Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc khiến thị trường tôm thêm “ảm đạm”, giá bán liên tục sụt giảm. Nhiều người nuôi tôm ở Hà Tĩnh không mặn mà đầu tư cho vụ mới.
Anh Hồ Quang Dũng (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) chia sẻ: “Đợt chính vụ vừa qua (từ tháng 3 đến tháng 7), do thời tiết nắng nóng kéo dài, tôm chậm lớn nên tôi buộc phải xuất bán sớm hơn dự tính, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Bây giờ, sắp đến thời điểm thả tôm giống vụ đông thì dịch Covid-19 lại tái bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nên tôi đang chần chừ, có thể chỉ thả từ 4-5 ha trên tổng diện tích 12 ha với khoảng 8 triệu con giống.
“Để nuôi tôm vụ đông (kéo dài từ khoảng tháng 8 đến tháng 12) gặp rất nhiều khó khăn bởi thời tiết diễn biến thất thường, trùng vào mùa mưa lũ, nhiều loại dịch bệnh, chi phí cũng tăng cao do thời gian nuôi dài, thì với giá tôm bấp bênh như hiện nay, tôi không dám mạo hiểm”, anh Dũng cho biết thêm.
Thời điểm này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu tu sửa ao hồ, kiểm tra lại hệ thống cấp nước… để chuẩn bị cho vụ thả nuôi mới.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hộ nuôi tôm tại huyện Thạch Hà cũng đang cân nhắc, cẩn trọng cho vụ nuôi tiếp theo.
Ông Dương Đình Hùng (xã Thạch Trị, Thạch Hà) cho biết: “Hoạt động xuất khẩu khó khăn trong khi thị trường nội địa chưa kịp hồi phục trở lại sau thời gian dài “ảm đạm” thì dịch lại xuất hiện. Giá tôm thẻ chân trắng liên tiếp “chạm đáy”, hiện mức 100 con/kg chỉ đạt từ 70 – 75 nghìn đồng, 60 con/kg từ 100 – 110 nghìn đồng. Giá tôm giảm sâu trong khi giá thức ăn, thuốc thủy sản đều tăng cao, người nuôi tôm càng gặp cảnh khó chồng khó”.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người nuôi tôm đang chần chừ trong việc thả nuôi vụ mới, thậm chí dự định “treo hồ”, không sản xuất vụ đông.
“Vùng nuôi tôm của tôi có diện tích gần 8 ha, đúng ra thời điểm bây giờ phải bắt đầu xuống giống nhưng chắc tôi phải chờ thêm xem diễn biến dịch bệnh và sẽ tiến hành thả theo phương thức gối vụ, không tập trung thả một lần. Vụ này nuôi tôm khó, chi phí bỏ ra lớn trong khi giá cả không biết thế nào nên nhiều hộ nuôi khác trong vùng dự định thả ít, thậm chí “treo hồ” chờ vụ sau”, ông Hùng thông tin thêm.
Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cũng có nhiều lo lắng, băn khoăn trước việc thả nuôi vụ tôm mới. “Với tình hình dịch như thế này, khả năng 3-4 tháng tới, giá tôm cũng chưa thể tăng nhanh lên được. Tôi thả trước 1-2 hồ, sau đó “căn” xem thị trường như thế nào rồi thả tiếp. Hiện, hơn 40.000 con giống đã được nhập về hồ ươm, đợi dọn dẹp, vệ sinh ao hồ xong thì khoảng 1 tuần nữa sẽ xuống giống hết”.
Tôm giống được anh Nguyễn Văn Hòa nhập về, bỏ vào hồ ươm để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Theo chia sẻ của nhiều người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh, từ cuối tháng 2 đến nay, giá tôm giảm sâu, thấp hơn từ 25 – 30% so với mặt bằng chung nhiều năm. Người dân đã liên tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, đầu ra hạn chế do tôm không xuất được đi Trung Quốc, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Thua lỗ từ vụ nuôi vừa qua, thị trường, giá cả bấp bênh, dẫn đến việc một số vùng nuôi tôm vụ đông lớn ở xã Xuân Yên, Đan Trường, Cương Gián (Nghi Xuân), xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên), Thạch Trị, Thạch Long, Thạch Sơn (Thạch Hà)… người dân đang chần chừ, “ngại” đầu tư và chỉ định sản xuất cầm chừng để thăm dò thị trường, tránh thua lỗ.
Nuôi tôm vụ đông thường trùng với thời điểm mưa lũ nên người dân cần thường xuyên theo dõi ao nuôi, sức khoẻ của tôm.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Lưu Quang Cần cho biết: “Nuôi tôm vụ đông ở Hà Tĩnh chủ yếu tại các vùng nuôi công nghệ cao, có cơ sở hạ tầng tốt và môi trường nước tương đối ổn định, ít ngập lụt. Trong khi thị trường đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, ngành chức năng đã tập trung khuyến cáo người dân nên thả nuôi gối vụ với mật độ thấp, áp dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng.
Cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh kiểm tra nguồn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ hải sản.
Đồng thời, nuôi tôm vụ đông thường trùng vào thời điểm mưa lũ, các thông số môi trường sẽ có sự biến động lớn làm cho tôm yếu, giảm sức đề kháng. Do đó, các cơ sở cần chủ động các biện pháp phòng bệnh nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn; kiểm tra hoạt động của tôm nuôi, môi trường trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời.
Oanh – Phương Báo Hà Tĩnh