Lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử Farmext.
Lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử để giúp người nuôi quy mô nhỏ ghi chép nhật ký ao nuôi dễ dàng.
Truy xuất nguồn gốc là thách thức lớn với nuôi tôm quy mô nhỏ
Xã hội càng phát triển thì mối quan tâm về sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng càng lớn, do đó càng thúc đẩy yêu cầu thực thi hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nuôi trồng thủy sản từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU trở nên gắt gao, khó tính hơn.
Truy xuất nguồn gốc là thách thức đối với bất kỳ ai hoạt động trong ngành sản xuất tôm. Tuy nhiên, với đặc điểm nhỏ lẻ của ngành tôm nước ta, hộ nuôi nhỏ là những người góp phần quan trọng nhưng cũng chính họ gặp khó khăn nhiều nhất khi thực hiện truy xuất nguồn gốc. Trước yêu cầu phải ghi chép nhật ký nuôi tôm như hiện nay, do thói quen sản xuất lâu đời, các hộ nuôi gia đình thường cảm thấy khó khăn, rất nhiều người nuôi ghi chép đối phó hoặc chỉ ghi giấy tờ sổ sách nên thường có sai sót và không tiện lợi với điều kiện ở trại nuôi.
Với tâm huyết xây dựng lợi ích thực tế cho người nuôi, quyết không để bất kỳ người nuôi tôm nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua truy xuất nguồn gốc, Tép Bạc đã xây dựng ứng dụng nhật ký điện tử nuôi tôm Farmext hỗ trợ người nuôi có thể ghi nhật ký điện tử một cách dễ dàng, ghi chép thông tin rõ ràng.
Ký kết và thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử giúp người nuôi ghi chép dễ dàng
Chiều 12/8/2020, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Tổ chức OXFAM Việt Nam cùng Công ty TNHH Tép Bạc tổ chức lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký điện tử trong nuôi tôm cho các hộ nông dân của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Mục tiêu của việc thử nghiệm nhật ký điện tử nhằm nâng cao năng lực áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiếp cận thị trường cho người nuôi tôm quy mô nhỏ. Qua đó góp phần tăng cơ hội tiếp cận thị trường trong quá trình hội nhập EVFTA, TPP…
Thời gian thử nghiệm là 1 năm, từ tháng 8/2020 – 8/2021.
Lễ ký kết thu hút sự quan tâm từ người nuôi tôm.
Ngoài việc ghi nhật ký phục vụ cho các chứng nhận trong thời kỳ hội nhập, Farmext được xây dựng tập trung và lợi ích cho bà con nuôi tôm, đại lý và hợp tác xã.
Trong lễ ký kết có quá trình giới thiệu và hướng dẫn bà con làm quen, sử dụng ứng dụng. Đa phần bà con rất hoan nghênh tính hữu ích của ứng dụng trong nuôi tôm.
Anh Cơ nuôi tôm ở Vĩnh Hậu, Hòa Bình, Bạc Liêu chia sẻ: “Trước đây quản lý bằng từ xa bằng cách gọi điện hỏi nếu giờ dùng ứng dụng thì sẽ rất hưu ích để mình có thể theo cập nhật tình hình ao nuôi và tính toán được chi phí mọi lúc.”
Là một đại lý anh Pháo cho hay: “Với ứng dụng này tôi có thể hỗ trợ từ xa cho những hộ nuôi mà tôi đầu tư và nắm được tình hình sản xuất của họ để có thể dự trù trước các vật tư”.
Anh Tiến Thành thì lại thích tính năng hỗ trợ từ xa của chuyên gia. Vì trước giờ anh vẫn hay hỗ trợ kỹ thuật cho bà con xung quanh những quá nhiều không có thời gian theo dõi chi tiết nên anh không giúp được nhiều cho bà con. Với tính năng này anh có thể theo dõi nhật ký của một ao suốt quá trình nuôi và đưa ra gợi ý trực tiếp trên đó.
Đa phần bà con rất hoan nghênh tính hữu ích của ứng dụng nhật ký nuôi tôm điện tử Farmext.
Đối với hợp tác xã cũng tương tự, cần nắm thông tin tình hình sản xuất của các xã viên như đang nuôi tốt hay không, lượng tôm của hợp tác xã, lượng thức ăn để có thể hỗ trợ về mặt vật tư và tài chính giúp xã viên an tâm sản xuất.
Phía Tép Bạc giải thích thì việc cài đặt ban đầu phức tạp là để giúp cho việc ghi nhật ký sau này dễ và nhanh hơn nên nhiều hộ nuôi cảm thấy khá khó khăn trong việc cài đặt. Một phần từ việc chưa có thói quen ghi nhật ký và một phần nhiều chú bác vẫn chưa dùng điện thoại thông minh rành.
Phía đại diện Tép Bạc cho hay sẽ thường xuyên cập nhật và điều chỉnh sao cho mọi bà con nuôi tôm đều có thể sử dụng được một cách dễ dàng.
Farmext – https://tepbac.com/