Xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa và mô hình nuôi tôm công nghệ cao để ổn định sinh kế bền vững cho người dân
An Nhơn là địa phương có hệ sinh thái đặc trưng mặn, ngọt rõ rệt, phù hợp để phát triển nuôi tôm và trồng lúa, với hơn 2.200 ha đất nuôi trồng thủy sản, 930 ha đất sản xuất lúa. Sau nhiều năm thực hiện công tác khuyến nông, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa và hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất kết hợp với sản xuất đa canh đã trở thành hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả trên vùng đất nhiễm mặn này.
Tuy nhiên, do chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình xâm nhập mặn, hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Từ đó, An Nhơn đã dần hình thành và phát triển các loại hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ứng dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa là một trong những mô hình sinh kế bền vững, phù hợp cho vùng đất nhiễm mặn.
Trên cơ sở Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, tỉnh, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo xã thực hiện, trong đó ngành nông nghiệp huyện đã quan tâm, hướng dẫn nông dân chuyển đổi các mô hình sản xuất. Theo đó, xã An Nhơn chọn mô hình lúa – tôm để triển khai thực hiện và nhân rộng. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên tại xã. Nông dân nhận thức được hiệu quả của việc trồng lúa trên đất nuôi tôm có tác dụng cải tạo đất, tái tạo môi trường, hạn chế được tình trạng vùng nuôi bị suy thoái do đất bị ngập mặn lâu, môi trường nuôi ổn định, đặc biệt không sử dụng thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí, lợi nhuận tăng cao. Đến nay, xã có 560 hộ nuôi với diện tích hơn 590 ha, năng suất lúa trung bình 4 – 4,5 tấn/ha, năng suất tôm đạt 500 – 700 kg/ha, lợi nhuận bình quân từ 80 – 100 triệu đồng/ha.
Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nông dân và ứng dụng khoa học phù hợp vào mô hình lúa – tôm đã mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế rõ rệt, tận dụng được hai đối tượng nuôi trồng trên cùng diện tích. Mô hình này đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hài hòa với môi trường tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, hệ thống canh tác luân canh lúa – tôm giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng mùa vụ trong năm, tạo ra chuỗi sản phẩm sạch.
Cùng với mô hình lúa – tôm, từ năm 2017 đến nay, phong trào nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn phát triển mạnh ở An Nhơn. Một số hộ nuôi tôm thâm canh đã mạnh dạn chuyển từ hình thức nuôi tôm thâm canh truyền thống sang kỹ thuật nuôi thâm canh hai giai đoạn thích ứng với biến đổi khí hậu, được đầu tư xây dựng bài bản, áp dụng quy trình nuôi tôm cải tiến khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn môi trường, không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm. Theo đó, năng suất tôm nuôi đạt khoảng 5 – 7 tấn/1.000 m2, cao gấp 3 – 4 lần so với nuôi truyền thống. Đồng thời, mô hình nuôi này kiểm soát được dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí.
Hiện tại, toàn xã có 30 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 60 ha, bước đầu mở ra hướng phát triển mới trong nuôi thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Lê Trọng Quyền, Bí thư Đảng ủy xã An Nhơn, để tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình luân canh lúa – tôm và nuôi tôm công nghệ cao theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian tới huyện cần quan tâm, hỗ trợ xã rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi chuyên canh tôm và vùng sản xuất lúa phù hợp điều kiện từng địa phương. Bổ sung các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, chính sách quản lý và sử dụng đất sản xuất lúa, tôm hợp lý. Hỗ trợ phát triển thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, hệ thống quan trắc môi trường, khuyến cáo lịch thời vụ, phù hợp với điều kiện trồng lúa và nuôi tôm. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống, chọn, lai tạo các giống lúa chịu mặn cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương. Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, phổ biến, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Xây dựng thương hiệu gạo sạch, tôm sạch, chất lượng cao để quảng bá sản phẩm ra thị trường nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp…
Minh Mừng Đài Truyền thanh Thạnh Phú