Bạn tìm thông tin gì?

Thấp thỏm nuôi tôm khi nắng nóng cao độ

cho tôm ăn
Nếu nắng nóng gay gắt cần giảm lượng thức ăn cho tôm nuôi để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định bước vào vụ nuôi tôm thứ 2 trong điều kiện bất lợi do nắng nóng cao độ, để tránh thất bại, người nuôi tuân thủ nghiêm cẩn khuyến cáo của ngành chức năng.

Nắng nóng dễ dẫn đến dịch bệnh

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, trong vụ 1/2020, toản tỉnh này có gần 2.000ha diện tích mặt nước được thả nuôi tôm; trong đó, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là hơn 406ha, diện tích nuôi tôm sú là hơn 1.553ha. Do ngay từ đầu năm tình hình thời tiết trên địa bàn Bình Định đã xảy ra nắng nóng gay gắt, khiến 38ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chiếm 2% diện tích nuôi tôm; trong đó, bệnh đốm trắng có 0,56ha; bệnh do môi trường 37,7ha. Tính đến nay, sản lượng tôm đã thu hoạch là 3.400 tấn, trong đó có hơn 3.185 tấn tôm thẻ chân trắng và tôm sú thu tỉa được hơn 214 tấn. 

Hiện nay, người nuôi tôm ở các địa phương trọng điểm nuôi tôm của Bình Định là các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn đã thả nuôi tôm vụ 2 được khoảng 220ha với đối tượng tôm thẻ chân trắng. Vụ tôm thứ 2 đang đối mặt với thời tiết bất thuận, do nắng nóng gay gắt nên dễ dẫn dịch bệnh đến với tôm nuôi.


Nắng nóng gay gắt gây bất thuận cho vụ tôm nuôi thứ 2 năm 2020 tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Nắng nóng làm ảnh hưởng đến nhiệt độ của nguồn nước trong ao nuôi, dẫn tới môi trường nước nuôi tôm bị biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi. Ví dụ như tôm thẻ chân trắng phù hợp với nhiệt độ từ 28 – 30 độ, nay nắng nóng gay gắt quá nên nhiệt độ trong nguồn nước nuôi tăng lên 32 – 34 độ rất dễ khiến tôm bị sốc, dẫn đến bị bệnh, nếu không được quản lý tốt sẽ bùng phát dịch trên diện rộng”, ông Nhân cho hay.

Cũng theo ông Nhân, để khắc phục sự biến động của nhiệt độ trong nguồn nước nuôi, trước mắt, người nuôi cần tăng cao mực nước trong ao nuôi. Nếu như bình thường mực nước trong ao nuôi có độ sâu từ 1 – 1,2m là đủ thì trong vụ 2 này mực nước trong ao nuôi cần tăng lên trên 1,2m thì mới làm giảm được biến động nhiệt độ trong nguồn nước nuôi.

Cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật

Đối mặt với nắng nóng cao độ kéo dài, người nuôi tôm ở Bình Định đang thấp thỏm bước vào vụ nuôi thứ 2 với nhiều lo âu. “Từ đầu năm, Sở NN – PTNT đã ban hành lịch thời vụ nuôi tôm cho cả 2 vụ, đồng thời khuyến cáo những vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tương đối ổn định thả nuôi vụ 2 với mật độ thưa, còn những vùng có cơ sở hạ tầng vùng nuôi kém thì nên vụ 2 là vụ phụ, nên thả nuôi tôm xen với nhiều đối tượng khác, để nếu nhiệt độ nguồn nước nuôi biến động mạnh thì tôm nuôi ít bị ảnh hưởng do mật độ thả nuôi thưa”, ông Nhân phân tích.


Người nuôi phải quan sát màu nước trong ao nuôi mỗi ngày để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện nắng nóng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN – PTNT huyện Tuy Phước, để đảm bảo hiệu quả cho vụ nuôi mới, ngành nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương hướng dẫn người nuôi tôm giảm mật độ thả nuôi từ 70 con/m2 xuống còn 30 – 40 con/m2 nhằm hạn chế dịch bệnh; đồng thời thả nuôi xen canh tôm, cua, cá.

Ông Nguyễn Minh Thiện, người sở hữu 2 ao nuôi tôm với diện tích 4.000m2 ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đang tuân thủ nghiêm cẩn khuyến cáo của ngành chức năng để tránh thiệt hại. “Vụ nuôi thứ 2 này tôi thả nuôi với mật độ 30 con/m2, đồng thời thả nuôi xen canh 2.000 con cua và 5.000 con cá kình. Do thời tiết nắng nóng nên cứ 2 – 3 ngày là tôi rắc vôi xuống ao nhằm tăng lượng canxi cho tôm, bổ sung chất khoáng, vitamin C trong thức ăn cho tôm nhằm giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, đảm bảo sinh trưởng”.


Người nuôi phải kiểm tra tôm nuôi mỗi ngày để “đọc” sức khỏe của tôm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Trần Anh Quang, người vừa thu hoạch xong tôm nuôi vụ 1 trong 3 ao nuôi tôm trải bạt với diện tích 4.000m2 cũng đã bước vào vụ nuôi thứ 2. Ông Quang khẳng định: “Thả nuôi mật độ thưa thì tôm sinh trưởng tốt hơn trong điều kiện nắng nóng gay gắt. Hiện tại tôm vụ 2 của tôi đã thả nuôi được 20 ngày, đang sinh trưởng tốt”.

Còn ông Phạm Tấn Hương ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đã  thả nuôi 150.000 con tôm thẻ chân trắng trong 3 ao nuôi có diện tích 2.400m2 thì chia sẻ: “Thời điểm này là mùa gió Nam, nước trong ao nuôi nóng ở trên mặt mà lạnh dưới đáy, tôi phải tăng cường chạy quạt đảo nước tạo oxy liên tục; đồng thời cứ 2 – 3 ngày phải thay nước ao để phòng ngừa dịch bệnh cho tôm”.

“Trong vụ 2 này, người nuôi tôm cần phải quan sát màu nước và quan sát tôm nuôi mỗi ngày để “đọc” sức khỏe của tôm. Đặc biệt, trong điều kiện nắng nóng cao độ như hiện nay, người nuôi cần tăng cường vitamin C để tôm đủ sức đề kháng chống chọi với nắng nóng. Nếu nắng nóng quá thì nên giảm lượng thức ăn cho tôm, đồng thời phải theo dõi dự báo của thời tiết để kịp thời điều chỉnh lượng nước trong ao nuôi cho phù hợp”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định.

Vũ Đình Thung Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời