Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Qui Trình Nuôi

Hướng dẫn an toàn sinh học đối với điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ

Nhằm kiểm soát chất lượng tôm giống và bảo đảm an toàn thực phẩm, Tổng cục Thủy sản vừa ban hành Quyết định số 169/QĐ-TCTS-NTTS ngày 09/3/2020 về hướng dẫn thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn những cách nhận diện mối nguy gây mất an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ và một số yêu cầu an toàn sinh học đối với điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Trong đó, về yêu cầu an toàn sinh học, các cơ sở ương sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần tuân thủ các yêu cầu như: Yêu cầu an toàn sinh học trong lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng; Yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở; An toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống; An toàn sinh học trong nhập kho, sử dụng và bảo quản các loại hóa chất, chế phẩm sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; Yêu cầu về chương trình kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng.

Cụ thể, về địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng: cần lựa chọn làm địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ có diện tích đủ rộng, nền đất vững chắc, địa tầng ổn định, không bị ngập nước khi triều cường, không nằm trong vùng bị xói lở và phù hợp với quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh hoặc có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền địa phương. Địa điểm xây dựng cơ sở không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm và cần có nguồn điện lưới 3 pha ổn định, có máy phát điện dự phòng đủ công suất phục vụ cho sản xuất giống tôm nước lợ trong thời gian mất điện. Giao thông thuận tiện và an toàn trong vận chuyển tôm giống.

Đối với nguồn nước cấp cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ: Các chỉ tiêu môi trường của nguồn nước lấy vào cơ sở trước khi xử lý, đưa vào sản xuất đáp ứng yêu cầu sau: Đối với nước ngọt: QCVN 08-MT: 2015/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, ban hành theo Thông tư số 65/2015/TTBTNMT ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần có khuôn viên xây dựng đầy đủ khu chức năng, bố trí các khu chức năng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ hợp lý. Đối với khuôn viên Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải được ngăn cách với khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế biến; không bị ảnh hưởng bởi khu nuôi trồng thuỷ sản thương phẩm; ngăn chặn động vật gây hại và tránh được khói bụi từ bên ngoài vào khu vực sản xuất, ương dưỡng giống. Bố trí các khu chức năng trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải theo nguyên tắc một chiều (không ngang qua, không cắt chéo).

Bên cạnh đó, tài liệu cũng hướng dẫn những quy trình nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống như: Nơi nhân sinh khối tảo phải biệt lập với các khu vực khác của cơ sở sản xuất giống và được chia thành 2 khu: Khu giữ giống thuần và khu nhân sinh khối. Vị trí của nơi nhân sinh khối tảo cần có đủ ánh sáng, liền kề với khu vực ương dưỡng ấu trùng tôm. Thùng nhựa, túi ni lon nuôi tảo bằng vật liệu không gây độc, dung tích đủ cho tảo phát triển tốt và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Nơi ấp nở artemia cần tách biệt với các khu chức năng khác của cơ sở, có diện tích đủ rộng. Vị trí nên liền kề với khu vực ương nuôi ấu trùng (zoea, mysis, postlavae). Thùng, xô, vợt dùng trong ấp nở Artemia phải là chuyên dùng và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Không sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ nhập vào cơ sở những hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, thức ăn được phép lưu hành triên trị trường theo quy định của pháp luật và chất lượng đảm bảo. Sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải theo đúng chỉ dẫn về liều lượng, cách dùng ghi trên nhãn sản phẩm và hướng dẫn của nhà chuyên môn.

Đối với tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên: Có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển đảm bảo tôm không bị nhiễm bệnh và luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ được chọn tạo trong nước: Có nguồn gốc từ cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (đố với giống bố mẹ); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ nhập khẩu: Có nguồn gốc rõ ràng (tại các cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; có hồ sơ nhập khẩu; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh.

Theo: Việt Linh

Bổ sung khoáng chất cho tôm thẻ, tôm sú đúng cách

Bổ sung khoáng chất cho tôm thẻ, tôm sú đúng cách sẽ quyết định đến tỉ lệ sống và sự tăng trưởng của tôm nuôi. Đặc biệt là những ao nuôi có độ mặn thấp cần bổ sung khoáng chất để đạt được sản lượng mong muốn. Ở bài viết này, nuôi tôm an toàn sẽ cùng bà con đi tìm hiểu tổng quan về khoáng chất cũng như cách bổ sung khoáng cho tôm đúng cách nhất.

Vai trò của khoáng trong nuôi tôm

Khoáng chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển và giai đoạn lột xác của tôm nuôi. Thông thường, những khoáng chất được hấp thụ qua thức ăn và môi trường nước, chúng có nhiều chức năng sinh lý có tác dụng duy trì sự cân bằng acid-base và điều hòa áp suất thẩm thấu.

Khoáng được chia ra làm hai loại chính: Khoáng vi lượng cho tôm (Cu, Fe, Ni, Mn)  và khoáng đa lượng cho tôm (Ca, L, Mg, P).

Khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và lột xác của tôm nuôi

Khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và lột xác của tôm nuôi

Những khoáng tạt ao tôm như Ca, Cu, Mg, K, Zn, P,… rất quan trọng đối với quá trình lột xác và hình thành vỏ mới cho tôm. Mỗi chất đem đến những công dụng khác nhau, cụ thể như:

— Khoáng Mg: Đây là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme, tôm thiếu Mg sẽ dẫn đến hiện tượng giảm ăn, chậm lớn, thậm chí chết rải rác.

— Khoáng Cu: Đồng có nhiệm vụ vận chuyến máy và hô hấp trên tôm, đồng thời góp phần hình thành sắc tố Melanin. Trong trường hợp tôm thiếu Cu sẽ dẫn đến chậm lớn.

— Khoáng Zn: Có công dụng vận chuyển COtrên tôm, giúp kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Trong trường hợp thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôm bố mẹ.

— Khoáng tạt nguyên liệu Na, Cl, K: Na có công dụng dẫn truyền xung động thần kinh cơ. K có vai trò trong quá trình trao đổi chất, thiếu k tôm sẽ biếng ăn chậm lớn. Cl tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu và các hoạt động enzyme trong tế bào.

— Khoáng tạt cho tôm Ca, P: Ca và P được xem là thành phần quan trọng quyết định vào quá trình hình thành lớp vỏ kitin. Trong đó, Ca tham gia vào quá trình đông máu, các chức năng cơ, sự truyền dẫn thần kinh và điều hòa áp suất thẩm thấu. P có vai trò là trung tâm trong quá trình chuyển hóa năng lượng, duy trì độ pH trong cơ thể tôm.

Nhu cầu khoáng chất cho tôm

Khoáng là chất đóng vai trò quan trọng giúp cho quá trình lột xác của tôm nuôi. Nếu thiếu khoáng, tôm sẽ bị cong thân, mềm vỏ và khó lột xác. Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú mật độ cao thì việc bổ sung khoáng cần phải được bà con chú trọng và kịp thời. Nhu cầu khoáng chất cho tôm thẻ chân trắng và tôm sú thay đổi theo từng giai đoạn tăng trưởng và theo từng loại khoáng. Chúng có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, lột xác liên tục, thả nuôi với mật độ cao nên nhu cầu khoáng là rất cao.

Tôm có thể hấp thu khoáng qua hai cách: Khoáng tạt ao tôm và khoáng trộn thức ăn cho tôm nuôi.

  • Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường thông quá việc hấp thụ qua mang nên việc tạt trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng bị mất trong quá trình lột xác của tôm là việc rất cần thiết.
  • Đối với những ao nuôi có độ mặn thấp, tôm sẽ khó khăn trong việc hấp thu khoáng hòa tan có trong môi trường nước. Trường hợp này cần bổ sung khoáng vào khẩu phần thức ăn cho ao tôm.
Khoáng đa lượng, khoáng vi lượng cho tôm

Khoáng đa lượng, khoáng vi lượng cho tôm

==> Xem chi tiết => Nhu cầu khoáng chất cho tôm thẻ chân trắng là gì?

Hiện tượng tôm thiếu khoáng

Tôm bị thiếu khoáng sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sau đây:

  • Thời gian đầu, tôm thiếu khoáng sẽ xuất hiện những chấm đên li ti trên toàn vỏ tôm nuôi.
  • Quan sát thấy tôm bị đục cơ từng phần và đục cơ toàn thân, kèm theo dấu hiệu cong thân.
  • Những tôm bị nặng sẽ bị rớt đáy, nhiều ao rớt vài con, có ao rớt vài chục cao, thậm chí có ao sẽ rớt khoảng từ 9 – 10 con mỗi ngày
  • Trong giai đoạn lột xác tôm sẽ bị mềm vỏ và chậm lớn.
Hiện tượng tôm thiếu khoáng

Hiện tượng tôm thiếu khoáng

Tôm tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn từ 30 – 35 ngày tuổi, nếu trường hợp này tôm tăng trưởng chậm thì chứng tỏ hàm lượng Ca, Mg trong môi trường nước bị thiếu, không cung cấp đủ nhu cầu hấp thu của tôm. Lúc này, cần phải tiến hành bổ sung khoáng tạt cho tôm hoặc trộn thức ăn cho tôm nuôi.

Bổ sung khoáng cho tôm thẻ, tôm sú

Nếu nước có độ mặn cao hoặc thấp nhưng các yếu tố về khoáng vẫn trong khoảng tối ưu và tỉ lệ in thích hợp thì bà con không cần phải bổ sung thêm khoáng tạt nguyên liệu. Tuy nhiên, do tác động từ các yếu tố bên ngoài sẽ làm mất đi một lượng khoáng cần thiết cho tôm. Do đó, bà con cần phải thường xuyên kiểm tra và theo dõi hàm lượng nước trong ao bằng các bộ kit Sera.

Việc bổ sung khoáng cho tôm sú ăn và tôm thẻ còn phụ thuộc nhiều vào khả năng hấp thu của các loại khoáng này ở môi trường nước. Bà con nên lựa chọn các loại khoáng tinh thể, có thể dễ dàng hòa tan vào môi trường nước hoặc tốt nhất nên trộn thức ăn cho hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn lột xác cần bổ sung khoáng vào ban đêm từ 10 – 12 giờ, giai đoạn này oxy sẽ tăng cao gấp đôi và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng từ môi trường nước để tạo vỏ.

Bên cạnh đó, khi thấy tôm có dấu hiệu mềm vỏ, khó lột xác thì cần tạt vôi bột xuống ao kết hợp với việc trộn khoáng vào thức ăn để khắc phục hiện tượng này.

Tôm được bổ sung khoáng định kỳ 

Tôm được bổ sung khoáng định kỳ 

Các loại khoáng chất cho tôm

1. Khoáng Canxi – CaCl2

Đây là loại khoáng được bổ sung thêm Canxi cho tôm nuôi, đồng thời kích thích tôm lột xác, giúp tôm mau cứng vỏ, rút ngắn được thời gian tôm lột xác. Đây là loại khoáng được bà con áp dụng phổ biến hiện nay trong thủy sản. Quy cách đóng gói 25kg/ bao.

2. Khoáng Magie – MgCl2

Trong giai đoạn lột xác, bổ sung khoáng Mg là việc cần thiết giúp tôm lột xác nhanh và mau cứng vỏ. Khoáng Mg đóng gói 25kg/ bao với hàm lượng 97% Mg.

3. Khoáng Kali – KCl

Việc bổ sung khoáng Kali giúp phòng ngừa cong thân, đục cơ, kích thích tôm lột vỏ nhanh chóng nhất. Sản phẩm đóng gói 50kg/ bao với hàm lượng 60%.

 

7 mô hình nuôi tôm hiệu quả

Thời gian qua, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được tính hiệu quả nhờ kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, năng suất vượt trội so với các mô hình nuôi truyền thống.

Nuôi tôm hai giai đoạn SINH HỌC TÔM VÀNG

Mô hình nuôi tôm Công ty Sinh Học Tôm Vàng

Quy trình nuôi tôm công nghệ cao theo SINH HỌC TÔM VÀNG luôn đạt tỷ lệ thành công lên đến 90% trọn vẹn niềm tin với người nuôi. Chúng tôi thấu hiểu để tôm có nền tảng sức khỏe toàn diện thì không thể chỉ quan tâm đến 1 giai đoạn mà phải chăm sóc dinh dưỡng cả vòng đời cho tôm. Công ty SINH HỌC TÔM VÀNG đã tiên phong đem đến các giải pháp dinh dưỡng và tư vấn các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường nuôi, đề ra các biện pháp xử lý thích hợp đạt hiệu quả cao. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao SINH HỌC TÔM VÀNG sẽ mang đến những điểm tích cực nhất và đem hiệu quả tốt đến với người nuôi.

Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn theo SINH HỌC TÔM VÀNG áp dụng 2 năm về trước nhưng với một cách thức khác phương châm khác SINH HỌC TÔM VÀNG đã đề ra những mục đích dẫn đến hiệu quả cao tới 90% từ bể tròn bể đất…. chủ yếu là giai đoạn ương và giai đoạn 2. Giải pháp kỹ thuật này những năm gần đây được phát triển ở mức cao hơn, đặc biệt khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển đến mức thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao, mục đích nhằm rút ngắn thời gian nuôi, năng mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro đáng kể và chi phí thấp thích hợp đến cho mọi người nuôi. Với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn theo SINH HỌC TÔM VÀNG giai đoạn 1 ương với mật độ cao, đến giai đoạn 2 sau 30 ngày sang ra mật độ 2-300/m2.

CPF-Combine

Được phát triển từ sự kết hợp các mô hình CPF-Green House, CPF-Turbo Program, C.P-Probiotic Farm, 3C, mô hình CPF-Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam bắt đầu được chuyển giao cho người nuôi tôm trong cả nước từ năm 2015. Hiện, mô hình CPF-Combine đã được các chuyên gia của C.P. Việt Nam nâng cấp lên phiên bản thứ 2. Mô hình này được thiết kế để ứng dụng các ao nổi cùng hệ thống xử lý nước hoàn chỉnh sẽ giúp người nuôi xây dựng nhanh chóng và quản lý dễ dàng hơn.

Mô hình CPF-Combine được thiết kế theo hướng khép kín, tất cả các khâu trong mô hình như khu xử lý nước, khu ương nuôi đều được tính toán theo một tỷ lệ hợp lý giúp cho việc quản lý được hiệu quả, điểm cốt lõi trong mô hình đó là luôn luôn duy trì được môi trường nuôi sạch cho tôm. Ngoài ra, khác biệt của CPF-Combine chính là hệ thống xử lý chất thải Biogas, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas được sử dụng để phục vụ cho cả sinh hoạt và sản xuất. Mô hình đã mang lại năng suất trung bình khoảng 60 – 70 tấn/ha.

Công nghệ góp phần nâng cao sản lượng tôm nuôi – Ảnh: Diệu Lữ

Nuôi tôm công nghệ 234

Từ quy trình nuôi 2 giai đoạn, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã sáng tạo ra công nghệ nuôi 234. Trong đó, số 2 là nuôi 2 giai đoạn. Còn số 3 là thu tỉa 3 lần trong một vụ: thu tỉa lần đầu khi tôm 60 – 65 ngày (bắt 50% lượng tôm trong ao đã đạt cỡ 65 – 70 con/kg), sau đó khoảng 20 ngày tiến hành thu tỉa lần hai (cũng bắt 50% lượng tôm còn lại trong ao đã đạt 40 – 45 con/kg), lần thứ ba sau 110 – 115 ngày (thu hoạch hết tôm trong ao đạt cỡ 15 – 20 con/kg). Còn số 4 là 4 sạch: con giống sạch bệnh, nước nuôi sạch, sạch kháng sinh và sạch môi trường. Cụ thể, nước nuôi tôm lấy từ biển có độ mặn từ 25‰ trở lên, qua hệ thống lọc tự nhiên kết hợp với máy lọc màng. Tất cả là một quy trình nuôi đảm bảo con tôm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đáp ứng mọi thị trường với giá cả cạnh tranh tốt. Sau quá trình thử nghiệm, Minh Phú đã thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất 50 tấn/ha/vụ, số vụ nuôi tăng từ 1 – 2 vụ/năm lên 4 – 5 vụ/năm.

Nuôi tôm siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận

Để phù hợp với điều kiện, chi phí đầu tư của các hộ dân, Tập đoàn Việt – Úc đã nghiên cứu mô hình nuôi giúp giảm chi phí tối đa và nâng cao lợi nhuận. Mô hình này có tên gọi: Nuôi tôm Việt – Úc siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận. Khi thực hiện mô hình, tôm được ương trong ao với mật độ 1.500 – 2.000 PL12/m2 tuỳ theo điều kiện bố trí sục khí đáy. Ao ương phải được phủ lưới lan để hạn chế ánh sáng cường độ cao chiếu trực tiếp làm tăng nguy cơ tảo phát triển ở mật độ cao. Tôm sau khi ương sẽ được thuần nước với ao nuôi và chuyển sang ao nuôi khi nhiệt độ nước 2 ao không chênh lệch quá 0,50C. Một ưu điểm nổi bật của mô hình này đó chính là việc không cần thiết che lưới lan, không cần vệ sinh bạt mỗi ngày, giảm nhân công lao động, giảm lượng nước thay, từ đó giảm chi phí nuôi đáng kể. Ngoài việc giảm chi phí, mô hình này còn mang tính bền vững khi lượng nước thay được tuần hoàn qua ao cá rô phi và tái sử dụng nên khắc phục được nguy cơ bị bệnh phân trắng. Áp dụng mô hình, năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha.

Ương tôm mật độ cao theo raceway

Raceway là giải pháp kỹ thuật ương tôm thẻ chân trắng với mật độ siêu cao trong suốt thời gian ương được Vinhthinh Biostadt phát triển trong thời gian qua.

Một hệ thống ương raceway tiêu chuẩn bao gồm 2 bể ương chuyên dùng (hoặc ao lót bạt) đặt hoàn toàn trong nhà kính (làm bằng vật liệu rẻ tiền là nilon hoặc tấm nhựa fiber hoặc màng phủ nhà kính chuyên dùng). Ở giai đoạn 1, tôm được thả với mật độ tối đa lên đến 12.000 PL10/m3. Sau 15 ngày ương, tôm đạt kích cỡ PL25 được chuyển sang bể ương 2 để ương tiếp thêm ít nhất 15 ngày. Căn cứ vào số lượng cụm ao nuôi thương phẩm cần thả tôm sau ương và mật độ nuôi, người nuôi có thể quyết định hệ thống ương của mình có diện tích bể tối thiểu là bao nhiêu. Chẳng hạn, nếu có 8 ao nuôi với diện tích mỗi ao là 2.000 m2, và mật độ nuôi mong muốn là 100 con/m2 thì số lượng tôm cần thiết cho một lần ương để thả ra 2 ao là 400.000 con tôm, do đó hệ thống raceway sẽ có bể ương giai đoạn 1 là 50 m3 với mật độ ương ban đầu là 9 – 10 con/lít (tương đương 9.000 – 10.000 PL/m3 bể ương, giả định tỷ lệ sống là 80% sau ương). Tất cả người nuôi đều có thể ứng dụng hệ thống ương raceway.

Nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn

Mô hình này Công ty CP Thủy sản Tân An triển khai thành công trong năm 2019 và được đánh giá là mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn siêu thâm canh tiên tiến nhất hiện nay.

Mô hình gồm 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra, còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, được đặt trong nhà màng, ao ương giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 là dạng ao đất, được lót bạt 100%. Giai đoạn 1, tôm giống được thả với mật độ cao, khoảng 5.000 – 12.000 con/m2. Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh. Ở giai đoạn ương này, mật độ tôm giống từ 300 – 500 con/m2, thời gian nuôi 25 ngày. Tại ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 – 250 con/m2. Áp dụng mô hình này, người nuôi cũng có thể quay vòng vụ nhanh để nuôi tới 9 vụ/năm (tổng sản lượng 160 – 180 tấn/ha/năm), so với phương pháp nuôi thông thường cao hơn trên 4 lần về số vụ nuôi và 8 – 9 lần về năng suất trên hecta nuôi.

Nuôi tôm hồ tròn nổi

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao siêu thâm canh 2 giai đoạn trong hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước của Công ty TNHH MTV Long Mạnh được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt hiện nay. Hồ nuôi được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng. Để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong hồ nổi, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Tôm có thể nuôi theo hình thức hai giai đoạn hoặc ba giai đoạn, năng suất có thể đạt 100 – 150 tấn/ha/năm.

Nguồn : https://sinhhoctomvang.vn/

Kiểm soát các loại tảo gây hại trong ao nuôi

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển quá mức của các loài tảo trong ao nuôi.

Nguyên nhân

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển quá mức của các loài tảo trong ao nuôi. Có thể do việc quản lý thức ăn chưa tốt, làm cho lượng thức ăn thừa và cả phân tôm làm cho tảo có nhiều dinh dưỡng để phát triển. Hoặc do thời tiết thay đổi thất thường và biên độ dao động nhiệt lớn. Mưa liên tục sẽ làm giảm độ mặn trông ao nuôi, cộng thêm hiện thượng phân tầng nhiệt trong cột nước, tạo điều kiện tốt nhất cho tảo gây hại phát triển. Từ đó, xuất hiện những váng tảo xanh nổi trên mặt ao nuôi từ tác động mạnh của ánh nắng mặt trời. Thời tiết thay đổi nhiều cũng có khả năng làm cho các yếu tố môi trường trong ao biến động mạnh; hợp chất hữu cơ trong ao cũng phân hủy mạnh, tảo cũng nhờ đó phát triển.

Giải pháp

Điều kiện tiên quyết cần thiết để tảo phát triển là chất dinh dưỡng trong nước và ánh sáng mặt trời để quang hợp; tuy nhiên, vấn đề thời tiết rất khó để khắc phục triệt để nên hạ thấp mức dinh dưỡng trong ao nuôi là giải pháp được ưu tiên.

– Thay nước là biện pháp được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay bởi chi phí thấp cũng như dễ dàng thực hiện. Lưu ý, nguồn nước cấp ao chứa hay ao lắng cũng cần phải được xử lý kỹ.

– Đồng thời, cần kiểm soát thức ăn, không cho ăn quá mức và xử lý tảo bằng cách lên men men vi sinh bằng mật mía sau khi ủ từ 3 đến 6 giờ qua đêm. Kết hợp với xử lý tảo bằng vôi vào ban đêm với liều lượng cho phép dưới 20 kg cho mỗi 1.000 m3 nước. Sau khi bón vôi, nên bổ sung zeolite với lượng 20 kg/1.000 m3, thường xuyên hút bùn, hút đáy ao nuôi và sử dụng chất diệt tảo được phép. Riêng đối với tảo lam, một trong những phương pháp hiệu quả nhất là tăng độ mặn cho ao nuôi bằng cách cung cấp nước biển cho ao nuôi hoặc thêm muối vào nước với lượng 10 kg/1.000 m3 treo ở quạt nước.

– Một kỹ thuật khác để xử lý tảo là thả cá rô phi cùng với tôm trong cùng một ao. Cá rô phi thường sống ở tầng nước giữa và tầng đáy trong ao nuôi. Cá rô phi có thể tiêu hóa 30 – 60% protein trong tảo, đặc biệt là tảo lam và tảo lục.

– Algaecides không được khuyến khích vì hầu hết các hóa chất làm cho các tế bào của tảo bị phá vỡ và có thể giải phóng độc tố vào môi trường, có thể dẫn đến tôm chết.

– Kiểm soát phosphorous cũng là một biện pháp giảm dinh dưỡng của tảo. Phosphorous có thể bị bất hoạt hoặc loại bỏ độc tính bằng cách sử dụng các chất phụ gia hóa học, chẳng hạn như phèn (nhôm sunfat kết hợp với natri aluminate theo tỷ lệ 2:1). Phèn chua có thể được áp dụng cho nước tạo thành một dạng kết tủa loại bỏ phốt pho khỏi nước khi lắng xuống. Ngoài ra, vì phèn bao phủ các trầm tích đáy, nó liên kết và làm giảm hoặc ngăn chặn sự giải phóng phosphorous từ trầm tích nên chất dinh dưỡng này không có sẵn cho tảo.

– Trước khi thả giống, nên xử lý ao cẩn thận, tiêu diệt tảo ở lớp đất dưới đáy và xung quanh bờ ao nuôi, tránh lấy nước từ các nguồn nơi tảo nở hoa. Đồng thời, người nuôi nên thường xuyên sử dụng các biện pháp để giải phóng khí nitơ tích tụ ở đáy ao nuôi. Điều này giúp loại bỏ các điều kiện cho phép tảo phát triển mạnh mẽ.

Nguồn :https://sinhhoctomvang.vn/

Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm: Vẫn còn nhiều bất cập

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở nuôi tôm có diện tích và quy mô lớn. Tuy nhiên, ngành nghề này cũng đặt ra nhiều thách thức và tác động không nhỏ đến môi trường, nhất là việc lạm dụng hóa chất trong cải tạo ao đầm và xử lý chất thải trong quá trình nuôi tôm.

Khó kiểm soát, quản lý

Từ khi thực hiện chuyển đổi sản xuất cho đến nay, diện tích NTTS không ngừng tăng cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận là ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của hộ nuôi tôm, nhất là hộ nuôi tôm siêu thâm canh chưa thật sự tốt.

Thông qua việc khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước của ngành Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) tỉnh cho thấy, nhiều nơi môi trường nước, đất bị ô nhiễm nặng nề và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Ô nhiễm môi trường từ việc cải tạo, xử lý và lạm dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi tôm; xả thải bùn từ ao nuôi tôm trực tiếp ra các kênh nội đồng; hay khi tôm bệnh chết, người nuôi cũng xả thải nước ô nhiễm ra các kênh nội đồng. Từ đó tạo nên vòng luẩn quẩn: người thải nước ô nhiễm, người lại lấy nguồn nước ô nhiễm để nuôi tôm làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở NTTS, trước đây quy định diện tích mặt nước từ 5.000m2 phải xây dựng kế hoạch BVMT. Còn hiện nay, theo quy định mới thì diện tích mặt nước từ 5ha đến dưới 10ha mới thực hiện kế hoạch BVMT. Trong khi thực tế nuôi tôm trên địa bàn tỉnh (theo quy mô nông hộ) thì có diện tích nhỏ, nhưng lượng nước xả thải thì rất lớn. Nếu không có kế hoạch BVMT thì rất khó quản lý và giám sát. Những bất cập này đã gây tác động xấu đến môi trường trong NTTS và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững.

Sở TN&MT phối hợp với địa phương nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải của một hộ nuôi tôm công nghiệp ở huyện Đông Hải. Ảnh: C.L

Cần sớm tháo gỡ

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, việc BVMT sản xuất để phát triển bền vững được xem là quan điểm chỉ đạo nhất quán và được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngày 5/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14 quy định BVMT trong hoạt động NTTS.

Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động NTTS phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hệ thống kênh, mương cấp nước và xả nước thải phải đảm bảo theo quy định của ngành Thủy sản cũng như các điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan. Tùy theo quy hoạch nuôi thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng và hình thức nuôi hợp lý, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy chuẩn của ngành Thủy sản.

Đối với xử lý nước thải và chất thải rắn, tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về BVMT, vệ sinh thú y. Riêng xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực.

Việc xử lý chất thải rắn, chất thải phát sinh trong NTTS phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp. Đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, canh tác trong khu vực.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi tôm xả thải trực tiếp ra môi trường là do diện tích nuôi quá nhỏ, không có đất xây dựng hệ thống xử lý nước; vốn đầu tư hệ thống xử lý nước lại khá lớn. Để góp phần BVMT và hướng đến phát triển bền vững, không chỉ cơ quan chức năng mà các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NTTS cần phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định về BVMT; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động BVMT.

Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại buổi triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TN&MT tỉnh, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Ngành TN&MT cần tập trung kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới. Tăng cường công tác quản lý môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có diện tích dưới 5ha. Kiên quyết xử lý những trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững trong lĩnh vực NTTS trên địa bàn tỉnh.

Chí Linh

Nguồn :www.baobaclieu.vn/

Ưu và nhược điểm sử dụng sàng ăn trong nuôi tôm

(Thủy sản Việt Nam) – Hiểu được ưu và nhược điểm của sàng ăn trong nuôi tôm giúp người nuôi tôm sử dụng đúng cách, hiệu quả.

Ưu điểm

– Sử dụng sàng ăn giúp giảm hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR);

– Góp phần làm giảm chi phí thức ăn;

– Giúp cải thiện tăng trưởng của tôm nuôi;

– Nâng cao chất lượng nước, giúp nâng cao mật độ nuôi, tăng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường;

– Giúp cho người nuôi tôm đánh giá các động vật ăn thịt và các loài cạnh tranh thức ăn với tôm nuôi trong ao;

– Giúp đánh giá các kích cỡ khác nhau của tôm nuôi trong ao;

– Giúp quan sát tôm nuôi, đánh giá và có thể đưa ra quyết định sớm trong việc quản lý cho ăn, giúp quan sát tình hình sức khỏe của tôm (tôm bệnh hay có các biểu hiện bất thường) và thời điểm thu hoạch phù hợp;

– Giúp phát hiện tôm chết thông qua sàng ăn;

– Quản lý thức ăn tốt thông qua sàng ăn sẽ giữ cho đáy ao luôn được sạch sẽ.

 

 Nhược điểm

– Những người quản lý hoặc trực tiếp cho tôm ăn phải có kỹ năng, có trách nhiệm cao và được đào tạo kỹ lưỡng; Sử dụng sàng ăn mà không có sự giám sát thích hợp của người có kinh nghiệm sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng cho ao nuôi;

– Sàng ăn nên được gắn phao, không nên gắn cố định ở một độ sâu nhằm tránh trường hợp đáy ao bị lõm, sàng ăn không tiếp đất được;

– Số lần cho ăn hàng ngày giới hạn, vì cần thời gian cho thức ăn vào sàng ăn và mất thời gian kiểm tra thức ăn trong sàng ăn sau một thời gian cho ăn;

– Thiết kế sàng ăn phải đúng, nhưng hiện tại không có tiêu chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế sàng ăn dùng trong nuôi tôm;

– Lượng thức ăn cho vào sàng ăn mỗi lần có giới hạn;

– Quyết định gia tăng hay giảm lượng thức ăn thông qua việc kiểm tra lượng thức ăn còn lại trong sàng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào con người và kinh nghiệm của người nuôi;

– Sàng ăn và các dụng cụ liên quan cần phải kiểm tra và bảo trì thường xuyên;

– Lượng thức ăn thất thoát ra khỏi sàng ăn do dòng chảy hoặc thiết kế sàng ăn kém có thể dẫn đến hiểu sai về lượng thức ăn thực tế mà tôm đã ăn và rất dễ dẫn đến việc cho ăn quá dư;

– Trong quá trình bắt mồi, thức ăn rất dễ bị rơi khỏi sàng ăn. Điều này rất dễ nhầm lẫn với việc tôm đã ăn hết thức ăn và tăng lượng thức ăn lên, dẫn đến cho ăn dư quá mức;

– Cho tôm ăn bằng sàng ăn làm gia tăng chi phí nhân công và các chi phí khác, do đó cần phải phân tích chi phí và lợi nhuận cẩn thận;

– Một số nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng sàng ăn giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng, hiểu theo một cách logic là giúp nâng cao chất lượng nước ao nuôi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể không tối ưu vì tôm không được cung cấp đầy đủ lượng thức ăn cho sự tăng trưởng của nó;

– Khi cho tôm ăn dựa vào một vài sàng ăn mẫu trong ao, rất dễ dẫn đến việc một số tôm ăn quá nhiều và một số khác thiếu thức ăn, nhất là trong trường hợp nuôi mật độ cao.

HL 

(Theo The Global Aquaculture Advocate)  

Nguồn :http://thuysanvietnam.com.vn/

Ảnh hưởng của độ mặn lên hiệu quả sử dụng thức ăn và tiêu hao oxy của tôm sú

Tôm sú
Tôm sú.

Nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của độ mặn lên thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn, độ tiêu hóa (thức ăn, đạm, năng lượng) và tiêu hao oxy cơ sở của tôm sú cần thiết.

Tôm sú (Penaeus monodon) là đối tượng nuôi quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam thì tôm nuôi chủ yếu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tôm sú được xác định là đối tượng quan trọng trong cơ cấu các đối tượng nuôi thủy sản ở vùng nước lợ.

Theo nhiều tác giả thì độ mặn thích hợp cho nuôi tôm sú từ 15-25‰ (Padlan, 1982). Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long một số nơi người dân đã tiến hành nuôi tôm sú trong những vùng nhiễm mặn theo mùa với mô hình phổ biến là luân canh tôm sú (mùa khô) và lúa (mùa mưa) đạt hiệu quả được khá cao. Ngược lại, một số nơi khác người nuôi tôm sú phải gặp trở ngại do sự gia tăng cao độ mặn trong suốt mùa khô.

Độ mặn có vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển của nghề nuôi tôm sú nói chung, Tuy nhiên, sống trong môi trường nước cơ thể tôm còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi điều kiện môi trường thông qua sự tác động lên các phản ứng sinh lý, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn lên các chỉ tiêu sinh lý về tiêu hóa và hô hấp được nghiên cứu (Rosas et al., 2001). Các nghiên cứu của Carefoot (1990) cho thấy quá trình tiêu hóa thức ăn có ảnh hưởng đến các thông số trao đổi chất, đặc biệt là khả năng tiêu hao oxy. Mặt khác, Cho et al. (1994) có nhận xét là khả năng tiêu hóa thức ăn của đối tượng nuôi có liên quan mật thiết đến hiệu quả kinh tế và việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc tìm hiểu ảnh hưởng của độ mặn lên thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn, độ tiêu hóa (thức ăn, đạm, năng lượng) và tiêu hao oxy cơ sở của tôm sú cần thiết.

Phương pháp thí nghiệm

Các thí nghiệm được thực hiện trên tôm sú giống (10±2 g) ở các độ mặn 3‰, 15‰, 25‰ và 35‰. Thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn của tôm sú được tiến hành trên bể nhựa 1 m3 , dạ dày tôm được thu sau khi cho tôm ăn lúc 20 và 40 phút và 1, 2, 3, 4 và 5 giờ, mỗi nhịp thu 10 tôm ở mỗi độ mặn để xác định lượng thức ăn, thời gian tôm sử dụng và tiêu hóa hết thức ăn trong dạ dày.

Độ tiêu hóa thức ăn, đạm và năng lượng của tôm được tiến hành trên bể composite 0,5m3 với phương pháp bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và lặp lại ba lần. Xác định độ tiêu hóa được thực hiện thông qua thức ăn có chất đánh dấu o-xit crom (Cr2O3).

Tiêu hao oxy của tôm được xác định bằng hệ thống hô hấp kế với 10 cá thể tôm được đo riêng biệt ở mỗi độ mặn trong 24 giờ

Kết quả

Độ mặn có ảnh hưởng đến thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn và tiêu hao oxy cơ sở của tôm sú. Ở độ mặn 3‰, sau khi cho ăn 20 phút khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm đạt giá trị lớn nhất là 0,028 g. Khi tôm sống ở độ mặn mà cơ thể phải điều hòa áp suất thẩm thấu (3‰ và 35‰) thì lượng thức ăn tôm sử dụng nhiều hơn khi sống ở độ mặn mà tôm ít phải điều hòa áp suất thẩm thấu (15‰ và 25‰). Lượng thức ăn lớn nhất trong dạ dày tôm ở độ mặn 3‰ và 35‰ tương ứng là 0,028 g và 0,025 g, trong khi đó lượng thức ăn lớn nhất trong dạ dày của tôm ở các độ mặn 15‰ và 25‰ là 0,023 g và 0,021 g.

Tổng thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn ở dạ dày tôm ở độ mặn 3‰ từ 3-4 giờ sau cho ăn và ở các độ mặn 15, 25 và 35‰ là tương đương nhau từ 4-5 giờ sau cho ăn.

Độ tiêu hóa (thức ăn, đạm và năng lượng) của tôm sống trong môi trường có độ mặn 3‰ thấp hơn có ý nghĩa so với các độ mặn 15, 25 và 35‰

Tiêu hao oxy cơ sở của tôm ở độ mặn 3‰ là thấp nhất so với các độ mặn còn lại 15, 25 và 35‰) và thấp có ý nghĩa so với ở độ mặn 25‰.

Tôm sú có khả năng điều chỉnh hoạt động sinh lý của cơ thể để thích nghi với độ mặn thấp tới 3‰, khi nuôi tôm ở độ mặn thấp cần tăng tần suất cho tôm ăn trong ngày nhiều hơn ở độ mặn cao.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tôm sú có khả năng điều chỉnh hoạt động sinh lý cơ thể nhằm hạn chế sự mất năng lượng để thích nghi với độ mặn thấp. Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thì cần tăng tần suất cho tôm ăn trong ngày nhiều hơn ở độ mặn cao.

Theo Đoàn Xuân Diệp , Đỗ Thị Thanh Hương  và Nguyễn Thanh Phương.

Nguồn :https://tepbac.com/