Bạn tìm thông tin gì?

Dòng nước thải đen ngòm “bức tử” môi trường: Dân mang nước thối đi “chất vấn” lãnh đạo

Nhiều năm “kêu” nhưng không thấu, trong các cuộc làm việc với lãnh đạo địa phươg, người dân đã mang theo nước đen từ dòng khe để lãnh đạo “ngửi”.

Xả thải thẳng ra biển để tránh ô nhiễm

Ngày 19/7, liên quan đến vụ dòng nước thải đen ngòm từ trại nuôi tôm rộng 2,5 ha bốc mùi hôi thối nồng nặc tra tấn người dân, “bức tử” môi trường, ông Nguyễn Văn Nho – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, giải pháp trước mắt địa phương yêu cầu chủ hồ tôm đưa máy móc đến nạo vét, khơi thông lòng kênh (khe Chùa). Đồng thời để cho lượng nước thải từ hồ tôm ra khe Hóc ứ đọng bấy lâu nay cho chảy thẳng ra bãi biển Đông Hồi. Đây là giải pháp tạm thời để nước thải không bị lắng đọng ở các khu vực lòng kênh bốc mùi hôi thối. Doanh nghiệp cũng có hồ lắng chứa nước thải nhưng ít quá“.

977

Doanh nghiệp đưa máy khơi thông dòng nước để nước thải đổ thẳng ra biển để tránh ô nhiễm?

Cũng lãnh đạo UBND xã Quỳnh Lập, nước thải từ các hồ nuôi tôm không chứa các kim loại nặng, chỉ là do lắng đọng lâu ngày nên mới bốc mùi hôi thối, khiến người dân bức xúc.  Năm nào cũng phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã xử lý liên tục, xử phạt hàng chục triệu đồng.

Mang nước thải đi họp để lãnh đạo ngửi!

Trong khi đó ông Tô Huy Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cho hay:  Hiện thị xã đã thành lập đoàn để đi kiểm tra. Khu vực nuôi tôm trên thuộc Ban quản lý của Khu kinh tế Đông Nam nằm trong quy hoạch treo đã 10 năm nay.

UBND thị xã Hoàng Mai cùng vừa thành lập một tổ chỉ đạo, chia thành nhiều tổ nhỏ để làm việc liên quan đến các vấn đề như đất đai, môi trường, quy hoạch tại khu vực này.

10

Dòng khe Chùa nhuộm đen bởi nước thải, nhiều năm qua vẫn tra tấn người dân, bức tử môi trường.

Cũng theo ông Hùng, nhiều lần tiếp dân bà con mang luôn cả nước thối từ khe lên cho chúng tôi ngửi nữa. Họ bảo, ông Phó chủ tịch ông ngửi xem có chịu được không? Vấn đề sai phạm ở đây đã rõ nhưng đất thuộc quản lý của Khu kinh tế Đông Nam nên quá trình xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An xác nhận, khu vực nuôi tôm nói trên là nằm trong Khu kinh tế Đông Nam. Hiện nay họ đang xin mượn đất để đầu tư nuôi tôm và cam kết đảm bảo môi trường

7

Hình ảnh nước thải trong hồ các hồ chứa bằng đất.

Như Pháp luật Plus đã thông ti trước đó, những năm qua người dân xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vô cùng bức xúc trước thực trạng nước thải từ trại nuôi tôm rộng 2,5 ha trên thượng nguồn dòng khe Chùa đổ ra biển “bức tử” môi trường. Dòng nước thải đen ngòm hàng ngày tra tấn người dân, “đuổi” du khách khỏi bãi tắm.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên không hiểu vì sao suốt nhiều năm ròng rã người dân “kêu” nhưng không thấu, địa phương vẫn chưa có những biện pháp xử lý dứt điểm. Mỗi năm trại vẫn đều đặn vào vụ 2 lần, cũng là từng đó thời gian người dân phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Quang Phong – Nguồn: phapluatplus.vn

Trả lời