Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tôm hùm không xuất khẩu được, lượng tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Mọi năm, thời điểm này, các con đường đến vùng nuôi tôm hùm thuộc phường Cam Phú và Cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa luôn tấp nập người mua – bán và làm dịch vụ cung ứng thức ăn cho lồng bè nuôi trồng thủy sản. Nhưng năm nay, nhất là 2 tuần trở lại đây, khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, rất ít thương lái đến hỏi mua tôm hùm, dù cho người nuôi tôm chấp nhận giá bán rẻ hơn trước. Ở vùng nuôi tôm hùm của tỉnh Khánh Hòa, người nuôi ít thì 10 lồng, nuôi nhiều lên đến 40 lồng. Chỉ riêng tiền mua thức ăn cho 10 lồng tôm hùm, mỗi ngày đã không dưới 2 triệu đồng. Tiền để duy trì lồng tôm nuôi trên biển và cho sinh hoạt hàng ngày, nhiều người phải vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng ở ngoài với lãi suất rất cao.
Tỉnh Khánh Hòa có hơn 64 ngàn lồng, bè nuôi tôm hùm với sản lượng thu hoạch hơn 1.300 tấn mỗi năm, doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, ở những tháng đầu năm đã làm cho người nuôi tôm hùm bị thua lỗ. Đợt dịch Covid 19 hiện tại thì chưa biết đến khi nào kết thúc. Điều này càng khiến người nuôi tôm rối bời, không quyết định được nên bán tháo tôm hùm, hạn chế thua lỗ hay tiếp tục nuôi để chờ giá?
Giảm mật độ nuôi, giảm lồng bè để bảo tồn đồng vốn chính là khuyến cáo của cơ quan chức năng với nghề nuôi tôm hùm lồng trên biển. Đây cũng là phương án phù hợp, bởi đi vay nóng để duy trì đàn tôm, rủi ro sẽ còn lớn hơn, nhất là mùa mưa bão ở miền Trung đang đến gần.
Văn Giang, Duy Hoàng VTV