Mặc dù chịu tác động nặng nề từ tình hình thiên tai, dịch bệnh, song nền kinh tế của Cà Mau vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, giữ vững được các lĩnh vực cốt lõi là ngư – nông nghiệp.
Nỗ lực vượt khó
Hạn hán nặng nề trong mùa khô vừa qua đã làm 25.600ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh vẫn đạt khoảng 293.000 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Thủy sản đang gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh hiện đạt hơn 374 triệu USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ, đạt trên 31% kế hoạch năm.
Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và xuất khẩu vẫn bị ách tắc. Khoảng 19.000 tấn tôm đang tồn đọng trong các kho của doanh nghiệp. Thực trạng trên đã làm giá tôm xuống thấp và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Cà Mau không thay đổi các chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra, quyết tâm tìm ra các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng trong tình hình mới.
Nhờ được tập huấn kiến thức về nuôi thủy sản nên thời gian qua, các mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh của bà con nông dân ngày càng đạt hiệu quả. Cùng với nuôi thủy sản, huyện Trần Văn Thời còn có thế mạnh khai thác đánh bắt thủy hải sản trên biển. Hiện tại, toàn huyện có hơn 2.600 phương tiện khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cầu nghề cá. Trong đó, tàu có công suất trên 90CV gần 1.400 chiếc, có khả năng khai thác dài ngày trên biển; còn lại từ 20CV đến dưới 90CV là 454 chiếc.
Huyện Đầm Dơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thủy sản với chiều dài bờ biển khoảng 25km, có các cửa biển lớn: Gành Hào, Hố Gùi, Giá Lồng Đèn…; diện tích ngư trường trên 5.000m2, có trữ lượng thủy sản lớn và phong phú về chủng loại. Toàn huyện có 38.300ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, 2.800ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, do đó huyện xác định con tôm là ngành hàng chủ lực để phát triển, kết hợp với mô hình nuôi các loài thủy sản khác: Cua, vọp, sò huyết…
Ngành Nông nghiệp huyện thường trực địa bàn, cập nhật kịp thời lịch thời vụ để khuyến cáo người dân trong sản xuất; đặc biệt là đối với loại hình nuôi tôm công nghiệp thâm canh và siêu thâm canh.
Niềm tin từ EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020, sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhiều hơn khi thuế giảm mạnh.
Thuế nhập khẩu hầu hết sản phẩm tôm vào thị trường châu Âu cũng sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 – 20% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau đang tranh thủ nắm bắt cơ hội, lợi thế này để gia tăng kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng tôm và một số ngành hàng chế biến xuất khẩu chủ lực khác của tỉnh.
Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Văn Đô cho biết: “Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của tình hình thế giới để tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu, trong đó có mặt hàng tôm. Bên cạnh đó, Sở sẽ có kế hoạch triển khai phổ biến, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại, đầu tư (CPTPP, EVFTA, IPA…) mang lại để tranh thủ mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội”.
Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chủ động kế hoạch sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, trong đó có giá cả tôm nguyên liệu.
Xác định sống chung với cái khó, bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, ngành xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đã chung sức vượt khó; con tôm Cà Mau đã chứng minh được sức đề kháng; ngành xuất khẩu thủy sản của tỉnh thực sự là chiếc lò xo, nén lại, giờ bật dậy mạnh mẽ.
Phú Hữu Đất Mũi