Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Quản Lý Nuôi

7 mô hình nuôi tôm hiệu quả

Thời gian qua, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được tính hiệu quả nhờ kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, năng suất vượt trội so với các mô hình nuôi truyền thống.

Nuôi tôm hai giai đoạn SINH HỌC TÔM VÀNG

Mô hình nuôi tôm Công ty Sinh Học Tôm Vàng

Quy trình nuôi tôm công nghệ cao theo SINH HỌC TÔM VÀNG luôn đạt tỷ lệ thành công lên đến 90% trọn vẹn niềm tin với người nuôi. Chúng tôi thấu hiểu để tôm có nền tảng sức khỏe toàn diện thì không thể chỉ quan tâm đến 1 giai đoạn mà phải chăm sóc dinh dưỡng cả vòng đời cho tôm. Công ty SINH HỌC TÔM VÀNG đã tiên phong đem đến các giải pháp dinh dưỡng và tư vấn các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường nuôi, đề ra các biện pháp xử lý thích hợp đạt hiệu quả cao. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao SINH HỌC TÔM VÀNG sẽ mang đến những điểm tích cực nhất và đem hiệu quả tốt đến với người nuôi.

Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn theo SINH HỌC TÔM VÀNG áp dụng 2 năm về trước nhưng với một cách thức khác phương châm khác SINH HỌC TÔM VÀNG đã đề ra những mục đích dẫn đến hiệu quả cao tới 90% từ bể tròn bể đất…. chủ yếu là giai đoạn ương và giai đoạn 2. Giải pháp kỹ thuật này những năm gần đây được phát triển ở mức cao hơn, đặc biệt khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển đến mức thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao, mục đích nhằm rút ngắn thời gian nuôi, năng mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro đáng kể và chi phí thấp thích hợp đến cho mọi người nuôi. Với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn theo SINH HỌC TÔM VÀNG giai đoạn 1 ương với mật độ cao, đến giai đoạn 2 sau 30 ngày sang ra mật độ 2-300/m2.

CPF-Combine

Được phát triển từ sự kết hợp các mô hình CPF-Green House, CPF-Turbo Program, C.P-Probiotic Farm, 3C, mô hình CPF-Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam bắt đầu được chuyển giao cho người nuôi tôm trong cả nước từ năm 2015. Hiện, mô hình CPF-Combine đã được các chuyên gia của C.P. Việt Nam nâng cấp lên phiên bản thứ 2. Mô hình này được thiết kế để ứng dụng các ao nổi cùng hệ thống xử lý nước hoàn chỉnh sẽ giúp người nuôi xây dựng nhanh chóng và quản lý dễ dàng hơn.

Mô hình CPF-Combine được thiết kế theo hướng khép kín, tất cả các khâu trong mô hình như khu xử lý nước, khu ương nuôi đều được tính toán theo một tỷ lệ hợp lý giúp cho việc quản lý được hiệu quả, điểm cốt lõi trong mô hình đó là luôn luôn duy trì được môi trường nuôi sạch cho tôm. Ngoài ra, khác biệt của CPF-Combine chính là hệ thống xử lý chất thải Biogas, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas được sử dụng để phục vụ cho cả sinh hoạt và sản xuất. Mô hình đã mang lại năng suất trung bình khoảng 60 – 70 tấn/ha.

Công nghệ góp phần nâng cao sản lượng tôm nuôi – Ảnh: Diệu Lữ

Nuôi tôm công nghệ 234

Từ quy trình nuôi 2 giai đoạn, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã sáng tạo ra công nghệ nuôi 234. Trong đó, số 2 là nuôi 2 giai đoạn. Còn số 3 là thu tỉa 3 lần trong một vụ: thu tỉa lần đầu khi tôm 60 – 65 ngày (bắt 50% lượng tôm trong ao đã đạt cỡ 65 – 70 con/kg), sau đó khoảng 20 ngày tiến hành thu tỉa lần hai (cũng bắt 50% lượng tôm còn lại trong ao đã đạt 40 – 45 con/kg), lần thứ ba sau 110 – 115 ngày (thu hoạch hết tôm trong ao đạt cỡ 15 – 20 con/kg). Còn số 4 là 4 sạch: con giống sạch bệnh, nước nuôi sạch, sạch kháng sinh và sạch môi trường. Cụ thể, nước nuôi tôm lấy từ biển có độ mặn từ 25‰ trở lên, qua hệ thống lọc tự nhiên kết hợp với máy lọc màng. Tất cả là một quy trình nuôi đảm bảo con tôm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đáp ứng mọi thị trường với giá cả cạnh tranh tốt. Sau quá trình thử nghiệm, Minh Phú đã thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất 50 tấn/ha/vụ, số vụ nuôi tăng từ 1 – 2 vụ/năm lên 4 – 5 vụ/năm.

Nuôi tôm siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận

Để phù hợp với điều kiện, chi phí đầu tư của các hộ dân, Tập đoàn Việt – Úc đã nghiên cứu mô hình nuôi giúp giảm chi phí tối đa và nâng cao lợi nhuận. Mô hình này có tên gọi: Nuôi tôm Việt – Úc siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận. Khi thực hiện mô hình, tôm được ương trong ao với mật độ 1.500 – 2.000 PL12/m2 tuỳ theo điều kiện bố trí sục khí đáy. Ao ương phải được phủ lưới lan để hạn chế ánh sáng cường độ cao chiếu trực tiếp làm tăng nguy cơ tảo phát triển ở mật độ cao. Tôm sau khi ương sẽ được thuần nước với ao nuôi và chuyển sang ao nuôi khi nhiệt độ nước 2 ao không chênh lệch quá 0,50C. Một ưu điểm nổi bật của mô hình này đó chính là việc không cần thiết che lưới lan, không cần vệ sinh bạt mỗi ngày, giảm nhân công lao động, giảm lượng nước thay, từ đó giảm chi phí nuôi đáng kể. Ngoài việc giảm chi phí, mô hình này còn mang tính bền vững khi lượng nước thay được tuần hoàn qua ao cá rô phi và tái sử dụng nên khắc phục được nguy cơ bị bệnh phân trắng. Áp dụng mô hình, năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha.

Ương tôm mật độ cao theo raceway

Raceway là giải pháp kỹ thuật ương tôm thẻ chân trắng với mật độ siêu cao trong suốt thời gian ương được Vinhthinh Biostadt phát triển trong thời gian qua.

Một hệ thống ương raceway tiêu chuẩn bao gồm 2 bể ương chuyên dùng (hoặc ao lót bạt) đặt hoàn toàn trong nhà kính (làm bằng vật liệu rẻ tiền là nilon hoặc tấm nhựa fiber hoặc màng phủ nhà kính chuyên dùng). Ở giai đoạn 1, tôm được thả với mật độ tối đa lên đến 12.000 PL10/m3. Sau 15 ngày ương, tôm đạt kích cỡ PL25 được chuyển sang bể ương 2 để ương tiếp thêm ít nhất 15 ngày. Căn cứ vào số lượng cụm ao nuôi thương phẩm cần thả tôm sau ương và mật độ nuôi, người nuôi có thể quyết định hệ thống ương của mình có diện tích bể tối thiểu là bao nhiêu. Chẳng hạn, nếu có 8 ao nuôi với diện tích mỗi ao là 2.000 m2, và mật độ nuôi mong muốn là 100 con/m2 thì số lượng tôm cần thiết cho một lần ương để thả ra 2 ao là 400.000 con tôm, do đó hệ thống raceway sẽ có bể ương giai đoạn 1 là 50 m3 với mật độ ương ban đầu là 9 – 10 con/lít (tương đương 9.000 – 10.000 PL/m3 bể ương, giả định tỷ lệ sống là 80% sau ương). Tất cả người nuôi đều có thể ứng dụng hệ thống ương raceway.

Nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn

Mô hình này Công ty CP Thủy sản Tân An triển khai thành công trong năm 2019 và được đánh giá là mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn siêu thâm canh tiên tiến nhất hiện nay.

Mô hình gồm 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra, còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, được đặt trong nhà màng, ao ương giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 là dạng ao đất, được lót bạt 100%. Giai đoạn 1, tôm giống được thả với mật độ cao, khoảng 5.000 – 12.000 con/m2. Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh. Ở giai đoạn ương này, mật độ tôm giống từ 300 – 500 con/m2, thời gian nuôi 25 ngày. Tại ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 – 250 con/m2. Áp dụng mô hình này, người nuôi cũng có thể quay vòng vụ nhanh để nuôi tới 9 vụ/năm (tổng sản lượng 160 – 180 tấn/ha/năm), so với phương pháp nuôi thông thường cao hơn trên 4 lần về số vụ nuôi và 8 – 9 lần về năng suất trên hecta nuôi.

Nuôi tôm hồ tròn nổi

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao siêu thâm canh 2 giai đoạn trong hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước của Công ty TNHH MTV Long Mạnh được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt hiện nay. Hồ nuôi được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng. Để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong hồ nổi, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Tôm có thể nuôi theo hình thức hai giai đoạn hoặc ba giai đoạn, năng suất có thể đạt 100 – 150 tấn/ha/năm.

Nguồn : https://sinhhoctomvang.vn/

Nâng cao chất lượng tôm sú từ chương trình chọn giống

Tôm sú.

Để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu, đảm bảo chất lượng tốt hơn, trong thời gian qua, nhiều chương trình nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất tôm sú đã được triển khai.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện mỗi năm Việt Nam cần hơn 30 tỷ giống tôm sú và khoảng 50.000 con tôm sú bố mẹ. Đáng lo ngại là phần lớn nguồn tôm sú cả con giống lẫn bố mẹ có mặt tại nước ta đều từ nhập khẩu hoặc khai thác tự nhiên, khiến tôm dễ bị mắc các mầm bệnh nguy hiểm và việc sản xuất cũng rất bị động.

Tại khu sản xuất tôm sú chất lượng cao tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, sau hơn 2 năm triển khai nghiên cứu, chọn lọc, chương trình đã tạo ra đàn tôm sú bố mẹ thế hệ G2 với tính trạng tăng trưởng khá tốt. Để nguồn tôm sú bố mẹ đảm bảo chất lượng cao, ngoài việc chọn lựa nghiêm ngặt các cá thể có tính trạng di truyền tốt, yêu cầu bắt buộc trong quá trình sản xuất là phải an toàn sạch bệnh. Tất cả hệ thống ao nuôi tôm sú bố mẹ phải được bao trùm và có thiết kế đường thoát hơi riêng biệt.

Điểm khác ở thế hệ G2 này là chương trình chọn hơn 200 gia đình thay vì chỉ có 120 gia đình như thế hệ G1. Việc tăng số lượng quần đàn như vậy giúp đa dạng hóa tính trạng trong quá trình sàng lọc. Mỗi cá thể tôm sú tại đây được đánh số, ký hiệu giúp cho quá trình chọn tạo chính xác hơn.

Một điểm đặc biệt của chương trình chọn tôm sú bố mẹ tại đây chính là kỹ thuật ghép tinh nhân tạo. Kỹ thuật này giúp quá trình sản xuất tôm sú thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn bởi không còn phụ thuộc vào quá trình giao vĩ truyền thống.

Năm 2019, một doanh nghiệp đã cung cấp cho thị trường hơn 600 triệu post sú. Con số này dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2020. Chương trình chọn lọc kỹ lưỡng với số lượng lớn, chất lượng cao như vậy đã phần nào giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn giống sú chất lượng cao tại chỗ như hiện nay.

Theo đề án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau, đến năm 2025, sản lượng đạt 320.000 tấn, chủ yếu là tôm sú với kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Để đạt được mục tiêu này, địa phương xác định rõ, việc đầu tư sản xuất, chủ động nguồn giống chất lượng cao là yếu tố quan trọng. Bên cạnh yếu tố an toàn sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, lãnh đạo tỉnh còn đưa ra yêu cầu cao hơn đối với các nhà sản xuất.

Hiện Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nguồn cung tôm sú của thế giới với gần 300.000 tấn/năm. Theo các doanh nghiệp, tôm sú vẫn có thị trường rất tốt, khoảng 20% người tiêu dùng tôm trên thế giới vẫn muốn ăn tôm sú dù giá cao hơn so với tôm thẻ. Do vậy, ngành hàng này rất cần nhân rộng những cách làm hiệu quả như tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai. Nguyên nhân là do chỉ với những con giống an toàn sạch bệnh, người nuôi mới sản xuất được nguồn tôm thương phẩm chất lượng tốt, năng suất cao để cạnh tranh xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững của ngành hàng này.

Nguồn : https://sinhhoctomvang.vn/

Đốm đen trên tôm nuôi

Tôm bị đốm đen.
Tôm bị đốm đen.

Cơ chế hình thành và biện pháp phòng bệnh đốm đen trên tôm nuôi.

Sự phát triển của ngành thủy sản nói chung và nghề  nuôi tôm nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ vấn đề giá cả sục giảm, dịch bệnh hoành hành đến thời tiết thay đổi thất thường đều làm người nuôi “ăn không ngon, ngủ không yên”. Trong đó tình hình tôm gần hoặc đang trong giai đoạn thu hoạch bị đốm đen nhiều trên vỏ đang gây hại rất lớn đến giá trị của tôm bán ra thị trường. Làm mất một nguồn lợi nhuận rất đáng kể cho người nuôi.

Đốm đen thường xuất hiện trên tôm từ 60 ngày tuổi đến khi thu hoạch, tập trung nhiều vào giai đoạn 25-45 ngày tuổi. Đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thất thường, lúc vừa mới mưa, nước ao loãng ra làm độ mặn giảm thấp. Thời điểm đó, độ kiềm trong ao cũng bị giảm và kéo dài, lượng oxy không đạt được ngưỡng tối ưu cho sự phát triển của tôm, hàm lượng khí độc cao sau một thời gian hình thành nhất là NO2 khi mà chúng không có đủ cơ chế để chuyển hóa thành NO3 ít độc hơn.

Đàn tôm nuôi còn bị kích thích lột xác “bất đắc dĩ”, tuy nhiên vì đột ngột và mới mưa xuống nên sẽ không đủ khoáng chất cung cấp cho quá trình lột xác làm tôm rất yếu và dễ nhiễm một số mầm bệnh khác.

Vi khuẩn chính là “kẻ” thừa cơ hội tấn công nhiều nhất trong ao. Khi tôm yếu do lột xác không đủ khoáng chất, vi khuẩn trong nước ao cũng như là vi khuẩn bám trên vỏ tôm sẽ bắt đầu tập trung tấn công. Khi đó, cơ chế miễn dịch của tôm hoạt động bằng cách tiết enzyme prophenoloxidase sau này chuyển hóa thành dạng đốm đen melanin tiêu diệt vi khuẩn tạo đốm đen trên vỏ.


Tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 95% trong vòng 15-30 ngày sau khi phát hiện.

Mặc dù đốm đen là do tôm tự tạo ra để hạn chế sự gây hại của vi khuẩn, về mặt sinh học là hoàn toàn có lợi cho tôm. Vì sau một thời gian, thì đốm đen trên vỏ sau nhiều lần lột xác cũng sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, nếu tôm có thể khỏe mạnh trở lại thì mới có khả năng lột xác tiếp để đốm đen biến mất. Mà đa số thì những hoạt động chống lại của tôm không đủ để tiêu diệt tất cả vi khuẩn. Bệnh do vi khuẩn thì ngày càng nặng, tỉ lệ chết càng nhiều mà đốm đen cũng vẫn còn hiện diện nhiều trên vỏ. Nếu xét về mặc kinh tế thì tôm tự tạo đốm đen sẽ làm giá tôm sẽ giảm thấp, mất giá trị thương phẩm.

Nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời, mà mức độ ô nhiễm trong ao nặng và hàm lượng vi khuẩn cao gấp nhiều lần, thì tỷ lệ chết có thể lên đến 95% trong vòng 15-30 ngày sau khi phát hiện.

Ngoài đốm đen trên vỏ thì đàn tôm nuôi cũng có nhiều biểu hiện bất thường như mòn đuôi, cụt râu, đứt phụ bộ, đuôi có thể bị phồng nhưng các dấu hiệu tổn thương khác vẫn chưa rõ ràng. Một thời gian sau, đốm đen đã xuất hiện nhiều thì tôm bắt đầu bỏ ăn, tăng trưởng giảm chậm, chết rải rác và khi lột xác bị dính vỏ, dính chân, không lột được hoàn toàn. Khi nặng hơn, gan tụy tôm bắt đầu nhợt nhạt, ăn yếu, ruột rỗng, chết gần như hầu hết đàn tôm nuôi.

Biện pháp tốt nhất là làm tốt các biện pháp phòng bệnh: cải thiện chất lượng nước, hạ tầng kĩ thuật, nâng cao sức khỏe của tôm bằng cách bổ sung chế phẩm sinh học, men tiêu hóa, vitamin C chống sốc vào trong thức ăn và diệt khuẩn khử trùng ao nuôi thường xuyên…

Với tình hình dịch bệnh Corona đang đe dọa sức khỏe con người thì ngành thủy sản cũng chịu chung hệ lụy của dịch bệnh. Khi mà các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc đóng cửa thì tôm nuôi trong nội địa bị sụt giá vì không xuất khẩu được. Do vậy, người nuôi cần quản lý chặt chẽ ao nuôi của mình, khi có bất thường cần phải xử lý ngay để tránh thiệt hại nặng nề hơn. Và nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì phải bán ngay, không nên kéo dài.

Hà Tử
Nguồn :https://tepbac.com/

Ngư dân kiếm tiền triệu trong vòng vài giờ nhờ ‘lộc biển’

Tại Ninh Thuận, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, nhiều ngư dân liên tục trúng đậm tôm hùm giống. Với giá bán cao, sau mỗi chuyến đi biển trong vòng vài giờ, một thuyền có thể kiếm được tiền triệu. Lộc biển đầu năm đã tạo thêm niềm tin cho ngư dân về một vụ mùa đánh bắt bội thu.

Chú thích ảnh
 Tôm hùm giống được khai thác ở vùng biển thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận. 

Những ngày này, tại khu vực biển Đông Hải, Phú Thọ (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) luôn tất bật thuyền thúng ra vào đem tôm hùm giống vừa khai thác được bán cho thương lái. Các thương lái nhẹ nhàng đếm từng con tôm hùm giống và trả tiền ngay cho ngư dân. Tùy theo kích cỡ con tôm, tôm hùm sao có giá dao động từ 140.000 – 250.000 đồng/con, tôm hùm xanh có giá từ 35.000 – 37.000 đồng/con.

Ông Trần Văn Khỏe (phường Phú Thọ, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết, sau từ 3 – 4 giờ thả lưới, mỗi ngư dân có thể bắt được từ 5 – 10 con, có thời điểm bắt trúng đậm từ 70 – 80 con tôm hùm giống. Trung bình mỗi chuyến biển khai thác, ông Khỏe có thể kiếm được từ 500.000 – 800.000 đồng, gặp bữa trúng có thể kiếm được vài triệu đồng chỉ sau một buổi sáng bắt tôm hùm giống.

Theo các ngư dân địa phương, đặc tính của con tôm hùm giống là sống và sinh sản trong các rạn san hô dưới đáy biển, nếu thời tiết biển động liên tục, sóng lớn thì tôm hùm giống sẽ trồi lên mặt nước theo dòng hải lưu bơi vào vùng biển gần bờ. Năm nay, biển động tôm hùm giống xuất hiện khá nhiều nên thu hút nhiều ngư dân tham gia khai thác. Tôm hùm giống được mùa lại được giá cao khiến cho làng biển những ngày đầu năm thêm vui và rộn ràng.

Chú thích ảnh
Tôm hùm giống sau khi khai thác được cho vào trong chai nước chờ đưa đi tiêu thụ. 

Bà Bùi Thị Diệu, thương lái thu mua tôm hùm giống cho hay, tôm hùm giống khai thác ở vùng biển Ninh Thuận cho chất lượng con giống khỏe mạnh nên các vùng nuôi tôm hùm thương phẩm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa rất ưa chuộng.

Mỗi buổi sáng bà Diệu thu mua từ 200 – 300 con tôm hùm giống và lúc cao điểm bà chứng kiến có ngư dân đánh bắt được nhiều, chủ yếu là tôm hùm sao có giá trị kinh tế cao, thu về 5 triệu đồng chỉ sau một buổi sáng khai thác.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, vài năm trở lại đây, nhiều ngư dân ở tỉnh đã chuyển từ việc đánh bắt tôm hùm giống bằng thuyền sang dùng thúng chai, giúp giảm chi phí nhiên liệu, giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Nghề đánh bắt tôm hùm giống tuy mang lại nguồn thu nhập cao nhưng chỉ duy trì được một khoảng thời gian rất ngắn, thường bắt đầu từ tháng Chạp đến cuối tháng Giêng Âm lịch là hết nên người dân tranh thủ khai thác.

Tuy nhiên, ngư dân các địa phương khai thác tôm hùm giống cần phải bảo vệ, không khai thác tôm hùm bố mẹ để duy trì nguồn lợi bền vững. Hiện nay, việc khai thác tôm hùm giống trong thời kỳ gió to, biển động cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, các địa phương cần tăng cường vận động, tuyên truyền ngư dân chú ý bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong quá trình khai thác.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Thức ăn viên tổng hợp trong nuôi vỗ tôm thẻ bố mẹ

tôm thẻ bố mẹ
Tôm thẻ chân trắng cái thành thục sinh dục.

Nghiên cứu đánh giá khả năng thay thế một phần thức ăn tươi sống bằng thức ăn viên tổng hợp tự sản xuất trong nuôi vỗ thành thục tôm thẻ chân trắng bố mẹ.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất giống tôm, nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ có tính chất quyết định, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôm. Trong khâu nuôi vỗ tôm thành thục, thức ăn tươi sống như hồng trùng, mực, hầu, vẹm, ốc ký cư… được sử dụng như khẩu phần thức ăn không thể thiếu để đảm bảo tôm bố mẹ thành thục và chất lượng sinh sản tối ưu.

Tuy nhiên, thức ăn tươi sống có nhiều mặt hạn chế như giá cao, nguồn cung cấp không ổn định về số lượng, chất lượng dinh dưỡng, khó bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết, rủi ro về lây truyền dịch bệnh sang tôm bố mẹ cao. Vì vậy, cần nghiên cứu phát triển thức ăn viên tổng hợp để thay thế một phần hoặc toàn phần thức ăn tươi sống nhằm giảm thiểu những hạn chế của thức ăn sống. Hơn nữa việc sử dụng thức ăn tổng hợp còn giúp cho việc bổ sung vitamin, khoáng và các dưỡng chất cần thiết vào khẩu phần ăn của tôm bố mẹ được dễ dàng hơn.

Bố trí thí nghiệm

Tôm thí nghiệm là tôm chân trắng bố mẹ (Liptopenaeus vannamei) có khối lượng trung bình 30,1 ± 1,2 g/con (tôm cái) và 29,1 ± 1,1 g/con (tôm đực). Thức ăn được sản xuất với cỡ 3 mm bởi hệ thống máy sản xuất thức ăn viên, sử dụng nồi hơi. Sau khi đùn viên, thức ăn được sấy ở nhiệt độ 35oC trong vòng 3 giờ, đảm bảo độ ẩm trên 15%.

Thành phần dinh dưỡng quy về khối lượng khô của thức ăn viên tổng hợp trong thí nghiệm là 56,2 % protein, 13,4% lipid. Nguyên liệu và kết quả phân tích dinh dưỡng của thức ăn thể hiện ở bảng bên dưới:

Thí nghiệm được bố trí gồm 3 công thức như sau:

Công thức 1: 100% thức ăn tươi sống (mực và hồng trùng, tỉ lệ 1:1).

Công thức 2: 75% thức ăn tươi sống (hồng trùng và mực tươi, tỉ lệ 1: 1) và 25% thức ăn tổng hợp.

Công thức 3: 50% thức ăn tươi sống (hồng trùng và mực tươi, tỉ lệ 1:1) + 50% thức ăn tổng hợp.

Tôm cái được nuôi riêng trong ba bể với mật độ 3,75 con/m2 (30 con/bể). Tôm đực được nuôi chung một bể với mật độ 8 con/m(64 con).

Chọn ngẫu nhiên mỗi bể tôm cái để cho ăn theo công thức 1, công thức 2 hoặc công thức 3. Tôm đực được cho ăn hoàn toàn thức ăn tươi sống (công thức 1). Cho tôm ăn ngày 4 lần: 7h, 11h, 17h và 22h hàng ngày, thay nước 100 – 150%/ngày trong các bể nuôi vỗ. Sau hai tuần nuôi vỗ, tiến hành cắt mắt tôm mẹ để kích thích sự phát triển buồng trứng.

Kết quả

Đối với chỉ tiêu tăng trưởng: trong quá trình nuôi vỗ tôm chân trắng bố mẹ tiếp tục tăng trưởng ngay cả trong quá trình sinh sản. Nghiên cứu này cũng cho thấy tôm cái sau 48 ngày thí nghiệm trọng lượng tăng lên đáng kể ở tất cả các công thức thí nghiệm, tuy nhiên không có sự khác biệt về tăng trưởng ở các công thức. Việc sử dụng thức ăn tươi và thức ăn tổng hợp có hàm lượng protein cao trong quá trình nuôi vỗ đã góp phần thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của tôm.

Đối với chỉ tiêu sinh sản: Kết quả thí nghiệm này cho thấy một số chỉ tiêu sinh sản của lô thí nghiệm thay thế 25% thức ăn viên tổng hợp cao hơn lô sử dụng 100% thức ăn tươi sống như: tổng số Zoa1, tỉ lệ tôm giao vỹ đẻ trứng, số lần đẻ/ số tôm tham gia đẻ trứng. Tuy nhiên, khi thay thế 50% khẩu phần thức ăn sống bằng thức ăn công nghiệp đã làm giảm đáng kể (xấp xỉ 3 lần) tỉ lệ thành thục, số lần tham gia sinh sản, khả năng tái phát dục và tổng số Zoa1 được sản xuất ra so với tôm mẹ sử dụng 100% thức ăn sống. Cụ thể kết quả sinh sản của tôm bố mẹ ở các công thức thí nghiệm như sau:

Như vậy, thức ăn viên tổng hợp có hàm lượng dinh dưỡng cao trong nghiên cứu này có khả năng thay thế 25% khẩu phần thức ăn tươi sống (mực và hồng trùng) để nuôi vỗ tôm bố chân trắng mẹ mà không ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản của chúng. Thí nghiệm này cũng cho thấy tôm bố mẹ chấp nhận sử dụng thức ăn viên tổng hợp. Đây là dấu hiệu thuận lợi để mở ra khả năng cải tiến thức ăn viên tổng hợp về chất lượng dinh dưỡng của thức ăn tổng hợp nhằm cải tiến chất lượng sinh sản ở tôm nuôi.

Theo Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Phương Toàn và Vũ Văn In.

Thảo Nguyễn
Nguồn : https://tepbac.com/

Các tiêu chí kiểm tra tôm giống đạt chuẩn

Trong trại sản xuất tôm giống, để đưa ra các quyết định về phương pháp cho ăn, sử dụng chế phẩm vi sinh, thay nước, kháng sinh, chuyển bể hay xả bỏ hằng ngày thì việc đầu tiên là quan sát hoạt động ấu trùng tôm (khám lâm sàng).

Hoạt động khám lâm sàng gồm: hoạt động bơi, tính hướng quang; đường phân; ruột; đục cơ và tính đồng nhất về kích cỡ.

HOẠT ĐỘNG BƠI LỘI

Hoạt động bơi lội của ấu trùng thay đổi đặc trưng theo chu kỳ sống và là một trong những chỉ tiêu khám dễ thực hiện nhất. Zoea bơi nhanh, liên tục về phía trước và thường bơi theo vòng tròn để lọc ăn tảo,. Mysis bơi ngược với những cái búng đuôi không liên tục, để giữ cơ thể trong cột nước và ăn thực vật phù du, động vật phù du. Postlarvae bắt đầu bơi nhanh và liên tục về phía trước, tìm kiếm thức ăn trong cột nước.

Trong các chế độ bơi riêng biệt này, nếu quan sát ấu trùng đang bơi tích cực thì ấu trùng tôm khỏe mạnh.

TÍNH HƯỚNG QUANG

Ấu trùng giai đoạn Nauplius và Zoea được đánh giá qua tính hướng quang. Để kiểm tra điều này, chúng ta lấy một ấu trùng cho vào cốc thủy tinh bên cạnh nguồn sáng và quan sát. Nauplius và Zoea chất lượng tốt sẽ di chuyển mạnh về hướng ánh sáng thì ấu trùng khỏe, hoạt động tốt và ngược lại.

Trong giai đoạn Zoea I, khi Zoea đang ăn thức ăn chủ yếu là tảo, các đường phân dài có thể được nhìn thấy nối từ hậu môn và dưới dạng lỏng trong cột nước. Khi 90 – 100% ấu trùng có những đường phân dài, liên tục dọc theo ống tiêu hóa, qua cơ thể của chúng và tiếp tục ở bên ngoài, chúng được coi là cho ăn tốt và khỏe mạnh.

Còn nếu ấu trùng không có những đường phân dài này có nghĩa là ấu trùng không ăn. Tuy nhiên, trong giai đoạn Zoea này, nếu hội chứng Zoea II xảy ra thì tỷ lệ chết cao. Hội chứng Zoea II xảy ra khi Zoea I biến thái không thành công sang Zoea II hoặc Zoea II bị nhiễm khuẩn. Để phát hiện sớm hội chứng này, ấu trùng Zoea cần được soi dưới kính hiển vi với các dấu hiệu quan sát thấy như trống ruột và hạt trắng ruột.

ĐƯỜNG RUỘT

Có thể quan sát đường ruột trên ấu trùng lớn như một đường đậm kéo dài từ gan tụy ở vùng đầu ấu trùng về phía sau hậu môn. Giữ ấu trùng trong cốc thủy tinh và quan sát ruột. Việc kiểm tra này rất hữu ích để biết được khả năng ăn của ấu trùng và xác định được thức ăn dư hay thiếu. Hầu hết các ấu trùng tốt xuất hiện với ruột đầy và tối màu, nếu không thì chúng đang bị cho ăn thiếu hoặc bị bệnh.

Khoảng 20 – 50% số ấu trùng có thức ăn trong ruột thì cần phải kiểm tra các yếu tố khác nhau như môi trường nước, bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vào giai đoạn Mysis, ruột tôm trống không rõ nguyên nhân, vì vậy cần phải kiểm soát chặt tất cả các yếu tố để phòng là tốt nhất.

DỊCH BỆNH

Khi quan sát ấu trùng tôm, hai dạng bệnh đục cơ thường được thấy xuất hiện trong các trại giống. Bệnh thứ nhất có biểu hiện hoại tử và trắng gan tụy và ruột giữa. Bệnh thứ hai biểu hiện đuôi trắng nơi nó uốn cong ở đốt bụng thứ ba, dần dần lan ra toàn bộ cơ thể cho đến khi gây chết. Sợi phân trắng được quan sát thấy nổi trong bể, bệnh này gây  tỷ lệ tử vong thấp hơn. Nếu không quan sát thấy bệnh đục cơ thì ấu trùng tôm khỏe mạnh; nếu bệnh quan sát xuất hiện từ 10% trở lên, quần thể xuất hiện đục cơ, nguy cơ bệnh rất cao.

Nguyên nhân chính xác của các bệnh này vẫn chưa rõ, nhưng có thể liên quan đến sự hiển diện của ký sinh trùng microsporidian và các dịch bệnh do virus như virus hoại tử tuyến ruột giữa (BMNV). Hầu như các biện pháp xử lý bao gồm kháng sinh đều vô tác dụng, bể cần được xả nhanh nhất có thể trước khi bệnh lây lan sang các bể khác. Phòng ngừa bệnh thông qua lựa chọn tôm bố mẹ sạch bệnh, khử trùng và xử lý nước thích hợp, làm sạch bể và sử dụng men vi sinh thay vì kháng sinh được khuyến nghị áp dụng.

Các chất trong đường ruột có thể được quan sát trong các giai đoạn ấu trùng lớn. Ruột có thể nhìn thấy như một đường tối kéo dài về phía sau từ gan tụy ở vùng đầu ấu trùng. Giữ ấu trùng trong cốc thủy tinh để quan sát ruột. Việc kiểm tra này rất quan trọng để biết được khả năng ăn của ấu trùng và xác định thức ăn dư hay thiếu. Hầu hết các ấu trùng khỏe mạnh có ruột đầy và tối màu.

KÍCH CỠ

Hầu hết, các ấu trùng lột xác tốt nhất ở trong một giai đoạn. Khi có nhiều giai đoạn lột xác trong một bể duy nhất nghĩa là có vấn đề (như bệnh hoặc chất lượng nguồn nước kém) cần được lưu ý. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý thêm khi ấu trùng tôm lột xác, tính đồng nhất về kích cỡ sẽ giảm đi, do đó thời gian lấy mẫu xác định tính đồng nhất của giai đoạn này phải được xem xét hợp lý.

Ngoài ra, hiện tượng phát quang được quan sát trực tiếp của bể nuôi ấu trùng trong bóng tối hoàn toàn. Sự phát quang của ấu trùng nói chung là do sự hiển diện của vi khuẩn như Vibro harveyi. Nếu có các vi khuẩn có khả năng gây bệnh phải được xử lý ngay bằng chế phẩm vi sinh hoặc thay nước cho đến khi hết phát quang. Trường hợp nghiêm trọng và điều trị không hiệu quả, bể nên được xả nhanh chóng để tránh truyền nhiễm sang các bể khác, vì vi khuẩn này dễ dàng lây nhiễm dẫn đến tử vong hàng loạt.

Hà Nguyễn