Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Nuôi tôm càng xanh cho lãi lớn

Những năm gần đây,  nông dân xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh. Nhờ nguồn nước tự nhiên sạch nên tôm phát triển nhanh và thịt có độ ngon, ngọt hơn so với tôm những vùng khác, giá bán cũng cao hơn.

 

Các hộ nuôi tôm càng xanh ở Trà Cổ áp dụng quy trình chăm sóc truyền thống, ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Để tôm béo chắc, thịt ngon, các hộ nuôi thường dùng hạt bắp ngô trộn chung các loại cá nhỏ rồi, nấu chín, thả xuống ao cho tôm ăn.

Từ đầu năm 2019, để đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao cho thị trường, các hộ nuôi tôm càng xanh Trà Cổ đã chuyển qua sản xuất theo mô hình VietGAP. Đến nay, cả xã có khoảng 54 ha nuôi tôm càng xanh, trong đó trên 30ha tôm VietGAp và đã thành  lập được tổ hợp tác thủy sản, cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trung bình 1ha nuôi tôm càng xanh sau 8 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch 2,5 tấn tôm, với giá bán bình quân 200 nghìn đồng/ kg, trừ chi phí cho thu lãi 300 triệu đồng.

Theo chuyên mục Vàng trong đất/TTV

Ngành tôm thế giới: Kiên định phát triển bền vững

Ngành tôm vẫn phát triển không ngừng sau nhiều biến động thăng trầm. Tuy nhiên, định hướng chính vẫn là xây dựng mô hình bền vững và khắc phục những thách thức xuyên suốt ngành hàng này nhiều năm qua.

Ngành tôm kiên định phát triển bền vững

3 thách thức

Thoái hóa môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh là những thách thức lớn nhất của ngành tôm hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia trong Hội nghị thế giới về ngành tôm Infofish 2019 tại Bangkok Thái Lan vừa qua. Robins McIntosh, Giám đốc Công ty Pokphand Foods Public cũng khẳng định, phát triển mô hình bền vững luôn là xu hướng chủ đạo của ngành tôm nuôi suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Nghề nuôi tôm không ngừng thay đổi theo thời gian từ các  mô hình “Thế hệ 1 với đặc trưng ao nuôi rộng 5 – 30 ha, không quạt nước, sản lượng 500 kg – 3 tấn/ha đến những mô hình “Thế hệ 5” với ao nuôi nhỏ, rộng 0,2 – 0,5 ha, tuần hoàn nước, chú trọng kiểm soát môi trường và sản lượng 30 – 60 tấn/ha. Những mô hình nuôi tôm “Thế hệ 5” đang được phát triển tại Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Mô hình này đòi hòi tôm giống sạch bệnh, khỏe mạnh, giảm sử dụng thức ăn sống và kháng sinh.

Dù vậy, tiềm năng của ngành tôm vẫn chưa được khai thác hết và chưa đạt đích bền vững thực sự do quản lý dịch bệnh còn hạn chế. Những vi khuẩn mang mầm bệnh như Vibrio spp đang sinh sôi khi nhiệt độ nước tăng, nhưng mối đe dọa lớn hơn lại chính là dịch bệnh có thể tự xuất hiện. Sự phát triển ồ ạt của các vùng nuôi tôm thâm canh, đặc biệt ở châu Á cùng nhiều trang trại thả nuôi mật độ dày đặc đã khiến cho ngành tôm càng dễ tổn thương hơn trước sự thay đổi của thiên nhiên.

Khi môi trường chịu áp lực, khắc sinh ra dịch bệnh. Tỷ lệ sống của tôm hiện nay vẫn chưa thể phục hồi về mức trước thời điểm EMS bùng phát, thậm chí ngành tôm vẫn tiếp tục đối diện nhiều rủi ro khó lường hơn. Do đó, một mô hình nuôi tôm bền vững là xu hướng cần thiết và tất yếu. Nhưng trở ngại lớn trên con đường phát triển này là phải xây dựng được các phương pháp nuôi tôm bền vững để giảm thiểu chi phí cố hữu trong khi vẫn tăng sản xuất ổn định và hiệu quả. Ngành tôm cần phải rà soát lại các hướng tiếp cận bền vững đã áp dụng để cải tiến tốt hơn trong tương lai.

Những “điểm sáng”  ngành tôm

Tiến sĩ Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Thái Lan chia sẻ, nghề nuôi tôm hiện đại của Thái Lan bắt đầu từ giữa thập niên 90 và đã từng đối mặt nhiều thách thức dịch bệnh, sản lượng lao dốc, nông dân sa sút… kìm hãm tăng trưởng chung của toàn ngành. Nhưng được sự hỗ trợ của Cục Thủy sản Thái Lan, các viện nghiên cứu nhà nước, tư nhân, ngành tôm Thái Lan nỗ lực tìm giải pháp nuôi hiệu quả, thân thiện môi trường và không sử dụng kháng sinh bừa bãi.

Nhờ đó, Thái Lan tiên phong nâng cao an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi tôm. Somsak Paneetatyasai cho biết, từ đầu năm 2000, ngành tôm Thái Lan đã nhìn thấy trước nhu cầu giảm phụ thuộc vào tôm giống khai thác tự nhiên, và tăng cường cải thiện năng suất của tôm. Điều này là động lực thúc đẩy các bộ phận tư nhân đầu tư sản xuất tôm giống bố mẹ cải thiện gen nhằm tạo ra các sản phảm tôm post chất lượng tốt nhất. Do đó, tôm giống Thái Lan luôn được bạn hàng tin cậy, đặc biệt sản phẩm của Công ty C.P.  Tiến sĩ Olivier Decamp, Giám đốc Phát triển sản phẩm tại Công ty TNHH Inve Asia Thái Lan đánh giá cao những phương thức nuôi tôm cân bằng dinh dưỡng, sức khỏe và môi trường với trọng tâm bền vững của Thái Lan. Ông cho biết, ngành tôm đang đối mặt rất nhiều thách thức khác nhau. Trong số này, dịch bệnh và giá nguyên liệu rẻ là những nỗi lo muôn thuở của nông dân. Nhưng đây cũng là lý do thúc đẩy nông dân Thái Lan tăng cường áp dụng an toàn sinh học, quản lý môi trường và chất lượng dinh dưỡng thức ăn.

Ngoài những quốc gia nuôi tôm quá quen thuộc ở châu Á hay Nam Mỹ, Trung Đông đang tìm kiếm chỗ đứng trên bản đồ ngành tôm thế giới. Theo Haydar H Al Sahtout, tư vấn cao cấp Hiệp hội NTTS Saudi, Ả Rập Saudi, ngành tôm tại đây phát triển theo hướng hiện đại hóa công nghệ nuôi và cải tiến phương pháp chế biến đến vận chuyển. Ngành tôm Trung Đông thực chất xuất hiện từ đầu thập niên 90, chủ yếu tập trung dọc Biển Đỏ với đối tượng chính là tôm sú.

Do tôm sú dễ tổn thương trước dịch bệnh, nông dân Trung Đông đã chuyển sang tôm thẻ vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, dịch bệnh đốm trắng xuất hiện đầu năm 2010 đã khiến ngành tôm Trung Đông buộc phải cơ cấu lại toàn bộ. Tôm thẻ giống SPF xuất hiện, cùng những giải pháp thắt chặt an toàn sinh học, chủ yếu bởi Chính phủ Ả Rập Saudi. Năm 2018, Ả Rập Saudi trở thành nước nuôi tôm lớn nhất vùng, sản lượng đạt trên 65.000 tấn và xuất khẩu tôm sang hơn 30 thị trường quốc tế. Iran đứng thứ 2 với sản lượng ước đạt 46.000 tấn, chủ yếu được nuôi tại các tỉnh phía Nam; Ai Cập đứng thứ 3 với 7.000 tấn.  Ngành tôm Trung Đông đang thu hút đầu tư mạnh mẽ vì có nhiều triển vọng tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt dọc vùng biển Đỏ. Công nghệ cao, điều kiện tự nhiên thích hợp đi cùng chính sách thắt chặt an toàn sinh học và sự hỗ trợ từ chính phủ sẽ là bàn đạp để ngành tôm Trung Đông sớm tìm được chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn trên bản đồ ngành tôm toàn cầu.

Chìa khóa “an toàn sinh học”

Dù không phải vấn đề mới, nhưng an toàn sinh học vẫn luôn xuyên suốt ngành tôm như một mắt xích quan trọng nhất trên con đường phát triển bền vững. Tiến sĩ Eduardo Leano, điều phối viên Chương trình sức khỏe vật nuôi thủy sản, Mạng lưới trung tâm NTTS tại châu Á – Thái Bình Dương (NACA), Thái Lan, cho biết an toàn sinh học mang lại sự sống cho ngành tôm suốt hơn 30 năm thăng trầm cùng dịch bệnh. Gần 60% dịch bệnh xuất hiện trong trại tôm đều do virus mang mầm bệnh gây ra và 20% do vi khuẩn, trong khi đó dịch bệnh do nấm mốc hay ký sinh trùng chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ.

Tiến sĩ Eduardo Leano cũng nhận định thách thức hàng đầu trong ngành tôm hiện nay chính là dịch bệnh, đặc biệt là những dịch bệnh mới như vi bào tử trùng do HPM-EHP gây ra; và dịch bệnh do virus gây tỷ lệ tử vong cao như VCMD và SHIV. An toàn sinh học hiệu quả được xem như công cụ hiệu lực nhất để ngăn chặn sự xuất hiện của vi sinh vật mang mầm bệnh trong hệ thống nuôi tôm. Tuy nhiên, nói luôn dễ hơn làm, vì hầu hết các trại nuôi tôm đều hạn chế năng lực ứng dụng giải pháp an toàn sinh học, đặc biệt ở quy mô trại nuôi. Dù vậy, bất chấp những dịch bệnh có sức tàn phá kinh khủng nhất, ngành tôm vẫn có khả năng tiếp tục mở rộng sản xuất nhờ ứng dụng các giải pháp an toàn sinh học cải tiến.

khuyennong.vn

Bất chấp dịch Corona, tôm hùm Alaska, cua hoàng đế tăng giá mạnh

Giữa tâm “bão” Corona, Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu tôm hùm Alaska và cua hoàng đế. Tuy nhiên, giá hai mặt hàng này tại thị trường trong nước vẫn tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Tuy được xếp vào loại hàng hóa đắt tiền, dành cho khách “nhà giàu”, nhưng tôm hùm Alaska và cua hoàng đế nhập khẩu từ các nước khu vực Bắc Mỹ hiện đã không còn xa lạ với thực khách Việt Nam.

Bởi theo nhiều người chia sẻ, giá tôm hùm Alaska hiện dao động từ 950.000 – 1.300.00 đồng/kg, trong khi giá tôm sú Việt Nam cũng đã lên tới 500.000 – 600.000 đồng/kg, còn giá tôm hùm Việt Nam dao động từ 1,3 – 1,9 triệu đồng/kg. Như vậy, so cả về giá trị dinh dưỡng và kinh tế thì nhiều người cho rằng mua tôm hùm Alaska lợi hơn.

Lợi thế về giá cả giúp tôm hùm Alaska và cua hoàng đế được thị trường các nước Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam đặc biệt ưa chuộng. Bởi vậy, theo các doanh nghiệp nhập khẩu hải sản Bắc Mỹ, cạnh tranh nguồn hàng khá khốc liệt. Vào các dịp lễ lớn như trung thu tại Hàn Quốc, Trung Quốc, quốc khánh Trung Quốc, Tết Dương lịch… rất khó để nhập đủ hàng về, từ đó giá cũng tăng lên.

Bất chấp dịch Corona, tôm hùm Alaska, cua hoàng đế tăng giá mạnh - 1

Tôm hùm Alaska, cua hoàng đế là hai loại hải sản được nhiều người ưa thích

Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc đang đối mặt với dịch virus Corona hoành hành, mọi hoạt động tiêu thụ, nhập khẩu hàng hóa đều ngưng trệ. Bớt một đối thủ cạnh tranh nguồn hàng lớn, nhưng giá tôm hùm Alaska và cua hoàng đế vẫn tăng từ 100.00 – 200.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 1-2 tuần.

Theo anh Hoàng Minh, nhân viên một công ty cung cấp hải sản nhập khẩu, thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm Alaska công ty anh bán sỉ cho các đại lý là 950.000 đồng/kg size từ 1-5kg/con, cua hoàng đế là 1.450.000 đồng/kg size 2-4kg/con, thì hiện nay, tôm hùm Alaska chỉ có size 1,5 – 2,5kg/con, giá tăng lên 1.050.000 đồng/kg và giá cua hoàng đế là 1.600.000 đồng/kg.

Giá nhập tăng, nên các đại lý và cửa hàng hải sản cũng tăng giá bán đối với khách lẻ. Trao đổi với chị Phan Hà, một đại lý bán hải sản tại Hà Nội, giá tôm hùm Alaska hiện dao động từ 1.150.000 – 1.300.000 đồng/kg, giá cua hoàng đế dao động trong khoảng 1.850.000 – 2.000.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá hai loại hải sản này tăng mạnh sau Tết được anh Minh lý giải do đây là thời điểm cuối mùa đánh bắt, nguồn hàng khan, tôm cua đều ít size mà giá thì tăng mạnh.

“Mặc dù giá tăng mạnh nhưng hai loại hải sản này hiện công ty tôi vẫn tiêu thụ rất tốt, mỗi tuần hàng về không dưới 1 tấn mỗi loại. Trong khoảng 1-2 tháng tới giá có thể vẫn tăng vì vào mùa cấm đánh bắt. Chắc phải sau tháng 4/2020 giá mới xuống được”, anh Minh cho biết.

Nguồn :http://danviet.vn

Tôm hùm Australia bị ùn ứ vì dịch virus Corona

Hàng trăm tấn tôm hùm Australia đang bị tồn ứ do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV) đang hoành hành.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, nhu cầu ở ngoài nước giảm mạnh do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) đã dẫn đến việc người tiêu dùng Australia có thể mua được tôm hùm đá với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cảnh báo về tổn thất kinh tế đáng kể trong dài hạn do dịch bệnh này.

Theo truyền thông địa phương, cuối tháng qua, Hợp tác xã nghề cá Geraldton (GFC) ở bang Tây Australia đã ngừng thu mua tôm hùm vì dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đã làm giảm nhu cầu tôm hùm từ thị trường Trung Quốc.

Là nhà xuất khẩu tôm hùm lớn nhất của Australia, GFC có các bể nước mặn có tổng sức chứa 220 tấn, có thể lưu trữ tôm hùm từ 4-6 tuần.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp trị giá 500 triệu AUD (khoảng 335 triệu USD) của Tây Australia, chiếm khoảng 98% sản lượng khai thác 6.615 tấn.

Tôm hùm là loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán và GFC thường thu mua từ 40-50 tấn tôm hùm mỗi ngày trong thời gian này, song khi thị trường này đóng cửa, Giám đốc điều hành GFC Matt Rutter cho biết vẫn còn một số lượng nhỏ tôm hùm trong các bể chứa và hợp tác xã này đã buộc phải bán giảm giá cho các thị trường khác, bao gồm cả ở trong nước.

Một con tôm hùm đá Tây Australia loại A hiện có giá 33 AUD. Trước khi dịch bệnh do nCoV bùng phát, loại tôm hùm này được bán với giá 48 AUD/con.

Cũng theo ông Rutter, hiện GFC không còn nhiều tôm hùm trong các bể chứa, nhưng trên khắp đất nước Australia có vài trăm tấn tôm hùm đã được khai thác mà không thể vận chuyển tới Trung Quốc.

Tuy giá tôm hùm hiện chưa phải là thấp nhất từ trước đến nay, nhưng lại thấp hơn nhiều so với giá thị trường toàn cầu.

Trong bối cảnh chưa thể biết rõ khi nào thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, ông Rutter cảnh báo ngành nuôi tôm hùm đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới.
Không chỉ các ngư dân bị ảnh hưởng, mà tất cả những người sống dựa vào ngành này đều bị tác động. Trong khi chờ đợi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, ông Rutter cho biết GFC sẽ tiếp tục bán tôm hùm ra các thị trường khác, bao gồm trong nước, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), khu vực Đông Nam Á và Mỹ./.

Nguyễn Minh (P/v TTXVN tại Sydney)

Đầu năm, nông dân mong ước tôm, lúa được mùa – trúng giá

Sau những ngày tạm gác lại chuyện đồng áng để vui xuân, hiện nay nông dân các địa phương trong tỉnh tiếp tục bắt tay vào chăm sóc vụ lúa đông xuân. Không khí ra đồng ngày đầu năm nhộn nhịp, phấn khởi, bà con hy vọng có một vụ mùa bội thu.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa.

Sáng mùng 6 Tết Canh Tý 2020, gia đình anh Võ Văn Ái (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) đã ra đồng chăm sóc vụ lúa đông xuân. Do đã được ngành chức năng cảnh báo vụ lúa năm nay có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn nên anh Ái thường xuyên thăm đồng. Anh chia sẻ: “Trong tết, tôi đã rải phân một lần rồi nhưng thấy cây lúa vẫn còn vàng nên tiếp tục rải thêm phân. Tôi mong năm nay được vụ mùa bội thu, nông sản được giá để bà con tăng thu nhập, nâng cao đời sống”.

Những ngày này, cán bộ nông nghiệp các địa phương cũng đã hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, biện pháp canh tác cây lúa đạt năng suất cao, nhất là việc điều tiết nước hợp lý trong điều kiện khô hạn kéo dài, tạo sự yên tâm cho bà con sản xuất lúa vụ đông xuân.

Cũng vào thời điểm qua tết, người nuôi tôm các huyện vùng Nam Quốc lộ 1A của tỉnh bắt đầu xử lý ao vuông, chuẩn bị thả giống theo lịch thời vụ. Ông Nguyễn Văn Bình (huyện Hòa Bình) cho biết: “Năm 2020, người nuôi tôm mong giá cả ổn định, ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, đồng thời quan tâm giúp nông dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm”.

Người dân huyện Hòa Bình bán tôm cho thương lái. Ảnh: C.L

Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của nông dân. Điển hình là bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều diễn biến phức tạp; tình trạng lạm dụng các chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt vẫn còn diễn ra thường xuyên… Do đó, để năm 2020 sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai hiệu quả chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành để từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh. Khuyến cáo người dân chuyển đổi tập quán sản xuất hiện nay theo hướng canh tác an toàn, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Mùa khô năm nay (năm 2020), các nhà khoa học nhận định là tình hình hạn mặn sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy Sở NN&PTNT đã chủ động kiểm soát nguồn nước thông qua việc vận hành các cống để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Đồng thời khuyến khích bà con chọn lựa các mô hình sản xuất tiết kiệm nước để có một vụ mùa thành công”.

Chí Linh

Nguồn : http://www.baobaclieu.vn/

Tuy An (Phú Yên): Chú trọng phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi

UBND huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) vừa triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi năm 2020.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi năm 2020, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi đến với từng vùng, từng hộ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, địa phương cũng tuyên truyền, vận động hộ nuôi nâng cao ý thức, trách nhiệm trong ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh và tự giác, tích cực hợp tác cùng cơ quan chuyên môn phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi.

Huyện cũng chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để con giống và thủy sản nuôi chưa được kiểm dịch, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm lưu thông, mua bán, tiêu thụ trên địa bàn; tiến hành điều tra, xử lý khi dịch bệnh xuất hiện và triển khai khống chế dịch bệnh đảm bảo kịp thời nhanh gọn, triệt để, tránh để các loại dịch bệnh nguy hiểm thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch phát tán, lây lan.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng nâng cao kiến thức và hướng dẫn hộ nuôi các giải pháp phòng, trị bệnh; đồng thời vận động hộ nuôi, cơ sở sản xuất giống nuôi trồng thủy sản ký cam kết xây dựng vùng nuôi và cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản an toàn.

KHẮC NHO

Nguồn tin: Báo Phú Yên