Hàng loạt ngư dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ chỉ vì chủ quan trong quá trình sản xuất trên các đầm tôm, bất cẩn nhỏ nên bị thương tật cả đời. Có người tán gia bạn sản nhưng vẫn không phục hồi được sức khỏe như cũ.
Nhập viện vì sơ ý
Ông Nguyễn Văn Hà (Xuân Hải, Sông Cầu, Phú Yên) nhiều ngày nay phải nằm bẹp một chỗ vì trong lúc cải tạo đầm tôm bị thanh sắt nhọn dùng làm cọc dựng chòi ở đầm đâm thấu đùi. Ông Hà tiếc nuối: Ở đây bị thương nhẹ thì nhiều lắm còn thỉnh thoảng có người bị nặng như mình. Cũng chỉ vì sơ ý mà ra. Ông Hà nhẩm tính: Phải nửa năm nữa khỏi hẳn vết thương mới dám xuống đầm.
Từng mấy lần giật thót khi vào viện thăm bạn bị máy sục khí nuôi tôm phập vào đùi, vào bụng, vào chân, anh Lê Văn Tùng ở phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) luôn nhắc nhở mình phải cẩn trọng nhưng rồi chỉ trong tích tắc của sự nóng vội, chính anh cũng trở thành nạn nhân của máy sục khí nuôi tôm. Trong lúc bộ quần áo dài mới mua của con gái bay từ dây phơi xuống đầm, sợ máy sục cuốn vào nên anh Tùng cuống cuồng nhảy luôn xuống để vớt, không ngờ trượt chân vào cánh quạt, máy sục cuốn luôn chiếc quần rộng của anh vào làm nát cả một vùng đùi, rách bộ phận sinh dục. Phải trải qua 2 lần phẫu thuật ghép da, vết thương của anh Tùng mới tạm ổn.
Ở vùng đất Ninh Hòa và Vạn Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa) có trên 1.400 người làm nghề nuôi tôm đầm. Hàng năm, vì sự sơ ý, hàng trăm người đã phải gánh thương tích. Vừa khâu xong vết thương dài trên chân phải đầu tháng 6/2020, ông Lê Cành ở Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hòa) chua xót: Đến giờ mới nhắc nhở mình cẩn thận thì chân đã thành tật rồi, chẳng biết bao giờ mới bình phục lại được.
Đang tất bật chuẩn bị đám cưới, anh Trần Tường Ch ở Cam Thịnh Đông (Cam Ranh, Khánh Hòa) trong lúc sản xuất trên đầm tôm cũng đã bị cánh quạt tạo ôxy cho đầm tôm đâm vào bắp chân. Chủ quan, chỉ băng bó sơ rồi đắp lá nên vết thương của anh Ch hoại tử, phải điều trị qua nhiều bệnh viện vẫn chưa khỏi, mọi công việc dồn cả lên người thân.
Phải chú trọng an toàn
Hàng chục ngư dân ở xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận cũng phải ngậm ngùi gánh thương tích do không chú trọng an toàn trong khi sản xuất trên đầm tôm. Anh Nguyễn Thanh Ph ở xã Phước Diêm cho biết: Trong lúc bước qua máy sục khí để lấy thức ăn cho tôm bị cánh quạt cuốn vào làm lóc hết da ở bộ phận sinh dục, đùi bị cánh quạt cắt sâu. Phải vào Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh), các bác sĩ cắt da ở nhiều nơi để tái tạo bộ phận sinh dục. Từ đó, gia đình anh Ph phải cho thuê toàn bộ đầm tôm để lấy tiền trang trải viện phí. Ph ân hận: Giá như mình cẩn thận hơn thì năm nay thắng lợi lớn. Vào Bệnh viện Bình Dân nằm nhiều ngày mới thấy người bị tai nạn ở các đầm tôm như mình không ít, chỉ mong qua những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, mọi người sẽ cẩn thận hơn để không phải gánh thương tật thể xác lẫn sa sút tinh thần.
Trước những hậu quả nặng nề từ tai nạn do sản xuất trên đầm tôm, nhiều chuyên gia về an toàn lao động cho rằng: Người dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về an toàn lao động. Thực tế cho thấy, hậu quả sự bất cẩn để dính vào tai nạn là rất nặng nề. Khi lao động, sản xuất thì phải mặc đồ bơi bó sát, gọn gàng, không mặc đồ lòa xòa. Khi máy có dấu hiệu bất thường thì phải ngắt nguồn điện cho máy dừng lại rồi mới kiểm tra, không tiếp tục liều lĩnh để vận hành các loại máy móc.
Hà Văn Đạo – Thanh Lê Sức khỏe & Đời sống