Bạn tìm thông tin gì?

Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tôm đất bố mẹ

Tôm đất
Tôm đất hay tép bạc đất là đối tượng có giá trị kinh tế ở nước ta

Tôm đất là đối tượng thủy sản rất quan trọng về mặt giá trị dinh dưỡng, giá cả thị trường và lợi ích kinh tế, là loại thực phẩm có giá trị kinh tế, có chất lượng thịt cao cả về mặt hàng tươi sống và chế biến tôm khô.

Tôm đất (Metapenaeus ensis) có một số đặc điểm ưu việt như rộng muối, rộng nhiệt, phổ thức ăn rộng, có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi cao với sự biến động của môi trường, đặc biệt là độ mặn. Bên cạnh đó, tôm đất ít bị nhiễm bệnh hơn một số loài tôm khác và là một đối tượng nuôi tiềm năng để thay thế các loài tôm nói riêng và các loài thủy sản nước lợ mặn nói chung nhằm ổn định và phát triển sản lượng thủy sản trong điều kiện chất lượng môi trường đi xuống, dịch bệnh trong nuôi thủy sản đang rất phổ biến và ngày càng lan rộng.

Trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân như cường độ khai thác quá mức cho phép, ngư cụ khai thác không chọn lọc, môi trường ô nhiễm… nên nguồn giống tôm đất tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng, thậm chí không đủ cho các đầm nuôi quảng canh. Phát triển nghề nuôi tôm đất trên diện rộng là xu hướng cần thiết để giải quyết, khắc phục các khó khăn trên. 

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương vẫn chưa có quy trình nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ và sản xuất giống tôm đất. Kỹ thuật hiện đang sử dụng ở một vài trại giống nhỏ lẻ phát sinh từ những kinh nghiệm của người dân, ứng dụng quy trình đã xây dựng từ những năm 90 với nhiều hạn chế, trong đó tỷ lệ đẻ, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng tôm đất vẫn  còn thấp.

Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn và độ mặn đên tôm đất bố mẹ

Bố trí các nghiệm thức:

1. Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại thức ăn đến sự thành thục của tôm bố mẹ

Nghiệm thức 1 (NT1): Sử dụng thức ăn 100% giun nhiều tơ

Nghiệm thức 2 (NT2): Sử dụng thức ăn kết hợp 50% giun nhiều tơ  + 50% nhuyễn thể

Nghiệm thức 3 (NT3): Sử dụng thức ăn kết hợp 50% giun nhiều tơ + 50% giáp xác

Nghiệm thức 4 (NT4): Sử dụng thức ăn100% nhuyễn thể

Nghiệm thức 5 (NT5): Sử dụng thức ăn 100% giáp xác

Nghiệm thức 6 (NT6): Sử dụng thức ăn 50% nhuyễn thể + 50% giáp xác

Nghiệm thức 7 (NT7): Sử dụng thức ăn kết hợp 40% giun nhiều tơ + 30% nhuyễn  thể + 30% giáp xác.

2. Nghiên cứu ảnh hưởng của độ mặn đến sự thành thục của tôm bố mẹ

Nghiệm thức 1 (NT1): Tôm nuôi ở độ mặn 26‰

Nghiệm thức 2 (NT2): Tôm nuôi ở độ mặn 28‰

Nghiệm thức 3 (NT3): Tôm nuôi ở độ mặn 30‰

Nghiệm thức 4 (NT4): Tôm nuôi ở độ mặn 32‰

Nghiệm thức 5 (NT5): Tôm nuôi ở độ mặn 34‰.

Kết quả ở cho thấy, tỷ lệ thành thục ở nghiệm thức NT7, NT2 và NT1 đạt cao nhất, lần lượt là 81%, 80% và 79%. Tuy nhiên, Sức sinh sản tuyệt đối và sức sinh sản thực tế của tôm đất bố mẹ ở nghiệm thức 2 đạt cao nhất (lần lượt 12,8 vạn trứng/cá thể và 9,5 vạn trứng/lần đẻ/tôm mẹ), cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức còn lại. 

Kết quả thu được cho thấy sức sinh sản của tôm bố mẹ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các loại thức ăn khác nhau. Nghiệm thức 2 (50% giun nhiều tơ + 50% nhuyễn thể) cho tỷ lệ thành thục,sức sinh sản tuyệt đối và sức sinh sản thực tế cao nhất. 

NT1 và NT7 cho thời gian từ cắt mắt đến lần đẻ đầu ngắn nhất, số lần đẻ/ chu kì lột xác cao nhất, thời gian giữa 2 lần đẻ ngắn nhất. Nghiệm thức NT1, NT2, NT7 và NT3 cho tỉ lệ sống cao nhất. 

Trong thí nghiệm 2, tỷ lệ thành thục của tôm đất có sự khác nhau khi nuôi ở các thang độ mặn khác nhau (p < 0,05). Tỷ lệ thành thục đạt cao nhất ở nghiệm thức NT5 (độ mặn 34‰) với 80,7% và đạt thấp nhất ở nghiệm thức NT1 (độ mặn 26‰) với 69,0%. 

Sức sinh sản tuyệt đối của tôm đất cao nhất với 12,4 vạn trứng/ cá thể ở nghiệm thức NT5 (độ mặn 34‰) và thấp nhất ở nghiệm thức NT1 với 10,3 vạn trứng/ cá thể (p < 0,05).

Nuôi vỗ thành thục tôm đất bố mẹ ở độ mặn 30-34‰ cho tỷ lệ thành thục, sức sinh sản tuyệt đối, số lần đẻ/chu kì lột xác và sức sinh sản thực tế đạt cao nhất, thời gian từ khi cắt mắt đến lần đẻ đầu tiên ngắn nhất (3 ngày) và thời gian giữa 2 lần đẻ ngắn nhất (3,5 ngày). 

Theo nghiên cứu của Leung, (1997) về đặc điểm sinh sản của tôm đất thấy rằng độ mặn có ảnh hưởng lớn đến sự thành thục và đẻ trứng của tôm cái. Ở các vùng có độ mặn thấp, hầu hết tôm cái được tìm thấy đều ở giai đoạn chưa thành thục sinh dục, trong khi đó, tỷ lệ tôm cái thành thục sinh dục cao hơn nhiều ở các vùng có độ mặn từ 33- 34‰ (Crocos và cộng sự, 2001).

Tóm lại, trong quá trình vỗ thành thục tôm đất bố mẹ nên được cho ăn thức ăn kết hợp 50% giun nhiều tơ + 50% nhuyễn thể và nuôi ở độ mặn 34‰ để đạt tỷ lệ thành thục, sức sinh sản cao nhất.

Theo Tôn Nữ Mỹ Nga, Nguyễn Văn Dũng, Lê Thị Ngọc Huyền, Lê Văn Chí.
Như Huỳnh – https://tepbac.com/

Trả lời