.

Có thể nói, qua hơn 2 năm triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nhìn chung tỉ lệ thành công cao (chiếm khoảng 68,83% số hộ nuôi) và ổn định, tỷ lệ tôm thiệt hại thấp (khoảng 31,17% số hộ thả nuôi). Đây là tiền đề tạo thắng lợi cho vụ tôm năm 2020, sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước thời gian tới.

TRỌNG LINH
nguồn :https://nongnghiep.vn/

Xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 sẽ tích cực

Năm 2019 không khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Năm 2019, xuất khẩu tôm chân trắng giảm 3,4% đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 70,1% giá trị tôm xuất khẩu, tôm sú giảm mạnh 15,9% đạt trên 687 triệu USD, chiếm 20,4%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác đạt 317,6 triệu USD, chiếm gần 9,4%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 sẽ tích cực. 
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 sẽ tích cực.

Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018.

Trong khi đó, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới và những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. xuất khẩu tôm giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém. Nửa cuối năm, xuất khẩu tôm hồi phục dần nhờ giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu tăng.

EU

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, giảm 17,7% so với năm 2018.

xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018 tuy nhiên Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Mỹ

Mỹ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 653,9 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2018.

Từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng không cao nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị xuất khẩu ổn định so với năm 2018. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam.

Mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ đạt 9.045 tấn, trị giá 64,9 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. xuất khẩu tôm bao bột từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.113 tấn, trị giá 85,3 triệu USD, giảm 31% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nhật Bản

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt trên 618,6 triệu USD, giảm 3,3% so với năm 2018. Trong cơ cấu tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%.

Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới.

Xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến sẽ thuận lợi hơn so với năm 2019. Thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%. Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6/2020, sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất. Đối với thị trường Trung Quốc, hiện từ 75 – 80% hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới.

Hướng đi mới từ nuôi tôm bằng ao tròn

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường vùng nuôi thường bị ô nhiễm, mô hình ao tròn bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra cơ hội mới cho nghề nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Người dân chăm sóc tôm nuôi trong ao tròn

Được tham quan, học tập mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn từ các tỉnh phía Nam, anh Đặng Phước Hoàng ở xã Điền Lộc (Phong Điền) đã ứng dụng vào nuôi ở vùng cát Ngũ Điền từ vụ nuôi cuối năm nay. Thay vì lót bạt, đưa nước vào nuôi bằng ao vuông diện tích lớn như trước đây, anh Hoàng đã thiết kế ao tròn diện tích nhỏ được đặt trong ao nuôi cũ, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn tuy mới trên địa bàn tỉnh, nhưng đã áp dụng thành công tại các tỉnh phía Nam từ nhiều năm nay. Mô hình không đòi hỏi diện tích lớn hàng ngàn mét vuông như quy trình nuôi ao vuông. Mỗi ao tròn chỉ 500m2 được làm bằng khung sắt, lót bạt, đặt trên bề mặt đất cát, chi phí vật liệu xây dựng chỉ bằng 1/3 so với ao vuông.

Diện tích ao nuôi nhỏ nên dễ quản lý, xử lý chất thải trong quá trình nuôi, đưa nước vào ao cũng như thải ra môi trường bên ngoài. Quá trình nuôi, các loại chất thải rắn, xác tôm chết… trong ao được dễ dàng lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên và xử lý đúng quy trình kỹ thuật.

Với mô hình ao tròn không đòi hỏi nhiều nhân công chăm sóc, hạn chế quá trình sục khí… nên giảm chi phí đầu tư. Việc dễ quản lý môi trường, dịch bệnh, chăm sóc tôm còn hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình nuôi so với ao vuông. Trong điều kiện dễ kiểm soát, quản lý, mô hình nuôi tôm bằng ao tròn với diện tích nhỏ có thể nuôi được 3 vụ/năm, trong đó có cả vụ hè.

Diện tích nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 500 ha, tập trung lớn nhất ở vùng Ngũ Điền khoảng 300 ha, còn lại tại các xã Phú Thuận (Phú Vang), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Lộc Bình (Phú Lộc)… tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố thời tiết khắc nghiệt nên mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao vuông chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Tính từ thời điểm thả giống đến nay gần 3 tháng, cho thấy tôm nuôi ao tròn sinh trưởng tốt hơn so với nuôi trong ao vuông, có thể thu hoạch chỉ sau ba tháng rưỡi. Đánh giá bước đầu cho thấy, sản lượng ước đạt chừng 2-2,5 tấn, tương đương hoặc cao hơn nuôi ao vuông 0,5 tấn. Trong khi đó, mô hình nuôi bằng ao tròn chỉ mất chừng 3-3,5 tháng cho thu hoạch thì nuôi ao vuông lâu nay phải cần đến từ bốn tháng trở lên mới cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền đánh giá, ngoài giảm chi phí đầu tư, mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn còn dễ dàng trong quá trình quản lý, chăm sóc, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đối với các địa phương hiện nay chưa có hệ thống cấp nước mặn tập trung thì việc áp dụng mô hình mới này tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình cấp nước cũng như thoát nước, xử lý môi trường.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ, chi cục luôn đồng hành, hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi mô hình ao vuông diện tích lớn sang ứng dụng mô hình nuôi tôm bằng ao tròn. Đây được xem là mô hình nuôi tôm bằng công nghệ mới với nhiều ưu điểm vượt trội, an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế. Chi cục phối hợp với các địa phương sẽ tổ chức cho người dân tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm để triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình mới này ở vùng Ngũ Điền nói riêng và vùng cát ven biển toàn tỉnh nói chung.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế