Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Quản Lý Nuôi

Tính kháng khuẩn của chiết xuất tầm bóp đến tác nhân gây bệnh phân trắng

Tầm bóp.

Nghiên cứu giới thiệu nồng độ phù hợp khi dùng chiết xuất cây tầm bóp để điều trị bệnh phân trắng trên tôm.

Bệnh phân trắng (WFD) là một trong những bệnh gây nguy hại rất lớn cho nghề nuôi tôm hiện nay. Mầm bệnh thường tấn công khi tôm đạt cỡ 30-80 ngày tuổi. Với triệu chứng đặc trưng quan sát được là có nhiều sợi phân trắng nổi trên mặt nước hoặc xuất hiện trong vó, tôm giảm ăn, tăng trưởng chậm và chết dần.

Các loại vi khuẩn vibrio được chẩn đoán là nguyên nhân gây ra bệnh này bao gồm: V. parahaemolyticus (khuẩn lạc xanh), V. fluvialis (khuẩn lạc vàng), V. vulnificus (khuẩn lạc xanh), V. mimicus (khuẩn lạc xanh), V. alginolyticus và V. cholera. Ruột tôm khi bệnh phân trắng sẽ không chứa thức ăn mà chứa nhiều sợi phân và có mùi hôi vì vibrio ngăn cản quá trình tiêu hóa thức ăn trong ruột tôm.

Gần đây, nhiều người nuôi đã nhận biết được phải kiểm soát vi khuẩn vibrio trong nước và cả trong cơ thể tôm thì mới có thể phòng trị được bệnh phân trắng. Một số thảo dược tự nhiên, thân thuộc lại được sử dụng để điều trị hiệu quả bệnh trên tôm như Tầm bóp (lồng đèn) (Physalis angulata). Là một trong những thảo dược mọc nhiều ở vùng nhiệt đới. Thành phần của trong cây này bao gồm saponins, flavonoids, steroids, polyphenols, alkaloids và một số chất khác với hoạt tính kháng khuẩn cao, chống lở loét, chống đông máu.

Các chiết xuất của P. angulata có hoạt tính kháng nấm cực kỳ hiệu quả, chống lại sự phát triển và tăng sinh của vi khuẩn. Tuy nhiên trước đây việc nghiên cứu cây này chủ yếu thường tập trung để phòng và điều trị các bệnh trên người, là thành phần trong thuốc nhuận tràng, kháng viêm, tiểu đường. Do đó, cần thực hiện thêm một số khảo sát để đánh giá tiềm năng của chiết xuất từ cây tầm bóp chống lại vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh phân trắng trên tôm nuôi.

Phương pháp và vật  liệu

Nghiên cứu được thực hiện tại Indonesia. Đầu tiên tiến hành thu thập cây tầm bóp, rửa sạch rồi tách riêng thân, rễ, lá của cây, sau đó thực hiện các bước tách chiết trong phòng thí nghiệm. Các chiết xuất trộn lần lượt với N-hexan, chloroform, ethyl acetate và ethanol mỗi mẫu 500 ml hóa chất (1:10). Tiến hành nuôi cấy và phân lập vi khuẩn Vibrio spp thu từ mẫu nước và mẫu ruột tôm bị nhiễm WFD.

Kết quả và thảo luận

Chiết xuất từ lá và thân của tầm bóp được thí nghiệm chứng minh là có hiệu quả chống lại các loài vibrio gây bệnh phân trắng. Tuy nhiên mỗi trích xuất với dung môi hữu khác nhau thu được đều có hoạt tính kháng khuẩn khác nhau.

Dựa vào kết quả cho thấy, trích xuất với dung môi Chloroform có hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất, kế đến là ethyl acetate. Bên cạnh đó tính kháng khuẩn của thảo dược này ở khuẩn lạc xanh tương đối thấp hơn ở những vi khuẩn có khuẩn lạc vàng trong khảo sát. Điều đó cho thấy rằng khả năng gây bệnh và sức đề kháng của khuẩn lạc xanh cao hơn khuẩn lạc vàng rất nhiều. Điều đó không quá xa lạ vì trước nay nhóm vibrio có khuẩn lạc xanh đều gây bệnh cho tôm nhiều hơn và nặng hơn so với khuẩn lạc vàng trong đa số trường hợp khác.

Khi xét nghiệm vùng ức chế của chiết xuất tầm bóp với dung môi chloroform và ethyl acetate đối với các khuẩn lạc đã mọc trên đĩa cấy. Kết quả phân tích phương sai cho thấy sự khác biệt rất lớn về nồng độ ảnh hưởng đến phạm vi ức chế của chiết xuất. Với nồng độ là 5% thì vùng ức chế thu được là lớn nhất 11mm và không khác biệt khi tăng nồng độ lên 10,15 và 20%.


Chiết xuất thảo dược và các vùng ức chế.

Tuy nhiên một điều đặc biệt được nhận ra là riêng chiết xuất từ lá cây tầm bóp với chloroform ở các nồng độ khác nhau thì hiệu quả tác dụng là khác nhau. Cụ thể khi tăng dần nồng độ sử dụng thì vùng ức chế trên đĩa cũng mở rộng ra theo. Do đó lá cây được cho là bộ phận có tác dụng ức chế thấp nhất với vi khuẩn Vibrio spp.

Kiểm tra tỷ lệ sống sót của tôm thẻ chân trắng sau khi ngâm trong chiết xuất tầm bóp trộn với chloroform, sau 1 giờ cho thấy 50% lượng chiết xuất có độc tính với 50% đàn tôm thử nghiệm. Trong khi đó, với nồng độ chiết xuất thấp hơn 50% thì tỉ lệ sống thu được từ 83 đến 100%. Do đó, có thể kết luận rằng chiết xuất từ tầm bóp với chloroform là an toàn khi dùng để kháng khuẩn với nồng độ tốt nhất là thấp hơn 25% khi sử dụng cho tôm.

Tóm lại chiết xuất thảo dược này có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn hiệu quả khi pha trộn với dung môi chloroform và ethyl acetate với nồng độ diệt khuẩn mạnh nhất là 10% và không khác biệt ở các nồng độ 15, 20%. Đồng thời chiết xuất tầm bóp này gây độc ở nồng độ 50%.

Theo E Saraswati và AS Wijaya

Hà Tử

Nguồn : Tép Bạc

Tôm stress NH3 kết hợp pH: Tăng cảm nhiễm đốm trắng

Tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng

Nghiên cứu nhằm mục đích định lượng khả năng gây độc của amonia tổng (TAN) và độ pH một cách độc lập và kết hợp, sau đó được thử nghiệm sau stress với bệnh đốm trắng (White Spot Syndrome Virus- WSSV).

Độc tính NH3 trong ao nuôi tôm phụ thuộc vào: độ pH của nước, nhiệt độ, độ mặn khi các yếu tố trên vượt quá ngưỡng tối ưu sẽ gây stress cho tôm làm giảm tốc độ tăng trưởng, tăng tính nhạy cảm với mầm bệnh và gây chết cho tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi.

Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi NH3 và pH khi vượt quá ngưỡng chịu đựng sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống miễn dịch không đặc hiệu của tôm và tăng tính nhạy cảm với virus đốm trắng đặc biệt là ở nghiệm thức kết hợp cả 2 yếu tố gây stress.

Thiết lập nghiên cứu

Các mẫu tôm (cân nặng trung bình: 8g) được thu thập từ một trại nuôi ở Tamil Nadu (Ấn Độ). Thí nghiệm được chia làm 2 phần A và B trong các bể composite 1000L, mỗi bể chứa nước biển đã xử lý và tôm (N=80).

Trong thí nghiệm stress, tôm sẽ được nuôi trong môi trường tiếp xúc độc lập các tác nhân pH (6.8 & 10); NH3 (1, 3, 6 & 9 mg/l) và môi trường kết hợp cả hai, lặp lại 3 lần. Thí nghiệm bao gồm 7 tác nhân độc lập, 12 tác nhân kết hợp và các bể đối chứng ( pH= 7.7 ; TAN= 0.17mg/l).

Tôm từ các bể thí nghiệm A sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên hàng tuần theo chu kỳ để xét nghiệm miễn dịch, tôm từ thí nghiệm B sẽ chỉ sử dụng để làm dữ liệu tỉ lệ sống sót. Sau 14 ngày thử nghiệm stress, số tôm sống còn lại của A và B sẽ được cho lại vào trong các bể composite 500L (mỗi bể N=20) lặp lại 3 lần. Tôm bị bỏ đói 1 ngày và sau đó được gây bệnh đốm trắng bằng phương pháp cho ăn.

Sau 2 tuần, tất cả các nghiệm thức được cho cảm nhiễm với mầm bệnh đốm trắng. Tôm sau khi kết thúc thí nghiệm được lưu trữ ở -80C để kiểm tra đốm trắng.

Kết quả thí nghiệm

Giai đoạn 1: Thí nghiệm Stress

Tỷ lệ sống cao nhất ở các nghiệm thức TAN1 (95%); pH8 (95%); pH8TAN1 (95%)

thấp nhất ở các nghiệm thức TAN9 (55%); H10 (50%); pH6TAN9 (15%),pH10TAN3 (100%)

Nghiệm thức pH10TAN6 và pH10TAN9 đã chết trong 24h sau khi bắt đầu thí nghiệm.

Tôm khi tiếp xúc với độ pH không phù hợp gây phù, thâm nhiễm hồng cầu, sưng, viêm, các tế bào tơ mang bị biến dạng, vỡ tế bào trụ, tổn thương, bong tróc các biểu mô và hoại tử mô mang tôm ở các nghiệm thức thí nghiệm.

Ảnh hưởng trên hệ thống miễn dịch

Sau 24h thí nghiệm gây stress thì tổng tế bào bạch cầu THC (x105 tế bào/ml) giảm mạnh ở tất cả nghiệm thức (so với nghiệm thức đối chứng). THC cao nhất được ghi nhận ở nghiệm thức pH8TAN1 (147) ngày 1 và thấp nhất là pH6TAN9 (51.2) ở ngày 7. Giữa các nghiệm thức stress pH thì pH6 và pH10 đếm được ít hồng cầu hơn (giảm theo từng ngày) so với pH8.

Ảnh hưởng trên hoạt động của PO (Prophenol Oxidase ): 

Hoạt tính PO là một thành phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch dịch thể của giáp xác, giúp nhận dạng vật thể lạ; hệ thống này được kích hoạt khi được tác động bởi các thành phần của vách tế bào vi khuẩn

Các thí nghiệm stress độc lập gây giảm hoạt động PO (U/ml) từ ngày 1 đến ngày 14 trừ nghiệm thức nhóm pH=8 và TAN=1 (không chính xác ở nghiệm thức kết hợp). Hoạt động PO cao nhất ở nghiệm thức pH6TAN1 (0.397) và thấp nhất ở pH10TAN3 (0.175).

Nghiệm thức kết hợp nhóm pH8 thể hiện sự giảm dần PO từ ngày 1 đến ngày 14 trừ pH8TAN1, hoạt động PO thấp nhất được ghi nhận ở pH8TAN9 (0.247) ngày 1 và giảm còn 50% ở ngày thứ 14 (0.123).

Nhìn chung, chúng ta thấy rằng THC, hoạt động PO và T- SOD (enzyme giúp phân hủy các phân tử oxy có thể gây hại trong tế bào, ngăn ngừa tổn thương mô) có xu hướng giảm khi nồng độ NH3 trong môi trường tăng. Hoạt động miễn dịch của tôm ở các nghiệm thức kết hợp 2 yếu tố yếu hơn so với các nghiệm thức độc lập.

Giai đoạn 2: Ảnh hưởng đến độ nhạy cảm với mầm bệnh đốm trắng

Tỉ lệ sống của các nghiệm thức thử nghiệm stress đã được ghi lại. Ở các nghiệm thức độc lập, bắt đầu tính từ ngày thứ 2 sau khi gây bệnh thì đã quan sát thấy tỉ lệ chết 100% nghiệm thức pH10 sau đó tiếp tục chết ở các nghiệm thức khác.

Tất cả nghiệm thức kết hợp có pH6 (mọi nồng độ TAN) đều xuất hiện tôm chết từ ngày 2 và chết hoàn toàn vào ngày thứ 4. Nghiệm thức kết hợp có nồng độ pH8 xuất hiện tôm chết từ ngày thứ 4 trong khi pH10 và pH6 xuất hiện từ ngày thứ 2 trở đi ở các nghiệm thức kết hợp. 100% tôm chết sau 9 ngày thí nghiệm.

Các dấu hiệu nhiễm đốm trắng được ghi nhận là giảm tiêu thụ thức ăn, bị đỏ thân (gây chết ở mọi nghiệm thức),…Mầm bệnh đã được xác nhận lại bằng kĩ thuật PCR và mọi mẫu mô từ các nghiệm thức đều thể hiện dương tính với mầm bệnh.

Ở các nghiệm thức độc lập pH và TAN, khả năng tử vong gấp 0.9-5.3 lần so với nghiệm thức đối chứng. Giữa các nghiệm thức độc lập thì thời gian sống trung bình cao nhất là 6 và 5.5 ngày ở nghiệm thức pH8 và TAN1, thấp nhất là 3.5 và 4 ngày ở nghiệm thức pH10 và TAN9.

Trong các nghiệm thức kết hợp có độ pH=8 thì tỉ lệ chết khoảng 1.4-9.9 lần so với nghiệm thức đối chứng và tôm sống trung bình khoảng 3-5.5 ngày. Nghiệm thức pH10TAN3 có mức độ sống trung bình là 2 ngày và tỉ lệ tử vong cao nhất, gấp 36 lần so với nghiệm thức đối chứng.

Quan điểm

Nghiên cứu này cho thấy được sự phản ứng của tôm nuôi đối với ammoniac và pH, khi kết hợp 2 yếu tố gây stress làm mất khả năng thích nghi của tôm sau 2 tuần so với nghiệm thức đối chứng. Các yếu tố này tác động trực tiếp làm suy yếu hệ miễn dịch, làm tôm nhạy cảm hơn với mầm bệnh (cụ thể ở đây là đống trắng), ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ sống của tôm. Độ độc của ammoniac có xu hướng tăng khi PH cao, do vậy trong ao nuôi chúng ta cần ổn định môi trường sống tối ưu cho tôm để giảm tối đa các yếu tố gây stress, tránh mật độ nuôi quá dày dễ dẫn đến biến động môi trường. Khi môi trường sống được ổn định tối ưu thì hệ miễn dịch của tôm sẽ hoạt động khỏe hơn tốt hơn để chống lại các mầm bệnh, góp phần nâng cao năng suất vụ nuôi.

KNT
Nguồn:  https://tepbac.com/

“Vua tôm” Minh Phú bắt tay FPT thực hiện chuyển đổi số, đặt mục tiêu chinh phục giấc mơ số 1 thế giới trong ngành tôm với 25% thị phần năm 2045

Hiện tại, thị phần tôm của Minh Phú đang chiếm 4% của thế giới và họ hy vọng thông qua hợp tác chiến lược về chuyển đổi số của FPT, sau 36 năm nữa, thị phần của Minh Phú sẽ chiếm 25% thế giới, đứng top đầu thế giới với doanh thu khoảng 10 tỷ USD.

"Vua tôm" Minh Phú bắt tay FPT thực hiện chuyển đổi số, đặt mục tiêu chinh phục giấc mơ số 1 thế giới trong ngành tôm với 25% thị phần năm 2045

Đại diện 2 doanh nghiệp FPT và Minh Phú đang ký kết quyết định hợp tác chiến lược.

Ngày 24/12/2019, CTCP FPT và Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng tư vấn chuyển đổi số. Theo đó, FPT và Minh Phú tập trung thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất với mục tiêu trở thành công ty công nghệ thủy sản trong Top đầu thế giới.

Với vai trò là đối tác tư vấn chiến lược, FPT sẽ áp dụng phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn, mà họ đã triển khai cho các công ty trên thế giới, để tìm ra các vấn đề cần giải quyết, cơ hội tăng trưởng tiềm năng khi áp dụng số hóa, từ đó xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho Minh Phú.

Mặc dù, Chủ tịch FPT ông Trương Gia Bình cùng ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Minh Phú đã làm bạn khoảng 20 năm, nhưng theo chia sẻ từ ông Quang, thì quyết định hợp tác này không đến từ yếu tố cá nhân, mà chủ yếu nhu cầu thật sự của Minh Phú. Để đi đến quyết định hợp tác toàn diện này, Minh Phú cũng đã trải qua rất nhiều năm tháng tự vùng vẫy để phát triển.

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Quang, để thực hiện giấc mơ số 1 thế giới trong ngành tôm với 25% thị phần vào năm 2045, Minh Phú cần kiểm soát và nhanh chóng xử lý 3 rủi ro trong ngành này là: dịch bệnh, thời tiết và con người.

Ngoài ra, Minh Phú cần phải tự động hóa trong sản xuất, xây dựng “big data” cho ngành tôm – bao gồm xây dựng cộng đồng cho ngành thủy sản, xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh của cả tập đoàn Minh Phú, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, thiết lập KPI hiệu quả.

Trong vài năm gần đây, họ cũng đã tìm tòi rất nhiều công cụ – dụng cụ – phương tiện để giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây 5 năm, FPT và Minh Phú cũng đã từng hợp tác cùng nhau trong một dự án nhỏ.

Vua tôm Minh Phú bắt tay FPT thực hiện chuyển đổi số, đặt mục tiêu chinh phục giấc mơ số 1 thế giới trong ngành tôm với 25% thị phần năm 2045 - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Minh Phú đang phát biểu trong sự kiện.

Thực tế, Minh Phú cũng đã đầu tư một vài thiết bị hỗ trợ giúp công việc tốt hơn, nhưng cuối cùng họ vẫn nhận ra, nếu chỉ chuyển đổi số từng mảng và từng công đoạn, hiệu quả thu lại khá thấp. Đó là lý do, Minh Phú quyết định phải chuyển đổi số toàn diện, và tìm đến với FPT.

Ông Lê Văn Quang cho biết thêm: “Minh Phú đang nằm trong top đầu về chế biến tôm trên thế giới và đang vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam đã có sẵn có lợi thế về chế biến tôm khi có điều kiện nuôi trồng tự nhiên rất tốt. Minh Phú muốn bứt phá vươn lên thì phải thay đổi và chuyển đổi số là con đường tất yếu, giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu.

Chúng tôi đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới nhưng giải pháp họ đưa ra không phù hợp với thực tiễn của công ty. Chúng tôi cần một đơn vị tư vấn có năng lực, hiểu biết hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và sẵn sàng đi đến cùng với Minh Phú. Bởi đây là hành trình mới thú vị, nhiều triển vọng nhưng cũng có nhiều thách thức. FPT hội tụ đủ các tiêu chí trên và cho chúng tôi niềm tin về những kết quả tích cực sẽ đạt được trong tương lai“.

Minh Phú hy vọng, với kinh nghiệm, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, FPT sẽ tư vấn chiến lược chuyển đổi số để giúp Minh Phú bứt phá; trong đó tập trung vào số hóa chuỗi giá trị, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu thời gian xử lý, tối ưu hóa quy trình và chi phí vận hành, đồng thời áp dụng các công nghệ tân tiến vào chuỗi giá trị để nâng tầm doanh nghiệp.

Theo đó, cú bắt tay giữa 2 ông lớn đầu ngành này, không chỉ đơn thuần là đưa công nghệ vào quá trình sản xuất – hoạt động kinh doanh của Minh Phú, mà khiến doanh nghiệp này thật sự có một gương mặt khác, tươi mới và hiện đại hơn.

Còn với FPT, sự xuất hiện của Minh Phú chính là mảnh ghép mà họ đang tìm kiếm trong sự nghiệp chuyển đổi số mà mình đang theo đuổi.

Vua tôm Minh Phú bắt tay FPT thực hiện chuyển đổi số, đặt mục tiêu chinh phục giấc mơ số 1 thế giới trong ngành tôm với 25% thị phần năm 2045 - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT (cà vạt đỏ) tỏ ra rất hào hứng với sự hợp tác này.

Chúng tôi vô cùng vinh hạnh được đồng hành với Minh Phú trong một khát vọng lớn như vậy. Suốt 7 năm vừa qua, chuyển đổi số là một trong những chiến lược phát triển quan trọng của tập đoàn. Hiện nay doanh số cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đạt gần nửa tỷ USD. Trong vòng 2 năm tới chúng tôi phấn đấu đạt 1 tỷ USD. Hiện doanh thu chuyển đổi số chiếm khoảng 1/3 doanh số từ thị trường nước ngoài của FPT.

Nhưng chúng tôi thiếu một mảnh ghép quan trọng nhất để FPT có thể lột xác trở thành tập đoàn toàn cầu cung cấp giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới. Hôm nay mảnh ghép đó đã xuất hiện với sự hợp tác cùng Minh Phú, bởi mảnh ghép quan trọng nhất trong chuyển đổi số là tư vấn chuyển đổi số“, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

FPT cho biết sẽ đem những sáng tạo tốt nhất – nỗ lực cao nhất, công nghệ tiên tiến nhất để đồng hành cùng Minh Phú. Đồng hành để không chỉ Minh Phú có vị trí trên thế giới mà cả FPT cũng có vị trí trên thế giới.

Cũng theo ông Bình, chuyển đổi số có thể mang tới những thành quả còn hơn mong muốn của ông Quang và Minh Phú: vì ngoài quản lý tốt tài sản mà mình đang có, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp phản ứng tức thời để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như sự hải lòng của khách hàng, quan trọng nữa là nó còn giúp dự báo tương lai.

Cuối cùng, với cả FPT lẫn Minh Phú, đây sẽ là một hợp tác vô cùng lâu dài, không chỉ trong 3 đến 5 năm mà có khi kéo dài hơn nữa. Bởi vậy cả hai không muốn nói về giá trị hợp đồng mà chỉ muốn mọi người đề cập đến ‘khát vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt’.

Quỳnh Như

Chia sẻ thông tin trong trang trại nuôi tôm

Ralf Onken, người đứng đầu bộ phận phát triển phần mềm tại FAI, giải thích cách làm việc với các nhà sản xuất tôm Thái Lan để quản lý hiệu suất và các chỉ số bền vững có thể cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm trong ngành nuôi tôm.
Chia sẻ thông tin trong trang trại nuôi tôm

Ảnh minh họa

Bạn có thể giải thích công việc của bạn trong ngành nuôi tôm châu Á?

Tôi hiện đang làm việc với các nhà sản xuất tôm ở vùng Chumpon, Surathani và Rayong ở Thái Lan để tư vấn về quản lý và các công cụ để giảm tác động tiềm năng của dịch bệnh, thông qua việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm.

Cơ sở dữ liệu mà chúng tôi đã xây dựng – ứng dụng myshaleigh.farm – đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn và xây dựng giao diện người dùng liên quan để nhập dữ liệu và sử dụng dữ liệu/cung cấp tư vấn cho phép người nuôi tôm và người quản lý ngành giảm thiểu dịch bệnh tại các trang trại riêng lẻ và tại khu vực thông qua công tác quản lý trang trại được cải thiện và hành động phối hợp.

Trong chương trình chẩn đoán tôm di động đang vận hành ở Thái Lan, giờ đây chúng tôi đã tăng cường sự tham gia của người nuôi tôm. Việc sử dụng hiệu quả các công cụ phù hợp trong việc phân tích mẫu và dữ liệu giúp giảm thời gian cần thiết để đưa ra các quyết định quan trọng. Các công cụ này thân thiện với người dùng và đơn giản về đầu vào nhưng hiệu quả về đầu ra.

Đưa các công cụ phù hợp vào tay người nuôi tôm sẽ giúp họ kiểm soát tốt nhất tôm nuôi. Việc sử dụng phù hợp các công cụ phân tích di động hiện nay sẽ giúp tất cả chúng ta đạt được chiến lược và hiệu quả cần thiết trong quản lý và sản xuất trang trại.

Những lợi ích chính của việc sử dụng các công cụ dữ liệu là gì?

Tôi tin rằng các công cụ dữ liệu có thể phục vụ hai mục tiêu liên quan: tăng tính minh bạch và niềm tin trong chuỗi thức ăn và giúp các nhà sản xuất thúc đẩy cải tiến trang trại của họ.

Các nhà sản xuất thường sử dụng các bảng dữ liệu thủ công để ghi lại thông tin cho trang trại của họ theo quốc gia và khu vực. Điều này có nghĩa là thông tin thường không được lưu trữ trong một khu vực duy nhất để dữ liệu có thể được phân tích và đưa vào sử dụng dễ dàng. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi giúp chuẩn hóa, ghi lại, phân tích và chia sẻ dữ liệu theo cách vừa thúc đẩy hành động dựa trên thông tin tốt, tạo ra thực hành tốt nhất và tạo sự minh bạch và tin cậy giữa các tác nhân khác nhau trong chuỗi thức ăn.

Tôi nghĩ rằng dữ liệu cung cấp một nền tảng cho suy nghĩ chủ động hơn. Bằng cách giới thiệu các công cụ quản lý dữ liệu cho một hệ thống sản xuất thực phẩm, chúng tôi loại bỏ sự phỏng đoán ra khỏi quá trình nuôi tôm, việc nuôi tôm trở nên dễ dự báo hơn theo thời gian và người nuôi tôm có thể theo dõi dữ liệu của họ trong thời gian thực và hành động nhanh chóng.

Làm thế nào có thể thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu?

Nó thường đòi hỏi một sự thay đổi văn hóa để đào tạo mọi người thu thập dữ liệu và xem những lợi ích mà nó mang lại trong việc cải thiện sản xuất.

Một ví dụ thực tế về điều này là việc sử dụng sàng lọc các bệnh cụ thể. Trong ngành tôm, chúng tôi đang làm việc với các nhà sản xuất bằng cách sử dụng các công cụ chẩn đoán di động để xác định bệnh. Thông tin này, cùng với dữ liệu môi trường và sản xuất – về các yếu tố như nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan, tỷ lệ chết, thông tin thức ăn và tăng trưởng – giúp xây dựng một bức tranh về các yếu tố có thể dẫn đến sự bùng phát bệnh cụ thể.

Trong một số hệ thống sản xuất thực phẩm, điều trị dự phòng kháng sinh thường là thông lệ. Điều này có nghĩa là thuốc được sử dụng trước khi có dịch bệnh. Điều này có thể làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh đang ngày càng phổ biến. Thông qua việc ghi lại và sử dụng dữ liệu sàng lọc tốt hơn, các nhà sản xuất có thể bắt đầu dự đoán và ngăn ngừa dịch bệnh, và do đó giảm sử dụng kháng sinh dự phòng.

Người tiêu dùng, người nuôi tôm và các nhà bán lẻ đang đòi hỏi các hệ thống minh bạch hơn và chúng tôi làm việc với các nhà bán lẻ có tầm nhìn, những người sẽ thúc đẩy các hoạt động tốt nhất và sẽ có tác động tích cực thực sự đến ngành.

Mục tiêu dài hạn của bạn trong ngành nuôi tôm là gì?

Có hai điều tôi mong muốn và cả hai đều tập trung vào tính minh bạch. Đầu tiên, đối thoại cởi mở với người nuôi tôm về tất cả các chủ đề đầy thách thức của việc nuôi tôm như dịch bệnh, phúc lợi, các biện pháp điều trị bệnh ở tôm và thuốc kháng sinh. Thứ hai, khuyến khích chia sẻ thông tin về chuỗi giá trị trong toàn bộ chuỗi cung ứng – từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Hiện tại, người tiêu dùng chưa biết sản phẩm của họ đến từ đâu và người nuôi tôm chưa biết sản phẩm của họ được tiêu thụ ở đâu. Bằng cách kết nối hai đầu của chuỗi cung ứng thông qua luồng dữ liệu và thông tin tốt hơn, chúng tôi có thể cho phép sự minh bạch hoàn toàn về mặt nhu cầu của người tiêu dùng và sản xuất phù hợp và công bằng cho người nuôi tôm.

Điều này sẽ cho phép bạn thấy những tác động của người nuôi tôm đối với toàn bộ chuỗi giá trị. Ví dụ, sử dụng kháng sinh là một vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng. Quản lý dữ liệu tốt hơn cho phép tính minh bạch cao hơn, điều này cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn: đó là đôi bên cùng có lợi. Công nghệ có thể giúp người nuôi tôm gần gũi hơn với người tiêu dùng cuối cùng và ngược lại.

HNN (Theo Thefishsite)

Sử dụng đất hiếm trong NTTS

Đất hiếm thường được biết đến với các ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, điện tử và đã được nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp từ rất sớm. Trong NTTS, sử dụng đất hiếm bước đầu đã có kết quả giúp việc quản lý môi trường, dịch bệnh và dinh dưỡng tốt hơn cho vật nuôi.

Đất hiếm là một nhóm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Chúng bao gồm các chất như gadolinium, lanthanum, cerium và promethium, có vai trò thiết yếu trong sản xuất thuốc điều trị ung thư, điện thoại thông minh và các công nghệ năng lượng tái tạo.

Trung Quốc đã sớm nghiên cứu ứng dụng đất hiếm trong NTTS, bao gồm cá và tôm. Cung cấp các hợp chất đất hiếm khác nhau: các axit amin đất hiếm (50% đất hiếm methionine và lysine tương ứng), đất hiếm Vitamin C, citrate đất hiếm, gluco đất hiếm và acid gluconic đất hiếm để nuôi cá chép trong 60 ngày, tăng trọng lượng cơ thể > 20% trong tất cả các nhóm thử nghiệm so đối chứng. Kết quả tốt nhất nhận được trong thực nghiệm cho cá ăn axit amin đất hiếm, có thể làm tăng trọng lượng cơ thể 28,9%. Đối với đất hiếm Vitamin C và các hợp chất citrate, tăng trọng lượng cơ thể tăng tương ứng là 27,2% và 24,1%, trong khi đó glutamate đất hiếm và acid gluconic tăng 23,0% và 20,1%. Hơn nữa, bổ sung đất hiếm cũng có khả năng tăng hiệu quả sinh sản nhân tạo cá chép, cá trắm cỏ, cá hồi vân và cả trên tôm.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, ứng dụng đất hiếm đã được nghiên cứu trên tôm nuôi. Thực nghiệm của các nhà khoa học tại cơ sở nuôi tôm ở Hà Tĩnh đối chứng ao nuôi sử dụng đất hiếm và các ao không sử dụng đất hiếm với cùng mô hình thả nuôi và chế độ dinh dưỡng cho thấy sự khác biệt của ao nuôi sử dụng đất hiếm là: pH nước ổn định, tạo màu nước tốt, hạn chế sự phát triển của tảo độc, tạo điều kiện cho các tảo có lợi phát triển. Môi trường nuôi sạch, ít khí độc, từ đó, chi phí sử dụng hóa chất dùng cho xử lý nước thấp hơn. Ao nuôi không phải thay nước nhiều giúp tiết kiệm tài nguyên nước, giảm nguy cơ phát tán bệnh ra môi trường và giảm nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, tiết kiệm chi phí năng lượng, chi phí hao mòn máy móc thiết bị (do không phải bơm thay nước nhiều). Trong ao nuôi sử dụng đất hiếm, tôm khỏe, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, hạn chế dùng kháng sinh và giảm chi phí thức ăn do tăng khả năng chuyển hóa thức ăn.

Do điều kiện tự nhiên trong năm 2015 không thuận lợi, không quản lý tốt nguồn nước, nguồn dịch bệnh… nên hầu hết các vùng nuôi tôm đều bị mất mùa, đặc biệt là vùng nuôi tôm ven biển Hà Tĩnh (cả 5 ao đối chứng của Công ty Dịch vụ Thủy sản Thạch Hà đều bị mất trắng, không cho thu hoạch). Trong khi đó, chỉ có duy nhất ao nghiên cứu có sử dụng các chế phẩm đất hiếm là có thu hoạch. Đây là một minh chứng rất rõ cho tính ưu việt của việc sử dụng các chế phẩm đất hiếm trong quản lý, xử lý nước hồ nuôi tôm.

Việc phân tích dư lượng đất hiếm trong sản phẩm tôm cho thấy dư lượng đất hiếm trong mẫu khảo nghiệm không khác so với đối chứng. Sản phẩm tôm của mô hình khảo nghiệm và đối chứng được phân tích tại Trung tâm Phân tích Viện Công nghệ xạ hiếm. Ngoài các thực nghiệm ở Hà Tĩnh, các thực nghiệm ở các địa phương khác cũng cho kết quả tương tự.

Triển vọng mở rộng các ứng dụng của đất hiếm để tạo ra các giải pháp NTTS bền vững là rất rõ ràng. Tuy nhiên, còn những vấn đề cần phải giải quyết như: Thành phần và hàm lượng tối ưu của các nguyên tố đất hiếm đối với những vấn đề cần giải quyết trong NTTS, chi phí sử dụng chế phẩm đất hiếm trong giá thành sản xuất thủy sản, tính tiện dụng và an toàn của mỗi chế phẩm… Ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp, cần sự tham gia của các cơ quan sự nghiệp công ích nhằm xác định tính hiệu quả và an toàn của giải pháp công nghệ này trước khi ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.

H.N (Thủy sản Việt Nam)

Bổ sung bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng: chất lượng tôm cải thiện và chi phí rẻ hơn

Đánh giá khả năng bổ sung bí đỏ (Cucurbita Pepo) làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), nhóm nghiên cứu Lê Quốc Việt , Trần Minh Phú và Trần Ngọc Hải, Trường đại học Cần Thơ cho rằng, khi bổ sung 10% bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ thì chất lượng của tôm nuôi được cải thiện và chi phí sử dụng thức ăn thấp (37.262 đ/kg tôm thương phẩm).

Tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm như: tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn và có thể nuôi ở mật độ cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nuôi.

Vấn đề cấp thiết hiện tại là lựa chọn mô hình nuôi và đối tượng nuôi thích hợp để đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình nuôi cải tiến được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn sinh học, nâng cao năng suất và thân thiện với môi trường được áp dụng như: thực hành nuôi tốt (GAP – good aquaculture practice), thực hành quản lý tốt (BMP – best management practice), nuôi an toàn sinh học (bio – security shrimp culture), nuôi có trách nhiệm, nuôi kết hợp và nuôi sinh thái.

Hiện nay, công nghệ biofloc được biết đến với nhiều ưu điểm vượt trội dựa vào sự phát triển cộng sinh của vi sinh vật ổn định môi trường, hạn chế hoặc rất ít thay nước. Các vi sinh vật hiếu khí trong hạt biofloc có vai trò duy trì chất lượng nước thông qua việc chuyển hóa amonium, tái sử dụng thức ăn dư thừa, giảm lượng TAN, nitrite, giảm lượng thức ăn sử dụng và đảm bảo an toàn sinh học.

Tuy nhiên, khi nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng siêu thâm canh thì tôm thường có màu đỏ nhạt sau khi luộc chín, do tôm không tổng hợp đầy đủ sắc tố, đặc biệt là astaxanthin. Trong nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với rong bún (Enteromorpha sp.) và rong mền (Cladophoraceae), sau khi luộc chín tôm có màu đỏ đậm.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định lượng bí đỏ bổ sung thích hợp cho sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, đồng thời cải thiện màu sắc và chất lượng của tôm nuôi, góp phần xây dựng qui trình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm.

Trong nghiên cứu, khi bổ sung bí đỏ vào khẩu phần ăn của tôm thì thành phần sinh hóa của tôm có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, nhưng khi bổ sung 20 và 30% bí đỏ thì ẩm độ của tôm tăng lên và khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng và bổ sung 10%. Ngược lại, khi bổ sung bí đỏ càng nhiều thì hàm lượng protein trong thịt tôm giảm dần và khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Khi bổ sung 10% bí đỏ vào khẩu phần ăn của tôm thì sinh khối của tôm nuôi được cải thiện (1,22 kg/m3 ) so với chỉ sử dụng thức ăn viên (1,04 kg/m3 ) và chi phí thức ăn cho 1 kg tôm thương phẩm cũng thấp nhất (37.261 đồng).

Việc bổ sung 10% bí đỏ cho tôm ăn thì màu sắc của tôm nuôi đậm hơn so với chỉ cho cho tôm ăn thức ăn viên. Tuy nhiên, thành phần sinh hóa của tôm khác biệt không ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể bổ sung 10% bí đỏ so với lượng thức ăn viên để cho tôm thẻ chân trắng ăn trong nuôi thương phẩm, nhằm cải thiện năng suất, màu sắc và làm giảm giá thành sản xuất.

N.Ngọc – Khoa học Phổ thông

Ứng dụng công nghệ cung cấp nồng độ oxy cao từ Nhật Bản để cải thiện năng suất nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam

Đó là tên hội thảo do Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Tập đoàn Sanso, Nhật Bản phối hợp tổ chức sáng ngày 14/12/2019 tại Hà Nội. Hội thảo đề cập đến những nghiên cứu mới nhất tại khoa Thủy sản; đồng thời giới thiệu công nghệ tiên tiến đến từ Nhật Bản giúp cải thiện năng suất ở một số loài quan trọng ở Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam – GS TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng Khoa và TS Trương Đình Hoài – Phó Trưởng Khoa Khoa Thủy sản; Phần khách mời gồm có ông Takehiro Ichinose, Giám đốc Công ty Sanso – nhà tài trợ chính của hội thảo; ông Nguyễn Đức Bình – Trưởng đại diện công ty Hosoda Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có sự hiện diện của gần 50 khách mời là công ty uy tín hoạt động trong ngành nuôi trồng thủy sản như CP Việt Nam, Tập đoàn Việt Úc, Công ty Xuyên Việt, đại diện các sở thủy sản các tỉnh phía Bắc, các công ty kinh doanh, các chủ trang trại sản xuất giống, ương nuôi thủy sản….

Theo GS Phạm Văn Cường, Khoa Thủy sản được tách riêng từ khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản từ năm 2015, là khoa non trẻ nhất trong Học viện với số lượng cán bộ công nhân viên và sinh viên chưa nhiều. Tuy nhiên vai trò của khoa trong chiến lược phát triển của Học viện và của ngành thủy sản là vô cùng quan trọng. Trong thời gian qua khoa đã có nhiều hoạt động và nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của Học viện và ngành thủy sản nước nhà. Việc tổ chức những chương trình hội thảo sẽ là cơ hội để giới thiệu, là cầu nối để cung cấp thông tin về những kết quả nghiên cứu thiết thực cùng những giải pháp, mô hình hiện đại, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển tới người nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

GS.TS. Phạm Văn Cường bày tỏ và hy vọng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Khoa Thủy sản nói riêng sẽ luôn là cầu nối tin cậy trong hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ và có nhiều đóng góp hơn nữa cho ngành thủy sản nước nhà.

Tiếp đó, TS Trương Đình Hoài giới thiệu về công nghệ cung cấp hàm lượng oxy cao đến từ Nhật Bản. TS Hoài nhận định, trong hoạt động nuôi trồng thủy sản thì chất lượng nước nuôi có vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài kiểm soát tốt các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong nước, việc đo lường hàm lượng oxy là vấn đề cần được quan tâm. Nguồn nước nuôi giàu oxy sẽ giúp các loài nuôi khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng để chống chọi tốt với dịch bệnh và sinh trưởng tốt. Nhắc đến hàm lượng oxy cao trong nuôi trồng, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó công nghệ của hệ thống Sansolver tạo oxy hòa tan cao đã được khoa Thủy sản nghiên cứu và ứng dụng trong thí nghiệm kiểm chứng. Và kết quả của quá trình nghiên cứu thông tin công khai qua chương trình hội thảo này.

Ông Takehiro Ichinose, Giám đốc công ty Sanso cho biết, một khó khăn lớn trong việc nuôi trồng đó chính là nguồn nước nuôi thường có hàm lượng oxy hòa tan thấp nên khó thể đáp ứng được việc nuôi với mật độ cao. Trong khi đó, mật độ nuôi và lợi nhuận là 2 yếu tố tỷ lệ thuận với nhau. Nhằm cải thiện điều này, công ty Sanso đã bắt tay vào nghiên cứu nhằm tạo sản phẩm có khả năng cung cấp hàm lượng oxy hòa tan cao và sự ra đời của chiếc máy Sansolver chính là thành quả của quá trình.

Theo đo lường và so sánh thực tế, khi sử dụng quạt nước, sục khí, phun mưa thì lượng oxy tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao mật độ nuôi lên nhiều lần. Hệ thống Sansolver có thể tạo ra hàm lượng oxy cao (40mg/l) để cung cấp thêm vào hệ thống nuôi. Nước nuôi được cung cấp thêm oxy hòa tan sẽ mang tới nhiều lợi ích khác như: Tăng được mật độ thả nuôi gấp nhiều lần; Nâng cao sức khỏe trong xử lý bệnh; Giữ cá giống, cá thương phẩm; Nâng cao tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng trong các trại sản xuất giống; Sản xuất ra nguồn thức ăn tươi sống; Xử lý nước thải và khí thải trong ao nuôi…

Hiệu quả thực tế của Sansolver, công nghệ Nhật Bản được kiểm chứng thực tế qua thí nghiệm đối chứng được thực hiện tại Khoa Thủy sản của Học viện. PSG.TS Kim Văn Vạn và TS Trương Đình Hoài lần lượt trình bày hiệu quả cung cấp oxy hòa tan nồng độ cao trong ương nuôi lên sinh trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn của cá vược và cá rô phi. Thí nghiệm được bố trí với các bể nuôi đối chứng, sử dụng công nghệ sục thông thường và bể nuôi sử dụng công nghệ tạo hàm lượng oxy cao từ Sansolver.

Kết quả thu được cho thấy, cá nuôi bể thí nghiệm tăng trưởng tốt, mã đẹp, trọng lượng tăng nhanh, tỷ lệ sống cao, hệ số sử dụng thức ăn (FCR giảm 13%) và quan trọng nhất là mật độ nuôi tăng 5 lần so với lô đối chứng. Bên cạnh đó, nhờ công nghệ hòa tan oxy của Sansolver, oxy được hòa tan hoàn toàn, tồn tại với nồng độ cao trong nước, không tạo bọt khí nên không gây ra các hậu quả như sốc nước, gây tổn thương cá.

Ngoài các phần trình bày chính, hội thảo còn tổ chức hoạt động dẫn khách mời thăm quan thực tế khu vực thí nghiệm hệ thống tại Khoa Thủy sản để có đánh giá khách quan hơn. Các khách mời cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều rất hào hứng có những câu hỏi và thảo luận xung quanh chủ đề công nghệ oxy hòa tan hàm lượng cao từ máy sansolver, bày tỏ thiện chí hợp tác với phía công ty Sanso Nhật Bản và khoa thủy sản triển khai và ứng dụng vào hoạt động nuôi trồng của mình trong thời gian tới.

Bể nuôi sử dụng công nghệ tạo oxy Sansolver (phải) có mật độ nuôi gấp nhiều lần bể đối chứng sử dụng công nghệ sục thông thường (trái).

Thảo Ngân

Trong thời gian tới, máy sansolver sẽ sẽ được tiến hành ở một số hoạt động thí nghiệm khác để chứng minh khả năng vận hành và hiệu quả đạt được. Với những tính năng đó, Sansolver sẽ là triển vọng mới trong nâng cao chất lượng và sản lượng thủy sản trong thời gian tới.

Nguồn :http://nguoinuoitom.vn/