Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Quản Lý Nuôi

Mỹ thu hồi tôm trên diện rộng vì nguy cơ nhiễm khuẩn Vibrio

Vibrio parahaemolyticus
Vibrio parahaemolyticus được hiển thị ở đây trong một đĩa nuôi cấy. Ảnh: foodsafetynews

Công ty AFC Distribution Corp ở California (Hoa Kỳ) thu hồi sushi từ 40 tiểu bang vì nguy cơ nhiễm khuẩn Vibrio.

AFC Distribution Corp – một công ty thực phẩm lớn có trụ sở tại Ranchi Toduez tại California đang thu hồi trên diện rộng một loại sushi ở các nhà bán lẻ vì một số lô có thể bị nhiễm khuẩn Vibrio một sinh vật cực nhỏ có thể gây bệnh ở người.

Vibrio parahaemolyticus là một loại vi khuẩn gram âm, hình dấu phẩy. Môi trường sống tự nhiên của nó là nước lợ hoặc nước mặn và có thể lây nhiễm cho con người thông qua hải sản sống và vết thương hở.

Công ty đã thông báo thu hồi toàn bộ sushi ebi của mình với hạn ngày bán đến hết ngày 13 tháng 3. Công ty đã bắt đầu thu hồi vào ngày 13 tháng 3. Các cán bộ của công ty đã không đưa ra báo cáo cụ thể về việc nhiễm Vibrio parahaemolyticus vào sản phẩm sushi này. Việc thu hồi sushi liên quan bao gồm tất cả các sản phẩm có chứa tôm ngày bán từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 13 tháng 3.

Tên cụ thể của sản phẩm thu hồi la Cooked Butterfly Tail-On Whiteleg Tôm (Sushi Ebi) được phân phối cho các quầy sushi bán lẻ của công ty có liên kết. Sản phẩm này được chế biến thành các món sushi được chuẩn bị trong các cửa hàng tạp hóa, quán ăn tự phục vụ và trung tâm ăn uống của công ty ở các tiểu bang Hoa Kỳ.

Trong khi AFC Distribution Corp đã ngừng sản phẩm bị thu hồi, phía công ty cũng kêu gọi bất kỳ ai có bất kỳ sản phẩm nào của AFC có chứa tôm thì nên nấu chín để loại bỏ vi khuẩn hoặc trả lại sản phẩm cho điểm mua của họ để được hoàn trả đầy đủ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, bất cứ ai đã ăn bất kỳ sản phẩm sushi bị thu hồi và có các triệu chứng nhiễm trùng từ Vibrio parahaemolyticus nên ngay lập tức tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt và ớn lạnh. Kể từ khi đăng thông báo thu hồi, không có bệnh nào được xác nhận liên quan đến sushi bị thu hồi.

Thanh Vân VietQ

Phòng bệnh vi bào tử trùng và đốm trắng mùa nắng nóng

Đốm trắng
Đặc trưng vỏ tôm nhiễm đốm trắng

Hiện nay,thời tiết nắng nóng, độ mặn cao, nhiệt độ cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên dễ phát sinh các mầm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn và virus trong nuôi tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng đang diễn biến phức tạp trên cả tôm thẻ và sú.

Theo các chuyên gia, để hạn chế đốm trắng cũng như giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm trong mùa nắng nóng, bà con nên ổn định mực nước ao nuôi khoảng 0,7-1m, không nên để mực nước quá sâu nhằm hạn chế phân tầng nước, không che lưới lan để tránh ao nuôi hấp thụ nhiệt độ cao vào ban ngày mà lạnh vào ban đêm; quản lý thức ăn thật tốt để tránh dư thừa chất hữu cơ trong ao, đồng thời hạn chế sử dụng quạt muỗng hoặc quạt lông nhím để tránh phát tán mầm bệnh từ ao này sang ao khác. Khi phát hiện bệnh đốm trắng cần báo ngay cho cán bộ thú y xã và tiến hành cô lập ao nuôi, thu hoạch nếu có thể hoặc tiêu hủy bằng Chlorine với nồng độ 30 kg/1.000 m3 (TCCA 15 kg/1.000 m3) để diệt tất cả các vật chủ trong nước mà bệnh đốm trắng có thể ký sinh được, ngâm ao trong Chlorine từ 10-15 ngày mới xả thải ra môi trường bên ngoài.

Ngoài ra, hiện nay bệnh vi bào tử trùng (EHP) cũng gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, nhất là trên tôm thẻ. EHP không gây chết tôm hàng loạt mà làm cho tôm nuôi chậm lớn, gây thiệt hại về kinh tế và môi trường do khả năng tồn lưu mầm bệnh EHP trong ao nuôi là khá cao từ vụ này sang vụ khác và khó xử lý triệt để.

Để phòng ngừa EHP, cần áp dụng nguyên tắc an toàn sinh học từ trại giống đến khâu cải tạo và quản lý ao tôm. Tôm bố mẹ nhập khẩu và thức ăn tươi sống của tôm bố mẹ phải được xét nghiệm sạch bệnh EHP. Trong nuôi thương phẩm, bà con nên lấy mẫu bùn đáy ao nuôi và ao lắng xét nghiệm EHP, cải tạo ao thật tốt để diệt tất cả các vật chủ trung gian có thể mang mầm bệnh như tôm, cá tạp, hến, cua, còng, ốc…Khi ao nuôi bị nhiễm EHP, tiến hành bón vôi nóng (CaO) với liều lượng lớn vào đáy ao và cày bừa để nâng pH trong đáy ao từ 9 trở lên, sau đó lấy mẫu bùn xét nghiệm lại, đạt yêu cầu mới thả tiếp. Ao nuôi nên thiết kế hệ thống xi phông đáy trên cả ao đất và ao lót bạt nhằm loại bỏ bùn thải, phân tôm, chất hữu cơ dư thừa, hạn chế sự tiếp xúc giữa tôm nuôi và bùn đáy ao…

Võ Quốc Hào Chi cục Thủy sản Sóc Trăng

Ninh Bình: Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 vụ/năm

Ninh Bình: Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 vụ/năm

kéo tôm
Thu hoạch tôm vụ đông

Những năm gần đây, ngành thủy sản Ninh Bình đang phát triển mạnh mẽ, trong đó nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng ven biển huyện Kim Sơn có nhiều tiềm năng phát triển lớn. Diện tích nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn là 3,315 ha trong đó diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là 1,985 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh đạt 130 ha và 1,200 ha diện tích nuôi ngao.

Theo Ông Phạm Văn Hải – Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh cho biết do Ninh Bình là một tỉnh thuộc phía Bắc nước ta chịu ảnh hưởng của khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia ra làm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa đông nhiệt độ giảm xuống rất thấp dưới 10oC, mùa hè nhiệt độ tăng cao và kéo dài kèm theo mưa, bão kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi tôm thẻ thâm canh nói riêng và thủy sản nói chung tại huyện Kim Sơn.

Hiện nay, tại vùng ven biển huyện Kim Sơn nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh chỉ thực hiện được 02 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 4 dương lịch và kết thúc vào tháng 11 dương lịch hàng năm, điều này đã làm hạn chế thế mạnh mũi nhọn của huyện Kim Sơn, sản lượng thủy sản sản xuất ra cũng như hiệu quả kinh tế đem lại chưa tương xứng với thế mạnh của vùng.

Công ty TNHH Tân Vân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, sử dụng hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà mái che kết hợp với áp dụng công nghệ Biofloc, thực hiện quy trình nuôi không thay nước, xử lý nước nhanh để thực hiện nuôi tôm thể chân trắng 3 vụ/năm. Công ty đã thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ từ 150 – 170 con/m2 tại 06 ao trong 02 năm 2018 và 2019. Sau 02 năm thực hiện sản lượng tôm thu được trên 90 tấn/03 vụ/năm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty, tăng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn phát triển, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của vùng.

Để các hộ nuôi tôm tại vùng ven biển huyện Kim Sơn có thể nuôi được 03 vụ/năm đạt hiệu quả cao thì cần sự quan tâm của các cấp các ngành nghiên cứu thực nghiệm để có được quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện của vùng, quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến mới… giúp cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển bền vững.

Trung Tiến Chi cục thủy sản Ninh Bình

Bổ sung luân trùng để hạn chế stress cho tôm thẻ

Tôm thẻ chân trắng
Stress đã trở thành yếu tố chính gây hạn chế sự phát triển của tôm nuôi

Bổ sung luân trùng Ampithoe sp. trong chế độ dinh dưỡng giúp hạn chế stress cho tôm nuôi.

Mật độ nuôi dày đặc khiến tôm chịu áp lực môi trường nghiêm trọng, làm tăng tính nhạy cảm với bệnh, trực tiếp làm giảm hiệu quả vụ nuôi. Nitơ amoniac (ammonia-N), một nguyên nhân gây ra stress trong nuôi tôm, chủ yếu được tạo ra bởi phân hủy chất thải hữu cơ như thức ăn dư và phân tôm trong nước, hàm lượng ammonia-N quá nhiều trong nước có thể tích lũy trong cơ thể sinh vật ảnh hưởng đến tăng trưởng, giảm tỉ lệ sống và gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Các phương pháp hiệu quả để tăng cường khả năng chịu đựng ammonia-N của tôm sẽ có ý nghĩa lớn đối với nuôi trồng thủy sản.

Để tăng cường khả năng chịu stress của động vật thủy sản người nuôi có thể cải thiện bằng cách tăng cường dinh dưỡng. Thức ăn tự nhiên có hàm lượng dinh dưỡng cao và độ ngon miệng đã được sử dụng làm chất tăng cường dinh dưỡng để tăng cường khả năng chịu stress của tôm.

Ampithoe sp. là loài luân trùng giàu protein thô (51,2% trọng lượng khô), axit béo không bão hòa (41,9% tổng số axit béo) và axit amin thiết yếu (22,2% tổng số axit amin). Đây là một sinh vật tuyệt vời để giảm sự tích tụ ammonia-N và urea-N trong máu và tăng cường khả năng chịu đựng ammonia-N của tôm thẻ chân trắng (Shan et al., 2018). Tuy nhiên, cơ chế bổ sung Ampithoe sp. giúp tăng cường khả năng chịu stress của tôm vẫn chưa rõ ràng.

Trong nghiên cứu hiện tại, cơ chế tăng cường dung nạp amoniac-N ở tôm thẻ chân trắng bằng chế độ ăn bổ sung Ampithoe sp. đông lạnh (FDPA) đã được nghiên cứu từ góc độ của stress oxy hóa, căng thẳng mạng lưới nội chất gây rối loạn chuyển hóa.


Luân trùng Ampithoe sp.

Nghiên cứu ứng dụng Ampithoe  vào chế độ ăn tôm thẻ chân trắng

Trong nghiên cứu hiện tại, tôm được chia thành ba nhóm và cho ăn chế độ ăn bổ sung chứa 33% FDPA trong 0 ngày (nhóm S0), 21 ngày (nhóm S21) hoặc 42 ngày (nhóm S42). Sau đó, ba nhóm tôm đã được tiếp xúc với ammonia-N (1,61 mg/L) trong 96 giờ, và những thay đổi trong stress oxy hóa, căng thẳng mạng lưới nội chất (ER) và chuyển hóa lipid ở gan tụy đã được nghiên cứu.

Kết quả

Sau 21 ngày tiếp xúc với ammonia nhóm S0 không được bổ sung FDPA  có tỉ lệ chết cao nhất 46,7%, trong khi đó nhóm S21 có tỉ lệ chết thấp nhất 30,0% và nhóm cho ăn 42 ngày ti lệ chết là 33,3%.

Mức độ hoạt động của superoxide effutase (SOD) và catalase (CAT) trong gan tụy của tôm đã tăng lên trong các nhóm chế độ ăn uống FDPA so với nhóm S0. Mức độ oxy hóa  malondialdehyd (MDA) và biểu hiện mRNA của protein liên kết đã giảm đáng kể ở các nhóm S21 và S42 so với nhóm S0.

Hơn nữa, quá trình tổng hợp lipid (FAS), acetyl-CoA carboxylase (ACC) và malonyl-CoA (MCoA) đã giảm; hoạt động của Carnitine palmitoyltransferase (CPT) đã tăng lên; và nồng độ axit béo tự do (FFA) và triglyceride (TG) đã giảm trong gan tụy của tôm được cho ăn chế độ ăn FDPA so với tôm được cho ăn chế độ ăn kiểm soát.

Căng thẳng amoniac-N gây ra stress oxy hóa ở L. vannamei, gây ra căng thẳng mạng lưới nội chất ở gan tụy và dẫn đến tăng tổng hợp lipid và giảm phân hủy lipid. Kết quả từ nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung 33% FDPA vào thức ăn tôm thẻ chân trắng trong vòng 21 ngày có thể tăng cường khả năng chống oxy hóa và giảm căng thẳng ER do tiếp xúc với amoniac-N, do đó đảm bảo sự trao đổi chất, cung cấp năng lượng bình thường cho cơ thể và tăng cường khả năng chịu đựng amoniac-N của tôm thẻ chân trắng.

Nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích để tăng cường khả năng chịu đựng môi trường của động vật thủy sản bằng cách bổ sung dinh dưỡng.

NHƯ HUỲNH Lược dịch
Nguồn : https://tepbac.com/

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm công nghiệp

Với việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm theo hình thức công nghiệp nói riêng, đến nay, 11/12 xã, phường có diện tích nuôi tôm tại TP Móng Cái đã hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ứng dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao.

Cơ sở nuôi tôm của hộ ông Bùi Ngọc Liêm (khu 9, phường Hải Hòa, TP Móng Cái).

Theo kế hoạch, vụ xuân-hè năm nay, TP Móng Cái sẽ thả nuôi 2.050ha tôm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vụ nuôi đã chậm so với lịch thời vụ hơn 1 tháng. Đến thời điểm này, tại các vùng nuôi tôm tập trung tại TP Móng Cái, người nuôi đã cải tạo xong ao đầm; một số hộ nuôi đã xuống giống. Đến ngày 1/3, ước toàn thành phố mới thả nuôi được hơn 20ha tôm vụ xuân-hè.

Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi tôm của ông Bùi Ngọc Liêm (khu 9, phường Hải Hoà) một khu nuôi tôm công nghiệp với quy mô lớn, công nghệ nuôi tiên tiến. Ông Liêm cho biết: Hạ tầng khu nuôi tôm rộng 6,5ha của gia đình được đầu tư đến thời điểm này là hơn 80 tỷ đồng. Hiện toàn bộ diện tích nuôi tôm đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ nuôi này, gia đình ông dự kiến thả nuôi khoảng 4ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù đã cải tạo xong ao đầm nhưng lo ngại việc khó khăn trong tiêu thụ tôm sang Trung Quốc nên tôi mới chỉ thả gần 20 vạn giống.

Cơ sở nuôi tôm của ông Bùi Ngọc Liêm đang áp dụng công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX – một sản phẩm của Mỹ đang được Hội Nông dân tỉnh triển khai thử nghiệm tại một số cơ sở nuôi tôm. Cùng với đó, toàn bộ ao nuôi của cơ sở đang ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn nước do Sở KH&CN triển khai, đây là công nghệ nuôi được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Với công nghệ này, việc gièo giống chỉ mất thời gian 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ.

Nước tuần hoàn qua các ao nuôi, ao xử lý nước và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nuôi nên một năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước và hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi, người nuôi tôm có thể kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi.

Là một trong số những hộ nuôi tôm theo hình thức công nghiệp từ rất sớm trên địa bàn TP Móng Cái, cơ sở nuôi tôm diện tích 7,2ha của gia đình ông Bùi Văn Trình (thôn Đông, xã Vạn Ninh) được đầu tư bài bản với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Vụ nuôi thu-đông 2019 là vụ nuôi thứ 3 trong năm nay. 2 vụ nuôi trước, mỗi vụ, ông Trình thu được hơn 20 tấn tôm thương phẩm.

Vụ nuôi xuân-hè, ông Trình dự kiến thả nuôi 160 vạn giống trên 7 ao nuôi. Toàn bộ quy trình nuôi tôm tại cơ sở này được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn trong lĩnh vực thủy sản.


Đến thời điểm này, ông Bùi Văn Trình đã thả hơn 80 vạn giống cho vụ nuôi xuân-hè.

Ông Bùi Văn Trình cho biết: Hiện ông đã thả hơn 80 vạn giống tôm thẻ chân trắng tại 3 ao nuôi. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước, việc gièo giống chỉ mất 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ. Nước tuần hoàn qua các khâu nuôi, xử lý và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nên một năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi nên ông luôn kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh.

Hiện 11/12 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại TP Móng Cái, người nuôi tôm đã tự đầu tư xây dựng các hệ thống đường, điện, kênh mương, hệ thống ao, đầm nuôi với một số công nghệ tiên tiến, như: Hệ thống bờ, đáy ao lót bạt, ao nuôi có mái che nuôi tôm vụ đông, máy bắn thức ăn, nuôi vi sinh, hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi, nuôi tuần hoàn nước, hệ thống thu gom, xử lý phân tôm…

Hội Nghề cá TP Móng Cái hiện có hơn 1.000 hội viên. Hằng năm, Hội đều phối hợp với ngành chức năng, các công ty giống, thức ăn tổ chức nhiều cuộc hội thảo về việc sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học và công nghệ nuôi cho hội viên, góp phần nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm cho hội viên.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh liên tục triển khai các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP tại Móng Cái, làm cơ sở để nông dân học tập kinh nghiệm. Các mô hình đã hướng người dân đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, hướng tới mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc, hoá chất.

Hữu Việt
Nguồn : https://quangninh.gov.vn/

Bổ sung khoáng chất cho tôm thẻ, tôm sú đúng cách

Bổ sung khoáng chất cho tôm thẻ, tôm sú đúng cách sẽ quyết định đến tỉ lệ sống và sự tăng trưởng của tôm nuôi. Đặc biệt là những ao nuôi có độ mặn thấp cần bổ sung khoáng chất để đạt được sản lượng mong muốn. Ở bài viết này, nuôi tôm an toàn sẽ cùng bà con đi tìm hiểu tổng quan về khoáng chất cũng như cách bổ sung khoáng cho tôm đúng cách nhất.

Vai trò của khoáng trong nuôi tôm

Khoáng chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển và giai đoạn lột xác của tôm nuôi. Thông thường, những khoáng chất được hấp thụ qua thức ăn và môi trường nước, chúng có nhiều chức năng sinh lý có tác dụng duy trì sự cân bằng acid-base và điều hòa áp suất thẩm thấu.

Khoáng được chia ra làm hai loại chính: Khoáng vi lượng cho tôm (Cu, Fe, Ni, Mn)  và khoáng đa lượng cho tôm (Ca, L, Mg, P).

Khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và lột xác của tôm nuôi

Khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và lột xác của tôm nuôi

Những khoáng tạt ao tôm như Ca, Cu, Mg, K, Zn, P,… rất quan trọng đối với quá trình lột xác và hình thành vỏ mới cho tôm. Mỗi chất đem đến những công dụng khác nhau, cụ thể như:

— Khoáng Mg: Đây là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme, tôm thiếu Mg sẽ dẫn đến hiện tượng giảm ăn, chậm lớn, thậm chí chết rải rác.

— Khoáng Cu: Đồng có nhiệm vụ vận chuyến máy và hô hấp trên tôm, đồng thời góp phần hình thành sắc tố Melanin. Trong trường hợp tôm thiếu Cu sẽ dẫn đến chậm lớn.

— Khoáng Zn: Có công dụng vận chuyển COtrên tôm, giúp kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Trong trường hợp thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôm bố mẹ.

— Khoáng tạt nguyên liệu Na, Cl, K: Na có công dụng dẫn truyền xung động thần kinh cơ. K có vai trò trong quá trình trao đổi chất, thiếu k tôm sẽ biếng ăn chậm lớn. Cl tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu và các hoạt động enzyme trong tế bào.

— Khoáng tạt cho tôm Ca, P: Ca và P được xem là thành phần quan trọng quyết định vào quá trình hình thành lớp vỏ kitin. Trong đó, Ca tham gia vào quá trình đông máu, các chức năng cơ, sự truyền dẫn thần kinh và điều hòa áp suất thẩm thấu. P có vai trò là trung tâm trong quá trình chuyển hóa năng lượng, duy trì độ pH trong cơ thể tôm.

Nhu cầu khoáng chất cho tôm

Khoáng là chất đóng vai trò quan trọng giúp cho quá trình lột xác của tôm nuôi. Nếu thiếu khoáng, tôm sẽ bị cong thân, mềm vỏ và khó lột xác. Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú mật độ cao thì việc bổ sung khoáng cần phải được bà con chú trọng và kịp thời. Nhu cầu khoáng chất cho tôm thẻ chân trắng và tôm sú thay đổi theo từng giai đoạn tăng trưởng và theo từng loại khoáng. Chúng có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, lột xác liên tục, thả nuôi với mật độ cao nên nhu cầu khoáng là rất cao.

Tôm có thể hấp thu khoáng qua hai cách: Khoáng tạt ao tôm và khoáng trộn thức ăn cho tôm nuôi.

  • Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường thông quá việc hấp thụ qua mang nên việc tạt trực tiếp vào trong nước để bù vào lượng khoáng bị mất trong quá trình lột xác của tôm là việc rất cần thiết.
  • Đối với những ao nuôi có độ mặn thấp, tôm sẽ khó khăn trong việc hấp thu khoáng hòa tan có trong môi trường nước. Trường hợp này cần bổ sung khoáng vào khẩu phần thức ăn cho ao tôm.
Khoáng đa lượng, khoáng vi lượng cho tôm

Khoáng đa lượng, khoáng vi lượng cho tôm

==> Xem chi tiết => Nhu cầu khoáng chất cho tôm thẻ chân trắng là gì?

Hiện tượng tôm thiếu khoáng

Tôm bị thiếu khoáng sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sau đây:

  • Thời gian đầu, tôm thiếu khoáng sẽ xuất hiện những chấm đên li ti trên toàn vỏ tôm nuôi.
  • Quan sát thấy tôm bị đục cơ từng phần và đục cơ toàn thân, kèm theo dấu hiệu cong thân.
  • Những tôm bị nặng sẽ bị rớt đáy, nhiều ao rớt vài con, có ao rớt vài chục cao, thậm chí có ao sẽ rớt khoảng từ 9 – 10 con mỗi ngày
  • Trong giai đoạn lột xác tôm sẽ bị mềm vỏ và chậm lớn.
Hiện tượng tôm thiếu khoáng

Hiện tượng tôm thiếu khoáng

Tôm tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn từ 30 – 35 ngày tuổi, nếu trường hợp này tôm tăng trưởng chậm thì chứng tỏ hàm lượng Ca, Mg trong môi trường nước bị thiếu, không cung cấp đủ nhu cầu hấp thu của tôm. Lúc này, cần phải tiến hành bổ sung khoáng tạt cho tôm hoặc trộn thức ăn cho tôm nuôi.

Bổ sung khoáng cho tôm thẻ, tôm sú

Nếu nước có độ mặn cao hoặc thấp nhưng các yếu tố về khoáng vẫn trong khoảng tối ưu và tỉ lệ in thích hợp thì bà con không cần phải bổ sung thêm khoáng tạt nguyên liệu. Tuy nhiên, do tác động từ các yếu tố bên ngoài sẽ làm mất đi một lượng khoáng cần thiết cho tôm. Do đó, bà con cần phải thường xuyên kiểm tra và theo dõi hàm lượng nước trong ao bằng các bộ kit Sera.

Việc bổ sung khoáng cho tôm sú ăn và tôm thẻ còn phụ thuộc nhiều vào khả năng hấp thu của các loại khoáng này ở môi trường nước. Bà con nên lựa chọn các loại khoáng tinh thể, có thể dễ dàng hòa tan vào môi trường nước hoặc tốt nhất nên trộn thức ăn cho hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn lột xác cần bổ sung khoáng vào ban đêm từ 10 – 12 giờ, giai đoạn này oxy sẽ tăng cao gấp đôi và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng từ môi trường nước để tạo vỏ.

Bên cạnh đó, khi thấy tôm có dấu hiệu mềm vỏ, khó lột xác thì cần tạt vôi bột xuống ao kết hợp với việc trộn khoáng vào thức ăn để khắc phục hiện tượng này.

Tôm được bổ sung khoáng định kỳ 

Tôm được bổ sung khoáng định kỳ 

Các loại khoáng chất cho tôm

1. Khoáng Canxi – CaCl2

Đây là loại khoáng được bổ sung thêm Canxi cho tôm nuôi, đồng thời kích thích tôm lột xác, giúp tôm mau cứng vỏ, rút ngắn được thời gian tôm lột xác. Đây là loại khoáng được bà con áp dụng phổ biến hiện nay trong thủy sản. Quy cách đóng gói 25kg/ bao.

2. Khoáng Magie – MgCl2

Trong giai đoạn lột xác, bổ sung khoáng Mg là việc cần thiết giúp tôm lột xác nhanh và mau cứng vỏ. Khoáng Mg đóng gói 25kg/ bao với hàm lượng 97% Mg.

3. Khoáng Kali – KCl

Việc bổ sung khoáng Kali giúp phòng ngừa cong thân, đục cơ, kích thích tôm lột vỏ nhanh chóng nhất. Sản phẩm đóng gói 50kg/ bao với hàm lượng 60%.

 

Vi khuẩn gây bệnh phân trắng bị ức chế bởi Cholesterol và Phospholipids

Bệnh phân trắng trên tôm
Vi khuẩn Vibrio alginolyticus là một trong những tác nhân gây bệnh phân trắng trên tôm.

 

Chế độ ăn bổ sung cholesterol và phospholipids giúp tôm tăng sức chống chọi với vi khuẩn Vibrio alginolyticus gây bệnh phân trắng.

Tầm quan trọng của phospholipid và cholesterol đối với tôm

Phospholipid là các thành phần cấu tạo chủ yếu của màng tế bào và có vai trò trao đổi chất tự nhiên cũng như tế bào, có chức năng rất quan trọng cho hoạt động bình thường của các tế bào và cơ quan và tham gia vào quá trình chuyển hóa trung gian lipid.

Khẩu phần ăn chứa phospholipid, chẳng hạn như lecithin từ đậu nành thúc đẩy tăng trưởng tối ưu và tăng tốc độ chuyển đổi thức ăn trong khoảng 1 – 6.5%  đối với các loài khác nhau ở các giai đoạn khác nhau. Tôm có thể tổng hợp phospholipid, nhưng quá trình sinh tổng hợp này thường không thể đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của chúng trong giai đoạn giống và ấu trùng.

Cholesterol có chức năng như một thành phần của màng tế bào, có vai trò quan trọng trong việc duy trì độ nhớt của màng. Tôm không thể tự tổng hợp cholesterol. Hàm lượng cholesterol tối ưu trong khẩu phần thức ăn cho tôm đã được trình bày là 0.2 – 2%, và tùy thuộc vào loài, giai đoạn, và các thành phần khác trong khẩu phần thức ăn.

Phospholipid và cholesterol là hai chất béo thiết yếu cho tôm he (penaeid – bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú), nhưng các thông tin liên quan nhu cầu trong khẩu phần ăn của chúng còn hạn chế.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng bổ sung cholesterol vừa phải giúp kích thích tăng trưởng và tăng cường tỉ lệ sống ở tôm sú Penaeus monodon (Sheen et al. 1994) và tôm thẻ Litopenaeus Vannamei (Gong và đồng sự, 2000). Tương tự, khi bổ sung cholesterol với các nồng độ khác nhau vào khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng cho thấy tôm  gia tăng khả năng chịu mặn (Duerr và Walsh, 1996) và trên cả tôm sú P. monodon (Paibulkichakul et al., 1998) . Tuy nhiên, Teshima và cộng sự, (1997) cũng đề nghị rằng điều quan trọng là xác định chế độ ăn uống phù hợp. Mức cholesterol vì nồng độ sterol  cao trong chế độ ăn có thể dẫn đến ức chế sinh trưởng ở giáp xác.

Do đó, nghiên cứu được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của cholesterol (CHO) và phospholipids (PL) đối với hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch, biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch và khả năng chống lại vi khuẩn Vibrio alginolyticus – một trong những tác nhân gây bệnh phân trắng trên tôm thẻ.

Nghiên cứu ứng dụng cholesterol và phospholipids đối với tôm thẻ chân trắng

Thiết lập nghiên cứu

Thiết kế thử nghiệm 3 × 3 đã được thực hiện với chín chế độ ăn thử nghiệm có ba mức cholesterol (0, 0.2% và 0.4%) và ba mức phospholipids (0, 2% và 4%) trong vòng 56 ngày. Sau đó tất cả tôm được cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio alginolyticus và theo dõi tỉ lệ chết trong vòng 14 ngày.

Kết quả

Kết quả chỉ ra rằng hiệu suất tăng trưởng tăng đáng kể cùng với sự gia tăng nồng độ cholesterol chế độ ăn uống. Nghiệm thức bổ sung cholesterol 0.4% có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nghiệm thức bổ sung 0.2 % và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về tăng trưởng giữa nghiệm thức bổ sung phospholipids.

Superoxide effutase (SOD)(*) và lysozyme cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức cholesterol. Hơn nữa, sự tương tác giữa hai chất phụ gia này chỉ được phát hiện trong hoạt động SOD. Tôm được cho ăn chế độ ăn thử nghiệm với bổ sung cholesterol và phospholipids cho thấy khả năng chống lại Vibrio alginolyticus tốt hơn so với nghiệm thức đối chứng và đạt giá trị cao nhất ở nghiệm thức cholesterol 0,4% và phospholipids 4%.

Tóm lại, các xu hướng hiện tại trong công thức thức ăn nuôi thủy sản thúc đẩy việc áp dụng các chất phụ gia tăng cường tiêu hóa, cải thiện hiệu quả hấp thu các chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng. Bổ sung cholesterol và phospholipids ở mức cholesterol 0,4% và phospholipids 4% cho thấy khả năng tăng cường miễn dịch và chống chọi với mầm bệnh Vibrio alginolyticus.

(*) SOD: Superoxide effutase là một enzyme thay thế xúc tác sự phân hủy của gốc superoxide thành oxy phân tử thông thường hoặc hydro peroxide. Superoxide được sản xuất như một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa oxy, nếu không được điều hòa sẽ gây ra nhiều loại tổn thương tế bào.

Như Huỳnh lược dịch Nguồn : https://tepbac.com/