Bạn tìm thông tin gì?

Con tôm ở Cần Giờ vẫn bấp bênh ‘đầu ra’

Đầu ra cho các HTX, hộ nuôi tôm ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) đang gặp không ít thách thức do ảnh hưởng dịch Covid-19. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có  liên kết với hệ thống phân phối hiện đại, chuyên nghiệp. Nhưng giải quyết như thế nào thì vẫn là điều mà người dân nơi đây đang trông chờ vào các cấp chính quyền.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, giá tôm giảm mạnh nên các hộ nuôi tôm ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) hạn chế đầu tư, hoạt động cầm chừng. Diện tích thả nuôi tôm là 3.715,5 ha, bằng 99,46% so với cùng kỳ. Diện tích thả nuôi tôm chỉ còn 3.700ha, thu hoạch hơn 2.200 tấn.

Đầu ra còn hạn chế

Năm ngoái, Cần Giờ có 1.715 hộ thả nuôi hơn 1 tỷ con tôm giống trên diện tích hơn 5.200ha. Sản lượng thu hoạch của huyện đạt hơn 8.500 tấn/năm, tương ứng giá trị sản xuất gần 1.800 tỷ đồng/năm, chiếm 70% tỷ trọng ngành nuôi trồng và chiếm trên 43% tỷ trọng toàn ngành thủy sản của TP.HCM.

HINH-1-1146-1594045124.jpg
Các HTX nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Giờ đang cần liên kết cho đầu ra ổn định (ảnh: TL)

Trước khó khăn về đầu ra, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng kiến nghị các sở, ngành của thành phố cần đánh giá, dự báo thị trường kịp thời để khuyến cáo nông dân tổ chức sản xuất phù hợp. Nhất là cần giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp lớn, có thị trường ổn định, có năng lực tổ chức chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực để nông dân, HTX an tâm sản xuất…

Để tháo gỡ khó khăn, các hộ nuôi, các HTX nuôi tôm ở Cần Giờ đang thúc đẩy liên kết, kết nối nhà nông với hệ thống phân phối hiện đại, chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, các hộ nuôi, HTX cũng đề nghị thành phố tạo cơ chế giúp các hộ nuôi tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp.

Theo lãnh đạo HTX Nông nghiệp Cần Giờ Tương Lai  (xã An Thới Đông, Cần Giờ), các hộ nuôi tôm vẫn chưa làm chủ, chưa an tâm nguồn con giống. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào sự linh hoạt tìm kiếm khách hàng của các hộ nuôi, các HTX.

Dù đầu ra bấp bênh nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Cần Giờ có nhiều hộ dân, HTX nuôi tôm vẫn đang theo đuổi các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để việc phát triển nghề nuôi tôm được bền vững hơn. Hiện thành phố đã xây dựng được 6 mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Giờ

Với kĩ thuật nuôi tôm mới, thời gian nuôi rút ngắn, rủi ro ít hơn, tôm nuôi đạt 3 tháng là có thể thu hoạch với sản lượng tới 40 đến 50 tấn tôm/ha/vụ. Đó là dự án nuôi tôm thâm canh trong hồ lót bạt HDPE mà HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông) được  thực hiện từ năm ngoái với mức đầu tư hơn 1 tỉ đồng.

Mong thúc đẩy liên kết

Đây là hình thức hỗ trợ theo tỉ lệ 7/3, nghĩa là HTX Thuận Yến bỏ ra 70% chi phí đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM bỏ ra 30% chi phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Chương trình này nhằm khuyến khích nông dân, HTX ứng dụng những mô hình nuôi tôm mới, đạt hiệu quả, năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình trình diễn “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” với quy mô 01 ha/02 hộ của HTX Thủy sản và Dịch vụ Duyên Hải (tại Ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ).

Ông Đặng Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Cần Giờ, cho biết, thông qua mô hình này, HTX Thủy sản và Dịch vụ Duyên Hải nên sát cánh với các hộ nuôi, cật nhật thông tin mới về kinh nghiệm thực tiễn, để xây dựng quy trình nuôi phù hợp, giúp nông dân phát triển ngành nghề, có cơ hội và điều kiện tham gia HTX. 

HINH-2-1320-1594045125.jpg
Các HTX cần sát cánh với hộ nuôi tôm (ảnh: TL)

Đồng thời, theo ông Út, HTX này nên xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên nói riêng và HTX nói chung.

Theo giới chuyên gia, vấn đề đầu ra sẽ quyết định mô hình sản xuất tôm công nghệ cao ở Cần Giờ. Thực tế, bà con nông dân nuôi tôm công nghệ cao đã có vốn lớn rồi. Họ cũng đủ kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết những sự cố xảy ra trong quá trình nuôi tôm. 

Vấn đề là đầu ra có đảm bảo hay không? Điều này rất cần sự kết nối giữa các hộ nuôi, HTX với doanh nghiệp thu mua để mở rộng đầu ra cho bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Mới đây, khi khảo sát hoạt động nuôi tôm nước lợ của một số HTX ở Cần Giờ, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, đã lưu ý cần có những biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho nông dân, HTX, nhất là vấn đề kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở Cần Giờ.

Thanh Loanhttps://thoibaokinhdoanh.vn/

Trả lời