Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Quản Lý Nuôi

Có thể chữa hoàn toàn bệnh phân trắng trên tôm không?

trị phân trắng
Lysozyme trong lòng trắng trứng gà có tính kháng khuẩn.

Bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng gà đẩy lùi phân trắng trên tôm một cách hiệu quả.

Tôm thẻ chân trắng là loài được nuôi nhiều nhất hiện nay trong hệ thống nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu. Tuy nhiên Hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và Hội chứng Phân trắng (WFS) đang gây hại rất lớn cho tôm nuôi. Trong đó, phân trắng là hiện tượng xảy ra quanh năm, khi môi trường nuôi ô nhiễm là lại thấy nhiều dải phân trắng dài xuất hiện trong vó, gan tôm nhạt màu, tôm bị ốp thân, thức ăn không tiêu hóa được, đầy trong đường ruột. Từ đó làm tỷ lệ sống thấp và năng suất nuôi giảm đáng kể. Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Tuy nhiên một số báo cáo chứng minh chưa hẳn EHP là nguyên nhân chính gây nên phân trắng. Khi đa số tôm bị phân trắng được phát hiện có EHP trong gan tụy thì những con tôm nhiễm EHP lại chưa chắc xuất hiện những dấu hiệu của hội chứng phân trắng.

Khi tôm bị bệnh phân trắng, tỷ lệ vibrio được phát hiện cao gấp đôi so với bình thường trong ruột tôm. Điều này chứng tỏ vibrio cũng góp phần vào hệ thống tác nhân của Hội chứng phân trắng. Người nuôi thường dùng kháng sinh trong trường hợp tôm bị phân trắng, tuy nhiên kháng sinh sẽ tạo ra những vi khuẩn kháng kháng sinh, đây là mối quan tâm lớn hiện nay trên toàn thế giới. Một số biện pháp theo hướng an toàn sinh học đang được nghiên cứu và dần áp dụng là một điều đáng vui cho sự phát triển của nghề nuôi tôm. Chế phẩm sinh học hay các chất phụ gia đã được trộn vào thức ăn và cho thấy khả năng ngăn ngừa và kiểm soát được mầm bệnh một cách hiệu quả.

Lysozyme là chất có tiềm năng rất lớn để thay thế kháng sinh, có khả năng thủy phân thành tế bào peptidolycan của vi khuẩn. Lysozyme có nhiều trong các dung dịch và các mô sinh học, trong đó có lòng trắng trứng. Chất này đang được sử dụng rộng rãi để bổ sung vào trong thức ăn và cho kết quả kháng khuẩn vượt trội trong ngành chăn nuôi và một số loài thủy sản. Như việc cải thiện hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn Aeromonas hydrophyla trên cua; tăng sức đề kháng và tăng tỉ lệ sống khi được bổ sung trên cá hồi. Nhưng chưa có nghiên cứu lysozyme sẽ ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm. Do đó, người ta đánh giá hiệu quả của lysozyme trong lòng trắng trứng với việc ức chế chủng vibrio và xem xét biểu hiện của các gen trong  hệ miễn dịch cũng như chống oxy hóa trên tôm thẻ chân trắng. Hơn nữa cũng để xác định nồng độ tối ưu của lysozyme nên được bổ sung là bao nhiêu? Từ đó có bước đi mới để hạn chế việc sử dụng kháng sinh và phòng bệnh phân trắng.

Chuẩn bị lysozyme từ lòng trắng trứng chia thành 5 nghiệm thức: đối chứng, 0.005, 0.025, 0.125, 0.625 g/kg thức ăn cho tôm PL12 đã được xét nghiệm sạch bệnh, không nhiễm vibrio, cho ăn liên tục trong 4 tuần các nghiệm thức trên với tỷ lệ 10% trọng lượng thân.

Sau đó thu và nuôi cấy vibrio trên tôm ở những môi trường chuyên biệt , định danh và định lượng các loài xuất hiện. Thực hiên xét nghiệm PCR để xem xét biểu hiện của những gen quy định chức năng miễn dịch và chống oxy hóa. Đồng thời , đánh giá hiệu suất tăng trưởng, FCR của tôm thí nghiệm. Phân tích thống kê để đưa ra kết quả.

Kết quả cho thấy nghiệm thức 0,125g/kg và 0,625g/kg thức ăn thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất, hoạt động mạnh mẽ trong hệ tiêu hóa, làm các chủng vibrio sụt giảm đáng kể, nhất là nhóm khuẩn lạc xanh (vibrio parahaemolyticus và vibrio harveyi). Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong gan tụy, các gen biểu hiện miễn dịch cũng gia tăng nhanh về số lượng.

Tỷ lệ sống và bất cứ chỉ số tăng trưởng nào cũng không thay đổi, không có tác dụng phụ xảy ra. Khi đưa vào tôm đã bị bệnh phân trắng 6 tuần, sau 5 ngày cho ăn lysozyme, không còn thấy phân trắng khi bổ sung 0,125g/kg thức ăn và cũng không có dấu hiệu tái phát ở thời gian sau đó. Điều này chứng minh lysozyme là chất đẩy lùi được phân trắng hiệu quả ở liều 0,125g/kg thức ăn trở lên.

Cụ thể lysozyme vào trong cơ thể tôm sẽ kích thích hoạt động thực bào. Hơn thế nữa, lysozyme còn có khả năng phá vỡ cấu trúc của màng peptidoglycan của vi khuẩn gram âm, từ đó làm chết vi khuẩn. Những chủng vibrio khuẩn lạc xanh (gây hại nặng hơn) do không thể sử dụng đường sucrose giảm số lượng nhiều hơn so với nhóm tạo khuẩn lạc vàng. Trong hệ miễn dịch, lysozyme đã tăng cường hoạt động của enzyme phenoloxidase  liên quan đến quá trình melanin hóa kết tụ vi khuẩn lại và tiêu diệt.

Như vậy việc bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng vào thức ăn tôm thẻ chân trắng đã làm giảm được sự tấn công của các mầm bệnh trên tôm. Lysozyme cũng đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc chống oxy hóa, cải thiện hoạt động miễn dịch và tăng tỷ lệ sống của tôm. Những kết quả trên cho thấy bổ sung lysozyme là một phương pháp hiệu quả để thay thế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và đẩy lùi bệnh phân trắng một cách hiệu quả.

Hà Tử
https://tepbac.com/

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm Gregarine (gây bệnh phân trắng)

Ký sinh trùng Gregarine có khả năng gây tổn thương, tắc nghẽn, thậm chí làm tổn thương niêm mạc ruột tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus có hại xâm nhập. Gregarine chính là nguyên nhân sơ khởi gây bệnh phân trắng trên tôm. Bài viết này sẽ cùng bà con tìm hiểu tổng quan về Gregarine cũng như cách diệt ký sinh trùng trên tôm Gregarine một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Tổng quan về ký sinh trùng trên tôm Gregarine

Gregarine là nguyên sinh động vật (protozoa), sống ký sinh trong mô và ống tiêu hóa của nhiều loại động vật không xương sống, chúng được phát hiện trong đường ruột tôm ở hầu hết các trường hợp tôm bị bệnh phân trắng, khi kiểm tra đường ruột tôm dưới kính hiển vi. Gregarine thường ở dạng trophozoite (giai đoạn tư dưỡng) bám trên niêm mạc ruột của tôm hoặc dạng gametocyst (dạng kén) sống ký sinh trong ống tiêu hóa của tôm.

Nội ký sinh trùng trên tôm Gregarines trong ruột

Nội ký sinh trùng trên tôm Gregarines trong ruột

Gregarines cơ thể phân làm 2 – 3 đốt, mỗi đốt có một nhân riêng. Đối cuối cùng có giác hút giúp chúng có thể bám vào thành dạ dày và ruột của tôm. Ký chủ trung gian của Gregarine là ốc và các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, tôm sẽ bị nhiễm ký sinh trùng khi ăn phải. . .Tôm bị nhiễm kí sinh trùng gregarine làm tôm chậm lớn, FCR cao, gây tổn thương, tắc nghẽn ruột, thậm chí gây tổn thương niêm mạc ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây ra nhiều bệnh khác nhau, phổ biến nhất là bệnh phân trắng trên tôm.

Bệnh ký sinh trùng lây nhiễm qua các vật chủ trung gian. Khi bị bệnh, tôm có các dấu hiệu như chậm lớn, FCR cao, các dấu hiệu của bệnh phân trắng. Người nuôi rất khó nhận biết bằng mắt thường, chỉ quan sát thấy đường ruột có màu vàng hoặc vàng nâu khi tách ruột khỏi cơ thể. Chúng ta chỉ có thể phát hiện chính xác khi xem ruột tôm dưới kính hiển vi, từ đó có cách diệt ký sinh trùng trên tôm hiệu quả.

Cách phòng bệnh ký sinh trùng trên tôm

  • Lựa chọn giống có nguồn gốc xuất xứ, sạch bệnh, xét nghiệm PCR để sàng lọc những con bị nhiễm bệnh.
  • Xử lý ao nuôi kỹ lưỡng, sên vét đáy ao.
  • Cấp nước sạch vào ao, sử dụng túi lọc để ngăn chặn ấu trùng ốc, các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
  • Bổ sung chế phẩm sinh học ScienChain lợi khuẩn đường ruột cho tôm.
  • Định kỳ xét nghiệm PCR Pockit để phát hiện nhanh mầm bệnh.
Phòng ký sinh trùng ở tôm

Cải tạo ao kỹ lưỡng trước vụ nuôi

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm

Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu sử dụng tỏi trong điều trị ký sinh trung và ghi nhận được kết quả tốt. Trong báo cáo của Chutchawanchaipan và ctv (2004) về hiệu quả của việc xay tỏi tươi để giảm số lượng ký sinh trùng từ ruột của tôm sú. Tiến hành trộn 10gr tỏi tươi với 1 kg thức ăn cho tôm, trộn cùng 20ml chitosan, và cho tôm ăn ở 3 ao đất trong 5 tuần. Tôm được lấy mẫu trước khi cho ăn tỏi và mỗi tuần sau khi bắt đầu cho ăn tỏi, mỗi lần 20 con, để kiểm tra số lượng gregarines trong ruột của tôm nuôi sử dụng kỹ thuật mô. Kết quả ghi nhận số lượng tôm nhiễm gregarines giảm 100% sau khi ăn tỏi theo chế độ ăn uống trong 4 tuần liên tục.

Tỷ lệ tôm nhiễm Gregarines trước và sau khi cho ăn tỏi kết hợp chế độ ăn:

Thời gian (tuần) Tỷ lệ tôm nhiễm ký sinh trùng Gregarines (%)
Ao 1 Ao 2 Ao 3
Trước khi bổ sung tỏi vào thức ăn 100 90 85
100 100 90
1 30 65 40
2 10 15 10
3 0 15 15
4 0 0 0
5 0 0 0

Hình sự xuất hiện của ký sinh trùng Gregarines trong ruột tôm sau khi cho ăn tỏi 2 tuần

Ký sinh trùng trong ruột tôm
  • A: Gregarines tồn tại trong ruột giữa của tôm trước khi cho ăn tỏi kết hợp chế độ ăn.
  • B: Gregarines sống trong ruột giữa của tôm trong 2 tuần sau khi cho ăn tỏi xay kết hợp chế độ ăn.
  • C: Không còn Gregarines trong ruột giữa của tôm ở 4 tuần sau khi cho ăn tỏi xay kết hợp chế độ ăn.

Bà con có thê lựa chọn sản phẩm Vinalic- chiết xuất thảo dược có chưa dịch trích tỏi để phòng ngừa và điều trị ký sinh trùng Gregarines hiệu quả.

Kỹ sư – Huỳnh Quốc Khánh

Nguồn : https://drtom.vn/

Hướng dẫn an toàn sinh học đối với điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ

Nhằm kiểm soát chất lượng tôm giống và bảo đảm an toàn thực phẩm, Tổng cục Thủy sản vừa ban hành Quyết định số 169/QĐ-TCTS-NTTS ngày 09/3/2020 về hướng dẫn thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn những cách nhận diện mối nguy gây mất an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ và một số yêu cầu an toàn sinh học đối với điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Trong đó, về yêu cầu an toàn sinh học, các cơ sở ương sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần tuân thủ các yêu cầu như: Yêu cầu an toàn sinh học trong lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng; Yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở; An toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống; An toàn sinh học trong nhập kho, sử dụng và bảo quản các loại hóa chất, chế phẩm sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; Yêu cầu về chương trình kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng.

Cụ thể, về địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng: cần lựa chọn làm địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ có diện tích đủ rộng, nền đất vững chắc, địa tầng ổn định, không bị ngập nước khi triều cường, không nằm trong vùng bị xói lở và phù hợp với quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh hoặc có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền địa phương. Địa điểm xây dựng cơ sở không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm và cần có nguồn điện lưới 3 pha ổn định, có máy phát điện dự phòng đủ công suất phục vụ cho sản xuất giống tôm nước lợ trong thời gian mất điện. Giao thông thuận tiện và an toàn trong vận chuyển tôm giống.

Đối với nguồn nước cấp cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ: Các chỉ tiêu môi trường của nguồn nước lấy vào cơ sở trước khi xử lý, đưa vào sản xuất đáp ứng yêu cầu sau: Đối với nước ngọt: QCVN 08-MT: 2015/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, ban hành theo Thông tư số 65/2015/TTBTNMT ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần có khuôn viên xây dựng đầy đủ khu chức năng, bố trí các khu chức năng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ hợp lý. Đối với khuôn viên Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải được ngăn cách với khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế biến; không bị ảnh hưởng bởi khu nuôi trồng thuỷ sản thương phẩm; ngăn chặn động vật gây hại và tránh được khói bụi từ bên ngoài vào khu vực sản xuất, ương dưỡng giống. Bố trí các khu chức năng trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải theo nguyên tắc một chiều (không ngang qua, không cắt chéo).

Bên cạnh đó, tài liệu cũng hướng dẫn những quy trình nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống như: Nơi nhân sinh khối tảo phải biệt lập với các khu vực khác của cơ sở sản xuất giống và được chia thành 2 khu: Khu giữ giống thuần và khu nhân sinh khối. Vị trí của nơi nhân sinh khối tảo cần có đủ ánh sáng, liền kề với khu vực ương dưỡng ấu trùng tôm. Thùng nhựa, túi ni lon nuôi tảo bằng vật liệu không gây độc, dung tích đủ cho tảo phát triển tốt và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Nơi ấp nở artemia cần tách biệt với các khu chức năng khác của cơ sở, có diện tích đủ rộng. Vị trí nên liền kề với khu vực ương nuôi ấu trùng (zoea, mysis, postlavae). Thùng, xô, vợt dùng trong ấp nở Artemia phải là chuyên dùng và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Không sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ nhập vào cơ sở những hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, thức ăn được phép lưu hành triên trị trường theo quy định của pháp luật và chất lượng đảm bảo. Sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải theo đúng chỉ dẫn về liều lượng, cách dùng ghi trên nhãn sản phẩm và hướng dẫn của nhà chuyên môn.

Đối với tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên: Có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển đảm bảo tôm không bị nhiễm bệnh và luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ được chọn tạo trong nước: Có nguồn gốc từ cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (đố với giống bố mẹ); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ nhập khẩu: Có nguồn gốc rõ ràng (tại các cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; có hồ sơ nhập khẩu; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh.

Theo: Việt Linh

Khắc phục tôm chết trong giai đoạn lột vỏ

Khi tôm cứ chết dần từng đợt và có tôm mềm vỏ, sậm màu, ta có thể thấy rằng hiện tượng chết này có liên quan đến quá trình lột vỏ.

Đây là hiện tượng đặc trưng liên quan đến tình trạng đáy ao bị xấu nghiêm trọng và sự biến động chất lượng nước. Tình trạng tương tự có thể thấy trong trường hợp “Hội chứng tôm chết sau một tháng tuổi” ở ao có tảo đáy phát triển hoặc phiêu sinh vật chết tích tụ ở đáy ao. Những chất vẩn hữu cơ này phân hủy làm cho đáy ao có nhiều vi khuẩn và hàm lượng chất độc cao. Tôm sẽ tiếp xúc với vùng này khi chúng lẩn trốn ở nền đáy ao trong quá trình lột vỏ. Trong giai đoạn lột vỏ tôm dễ bị nhiễm bệnh và bị sốc do môi trường.

Nếu đáy ao xấu thì khó cải thiện được bệnh. Nên ước lượng lại tỷ lệ sống của tôm. Nếu cố gắng xử lý tình trạng này thì phải ổn định lại chất lượng nước và đáy ao phải làm sạch. Làm sạch đáy ao có liên quan tới việc có đủ máy sục khí và phải đặt ở vị trí thích hợp. Cần phải thay nước trong suốt thời gian dọn đáy ao để loại bỏ chất thải. Nếu không thể thay đủ nước thì việc dọn đáy ao có thể làm môi trường ao xấu đi.

Tôm có thể bị nhiễm khuẩn Vibrio spp. cơ hội và vì thế cũng cần xử lý bằng thuốc kháng sinh thích hợp. Tuy nhiên, xử lý bằng thuốc kháng sinh mà không cải tạo môi trường trong ao nuôi là lãng phí thời gian và tiền bạc.

Nguồn :https://nongnghiep.vn/

Ứng dụng mạng cảm biến không dây trong nuôi tôm

Ứng dụng mạng cảm biến không dây

Gần đây, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã nghiên cứu giải mã các công nghệ thông minh ứng dụng trong nuôi tôm.

Khắc phục nhược điểm
Thời gian qua, nhiều công ty đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống giám sát tự động chất lượng nước ao nuôi. Tuy nhiên, các  sản phẩm trên thị trường giá thành vẫn rất cao do chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ và còn nhiều nhược điểm cơ bản:
– Thiết bị tương đối đắt tiền, không linh hoạt do thiết bị cồng kềnh khó khăn trong việc di chuyển cũng như xử lý.
– Thiết bị rời rạc đơn lẻ nên dữ liệu thu thập được chưa có tính thống kê cao và độ chính xác không cao. Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo.
– Chưa tự động hóa việc lấy dữ liệu, còn cần sự can thiệp từ phía con người nên kinh phí tốn kém. Dữ liệu không được cập nhật liên tục.
– Hệ thống đề xuất cũng chưa chú ý tới sự phát triển của các dòng điện thoại thông minh một trong định hướng phát triển công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản.
– Chưa có bộ cơ sở dữ liệu chuẩn để triển khai đại trà trên các sông, hồ nuôi trồng thủy sản.
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn cho ngành tôm
Nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã thực hiện nhằm giải mã được sáng chế về công nghệ xử lý tín hiệu và công nghệ truyền thông không dây LoRa trong mạng cảm biến không dây. Nghiên cứu nhằm phát triển ứng dụng công nghệ mạng cảm biến không dây phù hợp trong truyền thông dữ liệu. Xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam. Ứng dụng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.
Trong nghiên cứu này, công nghệ truyền thông mới LoRa lần đầu tiên được nhóm nghiên cứu triển khai cho hệ thống mạng cảm biến không dây. Với lợi thế truyền bằng sóng vô tuyến theo phương thức P2P (peer to peer – mạng ngang hàng) không phụ thuộc vào các yêu cầu về cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ, LoRa là công nghệ truyền thông không dây mới, được xây dựng để thiết lập kết nối vô tuyến ở khoảng cách rất xa (đến 10 km, trong tầm nhìn thẳng) cho các thiết bị thông minh trong bối cảnh phát triển ứng dụng IoT (Internet of Things) cho các thiết bị dùng nguồn pin, yêu cầu tiêu thụ năng lượng thấp.
Mục tiêu của nghiên cứu là thiết kế, chế tạo module truyền thông LoRa tích hợp vào thiết bị IoT, xây dựng một số thuật toán cho Node và Gateway để kết nối nhiều thiết bị thành một hệ thống mạng và kết nối với các hệ thống mạng khác để tạo thành một hệ thống IoT hoàn chỉnh. Hệ thống đạt được các kết quả như truyền dữ liệu giữa các thiết bị IoT tích hợp module LoRa với Gateway, xây dựng bản tin truyền và nhận có Protocol đã định sẵn, xây dựng được mạng hình sao sử dụng công nghệ truyền thông LoRa, truyền dữ liệu từ các nút đến Gateway theo kết nối mạng hình sao, truyền nhận dữ liệu chính xác, ổn định, phát triển thuật toán đa truy nhập, tìm ra được các nguyên nhân gây mất dữ liệu và khắc phục.

Theo 2lua.vn

Mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp rong gai

Tôm càng xanh
Tôm càng xanh.

Mô hình nuôi ghép tôm càng xanh với rong gai cho hiệu quả kinh tế và môi trường.

Đặc điểm dinh dưỡng của tôm càng xanh

Có mặt ở hầu hết các vùng nước ngọt như ao, hồ, kênh mương cũng như vùng cửa sông, tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi, trong nuôi thương phẩm tôm sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp do con người cung cấp, ngoài ra tôm còn tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao nuôi. Tuy nhiên, FCR cao trong quá trình nuôi khiến giá thành tăng, gây ô nhiễm môi trường và giảm năng suất.

Hiện nay, tôm càng xanh chủ yếu được nuôi trong ao đất hoặc xen canh với cây lúa và đều đem lại hiệu quả tốt, đây cũng chính là điều kiện lý tưởng cho sự sinh trường và phát triển của các loại thủy thực vật có vai trò tối quan trọng trong khẩu phần ăn của tôm qua đó góp phần giảm FCR của vụ nuôi.

Nuôi tôm càng xanh kết hợp rong gai

Theo một nghiên cứu mới, việc nuôi tôm càng xanh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn nếu bổ sung thủy sinh vật (waterthyme) vào hệ thống nuôi. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các tác động và hiệu quả kinh tế của việc thêm cây rong gai hay rong mái chèo (Hydrilla verticillata) vào môi trường nuôi với các mật độ khác nhau.


Chất lượng môi trường cho rong gai phát triển (theo Flowgrow.de).

Các chỉ tiêu môi trường cho rong gai phát triển hoàn toàn thích hợp với điều kiện môi trường tại nước ta. Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét tác động của cây rong gai đến các yêu cầu về chất lượng tôm thương phẩm và chất lượng nước. Loài thực vật này góp phần quan trọng trong xử lí nước, đóng vai trò như một bộ lọc sinh học. Ngoài ra chúng còn sử dụng chất thải khi nuôi tôm làm nguồn dinh dưỡng cho quá trình phát triển và là thành phần thiết yếu trong khẩu phần ăn của tôm giúp giảm chi phí thức ăn cũng như chi phí xử lí nước thải.


Cây rong gai hay rong mái chèo.

Nghiên cứu được thực hiện trong năm bể khác nhau bao gồm kiểm soát độc canh tôm mà không có rong gai, thả tôm với mật độ 30 con/m2. Cùng thời điểm đó, bốn bể còn lại rong chiếm 15% thể tích bể. Có một vấn đề xảy ra khi thực hiện hệ thống nuôi kết hợp prawn-plant ( tôm và rong) này là số lượng tôm đực nhỏ  và tôm cái chưa trưởng thành nhiều, nhưng hơn 77,2% tôm đạt hoặc vượt quá 40g khi hoàn thành các thử nghiệm, cao hơn so với bể không có rong gai sinh sống và trong sáu tháng tất cả đều có kích cỡ phù hợp với yêu cầu thị trường.

Các nhà khoa học kết luận mô hình tôm càng xanh với rong gai vừa khả thi vừa đem lại lợi nhuận. Tôm được nuôi với mật độ tối ưu là 20 con/m2, lượng thức ăn tiết kiệm được là 20% so với mô hình nuôi không kết hợp rong gai. Theo ước tính, đầu tư vào việc thiết lập hệ thống nuôi kết hợp trên tạo ra gấp 3,87 lần doanh thu của hệ thống nuôi thông thường, nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mô hình nuôi ghép tôm càng xanh và cây rong gai nên áp dụng ở các trang trại nuôi lớn.

Giải pháp cho điều kiện nuôi ở Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, với điều kiện và chất lượng các hệ thống nuôi tại Việt Nam, người nuôi hoàn toàn có thể cân nhắc nuôi kết hợp mô hình nuôi ghép tôm càng xanh – cây rong gai. Bên cạnh đó cần điều chỉnh lượng rong gai sao cho phù hợp với mật độ nuôi. Theo ước tính, nếu thả nuôi tôm càng xanh toàn đực trên 1 ha, người nuôi có thể thu lợi nhuận 100 triệu đồng sau mỗi vụ. Đây cũng là đối tượng nuôi triển vọng cho ĐBSCL trong bối cảnh khí hậu biến đổi bất thường, tôm có thể phát triển tốt hơn và có chất lượng thịt ngon hơn ở độ mặn thấp (0 – 15 ‰), . Hiệu quả cao cùng với điều kiện thuận lợi, bà con cũng nên cân nhắc thử nghiệm nuôi tôm càng xanh toàn đực với mô hình trên và kiểm tra độ hiệu quả.

Đặng Tuấn
Nguồn : https://tepbac.com/

Vi khuẩn có đánh bại vi khuẩn được không?

Phòng Lab
Công nghệ can thiệp iRNA vào hệ gen của tôm.

Công nghệ can thiệp iRNA vào hệ gen của tôm để hạn chế bệnh đốm trắng (WSSV) và hội chứng tôm chết sớm (EMS).

Sự thành công của nghề nuôi tôm trên toàn cầu đang tạo cơ hội rất lớn cho ngành thủy sản nâng tầm của mình lên so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên cuộc chiến của tôm với những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn vẫn đang diễn ra rất quyết liệt, có thể làm người nuôi không còn thiết tha gì với nghề nữa.

Một trong những bệnh tôm có sức tàn phá kinh khủng nhất trong vài thập kỷ qua là bệnh đốm trắng do virus WSSV gây ra. Quan trọng là bệnh lại xuất hiện nhiều trên tôm thẻ chân trắng và gây chết hàng loạt chỉ trong một thời gian ngắn. Hầu như ai cũng biết, đốm trắng xuất hiện trên vỏ tôm (hình thành từ muối canxi) là triệu chứng điển hình của bệnh này. Qua một thời gian sau, virus sẽ làm hỏng mang tôm và các cơ quan bên trong, cuối cùng dẫn tới việc chết hàng loạt. Khu vực Đông Nam Á đang là nơi virus gây thiệt hại nặng nề nhờ điều kiện khí hậu ấm áp. Con số thiệt hại lên tới 1 tỷ USD mỗi năm và trải rộng trên khắp khu vực Châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Và cũng giống như đốm trắng, EMS cũng là một bệnh gây hại vô cùng cho con tôm thẻ chân trắng trong những năm gần đây. Hội chứng được báo cáo là do virus ký sinh trong vi khuẩn vibrio gây ra, nặng nhất là vào năm 2009. Trong thử nghiệm, iRNA đã làm giảm tỷ lệ EMS lên tới 60%, trong khi đó các phương pháp khác cao nhất chỉ đến mức 10%. Không hứa hẹn một sự kiểm soát hoàn toàn nhưng đây sẽ là phương pháp hiệu quả nhất thời điểm hiện tại.

Nông dân có rất ít biện pháp lựa chọn để chống lại virus này, ngoài cách thu hoạch một cách nước rút trước khi virus lây lan. Rất nhiều nghiên cứu đang tập trung để tìm ra giải pháp, không phải bắt đầu bằng việc kiểm soát virus, mà là “lấy vi khuẩn chặn vi khuẩn”. Phương pháp này được gọi là RNA can thiệp hay iRNA.

Công nghệ được các chuyên gia đảm bảo có thể sửa đổi và cung cấp kỹ thuật iRNA một cách nhanh chóng, với trung gian là DNA của thực vật và động vật. Nôm na là việc bổ sung một RNA lấy từ vi khuẩn có sẵn trên cơ thể tôm, có khả năng can thiệp vào quá trình phiên mã và dịch mã của tôm, kiểm soát gen đang hoạt động theo ý muốn của mình, từ đó ức chế các tác nhân có hại. iRNA trước đây cũng đã được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực khác. Một bằng chứng là can thiệp RNA để chuyển đổi giới tính cho tôm càng xanh và cho kết quả rất cao.

Công nghệ này cũng được xem như việc sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện hệ vi khuẩn của tôm. Tuy nhiên, việc bổ sung iRNA vào tôm sẽ góp phần làm hệ thống phòng thủ tự nhiên của tôm hoạt động một cách mạnh mẽ hơn, chống lại các tác nhân gây bệnh. Directed Biotics là tên gọi mà chuyên gia đặt cho nghiên cứu này, dựa vào vi khuẩn có sẵn trên cơ thể tôm để ngăn chặn những tác nhân khác gây bệnh cho tôm. Từ đó đẩy lùi một số một cách tự nhiên mà không cần dùng kháng sinh hay bất cứ hóa chất nào khác.

Đây hứa hẹn là một giải pháp tự nhiên để đẩy lùi mầm bệnh. “Một sự bảo vệ nguyên vẹn, chất lượng và an toàn cho tôm cũng như toàn bộ hệ sinh thái của khu vực nuôi”, cơ hội để tạo ra một chuỗi cung ứng thủy sản bền vững. Tuy nhiên các chuyên gia đang kỳ vọng là có thể bổ sung iRNA vào thức ăn của tôm mỗi ngày để giúp nông dân không phải bỏ công quá nhiều như các phương pháp khác.

Các chuyên gia tin rằng, công nghệ này một ngày nào đó sẽ thay thế kháng sinh hoàn toàn trong thủy sản. Tiềm năng là rất lớn, ban đầu là đẩy lùi bệnh WSSV và EMS trên tôm thẻ chân trắng, nhưng trong tương lai iRNA chắc chắc có khả năng lấn sân vào cả ngành Nông nghiệp rộng lớn. Hiện tại, công nghệ này đã ra khỏi phòng thí nghiệm và đang được nghiệm ở một số ao, cho thấy tỷ lệ thành công rất cao.

Hà Tử
Nguồn : https://tepbac.com/