Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Cà Mau

Cà Mau: Nuôi tôm siêu thâm canh năng suất đạt 60 tấn/ha/vụ

(Cổng ĐT HND)- Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Tân có trên 430 hộ nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh với diện tích gần 480 ha. Năng suất đạt từ 40-60 tấn/ha/vụ.
Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ ông Ngô Minh Thông.

Trong đó có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong đầm nổi theo công nghệ Bioloc được hộ ông Ngô Minh Thông, ấp Cống Đá, xã Phú Tân thực hiện đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cuối năm 2019, ông Thông được đầu tư gần 90 triệu đồng từ nguồn vốn khoa học công nghệ năm 2019 thực hiện 02 đầm nổi, diện tích 500 m2/đầm. Đến nay, tôm được trên 90 ngày tuổi với trọng lượng 30 con/kg, ước tính thu hoạch đạt gần 5 tấn, lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Ông Thông cho biết: Việc nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong đầm nổi thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định; sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt, dễ thu gom chất thải…

Ông Tô Hoàng Nhàn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện mô hình này giúp bà con giảm chi phí đầu tư thực hiện trong quá trình nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là yếu tố cơ bản mà ngành chuyên môn và người dân đang từng bước rút kinh nghiệm thực hiện trong quá trình sản xuất.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong đầm nổi hộ ông Ngô Minh Thông được nhiều người dân địa phương tham quan học hỏi, ngành chuyên môn đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần giúp bà con phát triển nuôi tôm theo hướng công nghiệp, bền vững.

Anh Phan
Nguồn : http://www.hoinongdan.org.vn/

Vùng đất cứ cuối năm dân quậy sình bắt toàn tôm càng to bự

Đầu tháng Chạp, về huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), cứ cách mấy căn nhà là thấy chiếc vỏ lãi đậu dưới mé sông đợi cân tôm càng. Trên bờ, chị em phụ nữ nhanh tay dội nước rửa, phân loại từng thùng tôm các anh xách dưới ruộng lên để cho vào bồn ô xy.

Lâu lâu cái máy chạy ô xy trở chứng, tắt ngang là mấy chị nháo nhào, gọi ơi ới, các anh đang lội sình bắt tôm càng phải nghỉ tay, sửa máy cho tôm thở.

Thấy miếng ruộng đang tập trung đông người nhất, ghé đại vào nhà anh Út Thương (Lê Văn Thương, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình), thấy có hơn chục người đang lội dưới ruộng để thu hoạch tôm càng xanh.

Toàn là anh em ruột, bạn dì, cột chèo và hàng xóm, mỗi người một tay phụ chủ nhà chứ không cần thuê thêm ai. Mấy đứa con nít 9, 10 tuổi thấy ham cũng lội xuống ruộng bắt tôm càng. Sình lún tới lưng quần, có đứa một tay bắt tôm, một tay cầm dây thun quần cho “chắc ăn”.

 

Thới Bình trở thành “thủ phủ” tôm càng xanh với diện tích hơn 16.500 ha.

Anh Hai, anh Thương thì chịu trách nhiệm cầm máy bơm, đi dọc theo đường kênh dưới ruộng quậy bùn cho tôm càng mệt, bơi lên mé “nằm thở”. Những người còn lại chỉ việc “quơ tay” là dính cả chục con bỏ vô thùng xốp.

Sình văng đầy mặt, cả người phía trước cũng vậy, chỉ có nửa cái lưng phía sau là khô ráo, mà không có ai nghĩ đến việc lau cho sạch làm gì.

Có mấy đứa nhỏ lâu lâu la lên vì bị tôm càng kẹp, mà có đứa nào khóc đâu, còn khoái chí cười ra rả. Anh Út Thương chịu phần xách giỏ chạy tới lui chuyển tôm từ dưới ruộng lên bờ cho nhanh để tôm không bị ngộp.

Chị Út với mấy chị em bạn dâu cũng đang bận tay phân loại tôm. Thấy ai cũng luýnh quýnh nên đành hỏi chuyện ba của anh Út. Ông đi tới đi lui nhìn con cháu “lên tôm”, miệng mỉm mỉm: “Cho nó 10 công đất, nhờ chịu khó làm ăn, mỗi năm tính 1 vụ lúa, 1 vụ tôm càng, tôm sú, cua được gần 200 triệu đồng. Thả tôm càng xanh hồi tháng 6 năm nay, đây là vụ thứ hai rồi…”.

“Mới tát nước, gặt lúa xong 5 bữa trước là hôm nay thu hoạch tôm càng. Thả 25 ngàn con, loại tôm càng xanh toàn đực tới 290 đồng/con, tính ra hơn 7 triệu đồng tiền con giống. Mấy ngày nay nghe nói hợp đồng với lái cân tôm được giá 135 ngàn đồng/kg. Thấy thả đạt đầu con mà không biết bán xong được bao nhiêu, chứ năm trước lên tôm được gần 30 triệu đồng”, ba anh Út nói thêm.

Sau khi bắt lên, phân loại, tôm càng nhanh chóng được cho vào bồn ô xy để đảm bảo luôn tươi sống.

Thương lái tới là lúc các anh vừa bắt tôm xong. Cái cân được đặt ở nơi khô ráo nhất, bà chủ lái tôm ngồi đối diện để ghi chép số ký, đại diện chủ nhà ngồi kế bên cũng “biên” lại trong cuốn sổ riêng.

Lúc này, không ai kỳ kèo giá cả nữa, mà chỉ nhắc mấy đứa nhỏ cân xong lẹ tay chuyển tôm xuống vỏ cho thở ô xy. Cộng lại, hai tờ biên lai số “y chang”, không sai trăm gram nào, được 300 kg, gần 46 triệu đồng.

Tiếng cười nói bắt đầu xôm tụ hơn, rồi tính tới chuyện mua thịt heo, vài cặp dưa hấu, hay thêm vài ký khô để đãi khách… Nghe mộc mạc vậy mà vang cả một khúc sông bên dòng kênh Chắc Băng.

Cân xong, tôm càng lập tức được vận chuyển xuống vỏ lãi có sẵn bồn ô xy.

Tôm càng xanh, loại thuỷ sản phổ biến, giá trị dinh dưỡng cao và có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Theo Thảo Mơ (Báo Cà Mau)

Cà Mau: Cung ứng gần 4 triệu con giống tôm càng xanh toàn đực cho vùng lúa – tôm

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2019, Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã cung ứng số lượng rất lớn giống tôm càng xanh toàn đực cho vùng nuôi tôm – lúa, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Cụ thể, năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã chủ động phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang sản xuất, cung giống tôm càng xanh toàn đực có nguồn gốc từ Israel ra thị trường 3.689.000 Postlarva 12, tăng trên 300% so với năm 2018 (1.187.000 con).

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng 5 vệ tinh cung ứng tôm càng xanh toàn đực trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Mục tiêu nhằm giúp người dân dễ tiếp cận nguồn tôm giống chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, góp phần nâng cao năng suất tôm nuôi và thu nhập của người nông dân trong mô hình lúa – tôm của tỉnh.

Thu hoạch tôm càng xanh tại huyện Thới Bình

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Cà Mau, năm 2019, diện tích sản xuất lúa – tôm toàn tỉnh là 37.436 ha; tập trung nhiều ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời… Đối tượng được lựa chọn thả xen ghép vào mô hình lúa – tôm chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, cá rô phi, tôm càng xanh, đặc biệt là tôm càng xanh toàn đực. Tại Thới Bình, trong những năm gần đây, con tôm càng xanh toàn đực được người nông dân trên địa bàn huyện ưu tiên lựa chọn xen canh với lúa vì ít dịch bệnh, ít rủi ro hơn tôm sú, tôm thẻ, phù hợp với các hộ nông dân không có vốn đầu tư lớn. Sau 6 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng 15 – 20 con/kg, năng suất từ 300 – 400 kg/ha, mang về nguồn thu bình quân 40 – 50 triệu đồng/ha/năm.

Hồ Hoàng Thi
Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Nan giải bài toán xả thải từ nuôi tôm

Nuôi tôm thâm canh
Mô hình nuôi siêu thâm canh phát triển nhưng người nuôi chưa đảm bảo khâu xử lý nước thải.

Thời gian qua, hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tạo bước đột phá khá mạnh, góp phần tăng năng suất, sản lượng tôm cho toàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, mô hình này đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người dân và các cơ quan hữu quan khi người nuôi xả thải ra môi trường.

Hiện nay, toàn xã Hàng Vịnh có 37 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích 38,48 ha, trong đó đang thả nuôi gần 5 ha, đạt khoảng 35%. Tuy nhiên, việc nuôi theo hình thức này chưa đảm bảo an toàn về điện, đặc biệt là việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Bí thư Chi bộ Ấp 4, xã Hàng Vịnh Nguyễn Thành Nhân cho rằng, điện, môi trường là 2 tiêu chí quan trọng trong nuôi tôm siêu thâm canh. Bởi điện liên quan đến an toàn tính mạng con người, còn môi trường thì ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân xung quanh và tình hình sản xuất, sinh hoạt nói chung của bà con trong vùng. Ông Nhân bức xúc: “Người nuôi xả thải xuống sông vào ban đêm, khoảng 1-2 giờ khuya, chứ không ai làm ban ngày. Giờ đó nếu liên hệ lực lượng làm nhiệm vụ đến kiểm tra thì không có ai trực sẵn. Từ đó không xử lý được. Theo tôi, nhìn thấy nước xả ra có mùi thối, màu đen thì phạt được rồi, đâu cần phải định lượng gì”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Nguyễn Đức Trung nhìn nhận, thực trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh xả thải ra môi trường diễn ra trong thời gian dài và nhiều bà con đã kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn. Mặc dù tình hình này có giảm hơn so với trước nhưng vẫn còn người cố tình vi phạm, trong khi ngành chức năng chưa có giải pháp giải quyết căn cơ. “Tôi đã làm việc với xã, phân cấp công việc rõ ràng. Ở xã cũng thành lập các tổ, đội. Quá trình kiểm tra, phát hiện những hộ nuôi sai quy định buộc cam kết, lần 1, lần 2, nếu tiếp tục thì xử lý hành chính”, ông Trung cho biết.

“Theo quy định về phân cấp của UBND tỉnh Cà Mau, xã cấp giấy công nhận đủ điều kiện, Phòng NN&PTNT sẽ tổ chức hậu kiểm tra. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, đa số làm không đúng quy hoạch. Thực trạng này huyện đã có báo cáo về các sở, ngành liên quan”, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Tô Hoài Phương cho biết.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, hiện nay toàn huyện có 285 hộ đang nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích gần 265 ha, trong đó có 66 hộ nuôi ngoài quy hoạch; Trên 280 hộ ngưng nuôi, nghỉ nuôi với diện tích trên 200 ha, trong số này có khoảng 120 hộ nuôi ngoài quy hoạch.

Từ đầu năm đến nay có 7 trường hợp bị xử phạt hành chính do không đảm bảo điều kiện ao xử lý nước thải và xả thải không qua xử lý, trong khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh ảnh hưởng đến gần 3.200 ha đất tôm nuôi quảng canh truyền thống, 567 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và gần 34 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Ngoài tác động từ các yếu tố như thời tiết thất thường, con giống, quy trình nuôi chưa được kiểm soát tốt…, việc xả thải không qua xử lý ra môi trường được xem là nguyên nhân dễ dẫn đến dịch bệnh trên tôm.

Văn Tưởng Báo Cà Mau