Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

‘Vua tôm’ Minh Phú bị điều tra, Bộ Công Thương vào cuộc

Sau khi Hoa Kỳ thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú; Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ/ngành hữu quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Minh Phú phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.

Cụ thể, vừa qua, cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ/ngành hữu quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Minh Phú phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.

Tôm Minh Phú bị Hoa Kỳ điều tra về chống lẩn tránh thuế

Thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ/ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để làm việc, trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần nghiêm túc đấu tranh chống lại các hành vi gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Về phía Công ty Minh Phú, ngay khi nhận được thông tin về việc Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kz (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế CBPG đối với MSeafood, công ty con của Tập đoàn Minh Phú tại Hoa Kỳ.

Tập đoàn cho biết, đơn vị hết sức bất ngờ vì trong Quyết định (đăng tải trên các phương tiện truyền thông), CBP chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi Tổ chức AHSTEC – đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện CBPG tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn. AHSTEC nộp đơn tố cáo Mseafoof vào tháng 9/2019. Vì quy trình điều tra là bảo mật, CBP đã sử dụng các thông tin mà AHSTEC cung cấp cũng như một số thông tin thu thập từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ Internet, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood.

Theo đó, luật sư của Minh Phú tại Hoa Kỳ đã đăng ký với CBP để Minh Phú chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Minh Phú khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ với CBP cho dù cuộc điều tra EAPA và Quyết định nói trên quả thực mang tính chất áp đặt, không minh bạch và chỉ dựa trên thông tin một chiều.

Hiện tại, Minh Phú được yêu cầu tạm nộp thuế CBPG áp dụng cho Ấn Độ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Hoa Kỳ. Minh Phú khẳng định biện pháp tạm thời nói trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác. Mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Minh Phú vẫn diễn ra bình thường, theo kế hoạch.

Tuy nhiên, tập đoàn khẳng định không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ để xuất sang Hoa Kỳ như trong cáo buộc. Quyết định sơ bộ được đưa ra vì CBP cho rằng có một số dấu hiệu, nghi vấn để cho phép suy đoán về khả năng Minh Phú đã xuất khẩu tôm đông lạnh Ấn Độ sang Hoa Kỳ.

Thực tế, đơn vị không xuất tôm thành phẩm Ấn Độ sang Hoa Kỳ mà chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại các nhà máy của Minh Phú theo quy trình nghiêm ngặt đã được chứng nhận và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Hoa Kỳ.

Đại diện Công ty Minh Phú cho biết, hiện, CBP cũng chỉ rõ là Quyết định sơ bộ nói trên chỉ dựa trên các thông tin, số liệu ban đầu và chưa được kiểm chứng. Theo đó, có nhiều thông tin được dẫn chiếu không chính xác hoặc do nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch nội dung thông tin.

Cụ thể, trong Quyết định của CBP cho thấy, AHSTEC đã dựa vào các thông tin được trích trong thông cáo báo chí ngày 7/6/2019 của Tập đoàn Minh Phú và cho rằng trong năm 2018 Minh Phú chỉ sản xuất được 12.000 tấn tôm nhưng lại xuất khẩu tới 67.000 tấn. Minh Phú cho biết, đây là thông tin sai sự thật bởi 12.000 tấn là số liệu ước tính của sản lượng tôm nguyên liệu do Minh Phú “nuôi và thu hoạch” từ các ao nuôi của tập đoàn trong năm 2018, hoàn toàn không phải là công suất sản xuất tôm đông lạnh của Minh Phú theo như cáo buộc của AHSTEC.

Thực tế Minh Phú không chỉ sử dụng nguyên liệu tôm tự nuôi mà còn mua nguyên liệu từ bên ngoài thông qua các hợp đồng mua tôm, hỗ trợ và bao tiêu dài hạn với hàng ngàn hộ nông dân tại khu vực ven biển phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, CBP đã dựa vào thông tin mà nguyên đơn trích từ Báo cáo xuất khẩu tháng 6/2019 đăng trên website của Minh Phú để cho rằng có dấu hiệu cho thấy có một số lượng hàng xuất khẩu khá lớn của Minh Phú không phải do Minh Phú sản xuất. Kết luận này dường như đã dựa trên sự nhầm lẫn, hiểu sai về số liệu tại báo cáo.

Thực chất, số liệu được dẫn chiếu chỉ là theo đơn đặt hàng mà Minh Phú đã nhận được vào tháng 6/2019 và lượng đơn đặt hàng trị giá 141 triệu USD, tương ứng với khoảng 13.403 tấn thành phẩm, chỉ gấp đôi so với công suất sản xuất 01 tháng của Minh Phú. 100% lượng tôm thành phẩm mà Minh Phú xuất khẩu đều được sản xuất tại các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau và Hậu Giang.

Trên thực tế, sau khi nhận được đơn đặt hàng, Minh Phú sẽ cân đối nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất và xác nhận lại với khách hàng về số lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Điều này có nghĩa là, không phải toàn bộ số lượng đơn đặt hàng đều được Minh Phú chấp nhận và bán cho khách hàng. Hơn nữa, các đơn đặt hàng được xác nhận trong tháng 6/2019 thường được sản xuất và xuất khẩu trong nhiều tháng tiếp theo.

CBP có nêu trong giai đoạn điều tra từ ngày 1/10/2018 đến 31/8/2019, Tập đoàn Minh Phú đã nhập một lượng lớn tôm Ấn Độ. Đây là thông tin không có cơ sở bởi thực tế trong giai đoạn này, lượng tôm Ấn Độ mà Minh Phú nhập để sử dụng làm nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào của tập đoàn.

Đặc biệt từ đầu năm 2019, lượng tôm nhập khẩu của Minh Phú chỉ chiếm một lượng không đáng kể và từ quý II/2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu Ấn độ. Và tổng lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm dưới 39% tổng lượng tôm xuất khẩu của Minh Phú.

Minh Phú cũng cho biết thêm, do các cáo buộc tương tự về Minh Phú vào tháng 6/2019, công ty đã chủ động hợp tác, cung cấp số liệu cho CBP và mời CBP vào làm việc để xác minh thông tin. Tuy nhiên, do lần điều tra này, CPB xác định giai đoạn điều tra dựa vào đơn kiện nhận được vào tháng 9/2019 nên giai đoạn cung cấp thông tin đã có sự thay đổi. Trong mọi trường hợp, tập đoàn sẽ luôn hợp tác, công khai và minh bạch thông tin để tránh việc bị liên lụy do các cáo buộc khác, không có cơ sở nhằm vào Minh Phú nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung.

Thu Hà

Nguồn: Công Thương

Vùng đất dân nuôi thứ tôm càng to bự, bán lúc nào cũng đắt hàng

(Dân Việt) Từ năm 2018 đến nay, ngoài nuôi tôm sú, tôm thẻ, anh Lai Văn Phil, ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) còn thả nuôi xen canh tôm càng xanh với tôm thẻ chân trắng và tôm sú và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tôm càng xanh thả nuôi trong ruộng lúa khi bắt lên bán lúc nào cũng đắt hàng, cung không đủ cầu…

   

Những năm trước đây, trên phần đất sản xuất của gia đình, anh Lai Văn Phil, ở ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) thực hiện mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên đất cấy lúa và đạt năng suất, sản lượng cao.

Mặc dù vậy, anh Phil vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, sáng tạo và đạt hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình.

 Anh Lai Văn Phil (người đứng) đang thu hoạch vụ tôm càng xanh của gia đình.

Những năm trước, từ khi Nhà nước cho người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nuôi tôm trên đất cấy lúa, anh Lai Văn Phil, ở ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cải tạo hết phần đất sản xuất 3 ha của gia đình để trồng lúa kết hợp với nuôi tôm. Từ mô hình sản xuất này, mỗi năm gia đình anh Phil có thu nhập trên 120 triệu đồng từ trồng lúa, nuôi tôm.

Chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại và sau tời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, năm 2018 anh Phil quyết định thả nuôi thêm tôm càng xanh xen canh với tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Trong năm đầu, anh Phil chỉ thả nuôi 1 vụ, với số lượng khoảng 40.000 con tôm càng xanh giống.

Khoảng 6 tháng nuôi anh tiến hành thu hoạch và có thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ việc bán tôm càng xanh. Thấy nuôi tôm càng xanh xen canh với tôm sú và thẻ chân trắng đạt năng suất và hiệu quả cao nên đầu năm 2019 anh Phil thả nuôi với số lượng nhiều hơn vụ nuôi năm 2018 là 50.000 con.

Vụ nuôi trong năm 2019 vừa được anh Phil thu hoạch xong. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi trên 80 triệu đồng từ bán tôm càng xanh. Cùng với nuôi tôm càng xanh, anh Phil còn thả nuôi 2 vụ tôm sú và 1 vụ tôm thẻ chân trắng. Từ mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh với tôm sú và tôm thẻ chân trắng này, 2 năm qua (2018 – 2019), bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 180 đến 200 triệu đồng.

Anh Phil dèo lại tôm càng xanh vừa thu hoạch để bán tôm sống cho được giá.

Anh Phil cho biết: “Tôm càng xanh nuôi không khó, nhưng muốn nuôi mang lại hiệu quả cao người nuôi phải hiểu biết về kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc. Để nuôi tôm càng xanh mau lớn, thức ăn cho con tôm là rất quan trọng. Khi thả nuôi được từ 2 tháng tuổi trở lên, chúng ta bắt đầu cho tôm ăn. Thức ăn mà tôm càng xanh thích nhất là khoai mì, khoai lang và một số củ quả…”.

Theo kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh của anh Phil, người nuôi cần lưu ý, tôm càng xanh không thích hợp với nước có độ  mặn cao. Nước lợ và nước ngọt là con tôm nuôi rất mau lớn. Nước trong vuông nuôi không cần bỏ phân, bỏ thuốc gì hết mà để nước tự nhiên như vậy là nuôi được.

Thường thì con tôm càng xanh thả nuôi trong khoảng tháng 5, tháng 6 trong năm. Trên thị trường hiện tôm càng xanh có giá từ 120.000 đến 125.000 đồng, đầu ra rất dễ tiêu thụ.

Nhờ nuôi tôm càng xanh xen canh với tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt năng suất và hiệu quả cao nên kinh tế gia đình anh Phil từng bước được vươn lên và vượt qua cảnh nghèo khó. Giờ đây, gia đình anh Phil đã có của ăn, của để, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình, các con anh được đến trường để ăn học đàng hoàng.

Không những nhạy bén trong làm kinh tế cho gia đình, anh Phil sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trong xóm ấp khi có nhu cầu nuôi theo để phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống.

Ông Lê Minh Trí, Trưởng ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho biết: “Anh Lai Văn Phil, ở ấp 1, xã Khánh Lâm là một thanh niên biết vượt khó, thoát nghèo, nhạy bén trong làm kinh tế để vươn lên làm giàu. Những năm qua, gia đình anh Phil thực hiện đạt hiệu quả cao từ mô hình sản xuất nuôi tôm càng xanh xen canh với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Anh Phil xứng đáng là tấm gương sáng trong vượt khó, thoát nghèo cho nhiều thanh niên khác học tập, làm theo”.

Nguồn : http://danviet.vn/

Đậm đà hương vị ngày xuân với tôm khô củ kiệu Hà Tiên

Đầu năm trên bàn tiệc của mỗi gia đình ở miền Tây Nam Bộ không thể thiếu món ăn dân giã tôm khô củ kiệu. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn một lần thử thưởng thức sản phẩm tôm khô củ kiệu Hà Tiên, chắc chắn hương vị ngày xuân sẽ đậm đà hơn, giúp bạn phần nào khám phá được nét ẩm thực của thành phố Hà Tiên – nơi được mệnh danh là xứ sở của thi ca chốn biên thùy.
dam da huong vi ngay xuan voi tom kho cu kieu ha tien

Dịp tết vừa qua, hơn 1.000 bà con làm tôm khô ở thành phố Hà Tiên tỉnh Kiên Giang vui mừng vì cái nghề gia truyền có hơn một thế kỷ qua đã được nhà nước công nhận là nghề truyền thống và còn được Cục Sở hữu trí tuệ cho đăng ký Nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm tôm khô Hà Tiên. Các hộ dân ở đây năm nay đón tết vui hơn vì họ sắp được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thị trường để cho hương vị tết với tôm khô củ kiệu Hà Tiên được lan tỏa nhiều hơn tới mâm cơm của các gia đình Việt.

Hà Tiên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nguồn hải sản cá tôm rất phong phú. Sản lượng tôm ngư dân khai thác rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong trong khâu vận chuyển, bảo quản. Do đó để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, người dân chỉ còn một cách là làm tôm khô. Nguyên liệu đầu vào là tôm tươi sống được đánh bắt tự nhiên, như tôm đất, tôm he, tôm sắt, tôm chì từ đầm Đông Hồ và khai thác từ biển Hà Tiên. Tôm khô Hà Tiên có vị ngọt, thơm đặc trưng ít nơi nào sánh được.

Do nguyên liệu dồi dào nên nghề làm tôm khô diễn ra quanh năm. Tuy nhiên thời điểm tháng 11, 12 mới được xem là chính vụ và chuẩn bị cung ứng đặc sản quê hương phục vụ tết. Hiện nay tôm khô Hà Tiên đã được phân phối tại các hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

dam da huong vi ngay xuan voi tom kho cu kieu ha tien
Nghề làm tôm khô ở Hà Tiên. Ảnh Bùi Công Ba

Bà Nguyễn Thị Ánh, 61 tuổi ở khu phố 2 phường Tô Châu, Hà Tiên gây dựng được một cơ sở sản xuất tôm khô lớn. Bà Ánh cho biết: “Quy trình làm tôm khô hoàn toàn thủ công, không dùng chất bảo quản nên chất lượng tôm luôn được đảm bảo. Đầu tiên phải rửa tôm thật sạch rồi đem đi luộc sơ qua nước nóng. Muốn tôm khô ngon, quan trọng ở khâu luộc tôm và ướp muối sao cho vừa ăn. Sau đó phơi tôm từng lớp mỏng, thời gian từ 2-3 ngày cho thật khô. Tiếp theo là đập vỏ tôm. Sản phẩm tôm khô được phân loại thành nhiều loại khác nhau, tùy theo kích cỡ và màu sắc của tôm khô”.

Ngày tết không thể thiếu đĩa tôm khô trộn củ kiệu chua chua ngọt ngọt. Món ăn tuy bình dị nhưng mang hương vị ẩm thực Miền Tây: một chút hăng nồng xen ngọt dịu chua giòn.

Kiệu là loại củ đặc trưng của Nam Bộ, có hình dáng rất giống hành, nhưng ít hăng hơn và củ cũng nhỏ hơn rất nhiều. Cứ mỗi độ tết về, ngoài bánh tét là món ăn chính thì củ kiệu là món đồ chua nhà nhà phải có. Có dưa kiệu chua ngọt giòn giòn ăn kèm bánh tét hay thịt kho tàu, v.v món ăn ngon hơn đỡ ngán hơn. Sẵn có đặc sản tôm khô trứ danh Hà Tiên, có quả trứng bắc thảo người ta đem trộn cùng dưa kiệu, nêm nếm gia vị, vậy là ra đời món tôm khô củ kiệu Hà Tiên ngon lạ. Ở đó, có vị đậm đà của tôm, vị béo thơm của trứng và chua giòn của kiệu.

dam da huong vi ngay xuan voi tom kho cu kieu ha tien
Tôm khô Hà Tiên có nhiều loại để khách hàng lựa chọn nhưng luôn đảm bảo chất lượng thơm ngon. Ảnh Bùi Công Ba

Cách làm củ kiệu tôm khô Hà Tiên cho ngày Tết khá đơn giản nhưng lại là món nhậu lai rai đậm đà hương vị ngày xuân. Để làm món này, đầu tiên bạn phải sơ chế rửa qua nước lạnh rồi ngâm với chút nước ấm cho mềm tôm, rồi vớt ra để ráo. Dùng củ kiệu ngâm và tôm ngâm với nước giấm và nêm thêm gia vị để món tôm khô củ kiệu thêm ngon. Lấy một quả trứng bắc thảo rửa sạch, luộc 15 phút rồi bóc vỏ, chẻ trứng thành những múi nhỏ như múi cau. Chọn một chiếc đĩa lớn, trình bày các nguyên liệu theo ý muốn rồi rưới chút nước giấm lên trên. Có thể cho thêm đường để tăng vị ngọt. Ta cũng có thể trộn tôm khô, củ kiệu trước cho thấm rồi mới trang trí trứng bắc thảo xung quanh để thưởng thức. Đây là món đồ chua điều hòa hương vị trong mâm tiệc ngày xuân, gia giảm vị mặn ngọt chua cay, hạn chế cảm giác ngây ngấy từ thịt cá. Củ kiệu chua ngọt kết hợp cùng vị dai dai ngọt mềm của tôm khô và dưỡng chất từ trứng bắc thảo sẽ khiến ta cảm thấy ngon hơn.

Nguồn : https://dulich.petrotimes.vn/

Bùi Công Ba

Minh Phú phản bác thông tin sai sự thật về lẩn tránh thuế tôm xuất khẩu

tôm sú
Minh Phú phản bác thông tin sai sự thật trong quyết định điều tra của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ. Minh Phú cho rằng có một số thông tin sai sự thật trong quyết định điều tra.

Một số thông tin sai sự thật

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú, ngày 16/1/2020 vừa qua, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận được thông tin qua báo chí về việc Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP đã chính thức có quyết định khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (Thuế CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Tập đoàn Minh Phú tại Hoa Kỳ.

Theo Minh Phú, trang số 3 trong quyết định của CBP cho thấy,  “Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Hoa Kỳ” (AHSTEC) đã dựa vào các thông tin được trích trong Thông cáo báo chí ngày 7/6/2019 của Tập đoàn Minh Phú và cho rằng trong năm 2018 Minh Phú chỉ sản xuất được 12.000 tấn tôm nhưng lại xuất khẩu tới 67.000 tấn.

Minh Phú cho rằng, đây là thông tin sai sự thật bởi 12.000 tấn là số liệu ước tính của sản lượng tôm nguyên liệu do Minh Phú nuôi và thu hoạch từ các ao nuôi của tập đoàn trong năm 2018, hoàn toàn không phải là công suất sản xuất tôm đông lạnh của Minh Phú theo như cáo buộc của AHSTEC.

Thực tế Minh Phú không chỉ sử dụng nguyên liệu tôm tự nuôi mà còn mua nguyên liệu từ bên ngoài thông qua các hợp đồng mua tôm, hỗ trợ và bao tiêu dài hạn với hàng ngàn hộ nông dân tại khu vực ven biển phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Tại trang số 5 của Quyết định, CBP đã dựa vào thông tin mà Nguyên đơn trích từ báo cáo xuất khẩu tháng 6/2019 đăng trên website của Minh Phú để cho rằng có dấu hiệu cho thấy có một số lượng hàng xuất khẩu khá lớn của Minh Phú không phải do Minh Phú sản xuất.

Kết luận này dường như đã dựa trên sự nhầm lẫn, hiểu sai về số liệu tại báo cáo. Thực chất, số liệu được dẫn chiếu chỉ là theo đơn đặt hàng mà Minh Phú đã nhận được vào tháng 6/2019 và lượng đơn đặt hàng trị giá 141 triệu USD, tương ứng với khoảng 13.403 tấn thành phẩm, chỉ gấp đôi so với công suất sản xuất 1 tháng của Minh Phú. 100% lượng tôm thành phẩm mà Minh Phú xuất khẩu đều được sản xuất tại các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau và Hậu Giang.

Trên thực tế, sau khi nhận được đơn đặt hàng, Minh Phú sẽ cân đối nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất và xác nhận lại với khách hàng về số lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Điều này có nghĩa là, không phải toàn bộ số lượng đơn đặt hàng đều được Minh Phú chấp nhận và bán cho khách hàng. Hơn nữa, các đơn đặt hàng được xác nhận trong tháng 6/2019 thường được sản xuất và xuất khẩu trong nhiều tháng tiếp theo.

Lãnh đạo Minh Phú cho rằng, hơi khó hiểu về sự nhầm lẫn này bởi ngay tại báo cáo tháng 6/2019, Minh Phú cũng công bố rõ ràng rằng số lượng đơn đặt hàng được xác nhận trong 6 tháng đầu năm 2019 đã lên tới hơn 400 triệu USD và chiếm khoảng 50% kế hoạch của năm 2019 (số liệu này cũng đã được dẫn chiếu trong Quyết định). Thông tin này cho thấy ngay số liệu 141 triệu USD giá trị đơn đặt hàng chỉ tương ứng với năng lực sản xuất và bán hàng của Minh Phú trong khoảng 2 tháng.

Không sử dụng tôm Ấn Độ từ quý II/2019

Tại trang số 6 của Quyết định, CBP có nêu trong giai đoạn điều tra từ 1/10/2018 đến 31/8/2019, Tập đoàn Minh Phú đã nhập một lượng lớn tôm Ấn Độ.

Theo Minh Phú, thông tin trên không có cơ sở bởi thực tế trong giai đoạn này, lượng tôm Ấn Độ mà Minh Phú nhập để sử dụng làm nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn.

Đặc biệt từ đầu năm 2019, lượng tôm nhập khẩu của Minh Phú chỉ chiếm một lượng không đáng kể và từ quý II/2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu Ấn Độ. Quyết định này dường như CBP đã cố tình phớt lờ thông tin được nói rõ ngay trong Thông cáo báo chí tháng 6/2019 của Minh Phú là tổng lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm dưới 39% tổng lượng tôm xuất khẩu của Minh Phú.

Thực tế, do các cáo buộc tương tự về Minh Phú vào tháng 6/2019, nên doanh nghiệp đã chủ động hợp tác, cung cấp số liệu cho CBP và mời CBP vào làm việc để xác minh thông tin. Tuy nhiên, do lần điều tra này, CPB xác định giai đoạn điều tra dựa vào đơn kiện nhận được vào tháng 9/2019 nên giai đoạn cung cấp thông tin đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, đáng tiếc là những thông tin công khai, minh bạch của Minh Phú đã bị lợi dụng để suy diễn, bóp méo sự thật để gây hiểu nhầm cho các cơ quan chức năng nhằm lợi dụng chính sách bảo hộ thương mại của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm gây tổn hại cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu như Minh Phú cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Sau khi có thông tin bị điều tra, từ tháng 1/2020, Minh Phú đã chỉ định luật sư tại Hoa Kỳ và Việt Nam làm thủ tục đăng ký với CBP để tham gia tích cực và cung cấp số liệu cho CBP để giúp cơ quan này hiểu chính xác hơn, có thông tin đa chiều và đã được kiểm chứng trước khi CBP đưa ra quyết định cuối cùng.

Lê Thu Hải Quan Online

Bí quyết “hiện tượng” Ecuador

Ecuador là nước xuất khẩu tôm nuôi lớn thứ 3 thế giới. Điều gì đã thúc đẩy ngành tôm nước này phát triển nhanh như vậy?

Ảnh minh họa.

Ecuador bắt đầu nuôi tôm từ năm 1969 ở bờ Đông Nam vịnh Guayaquil. Vì thiếu kiến thức, người nuôi tôm ở Ecuador đã vận chuyển ấu trùng tôm trong các thùng nhựa mà không kiểm soát được, điều này khiến tỷ lệ sống rất thấp.

Ngay sau đó, nông dân Ecuador đã hiện thực hóa một hệ thống ương giống cho phép các cửa sông và con nước để trữ một lượng lớn ấu trùng tôm. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc xác định mật độ con giống trên mỗi cửa sông. Để khắc phục điều này, Ecuador đưa ra một phương pháp mới, theo đó, con giống từ các cửa sông được bắt và vận chuyển đến một bể sinh sản. Tôm được duy trì trong các bể này 4 – 8 tháng, cho đến khi chúng sẵn sàng để tiêu thụ và thương mại hóa. Phương pháp này đã tạo ra một cuộc cách mạng hóa ngành tôm toàn cầu. Đến năm 2018, ngành tôm Ecuador đã rất phát triển với số lượng ao nuôi tôm tăng chóng mặt. Các công ty ở nước này sản xuất tôm chất lượng cao trong nhiều thập kỷ và bây giờ đã có chương trình nhân giống tích hợp theo chiều dọc.

Ngoài ra, chính sách phân vùng trang trại là mô hình thực hành tốt nhất trong nuôi tôm. Với mục tiêu về môi trường và bền vững, Ecuador đã đặt ra những hạn chế trong canh tác ở môi trường rừng ngập mặn ven biển, buộc nông dân phải xây dựng ao nuôi ở vùng cao. Không ngạc nhiên khi sản lượng tôm của Ecuador chạm mốc 500.000 tấn vào năm 2018, theo Phòng Nuôi trồng thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA). Trong cùng kỳ, xuất khẩu tôm của Ecuador sang châu Á chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng từ 57% cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc có mức tăng cao nhất. Với các lô hàng tôm đến nhiều hơn gấp 3 lần, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador về cả giá trị và khối lượng. Trong khi đó, xuất khẩu tôm Ecuador sang Việt Nam vẫn ổn định; xuất khẩu sang một số nước châu Âu, đặc biệt là Italia và Tây Ban Nha đã cho thấy một sự tăng trưởng lớn.

Sản lượng tôm tại các quốc gia nuôi tôm lớn ở Mỹ Latinh

Đây là kết quả của nhiều thay đổi và cân bằng thức ăn. Một số nhà sản xuất thức ăn lớn nhất thế giới như Skretting, Vitapro và BioMarGroup đang thực hiện kế hoạch mở rộng ở Ecuador. Tháng 8/2018, Công ty kinh doanh nông nghiệp khổng lồ Mỹ Cargill và nông dân nuôi tôm Naturisa tuyên bố họ đang sản xuất thử nghiệm trong một nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm mới, dự kiến mở cửa vào tháng 10/2018.

Những lợi thế quan trọng khác mà ngành tôm Ecuador có được so với các đối thủ châu Á là chi phí sản xuất ở cấp độ trang trại thấp; độ đồng đều cao của nguyên liệu thô; quy mô thu hoạch tương đối lớn, mặc dù các nhà sản xuất ở Ecuador từ chối sử dụng hệ thống sản xuất thâm canh hơn. Do Ecuador có chi phí lao động công nghiệp cao, quốc gia này tập trung vào xuất khẩu tôm nguyên con còn đầu và vỏ (HOSO) thay vì sản phẩm bóc vỏ hoặc giá trị gia tăng.

Nước này cũng đang xem xét tiềm năng xuất khẩu công nghệ và chuyên môn trong nuôi tôm, đặc biệt là các nước Ả Rập đang hướng tới mục tiêu tự cung cấp và an ninh lương thực. Những sáng kiến như vậy cùng sự gia tăng liên tục trong sản lượng và chính sách đã khiến nhiều chuyên gia dự đoán, Ecuador có thể sản xuất 700.000 tấn tôm trong vài năm tới, vượt qua Ấn Độ để trở thành nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới.

Nguồn : https://sinhhoctomvang.vn/

Hoa Kỳ điều tra hành vi lẩn tránh thuế với tôm xuất khẩu

Hoa Kỳ thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng biện pháp tạm thời với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN 

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ; đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.

Do vậy, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này và có văn bản đề nghị Công ty Minh Phú phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để làm việc, trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần nghiêm túc đấu tranh chống lại các hành vi gian lận thương mại; trong đó, có gian lận xuất xứ nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Dám nghĩ, dám làm ắt thành công

(Thủy sản Việt Nam) – Anh Lê Trọng Nghĩa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được biết đến là một trong 16 nông dân nuôi trồng thủy sản giỏi nhất cả nước năm qua. Thế nhưng, để có được kết quả này, anh cũng đã trải qua nhiều thất bại.

Những kinh nghiệm nền tảng

Khoảng năm 1994, khi mới ngoài 20 tuổi, vừa xuất ngũ trở về, anh Lê Trọng Nghĩa bắt đầu vào khai hoang vùng đất Lộc An. Sau vài năm cải tạo, anh đã có thành quả đầu tiên, đó là hơn 1 ha mặt nước ao nuôi cua biển.

Những ngày đầu lập nghiệp vô cùng gian nan. Anh Nghĩa nhớ lại, thời đó thiếu thốn đủ thứ, máy móc chẳng có như bây giờ, đào ao, đắp bờ cũng bằng tay, sức người hạn chế nên ao đào xong đều bị lũ cuốn trôi. Tiền vốn không có, tôi vay anh em để đầu tư. Sau thời gian miệt mài vất vả, cuối cùng anh cũng đã thành công trong lĩnh vực nuôi cua và được gắn với biệt danh “vua cua biển vùng Đất Đỏ”.

Thời thế thay đổi, đến những năm 2000, theo phong trào nuôi tôm của mọi người, anh cũng vào vùng đất Lộc An để đầu tư nuôi tôm. Mới tham gia nuôi tôm nên anh cũng chịu nhiều thất bại. Hiểu được nguyên nhân, anh quyết tâm tham gia học hỏi từ các lớp tập huấn khuyến nông, đồng thời tìm về các mô hình nuôi tôm khu vực miền Tây, Đông Nam bộ để học hỏi kinh nghiệm. Từ những đợt đi thực tế này, anh trở về và xây dựng đầm nuôi tôm của riêng mình với những kỹ thuật đào đầm, thả giống, chăm sóc… riêng. Nhờ có trang bị kiến thức tốt, thành công đã mỉm cười với anh.

Anh Lê Trọng Nghĩa kiểm tra tôm nuôi

 

“Chìa khóa” thành công

Anh Lê Trọng Nghĩa hiện đã sở hữu tài sản “kếch xù” với 14 ao nuôi tôm – cá trên tổng diện tích gần 5 ha. Ngoài cá chẽm, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 60 – 70 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tùy theo giá thị trường, sau khi trừ chi phí, anh Nghĩa thu lãi vài tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động.

Thành công là vậy nhưng anh Nghĩa cho rằng, việc nuôi tôm rất bấp bênh, cần có kinh nghiệm phát hiện sớm các triệu chứng khi tôm mắc bệnh, như bệnh do môi trường ô nhiễm từ các hộ nuôi xả thải ra, hay các hội chứng còi cọc trên tôm… Như năm 2013, tôm nuôi của anh và các hộ xung quanh bị bệnh đốm trắng. Từ kinh nghiệm của mình, anh đã thả nuôi tôm xen cá chẽm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi. Kết quả, rủi ro trong nuôi tôm của anh Nghĩa giảm rõ rệt. Hiện, anh Nghĩa nuôi xen canh 2 đối tượng này mỗi vụ, “riêng cá chẽm mỗi vụ nuôi tôi cũng thu 40 – 50 tấn, lãi khoảng 500 – 600 triệu đồng”, anh Nghĩa cho biết.  Ông Phạm Văn Xum, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đất Đỏ khi nói về anh Nghĩa đã khẳng định: Anh Nghĩa không chỉ ham học hỏi, nắm bắt được kỹ thuật nuôi trồng, mà còn là người có ý chí sắt đá. Từ những thất bại của bản thân, anh đã rút ra kinh nghiệm và có cách làm riêng của mình và đã thành công trên cương vị một người chủ và trở thành một trong 16 nông dân tiêu biểu của cả nước.

“Nhiều người nuôi tôm khác đã tìm đến học hỏi và được anh “truyền” hết kinh nghiệm, bí quyết, giúp họ cùng thành công. Hiện nay, chúng tôi đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh, với hy vọng sẽ có nhiều nông dân tỷ phú như anh Nghĩa”, ông Xum cho biết thêm.

Kim Phượng

Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/