Tin Huỳnh Diện (Huỳnh Xuân Diện), Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) chế tạo thành công thiết bị chống điện giật trong nuôi tôm công nghiệp gây tò mò và thôi thúc tôi tìm gặp nhân vật này.
Nhà anh ở ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, từ TP Cà Mau vào khoảng 30 cây số. Lúc chúng tôi đến, anh đang có khách và giới thiệu đó là Trần Văn Út và Huỳnh Thanh Tùng, người của Công ty tôm giống Nam miền Trung. Nghe tôi trình bày ý định viết bài về sáng kiến chống giật hay tuyệt này, Út mau miệng: “Nói thiệt với chị, dù không trực tiếp nuôi tôm nhưng nghe anh Diện thành công vụ chống giật này em mừng lắm. Nó tránh được rủi ro cho biết bao người”.
Sáng kiến “5 trong 1”
Anh Huỳnh Diện diễn giải về thiết bị chống điện giật trong nuôi tôm do anh sáng chế. Ảnh: Hoàng Diệu
Huỳnh Thanh Tùng phấn khởi tiếp lời: “Ai nuôi tôm công nghiệp nghe thiết bị này cũng hỏi thăm. Hôm nay tụi em đi “tiền trạm”. Sau đó sẽ đưa khách hàng đại lý và các “mối” nuôi tôm công nghiệp của mình tới tham quan, tìm hiểu để áp dụng”.
Út là người phụ trách phân phối tôm giống Nam miền Trung trên địa bàn Cà Mau, Kiên Giang. Nguồn tôm giống này gần chục năm qua được anh Diện chọn thả nuôi vuông nhà, và sau là HTX. Huỳnh Thanh Tùng thì phụ trách phân phối tôm giống các tỉnh trên.
Út hào hứng nói tiếp: “Anh Diện hay lắm, ảnh mày mò nghiên cứu rất nhiều thứ phục vụ nuôi tôm. Riêng vụ chống điện giật, anh tốn biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của vì nó. Thành công này tụi em gọi là thành công một tâm đức”.
Giọng từ tốn, anh Diện giãi bày: “Người nuôi tôm đôi khi do bất cẩn bị điện giật, nhưng có khi hết sức cẩn thận cũng xảy ra sự cố khôn lường. Năm nào cả nước cũng có mấy chục vụ tai nạn điện vì nuôi tôm, riêng Cà Mau cả chục vụ. Làm giàu ai cũng muốn, nhưng vì nó phải đánh đổi cả tính mạng thì quá đau lòng. Tôi muốn làm sao người nuôi tôm được an toàn tuyệt đối”.
“Công trình của anh tính ra mất 4-5 năm đó chị”, Út nói. Là đối tác lâu năm, mến tính nhau nên Út và anh Diện trở nên thân thiết. Giọng đầy ngưỡng mộ, Út nói tiếp: “Có khi vô thăm, cứ thấy anh ngồi một góc suy nghĩ hoài. Lâu lâu điện hỏi thăm cũng chưa có gì mới. Vậy mà ảnh vẫn kiên trì. Ảnh hụt chết mấy lần vì nó đó chị”.
Chỉ tay về phía căn chòi cạnh bên, Út bảo: “Cái kho đó chứa không biết bao nhiêu phế liệu phục vụ sáng chế của anh; năm nào ảnh cũng bán tới… mấy ghe”.
Huỳnh Diện trải lòng: “Nói có khi chị không tin, gần 5 năm qua tôi phải đổ vô mấy tỷ bạc cho sáng chế này. Mình tay ngang, cứ mày mò, thử nghiệm, thất bại lại làm tiếp nên rất hao nguyên liệu. Tốn kém nhiều, có lúc mình cũng thấy đuối. Nhưng cứ nghe đây đó xảy ra vụ điện giật chết người vì nuôi tôm thì lại như mệnh lệnh thôi thúc mình không được bỏ cuộc”.
Rồi có những lúc, bỗng dưng người ta thấy anh thuê phương tiện đi cuốc vuông mướn, sên vuông, bán tôm giống, đi làm kỹ thuật tôm… Họ nói, Huỳnh Diện nuôi tôm trúng ầm ầm, còn làm đại lý thức ăn, thiết bị nuôi tôm…, giàu cỡ đó mà không chịu nghỉ ngơi. Ai nói gì mặc kệ, anh vẫn làm, chẳng thanh minh, giải thích gì.
Anh phân trần: “Làm đại lý đầu tư bạc chục tỷ, nhưng phần lớn bán thiếu cho bà con; rồi vốn liếng còn để xoay vòng… Sáng chế của mình chưa có gì chắc chắn, cứ lấy tiền kinh doanh đổ vô hoài, bị thâm hụt vốn, nợ nần, gia đình xào xáo thì không được. Tôi chịu khó kiếm tiền bên ngoài cũng vì nó”.
Giọng đầy phấn khởi, anh tiếp: “Được cái, ngoài anh em cộng sự nhiệt tình giúp các khâu cắt, hàn, tiện, nhiều việc khác, ý tưởng này còn được mấy anh lãnh đạo tỉnh biết và hỏi thăm, động viên, có khi còn móc tiền túi hỗ trợ…, vì vậy mà có thêm động lực”.
Và rồi nửa năm trước, sáng chế của anh coi như hoàn thành. Nhưng để chắc ăn, anh thử nghiệm trước cho đầm nuôi tôm của mình và vài anh em trong HTX.
Điều đặc biệt của hệ thống thiết bị này là, ngoài chống điện giật còn tiết kiệm được một lượng lớn điện tiêu thụ. Có cả hệ thống xi phông tự động, cứ 2 giờ, cặn bã được hút 1 lần nên nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, do nguồn điện được hạ từ 220V xuống còn 12V không bị giật, nên cứ đi đường dây trực tiếp vào ống nhựa rồi âm trong đất, nơi nào cần thì móc lên đấu nối. Bóng đèn được gắn trực tiếp cùng hệ thống điện chạy quạt (khi quạt vận hành, bóng đèn sẽ sáng), vì vậy công trình ao nuôi không còn phải tốn tiền đổ trụ điện, cũng không phải giăng mắc rườm rà vừa mất thẩm mỹ, vừa gây nguy hiểm như trước đây.
Riêng về việc tiết kiệm điện, vụ vừa rồi anh áp dụng thử 1 ao nuôi, giảm được hơn 20 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Dương, thành viên HTX, cho biết, vụ vừa qua anh cũng áp dụng thiết bị cho 1 ao nuôi, giảm tiền điện hơn 30 triệu đồng (thời gian nuôi dài hơn anh Diện).
Để minh chứng chuyện điện không giật, anh đưa chúng tôi ra đầm tôm, dùng 2 ngón tay chạm vào 2 trụ điện và cho vận hành thiết bị. Dù biết an toàn, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi… thót tim.
So về giá thành, anh cho biết, thiết bị này cao hơn mô-tơ chạy quạt loại tốt khoảng 10%. “Cao hơn chút ít nhưng bảo toàn tính mạng, tiết kiệm một khoản lớn tiền điện, cộng thêm nhiều tiện ích khác thì quá xứng đáng để đầu tư”, Út quả quyết.
Tôi nhẩm tính: Vậy là sáng chế này đạt được 5 cái “nhất”: an toàn nhất, tiết kiệm nhất, giảm ô nhiễm môi trường nước nhất, tiện lợi nhất, công trình ao thẩm mỹ nhất.
Trả lời thắc mắc của tôi sao thiết bị chưa được phổ biến, anh nói, đang đề nghị chứng nhận sở hữu trí tuệ: “Sợ nhất là người khác bắt chước không đúng rồi gây tai nạn. Tôi muốn có chứng nhận riêng mới công bố để người dùng tuyệt đối an toàn”.
Tôi hình dung, rồi đây trong báo cáo của tỉnh, của quốc gia sẽ không còn những vụ tai nạn điện chết người vì nuôi tôm – nghề được xác định kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương, đặc biệt có Cà Mau. Mạng con người là vô giá, khắc phục được nạn điện giật lĩnh vực này, mỗi năm anh sẽ cứu được rất nhiều người. Vì vậy Trần Văn Út nói, đây là thành công “một tâm đức” quả không sai.
Farm nuôi tôm kiểu mẫu
Trời vần vũ, thấy anh cứ nhấp nhổm, Út phân bua: “Nãy giờ ruột gan anh hót hết. Anh lo mưa ảnh hưởng trang trại tôm đang thi công…”.
Thấy tôi tròn mắt, anh giải thích: “Tôi đang làm trang trại nuôi tôm trên diện tích 10 ha với 30 ao, tại ấp Cái Giếng, cùng xã Tân Hưng này. Cũng là siêu thâm canh nhưng đủ loại mô hình: vốn nhiều, vốn vừa, vốn ít. Thành viên HTX tuỳ khả năng mà chọn mô hình. Mấy năm qua thí nghiệm nhiều chỗ, nhiều thứ, giờ gom lại, coi như tất cả công sức, trí tuệ đều tập trung vào farm này”.
Anh cho biết thêm, tỉnh cũng rất ủng hộ, đang đầu tư lộ 3 m cho đường vô, dự kiến sẽ làm mô hình mẫu để các nơi tới tham quan, học hỏi.
Như vậy, đây là đỉnh cao của HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng. Từ nuôi tôm thâm canh trải lưới tới siêu thâm canh trải bạt; từ sử dụng ao lắng tới lấy nước trực tiếp thông qua hệ thống lọc sáng tạo; từ nuôi 1 giai đoạn lên 2 giai đoạn; nuôi mật độ 50-70 con/m2 lên 500-700 con, sau tới hơn 1.000 con/m2 nhưng không gây ô nhiễm nguồn nước, tôm lớn nhanh, được báo chí rầm rộ đưa tin, Trung ương khen ngợi, giờ tới farm nuôi tôm kiểu mẫu với đầy đủ tính năng vượt trội (mà hình như trong cả nước chưa nơi nào có). Đây quả là kỳ tích. Tất cả đang tiến hành, nhưng với những gì đã đặt nền móng, tin chắc rằng anh sẽ gặt hái thành công.
Trọn nghĩa với quê hương
Nhiều năm qua, vào dịp tết Nguyên đán, rằm lớn, bà con nghèo xứ Tân Hưng luôn được anh cấp phát gạo. Người hoàn cảnh ngặt nghèo qua đời, anh hỗ trợ hòm. Học trò nghèo hễ có giấy khen mang tới là bác Diện thưởng tập vở và tiền để tiếp thêm nghị lực…
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hắng cho biết, anh còn rất quan tâm chuyện cầu, đường. Công trình nào gặp khó anh hỗ trợ vài chục tới vài trăm bao xi-măng; có khi 50-70 triệu đồng. Mỗi đầu năm học, anh hỗ trợ xã mấy ngàn quyển tập để phát cho học sinh nghèo (chưa kể hỗ trợ các trường). Gạo thì mỗi năm anh phát cho bà con từ 4-5 tấn. Tính ra, số tiền anh làm công tác từ thiện xã hội trên địa bàn mà xã biết được cũng trên 500 triệu đồng. Có điều anh ít khi chịu để tên mình, kẹt lắm thì ghi tên người thân, bởi anh không muốn nhiều người biết đến. “Mình xuất thân từ nông dân, từng trải qua nghèo khó nên thấu hiểu lắm. Người ta nói tôi giàu, nhưng thật ra có tiền là tôi san sẻ hết. Mình có điều kiện thì tiếp sức kéo người khác dậy để cuộc sống bớt nhọc nhằn”, anh bày tỏ.
Nhân chuyện này, nhắc thêm về HTX nuôi tôm năng suất cao mà anh làm giám đốc. Hồi mới thành lập, bên cạnh tìm tòi nghiên cứu các biện pháp sản xuất hiệu quả, anh đặc biệt quan tâm tới đời sống xã viên. Trong xóm nhiều người vì nuôi tôm thất bại và lý do này khác cầm cố đất đi lao động các tỉnh trên, anh kêu gọi họ về vào HTX, cho mượn tiền chuộc một phần đất, giúp vốn, hướng dẫn kỹ thuật để họ làm ăn. Ai khó khăn, nhưng chí thú lao động, anh hỗ trợ căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng cho họ có nơi an cư, yên tâm phát triển sản xuất. Tính đến nay, đã có 23 hộ được anh hỗ trợ chuộc đất, 6 hộ được anh cất nhà. Từ chuộc một phần đất, dần dần họ làm ăn hiệu quả chuộc hết phần còn lại. Vì vậy, từ 19 xã viên ban đầu, giờ HTX thu hút 55 người tham gia và không còn xã viên diện nghèo.
Mời tôi miếng bánh phồng tôm, anh bảo: “Tiếc là hôm nay không có bánh phồng chuối. Mẹ tôi khi còn khoẻ hay làm bánh phồng chuối gửi cho con trai mình, như lời nhắc nhở dù có thế nào cũng đừng quên loại cây trái đồng quê đã nuôi mình nên hình nên vóc. Tôi ăn riết cũng đâm ghiền món đó”. Và vô tình câu chuyện cuộc đời anh lại được khơi mở:
Anh thứ 10, sinh năm 1968, quê quán xã Tân Hưng, sinh ra trong hoàn cảnh tù đày tại bót Rau Dừa. Hồi đó ba anh là du kích, mẹ làm giao liên. Mẹ bị giặc bắt khi đang mang bầu anh. Trước tình trạng sức cùng lực kiệt của sản phụ trong cảnh lao tù và đứa con đỏ hỏn không sữa bú, gia đình và tổ chức quyết định bằng mọi cách phải đưa mẹ con anh ra khỏi bót. “Người anh rể là trinh sát đặc công được giao làm nhiệm vụ trinh sát địa hình… Cuối cùng cứu được mẹ con tôi, nhưng anh bị lộ và bị giặc giết…”, anh bùi ngùi.
Ra tù, người mẹ gầy còm không có sữa nên phải dùng chuối xắt lát phơi khô xay bột cho con bú. Và anh lớn lên nhờ những trái chuối ân tình này.
Trong căn chòi lá, nền ván dùng để tiếp khách (mặc dù cũ vẫn mang dấu ấn riêng của chủ nhân), gió hiu hiu, chúng tôi được nghe câu chuyện cuộc đời anh với đầy tầng nấc thăng trầm. Nhưng nổi lên hết là nghị lực, bản lĩnh và niềm đam mê sáng tạo. Và dù trong hoàn cảnh nào, anh cũng luôn tâm niệm: Con người ta được sinh ra là món quà tuyệt vời của tạo hoá, và để tồn tại, đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả mạng sống người khác… Phải sống có ý nghĩa với cuộc đời.
Út “tiết lộ”: “Thấy vậy chớ ảnh tới… 3 bằng đại học đó chị. Nhưng không bằng nào “dính” tới điện”. Anh phân trần: “Tôi học đại học kinh tế, ra làm Nhà nước mấy năm, lúc đó điều kiện khó khăn quá nên xin nghỉ ra ngoài làm ăn. Còn bằng đại học xây dựng và cử nhân xã hội là do mình ham hiểu biết nên học thêm vậy”.
Út chỉ tay về phía phải trước mặt và nói: “Cái ao nổi kia cũng là sáng tạo của ảnh đó. Người ta làm ao nổi nuôi tôm bằng khung sắt tốn 60-70 triệu đồng, ảnh làm bằng khung tre chỉ tốn 4-5 triệu, tiết kiệm hơn cả chục lần”.
Anh cho biết, đã nuôi được 3 vụ vẫn còn bền chắc. Và có nhiều người học hỏi cách làm này.
Lại chỉ tay về phía trái, nơi công trình gạch cát ngổn ngang, Út nói: “Anh đang xây hồ làm mô hình nuôi tôm sông trong ao. Đây là kiểu thiết kế nhiều dòng chảy, như con sông, bên lớn bên ròng…”.
Anh hào hứng: “Đây cũng là ý tưởng mới của tôi. Nếu mô hình thành công thì không chỉ nông thôn, nơi có đất rộng mà cả ở thành thị, nơi ít diện tích, thậm chí cả trên sân thượng cũng có thể nuôi tôm. Nước thì chỉ cần lấy 1 lần có thể sử dụng hoài…”.
Thật là nhân vật này quá nhiều điều để nói, nhiều chuyện bất ngờ. Và tôi cũng thầm cảm ơn Út – người “dẫn chương trình” nhiệt tình – nếu không, với cái tính “hỏi tới đâu nói tới đó” của anh làm sao tôi “khai thác” được ngồn ngộn thông tin thú vị như thế.
Còn làm còn nảy sinh nhiều ý tưởng, nhất là với trăn trở tìm cách giảm chi phí tối đa để tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm (mà theo lời anh, phí cho con tôm nước ngoài chỉ hơn 6.000 đồng, còn nước mình tới hơn 7.000 đồng), chắc rằng, anh sẽ còn sáng tạo nhiều chuyện bất ngờ, đột phá có ý nghĩa tiếp theo. Thử chờ xem – tôi tự nhủ./.
Trang Anh
Nguồn tin: Báo Cà Mau